13.1 C
London
Thứ Tư, Tháng Tư 2, 2025
Trang chủNữ ĐứcNữ Đức Vi Yếu - Chương Ba: Kính Thuận (P3)

Nữ Đức Vi Yếu – Chương Ba: Kính Thuận (P3)

Date:

Bài Viết Liên Quan

spot_imgspot_img

Nữ Đức Vi Yếu – Chương Ba: Kính Thuận (P3)

Nữ Đức Vi Yếu – Chương Ba: Kính Thuận (P3): Kính không có gì khác ngoài việc giữ được bền lâu, thuận không có gì khác ngoài việc có thể khoan dụ. Thế nào là giữ được bền lâu? Chính là biết dừng lại, biết đủ, biết đủ thường vui, an với bổn phận. Thế nào là khoan dụ? Chính là biết khoan dung, cung kính, khiêm hạ.

PHU KÍNH PHI THA, TRÌ CỬU CHI VỊ DÃ; PHU THUẬN PHI THA, KHOAN DỤ CHI VỊ DÃ. TRÌ CỬU GIẢ, TRI CHỈ TÚC DÃ, KHOAN DỤ GIẢ, THƯỢNG CUNG HẠ DÃ

(Tạm dịch: Kính không có gì khác ngoài việc giữ được bền lâu, thuận không có gì khác ngoài việc có thể khoan dụ. Thế nào là giữ được bền lâu? Chính là biết dừng lại, biết đủ, biết đủ thường vui, an với bổn phận. Thế nào là khoan dụ? Chính là biết khoan dung, cung kính, khiêm hạ)

  Câu này có nghĩa là tâm cung kính không có gì khác ngoài việc giữ được bền lâu. Thuận không có gì khác ngoài việc có thể khoan dụ. Thế nào là giữ được bền lâu? Chính là biết dừng lại, biết đủ, biết đủ thường vui, an với bổn phận. Thế nào là khoan dụ? Chính là biết khoan dung, cung kính, khiêm hạ.

Trong Tiên Chú của Vương Tương có câu: “Sự bền lâu của đạo vợ chồng không phải là sự cung kính nhất thời mà có thể cung kính bền lâu, làm đến bạc đầu mà không mỏi. Cũng chẳng phải là cái thuận nhất thời, khoan dụ ôn hòa, nhẫn nại, nhu thuận. Cần biết đủ, an phận, đối với chồng không có tâm mong cầu hoàn hảo mà có thể kính trọng lâu dài. Làm được khoan dung, nhu hòa, cung kính, khiêm hạ đối với chồng, làm đến mức ấy mà vẫn thuận được bền lâu thì xem như giữ vẹn được đạo “kính”, “thuận” vậy”.

Nữ Đức Vi Yếu – Chương Ba: Kính Thuận (P3)
Nữ Đức Vi Yếu – Chương Ba: Kính Thuận (P3)

Nếu chúng ta không thể gìn giữ sự “kính”, “thuận” lâu dài là do tâm của chúng ta không đủ lớn, có một số việc nhìn không thông thoáng được. Vậy phải làm thế nào? Không ngừng học tập. Khi có vấn đề khiến bạn không thể nhìn thông thoáng thì đó chính là cơ hội để nâng cao bản thân. Giống như muốn tốt nghiệp Tiểu Học thì cần phải thi, muốn tốt nghiệp Trung Học cũng cần phải thi. Lúc làm bài thi thì không thể bỏ thi, bỏ thi thì ở lại lớp, không nâng cao lên được. Đối diện với bài thi cần phải thản nhiên nghênh tiếp, cần nóng giận thì nóng giận, cần tức giận thì tức giận, thế nhưng khi trả lại bài thi thì phải suy xét xem tại sao lại có vấn đề như vậy. Làm thế nào để vượt qua? Sau khi đã nâng cao được bản thân, đứng ở trên cao nhìn xuống cái vấn đề đó, dùng tâm thanh tịnh mà nhìn thì sẽ dễ dàng giải quyết được vấn đề.

Nếu muốn giữ gìn được tâm cung kính lâu bền thì người phụ nữ đó trừ khi thiên tánh vô cùng thuần hậu, thiên tánh và bản tánh phải rất tốt, nếu không phải được giáo dục. Lúc nhỏ cần phải được mẹ dạy dỗ. Khi lớn lên, chính mình dạy chính mình. Lúc được gả vào nhà người thì người chồng cũng cần phải dạy. Sau khi sinh con thì cùng với con học tập, người dạy và người học cùng nhau tiến bộ. Dùng sự giáo dục này cả một đời thì tâm của bạn mới có thể giữ được bền lâu. Thế nên, “kính” cũng do dạy mà ra, bất kính là do không có người dạy nên mới phóng túng, không có người ở bên cạnh như chồng và bạn bè nhắc nhở, bảo ban.

Trong xã hội hiện nay muốn tìm một người bạn tốt có ích, có thể chân thành bảo ban chúng ta làm thế nào thay đổi để nhân cách hoàn thiện, phẩm hạnh được nâng cao, đức hạnh viên mãn thì không tìm ra được người như vậy. Chúng ta xem sách cũng xem không hiểu, cảm thấy cuốn sách này là nói cô gái kia. Cô ấy chưa làm được tốt, cho dù xem xong rồi thì đều cảm thấy là nói về người khác, còn mình thì rất tốt, không có liên quan gì cả. Hiện nay cha mẹ cũng không biết dạy, lại xem thấy truyền hình, báo chí, tạp chí cũng không dạy điều này, mà ngược lại còn dạy sự bất kính, bất thuận, làm thế nào để khẳng định đề cao bản thân, làm thế nào để được tự do tự tại, làm thế nào để bản thân hưởng thụ là trên hết. Thế nên, chúng ta trước mắt cần tĩnh tâm lại, nếu như phát hiện có người đồng đạo thì cùng nhau giao lưu, cùng nhau nâng cao. Nâng cao một khoảng thời gian thì cảm thấy người đó và mình có sự khác biệt thì cũng không sao cả mà chúng ta tiếp tục nâng cao. Giống như tàu con thoi vậy, khi tàu không gian con thoi bay lên một cự ly cao hơn thì các ống tên lửa sẽ rơi xuống dần. Khi chúng ta nâng cao lên từ từ thì bên cạnh mình sẽ có một số người theo không kịp. Bạn không cần kéo họ theo. Trước tiên, bạn hãy thành tựu chính mình đi rồi tính. Bạn thành tựu rồi thì sẽ quay về giúp đỡ người khác, có thể bao dung người trong thiên hạ.

Có những người thật sự không thể tiếp nhận bất kỳ câu nói nào, không xem đĩa, không xem sách, nói lời nào cũng chẳng nghe, chỉ biết có tiền, cho rằng có tiền để mua túi LV, sống ở biệt thự lớn, đi xe sang là mục tiêu duy nhất của cuộc đời, những chuyện còn lại đều để ngoài tai. Khi gặp những người như vậy ở xung quanh chúng ta, chúng ta đừng tức giận họ, cũng đừng cảm thấy rằng họ có chỗ nào đại nghịch bất đạo vì trong Kinh đã nói: “Người trước chẳng thiện, không hiểu đạo đức là do không có người dạy. Đừng trách họ!”. Nếu như chúng ta gặp người như vậy thì nhớ lấy câu của Khổng Tử: “Trong ba người cùng đi ắt có người là thầy của ta”. Trong ba người này, có một người là vị thầy dạy bạn hướng thiện. Một người là vị thầy thị hiện ra hành vi ác nhằm nhắc nhở chúng ta đừng tạo ác. Vị còn lại chính là mình. Mình cũng là thầy của chính mình. Nếu như họ là vị thầy thể hiện ra hành vi ác thì có thể xung quanh chúng ta có rất nhiều vị thầy như vậy. Chúng ta phải sinh khởi tâm cảm ân, phản tỉnh lại chính mình đừng để trở nên bất hảo như thế.

“Phu thuận phi tha, khoan dụ chi vị dã”, khoan dụ là nói về tâm địa, có câu “tâm lớn, lượng lớn, phước báo lớn”, tâm lượng không đủ lớn thì phước báo sẽ không lớn. Cho nên, cổ đức có nói: “Có tâm khoan dung thì đức mới lớn, có tâm nhẫn nại thì sự mới thành”, câu nói này xuất phát từ sách “Thượng Thư”. Chúng ta thông thường vì sao tâm không rộng lớn? Là vì chỉ chú ý vào những việc nhỏ nhặt chẳng đáng kể trước mắt. Nếu như phụ nữ có tầm nhìn thoáng rộng thì tấm lòng sẽ rộng mở, sẽ không bị giới hạn bởi những sự việc lặt vặt, nhỏ nhặt trong nhà mà nhìn không thông, buông không xuống. Ví dụ, nếu như chúng ta lập chí nuôi dạy con trở thành những nhân vật Thánh Hiền như Khổng Tử, Mạnh Tử, những nhân vật lãnh đạo với hy vọng chúng trở thành người giúp quốc gia thành tựu, hoặc bồi dưỡng ra một vị thầy văn hóa truyền thống ưu tú, nếu chúng ta có chí hướng như vậy thì đối với những việc nhỏ nhặt lúc bình thời chúng ta sẽ dễ dàng buông xuống, sẽ dễ làm được “thuận”, sẽ không tính toán so đo mà sẽ làm ra tấm gương cho con cái. Ví dụ như khi tôi khởi phiền não thì con của tôi biết an ủi tôi, khiến tôi ngược lại cảm thấy xấu hổ. Nó nói rằng: “Mẹ ơi! Đừng nên tính toán! Hãy nhìn thoáng một tí!”. Thế nên, người làm mẹ cần có tầm mắt xa rộng.

Giữ được bền lâu hay không là bởi hai từ “chỉ túc”. “Chỉ túc” là gì? Trong cuộc sống bình thường, ví dụ như giữa hai vợ chồng nói chuyện với nhau, nếu như đột nhiên có lời nào không trúng ý mình thì sau đó sẽ đem những lời oán trách tích chứa bao nhiêu năm mà lôi ra, cứ như vậy mà từ từ gây nên chiến tranh. Thế nên biết dừng là tốt. Khi không biết dừng thì không thể khống chế cơn nóng giận của mình, không khống chế được cảm xúc của mình, rất là phiền phức. Chúng ta sẽ thốt ra những lời không nên nói và làm ra những việc quá đáng. Những lời đã thốt ra thì giống như nước đã bị hất ra sẽ rất khó thâu trở lại. Nếu như nổi tức giận thì phải làm sao? Chỉ cần bạn hạ quyết tâm sửa đổi, mỗi lần gặp phải tình huống khiến nổi giận phải lập tức ngưng nói ngay, hoặc bỏ đi chỗ khác, hoặc không tiếp tục nói nữa, sau đó từ từ điều chỉnh cơn nóng giận của mình xuống. Khi đã nghĩ thông suốt rồi thì hãy đối mặt tiếp tục, phải giữ cho tâm bình khí hòa rồi mới tiếp tục trao đổi với nhau. Nếu như cứ phải cãi cho ra ngô ra khoai thì vấn đề sẽ càng ngày càng lớn, ai đúng ai sai đây. Kỳ thật không có đúng sai. Bạn chấp một câu. Anh ấy chấp vào cái lý của anh ấy. Mỗi người có lý của riêng mình. Tranh nhau như vậy không phải là việc tốt. Khi chung sống với chồng, nếu như phát hiện trong tâm có sự ngăn cách, khi bạn chê chồng có chỗ không đúng, cha mẹ chồng có chỗ không đúng thì trước hết bản thân phải ngăn cái tâm đó của mình lại, đừng để cỏ càng mọc càng cao. Làm sao để ngăn chặn? Phải trao đổi, trò chuyện với chồng để hiểu rõ, cần kịp thời loại trừ sự ngăn cách, nếu không thì lỗi nhỏ trong tâm sẽ biến thành lỗi lớn, khi oán nhỏ tích chứa lâu dần trở thành oán thù thâm sâu. Bạn muốn nhổ bỏ nó sẽ không biết nhổ bỏ từ đâu. Lâu dần sẽ tạo ra từ trường không tốt giữa hai vợ chồng.

Mọi người đều biết cuốn sách “Nước biết câu trả lời” của tiến sĩ Giang Bổn Thắng. Từ thí nghiệm nước của ông, chúng ta biết nước tiếp nhận được thông tin. Kỳ thật giữa người và người với nhau cũng như thế. Bạn không cần nói những lời không tốt lành với anh ấy. Nếu như mỗi ngày trong tâm của bạn có ý niệm oán trách anh ấy thì khi đối mặt anh ấy sẽ cảm thấy rất khó chịu khi nhìn thấy bạn. Bạn đương nhiên sẽ nhìn anh ấy càng thấy khó chịu hơn. Điều này không thể giả vờ được, huống chi là hai vợ chồng ngày ngày gặp mặt nhau thì sao có thể giả vờ tốt đẹp với nhau được chứ.

Trong quá trình học tập, tôi có thể hội sâu sắc nhất là mâu thuẫn giữa hai vợ chồng cần phải được kịp thời hóa giải. Nếu như bạn đã câu thông với anh ấy, đã hiểu rõ suy nghĩ của anh ấy, bạn sẽ cảm thấy nhẹ lòng. Bởi vì hai người sống chung với nhau sẽ có một số thói quen về ăn uống, sinh hoạt, đối người, tiếp vật và cách nhìn không hoàn toàn giống nhau. Ví dụ như tôi và chồng tôi, anh ấy mỗi ngày thích ăn thịt, còn tôi từ nhỏ thích ăn uống thanh đạm. Khi chúng tôi đi ra ngoài ăn cơm là tôi sẽ tức giận bởi vì anh ấy chọn món ăn toàn là gà, vịt, thịt, cá. Tôi vừa nhìn thấy không có món nào mình ăn được sẽ sinh tức giận. Tôi nghĩ, rõ ràng anh ấy biết tôi không ăn những thứ này nhưng anh ấy vẫn ở đó ăn hết sức vui vẻ, còn hỏi: “Sao em không ăn?”. Tôi tức giận nói với anh ấy là: “Anh biết em không ăn những món này mà”. Anh ấy nói: “Em không nói thì anh làm sao biết được nên gọi món nào cho em”. Vì những điều này mà xảy ra xung đột kịch liệt. Sau này nghĩ lại thật không cần thiết chút nào, dần dần tôi đã buông xuống được, muốn ăn món gì thì tự mình chọn. Con người ta không nên quá kén chọn, cho dù là vợ chồng thì anh ấy không thể đi guốc trong bụng của bạn được, vẫn cần phải trao đổi, thông cảm với nhau.

Trong “Liễu Phàm Tứ Huấn” có một câu nói khiến tôi có một ấn tượng rất sâu sắc. Đó là: “Nước trong sẽ không có cá”, tức là đối với những người xung quanh chúng ta xét nét quá thì sẽ không có bạn bè, sẽ không có người nào có thể có tiếng nói chung với bạn bởi vì bạn không hiểu cho ai cả, cứ cho mình là đúng, còn những người khác đều là sai. Chậu nước đó của bạn sạch sẽ quá, ngay cả một con cá nhỏ cũng không nuôi nổi, vậy thì con của bạn cũng nuôi không nổi, không sinh ra vạn vật được. “Đất tuy dơ nhưng sinh vạn vật”, bạn xem mặt đất tuy ô uế nhưng có thể sinh dưỡng ra vạn vật. Đó chính là sự bao dung. Thế nên, trong cuộc sống, hai vợ chồng nhất định cần phối hợp với nhau như các bánh răng của dây chuyền. Phụ nữ nên phối hợp với nam giới. Bạn không nên để cho một người đàn ông “vai năm tấc rộng, thân mười thước cao” khom xuống nghe theo chị em phụ nữ được, như thế chẳng ra dáng nam nhi. Là phụ nữ, chúng ta cần phải biết xử sự uyển chuyển, linh hoạt, biết tùy thuận. Kỳ thực đây cũng chính là đức tính “thượng thiện nhược thủy” (tốt đẹp như nước) quan trọng trong Nữ Đức. Hãy học tập như nước thì cuộc sống sẽ ngày càng hạnh phúc.

PHU PHỤ CHI HẢO, CHUNG THÂN BẤT LY, PHÒNG THẤT CHU HOÀN, TOẠI SANH TIẾT ĐỘC – CHƯƠNG KÍNH THUẬN

(Tạm dịch: Tình yêu thương giữa vợ và chồng phải giữ được cho đến trọn đời. Vợ chồng chung sống với nhau dưới một mái nhà, lâu ngày chầy tháng sự thân mật đùa giỡn thái quá sẽ trở thành tâm khinh mạn)

Vợ chồng tuy rất ân ái nhưng nếu như cả đời không rời nhau, cả ngày ở trong phòng mặt đối mặt tới lui với nhau thì sẽ sinh ra khinh mạn. “Tiết” có nghĩa là bỡn cợt, “độc” nghĩa là trái nghịch. “Tiết” là biểu hiện ở bên ngoài đối với chồng không tôn trọng. “Độc” là biểu hiện ở trong tâm, có cảm giác chống trái với chồng. Hễ có tâm đối lập đối với chồng thì chính mình đã đem chương thứ nhất là Ti Nhượcbỏ đi rồi, đã quên mất rồi, đã không khiêm hạ thì sẽ không nhu thuận, giọng điệu lời nói sẽ từ từ lớn tiếng, thế nào rồi cũng đóng cửa cãi nhau. Đối với lời chồng nói thì xem thường, đối với việc anh ấy làm cũng đều coi khinh, cho dù sự nghiệp bên ngoài có lớn đến đâu thì cũng cho rằng do có cơ hội tốt, không cảm nhận được sự vất vả của chồng. Việc này là do thời gian lâu dần cái tâm cung kính của chính mình bị mai một, tâm ngạo mạn được nuôi lớn. Đó là lý do vì sao chương mở đầu của sách yêu cầu phụ nữ cần học tính khiêm hạ. Đây không phải là quan điểm của Ban Chiêu, mà là lời dạy của cổ Thánh tiên Hiền, giống như Khổng Tử nói: “Thuật nhi bất tác”, chỉ đơn giản tường thuật lại thôi, không có sự sáng tác của chính mình.

Chương Ba: Kính Thuận (P3)
Chương Ba: Kính Thuận (P3)

Người xưa vì sao xem trọng việc giáo dục sự khiêm hạ của phụ nữ? Vào thời xưa mới sinh con gái được ba ngày thì đã làm biểu pháp cho nó thấy. Trong ba ngày này, đứa bé gái đó không biết gì cả. Trẻ sơ sinh còn lờ mờ chưa hiểu chuyện gì thì đã truyền thụ cái ý thức này cho nó, làm biểu pháp thực tế. Có phải là biểu pháp cho đứa bé gái này xem không? Không phải, đứa trẻ mới sinh ba ngày thì biết gì chứ? Chủ yếu là biểu pháp cho mẹ của nó xem để biết cái tôn chỉ giáo dục bất biến quan trọng nhất của người làm mẹ đối với con gái là gì. Chính là dạy nó khiêm hạ, dạy nó nhu thuận. Nếu như không dạy nó bốn chữ này thì cho dù học vấn của nó có cao đến đâu, năng lực có giỏi đến đâu, nấu ăn có ngon đến đâu, làm việc nhà có tốt đến đâu cũng không đáng gì cả. Sau khi nó lập gia đình thì quả thật là trời long đất lở, vợ chồng bất hòa, sẽ khiến cho mẹ ruột mất mặt, tục ngữ gọi là: “Không có gia giáo”. Thế nên đã làm ra việc này cho người mẹ xem, để người làm mẹ hiểu được điều này.

Chúng ta thường ngày nếu như cùng ở cạnh chồng trong thời gian lâu thì phải luôn luôn có tâm cảnh giác xem chính mình có sinh ra tâm ngạo mạn hay không, tâm khiêm hạ cung kính chồng có hay không. Nếu như không có thì bạn phải bồi dưỡng, hãy nghe bài hát “Chồng ơi! Anh vất vả rồi!” xem coi họ tán thán người chồng như thế nào, lập tức đem những thứ cỏ dại trong tâm nhổ bỏ đi, sau đó lắng lòng nghĩ đến ân nghĩa của chồng đối với chính mình và gia đình này, phản tỉnh chính mình. Làm như vậy sẽ khiến tâm khiêm hạ của chính mình có thể giữ được dài lâu.

TIẾT ĐỘC KÝ SINH, NGỮ NGÔN QUÁ HĨ, NGỮ NGÔN KÝ QUÁ, TÚNG TỨ TẤT TÁC, TÚNG TỨ KÝ TÁC, TẮC VŨ PHU CHI TÂM SINH HĨ, THỬ DO Ư BẤT TRI CHỈ TÚC GIẢ DÃ.

(Tạm dịch: Đã sinh tâm khinh mạn thì ngôn ngữ sẽ thành bất kính. Khi lời nói đã bất kính thì hành vi sẽ phóng túng. Hành vi một khi đã phóng túng thì nào tránh khỏi việc xúc phạm chồng. Đây đều do không biết lẽ chừng mực, không biết tri túc an phận, phóng túng do nết cang cường mà ra)

“Tiết” là bất kính, “độc” là bất thuận, nếu như sinh tâm bất kính, bất thuận thì thế nào? Lời nói sẽ dễ trở nên quá đáng. Một khi nói lời quá đáng thì về mặt ngôn ngữ, cử chỉ sẽ dễ có thái độ quá đáng. Một khi đã làm ra hành động và lời nói như thế thì tâm xúc phạm chồng nhất định sẽ sinh ra. Điều này là do căn bản không biết dừng lại, chỉ biết cầu toàn chê trách, không an bổn phận mà tự tung tự tác, không biết đạo lý kính trọng chồng.

Trong quá trình học tập, khi tôi giảng về chữ “nhẫn” thì trước tiên phải giảng về “miệng phải nhẫn”, nói một cách khác chính là “thận ngôn”. “Thận ngôn” tức nói chuyện không thể không cẩn thận. Nếu bạn nói chuyện không cẩn thận thì luôn luôn sẽ là những lời quá đáng. Khi đã nói ra lời như vậy, cái miệng sẽ không còn là cánh cửa nữa mà sẽ thao thao bất tuyệt. Thế nên, “miệng là cửa ngõ họa phước”. Tai họa trong gia đình là từ miệng mà ra. Bạn không nói càng tốt, ngăn nó lại, thời gian lâu dần thì chính mình không còn nhớ lời nói đó nữa. Còn nếu như bạn nói mỗi ngày thì mỗi ngày đều nói cường điệu hơn, mỗi ngày đều ghi nhớ cái lỗi đó. Cho nên, khi chung sống với chồng thì quan trọng là bớt lời nói. Tôi trước đây không biết cách ăn nói, tính tình thẳng thắn, thấy là nói ra, còn cho đó là ưu điểm, cảm thấy làm người không cần thảo mai như vậy, nhìn thấy điều gì không tốt thì phải chỉ ngay ra. Hiện nay, thông qua học tập văn hóa truyền thống, tôi dần dần hiểu ra rằng nếu nói chuyện không khế cơ thì sẽ kết oán với người. Đó không hề là ưu điểm. Thế nên, nếu như không biết cách ăn nói thì chi bằng đừng nói, “thận ngôn bất như quả ngữ” (cẩn trọng lời nói không bằng ít lời), tốt nhất là đừng nói.

Trong “Đệ Tử Quy” có câu: “Nói nhiều lời, không bằng ít”, tốt nhất là đừng nói, trừ khi chồng có vấn đề lớn, đồng thời đích thân tìm đến bạn để nói chuyện. Chúng ta làm vợ thì nên đưa ra một vài kiến nghị, còn lúc bình thời thì lấy câu “phản cầu chư kỷ” (xét lại chính mình) làm nguyên tắc chỉ đạo tối cao. Đối với những người xung quanh, người thân trong gia đình, đặc biệt là gia đình chồng, cha mẹ chồng, anh chị em chồng nhất định đừng nên phê bình, chỉ trích. Nếu bạn muốn khen ngợi họ thì lời khen phải phát xuất từ nội tâm, nếu muốn nói thì nói, nếu không muốn nói thì theo tôi là không nói cũng tốt. Bởi vì tôi đã học được một bài học. Có một lần do kích động tôi khen người nào đó rất tốt. Hai ngày sau thì người ấy làm ra việc khiến tôi đau lòng. Tôi vừa định đi nói thì bị chồng tôi ngăn lại nói: “Cách đây hai hôm còn khen người ta tốt, qua hai ngày thì trở mặt rồi”. Đúng là tự mình vả vào mặt mình! Vì vậy, lời tán thán cũng không nói. Họ tốt cũng được, không tốt cũng được, nếu như không có liên quan gì đến mình thì cứ đóng cửa ở nhà học tập, đọc sách, dạy con cho tốt, tận bổn phận làm vợ, làm mẹ là được rồi, không nên quản nhiều việc, bớt tham dự, nếu không thì lời nói sẽ rước họa vào thân. Đối với người nhà, đặc biệt là người bên nhà chồng, khi chúng ta cùng ở chung thì “lễ” rất quan trọng. Cái “lễ” này mọi người cần nhớ rằng trước tiên về mặt ngôn ngữ cần phải thận ngôn (ăn nói cẩn thận), nói ít lời.

Lời dạy xưa có câu: “Ngôn nhi trúng tiết, khả dĩ miễn hối, ngôn bất đương lý, họa tất tòng chi”. “Ngôn nhi trúng tiết” có nghĩa là lời nói trung dung, có tiết chế thì sẽ tránh được những sự việc gây hối hận về sau. “Ngôn bất đương lý, họa bất tòng chi” nghĩa là nói lời không có đạo lý thì họa sẽ đi theo sau. Thế nên, lúc bình thường đối với lời nói cần hết sức chú ý, đừng cho rằng người có sao nói vậy là người tốt, không biết rằng mình đã đắc tội với người khác. Tôi có một người bạn ăn nói rất thẳng thắn. Tôi còn nhớ năm đó tôi sắp thi nghiên cứu sinh, ở nhà chuẩn bị thi. Anh bạn này đến nhà thăm tôi, đã nói với tôi một câu rằng: “Người như chị mà thi nghiên cứu sinh sao? Có thể thi đậu hay không?”. Lúc anh ấy nói xong câu này tôi đã sững sờ, không biết nên đáp lời thế nào nên đã không trả lời. Tuy rằng, lời nói này làm tổn thương tôi nhưng dù sao nó cũng đã khích lệ tôi đỗ đầu kỳ thi nghiên cứu sinh. Cho nên, con người nên học sống trong thế giới cảm ân. ôi xin chia sẻ với mọi người bài thơ dưới đây:

Hãy cám ơn người đã làm hại bạn, vì họ giúp bạn tôi luyện tâm chí.

Hãy cám ơn người đã lừa gạt bạn, vì họ giúp bạn tăng trưởng kiến thức.

Hãy cám ơn người đã đánh đập bạn, vì họ giúp bạn tiêu trừ nghiệp chướng.

Hãy cám ơn người đã bỏ rơi bạn, vì họ giúp bạn học cách tự lập.

Hãy cám ơn người đã làm bạn vấp ngã, vì họ khiến cho năng lực của bạn thêm mạnh mẽ.

Hãy cám ơn người đã khiển trách bạn, vì họ giúp trí huệ của bạn được tăng trưởng.

Hãy cám ơn tất cả mọi người đã giúp bạn kiên định và thành tựu, giúp bạn đạt được hạnh phúc và niềm vui chân thật!

Đối với những người làm mình tổn thương, bạn đừng ghim trong lòng. Nếu ghim trong lòng thì sẽ làm bạn thêm thương tổn, ngược lại hãy chuyển hóa nó thành động lực. Thế nên người mà biết trưởng thành trong nghịch cảnh là người có trí tuệ nhất.

TÚNG TỨ TẤT TÁC, TẮC VŨ PHU CHI TÂM SANH HĨ

(Tạm dịch: Hành vi một khi đã phóng túng thì nào tránh khỏi việc xúc phạm chồng.)

Ý của câu này là lời nói, vẻ mặt, cử chỉ, động tác và thái độ biểu hiện ra sự phóng túng, đối với chồng không có tâm cung kính thì bạn đã xem thường, khinh mạn chồng của mình rồi. Trên thực tế, xem thường chồng chính là xem thường bản thân. Bởi vì vợ chồng là người một nhà nên bạn đã chọn anh ấy mà nếu anh ấy không ra gì thì bạn cũng không ra gì. Thế nên bạn cần tôn trọng, tôn kính anh ấy, cũng là tôn trọng chính mình. Chúng ta, nhất là phụ nữ bình thường cấn chú ý đến lời nói, động tác, kể cả âm thanh và sắc mặt. Phụ nữ cần biết tri túc, đừng cầu toàn than trách, phải biết an phận thủ thường. Đối với các lỗi lầm của phụ nữ như không biết đủ, quá xét nét việc nhỏ nhặt chúng ta cần phải hết sức chú ý.

PHẬT TỬ THẤY TỐT, CÓ ÍCH CHO NGƯỜI CHO MÌNH XIN CHIA SẺ BÀI VIẾT
NAM MÔ QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT
Ngưỡng nguyện Đức Bồ-tát Quán Thế Âm gia hộ cho kẻ mù Được thấy, kẻ Điếc Được nghe, người Đau khổ Được an vui.
--------------------------------------
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Nam Mô A Di Đà Phật
--------------------------------------

Subscribe

- Never miss a story with notifications

- Gain full access to our premium content

- Browse free from up to 5 devices at once

Bái viết mới nhất

spot_img