Đệ Tử Quy Chương IV: “Phàm Nói Ra, Tín Trước Tiên”
Đệ Tử Quy Chương IV: TÍN: “Phàm Nói Ra, Tín Trước Tiên”. Chúng ta nói thì phải giữ lời. Đối với lời của mình đã nói ra tuyệt đối phải nhớ ở trong lòng, phải thực hành, phải thực hiện.
CHƯƠNG THỨ TƯ
TÍN
4.1 Kinh văn – Đệ Tử Quy
“Phàm xuất ngôn, tín vi tiên. Trá dữ vọng, hề khả yên. Thoại thuyết đa, bất như thiểu. Duy kỳ thị, vật nịch xảo. Gian xảo ngữ, uế ô từ. Thị tỉnh khí, thiết giới chi”.
“Phàm nói ra, tín trước tiên. Lời dối trá, sao nói được. Nói nhiều lời, không bằng ít. Phải nói thật, chớ xảo nịnh. Lời gian xảo, từ bẩn thỉu, thói tầm thường, phải trừ bỏ”.
4.1.1 “Phàm nói ra, tín trước tiên”
Chúng ta nói thì phải giữ lời. Đối với lời của mình đã nói ra tuyệt đối phải nhớ ở trong lòng, phải thực hành, phải thực hiện.
Vào thời Xuân Thu có một người tên là Quý Trát người nước Ngô. Có một lần, nhà vua sai ông đi sứ sang nước Lỗ. Trên đường đi, Quý Trát phải đi qua nước Từ. Vào thời Xuân Thu có rất nhiều quốc gia, gọi là “tám trăm chư hầu”. Vì vậy, ông cũng phải đi qua một số nước thì mới đến được nước Từ.
Vua của nước Từ mời Quý Trát dùng cơm, mở tiệc chiêu đãi ông. Khi ông ngồi xuống dùng cơm, vua nước Từ không nhìn mặt Quý Trát mà luôn nhìn chằm chằm vào thanh bảo kiếm ông mang trên người. Bởi vì thanh bảo kiếm đó rất đẹp, nên vua nước Từ không giấu được sự yêu thích thanh bảo kiếm đó. Trong lòng Quý Trát liền nghĩ: “Nhà vua rất thích thanh bảo kiếm này của mình”.
Nhưng ngày xưa thanh bảo kiếm tượng trưng cho thân phận, vì vậy mang thanh kiếm này đi sứ sang nước khác là lễ nghi bắt buộc, nên lúc đó ông không thể tặng cho nhà vua, mà phải đợi đến khi hoàn thành xong nhiệm vụ mới có thể tặng cho vua được. Trong lòng Quý Trát khởi lên ý nghĩ như vậy.
Sau khi đi sứ sang nước Lỗ suôn sẻ trở về đi ngang qua nước Từ, ông liền đi bái phỏng vua nước Từ, định đem tặng thanh bảo kiếm cho vua. Thật không may, vua nước Từ đã băng hà. Quý Trát biết được liền đến trước ngôi mộ của vua cúng tế. Cúng tế xong, ông treo thanh bảo kiếm lên cây cạnh bên ngôi mộ rồi ra về.
Đoàn tùy tùng liền hỏi ông: “Thưa đại nhân! Ngài làm vậy có quá không, bởi vì Ngài chưa từng hứa tặng thanh kiếm này cho vua của nước Từ? Hơn nữa, dù cho Ngài có hứa tặng cho vua nhưng vua cũng đã chết rồi”.
Quý Trát liền nói với thuộc hạ của mình: “Trong lòng ta đã hứa tặng cho vua từ lâu rồi, sao có thể vì ông ấy chết mà ta làm trái với lòng ta?”. Ông nói một câu rất cảm động: “Thỉ ngô tâm dĩ hứa chi, khởi dĩ tử bồi ngô tâm tai?” (sao có thể lấy lý do chết để làm trái với lòng của ta, làm trái với lời hứa của ta?).
Vì vậy, chữ “tín” của người xưa không chỉ ở trong ngôn ngữ, mà ngay cả trong ý nghĩ trước đây của mình, họ cũng không muốn làm trái; họ không muốn phản bội người khác, cũng không muốn làm trái với lương tâm mình. Nhìn thấy người xưa như vậy, chúng ta cần phải cố gắng học tập theo họ.
Cách đây hai năm, tôi có ở nhà cô Dương Thục Phương nửa năm. Có một buổi sáng cô nói với tôi: “Hôm qua cô nằm mộng thấy cô đi đến một cái hầm rất sâu. Trong hầm là một mảng tối đen. Khi đi vào thì thấy có rất nhiều tủ sách. Mở tủ sách ra, trên mỗi quyển sách là một lớp bụi khá dày. Phủi lớp bụi đó thì thấy đó là Tứ Thư, Ngũ Kinh”.
Cô Dương nằm mơ như vậy. Cô liền khởi lên ý nghĩ: “Cuộc đời này nhất định phải hết mình hoằng dương văn hóa”. Bởi vì có ý nghĩ như vậy, nên cô không muốn làm trái với tâm niệm này. Sau đó có cơ hội đến Hải Khẩu để phát triển, cô dẫn tôi đi cùng. Đi đến thành phố Khúc Phụ, tỉnh Sơn Đông, cô càng nhận thức được văn hóa đã bị sa sút quá trầm trọng.
Vì vậy ở Bắc Kinh, cô lập trang web “Đại Phương Quảng Văn Hóa Công Ích”. Chữ “tín” mà cô giữ không phải là giấy trắng mực đen, cũng không phải là lời hứa với bất cứ người nào, mà là lời hứa với lòng mình, lời hứa với chính mình.
Những quyển sách bám đầy bụi này phải nhờ vào con cháu của chúng ta dùng sự chân thành lau chùi cho sạch sẽ. Không những lau cho sạch mà còn cần phải mở ra chăm chỉ đọc, rồi cố gắng thực hành. Không chỉ có đọc mà cần phải thực hành.
Chúng ta hồi tưởng lại một chút, trước đây “văn ngôn văn” bị bỏ đi, nguyên nhân là do không có ai đọc “văn ngôn văn” phải không? Không đúng. Trái lại, những người đọc nhiều “văn ngôn văn” đã khởi xướng việc loại bỏ “văn ngôn văn”. Vì vậy, đọc sách nhiều chưa chắc có được lợi ích. “Đệ Tử Quy” nói: “Không gắng làm, chỉ học văn, chỉ bề ngoài, thành người nào”.
Những thạc sĩ Trung văn, tiến sĩ Trung văn chỉ dùng “văn ngôn văn” để tăng trưởng sự phù phiếm nhằm đem lại tiếng tăm, lợi dưỡng cho họ. Khi họ không nỗ lực thực hiện thì họ cảm thấy những đạo lý đó là hư không, là trống rỗng. Lâu dần thì lời nói và hành động của họ càng ngày càng khác xa nhau. Khi họ đi dạy văn hóa truyền thống thì trong tâm người được dạy sẽ sự cảm nhận họ “nói một đằng, làm một nẻo”.
Đó không phải là hoằng dương văn hóa, mà là hủy báng văn hóa. Cho nên thật sự “văn ngôn văn” đã gặp phải kiếp nạn như vậy, vấn đề không phải ở những người phế bỏ “văn ngôn văn”. Những người phế bỏ đó chỉ là cái mồi dẫn lửa. Nguyên nhân chính là ở đâu? Chúng ta phải tìm ra nguyên nhân chính, không nên đùn đẩy trách nhiệm cho người khác. Nguyên nhân chính ở chỗ người đọc sách không thực hiện việc “lời nói đi đôi với việc làm”.
Nếu như những người đọc sách có thể thực hiện được “Đệ Tử Quy”, thực hiện được “Đại Học” và “Trung Dung” thì tất cả những người tiếp xúc với họ sẽ không hủy bỏ văn hóa mà thậm chí còn noi gương theo họ. Chúng ta hãy xem, mấy ngàn năm nay, những người thực hiện lời giáo huấn của Thánh Hiền đều được mọi người ủng hộ.
Như ở Hải Khẩu, vào thời nhà Minh có một vị quan nổi tiếng là Hải Thụy. Chúng ta đều đã nghe qua câu chuyện “Hải Thụy từ quan”. Tôi đi đến một nơi nào thì luôn có thói quen đi thăm viếng những danh nhân, những người được lưu danh trong sử xanh ở nơi đó, bởi vì họ đều dùng tâm của mình viết nên lịch sử, đều dùng tâm của mình cống hiến cho quốc gia, cho xã hội.
Chúng ta đều có thể “thấy người tốt, nên sửa mình”, đồng thời hiểu được rằng những người này đã tạo nên sự ảnh hưởng âm thầm đến cả nơi đây. Khi tôi đi đến mộ của Hải Thụy, nhìn thấy hai hàng chữ mà Hải Thụy đã nói liền bị chấn động: “Thân nát xương tan cũng chẳng màng, chỉ cần thanh bạch tại nhân gian”. Từ hai câu nói này của ông có thể cảm nhận được ông là có người đức hạnh vô cùng thanh liêm.
Khi tôi thấy được khí tiết của Hải Thụy như vậy và xem lời giới thiệu về cuộc đời của ông thì rất cảm động. Bởi vì chỉ cần Hải Thụy được bổ nhiệm đến một nơi nào đó làm quan, dù ông chưa đến thì tất cả những quan lại tham ô và bọn cường hào ác bá đều nhanh chóng bỏ chạy hết, bởi vì họ biết Hải Thụy là người ngay thẳng, chính trực. Vì vậy, chỉ cần ông đến nơi nào thì nhân dân nơi đó hết sức vui mừng. Như vậy, một người thật sự thực hiện được lời giáo huấn của Thánh Hiền thì họ có bị phản đối không? Không thể.
Hải Thụy nhận chức ở Nam Kinh và qua đời tại đây. Sau khi ông qua đời, người xưa vô cùng xem trọng việc “lá rụng về cội”, nên đã đưa Hải Thụy từ Nam Kinh về Hải Nam. Khi linh cữu di chuyển từ Nam Kinh thì tất cả dân chúng đều mặc đồ tang như là để tang cha mẹ, đau buồn giống như cha mẹ của họ qua đời vậy. Từ đó chúng ta thấy được, người chính nghĩa thì được ủng hộ, những người thật sự nỗ lực thực hiện chính đạo chắc chắn sẽ thu phục được lòng dân.
Vì sao văn hóa “văn ngôn văn” của chúng ta bị phế bỏ? Không nên trách người khác, mà nên trách tất cả những người đọc sách Thánh Hiền chúng ta không chịu nỗ lực thực hiện. Hiện giờ chúng ta chỉ cần học câu nào thực hiện câu đó, tin rằng nhất định có thể xoay chuyển được sự ngộ nhận về văn hóa của người đời. Tiến thêm bước nữa là thực hiện, học tập và noi theo.
Khi trong tâm chúng ta khởi lên ý nghĩ phải giúp gia đình, giúp xã hội, vì tổ tiên mà cống hiến, thì chúng ta phải luôn tuân thủ lời hứa của mình.
Giữ chữ tín thì không thể chọn lựa đối tượng [già hay trẻ], [người] giữ chữ tín thì nhất định phải không lừa già, dối trẻ. Không chỉ làm nghề buôn bán mới giữ chữ tín, mà đối với tất cả mọi người, chỉ cần nói được thì phải thực hiện được. Cho nên trước tiên quý vị hãy suy nghĩ thật kỹ rồi mới nhận lời, gọi là: “Việc không tốt, chớ dễ nhận. Nếu dễ nhận, tiến lui sai”. Chỉ cần suy nghĩ kỹ rồi mới nhận lời thì sau này chúng ta sẽ không hối hận.
Thời nhà Hán có một vị Thái Thú tên là Quách Cấp. Có một lần, ông đi ngang qua khu vực do ông quản lý thì có rất nhiều trẻ em vây quanh ông chào hỏi. Các em nhỏ hồn nhiên hỏi: “Thưa quan Thái Thú! Lần sau khi nào Ngài mới đến đây?”. Quách Cấp cũng rất tôn trọng các em nhỏ đó, những lời chúng nói ông không thờ ơ. Ông bắt đầu tính có thể một ngày nào đó trong vài tháng sau ông sẽ đi tuần tra ở đây, cho nên ông nói với các em nhỏ là sẽ đến vào ngày tháng đó. Bọn trẻ tiễn ông xong thì giải tán.
Sau đó ông đến tuần tra ở địa phương đó sớm hơn một ngày. Đoàn tùy tùng của ông đi vào nơi đó rất tự nhiên, ông liền nói: “Không được! Ta đã hẹn với bọn trẻ rồi. Hôm nay chúng ta nghỉ một đêm trong ngôi miếu hoang ở ngoại ô”. Đợi đến đúng hẹn với bọn trẻ thì Quách Cấp mới đi vào. Đúng như dự đoán, các em nhỏ đang ở đó đợi ông.
Cho nên Hán Quang Vũ Đế rất kính trọng Quách Cấp, còn khen ông là “Hiền lương Thái Thú tín chi chí”. Chữ “tín” của ông đã đạt đến cực đỉnh, không còn chỗ khiếm khuyết. Quách Cấp sống đến tám mươi sáu tuổi, không bệnh mà qua đời. Vì vậy đối với chữ “tín”, chúng ta không nên phân biệt tuổi tác, thậm chí cũng không phân biệt già trẻ, giàu nghèo. Đối với bất cứ ngành nghề nào chúng ta cũng không nên ngạo mạn, đều phải giữ lời hứa của mình.
Xin mời xem tiếp phần sau: “Lời dối trá, sao nói được”