Đệ Tử Quy Chương IV: “Nghe Lỗi Giận, Nghe Khen Vui”
Contents
Đệ Tử Quy Chương IV: “Nghe Lỗi Giận, Nghe Khen Vui”. “Nghe lỗi giận, nghe khen vui” nghĩa là chúng ta nghe người khác nói lỗi của mình mà nổi giận, người khác khen ngợi mình thì mình dương dương tự đắc.
4.8 Kinh văn – Đệ Tử Quy
“Văn quá nộ, văn dự lạc; tổn hữu lai, ích hữu khước. Văn dự khủng, văn quá hân; trực lượng sĩ, tiệm tương cận”.
“Nghe lỗi giận, nghe khen vui; bạn xấu đến, bạn hiền đi. Nghe khen sợ, nghe lỗi vui; người hiền lương, dần gần gũi”.
Khi chúng ta giảng về nội dung của phần “tín” này, chúng ta có thể hồi tưởng một chút. Vừa mở đầu là: “Phàm nói ra, tín trước tiên”, đại biểu chữ “tín” trong ngôn ngữ. “Lời gian xảo, từ bẩn thỉu”, những giáo huấn này đều nói đến thái độ nói chuyện của chúng ta. Khi thái độ nói chuyện của chúng ta rất thô lỗ thì sẽ không có cách nào có được sự tín nhiệm của người khác.
Vì vậy, bạn làm được nội dung của phần chữ “tín” này thì bạn sẽ khiến cho người khác tin tưởng và tín nhiệm bạn rất cao. Ví dụ như nói: “Thấy chưa thật, chớ nói bừa. Biết chưa đúng, chớ tuyên truyền”, cho nên nếu bạn đều có thể làm được thì bạn bè của bạn nhất định sẽ cảm thấy bạn rất có tu dưỡng, rất có chừng mực, lòng tin của xã hội đối với bạn về lâu dài sẽ không ngừng nâng lên cao.
4.8.1 “Nghe lỗi giận, nghe khen vui; bạn xấu đến, bạn hiền đi”
“Nghe lỗi giận, nghe khen vui” nghĩa là chúng ta nghe người khác nói lỗi của mình mà nổi giận, người khác khen ngợi mình thì mình dương dương tự đắc. Nếu như chúng ta có thái độ như vậy thì có thể có được sự tín nhiệm của bạn bè không? Sẽ rất khó khăn để có được sự tín nhiệm từ bạn bè. Kết quả sẽ tạo thành: “Bạn xấu đến, bạn hiền đi”.
Vì sao bạn xấu lại đến? Bởi vì họ biết rõ chỉ cần nói vài câu ngọt ngào cho bạn nghe thì bạn đã thần hồn điên đảo. Đến lúc đó thì họ sẽ có cơ hội để lợi dụng. Vì thế bạn xấu liền đến, bạn tốt sẽ rời xa.
Vì sao bạn tốt lại rời xa chúng ta? Bởi vì những người có đức hạnh biết rất rõ bổn phận làm bạn là nhất định phải “ăn ngay nói thẳng”. Bạn có khuyết điểm thì họ nhất định sẽ chính trực nói ra. Khi bạn không thể tiếp nhận được thì họ đành phải tránh né, rời xa bạn. Bởi vì nếu như họ không tránh đi, bạn thường nhìn thấy họ thì sẽ khiến bạn sinh phiền não.
Vì vậy, để bạn không phải sinh phiền não thì họ đành phải tránh đi một thời gian. Đợi đến khi bạn thật sự có thể tiếp nhận được, chịu tiếp nhận những lời khuyên chính đáng, những lời khuyên bảo của họ, thì họ mới trở lại bên cạnh bạn.

Con người thích nghe những lời dễ nghe hay thích nghe những lời chính trực? Thích nghe lời khen. Thói quen này đã bắt đầu từ lúc nào vậy? Từ lúc nhỏ. Cho nên loại thái độ “nghe khen sợ, nghe lỗi vui” này chúng ta cần phải xây dựng từ lúc còn nhỏ.
Thầy cô ở trung tâm chúng tôi khi dạy câu này đều nhắc nhở các em nhỏ: “Hôm nay người khác đem khuyến điểm của các em nói ra, cũng giống như là trên gương mặt của các em đang bị dính một vết bẩn, người khác nói để các em biết mà lau đi vết bẩn đó thì các em có nên cảm ơn người ta không? Đương nhiên là nên. Vậy khi người khác chỉ ra khuyết điểm của các em thì cũng giống như giúp các em lau đi vết bẩn dính trên mặt của mình, vì thế các em nên nói lời cảm ơn họ”.
Cho nên giữa các bạn học nhỏ này với nhau, chỉ cần các bạn học giúp chúng chỉ ra khuyết điểm của chúng thì tiếp theo chúng tôi thường nghe thấy một câu nói rất tốt đẹp. Chúng sẽ cúi người mà nói với bạn của mình: “Cảm ơn bạn đã chỉ ra khuyết điểm cho mình”.
Khi đứa trẻ này có sự sửa đổi đối với khuyết điểm của mình thì thầy cô chúng ta cũng nên có lời động viên thích hợp là: “Biết sửa lỗi, không còn lỗi”, thì chúng sẽ càng thích thú hơn, sẽ tự mình sửa đổi lại những khuyết điểm đó. Vì vậy nếu từ nhỏ đã xây dựng tốt cho trẻ nền móng này thì cuộc đời của chúng sẽ có rất nhiều lợi ích.
Câu “nghe lỗi giận, nghe khen vui” khiến chúng ta nhớ đến câu chuyện vào thời nhà Tống. Thời nhà Tống có một đại văn hào tên là Tô Đông Pha. Ông là bạn thâm giao của Thiền sư Phật Ấn. Hai người thường xuyên trao đổi học vấn với nhau. Một hôm, Tô Đông Pha cảm thấy cảnh giới của mình rất tốt, liền viết một bài thơ là:
“Khể thủ Thiên Ngoại Thiên
Hào quang chiếu đại thiên
Bát phong xuy bất động
Đoan tọa tử kim liên”.
“Đảnh lễ Bậc Giác ngộ
Hào quang chiếu đại thiên
Tám gió thổi chẳng động
Ngồi vững tòa sen vàng”.
Ông cảm thấy cảnh giới của mình hiện tại rất cao, ngay cả tám gió cũng không thể ảnh hưởng đến tâm thanh tịnh của ông.
Quý vị bằng hữu, “tám gió” là gì? Đó là: Lợi, suy, khổ, lạc, xưng, cơ, hủy, dự.
“Lợi” chính là lúc bạn rất thuận lợi, lúc rất thông thuận (mọi việc đều hanh thông).
“Suy” là lúc suy bại.
“Khổ” là lúc chịu khổ.
“Lạc” là lúc rất hoan hỷ, lúc rất vui vẻ. Thông thường, khi con người khổ thì than oán khắp nơi, con người vui thì có thể vui quá hóa buồn. Cho nên những cảnh giới này đều là đang khảo nghiệm sự tu dưỡng của một người.
“Xưng” là xưng tán, khi được xưng tán thì dương dương tự đắc.
“Cơ” là người khác công kích chúng ta thì chúng ta sẽ rất giận dữ, rất khó chịu.
“Hủy” là bôi nhọ, hủy báng chúng ta.
“Dự” là khi chúng ta có danh dự rất tốt, có thể sẽ dẫn đến sự cống cao ngã mạn.
Tô Đông Pha cảm thấy tám loại gió này đều không thể ảnh hưởng đến tâm cảnh của mình, trước tám loại gió này ông đều có thể giữ được sự thanh tịnh, thế là viết ra bài thơ này và gửi đến cho Thiền sư Phật Ấn xem.
Kết quả, khi Thiền sư Phật Ấn vừa xem xong liền viết lên bài thơ ấy một chữ “thí” (rắm), rồi bảo người mang về. Tô Đông Pha vốn dĩ đang chờ đợi Thiền sư Phật Ấn trả lời ông, có thể là muốn thiền sư khen ông. Kỳ thực tám gió đã động chưa? Đã động, vì muốn được người khác khen ngợi, muốn được nghe lời hay tiếng tốt.
Kết quả, xem câu trả lời của thiền sư thì ông rất tức giận, lập tức chạy đến chỗ của Thiền sư Phật Ấn. Khi đến thì cửa đã đóng, nhưng có viết hai dòng chữ: “Bảo tám gió thổi không động, một cái rắm đã thổi qua sông rồi”. Tô Đông Pha nhìn thấy rất xấu hổ, liền quay trở về. Cho nên chúng ta phải luôn luôn quán chiếu chính mình có phải là cũng tám gió thổi không động hay không?
Luôn luôn từ trong việc khởi tâm động niệm mà loại bỏ đi những thói quen không tốt của chúng ta, thì mới không phạm phải sai lầm là “nghe lỗi giận, nghe khen vui” này nữa.
Xin mời xem tiếp phần sau: “Nghe khen sợ, nghe lỗi vui, người hiền lương, dần gần gũi”