Đệ Tử Quy Chương IV: “Biết Chưa Đúng, Chớ Tuyên Truyền”
Contents
Đệ Tử Quy Chương IV: “Biết Chưa Đúng, Chớ Tuyên Truyền”. Rất nhiều đạo lý chúng ta hiểu chưa thấu triệt, một số sự thật chúng ta chưa biết rõ thì không nên tùy tiện nói cho người khác nghe, vì sợ họ nghe rồi sẽ lưu ấn tượng vào trong tâm.
4.2 Kinh văn – Đệ Tử Quy
“Kiến vị chân, vật khinh ngôn. Tri vị đích, vật khinh truyền. Bỉ thuyết trường, thử thuyết đoản. Bất quán kỷ, mạc nhàn quản”.
“Thấy chưa thật, chớ nói bừa, biết chưa đúng, chớ tuyên truyền. Kia nói phải, đây nói quấy, không liên quan, chớ để ý”.
(Tiếp phần trước)
4.2.2 “Biết chưa đúng, chớ tuyên truyền”
Rất nhiều đạo lý chúng ta hiểu chưa thấu triệt, một số sự thật chúng ta chưa biết rõ thì không nên tùy tiện nói cho người khác nghe, vì sợ họ nghe rồi sẽ lưu ấn tượng vào trong tâm. Chúng ta nói sai thì sẽ dẫn người khác đi vào con đường sai lầm, như vậy thì không hay.
Ví dụ hiện nay chúng ta đọc Kinh điển, có người hỏi chúng ta: “Đọc Kinh nên bắt đầu từ Kinh gì?”. Quý vị có thể nói: “Bắt đầu đọc từ Đệ Tử Quy”. Thời đại hiện nay, mười người thì đã có mười quan điểm, cho nên chúng ta làm sao xác định được quan điểm của ta là đúng? Chúng ta có thể tìm câu trả lời từ trong Kinh điển.
Tại vì sao gọi là Kinh? Chúng ta thấy trái đất có kinh tuyến, có vĩ tuyến. Điểm quan trọng của kinh tuyến và vĩ tuyến là có thể được dùng làm tiêu chuẩn, [tiêu chuẩn này] không bao giờ bị thay đổi. Cho nên Kinh điển chính là chân lý không bao giờ thay đổi. Chỉ cần quý vị tìm trong Kinh điển thì quý vị sẽ có tín tâm. Chân thật là như vậy. Cho nên quý vị hỏi một người là căn bản của đức hạnh nằm ở đâu? Nếu như câu trả lời của họ khác với chữ “hiếu” thì quý vị có thể phán đoán lời họ nói là sai.
Thời đại này chúng ta phải tuân thủ câu “y pháp bất y nhân”, nếu không thì quý vị sẽ nghe lung tung. Ví dụ chúng ta y theo lời dạy trong “Tam Tự Kinh”, thì quý vị sẽ lập tức loại bỏ được rất nhiều quan niệm tưởng là đúng nhưng lại sai. Ví dụ nói: “Nhân chi sơ, tính bản thiện. Tính tương cận, tập tương viễn. Cẩu bất giáo, tính nãi thiên”.
Tính của con người vốn lương thiện, nhưng nếu không được tiếp nhận sự giáo dục tốt thì rất dễ trưởng dưỡng thói hư tật xấu. Chúng ta không cần ở đó bàn luận triết lý về tính thiện, tính ác cả nửa ngày, mà tiêu chuẩn chính là “giáo chi đạo, quý dĩ chuyên” (giáo dục là lấy chuyên làm trọng).
Quý vị xem, hiện nay học một lúc bốn, năm loại sách. Học như vậy có tốt không? Con người hiện nay không nghe theo Kinh điển, không nghe theo Thánh Hiền, họ nghe ai? Thời đại hiện nay họ nghe lời lừa dối, không nghe lời khuyên nhủ, chấp nhận điều giả, không chấp nhận điều thật. Thật vậy! Tôi có phần cảm nhận được.
Ví dụ có một phụ huynh đến thảo luận với tôi làm sao để dạy con cái cho tốt. Khi anh ấy nói xong tình huống, nhất định tôi sẽ nói với anh ấy: “Băng đóng dày ba thước không phải do một ngày giá lạnh”. Đối với con cái, anh cần phải dùng lòng nhẫn nại, tâm yêu thương, hợp tác với thầy cô giáo, khoảng sáu tháng đến một năm thì chúng dần dần có thể đi vào nề nếp.
Thường thì phụ huynh nghe nói sáu tháng đến một năm thì chân mày sẽ nhíu lại: “Sao lâu vậy!”. Lúc ra về còn nói: “Xin cảm ơn thầy Thái! Có cơ hội tôi sẽ đến thỉnh giáo thầy”. Sau khi đi rồi, vị phụ huynh này từ đó về sau không bao giờ quay trở lại.
Nhưng rất có thể khi trên báo đăng tin: “Chương trình học ba ngày đảm bảo quý vị dạy con mình thành thiên tài”, giá cũng rất mắc, nhưng anh ấy lập tức chạy đến đó ghi danh tham gia. Mọi người cũng đổ xô đến đó ghi danh. Từ chỗ này chúng ta thấy được, nếu đem chân lý nói với họ thì họ có tin không? Không tin. Người hiện nay chỉ ham cái lợi trước mắt, đều rất muốn nhanh chóng “một bước lên đến trời”, chạy theo hướng ngược lại với học vấn. “Dục tốc bất đạt”, nóng vội thì không thành công. Vì vậy, phải biết phán đoán mới được.
Trong “Tam Tự Kinh” có nói: “Đi học thì phải học từ điều cơ bản”. Trước tiên phải học gì? “Học Tiểu Học xong mới học Tứ Thư”, quý vị có thể tự tin rằng nên học từ quyển sách “Tiểu Học”. Hiện nay tinh túy nhất của sách “Tiểu Học” chính là “Đệ Tử Quy”. “Đệ Tử Quy” y theo cương lĩnh của “Tiểu Học” để biên soạn ra.
Quý vị không phải lo mình nói sai. Học xong “Tiểu Học” thì học “Hiếu Kinh”, học “Tứ Thư”. Hơn nữa, khi con cái đã cắm chặt gốc “Đệ Tử Quy”, chúng học tiếp “Hiếu Kinh”, “Tứ Thư” thì mùi vị có giống nhau không? Không giống nhau. Khi quý vị đọc đến: “Hiếu đễ dã giả, kỳ vi nhân chi bổn dữ” (hiếu và đễ là gốc để làm người), trẻ con học đến “hiếu đễ dã giả”, chữ “hiếu” và chữ “đễ” không còn là một từ, mà là gì vậy?
Một em đưa tay lên nói: “Thưa thầy! Chữ hiếu này có phải chỉ cho Nhập Tắc Hiếu không?”. Chữ “Hiếu” này chẳng phải là một từ trống rỗng. Chữ “Hiếu” của chúng là kết hợp với cuộc sống. Chúng biết học vấn của chúng là học phải đi đôi với hành, nhất định phải nỗ lực thực hành những gì đã học.
Thái độ này một khi đã chính xác thì phương hướng sẽ không bị sai lệch. Vì vậy, “thấy chưa thật, chớ nói bừa”. Chúng ta muốn hiểu chính xác, tất nhiên là phải hiểu từ nơi Kinh điển, từ lời dạy của Thánh Hiền mà tích lũy khả năng phán đoán của chúng ta.
Xin mời xem tiếp phần sau: “Việc không tốt, chớ dễ nhận. Nếu dễ nhận, tiến lui sai”