Đệ Tử Quy Chương III: “Mượn Đồ Người, Trả Đúng Hẹn” (P8)
Contents
Đệ Tử Quy Chương III: “Mượn Đồ Người, Trả Đúng Hẹn” (P8). Chúng tôi đã giảng đến “đạo nghĩa”, “tín nghĩa” giữa bạn bè với nhau, cũng nói đến giữa bạn bè nên khuyên can, quan tâm lẫn nhau, khen ngợi, tán thán lẫn nhau.
3.14. Kinh văn – Đệ Tử Quy
“Tá nhân vật, cập thời hoàn. Hậu hữu cấp, tá bất nan”.
“Mượn đồ người, trả đúng hẹn. Sau có cần, mượn không khó”.
Chữ “tín” trong quan hệ bạn bè
(Tiếp phần trước)
Chúng tôi đã giảng đến “đạo nghĩa”, “tín nghĩa” giữa bạn bè với nhau, cũng nói đến giữa bạn bè nên khuyên can, quan tâm lẫn nhau, khen ngợi, tán thán lẫn nhau. Thật sự khi quý vị khen ngợi người khác thì bản thân mình cũng được thơm lây. Ngoài ra, điểm thứ tư là không nói chuyện xấu trong gia đình người.
Cuối cùng là “thông tài chi nghĩa”, đạo nghĩa về việc chia sẻ tiền tài. Tài được chia làm hai loại là ngoại tài và nội tài. Nội tài là dùng sức lực, dùng kinh nghiệm, trí tuệ của mình để giúp đỡ người khác. Tục ngữ có câu: “Giúp ngặt chứ không giúp nghèo” (giúp lúc cấp thiết chứ không giúp nghèo).
Quý vị bằng hữu, nghèo là gì? Không có tiền thì gọi là nghèo phải không? Họ không có tiền thì rồi sau này có thể sẽ có tiền, chỉ cần họ có chí khí, chỉ cần họ chịu học hỏi. Chỉ sợ là ngay cả chí khí, ngay cả tâm học hỏi họ cũng không có, đó mới thật sự là nghèo. Nếu đối phương có thái độ như vậy mà quý vị mang tiền đến giúp đỡ thì họ càng lúc càng ỷ lại, thậm chí cho rằng đó là lẽ đương nhiên.
Có thể chúng ta vốn là muốn giúp đỡ họ nhưng rốt cuộc đã hại họ. Vì vậy, giúp người khác cũng phải dùng trí tuệ, nếu không thì sẽ trở thành dùng tâm thiện làm việc ác.
Ví dụ như đối phương không có trách nhiệm đối với gia đình, thường hay đi uống rượu rồi đến mượn tiền của quý vị thì có nên cho họ mượn tiền không? Không được cho mượn. Nhưng quý vị cũng không được đuổi họ đi, vì như vậy sẽ kết oán với nhau. Quý vị nên mời họ vào nhà ngồi, chỉ cần quý vị có nguyên tắc thì họ sẽ không thể đụng đến tiền của quý vị.
Ngồi một chút thì nên nói với họ một, hai câu đạo lý làm người, thậm chí kể cho họ một số kinh nghiệm thực tế trong công việc của quý vị, hoặc là kinh nghiệm rèn luyện bản thân. Nói với họ để họ có thể tích lũy được những trí tuệ, năng lực làm việc của mình. Nhất định phải chuẩn bị một quyển “Đệ Tử Quy” để tặng cho họ.
Người lớn đều rất xem trọng sĩ diện, quý vị không nên nói: “Anh cố gắng học quyển sách này đi vì quyển sách này anh chưa từng học”. Không nên nói như vậy!
Chúng ta cần phải khéo dùng phương tiện để nói, quý vị cũng nên lựa lời tốt đẹp mà nói: “Con trai của anh vô cùng đáng yêu! Quyển sách này tặng cho con anh học, sau này nhất định con anh sẽ có tiền đồ. Nhưng các bậc Thánh Hiền thời xưa nói giáo dục là trên làm thế nào thì dưới làm theo như vậy. Chúng ta là bậc làm cha mẹ thì phải làm tấm gương tốt cho con cái noi theo”.
Quý vị đừng nói họ không phải là tấm gương tốt. Khuyên họ làm như vậy, tin rằng từng chút từng chút sẽ khiến cho họ dần dần thay đổi quan niệm. Điều này cũng là do chúng ta thật sự tin tưởng rằng “nhân chi sơ, tính bổn thiện”. Tâm chân thành, tâm bình đẳng như vậy thì chúng ta mới nhắc nhở họ được.
Chúng ta có “thông tài chi nghĩa” (đạo nghĩa về việc chia sẻ tiền tài), chữ “tài” này không chỉ là tiền bạc, mà còn chỉ những kinh nghiệm, trí tuệ của chúng ta. Đợi đến khi họ học được những kinh nghiệm, phương pháp, trí tuệ này rồi, tin rằng họ cũng có thể tổ chức tốt gia đình của họ.
Vì vậy, sự giúp đỡ này của chúng ta không chỉ giúp họ nhất thời, mà còn giúp cho họ suốt cả cuộc đời. Đây là chúng ta bàn đến “đạo nghĩa”, “tín nghĩa” giữa bạn bè mà không cần phải dùng lời để nói.
Ngoài nghĩa vụ trong mối quan hệ ngũ luân ra, chúng ta cũng phải hồi tưởng lại, vì sao ngày nay chúng ta có được lời giáo huấn của Thánh Hiền tốt đẹp như vậy? Là do mấy ngàn năm nay, những bậc Thánh Hiền đã đổ xuống không biết bao nhiêu mồ hôi nước mắt, trải qua sự khắc cốt ghi tâm mới lưu lại được những trí tuệ tinh túy này, tuyệt đối không phải ngẫu nhiên mà có.
Mấy năm trước, tôi nghe lão ân sư Thích Tịnh Không giảng rằng: “Bốn nền văn minh cổ đại trên thế giới hiện giờ chỉ còn lại có một”. Đó là nền văn minh nào vậy? “Trung Quốc”. Câu trả lời chính xác!
Có phải là tổ tiên của bốn nền văn minh cổ đại này đi đến trước mặt của Thần linh, sau đó Thần linh nói: “Nào, hãy bốc thăm đi! Ai bốc được thăm thì không bị diệt vong” không? Có phải do tổ tiên người Trung Quốc bốc được cái thăm đó nên không bị diệt vong không? Có quả ắt phải có nhân. Vì sao các nền văn minh cổ kia bị diệt vong? Vì sao Trung Quốc không bị diệt vong? Hoàn toàn không phải ngẫu nhiên.
Vì vậy, khi Sư trưởng của chúng ta nói đến đây thì tôi hết sức chú ý, bởi vì từ trước đến nay tôi chưa từng nghĩ đến vấn đề này. Sư trưởng nói, bởi vì tổ tiên đã biết quá nhiều về cuộc đời, ví dụ câu: “Nhân sinh thất thập cổ lai hy”.
Rất nhiều người sống đến bốn mươi tuổi, năm mươi tuổi đột nhiên quay đầu nhìn lại chặng đường mấy mươi năm đã đi qua, chợt họ có một cảm xúc là: “Giả như cuộc đời tôi được lặp lại lần nữa, nhất định tôi sẽ không phạm nhiều sai lầm như vậy”. Nếu như cuộc đời này lúc nào cũng có sự tiếc nuối như vậy thì không được viên mãn.
Cho nên tổ tiên của chúng ta biết rằng, nếu như trí tuệ không được truyền thừa lại thì cuộc đời của mỗi người phải đúc kết kinh nghiệm lại từ đầu. Vì yêu thương con cháu đời sau, thậm chí yêu thương cả nhân loại nên họ mong muốn đem trí tuệ mấy ngàn năm truyền thừa lại cho đời sau, để không bị gián đoạn, nên họ đã phát minh ra một công cụ để truyền thừa trí tuệ gọi là “Văn Ngôn Văn”.
Một người có thể làm được việc vĩ đại phi thường như vậy nhất định bắt đầu từ tâm niệm của người đó. Có sự yêu thương như vậy thì sẽ có được phương pháp tốt đẹp. Tổ tiên chúng ta quan sát thấy được rằng, nếu như không tách riêng ngôn ngữ và văn tự (chữ viết) ra thì sẽ không truyền thừa lại được.
Chúng ta hãy suy nghĩ, nước La Mã có lưu lại văn tự (chữ viết) không? Có. La Mã vẫn còn lưu lại rất nhiều tác phẩm văn chương, nhưng hiện nay có ai đọc được không? Các nhà lịch sử, các nhà khảo cổ học xem chưa chắc đã hiểu. Những vùng thuộc lưu vực Lưỡng Hà này có lưu lại văn tự (chữ viết) không? Có, nhưng hiện nay chẳng có mấy người đọc hiểu được. Ngay cả chữ viết cũng đọc không hiểu thì ý nghĩa bên trong càng không thể hiểu được.
Tôi đã từng trò chuyện với một người bạn, anh ấy đã xa quê hương hơn hai mươi năm, khi trở về nói chuyện với bạn bè người thân thì có rất nhiều từ ngữ anh ấy nghe không hiểu và nhiều từ ngữ anh ấy nói họ cũng không hiểu. Ngôn ngữ hai mươi năm đã có thay đổi chút ít, 200 năm thì sẽ thay đổi rất nhiều.
Nếu như văn viết và văn nói hoàn toàn giống nhau, thì văn chương viết vào hai ngàn năm trước làm sao quý vị có thể đọc hiểu được? Nhất định quý vị xem không hiểu. Hiểu được điều này, nên tất cả văn viết đều không dùng ngôn ngữ lúc đó, mà dùng “Văn Ngôn Văn”. Vì vậy mấy ngàn năm nay, tất cả văn chương trí tuệ đều là dùng “Văn Ngôn Văn” để viết.
Khi hiểu được “Văn Ngôn Văn” thì chúng ta có thể trực tiếp làm đệ tử của Khổng Lão Phu Tử của hơn hai ngàn năm trước, cũng có thể làm đệ tử của Mạnh Phu Tử. Vì vậy, “Văn Ngôn Văn” có thể vượt ra khỏi thời gian và không gian để giúp chúng ta học tập trí tuệ của Thánh Hiền. “Văn Ngôn Văn” là ân đức lớn nhất mà Tổ tiên của chúng ta dành cho con cháu đời sau.
Khi tôi nghe đến đây, trong lòng cảm thấy hổ thẹn, bởi vì môn Ngữ Văn của tôi luôn không tốt. Khi tôi học trung học phổ thông, vào giờ “Văn Ngôn Văn” tôi thường ngủ gục. Sau khi nghe những lời này, tôi cảm thấy tổ tiên đã dùng sinh mạng của mình để thành tựu cho chúng ta, vậy mà chúng ta lại vứt bỏ vào thùng rác, vì vậy tôi đã rơi nước mắt. Đây là những giọi nước mắt xấu hổ.
Bình thường bạn bè bưng ly trà giúp chúng ta, chúng ta liền cảm ơn rối rít, nhưng tổ tiên đã mấy ngàn năm dùng sinh mạng để thành tựu cho con cháu đời sau thì chúng ta lại không nhìn thấy. Vì vậy, lúc đó tôi khởi lên một ý niệm là nhất định phải cố gắng học “Văn Ngôn Văn”, cố gắng học tập Kinh điển của Thánh Hiền.
Sau đó tôi mở quyển “Đệ Tử Quy”, “Luận Ngữ” ra, đột nhiên tôi cảm nhận được hình như không khó như trước đây. Dường như giữa tôi và Kinh điển Thánh Hiền gần nhau hơn, đọc câu nào thích câu đó. Vì sao trước đây tôi lại không thể học được vậy? Vì sao trước đây tôi cảm thấy rất khó? Vì sao sau khi rơi nước mắt rồi mới thấy không khó? Từ sự việc này chúng ta cũng thể hội được câu giáo huấn: “Tất cả pháp từ tâm tưởng sinh”.
Quý vị bằng hữu, chướng ngại từ đâu vậy? Chướng ngại nằm ở trong tâm. Bản thân mình cảm thấy rất khó thì nó sẽ rất khó. Khi quý vị buông bỏ những chướng ngại này thì nó sẽ không khó. Vì vậy, khi chúng ta thật sự có tâm niệm sám hối, thì tâm niệm sám hối đó sẽ khiến chúng ta gánh vác được sứ mạng, sẽ làm tương ưng với Kinh điển.
Quý vị bằng hữu, tôi có thể học tốt “Văn Ngôn Văn” thì nhất định quý vị sẽ học tốt hơn tôi. Phương pháp học “Văn Ngôn Văn” cũng rất đơn giản. Thầy Lý Bỉnh Nam đã từng nói: “Chỉ cần học thuộc năm mươi bài cổ văn thì có thể đọc được Văn Ngôn Văn. Nếu thuộc một trăm bài cổ văn thì có thể viết được Văn Ngôn Văn”.
Năm mươi bài cổ văn có khó hay không? Không khó! “Đệ Tử Quy” chúng tôi tính là sáu bài: Nhập Tắc Hiếu, Xuất Tắc Đễ, Cẩn, Tín, Phiếm Ái Chúng, Thân Nhân và Dư Lực Học Văn là sáu bài (vì Thân Nhân tương đối ngắn nên Thân Nhân và Dư Lực Học Văn chỉ được tính là một bài). Quý vị đọc “Hiếu Kinh” có mười tám chương.
Thật sự đọc năm mươi bài cổ văn không khó, đọc một trăm bài cũng không khó, điều quan trọng nhất là phải bền lòng. “Thời gian ít, cần chăm chỉ. Công phu đủ, đọc liền thông”. Một tuần chúng ta có thể học thuộc ba trăm chữ là được. Ba trăm chữ không nhiều. “Đệ Tử Quy” có 1.080 chữ. Mỗi tuần chúng ta học thuộc 300 chữ, thì một năm chúng ta học thuộc hơn mười ngàn chữ, như vậy thì thực lực của chúng ta vô cùng hùng hậu rồi.
Vì vậy, thành tựu thật sự nằm ở chỗ kiên trì. Chỉ cần kiên trì một, hai tháng thì đảm bảo quý vị càng học càng thích, bởi vì nghĩa lý của “Văn Ngôn Văn” vô cùng sâu rộng, mỗi lần đọc nhất định sẽ có chỗ ngộ khác nhau. Tùy theo sự thực tiễn của chúng ta, tùy theo sự khai mở trí huệ của chúng ta mà có thể càng lúc sự lãnh thọ càng sâu rộng.
Chúng ta là con cháu của Viêm Hoàng, chúng ta có tín nghĩa, có đạo nghĩa thì nên truyền thừa trí tuệ này lại. Muốn truyền lại trước tiên phải “thừa”, gọi là “tiếp nhận của người trước, truyền thừa cho người sau”. Không có “thừa” thì không có cách nào truyền được, không có “thừa” thì sẽ truyền sai. Vì vậy, chúng ta đã có sứ mệnh này thì bản thân mình phải cố gắng làm.
Có một số bằng hữu nói với tôi: “Thầy Thái à! Phải giống như thầy mới có thể làm được”. Thật sự đây là do họ có phân biệt.
Trong “Đại Học” có lời giáo huấn là: “Người xưa muốn làm sáng cái đức của mình trong thiên hạ thì trước hết phải trị được nước mình. Muốn trị được nước thì trước hết phải chỉnh đốn được nhà mình. Muốn chỉnh đốn được nhà mình thì trước tiên phải sửa thân mình.
Muốn sửa thân mình thì trước hết phải làm cho tâm mình được ngay chính. Muốn làm cho tâm mình được ngay chính thì trước hết phải giữ cho ý niệm được chân thành. Muốn giữ cho ý niệm được chân thành thì trước hết phải có sự hiểu biết đến cùng cực. Muốn có sự hiểu biết đến cùng cực thì cốt là ở chỗ trừ bỏ sự che lấp của vật dục”.
Tổ tiên đã chỉ ra toàn bộ phương pháp “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Tổ tiên có quy định ngành nghề nào mới có thể làm được không? Không có. Mọi ngành nghề, mọi lứa tuổi đều có thể làm được. Vì vậy, trước tiên phải làm được “cách vật trí tri” (xa lìa sự che lấp của vật dục thì mới có được sự hiểu biết thấu suốt).
“Cách vật” là xa lìa vật dục, trừ bỏ những thói quen xấu, có thể làm được ngay lúc đó [lúc thói xấu nổi lên hay sự dụ hoặc xuất hiện]. Khi dục vọng của chúng ta nhạt dần thì tâm trí sẽ sáng suốt, tự nhiên sẽ thành ý chính tâm (thành ý chánh tâm), và bắt đầu sửa đổi lời nói, hành vi của chính mình.
Khi chúng ta sửa đổi thì gia đình cũng sẽ thay đổi, nơi làm việc cũng sẽ thay đổi. Như vậy thì quý vị mới là học trò tốt của Khổng Lão Phu Tử, là hình mẫu tốt của nền giáo dục Thánh Hiền. Vì vậy, mỗi người ở trong thời đại này đều có thể làm tròn trách nhiệm con cháu của Viêm Hoàng.
Từ trong quan hệ ngũ luân chúng ta đã tìm được vai trò của đời người, vị trí của đời người. Khi đôi chân chúng ta đứng vững thì có thể bước đi vững vàng, từng bước từng bước vững chắc, thật sự bước một cách có giá trị.
Xin mời xem tiếp phần sau: CHƯƠNG THỨ TƯ: TÍN