8.8 C
London
Thứ Năm, Tháng Ba 20, 2025
Trang chủĐệ tử quyĐệ Tử Quy Chương III: "Mượn Đồ Người, Trả Đúng Hẹn" (P7)

Đệ Tử Quy Chương III: “Mượn Đồ Người, Trả Đúng Hẹn” (P7)

Date:

Bài Viết Liên Quan

spot_imgspot_img

Đệ Tử Quy Chương III: “Mượn Đồ Người, Trả Đúng Hẹn” (P7)

Đệ Tử Quy Chương III: “Mượn Đồ Người, Trả Đúng Hẹn” (P7). Quan hệ thứ năm là “bằng hữu hữu tín”. Bạn bè không chỉ là nói phải giữ lời, mà còn phải có tín nghĩa và có nghĩa vụ của bạn bè.

3.14. Kinh văn – Đệ Tử Quy

“Tá nhân vật, cập thời hoàn. Hậu hữu cấp, tá bất nan”.

 Mượn đồ người, trả đúng hẹn. Sau có cần, mượn không khó”.

(Tiếp phần trước)

Quan hệ thứ năm là bằng hữu hữu tín”. Bạn bè không chỉ là nói phải giữ lời, mà còn phải có tín nghĩa và có nghĩa vụ của bạn bè.

Câu chuyện về tình bạn giữa Trương Thiệu và Phạm Thức.

Vào thời nhà Hán, có hai người đọc sách tên là Trương Thiệu và Phạm Thức. Hai người cùng học trong Thái Học, tình nghĩa rất tốt. Sau đó mỗi người đều trở về quê hương của mình, hẹn hai năm sau vào ngày này Phạm Thức sẽ đến thăm Trương Thiệu. Hai năm trôi qua, Trương Thiệu nói với mẹ của ông: “Bạn con hôm nay sẽ đến nhà”. Mẹ ông liền nói: “Cuộc hẹn của hai năm trước mẹ nghĩ có lẽ bạn con đã quên rồi. Hơn nữa, hai nhà cách xa ngàn dặm như vậy”. Trương Thiệu liền nói: “Người bạn này của con vô cùng uy tín, anh ấy nhất định sẽ đến”.

Vì vậy, mẹ của ông cũng bắt đầu chuẩn bị rất nhiều món ăn. Đúng như dự đoán, Phạm Thức đúng kỳ hẹn đã đến nhà của Trương Thiệu. “Nhân phùng tri kỷ thiên bôi thiểu” (gặp được bạn tri kỷ, uống ngàn ly rượu vẫn là ít), tình nghĩa của họ theo ngày tháng càng thêm sâu đậm hơn.

Sau đó Phạm Thức bị bệnh hiểm nghèo, Phạm Thức dặn dò người vợ là: “Nhất định phải đi tìm Trương Thiệu và nói với anh ấy là tôi có thể không qua khỏi, mời anh ấy đến tiễn tôi”. Người vợ liền nhanh chóng cho người đi báo tin cho Trương Thiệu. Bởi vì thời gian quá cấp bách, Trương Thiệu vừa nghe được tin liền nhanh chóng đến quê của Phạm Thức.

Đã sắp đến giờ an táng mà Trương Thiệu vẫn chưa đến, những nhân viên mai táng đang tiến hành việc mai táng, đo đạc tính toán nhưng đo thế nào cũng không chuẩn, không cách nào đem quan tài đi an táng được, cứ kéo dài thời gian. Khi Trương Thiệu đến thì lập tức việc đo đạc rất chuẩn, Trương Thiệu tự mình đưa Phạm Thức đi an táng.

Vì sao Phạm Thức phải cho gọi Trương Thiệu đến giúp ông lo việc hậu sự? Vì ông vô cùng tín nhiệm bạn mình. Ông hiểu rất rõ Trương Thiệu không những sẽ làm tốt việc hậu sự của ông, mà chắc chắn cũng sẽ chăm sóc vợ con của ông. Tình nghĩa bạn bè thời xưa là như vậy. Chúng ta sau khi nghe xong vô cùng cảm động.

Câu chuyện về tình bạn giữa Chu Huy và Trương Kham.

Thời xưa có một người đọc sách tên là Chu Huy. Khi Chu Huy học ở Thái Học thì gặp một người bạn tên là Trương Kham. Hai người học cùng với nhau nhưng không thường xuyên nói chuyện với nhau. Trương Kham luôn quan sát con người Chu Huy như thế nào, sau đó bị cảm động bởi đức hạnh từ lời nói và việc làm của Chu Huy, cảm thấy ông là một người rất đáng để tin cậy.

Một hôm, Trương Kham nói với Chu Huy: “Tôi muốn phó thác vợ con của tôi cho ông chăm sóc”. Ông nói những lời như vậy là vì vô cùng tín nhiệm Chu Huy, nhưng Chu Huy hoàn toàn không nói lời nào. Bởi vì bình thường cũng không giao tiếp nhiều với nhau, nên ông không nói lời nào. Tự bản thân của Trương Kham hiểu rõ thời gian của mình còn lại không nhiều, không bao lâu sau thì ông qua đời.

Chu Huy nghe được tin liền dắt con trai đến nhà của Trương Kham, tặng cho họ rất nhiều đồ ăn, rất nhiều quần áo để mặc. Con của ông thấy khó hiểu, liền hỏi: “Thưa cha! Trước đến giờ cha không có kết giao qua lại với người này, vì sao khi ông ấy chết cha giúp đỡ ông ấy nhiều như vậy?”. Chu Huy liền nói: “Trước đây Trương Kham có nói muốn phó thác vợ con của ông ấy cho cha. Ông ấy nhờ cha như vậy chứng tỏ ông ấy rất tin tưởng cha. Ông ấy đã xem cha như tri kỷ, vì vậy trong lòng của cha cũng đã xem ông ấy là bằng hữu”.

Người xưa họ không muốn làm trái tâm niệm của mình. Giả như họ làm trái tâm niệm của họ thì lương tâm của họ sẽ bất an. Mặc dù không có sự giao hảo sâu đậm, nhưng một khi ông đã xem Trương Kham như bằng hữu, thì ông sẽ tận hết nghĩa vụ của một người bạn.

Giữa bạn bè với nhau có những nghĩa vụ nào phải nên làm?

  • Thứ nhất đương nhiên là phải khuyên can lẫn nhau, gọi là “cùng khuyên thiện, cùng lập đức. Lỗi không ngăn, đôi bên sai”. Giả như bạn bè có lỗi mà chúng ta không khuyên can, thì sẽ không làm hết trách nhiệm của bạn bè. Cho nên, thứ nhất là khuyên can.
  • Thứ hai là phải quan tâm.
  • Thứ ba là phải khen ngợi. “Khen người thiện, tức là thiện. Người biết được, càng tốt hơn”.
  • Thứ tư không nói chuyện xấu trong nhà người, không nên đem chuyện xấu trong nhà bạn bè ra nói bên ngoài, vì làm như vậy là không có đạo nghĩa.
  • Thứ năm là phải có đạo nghĩa về việc chia sẻ tài vật.

Thứ nhất là khuyên can nhau

Trong bài giảng, chúng tôi đã nói rất nhiều về việc khuyên can. Vì sao vậy? Bởi vì xã hội ngày nay khá phức tạp. Mỗi người chỉ có một cặp mắt nên không thể nhìn thấu hết mọi phương diện, nên cần sự nhắc nhở của cha mẹ, của lãnh đạo, của cấp dưới, của vợ, của anh em, của bạn bè. Vì vậy, con người được nhắc nhở thì mới có thể hiểu thêm được đạo lý. Thứ nhất, chúng ta cần phải tiếp nhận sự khuyên can của người khác. Thứ hai, cũng cần phải biết khuyên nhủ người thân như thế nào. Cho nên chủ đề này nói tương đối nhiều.

Thứ hai là quan tâm lẫn nhau

Thật sự chúng ta cũng cần phải quan tâm người khác mọi lúc mọi nơi. Chúng ta không thể dạy con cái là: “Bạn bè và người thân thì con mới cần quan tâm, người khác thì không cần”. Dạy con cái như vậy có đúng không? Con người chỉ có một trái tim, làm sao có thể chia trái tim làm hai được chứ? Khi chúng lạnh nhạt đối với người lạ, thì chúng có nhớ ơn người thân hay không?

Rất khó! Vì vậy, khi chúng có thể quan tâm tất cả mọi người, thì cha mẹ, anh em đâu có lý nào chúng lại không quan tâm. Thí dụ khi gặp những người đi đứng khó khăn thì chúng ta thường phải nhắc nhở con cái càng nên cung kính. Bởi vì tâm lý của họ, bởi vì cuộc đời của họ đã không gặp may mắn, giả như chúng ta dùng ánh mắt khác lạ nhìn họ thì sẽ khiến cho họ càng không được thoải mái.

Từ chi tiết nhỏ này chúng ta đã nuôi dưỡng tâm nhân từ cho con cái. Nếu như đi xe buýt, nhìn thấy có phụ nữ mang thai, trẻ em, người già yếu lên xe thì chúng ta lập tức dắt con mình đứng lên nhường chỗ ngồi. Điều này là nuôi dưỡng sự quan tâm người khác của con cái.

Đệ Tử Quy Chương III: "Mượn Đồ Người, Trả Đúng Hẹn" (P7)
Đệ Tử Quy Chương III: “Mượn Đồ Người, Trả Đúng Hẹn” (P7)

Quan tâm bạn bè không phải chỉ quan tâm một mình họ, mà còn yêu thương luôn cả những người thân của họ. Khi quý vị kính trọng cha mẹ của bạn bè thì họ sẽ rất vui, thậm chí anh chị em của họ cũng rất vui. Như vậy quý vị sẽ hòa hợp được với gia đình và dòng họ của bạn. Có câu là: “Thương nhau thương cả tông chi họ hàng”.

Thường chúng ta gọi điện thoại, khi hai – ba tháng chưa liên lạc với nhau, quý vị hỏi bạn bè qua điện thoại là: “Mẹ của bạn có khỏe không? Ba của bạn gần đây có khỏe không?”. Tuy là một câu hỏi thăm đơn giản nhưng cũng sẽ khiến cho tâm của đối phương cảm thấy rất ấm áp.

Hiện giờ chúng ta lại học “Đệ Tử Quy”, quý vị không chỉ quan tâm đến cha mẹ của bạn bè, mà quan trọng hơn là phải quan tâm đến việc giáo dục con cái của họ. Hiện nay đa phần các gia đình đều rất đau đầu trong việc giáo dục con cái. Chúng tôi đang thúc đẩy công tác giáo dục hơn một năm nay, rất nhiều gia đình đều có được phương pháp và chuyển biến khá tốt.

Có một cô, lúc tôi đang giảng ở Thẩm Quyến thì cả nhà cô gồm chồng cô và bốn đứa con cùng đến nghe. Con của cô cũng đã mười mấy tuổi rồi, đang học trung học phổ thông, trung học cơ sở. Rất thú vị! Đúng lúc này vợ chồng của cô ấy có chuyện không vui.

Sau khi học xong cô ấy nói với tôi, vốn là cô ấy luôn thấy chồng mình sai, nhưng sau khi nghe giảng xong thì biết được điểm mấu chốt quan trọng của Nho gia đó là “Hành hữu bất đắc, phản cầu chư kỷ” (làm việc gặp trở ngại, không thành công thì phải quay lại phản tỉnh bản thân). Cho nên cô ấy xét lại mình, cảm thấy bản thân mình làm chưa tốt nên không có tư cách để chê chồng mình.

Đối với con cái cũng như vậy, trước đây vốn là luôn nhìn thấy con cái chỗ này không tốt, chỗ kia không tốt, bây giờ cô sẽ nghĩ: “Có phải là mình làm gương chưa đến nơi đến chốn không?”. Tâm niệm của cô vừa chuyển thì chướng ngại tự nhiên tiêu trừ. Vì vậy, chúng ta quan tâm bạn bè, tiến thêm một bước nữa quan tâm gia đình của họ, quan tâm cuộc sống của họ.

Thứ ba là phải khen ngợi lẫn nhau, tán thán lẫn nhau.

Trong hành trình cuộc đời của chúng ta thì tâm trạng có lúc này lúc khác, nên rất cần sự ủng hộ và an ủi của bạn bè. Có một câu nói là: “Văn nhân tương khinh” (văn nhân thường coi thường nhau). Tại vì sao nói “văn nhân thường coi thường nhau”? Là vì tăng trưởng sự ngạo mạn, thậm chí là vì có tâm đố kỵ.

Chúng ta hãy suy nghĩ, làm văn nhân, làm người đọc sách mà sinh khởi ngạo mạn đối với người khác, cảm thấy học vấn của mình, văn chương của mình rất tốt, còn của người khác rất kém, khi họ khởi lên cái tâm này thì thật sự là họ đã bị đọa lạc rồi. Học vấn cả cuộc đời của họ có thể thành tựu không? Không thể! Vì “học vấn thâm sâu thì tâm ý bình lặng”. Người có học vấn thật sự nhìn tất cả mọi người đều rất nhã nhặn, đều rất hoan hỷ, làm sao có thể ngạo mạn được.

Vì vậy, chúng ta đọc sách Thánh Hiền cần phải đối trị “sát thủ” của chính mình đó là tâm đố kỵ. Khi tâm đố kỵ này phát ra, không chỉ bản thân mình bị hại, không chỉ đối phương bị ảnh hưởng, mà vấn đề lớn hơn là chúng ta sẽ làm cho người trong xã hội bị ảnh hưởng.

Ví dụ như người đọc sách này rất có đức hạnh, rất nhiều người học tập theo ông. Nhưng quý vị lại đố kỵ ông ấy, thậm chí dùng lời lẽ hủy báng ông ấy, khiến cho một nhóm người mất lòng tin đối với ông ấy thì tội lỗi này của quý vị thật rất lớn.

Một người luôn luôn đố kỵ người khác thì chắc chắn người đó càng ngày suy nghĩ càng không được linh hoạt, bởi vì họ đã gây trở ngại cơ hội học tập giáo huấn Thánh Hiền, học tập trí huệ của người khác. Bố thí pháp được thông minh, trí tuệ. Nếu như cản trở người khác bố thí pháp thì sẽ bị quả báo ngu si.

Vì vậy, chúng ta cần phải mở rộng tâm lượng để tán thưởng người khác, nỗ lực thực hiện: “Khen người thiện, tức là tốt. Người biết được, càng tốt hơn. Thấy người tốt, nên sửa mình. Dù còn xa, cũng dần kịp”. Khi giữa bạn bè với bạn bè mà có thể tùy hỷ với nhau, khen ngợi lẫn nhau thì đoàn thể cũng như giới học thuật đều là một bầu không khí vui vẻ, hòa thuận. Đây là phải khen ngợi người khác.

Thứ tư là không nên nói chuyện xấu trong nhà người.

Bởi vì bạn bè tin tưởng chúng ta thì họ sẽ đem một số chuyện tương đối riêng tư trong gia đình thảo luận với chúng ta, vì vậy những lời nói này chúng ta cần phải thật cẩn thận, không nên nói ra ngoài. Bởi vì khi quý vị nói ra ngoài sẽ bị những người có tâm xấu thêu dệt tạo ra những tin đồn, như vậy sẽ làm tổn thương nội tâm của bạn bè hoặc gia đình của họ.

Vì vậy, khi người khác đã thành thật trút hết tấm lòng với ta, chúng ta càng phải nên cẩn thận lời nói của mình. Đương nhiên rất nhiều việc riêng tư trong nhà, chúng ta cũng không cần phải nói với mọi người.

Ví dụ như chồng của mình có những điểm nào không tốt mình liền đi nói cho hàng xóm nghe, nói cho bạn bè nghe, đến sau cùng có thể những lời này sẽ được truyền đến tai của chồng mình, anh ấy nhất định sẽ nổi giận. Đến lúc đó mối quan hệ vợ chồng sẽ bị ảnh hưởng không tốt. Không chỉ mối quan hệ vợ chồng không tốt, mà còn khiến cho người khác xem thường quý vị, thậm chí cũng không tôn trọng chồng của quý vị. Như vậy thì không tốt.

Vì vậy, đối với chồng vẫn là “xấu che, tốt khoe”. Giả như có một hôm anh ấy phát hiện ra mình làm vẫn chưa được tốt mà vợ mình ra ngoài khen ngợi, khẳng định mình, anh ấy cảm thấy nhất định mình càng phải nỗ lực hơn để không phụ lòng kỳ vọng của vợ mình. Điều này rất quan trọng. Vì vậy, chúng ta không nên nói chuyện xấu trong nhà.

Điều cuối cùng là phải có đạo nghĩa về việc chia sẻ tài vật.

Chữ “tài” này không những chỉ tiền tài, đồ vật, mà chúng ta vẫn có thể mở rộng thành “nội tài”“ngoại tài”. Nội tài là chỉ sức lao động, kinh nghiệm, trí tuệ. Ngoại tài là chỉ tiền bạc, đồ vật. Bởi vì đời người khó tránh khỏi sự thăng trầm, nên khi bạn bè thật sự có tình huống khẩn cấp, ví dụ như cha mẹ của bạn bè bị bệnh nặng, tức thời họ không thể xoay sở số tiền lớn như vậy thì chúng ta phải “cứu người lúc nguy cấp”, nếu có khả năng thì nên lập tức giúp đỡ họ.

“Huệ bất tại đại”, ân huệ không ở chỗ nhiều hay ít, mà trong lúc đang nguy cấp đó quý vị có thể quan tâm, giúp đỡ họ thì họ sẽ vô cùng cảm động. Đây là đạo nghĩa về sự chia sẻ tài vật giữa bạn bè.

Tôi nhớ lúc nhỏ, vào đầu năm học mới có một số người thân không có tiền đóng học phí cho con họ, cha tôi nhất định sẽ mang tiền ra giúp đỡ. Hơn nữa, khi mang số tiền này giúp đỡ, tôi có thể cảm nhận được thái độ của cha ngoài sự chân thành ra, còn có thái độ là không muốn họ trả lại, đều coi như là sự giúp đỡ giữa người thân với nhau. Vì vậy, thật sự lời nói, việc làm của cha mẹ đều có sự ảnh hưởng thầm lặng đối với con cái.

Xin mời xem tiếp phần sau: Đệ Tử Quy Chương III: “Mượn Đồ Người, Trả Đúng Hẹn” (P7)

PHẬT TỬ THẤY TỐT, CÓ ÍCH CHO NGƯỜI CHO MÌNH XIN CHIA SẺ BÀI VIẾT
NAM MÔ QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT
Ngưỡng nguyện Đức Bồ-tát Quán Thế Âm gia hộ cho kẻ mù Được thấy, kẻ Điếc Được nghe, người Đau khổ Được an vui.
--------------------------------------
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Nam Mô A Di Đà Phật
--------------------------------------

Subscribe

- Never miss a story with notifications

- Gain full access to our premium content

- Browse free from up to 5 devices at once

Bái viết mới nhất

spot_img