12.4 C
London
Chủ Nhật, Tháng Mười Một 3, 2024
Trang chủĐệ tử quyĐệ Tử Quy Chương III: "Mượn Đồ Người, Trả Đúng Hẹn" (P1)

Đệ Tử Quy Chương III: “Mượn Đồ Người, Trả Đúng Hẹn” (P1)

Date:

Bài Viết Liên Quan

spot_imgspot_img

Đệ Tử Quy Chương III: “Mượn Đồ Người, Trả Đúng Hẹn”

Đệ Tử Quy Chương III: “Mượn Đồ Người, Trả Đúng Hẹn”. Khi mượn đồ của người khác, chúng ta phải luôn luôn nghĩ khi nào nên trả lại. Điều này cần phải cẩn thận. Bởi vì người ta cho chúng ta mượn đồ là đã giúp đỡ chúng ta, chúng ta phải biết ơn.

3.14. Kinh văn – Đệ Tử Quy

“Tá nhân vật, cập thời hoàn. Hậu hữu cấp, tá bất nan”.

 Mượn đồ người, trả đúng hẹn. Sau có cần, mượn không khó”.

Khi mượn đồ của người khác, chúng ta phải luôn luôn nghĩ khi nào nên trả lại. Điều này cần phải cẩn thận. Bởi vì người ta cho chúng ta mượn đồ là đã giúp đỡ chúng ta, chúng ta phải biết ơn. Nếu như chúng ta trả không đúng hẹn thì không có đạo nghĩa. Khi chúng ta đã xác định thời gian trả nhưng sợ mình quên thì chúng ta có thể viết trực tiếp lên lịch treo tường (mỗi ngày chúng ta đều xem lịch nên sẽ không quên), hoặc ghi vào quyển sổ tay của quý vị, hoặc viết vào lịch làm việc. Mỗi lần mượn đồ của người khác, quý vị đều cẩn thận như vậy thì sau này người ta sẽ rất vui vẻ cho quý vị mượn đồ.

Vào thời nhà Minh, có một lần Trịnh Liêm đến nhà một gia đình giàu có mượn sách. Họ nói với ông: “Mười ngày sau ông phải trả quyển sách này”. Mười ngày trôi qua rất nhanh. Người ta đồng ý cho mượn, ông vô cùng hoan hỷ. Ngày thứ mười thì tuyết rơi rất nhiều, chủ nhân của quyển sách nghĩ có lẽ ông không đến, nhưng Trịnh Liêm vẫn đội gió tuyết lớn đi trả. Vị chủ nhân đó rất cảm động và rất khâm phục ông. Vị chủ nhân đó nói: “Sau này chúng tôi rất sẵn lòng cho ông mượn sách”.

Khi chúng ta mượn đồ của người khác mà nét mặt người ta không vui thì không nên trách người ta, mà cần phải xét lại bản thân mình. Sự tín nhiệm của xã hội đối với chúng ta là do chính bản thân mình xây dựng nên từng chút từng chút một. Chúng ta không nên chỉ ngưỡng mộ: “Người đó sao mà được người khác tin tưởng như vậy!”. Tất phải có nguyên nhân. Chúng ta phải tự cố gắng hướng theo đó mà nỗ lực.

Ngày nay, người mượn tiền là đại ca, người cho mượn tiền là tiểu đệ. Người mượn tiền đều ngồi trên cao, người cho mượn tiền thì phải đi cầu xin họ trả lại. Quý vị xem, xã hội này có điên đảo không? Đã mượn tiền rồi nhưng khi có tiền vẫn không trả. Điều này thật xấu xa. Họ không nghĩ lại lúc đầu người ta đã tốt bụng cho mình mượn tiền. Người thời xưa thường thật thà, chỉ cần có tiền thì họ lập tức đi trả nợ. Chữ tín thời xưa có giống ngày nay không? Không giống. Chữ tín thời xưa là nhân cách, có cần viết giấy nợ không? Sự thành tín của người xưa thể hiện nhân cách của một người, họ không cần phải ghi giấy nợ.

Thật sự khoảng năm – sáu mươi năm trước, người trong xã hội đều có đức tính như vậy. Ví dụ như ông ngoại của tôi trước đây là chủ tiệm gạo, rất nhiều người chưa có tiền nhưng ông vẫn bán gạo cho họ. Đến tết, đến ngày lễ, đại đa số những người này đều mang tiền đến trả. Nhưng cũng có một số ít người chưa đến trả vì họ không có tiền, ông ngoại tôi vẫn không đi đòi. Bởi vì giữa người với người đều rất tin tưởng nhau, đều biết rằng khi đối phương có tiền nhất định sẽ mang đến trả. Hiện giờ chắc là họ đang gặp khó khăn, nếu chúng ta vẫn đi đòi thì không có đạo nghĩa. Quý vị xem, con người trước kia đều tín nhiệm lẫn nhau.

Chữ tín của Phương Tây là gì? Là giấy trắng, mực đen. Suy nghĩ của người Phương Tây chính là trước tiên họ phải hoài nghi quý vị có phải là người tốt hay không, có phải là người giữ chữ tín không? Quý vị phải chứng minh cho họ xem quý vị có giữ chữ tín hay không. Đây là thái độ khác nhau đối với chữ tín giữa Phương Đông và Phương Tây. Chúng ta hiện nay đang xử lý vấn đề chữ “tín” này theo Phương Đông hay Phương Tây? Hiện nay đa số đang chạy theo Phương Tây. Bởi vì muốn làm giống theo Phương Đông thì không mấy người dám làm, trong lòng sẽ lo lắng, sợ người thời nay nói mà không giữ chữ “tín”. Rốt cuộc là chúng ta tiến bộ hay tụt hậu vậy? Chúng ta cần phải bình tâm suy nghĩ. Đáng lẽ phải trả cho người ta mà quý vị không trả, xem ra quý vị đã chiếm được một chút lợi, nhưng thật sự quý vị đã làm cho chữ “tín” của toàn xã hội dần dần mất đi.

Đệ Tử Quy Chương 3: "Mượn Đồ Người, Trả Đúng Hẹn"
Đệ Tử Quy Chương 3: “Mượn Đồ Người, Trả Đúng Hẹn”

Ở Thẩm Quyến có một thương nhân đàm phán chuyện mua bán đất với người nông dân. Đàm phán xong, người nông dân đồng ý việc bán mảnh đất đó cho ông. Sau khi mua, ông chỉ trả một nửa số tiền, một nửa còn lại thì không trả. Người nông dân đó rất tức giận, vì đó là mảnh đất duy nhất của họ. Người thương nhân vẫn còn nợ sáu ngàn Nhân Dân Tệ không trả. Con người cảm thấy chiếm được lợi của người khác hình như là bản thân mình có lợi. Rốt cuộc mấy ngày hôm sau, người nông dân đó mang bom đến nhà người mua đất cùng sống chết với ông. Báo chí viết: “Một mạng người giá bao nhiêu tiền? Sáu ngàn Nhân Dân  Tệ”. Vì vậy, chữ “tín” vô cùng quan trọng.

Thứ nhất, chúng ta cần phải giữ tốt chữ tín của mình. Thứ hai, phải luôn luôn nghĩ rằng người khác cho chúng ta mượn đồ là giúp đỡ chúng ta, chúng ta không nên quên đạo nghĩa. Có ơn đức này thì tự nhiên chúng ta sẽ thận trọng, “đã nói là sẽ giữ lời”.

Khổng Lão Phu Tử trong “Luận Ngữ” cũng nhiều lần nhắc đến tầm quan trọng của chữ “tín”.

Chữ “Tín” Trong “Luận Ngữ”

Trong “Luận Ngữ” có nói: “Nhân vô tín bất lập”, người không có chữ tín thì không có chỗ đứng trong xã hội, không có chỗ đứng trong tập thể. Bởi vì xã hội là một sinh hoạt đoàn thể, nếu như mọi người đều không tin tưởng quý vị, xa cách quý vị, thì quý vị rất khó phát triển. Khổng Lão Phu Tử cũng nói: “Người không có chữ tín không làm nên chuyện gì”. Nếu như một người bất tín thì thật sự không biết họ có thể làm nên được việc gì. Vì vậy, chữ “tín” đối với một người vô cùng quan trọng.

Chúng ta xem chữ “tín” này, đây là chữ hội ý. Bên trái là chữ “nhân”, bên phải là chữ “ngôn”, nghĩa là một người đã nói thì nhất định phải giữ uy tín, nói thì phải giữ lời. Thái độ của người thời xưa đối với lời nói là “một lời nói đáng giá ngàn vàng”, “nhất ngôn cửu đỉnh”.

Ngoài ý nghĩa phải giữ uy tín ra, chữ “tín” này còn có một hàm ý khác, chính là “tín nghĩa”, “tín”“nghĩa” kết hợp với nhau. Sự “tín nghĩa” tuy không được nói ra nhưng mọi người đều ngầm hiểu trong lòng. Ví dụ tuy chúng ta không nói với cha của mình là con phải hiếu thảo với cha, nhưng ở trong lòng chúng ta luôn luôn giữ lấy chữ “nghĩa” này.

Chữ “tín” này còn có một nghĩa rộng khác là đạo nghĩa, tình nghĩa, ân nghĩa, cách nói ngày nay chính là nghĩa vụ, bổn phận làm người, nghĩa vụ làm người. Từ chỗ này để lý giải chữ “tín” thì quý vị có thể giải thích ý nghĩa của chữ “tín” này rộng hơn. Chúng ta biết, tri thức của Thánh nhân không ngoài việc làm tốt mối quan hệ giữa người với người. Đây là điều căn bản nhất, chính là học cách làm người trước.

Làm người phải giữ chữ “tín” như thế nào?

Làm người không nằm ngoài năm mối quan hệ luân thường đại đạo.

“Ngũ Luân” là gì vậy? Điều này phải kiểm tra, quý vị cần phải tập trung tinh thần để trả lời câu hỏi. “Phụ tử hữu thân, quân thần hữu nghĩa, phu phụ hữu biệt, trưởng ấu hữu tự, bằng hữu hữu tín” (Cha con có tình thân, vua tôi có đạo nghĩa, chồng vợ có bổn phận riêng biệt, người lớn và trẻ nhỏ có tôn ti trật tự, bạn bè giữ chữ tín). Ngũ luân là năm mối quan hệ này.

Có hoàng đế nào nói với các quan là: “Khanh phải hết lòng trung thành với trẫm” không? Có nói như vậy không? Không cần nói, bởi vì đó là nghĩa vụ, bổn phận của một người, là thái độ làm người, tuy không cần phải nói ra nhưng họ vẫn giữ bổn phận này.

Chúng ta xem mối quan hệ cha – con. Đương nhiên trước tiên “nói thì phải giữ lời” thì quý vị mới có thể dẫn dắt gia đình và con cái trở nên tốt đẹp, con cái mới nể phục quý vị. Nếu như người cha nói một đằng làm một nẻo thì con cái có tôn kính không? Không thể. Nếu như quý vị tiếp tục như vậy thì chắc chắn đứa con sau này sẽ ngỗ nghịch. Bởi vì chúng tích lũy sự bất mãn, không nể phục như vậy thì sẽ có một ngày núi lửa phun trào. Vì vậy, đối với con cái cần phải “nói thì phải giữ lời”.

Thời nhà Chu có câu chuyện “Tăng Tử Giết Lợn”. Câu chuyện kể rằng, khi vợ của Tăng Tử phải ra bên ngoài mua thức ăn thì đứa con liền nói: “Mẹ ơi! Con muốn đi với mẹ”. Người mẹ liền nói: “Con đừng có đòi đi, nếu như con ngoan ngoãn thì khi trở về mẹ sẽ giết lợn cho con ăn”. Tăng Tử nghe được câu chuyện vợ mình nói dối đứa con, cho nên khi người vợ trở về thì nhìn thấy Tăng Tử đang mài dao. Vợ ông sợ quá liền chạy đến nói: “Tôi chỉ nói đùa với con thôi, ông cho là thật sao?”. Tăng Tử liền nói với vợ: “Nếu như đối với con cái mà bà không giữ lời, thì cả cuộc đời của bà muốn con tin tưởng bà là điều rất khó”.

Vì vậy, làm người lớn cần phải cẩn thận lời nói, việc làm. Quý vị chắc chắn mình làm được thì mới hứa. Hơn nữa, không chỉ quý vị làm được mới hứa mà cần phải xét rằng lời hứa này có lợi ích gì cho con cái hay không. Quý vị không nên nói kinh tế của nhà tôi sung túc như vậy, chúng muốn cái gì thì cho cái đó, mà cần phải xem có cần thiết hay không.

“Đệ Tử Quy” nói: “Việc không tốt, chớ dễ nhận. Nếu dễ nhận, tiến lui sai”. Vì vậy, quý vị là phụ huynh thì cần phải chú ý đến sự cẩn thận trong lời nói.

Giữa cha con, ngoài việc nói phải giữ lời thì cha nhất định phải thương yêu con cái, con cái nhất định phải có hiếu với cha mẹ. Chúng tôi thường nghe một số bạn bè nói: “Con cái đã được sinh ra thì nên tận tâm tận lực dạy dỗ chúng cho tốt. Đây là bổn phận làm người”. Tôi rất thích nghe những lời như vậy vì khi nghe đều cảm thấy máu huyết trong người tuần hoàn rất tốt, đây là chính khí hạo nhiên (nguồn năng lượng tốt). Khi nói chuyện với một người thật sự có đạo nghĩa, quý vị sẽ cảm thấy rất thoải mái. Những người con hiếu thảo thời xưa thật sự luôn luôn không quên ân đức của cha mẹ, ân nghĩa của cha mẹ.

Câu chuyện về Chu Thọ Xương tìm mẹ.

Vào thời nhà Tống, có một người trí thức tên là Chu Thọ Xương. Lúc ông bảy tuổi, người vợ cả của cha ông rất đố kỵ với mẹ của ông (mẹ ông là vợ thứ) nên kiên quyết ép mẹ của ông đi lấy người khác. Vì vậy, khi ông bảy tuổi thì phải xa mẹ. Quý vị xem, đứa trẻ mới bảy tuổi mà phải đối mặt với một bi kịch lớn trong cuộc đời, một sự thử thách như vậy. Nhưng đứa trẻ này luôn luôn nghĩ đến việc sau này phải đi tìm mẹ trở về. Chúng ta thấy một đứa trẻ mới bảy tuổi mà có thái độ như vậy đối với cha mẹ, thật vô cùng cảm động! Nếu quý vị nói: “Bảy tuổi thì biết cái gì chứ?” là sai rồi! Chỉ cần từ nhỏ quý vị dạy chúng những đạo lý làm người, thì đứa trẻ bảy tuổi cũng có thể khiến chúng ta khâm phục trong lòng. Ông luôn thăm dò tin tức của mẹ ông suốt mấy mươi năm nhưng không có tin tức gì. Sự nghiệp của ông cũng phát triển rất tốt. Ông cũng làm quan vào thời Tống Thần Tông. Vào năm ông 57 tuổi, đã 50 năm trôi qua, ông hạ quyết tâm và nói với người thân của mình rằng: “Tôi phải đi tìm mẹ tôi. Nếu như tôi không tìm được mẹ thì tôi sẽ không trở về. Nhất định phải tìm cho được, quyết chí đến cùng”.

Quý vị bằng hữu, ông có tìm được mẹ không? “Thành tâm thành ý thì vàng đá cũng tan chảy”. Những người khác thì nghĩ rằng ông đang“mò kim đáy biển”. Thật sự giữa cha con, giữa mẹ con đều có sự liên kết. Ông đã tìm đến vùng Thiểm Tây xa xôi, đến một nơi gọi là Đồng Châu. Đúng lúc đó thì trời đổ mưa. Đây cũng là sự cảm ứng, nên ông liền dừng lại nơi đó. Sau đó thì ông có nhân duyên nghe được tin tức của mẹ ông. Thật sự là trời đất không vô tình, dựa vào tâm của chúng ta mà sinh ra cảm ứng.

Quý vị bằng hữu, chúng tôi đã từng đến Ôn Châu để giảng. Nơi đó mấy tháng trời không có mưa, hôm chúng tôi đến thì trời liền mưa. Chúng tôi đi đến đảo Tần Hoàng, nơi đó mấy tháng không có mưa, buổi tối hôm chúng tôi đến thì trời đã đổ một cơn mưa tuyết đầu tiên trong năm. Thật sự toàn bộ hoàn cảnh thiên nhiên cùng với tâm con người là một thể. Tâm con người thiện thì quốc thái dân an, tâm con người ác thì tai nạn liên miên. Vì vậy hiện nay chúng ta cần phải xoay chuyển tình hình của xã hội, không nên than vãn, phải bắt đầu từ căn bản, bắt đầu từ nơi tâm chúng ta, đem tâm chuyển đổi thành ý niệm thiện. Tiến thêm một bước là tạo ra sự ảnh hưởng đến càng nhiều người trong xã hội thì tất cả tai nạn tự nhiên sẽ từ từ được hóa giải.

Vì vậy, Chu Thọ Xương đã tìm được mẹ mình một cách thuận lợi. Mẹ ông lúc đó đã hơn bảy mươi tuổi. Mẹ con gặp nhau rất cảm động, ôm nhau mà khóc. Chu Thọ Xương không những đón mẹ về phụng dưỡng mà ngay cả những người em trai, em gái mà mẹ ông đã sinh sau này ông cũng đón về. Xin hỏi, ông cùng với những người em cùng mẹ khác cha này có ký giao kèo không? Không có. Người xưa đều là tín nghĩa, tình nghĩa, cho nên ông đã đón tất cả về cùng chung sống. “Anh thương em, em kính anh. Anh em thuận, hiếu trong đó ”. Đây là tình nghĩa của Chu Thọ Xương đối với mẹ ông.

Câu chuyện về Thái sử Hoàng Đình Kiên rửa bô cho mẹ.

Thời Nhà Tống có một vị trí thức khác tên là Hoàng Đình Kiên. Ông rất giỏi về văn học. Lúc đó ông đã làm Thái Sử, là một chức quan tương đối cao, nhưng mỗi ngày ông nhất định phải tự mình rửa bô nước tiểu giúp mẹ. Không phải ông không có người giúp việc, nhưng ông nhất định kiên trì làm giúp mẹ công việc mà người con cần phải làm. Ngay cả bô nước tiểu cũng rửa, chứng tỏ những công việc khác ông cũng sẽ tận tâm, tận lực. Hoàng Đình Kiên tuy làm quan lớn, tuy đã có được danh lợi tiếng tăm nhưng tâm hiếu chí thành của ông có bị danh lợi, tiếng tăm làm cho ô nhiễm không? Không có.

Chúng ta nhìn lại xã hội của chúng ta hiện nay, khi một người kiếm được rất nhiều tiền thì tâm hiếu của họ có thay đổi không? Rất có thể trở thành một người lắm tiền nhiều tật, dùng tiền để tận hiếu. Có thể tâm cung kính đó không còn đủ. Vì vậy, chúng ta đối chiếu với người xưa, cần phải nỗ lực học tập theo người xưa. Đây là mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, nói thì phải giữ lời và phải có tín nghĩa, phải tận bổn phận.

Xem mời xem tiếp phần sau: “Mượn Đồ Người, Trả Đúng Hẹn” (P2)

PHẬT TỬ THẤY TỐT, CÓ ÍCH CHO NGƯỜI CHO MÌNH XIN CHIA SẺ BÀI VIẾT
NAM MÔ QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT
Ngưỡng nguyện Đức Bồ-tát Quán Thế Âm gia hộ cho kẻ mù Được thấy, kẻ Điếc Được nghe, người Đau khổ Được an vui.
--------------------------------------
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Nam Mô A Di Đà Phật
--------------------------------------

Subscribe

- Never miss a story with notifications

- Gain full access to our premium content

- Browse free from up to 5 devices at once

Bái viết mới nhất

spot_img