Đệ Tử Quy Chương IV: “Lời Dối Trá, Sao Nói Được”
Contents
- 1 Đệ Tử Quy Chương IV: “Lời Dối Trá, Sao Nói Được”
- 1.1 4.1 Kinh văn – Đệ Tử Quy
- 1.1.1 “Phàm nói ra, tín trước tiên. Lời dối trá, sao nói được. Nói nhiều lời, không bằng ít. Phải nói thật, chớ xảo nịnh. Lời gian xảo, từ bẩn thỉu, thói tầm thường, phải trừ bỏ”.
- 1.1.2 4.1.2 “Lời dối trá, sao nói được” – Đệ Tử Quy
- 1.1.3 4.1.3 “Nói nhiều lời, không bằng ít. Phải nói thật, chớ xảo nịnh”
- 1.1 4.1 Kinh văn – Đệ Tử Quy
Đệ Tử Quy Chương IV: “Lời Dối Trá, Sao Nói Được”. Nếu như chúng ta không giữ chữ “tín”, còn viện cớ; “trá” là lừa dối, “vọng” là dùng lời ngon tiếng ngọt để che giấu sự thất tín của mình, như vậy có thể tạo thành “nếu che giấu, lỗi chồng thêm”.
4.1 Kinh văn – Đệ Tử Quy
“Phàm xuất ngôn, tín vi tiên. Trá dữ vọng, hề khả yên. Thoại thuyết đa, bất như thiểu. Duy kỳ thị, vật nịch xảo. Gian xảo ngữ, uế ô từ. Thị tỉnh khí, thiết giới chi”.
“Phàm nói ra, tín trước tiên. Lời dối trá, sao nói được. Nói nhiều lời, không bằng ít. Phải nói thật, chớ xảo nịnh. Lời gian xảo, từ bẩn thỉu, thói tầm thường, phải trừ bỏ”.
(Tiếp phần trước)
4.1.2 “Lời dối trá, sao nói được” – Đệ Tử Quy
“Trá dữ vọng, hề khả yên” (lời dối trá, sao nói được). Nếu như chúng ta không giữ chữ “tín”, còn viện cớ; “trá” là lừa dối, “vọng” là dùng lời ngon tiếng ngọt để che giấu sự thất tín của mình, như vậy có thể tạo thành “nếu che giấu, lỗi chồng thêm”.
Đến cuối cùng mọi người biết được quý vị không thừa nhận sự thất tín của mình thì tiếng tăm của quý vị ngày càng xấu đi. Đương nhiên “chuyện trời mưa gió không dễ đoán, đời người may rủi có ai hay”. Cũng có thể quý vị thật sự rất muốn giữ chữ “tín”, nhưng trong cuộc đời xuất hiện một số tình huống khiến cho quý vị không cách nào giữ chữ tín được, lúc đó chúng ta phải làm sao?
Việc thế gian có một chữ có thể giải quyết được, đó là chữ “thành”. Chúng ta thành thật công khai nhận lỗi. Khi người khác thật sự hiểu được tình huống của chúng ta, lại hiểu được thành ý của chúng ta, thì họ cũng sẽ nhượng bộ, bởi vì có ép chúng ta thế nào đi nữa thì cũng không có lợi ích gì.
Nhưng nếu như chúng ta tiếp tục che giấu thì họ sẽ càng phẫn nộ, càng lúc càng không vui, đến lúc đó chúng ta rất khó giải quyết. Vì vậy, đã hứa với người khác thì tuyệt đối không nên trì hoãn, càng trì hoãn thì càng khó giải quyết.
Tôi có một người bạn, người thân của anh ấy mắc nợ rất nhiều. Anh ấy cũng có trách nhiệm đi trả, nhưng anh rất lo sợ đối phương có thái độ không tốt. Bạn của anh ấy khuyên anh ấy rằng: “Anh nên thành khẩn nói với họ là tôi chỉ có vậy, hiện giờ quý vị có làm gì đi nữa, có báo thù thì quý vị cũng không được lợi ích gì, tôi cũng không có lợi ích gì. Bây giờ tôi thành khẩn đến trả tiền, mỗi tháng tôi sẽ trả cho anh khoảng bao nhiêu đó”.
Anh thành khẩn nói với họ như vậy, kết quả sau đó cũng rất thuận lợi. Vì vậy, cách xử sự làm người ở thế gian chúng ta không nên cho là quá phức tạp, nên dùng “thành tín” để đối xử.
4.1.3 “Nói nhiều lời, không bằng ít. Phải nói thật, chớ xảo nịnh”
“Nói nhiều thì sai nhiều”. Không nên nói thao thao bất tuyệt, bởi vì khi thao thao bất tuyệt thì sẽ có rất nhiều lời chưa được suy nghĩ kỹ đã nói ra. Khi đã nói ra rồi thì không thể thu lại được. Vì vậy, Khổng Lão Phu Tử có nói: “Trước khi làm hãy nghĩ ba lần, trước khi nói hãy nghĩ ba lần”. Cho nên, lời nói cũng phải cẩn thận.
Trong “Kinh Dịch” có nói: “Người may mắn thì ít lời, người nóng nảy thì nhiều lời”. Người hay gặp điều tốt lành là người ít nói, người nóng nảy thì nói rất nhiều. Khi quý vị nhìn thấy một người thao thao bất tuyệt thì trong tâm của họ không an, rất hấp tấp, không có cảm giác an toàn. Khi một người trong lòng như vậy thì rất dễ nói sai, rất dễ mắc lỗi với người khác. Tâm của họ đã bị loạn.
Tục ngữ có nói: “Tai họa không đến có một lần” (họa vô đơn chí). Đó là do không làm chủ được tâm nên mới phạm lỗi hết lần này đến lần khác. Vì vậy, phải tĩnh tâm lại. Khi nói ít thì tâm tương đối ôn hòa. Khi tâm đã ôn hòa thì đối với hoàn cảnh sống, với những chuyện xảy ra đều có thể quan sát, quán chiếu một cách rõ ràng minh bạch nên không dễ bị phạm sai lầm.
Quý vị bằng hữu không nên nghe xong đoạn này thì về nhà không nói chuyện nữa. Khi cần nói thì chúng ta vẫn phải nói. Lúc nhỏ tôi rất nhiệt tình, phía sau còn có thêm một chữ “quá mức” nữa. Vì vậy, khi thấy người khác không siêng năng học tập, tôi liền nói bên tai họ. Họ nghe tôi nói mà đầu họ như sắp nổ tung, còn tôi thì không cảm nhận được cần phải dừng lại.
Khi học trung học phổ thông, rất nhiều bạn học đều có bạn gái, tôi thì không có bạn gái. Tại vì sao vậy? Bởi vì các bạn nam đó đều rất ít nói, gương mặt của họ xem ra rất lạnh lùng. Rất lạnh lùng hình như rất dễ làm quen với bạn gái. Vì vậy tôi bắt đầu trở nên lạnh lùng và không nói chuyện, cả ngày không nói lời nào.
Tôi muốn kiên trì một thời gian, nhưng sau khi kiên trì được một ngày thì tôi nghĩ: “Thôi được rồi! Hãy là chính mình thì tốt hơn”. Khi người khác thật sự cần chúng ta thì chúng ta nhất định phải hết lòng hướng dẫn họ, khuyên bảo họ, nhưng khi thời cơ chưa chín muồi thì không nên nói quá nhiều vì có thể làm cho người khác bị phiền não.
Vì vậy, giữa sự tiến và thoái này, nhân duyên chín muồi hay không cũng không thể dùng lời nói để xác định rõ được, mà bản thân quý vị cần phải tự tích lũy kinh nghiệm. Có thể dùng một phương pháp của Mạnh Phu Tử, đó là “nhìn vào mắt của đối phương”.
Ví dụ quý vị nói với họ rằng “Đệ Tử Quy” rất quan trọng, ví dụ như câu “nón quần áo, để cố định”, vì điều này có liên quan trực tiếp đến khả năng làm việc của con cái. Khi quý vị nói như vậy thì mắt của họ sẽ sáng lên. Đến đây thì quý vị có nên nói: “Tốt rồi! Hôm nay nói năm phút là được rồi, tôi phải đi về” không?
Như vậy là không tùy duyên. Khi nhân duyên đã chín muồi, thì chúng ta nên thuận theo tình thế mà làm. Quý vị nói chuyện với một người được năm phút đã thấy ánh mắt của họ lơ đãng thì quý vị có cần phải nói hai tiếng đồng hồ không? Nói như vậy là quá phan duyên. Vì vậy, phải luôn quan sát trạng thái của nhân duyên. Nhân duyên là trạng thái động chứ không phải trạng thái tĩnh. Ví dụ, chúng ta học Kinh văn thành trạng thái tĩnh thì đã học một cách cứng nhắc rồi.
“Nói nhiều lời, không bằng ít”. Nói nhiều không bằng nói ít, nhưng khi nói thì nhất định phải là lời nói hay, nói điều có thể lợi ích cho người khác, gọi là “nói lời có ích, nói lời êm dịu”, khiến cho người nghe dễ chịu. Nên nói lời thành thật, nên nói lời trí tuệ để thành tựu người khác.
Có một lần tôi tiếp điện thoại của một cô bạn. Lúc nghe điện thoại tôi nghe cô ấy khóc thút thít kể về chồng của cô ấy có rất nhiều lỗi lầm. Từng tội từng tội của chồng, cô đều liệt kê ra hết.
Đợi cô ấy nói xong, tâm tư tương đối lắng dịu lại, tôi liền nói với cô ấy: “Cô đã có con rồi thì nên cố gắng chăm sóc gia đình cho tốt. Trong cuộc sống gia đình, cô cần phải giữ một thái độ là tất cả mọi người có làm như thế nào đó là chuyện của họ. Trước hết cô nên nhìn lại mình. Họ đúng hay không đúng là chuyện của họ, mình đúng hay không mới là điều quan trọng nhất.
Vì vậy, trước tiên không nên nhìn lỗi lầm của chồng, mà phải nên nhìn lại bản thân mình xem mình làm vợ có tốt chưa, mình làm mẹ có tốt chưa, mình làm dâu đã tròn bổn phận chưa? Giả như chúng ta chưa làm tốt mà đi nói người khác thì mình cũng giống như những người khác, vậy chúng ta đâu có tư cách gì mà tức giận, la mắng họ? Không phải là quý vị cũng giống như họ sao?
Chửi mắng họ chính là chửi mắng chính mình, có đúng không? Cô la mắng họ là bởi vì họ không tròn trách nhiệm, nhưng mà bản thân chúng ta cũng không tròn trách nhiệm mà?”.
Vì vậy, khi một người có thể quay lại kiểm điểm mình trước thì tâm của người đó sẽ được lắng lại rất nhiều. Do tâm được lắng lại, do có trách nhiệm, dần dần sẽ khiến cho người chồng cảm thấy hổ thẹn. Vì vậy, con người hiện nay có rất nhiều tình huống trong gia đình càng ngày càng phức tạp, càng ngày càng nghiêm trọng, thường hay xử lý tình huống theo cảm tính. “Họ làm như vậy thì tôi cũng làm như vậy”, đều là dùng sự báo thù như vậy. Cuối cùng là gia đình tan nát, con cái cũng chịu tai ương. Vì vậy, chúng ta nên dùng lý trí để xử sự.
Khi tôi nói xong, cô bạn đó liền nói: “Thầy Thái! Trước khi gọi điện cho thầy tôi đã gọi điện cho mấy người bạn, cho những đồng nghiệp của tôi, nhưng đáp án của họ khác với thầy. Họ đều nói thời kỳ bất bình thường thì phải dùng thủ đoạn bất bình thường”. Họ cũng không hiểu người xưa nói: “Thà đập bỏ mười cây cầu, không nên phá vỡ một cuộc hôn nhân”. Cầu bị gãy rồi vẫn có thể xây lại, còn hôn nhân nếu như tan vỡ rồi thì rất khó tái hợp lại, gương đã vỡ thì những mãnh vỡ đó rất khó hợp lại được. Vì vậy, lời nói phải cẩn thận.
Nếu lúc này quý vị kiến nghị với họ: “Người đàn ông như vậy thì nên ly hôn đi” và cô ấy hành động theo cảm tính, liền ly hôn. Sau đó cô ấy hối hận, năm lần bảy lượt gọi điện nói do quý vị đã hại cô ấy. Quý vị nghe điều này sẽ cảm thấy rất khó chịu. Con cái của cô ấy cũng nói đều là do quý vị đã hại họ, vậy mỗi ngày quý vị có thể ngủ yên hay không?
Do đó, khi chúng ta nói chuyện với mọi người, nhất định phải nắm vững một nguyên tắc. Quý vị nắm vững nguyên tắc này thì chắc chắn bạn bè sẽ xem quý vị như là tri kỷ. Là nguyên tắc gì vậy? Khi trò chuyện với bạn bè, khi nói đến chuyện trong gia đình họ, nhất định phải để cho họ tự phản tỉnh. Khi quý vị hướng dẫn họ tự tìm vấn đề nơi bản thân họ, thì mới thật sự hóa giải được vấn đề.
Thường khi họ phản tỉnh thì tâm họ sẽ lắng lại. Vì vậy, cho dù họ có làm theo lời của quý vị hay không, giả như họ không làm theo lời của quý vị thì một thời gian sau họ sẽ nói: “Anh nói rất đúng!”, giả như họ thật sự làm theo lời của quý vị thì họ sẽ đến cảm ơn quý vị đã khuyên họ không hành động theo cảm tính. Thậm chí có thể là vợ/chồng của họ cũng đến cảm ơn quý vị.
Chúng ta phải nắm giữ nguyên tắc này, bởi vì khi nói chuyện với nhau thường rất dễ bị ảnh hưởng bởi cảm xúc. Nhưng phải nhớ kỹ một điều: “Không nên nghe một chiều, không nên nghe lời một bên”. Quý vị có tin là khi vợ chồng cãi nhau thường thì ai cũng nói mình đúng không? Vậy thì ai đúng? Nhất định có một chân tướng sự thật. Con người thường hay đứng trên góc độ của mình mà nhìn sự việc.
Vì vậy không nên nghe người chồng nói thế này, bị ảnh hưởng bởi lời nói của người chồng, rồi đối với vợ của anh ta có cách nhìn sai khác vì bị chi phối bởi “cái điều lọt vào tai đầu tiên”. Như vậy là đã mất đi sự khách quan. Vì vậy, khi quý vị nghe thì cũng cần phải phân biệt lời nào là đúng, lời nào là sai.
Sau đó, trong quá trình nói chuyện thì quý vị nói với họ: “Vợ của anh như vậy là kết quả, vậy nguyên nhân là do đâu?”. Câu này có lợi ích không? Anh ấy sẽ lắng lòng lại. Hôm nay vợ anh ấy nổi nóng có thể chỉ là một sự bùng nổ, oán khí đó đã được tích lũy bao lâu rồi mà anh ấy không biết. Anh ấy chỉ biết ở đó tức giận cả buổi: “Tại vì sao cô ta mắng mình?”. Anh ấy không biết đằng sau cái khẩu khí đó là sự dồn nén năng lượng biết bao lâu rồi.
Vì vậy, quý vị phải hướng dẫn để anh ấy hiểu nguyên nhân do đâu thì anh ấy mới biết đặt mình vào hoàn cảnh của người khác mà nghĩ cho đối phương. Bởi vậy, nên “dĩ hòa vi quý”, nói chuyện với người khác tuyệt đối không gây ra sự tranh chấp, sự bất hòa.
“Nói nhiều lời, không bằng ít. Phải nói thật, chớ xảo nịnh”.
Sự thật như vậy thì chúng ta nên trực tiếp nói ra, tuyệt đối không nên viện cớ, tuyệt đối không nên che giấu lỗi. Ví dụ chúng ta đã hứa với cha, hứa với mẹ sẽ mua món đồ gì đó, kết quả vừa bước vào nhà, mẹ hỏi: “Nước tương đâu?”, chúng ta phải lập tức như thế nào? “Xin lỗi mẹ! Con sai rồi!”. Câu: “Con sai rồi!” có dễ nói không? Dễ nói à?
Quý vị đã lâu không nói thì rất khó nói. Vì vậy chỉ cần chúng ta có lỗi, không giữ lời hứa thì nhất định phải xin lỗi ngay, đối phương sẽ thấy có thể chấp nhận được. Giả như lúc đó quý vị nói: “Gần đây con bận quá, bận chuyện này, bận chuyện nọ”, giải thích thật nhiều, càng giải thích thì trong tâm của người nghe càng khó chịu. Cho nên “phải nói thật, chớ xảo nịnh”.
Xin mời xem tiếp phần sau: “Lời gian xảo, từ bẩn thỉu, thói tầm thường, phải trừ bỏ”