Đệ Tử Quy Chương III: “Mượn Đồ Người, Trả Đúng Hẹn” (P6)
Contents
Đệ Tử Quy Chương III: “Mượn Đồ Người, Trả Đúng Hẹn” (P6). Quan hệ thứ tư trong ngũ luân là “anh nhường, em kính”. Giữa anh em cũng phải giữ chữ “tín”. Nếu như anh em không giữ chữ “tín” thì bầu không khí trong gia đình có thể xảy ra vấn đề, thậm chí nói không chừng sẽ xảy ra xung đột.
3.14. Kinh văn – Đệ Tử Quy
“Tá nhân vật, cập thời hoàn. Hậu hữu cấp, tá bất nan”.
“Mượn đồ người, trả đúng hẹn. Sau có cần, mượn không khó”.
(Tiếp phần trước)
Quan hệ thứ tư trong ngũ luân là “anh nhường, em kính”. Giữa anh em cũng phải giữ chữ “tín”. Nếu như anh em không giữ chữ “tín” thì bầu không khí trong gia đình có thể xảy ra vấn đề, thậm chí nói không chừng sẽ xảy ra xung đột. Anh em cũng phải có tình nghĩa, ân nghĩa, nên cố gắng đoàn kết cùng nhau, như vậy mới có thể khiến cho cha mẹ yên tâm: “Anh thương em, em kính anh. Anh em thuận, hiếu trong đó”.
“Anh nhường, em kính” trong ấn tượng của tôi, cha tôi cũng không nói với tôi là: “Con phải hết lòng thương yêu chị của con!”. Tôi cũng không nghe cha tôi nói với chị tôi: “Con phải chăm sóc em của con!”. Tôi chưa từng nghe cha tôi nói như vậy. Chủ yếu là bản thân cha mẹ đã làm cho chúng tôi thấy, diễn cho chúng tôi xem.
“Thân giáo giả tùng, ngôn giáo giả tụng”. Bản thân mình thật sự làm được thì con cái của chúng ta sẽ tự nhiên làm theo một cách vui vẻ. Nhưng nếu không làm mà chỉ nói, chỉ thuyết giáo, có thể con cái nghe lâu rồi chúng sẽ cho là không đúng, cuối cùng chúng sẽ cãi lại chúng ta.
Chúng ta xem, hiện nay rất nhiều anh chị em đưa nhau ra tòa án, chỉ vì tài sản mà kiện cáo lẫn nhau. “Chu Tử Trị Gia Cách Ngôn” có nói: “Trong nhà chớ tranh kiện”. Trong một gia đình, một dòng họ thì điều vô cùng kiêng kỵ là thưa kiện, người thân kiện cáo nhau. Chúng ta nói “tình người, phép nước”, cũng cần phải chú ý đến tình người, vì mất đi tình người thì sẽ mất hòa thuận.
Gia đình không hòa thuận thì không thịnh vượng. Vì vậy, trong gia đình chớ nên kiện tụng nhau. Khi trong gia đình vì tài sản mà tranh chấp lẫn nhau thì tài sản này bảo đảm không giữ lại được. Hơn nữa, khi giữa anh chị em xảy ra xung đột thì đã làm ra tấm gương không tốt cho thế hệ sau, dòng họ này đã biểu lộ sự thất bại. Vì vậy, người xưa đã nhắc nhở chúng ta rằng: “Trong gia đình chớ nên tranh kiện, tranh kiện tất kết cục chẳng lành”.
Vào thời nhà Minh, có một cô gái họ Trần, cha mẹ cô đã sớm qua đời. Lúc đó cô còn có hai người em trai, một em mới sáu tuổi, một em mới năm tuổi. Cô đã đến tuổi lấy chồng, cha mẹ có để lại một số tài sản. Tất cả người thân luôn dòm ngó tài sản của nhà cô. Vậy phải làm thế nào? Đời người luôn luôn phải lựa chọn.
Việc lựa chọn phải dựa vào trí tuệ. Nếu như cô lấy chồng thì ai sẽ chăm sóc cho hai em? Vì vậy, cô đã quyết tâm nhất định một lòng một dạ chăm sóc hai em thật tốt. Cô cũng biết những họ hàng thân thích luôn chú ý đến tài sản nhà cô, cho nên một hôm cô mang rất nhiều nến ra thắp sáng hết nhà, rồi bày rất nhiều thức ăn ở trên bàn.
Bởi vì cô biết những người thân này thường hay đi ngang qua nhà của cô, cô bày tiệc rượu ngon xong liền ra ngoài mời những người họ hàng này vào nhà: “Xin mời! Xin mời vào nhà tôi dùng cơm!”. Họ vốn là muốn đến xem có chỗ nào để ra tay hành động hay không, rốt cuộc cô gái họ Trần này đã chủ động mời họ vào ăn cơm. Họ cảm thấy rất xấu hổ nên nói với cô: “Chúng tôi vừa đi ngang qua đây, ở nhà không có nến vì vậy đến nhà cô mượn”.
Tất cả đều được mời vào, cùng nhau ăn cơm. Mọi người đều xấu hổ không dám nhìn nhau. Từ ngày hôm đó trở đi, những người họ hàng này không còn đến nhà cô dòm ngó nữa.
Thứ nhất là cô rất độ lượng, cô không trực tiếp gây xung đột với những người họ hàng này bằng lời nói. Chính thái độ như vậy của cô đã đánh thức tâm hổ thẹn của họ. Thứ hai, những người họ hàng đó cũng sâu sắc cảm nhận được rằng cô đã quyết tâm chăm sóc em trai của cô trưởng thành. Sau này, hai người em trai của cô cũng có gia nghiệp, có sự nghiệp rất thuận lợi. Bốn mươi lăm tuổi cô mới đi lấy chồng, cả cuộc đời không có con. Khi về già, hai người em trai của cô đã đón chị gái về nhà phụng dưỡng.
Ngày xưa, những người làm anh, làm chị đối với em của mình đều giữ tình nghĩa, đạo nghĩa như vậy. Vì vậy chúng ta làm anh, làm chị cũng nên noi theo. Thật sự con người thường hay tính toán được mất, ví dụ nói tôi chăm sóc cho em tôi thì bản thân tôi có bị thiệt thòi không? Khi con người hay tính toán chuyện này chuyện nọ thì cuộc đời sẽ không được thoải mái. Do đó, khi anh chị em gặp khó khăn thì phải hết lòng giúp đỡ mới đúng.
Ở Thẩm Quyến có một cô giáo, em chồng của cô đi làm ở Hawai’i. Cuộc sống ở Hawai’i rất khó khăn, chồng của cô liền nói với cô: “Anh muốn gửi tất cả số tiền tích lũy trong hai, ba năm nay của vợ chồng mình cho em gái anh, bởi vì cô ấy ở bên đó rất khó khăn”. Giả như chồng của quý vị nói như vậy thì quý vị phải trả lời như thế nào? Khi đó quý vị nên nghĩ đến: “Lượng lớn phước lớn”, “quân tử thành nhân chi mỹ” (quân tử thành tựu việc tốt cho người).
Quý vị cần phải thành toàn chữ “đễ” cho chồng mình, chính là thành toàn cái tâm thương yêu em gái của anh ấy. Thành toàn phần tâm yêu thương em gái này cũng là thành toàn tâm hiếu cho chồng, bởi vì cha mẹ nhìn thấy anh trai chăm sóc em gái như vậy thì trong lòng họ sẽ yên tâm biết bao. Người vợ lập tức trả lời: “Anh làm như vậy em rất khâm phục và cũng rất vui. Em sẽ đi chuyển tiền giúp anh”. Khi vợ chồng giúp đỡ nhau như vậy, tin rằng tình nghĩa họ dành cho nhau càng ngày càng sâu đậm.
Tuy chúng ta bỏ ra một số tiền, nhưng gia đình được hòa thuận, vui vẻ. Tục ngữ nói: “Gia hòa vạn sự hưng”. Đã vạn sự hưng rồi thì còn sợ sau này không có tiền sao? Vì vậy, đời người phải làm hết nghĩa vụ, đời người cần phải nhìn xa, không nên lúc nào cũng so đo. Đây là đạo nghĩa giữa anh chị em.
Xin mời xem tiếp phần sau: Đệ Tử Quy Chương III: “Mượn Đồ Người, Trả Đúng Hẹn” (P7)