Nữ Đức Vi Yếu – Chương Sáu: Khúc Tòng (P1)
Nữ Đức Vi Yếu – Chương Sáu: Khúc Tòng (P1): Chương này chủ yếu nói về cách chung sống giữa mẹ chồng và nàng dâu, đặc biệt là nàng dâu nên cư xử như thế nào đối với mẹ chồng. Nếu như ở các chương trước chúng ta học tập có được sự thể ngộ thì học sang chương này sẽ cảm thấy dễ dàng hơn một chút.
CHƯƠNG SÁU: KHÚC TÒNG
Kính chào các thầy cô giáo!
Chúng ta tiếp tục học chương thứ sáu của sách “Nữ Giới” là Khúc Tòng. Chương này chủ yếu nói về cách chung sống giữa mẹ chồng và nàng dâu, đặc biệt là nàng dâu nên cư xử như thế nào đối với mẹ chồng. Nếu như ở các chương trước chúng ta học tập có được sự thể ngộ thì học sang chương này sẽ cảm thấy dễ dàng hơn một chút. Nếu như chúng ta đột nhiên học tập chương này đầu tiên thì sẽ rất khó tiếp nhận. Tên của chương này là “Khúc Tòng”. Lúc đầu chắc có người sẽ hiểu lầm rằng phải chăng mình phải chịu thiệt, chịu khuất mình để thuận theo một cách mù quáng hay không. Hình như đây là sự trói buộc của lễ giáo phong kiến xưa đối với phụ nữ, nhưng trên thực tế không phải như vậy. Chữ “khúc” này có đại trí tuệ ở bên trong. Chúng ta thường gọi là phương tiện thiện xảo. “Phương” là phương pháp, “tiện” là tiện lợi. Vậy “phương tiện” là phương pháp tiện lợi nhất. Còn “thiện xảo” thì sao? “Thiện” nghĩa là khéo, “xảo” nghĩa là trí huệ, tức là khéo dùng trí huệ để tìm ra phương pháp tiện lợi nhất để đạt được mục tiêu là hiếu thuận với cha mẹ chồng.

Ban Chiêu đã dùng một chữ quá đơn giản và thẳng tắt đó là chữ “khúc” này. Bởi vì nếu như chúng ta đi thẳng vào vấn đề mà không dùng phương tiện thì sẽ dẫn đến một số hiểu lầm, hoặc sẽ khiến cho cha mẹ chồng phật ý. Chúng ta cần phải uyển chuyển, ví dụ như cha mẹ chồng của chúng ta đã 70-80 tuổi rồi, sống rất tiết kiệm. Họ rất ít đi ra ngoài mua sắm nên sẽ không chấp nhận được giá cả của một số món đồ. Ví dụ như mẹ chồng của tôi thích cắn hạt dưa. Tôi mua hạt dưa cho mẹ chồng. Cha chồng tôi khen rằng: “Hai đồng nửa cân, hạt dưa này ngon đấy”, nhưng trên thực tế là mười đồng nửa cân hạt dưa. Khi tôi đi siêu thị mua đồ trước khi về nhà đều xé bỏ hết mác niêm yết giá, bởi vì nếu như để cha mẹ chồng nhìn thấy họ sẽ không hoan hỷ: “Sao món đồ này lại đắt như thế!”. Bạn lại phải giải thích với họ rằng giá cả của siêu thị là như vậy. Đi siêu thị thì mua đồ yên tâm hơn nhưng cha mẹ rất khó hiểu được vấn đề này nên tôi phải xé bỏ mác giá đi. Nếu như cha mẹ hỏi thì sẽ nói một giá mà họ có thể chấp nhận được nên chữ “khúc” này là sự uyển chuyển phù hợp để cha mẹ được yên lòng.
Còn chữ “tòng” không phải là sự nhắm mắt tuân theo. Từ
“thính” trong câu “phu nghĩa phụ thính”, cùng với chữ “thuận” và chữ “tòng” này đều có sự diệu dụng như nhau. Bạn xem chữ “tòng” (从) là chỉ cho hai người (人), trước sau đều có chữ “nhân” (人). Chữ “nhân” phía sau chỉ cho chính mình, còn chữ “nhân” phía trước chỉ cho mẹ chồng. Tuy nhiên đây không phải là sự “thuận theo” mang nghĩa đen mà là sự thuận theo bản tánh và tự tánh của mẹ chồng, không phải thuận theo tập tánh của mẹ. Nếu như mẹ chồng là người lười biếng, bạn cũng thuận theo bà lười biếng dọn dẹp. Nếu mẹ chồng là người tham lam bạn cũng thuận theo sự tham lam của bà thì phiền phức rồi. Bạn cần phải thuận theo tự tánh của bà. Khi tự tánh và tập tánh của bà có sự xung đột, bạn cần phải biết xử lý một cách có trí tuệ. Việc này cần một quá trình, thông qua việc rèn luyện, trải nghiệm không ngừng trong các sự việc và cảnh giới mà bạn không ngừng nâng cao, gọi là “cái khó nó ló cái khôn”, dần dần bạn sẽ nắm được cái đạo “khúc tòng” mà cùng chung sống tốt với cha mẹ chồng.
Phần Tiên Chú của Vương Tương trong chương này nói rằng: “Nếu lời nói của cha mẹ chồng có đạo lý, chúng ta thuận theo là điều dĩ nhiên hợp với chánh đạo. Nếu như lời cha mẹ chồng nói không có đạo lý, là lời phi nghĩa, là việc phi lễ mà người con dâu vẫn thuận theo một cách có trí tuệ thì gọi là “khúc tòng”. Sự “khúc tòng” này là hiếu thuận thực sự”. Ở đây Vương Tương nêu lên hai ví dụ về Đại Thuấn và Mẫn Tử Khiên. Các Ngài tuy không được cha mẹ thương yêu nhưng vẫn thuận theo cha mẹ, bất cứ sự việc gì cũng đều không làm trái tâm ý của cha mẹ, bất kỳ việc gì cũng đều có thể xét lại chính mình, không chút oán trách cha mẹ. Đây đích thực là hiếu thuận. Hai Ngài đã được xếp vào trong hai mươi bốn gương hiếu.
Nói về vua Thuấn, Ngài là một vị thánh Vương của dân tộc. Theo lịch sử ghi chép thì cha của Ngài là một ông lão mù lòa. Mẹ của Ngài sinh hạ Ngài chưa được bao lâu thì qua đời. Kế mẫu đối xử với Ngài hết sức tệ bạc. Mẹ kế sinh cho cha Ngài một đứa con trai tên là Tượng. Em trai Ngài cũng thường xuyên bắt nạt Ngài. Có một lần cha và em của Ngài bảo Ngài chui xuống giếng rồi lập kế chôn Ngài ở dưới giếng sâu. Nhờ vợ mà Ngài biết được tin này nhưng Ngài biết rồi không đi chất vấn mà chỉ đào trước một lối đi ở dưới giếng để thoát thân. Quả nhiên có một ngày cha ruột và em trai Ngài bảo ngài chui xuống giếng. Ngài vẫn an nhiên chui xuống. Cha và em trai ở trên lăn đá xuống. Ngài xuyên qua địa đạo mà thoát nạn. Đây là một ví dụ của sự “khúc tòng”. Nếu như Ngài chất vấn phụ thân Ngài, nhìn bề ngoài thì là việc có đạo lý vì phụ thân Ngài đã làm việc bất nghĩa, nhưng trên thực tế thì đó không phải là phương pháp xử lý có trí tuệ, nếu như có thể giữ được mạng sống của mình mà không cần chất vấn phụ thân thì rất tốt. Còn có một lần khác, cha của Ngài bảo ngài trèo lên nóc nhà kho để phơi ngũ cốc. Sau đó, ông ở bên dưới nổi lửa đốt cháy kho thóc. Ngài sớm đã dự liệu trước nên đã chuẩn bị hai cái nón rơm thật lớn. Ngài vẫy hai cái nón như hai cánh của con chim từ trên cao nhảy xuống thoát thân. Sau khi xuống đất an toàn, Ngài điềm nhiên như không có việc gì xảy ra. Quả thật là “người tu đạo chân thật không thấy lỗi người khác”! Không phải Ngài nhìn không thấy! Ngài thấy, nếu như Ngài không thấy thì Ngài đâu có chuẩn bị trước hai cái nón, hay đào địa đạo trước được. Thế nhưng trong tâm của Ngài quả thật không hề nhìn thấy, có nghĩa là trong tâm của Ngài không lưu lại một mảy may việc xấu nào của cha, mẹ kế và em trai. Ngài tuyệt đối không để nó ở trong tâm. Việc gì mình nên làm thì Ngài đi làm. Trước khi vua Nghiêu truyền ngôi cho Thuấn, vua quan sát cách Thuấn xử lý công việc trong gia đình như thế nào, hiếu đạo của Thuấn ra sao. Vua Nghiêu không những gả hai người con gái cho Thuấn mà còn bảo mấy người con trai của mình đến phò tá Thuấn, xem xem Thuấn xử lý công việc bên ngoài như thế nào. Sau khi quan sát cách Thuấn xử lý công việc trong ngoài, vua Nghiêu mới an tâm đem ngôi Vua trao lại cho Thuấn.
Mẫn Tử Khiên là đệ tử của Khổng Tử. Lần đầu tiên khi tôi xem hoạt hình “câu chuyện đức dục” về Mẫn Tử Khiên đã rất cảm động, không kìm được nước mắt. Khi ông đối mặt với việc nghĩa và tình riêng thì có thể bỏ tình mà giữ nghĩa, tôi cảm thấy việc này thật không dễ. Mẹ kế đối xử với ông bạc bẽo như thế, bắt ông làm việc nhà, không cho ăn thức ăn ngon, để ông mặc áo làm bằng bông lau không thể giữ ấm vào mùa đông. Khi phụ thân ông chưa hiểu rõ chân tướng sự việc đã trách mắng và dùng roi đánh ông, ông không hề biện bạch một lời. Khi cha phát hiện ra chân tướng muốn đuổi mẹ kế đi, ông đã quỳ xuống đất mà thỉnh cầu, nói ra câu nói khiến đất trời cảm động: “Mẹ còn chịu một thân đơn, mẹ đi luống để cơ hàn cả ba”. Ông đã khẩn cầu cha để mẹ kế được ở lại. Câu nói của ông có nghĩa là nếu như mẹ kế ở lại thì chỉ một mình ông chịu cảnh đói rét, nhưng nếu như mẹ kế đi rồi thì hai đứa con trai của mẹ kế và cả ông cũng đều lạnh lẽo. Câu nói này của ông khiến mẹ kế nghe rồi cảm động sâu sắc. Bà hốt nhiên tỉnh ngộ, quỳ xuống nhận lỗi của mình, xin được cha của ông tha thứ. Sau đó cả gia đình ông đã có được ngày đoàn viên.
Chúng ta thử nghĩ trong xã hội hiện nay, đừng nói đến con trẻ mà ngay cả người lớn mấy ai có thể dùng lý trí chiến thắng được tình cảm của bản thân, có thể dùng đạo nghĩa mà đối diện với những lựa chọn lấy bỏ trong cuộc đời. Khi sự việc xuất hiện thì rất nhiều người đều đem tình cảm riêng tư của bản thân, sự được mất của bản thân, và ân oán của bản thân đặt lên hàng đầu, không nghĩ đến nghĩa, nghĩ đến lễ, nghĩ đến đạo. Khi con người tự tư tự lợi thì sẽ không có được hạnh phúc thực sự, sẽ không làm được việc chân thật lợi ích người khác, lợi ích xã hội, đương nhiên sẽ không thể trở thành tấm gương được mọi người xưng tụng lưu truyền thiên cổ.
Toàn bộ chương này liên kết chặt chẽ với sự khiêm hạ của chương thứ nhất. Tác dụng của sự khiêm hạ được thể hiện ra ở sự hiếu kính đối với cha mẹ chồng, trở thành hai chữ “khúc tòng”, kỳ thực nó cùng với chữ “khiêm hạ” đồng một nghĩa. Nếu có thể thực sự “khiêm hạ” thì sẽ biết cách “khúc tòng” đối với cha mẹ chồng. Trong “Đệ Tử Quy” có câu: “Cha mẹ thương hiếu đâu khó, cha mẹ ghét, hiếu mới tốt”. Trong cuộc sống hiện thực đối với cha mẹ ruột chúng ta rất dễ làm được chữ “hiếu” này. Vì sao vậy? Vì cha mẹ yêu thương chúng ta thực sự, thế nhưng đối với cha mẹ chồng rất khó tận được chữ “hiếu”. Vì sao vậy? Không phải do “cha mẹ ghét”, mà thứ nhất chúng ta không có được cái cảm giác với họ “là một thể”, thứ hai do cảm thấy hình như cha mẹ chồng đối với mình có chút gì không tốt, lập tức liền nghĩ ngay rằng vì mình là con dâu nên họ mới đối xử với mình như vậy, nếu như mình là con ruột thì họ sẽ không như vậy. Một khi đã nghĩ như vậy thì chúng ta sẽ rất khó khởi phát được tâm hiếu.
Thế nên, trong toàn bộ quá trình học tập, không phải sách này dùng để dạy cho người khác, mà để dạy cho chính mình làm thế nào có thể từng chút một mài nhẵn tập khí của chính mình, khiến cho tánh bổn thiện của chính mình được hiển lộ. Việc học tập là một quá trình rất gian nan, không phải một bước là đến nơi. Mỗi người mỗi hoàn cảnh, có người duyên phận tốt, thiên tính của mẹ chồng họ khá ôn hòa, lương thiện, nhưng có người thì mẹ chồng tập khí hơi nặng một chút, nên sự khảo nghiệm đối với các cô con dâu là không như nhau. Nếu như gặp phải mẹ chồng có tập khí hơi nghiêm trọng, khá cộc cằn cứng nhắc, có nhiều thói xấu thì người làm dâu nên cảm thấy rất may mắn. Vì sao vậy? Điều này cho thấy mình không phải đang học lớp tiểu học mà trực tiếp vào học lớp của nghiên cứu sinh, trình độ của mình tương đối cao, nhất định phải tiếp thêm cho chính mình đầy đủ dũng khí để có thể đương đầu với tất cả nghịch cảnh. Tôi cảm thấy việc này cần phải có trí tuệ chứ không chỉ đơn thuần dựa vào phước báo. Bạn nói bạn có tiền, có thể dùng tiền để giải quyết mọi thứ. Tiền có thể thuê người giúp việc, có thể mua thức ăn đồ mặc cho cha mẹ chồng nhưng tiền không thể mua được sự thân tình và hài hòa trong gia đình. Vì vậy, chúng ta cần phải tự mình đi làm, dùng trí tuệ mà xử lý sự việc. Quá trình này tương đối gian khó. Thế nên chương “Khúc Tòng” là khóa trình dành cho nghiên cứu sinh.
Tôi có một người bạn rất thông minh. Khi cô ấy kết hôn chủ yếu quan sát xem mẹ chồng là người như thế nào. Mẹ chồng của cô ấy rất tốt. Hiện giờ mẹ chồng của cô giúp cô trông em bé. Mỗi ngày đi làm về, cô đến nhà mẹ chồng ăn cơm. Mẹ chồng còn làm dưa muối cho cô, thậm chí còn giúp cô giặt đồ, không hề phàn nàn một câu. Tôi thật ngưỡng mộ nói rằng: “Chị thật có mắt nhìn người”. Nếu như chúng ta không có được hoàn cảnh tốt như vậy thì làm thế nào? Chúng ta cần có tín tâm. Nếu như chúng ta đối mặt với một khóa trình tương đối cao và khó thì phải học cho thông chương “Khúc Tòng”, gặp phải người mẹ chồng như vậy, chúng ta nên làm thế nào khởi phát được tâm hiếu, làm trọn hiếu đạo.
Trong lúc chúng ta học tập văn hóa truyền thống, tôi tin rằng mọi người đều đang xem các đĩa giảng của các giáo viên văn hóa truyền thống. Khi xem đĩa, tôi xin lưu ý với mọi người một điều là chúng ta không được bắt chước làm theo một cách cứng nhắc. Ví dụ như cô giáo này bắt con dọn nhà vệ sinh, bạn cũng bắt con của mình dọn nhà vệ sinh. Vị thầy này khi ăn cơm chỉ ăn phần cơm thừa còn lại của người khác, chúng ta cũng bắt chước theo không ăn cơm ngon mà chỉ ăn cơm thừa. Xin đừng bắt chước học theo trên mặt sự như vậy mà phải dựa trên vấn đề của chính mình. Mỗi người có “bệnh” khác nhau. Gia đình hạnh phúc đều có chung mẫu số, nhưng gia đình không hạnh phúc thì mỗi nhà mỗi hoàn cảnh khác nhau. “Bệnh” của gia đình mình là ở đâu? “Bệnh” có nặng hay không? Nặng đến mức nào? Bạn phải tùy bệnh mà cho thuốc. Đừng lấy “thuốc” của người khác mà uống! Uống xong phát hiện ra không đúng bệnh mà còn sinh thêm chuyện là do vấn đề ở bạn mà ra.

Khi bạn nghe đĩa giảng thì phải xem sự việc họ nói đã thể hiện ra đạo lý gì. Sau khi nghe hiểu rõ đạo lý, bạn nên xét lại hoàn cảnh của bản thân gia đình mình như thế nào để cân nhắc xử lý. Ví dụ như bạn thấy người khác hầu hạ cha mẹ của họ mấy mươi năm. Mẹ của bạn sức khỏe còn rất tốt nhưng bạn lại mong tình huống xấu đi để được hầu hạ mẹ của mình như họ là không đúng. Bạn nên cảm thấy mình rất may mắn vì mẹ của mình vẫn còn khỏe. Đó là phước báo của bạn. Bạn hãy dành sức lực làm những việc có ý nghĩa cho gia đình và xã hội, đồng thời cầu mong cha mẹ mình và các bậc cha mẹ trong thiên hạ được khỏe mạnh. Đó là việc tốt, như vậy mới đúng. Nếu không thì chúng ta dễ học tập một cách sai lệch, dễ đi sai đường.
Chúng ta cùng xem phần Kinh văn cụ thể bên dưới.
PHÙ ĐẮC Ý NHẤT NHÂN, THỊ VỊ VĨNH TẤT; THẤT Ý NHẤT NHÂN THỊ VỊ VĨNH CẬT. DỤC NHÂN ĐỊNH CHÍ CHUYÊN TÂM CHI NGÔN DÃ. CỮU CÔ CHI TÂM, KHỞI ĐƯƠNG KHẢ THẤT TAI
(Tạm dịch: Phía trên đã nói: “Người phụ nữ chỉ cần được lòng của chồng thì có nơi nương tựa cả đời, hạnh phúc mỹ mãn. Nếu như không được lòng chồng thì một đời này hạnh phúc không được vẹn toàn”. Đây chính là câu khuyên nhủ hàng nữ nhân định chí chuyên tâm để được lòng của chồng. Lòng của chồng còn không được để mất. Vậy đối với cha mẹ chồng há có thể để mất lòng được sao?)
Phần đầu của chương này nhắc lại đoạn đầu tiên của chương “Chuyên Tâm” phía trước. Trong đó nói rằng người làm vợ nếu như đạt được tâm ý của chồng thì xem như có thể tốt nghiệp khóa học nhân sinh một cách viên mãn. Bằng không thì sẽ gặp sự đổ vỡ, không thể chung sống được bền lâu. Phần phía sau lại nói rằng nếu như người phụ nữ này có thể an định chí hướng của mình, có thể chuyên tâm trong bổn phận làm vợ thì sao có thể làm mất lòng cha mẹ chồng được chứ? Bởi vì chồng là do cha mẹ chồng sinh ra, đều là một thể. Nếu như bạn có thể thấu hiểu được tâm của chồng thì sao không giúp anh ấy hoàn thành hiếu đạo? Bạn nhất định sẽ giúp anh ấy làm tốt hơn nữa việc hiếu thuận đối với cha mẹ. Nếu như bản thân anh ấy chưa đủ hiếu thuận, bạn cần làm cho tâm hiếu của anh ấy trở nên mạnh hơn. Nếu như anh ấy là người rất hiếu thuận thì bạn thật may mắn được chung sống cả đời với một người con hiếu thảo. Bạn nên tiếp tục giúp anh ấy thành tựu tâm hiếu của mình.
Tiên sinh Trần Hoằng Mưu thời nhà Thanh có biên soạn bộ sách “Ngũ Chủng Di Quy”, trong đó có một chương tên là “Giáo Nữ Di Quy”. Đối với những ai muốn tu học Nữ Đức, bất luận là muốn tu học Nữ Đức ở nhà hoặc là muốn làm giáo viên hoằng dương Nữ Đức thì tốt nhất trong tay cần phải có bộ sách này, có thể tùy lúc mà mở ra xem. Sau đây tôi xin chia sẻ với mọi người một chương trong sách “Giáo Nữ Di Quy” tên là “Đường Nhất Tu Nhân Sanh Tất Độc Thư”. Phần mở đầu có nói rằng: “Phụ nữ xem chồng là trời. Cha mẹ chồng là thân sinh của chồng thì cái nghĩa đối với cha mẹ chồng há chẳng nặng hơn sao? Nếu như không phụng thờ trọn đạo thì phần hiếu kính đã bị khiếm khuyết, tức do tài hoa và trí tuệ của bản thân không đủ. Bản thân có gì đáng để kiêu ngạo chứ! Lễ tiết hiếu kính đối với cha mẹ chồng nhất định phải xuất phát từ tâm chân thành, xuất phát từ bản tánh của chính mình”.
Toàn bộ chương này dạy cụ thể cách làm thế nào hiếu kính cha mẹ chồng. Đầu tiên nói rằng: “Người ta chẳng phải Thánh Hiền, ai mà không có lỗi”, huống chi là người làm dâu con, nhất định có lỗi lầm. Nếu như thỉnh thoảng mắc lỗi, nếu như bị cha mẹ chồng quở trách thì tâm của chúng ta nhất định cần phải lớn. Lớn đến mức độ nào? Thứ gì cũng có thể bỏ qua được, đừng chất chứa trong lòng vì chất chứa trong lòng sẽ rất phiền phức. Phần phía sau có một đọan cũng rất hay: “Tuy mẹ chồng và nàng dâu giống như mẹ ruột và con gái nhưng tình cảm mẹ con còn thù thắng hơn vì còn có cái lễ ở bên trong”. Phía sau nêu lên một số ví dụ, phàm là quần áo, đồ vật thuộc sở hữu của mẹ chồng thì chúng ta không được tùy tiện động đến. Nếu như mẹ chồng đang ở trong phòng mở rương ra xem quần áo, nữ trang, hay đang trao đổi riêng tư với con trai và con gái của bà thì chúng ta không được làm phiền, hãy lui ra một bên. Nếu như chúng ta có món gì ngon hoặc quần áo đẹp thì cần phải xem mẹ chồng, em trai, em gái chồng có muốn hay không, nếu như họ muốn thì đừng ngần ngại mà đưa cho họ. Đó chính là dùng lễ mà chung sống với nhau.
Tiếp theo, tôi sẽ vừa giảng vừa phối hợp với Kinh văn trong chương này để học tập. Tâm của cha mẹ chồng như thế nào? Tôi đã làm dâu 16 năm nên cảm nhận sâu sắc rằng.
Thứ nhất mẹ chồng nhất định sẽ hy vọng con dâu chăm sóc sức khỏe của con trai mình được tốt đẹp, sự nghiệp được phát đạt. Bởi vì mỗi lần tôi gặp mẹ chồng thì câu đầu tiên bà sẽ hỏi tôi là: “Con trai của mẹ dạo này ra sao? Sức khỏe và sự nghiệp như thế nào?”. Bà hỏi han mấy lần như vậy. Nếu như có việc gì không tốt như là cảm mạo hay bị sốt đi chăng nữa thì bạn nhất định đừng nói, nói ra thì lòng của bà sẽ nóng như lửa đốt.
Thứ hai, mẹ chồng bao giờ cũng mong các con của bà chung sống hòa thuận với nhau. Nếu như ở trước mặt mẹ chồng mà nàng dâu kể lể con gái của bà như thế này, con trai của bà như thế nọ thì đó là thứ cha mẹ chồng không muốn nghe nhất, trong lòng cảm thấy rất phản cảm. Các bạn thử tưởng tượng một ngày nào đó mình làm mẹ chồng. Bạn có muốn nghe người khác kể tội con cái của mình hay không? Như vậy không khác nào vả vào mặt bạn vậy. Thế nên, bạn đừng nói cho dù bạn biết họ có vấn đề. Bạn muốn tốt cho họ, hy vọng mẹ của họ có thể giáo dục họ thì vẫn không được nói. Vì sao vậy? Bởi vì bạn đã được gả vào gia đình của anh ấy rồi. Anh chị em chồng của bạn không phải là những đứa trẻ mà đều là người đã trưởng thành, đều có chủ kiến của riêng mình. Cha mẹ chồng có nghe lời mình nói hay không hãy để qua một bên. Bạn hãy nghĩ xem lời nói của chúng ta có cần thiết hay không? Nếu không có ích lợi gì thì đừng nói, cứ biết vậy là được rồi, có khi nói ra còn phản tác dụng, chi bằng bất kỳ việc gì chính mình làm tốt đi đã, từ từ sẽ sinh ra sức mạnh cảm hóa sau.
Điều thứ ba là cha mẹ chồng thường lấy hoàn cảnh cuộc sống, kinh nghiệm sống của họ làm tiêu chuẩn mà yêu cầu con dâu. Ví dụ cha mẹ chồng sống rất tiết kiệm, nếu như bạn tiêu xài thoải mái thì họ sẽ sinh phản cảm. Cho dù bạn tiêu xài đồng tiền của chính bạn, thậm chí không dùng đến tiền của chồng nhưng họ vẫn cảm thấy bạn đang tiêu tiền của gia đình họ. Tiền của bạn cũng là tiền của gia đình họ, đặc biệt là thế hệ lớn tuổi họ có quan điểm rất nặng nề về việc này. Bạn cần phải tùy thuận họ. Họ tiết kiệm thì bạn tiết kiệm hơn họ là được rồi. Tôi còn nhớ lúc ban đầu tôi không chung sống với cha mẹ chồng như thế này được, thường có những mâu thuẫn rất lớn, trong tâm cảm thấy rất khó chịu, luôn cảm thấy uất ức. Kỳ thực, đó đều là vấn đề của chính mình, nếu như suy nghĩ từ một góc độ khác thì tâm chúng ta sẽ cảm thấy nhẹ nhàng hơn. Sau khi tôi học văn hóa truyền thống, tôi đều đứng trên góc độ của mẹ chồng mà xem xét vấn đề một cách toàn diện hơn. Một người bạn đã kể cho tôi nghe một sự việc thế này. Cô ấy đến nhà cha mẹ chồng ăn cơm, món cải mặn vốn đã bị hư rồi nhưng cô nhận thấy cha mẹ chồng không muốn bỏ. Khi người làm sắp đem đi đổ thì cô ấy nói: “Đừng đổ! Cứ để tôi ăn cho!”. Mẹ chồng của cô không thể tin được hỏi cô: “Con ăn được sao?”. Cô ấy nói: “Không sao! Con ăn được ạ. Đừng lãng phí thức ăn!”. Cô đã lấy ăn. Người bạn này của tôi ăn chay. Lúc đó cô nghĩ thức ăn của cha mẹ chồng đều là đồ mặn, mình ăn cũng không vô. Thế nên cô chọn món cải mặn, chan cơm không với nước mà ăn. Sau khi cô ăn thì mẹ chồng của cô rất vui. Hai ngày sau đó, cô ấy đến thăm mẹ chồng, vẫn muốn ăn thức ăn thừa nhưng mẹ chồng đã không để cho con dâu ăn nữa mà nói rằng: “Con đừng ăn! Nếu như không tốt thì không cần ăn đâu”. Lần đầu tiên cô nghe mẹ chồng nói như thế thì cô cảm thấy rất kỳ lạ. Sau này, cô nghĩ rằng có lẽ là mình đã qua được một kỳ thi nên mẹ chồng chỉ là một vị giám khảo của cuộc đời. Nếu như đã qua được kỳ sát hạch của bà thì sẽ không còn gặp chướng ngại nữa. Phương pháp duy nhất để thi đậu chính là “khúc tòng”, là “nhu thuận”.
Chúng ta hãy nói đến chữ “thuận”, bên trong chữ “thuận” chân thật có đại đạo lý, làm người nhất là làm con dâu không thể bất kỳ việc gì cũng dùng thái độ “đem đá chọi với đá” được. Gặp phải người càng cứng thì bạn càng cần nhu, càng cần thuận. Dao sắt rất khó cắt đứt được sợi tóc. Vì sao vậy? Sợi tóc vừa mềm, vừa nhuyễn, vừa mảnh mai nên lưỡi dao rất khó có thể cắt đứt được. Nếu như đó là một miếng sắt thì lưỡi dao cứng có thể cắt đứt được. Đối với người mẹ chồng cứng nhắc, càng quật cường, chủ ý càng kiên định thì bạn càng phải nhu thuận, nhu thuận đến cùng cực. Đây là tâm đắc trong nhiều năm của tôi. Lúc ban đầu tính cách của tôi cũng rất cứng, sau cùng tự mình làm tổn thương chính mình nghiêm trọng. Việc cũng làm rất nhiều, tiền cũng chi không ít, mà người khác vẫn không đón nhận ý tốt của bạn, sau cùng chính mình cảm thấy rất oan ức. Vì sao vậy? Đừng trách người khác, do bản thân quá cang cường, chỉ một câu cãi lại thì cho dù bạn đã làm xong việc rồi mẹ chồng cũng không ghi nhớ cái tốt của bạn đâu. Thế nên, làm con dâu thì nên nói ít mà làm nhiều, đó chính là bí quyết dành cho bạn. Khi mẹ chồng đang không vui thì bạn đừng nói năng gì cả, cố hết sức giữ nét mặt nhu hòa là tốt rồi. Chỉ có giữ được tâm bình, tâm nhu thuận thì mới có thể chân thật thể hội được thói quen sinh hoạt của mẹ chồng, thể hội được cái tinh tế trong việc làm người, trong việc xử sự. Có lúc chúng ta cảm thấy không thể hoàn toàn làm được sự thuận tòng, vậy thì hãy làm từng chút một, có thể làm được bao nhiêu thì làm bấy nhiêu. Bởi vì khi quá cưỡng ép bản thân thì thứ nhất sẽ thành ra giả tạo, thứ hai sau khi làm xong thì sẽ càu nhàu, bực dọc, sẽ không thể duy trì được. Hiểu được một chút thì làm một chút, hiểu được một chút nữa thì làm thêm một chút nữa. Theo thời gian bản thân sẽ từng bước mà tùy thuận được tâm của cha mẹ chồng. Tóm lại mà nói, cha mẹ chồng là trưởng bối của chúng ta. Người có mức tu dưỡng thấp nhất cũng không được cãi lại trưởng bối, chống đối trưởng bối. Bất luận cha mẹ chồng có làm sai đến mức nào thì tuổi tác của họ vẫn lớn hơn chúng ta. Những việc mà mẹ chồng nàng dâu hằng ngày chung đụng đều là những việc rất nhỏ nhặt trong gia đình. Bạn đừng nên quá xét nét để bụng. Mẹ chồng có nguyên tắc xử sự của mẹ chồng, có phương pháp xử sự, có phương thức làm người riêng của bà. Bạn cần nhìn cho quen, nhìn cho thoáng, giữ tâm cho rộng lượng. Đó cũng là tích phước cho bản thân mình.
Có một lần khi tôi giảng bài ở nơi khác, một ngày sau buổi giảng chưa đến bảy giờ sáng có hai người đàn ông, trong đó có một người là giám đốc đến tìm tôi. Ông giám đốc đó kể lể với tôi hết gần cả buổi sáng về sự mâu thuẫn giữa mẹ chồng và nàng dâu. Thực ra người làm chồng ở giữa thế kẹt rất khó xử, một bên là người vợ yêu nuôi nấng ra các con của chính mình, một bên là người mẹ già đã sinh ra và dưỡng dục mình mấy mươi năm qua. Mẹ của ông là người ở nông thôn. Ông ở thành phố lập nghiệp, gây dựng công ty. Hiện tại việc kinh doanh rất phát đạt, điều kiện kinh tế rất tốt nên đã đón mẹ từ quê lên cùng ở, mong mẹ tận hưởng cuộc sống thoải mái ở thành thị. Nhưng vợ của ông là người từ nhỏ đã lớn lên ở thành phố, điều kiện gia đình lại rất tốt, có thể nói là được nuông chiều từ nhỏ nên không thể nhìn vừa mắt một số thói quen sinh hoạt nông thôn của mẹ chồng. Sau cùng giữa mẹ chồng và nàng dâu xảy ra mâu thuẫn kịch liệt đến mức vợ chồng ông suýt chút nữa phải ly hôn. Ông rất đau khổ mà nói rằng: “Tôi không ngờ sự tình lại kịch liệt như thế. Trước khi mẹ tôi đến ở thì tình cảm vợ chồng chúng tôi rất tốt. Sau khi mẹ tôi đến rồi mới phát hiện ra rằng những gì tốt đẹp trước đây chỉ là lớp vỏ bề ngoài, hễ động đến vấn đề hiếu đạo thì phát sinh ra xung đột nghiêm trọng”. Ông ấy hỏi tôi phải làm sao? Ông nói đó đều là những vấn đề rất nhỏ nhặt trong cuộc sống, ví dụ như mẹ của ông có thói quen ăn lương khô, ăn bánh khô, còn vợ của ông thì quen ăn cơm. Lúc làm cơm thì hai người xảy ra xung đột. Mẹ của ông có thói quen không giặt giẻ lau bếp ngay sau khi dùng xong mà cứ để ở đó, lần sau dùng mới xả. Còn vợ của ông thì lau xong phải xả giặt liền. Thế nên hai người lại cãi nhau. Đều là những việc như thế nên một người đàn ông như ông cảm thấy rất mệt mỏi. Nghe xong câu chuyện của ông tôi cũng dở khóc dở cười. Tôi nói: “Hay là anh nói vợ mình học Nữ Đức đi, bách thiện hiếu vi tiên, người làm con dâu nên học tập bài hát ‘Mẹ chồng cũng là mẹ’. Hãy xem mẹ chồng như mẹ ruột thì rất nhiều vấn đề sẽ không còn là vấn đề nữa. Dù sao mẹ chồng cũng đã hơn 70 tuổi rồi mà vợ anh bắt mẹ phải làm theo quy tắc của mình: “Trong nhà này nếu lau giẻ xong thì phải giặt liền”. Việc này tôi cảm thấy có gì đó hơi quá đáng. Đối với người lớn tuổi mà nói thì thói quen sinh hoạt của họ đã có 60-70 năm nay rồi. Chúng ta là hậu bối nếu có thể tùy thuận thì hãy nên tùy thuận, thực sự nếu như không thể tùy thuận thì bề ngoài cũng phải cố gắng tỏ vẻ tùy thuận, không được đánh mất tâm cung kính đối với trưởng bối, không được trở thành người không có giáo dưỡng. Bất luận là con trai hay con dâu cũng đều không được nghĩ đến việc chỉnh sửa thói quen của người lớn tuổi. Anh hãy nghĩ xem một cái cây đã sinh trưởng 60 năm rồi, nếu như nó có hơi nghiêng một chút mà anh muốn chỉnh nó lại cho thẳng thì sẽ là việc rất khó khăn. Dù sao đi chăng nữa thì vợ anh cũng là hàng hậu bối, cần phải “chánh kỷ” trước. Thêm vào đó giữa vợ chồng còn có tình nghĩa với nhau, nếu như cô ấy thật sự rất yêu anh thì cô ấy sẽ có thể vì anh mà hy sinh một số việc. Nếu như cô ấy còn có thể hiểu rõ một số đạo lý thì sẽ cam tâm tình nguyện mà làm”. Tôi còn có một câu mà vẫn chưa nói hết với ông ấy. Đó chính là câu nói “hành hữu bất đắc, phản cầu chư kỷ”. Người làm chồng trước khi kết hôn cần phải đánh giá xem người vợ của mình có tâm hiếu kính, hiếu thuận với mẹ của mình hay không. Nếu như không có thì tốt hơn đừng lấy người phụ nữ như vậy về nhà. Nam giới nếu như vì tham luyến nhan sắc mà kết hôn thì sau cùng sẽ không có kết cục tốt đẹp. Câu bên dưới chính là nói về cái ý này.