12 C
London
Thứ Năm, Tháng Tư 3, 2025
Trang chủNữ ĐứcNữ Đức Vi Yếu - Chương Hai: Phụ Phu (P4)

Nữ Đức Vi Yếu – Chương Hai: Phụ Phu (P4)

Date:

Bài Viết Liên Quan

spot_imgspot_img

Nữ Đức Vi Yếu – Chương Hai: Phụ Phu (P4)

Nữ Đức Vi YếuChương Hai: Phụ Phu (P4): Hãy nhìn những bậc quân tử xem trọng đạo đức hiện nay, biết phải quản giáo vợ cho tốt, không thể không giữ oai nghi của người làm chồng. Thế nên họ thường xuyên dạy dỗ con trai trong gia đình đọc các sách xưa, Kinh điển, truyện ký. Dùng kinh nghiệm truyền lại trong các Kinh điển mà kiểm điểm lời nói, hành vi, phẩm đức của mình.

SÁT KIM CHI QUÂN TỬ, ĐỒ TRI THÊ PHỤ CHI BẤT KHẢ BẤT NGỰ, UY NGHI CHI BẤT KHẢ BẤT CHỈNH, CỐ HUẤN KỲ NAM, KIỂM DĨ THƯ TRUYỆN

(Tạm dịch: Hãy nhìn những bậc quân tử xem trọng đạo đức hiện nay, biết phải quản giáo vợ cho tốt, không thể không giữ oai nghi của người làm chồng. Thế nên họ thường xuyên dạy dỗ con trai trong gia đình đọc các sách xưa, Kinh điển, truyện ký. Dùng kinh nghiệm truyền lại trong các Kinh điển mà kiểm điểm lời nói, hành vi, phẩm đức của mình)

Ý nghĩa của đoạn này chính là: Hãy xem những người nam thời nay, họ biết là cần phải tiết chế vợ mình, cần phải chấn chỉnh lại uy nghi, thế nên cần phải không ngừng dạy dỗ con trai đọc sách, đọc truyện, dùng Kinh điển mà kiểm điểm lời nói, hành vi của mình. Chính là nói từ nhỏ phải bồi dưỡng cho con trai có năng lực của Hiền nhân, nhằm hy vọng chúng sau này biết làm thế nào tiết chế vợ chúng, làm thế nào chấn chỉnh uy nghi của chính mình. Nhưng nam giới thời nay đều không biết điều này. Vậy phải làm sao đây? Cho nên, “kiến quốc quân dân, giáo học vi tiên”, người nam tốt là do dạy mà ra, người phụ nữ tốt cũng do dạy mà ra, tất cả mọi thứ đều do dạy mà ra, quan trọng là dạy ra sao. Bạn dạy con tốt, dẫn dắt nó hướng thượng, Thông qua sự truyền thừa của Kinh điển thời xưa, tự thân chúng sẽ có thể hiểu rõ. Những giáo viên học tập văn hóa truyền thống đều có sự thể hội rất sâu sắc. Thực tế điều này bắt nguồn từ đạo vợ chồng, tiếp theo là làm thế nào giáo dục tốt con cháu đời sau. Bạn muốn thành tựu đạo vợ chồng thì nhất định phải từ cái gốc mà làm, phải giáo dục con cái từ thuở nhỏ. Nếu không khi con cái trưởng thành thì tập tánh đã sâu, bạn mới nghĩ đến việc dạy chúng thì trừ phi phước báo, phước đức, thiện căn của chúng rất sâu dày, chúng mới có thể nhanh chóng quay đầu, nếu không thì mấy mươi năm bị ô nhiễm. Vừa nghe được văn hóa của Thánh Hiền liền nhanh chóng quay đầu, thay đổi hoàn toàn, người như vậy rất ít. Thế nên, việc giáo dục từ nhỏ rất quan trọng. Từ nhỏ thông qua Kinh điển mà giáo dục. Trong lúc giáo dục, chúng ta cần chú ý đến một vài vấn đề. Tôi xin nêu ra với mọi người dưới đây.

Nữ Đức Vi Yếu - Chương Hai: Phụ Phu (P4)
Nữ Đức Vi Yếu – Chương Hai: Phụ Phu (P4)

  Đầu tiên, khi dạy con thì người làm mẹ cần có thái độ như thế nào? Tôi là một người đang học tập, nên con của tôi là đồng học với tôi, thậm chí có khi là thầy của tôi. Nó là quan chủ khảo ra đề thi cho tôi. Tôi cần phải đưa ra được câu trả lời, sau đó chia sẻ với vị quan chủ khảo này. Đừng có quan niệm rằng tôi là thầy nó, tôi cần giáo dục đứa con này. Có rất nhiều lúc con cái sẽ kháng cự, không chịu tiếp thu. Bạn cần nên hạ mình xuống, đặc biệt nếu chúng là con trai thì bạn cần hạ mình. Đây chính là sự khiêm hạ của bạn. Không chỉ đơn thuần là đối với chồng mà đối với con cũng vậy, hạ mình xuống thấp, sau đó hãy cùng nhau mà học tập. Dù sao, sức ảnh hưởng và giáo hóa của văn hóa truyền thống đã bị mai một hơn một trăm năm qua rồi. Thế nên trong xã hội hiện thời rất ít người từ nhỏ được dạy dỗ thâm nhập vào sự giáo dục của văn hóa truyền thống, rất ít gia đình có gia giáo, có gia truyền, có gia đạo, có gia quy.

Lúc ban đầu khi tôi đưa ra những giáo trình dạy Nữ Đức như “Nữ Giới”, “Nữ Luận Ngữ”, “Nội Huấn”, “Nữ Phạm Tiệp Lục” thì không có người nào hiểu, không biết đây là cái gì. Tôi còn nhớ năm ngoái khi đưa “Đệ Tử Quy” cho một giáo sư đại học xem, tôi tặng cho cô ấy sách này, vị nữ giáo sư xem xong hỏi tôi một câu làm tôi dở khóc dở cười. Cô ấy nói: “Cuốn sách này quả thật là viết rất hay, câu cú đều rất hoàn hảo, không biết là do ai viết. Sao người đó thông minh đến như vậy?”. Đó là giáo sư đại học đã hơn bốn mươi tuổi rồi, lần đầu tiên đọc sách này. Cho nên, tình hình là như vậy. Chúng ta nên giữ lòng khiêm tốn mà học tập cùng với con. Tôi đã gặp rất nhiều phụ huynh đều than phiền con cái đã không nghe lời ra sao, đủ thứ vấn đề. Trên thực tế, trong lòng họ đã đem bản thân đặt ở vị trí cao, đem con cái đặt ở vị trí thấp. Nếu như bạn xem con cái thành Thánh Hiền, xem chúng như thầy giáo ở trước mặt, còn bạn ở vị trí thấp hơn, dùng thái độ như vậy mà học tập từ chúng thì nhất định sẽ học rất tốt. Tối hôm qua, con của tôi đã trò chuyện cùng tôi. Tôi rất cảm ơn hai đứa con của mình bởi vì toàn bộ sự học tập của tôi đều do các con của tôi dẫn dắt. Con của tôi nói: “Mẹ ơi! Con có một tâm sự. Tối nay con phải nói với mẹ mới được”. Tôi hỏi: “Con có tâm sự gì?”. Nó nói: “Mẹ ơi! Các bạn học trong lớp con không đoàn kết. Các bạn không chơi với nhau, chiều hôm qua còn lén đánh nhau. Thầy giáo không biết việc này”. Tôi nói: “Vậy con kể cho mẹ nghe để làm gì?”. Nó nói: “Con học Đệ Tử Quy mà, con phải khuyên các bạn hòa thuận chứ, nhưng con không biết khuyên thế nào. Các bạn rất lợi hại. Con cũng hơi sợ”. Tôi nói: “Con nói đúng rồi. Dù sao chúng ta cần có trí tuệ, lúc các bạn đánh nhau con đừng đến tụ tập, Đệ Tử Quy chẳng phải đã nói “Nơi ồn náo không đến gần” đó sao? Con người khi bị kích động thì ai khuyên họ cũng không nghe, bởi vì kích động là ma quỷ. Nơi đó có ma quỷ đến rồi, con nên tránh xa. Đợi đến khi các bạn bình tĩnh trở lại, con tìm cơ hội mà nói chuyện với các bạn, hoặc con nghĩ ra biện pháp ảnh hưởng đến các bạn một chút”. Nó nói: “Như thế này đi! Con sẽ đem một vài đĩa “Những câu chuyện đạo đức” đến trường tặng cho Thầy và bạn học”. Kết quả, con trai đã kể với tôi rằng hiện tại có ba lớp hai vào buổi chiều không xem hoạt hình “Tom and Jerry” nữa mà xem hoạt hình “Những câu chuyện đạo đức”, con trai của tôi rất vui. Giống như Sơ Teresa đã nói rằng con cái là người thầy tốt nhất.

Thứ hai, việc quan trọng nhất khi dạy con cái là gì? Trước khi dạy người hãy dạy chính mình, chánh kỷ rồi mới có thể hóa nhân. Thế nên, việc gì thì trước tiên mình hãy làm trước. Khi bản thân mình chưa làm được mà con cái chỉ ra được điều đó, hoặc khi chính mình phát hiện ra thì phải can đảm thừa nhận và tiếp thu. Ví dụ bản thân có những thói quen không tốt, thay quần áo quăng lung tung, con cái nhìn thấy nói: “Đệ Tử Quy nói rằng nón quần áo để cố định. Mẹ ơi! Quần áo của mẹ chưa xếp ngay ngắn”. Lúc mới đầu bản thân còn có thể diện nên sẽ không nói gì hoặc là nói: “Mẹ có việc gấp”. Kết quả một ngày nọ phát hiện thấy con cái cũng bắt đầu tùy tiện quăng quần áo, nó nói: “Mẹ đều là như thế. Con cũng có việc gấp”. Lúc này, bạn mới phát hiện bản thân đã sai rồi thì phải nhanh chóng thừa nhận sai lầm, nói với con rằng: “Con phê bình mẹ là đúng rồi. Mẹ thật là có chút không phải. Kỳ thật mẹ đã sai rồi, quần áo cần phải xếp cho ngay ngắn”. Một khi thừa nhận sai lầm với con, chúng sẽ tiếp nhận một cách tự nhiên, đồng thời sẽ rất vui vẻ chủ động đi làm những việc này. Đôi khi thật là cám ơn con cái, ví dụ khi tôi để chúng làm một số công việc, tôi nói: “Mẹ rất mệt. Mẹ tin rằng con là một đứa con vô cùng thấu hiểu mẹ. Con nên làm gương cho em trai. Con nhất định có thể làm được rất tốt”. Bạn nói xong thì chúng sẽ được nạp thêm sức lực mà lau nhà, làm việc, chạy lên chạy xuống giúp bạn xách đồ, đặc biệt không sợ vất vả.

Thứ ba, đối với con cái cần động viên, khích lệ nhiều, bớt trách mắng. Thực ra, đối với chồng và nhân viên cũng như thế. Nếu có thể dạy con tốt thì sẽ có thể dẫn dắt nhân viên tốt. Đây là đạo tu thân, tề gia, trị quốc. Việc này cần có trí tuệ. Biểu dương khích lệ cần phải hợp lý, không được quá nhiều, đừng để lời nói không khớp với sự thật, động viên khích lệ phải đúng nơi, đúng lúc. Khi con cái làm việc tốt cần phải biểu dương, khích lệ kịp thời, đừng để 10 ngày sau mới đột nhiên nhớ ra việc chúng làm rồi mới khen. Tốt nhất là khen ngay lúc đó: “Việc này con đã làm rất tốt! Nên làm như vậy. Việc làm này thật có nghĩa khí, là một nghĩa cử đẹp”. Khi con biết tắt đèn, chúng ta sẽ lập tức khen con hôm nay rất tốt, biết tắt đèn tiết kiệm điện. Chúng ta cần kịp thời khích lệ con. Khi phê bình con cái thì nên phê bình kín đáo, đối với con trai và con gái cũng đều như thế, thậm chí không được phê bình con trước mặt cha của chúng. Khi chồng của tôi phê bình con trai, tôi đều tránh đi nơi khác. Anh ấy dẫn con một mình vào thư phòng, còn tôi thì tựa vào cửa ở bên ngoài nghe ngóng để hiểu được đại khái sự việc, trong lòng biết được việc gì xảy ra. Bản thân tôi cũng làm như vậy, không bao giờ trách mắng con cái trước mặt người khác, bởi vì khi ở trước mặt người khác con cái cho dù 8-9 tuổi hoặc là 2-3 tuổi đi chăng nữa nó cũng sẽ có cảm nhận, nó sẽ ghi nhớ sự việc này. Bạn đối xử với nó như vậy thì sau này nó đối xử với người khác cũng sẽ như thế. Con người đều có thể diện, đều có sự tự ái, thế nên không được làm như thế.

Thứ tư, nhất định phải làm cho được bền lâu, không được “ba ngày đánh cá thì hai ngày đã phơi lưới rồi”. Thông thường sau khi chúng ta nghe xong một buổi luận đàn, xem xong một đĩa giảng thì tràn trề nhiệt huyết, lập tức nhanh chóng đi dạy con. Hôm nay chỉ muốn đem “Đệ Tử Quy” và tất cả những điều trong Bách Gia Chư Tử ra dạy hết. Qua hai ngày thì bản thân lại xìu xuống, cũng chẳng quản đến con. Học tập là một cuộc chạy marathon. Mỗi ngày cho dù chỉ dạy một ít, nhưng quan trọng là làm được lâu bền, mỗi ngày một ít, dần dần mới có sự thay đổi. Vì sao chúng tôi không gọi là giáo dục mà gọi là giáo hóa nhiều hơn? Vì khí chất của con trẻ được chuyển hóa, tâm niệm chuyển hóa, hành vi được chuyển hóa một cách âm thầm không hay không biết. Cho nên chúng ta hay lấy việc trồng cây làm ví dụ cho việc trồng người: “Mười năm trồng cây, trăm năm trồng người”. Nếu không có sự tích lũy về thời gian thì sẽ không thành tựu. Ví như việc đọc tụng Kinh điển, quý tại việc kiên trì, mỗi buổi sáng đọc một khoảng thời gian thì lâu dài sẽ thuộc. Việc đọc Kinh điển của con tôi đều do tôi tay nắm tay mà chỉ dạy, không cần dạy quá nhiều. Tôi sợ con quên nên mỗi tuần đều kiểm tra tới lui. Vì vậy, hiện nay nó đọc Kinh điển rất thuộc. Mỗi ngày đều đọc tụng, giữ được bền lâu mới là quan trọng. Đạo lý trong Kinh điển nên cố gắng để con tự mình cảm ngộ, bạn chớ nên gấp gáp đem đạo lý giảng chi tiết cho chúng. Các con thông qua việc đọc tụng Kinh điển, tự mình sẽ tư duy cảm ngộ những điều trong Kinh dạy. Chúng ngộ thấu hoặc chưa thấu đáo cũng không sao, khi chúng giao lưu trao đổi với bạn thì đây là một cơ hội tốt để bạn dẫn dắt chúng, vì chúng đã có sự mài dũa quán chiếu, tư duy, thấm vào trong xương cốt. Chứ không phải chúng bị đặt trong tình thế bị động, còn bạn thì cố hết sức giảng: “Con phải nên thế này, thế này”. Kỳ thực, không cần nói mà bản thân chúng sẽ có sự cảm ngộ. Đợi đến khi chúng ngộ được tương đối rồi, bạn hãy nắm lấy cơ hội giáo dục chúng. Chúng sẽ hiểu rõ những đạo lý mà Kinh điển đã dạy. Việc này đối với bạn cũng là một sự nâng cao và nhắc nhở.

THÙ BẤT TRI PHU CHỦ CHI BẤT KHẢ BẤT SỰ, LỄ NGHĨA CHI BẤT KHẢ BẤT TỒN DÃ – CHƯƠNG PHỤ PHU

(Tạm dịch: Nếu như trọng nam khinh nữ, không dùng những đạo lý trong Kinh điển xưa để dạy dỗ con gái thì phụ nữ sẽ không biết phụng sự chồng và lễ nghi chốn khuê môn. Chồng không thể không phụng sự, lễ nghi không thể không tuân giữ)

Trong phần Tiên Chú của Vương Tương có nói rằng thời bấy giờ do không có sách chuyên dạy cho phụ nữ, nên đã lơ là việc giáo dục Nữ Đức. Thế nhưng, trai lớn lấy vợ, gái lớn gả chồng. Phụ nữ được gả làm vợ người ta thì nên làm thế nào để phụng sự chồng, làm thế nào để hiểu lễ giữ nghĩa đều không có người dạy. Vì thế mới có nhân duyên để Ban Chiêu viết sách Nữ Giới. Chúng ta ngày nay có được lời dạy của cổ Thánh tiên Hiền mà lại không ngó ngàng đến, giáo dục Nữ Đức cũng bị lơ là. Chẳng phải là đáng tiếc lắm sao! Không được chỉ chú trọng việc dạy con trai mà lơ là việc dạy con gái. Dạy con trai, con gái đều cần dùng đến ý nghĩa trong điển tịch của Thi, Thư, Kinh, Truyện mà dạy dỗ, chứ không được căn cứ vào hàm nghĩa của bạn, dục vọng của bạn, ý riêng của bạn mà dạy dỗ. Nếu làm như thế là sai rồi. Vào lúc đó không có sách dạy phụ nữ nên rất ít phụ nữ biết được “cái nghĩa lớn của việc phụng sự chồng”, không hiểu “lễ nghĩa khuê môn”. Dạy con gái lúc nhỏ nhất định cần giảng đi giảng lại những tấm gương về đức hạnh phụ nữ trong “Câu chuyện đạo đức”. Các bạn có thể ở nhà cho các con xem đi xem lại phim hoạt hình “Những câu chuyện giáo dục đức hạnh”. Nếu như sau này có phim hoạt hình chuyên về giáo dục Nữ Đức, ví dụ như chọn ra trong số hơn 40 câu chuyện trong “Liệt Nữ Truyện” làm phim hoạt hình riêng cho các bé gái xem, dạy con gái thông qua việc huân tập nhiều lần như thế có thể bồi dưỡng ra đức nhân trí, trinh thuận, hiền minh của các con. Nếu như có công ty làm phim hoạt hình nào phát tâm làm thì tôi nghĩ sẽ có công rất lớn, là một nghĩa cử đem lại sự lợi ích lâu dài. Mở trường dạy Nữ Đức, làm tọa đàm giáo dục Nữ Đức, lập ra trang web giáo dục Nữ Đức. Đây đều là những việc tốt. Những người có năng lực và sức lực nên phát nguyện làm, lợi mình lợi người, gia đình của bạn nhất định hưng vượng. “Nhà tích điều thiện ắt có thừa niềm vui”, để lại cái gì cho con cháu đều không bằng để lại phước báo từ việc tích đức hành thiện cho chúng.

Chúng ta làm mẹ ở nhà dạy dỗ con thì đã có Kinh điển trong tay, nên không sợ dạy sai, bởi vì Kinh điển đã được truyền thừa qua mấy ngàn năm rồi. Nếu như là cặn bã thì sao có thể được truyền trong mấy ngàn năm như vậy? Giống như thơ của Lý Bạch và Đỗ Phủ, tôi nghĩ những bài thơ của các Ngài đã làm đương thời không phải chỉ có mấy bài được truyền lại đến ngày nay mà thôi. Nhưng vì sao chỉ có thể xem thấy có mấy bài thơ này thôi? Vì đây là những bài tinh hoa nhất được người trong mỗi một thế hệ truyền lại. Khi đại chúng cảm thấy không hay thì bỏ qua bài thơ đó, không có tâm tư mà lưu truyền. Đặc biệt là do thời xưa việc in ấn không phát triển, in một cuốn sách rất là phức tạp. Những tác phẩm được lưu truyền cho đến ngày nay, chúng ta có thể xem được cuốn thiện thư như “Nữ Giới” đây, xác thực là có đạo lý bên trong.

ĐẢN GIÁO NAM NHI BẤT GIÁO NỮ, BẤT DIỆC TẾ Ư BỈ THỬ CHI SỐ HỒ

(Tạm dịch: Nếu như chỉ dạy con trai mà không dạy con gái, há chẳng phải đã có sự thiên chấp không rõ lý rồi hay sao)

Ở đây lại nhấn mạnh thêm lần nữa, nếu như chỉ dạy con trai mà không dạy con gái. Như vậy chẳng phải là đã che lấp lễ nghĩa phép tắc rồi hay sao? Chữ “tế” có nghĩa là che lấp. Nếu chỉ dạy con trai hiểu lễ nghĩa, mà không dạy con gái thì chính là sự che lấp. Câu nói này được Ban Chiêu nói trong bối cảnh lịch sử thời bấy giờ. Đặt trong thời đại hiện nay chúng ta phát hiện ra điều gì? Không những là thời nay con gái không được dạy mà con trai cũng không được dạy, không có người dạy. Ban Chiêu là nhân vật sống cách đây gần 2000 năm nên bà có thể nói ra câu nói này. Nếu như bà sống đến bây giờ thì bà sẽ nói: “Nam nữ đều cần phải dạy, nhưng không có người dạy, đều là bị che lấp mất rồi”. Con trai thì như thế nào? Xem hoạt hình Nhật Bản, chơi game, so ăn so mặc v.v. Còn con gái thì càng bị buông xuôi bỏ mặc, thật không nhẫn tâm mà nhìn. Tương lai, những đứa trẻ này lớn lên sẽ trở thành trụ cột của dân tộc. Liệu chúng có thể gánh vác nổi dân tộc hay không? Chúng có cảm thấy mình có sứ mạng gánh vác hay không? Chúng ta làm cha mẹ làm sao có thể ăn nói với Tổ tiên đây? Đây là những đứa con do chúng ta dạy ra mà. Thế nên, ngày nay mỗi một người mẹ cần phải phấn chấn lên, nghĩ đến mình phải dạy con cái điều gì đây. Dạy chúng ăn uống, chơi bời, hưởng thụ cuộc đời, tự tư tự lợi, tổn người, lợi mình, hay dạy chúng làm thế nào lập chí, vì cha mẹ, vì gia tộc, vì đất nước, vì toàn nhân loại mà phụng hiến bản thân.

LỄ, BÁT TUẾ THỦY GIÁO CHI THƯ, THẬP NGŨ NHI CHÍ Ư HỌC HĨ, ĐỘC BẤT KHẢ DĨ THỬ VI TẮC TAI

(Tạm dịch: Trong sách “Lễ Ký” có nói: “Con trai từ tám tuổi trở đi thì phải dạy chúng đọc tụng Kinh điển, truyện ký, đến mười lăm tuổi thì dạy chúng chuyên chí vào học vấn để thành nhân”. Nếu như có thể giáo dục con trai như thế thì sao không thể dạy dỗ con gái như vậy chứ?)

Theo cổ lễ, khi con trai, con gái lên sáu tuổi thì dạy chúng học các con số và tên gọi. Vào thời xưa, dạy con cái tuyệt đối không dạy chúng các bài toán khó như thi Olympic hiện nay, không dạy chúng học văn tự nhiều như hiện nay chúng phải học Anh Văn, âm nhạc, không dạy những thứ này. Mà quan trọng nhất là dạy chúng làm thế nào quét dọn, làm việc nhà, làm thế nào đối nhân xử thế tiếp vật, làm thế nào hiếu thuận với cha mẹ. Đây là ba thứ quan trọng nhất cần phải dạy. Con của bạn có biết làm việc nhà hay không chính là tiêu chuẩn căn bản nhất của một con người, “lao động mới biết cảm ân”, tâm cảm ân từ đây mà bắt đầu. “Tứ chi lười nhác, đầu óc phát triển” thì nhất định là đạo đức bại hoại, chẳng dùng được.

Điều thứ hai là dạy chúng đối nhân, xử thế, tiếp vật, hiểu được lễ tiết và sự tu dưỡng căn bản nhất để làm người, từ đây để đánh giá một đứa trẻ có gia giáo hay không.

Trong quá trình dạy học của Khổng Tử, Ngài xem trọng đức hạnh đầu tiên rồi mới đến ngôn ngữ. Trong đức hạnh thì “bách thiện hiếu vi tiên” (hiếu đứng đầu trăm nết tốt), thế nên có thể hiếu thuận cha mẹ hay không là điều quan trọng. Hai mươi bốn tấm gương hiếu thảo trong “Nhị Thập Tứ Hiếu” chính là tấm gương để chúng ta dạy con cái học tập, dạy cho chúng học được cái tâm hiếu là một thể với cha mẹ. Đồng thời, cách nói chuyện với người khác cũng rất quan trọng. Đây cũng là học vấn nền tảng.

Lấy việc ăn cơm mà nói, hiện nay trong gia đình đều đặt những thức ăn, đồ uống ngon lành trước mặt con cái. Con cái ăn xong cơm là đẩy bát sang một bên rồi chạy đi chơi. Thế nên vì sao việc ăn cơm vào thời xưa lại là nội dung để dạy học. Khi con cái vào bàn ăn thì trước tiên phải xem người lớn đã ngồi vào bàn chưa, người lớn đã cầm đũa chưa. Nếu người lớn chưa cầm đũa thì nó không được cầm đũa. Thức ăn ngon phải để ở trước mặt trưởng bối, không được phép đem đặt ở trước mặt mình. Ăn cơm xong nếu như muốn rời khỏi bàn thì phải thưa một tiếng: “Các vị trưởng bối! Xin mọi người cứ từ từ dùng! Con đã ăn xong rồi ạ”, sau đó cúi đầu lui ra. Tiếp điện thoại hay gọi điện thoại cũng như thế. Hôm qua con trai của tôi gọi điện thoại cho ba của nó. Ba của nó đi công tác, con trai cầm điện thoại lên nói: “Ba ơi! Khi nào ba về vậy?”, sau đó hai cha con nói chuyện. Sau khi nó gác điện thoại, tôi đã nói với nó: “Ba đang đi công tác ở bên ngoài. Mỗi lần con gọi điện thoại trước tiên nên hỏi ba rằng lúc này ba có tiện nói chuyện điện thoại hay không? Nếu như không tiện thì con sẽ gọi cho ba sau. Nếu như ba nói là tiện thì con mới nói chuyện với ba tiếp. Sau cùng nên nói với ba một câu: “Ba ơi! Ba vất vả rồi, ba nhớ giữ gìn sức khỏe. Mọi việc ở nhà đều ổn. Ba hãy yên tâm”. Sau đó hãy gác điện thoại”. Con trai tôi chớp chớp mắt, nghiêng đầu nói: “Sao trước đây mẹ không dạy con ạ?”. Tôi lập tức nhận sai và nói với con: “Mẹ xin lỗi! Mẹ đã làm không đúng. Hôm nay mẹ đã dạy con, hy vọng sau này con hãy làm như thế. Khi ba đi công tác, con gọi điện thoại cho ba đừng quên câu mở đầu và câu kết thúc như vậy nhé, bởi vì nếu như ba đang bàn chuyện công việc mà con cứ kể hết chuyện này đến chuyện nọ thì ba sẽ rất khó xử. Con nghĩ xem ba có đang nghe con nói hay không. Trước tiên con nhớ hỏi ba có tiện nói chuyện điện thoại hay không, và con cũng nhớ nói hai câu sau cùng để thể hiện lòng yêu thương và quan tâm đối với ba”. Sau đó con trai của tôi nói: “Dạ! Con biết rồi ạ. Xin mẹ yên tâm ạ!”. Sau đó, nó quay sang nói với đứa em trai ba tuổi của nó rằng: “Em đã nghe chưa? Hai câu này phải nhớ nói đó nhé”. Đứa em cũng học theo anh: “Dạ! Em biết rồi ạ!”.

Chương Hai: Phụ Phu (P4)
Chương Hai: Phụ Phu (P4)

Mặc dù những lễ tiết này đều rất nhỏ nhưng từng chút từng chút một được tích lũy trong vòng mười năm, hai mươi năm sẽ thành tựu nên sự giáo dưỡng căn bản nhất của một con người. Hiện nay, điều kiện kinh tế của người dân Trung Quốc không tệ, đi nước ngoài, rất có tiền. Nhưng tại sao rất nhiều người ngoại quốc, nhất là người Âu Mỹ xem thường người Trung Quốc, cảm thấy người Trung Quốc nói chuyện ồn ào giống như hét vậy, mua đồ không chịu xếp hàng, cứ chen lên trước mua, tự tiện xả rác, khạc nhổ, không có lịch sự lễ tiết? Tuy nhiên, chúng ta còn không cho điều này là xấu hổ, ngược lại xem đó là vinh dự. Ví dụ như người nam cảm thấy như vậy là có khí khái to lớn, còn phụ nữ thì cũng to tiếng thành quen, đặc biệt là phụ nữ Đông Bắc thì hơi nghiêm trọng hơn nữa. Có một lần ở Hong Kong đã đăng một loạt các bức ảnh chụp về người Trung Quốc đại lục đi Hong Kong khạc nhổ ở bên đường, xả rác, ăn mì gói trong tàu điện ngầm, đều là những việc thuộc về phép lịch sự. Đều là do từ nhỏ không được dạy. Đây là một sự việc rất phiền phức, từ nhỏ cần phải được dạy dỗ.

Phần Tiên Chú của Vương Tương có nói rằng: “Theo cổ lễ, lên bảy tuổi thì nam nữ không được ăn chung với nhau, không ngồi chung với nhau”, đây là quy phạm. Sự phân biệt này để cho nam và nữ tránh được sự tị hiềm, từ nhỏ đã nuôi dưỡng cái tâm liêm khiết, biết hổ thẹn của người nữ. Khi bé gái đó lớn lên sẽ không làm ra những việc phạm quy, vượt lễ.

Lên tám tuổi thì con trai vào Tiểu Học, bắt đầu đọc thi, thư, đọc Kinh điển. Mười lăm tuổi thì vào Đại Học, ở Đại Học thì nghe thầy giáo giảng giải Kinh điển. Cho nên, khác biệt giữa Tiểu Học và Đại Học chính là lúc học Tiểu Học thì con trẻ không ngừng đọc tụng, nhưng không cầu giải, đợi đến khi vào Đại Học thì thầy giáo mới bắt đầu giảng giải, vừa giảng giải vừa dẫn dắt đi du sơn ngoạn thủy, đi thăm các vị danh sư, đi trải nghiệm để học trò có thể khai ngộ.

“Bé gái lên tám tuổi thì được mẹ dạy lễ nhượng, dạy may vá thêu thùa, mười lăm tuổi cài trâm, hai mươi tuổi gả chồng”. Thời xưa, khi bé gái lên tám tuổi thì không được học Tiểu Học. Người mẹ chính là vị thầy trong gia đình dạy con về lễ tiết và lễ nhượng. Chúng ta trong “Liệt Nữ Truyện” có thể xem thấy rất nhiều phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ quý tộc, khi đi ra ngoài thì có một Bảo A, tức bảo mẫu kiêm làm thầy dạy của gia đình. Những vị thầy dạy của gia đình đều dạy về đức hạnh và lễ tiết, ví dụ như khi y phục không hợp lễ tiết thì vị Bảo A này sẽ lập tức nói cho cô ấy biết. Nếu như cô ấy làm việc không phù hợp với quy phạm thì Bảo A sẽ lập tức chỉ dạy. Phụ nữ còn được dạy may vá, thêu thùa. Lên mười lăm tuổi là tuổi sắp lấy chồng nên dùng trâm cài tóc bới tóc cao lên, không được tùy tiện thả xuống, đến năm hai mươi tuổi thì gả đi.

“Đối với trẻ trai thì biết dùng thi, thư để dạy, há nào lại chẳng dạy trẻ gái lễ nhượng hay sao?”. Ý nói đối với con trai, chúng ta biết dùng “Kinh Thi” và sách “Thượng Thư” để dạy, nếu như không dạy con gái lễ nhượng, không hiểu lễ nghĩa thì nam và nữ sẽ rất khó hòa hợp thành một thể, sẽ không tương xứng. Giống như mặt trước và mặt sau của bàn tay vậy, đều là một thể. Mặt này hiểu biết thì mặt kia cũng cần hiểu biết. Sau khi trở thành người một nhà thì có thể hô ứng cùng nhau, chồng làm thế này thì người vợ sẽ biết cách hô ứng mà làm theo. Bằng ngược lại, nếu như chồng làm thế này mà người vợ không hiểu thì sẽ phản kháng. Trong xã hội hiện nay, chúng ta đừng nên ỷ rằng người chồng sẽ làm như thế bởi vì người chồng chưa được học, không biết nên làm như thế nào. Vậy chúng ta hãy làm trước, không ngừng thực hành đạo lễ nghĩa mà Kinh điển đã dạy.

Chương Phụ Phu tổng cộng chỉ có 205 chữ nhưng hàm nghĩa lại thâm sâu vô biên, cảnh giới tu học của tôi còn rất cạn mỏng nên trong hai giờ đồng hồ vẫn chưa giảng được rốt ráo, hy vọng mọi người vừa học, vừa thể ngộ. Bản thân tôi từ lúc bắt đầu giảng thì phần khiến tôi có cảm xúc sâu sắc nhất chính là đạo vợ chồng, nam nữ mỗi người nên giữ bổn phận của mình. Bản thân tôi tuy giảng Nữ Đức nhưng cũng xin khuyên nam giới trong thiên hạ nên học Nam Đức. Nam nhi cần có dáng vóc riêng, có thể gánh vác trọng trách nuôi gia đình, làm rường cột kinh tế trong nhà, làm người có khí phách lớn, không tính toán so đo, thực sự giống như bầu trời rộng mở vậy, đem ánh nắng mặt trời và mưa móc đến cho mặt đất, và cũng giống như bầu trời vận hành có trật tự, xuân hạ thu đông, hai mươi bốn giờ không ngừng nghỉ.

Phụ nữ cũng càng nên như vậy, nhất định cần phải biết những điều không hay trong tính cách của mình mà kịp thời sửa chữa. Phụ nữ đều có một số tính cách chung là hâm mộ hư vinh, đố kỵ, nên vì sao hai từ “đố kỵ” (嫉妒) đều có bộ “nữ” (女)ở bên trái. Người xưa là nhắm đến phụ nữ mà phát minh ra hai từ này. Người nam cũng có đố kỵ nhưng phụ nữ đố kỵ nghiêm trọng hơn. Trong gia đình, quan trọng là phụ nữ không được xử sự dựa vào cảm tính, cảm tình, động một chút là khóc, trước khóc, sau gào rồi đòi ly hôn, không được như thế. Đời sống hôn nhân cần đến lý trí, cần dùng chân tâm mà gây dựng. Như vậy, vợ chồng mới có thể lâu bền, gia đình mới có thể hài hòa. Rất nhiều việc nên xem nhạt đi một chút, không nên nghiêm trọng hóa. Vấn đề tạm thời chưa giải quyết được do thực sự nghĩ không thông nên trước tiên cứ để đó, khi nào nghĩ thông rồi thì hãy đi làm. Đồng thời cần phản tỉnh chính mình xem có chỗ nào làm chưa được, hoặc làm quá đáng. Giữ cho tâm của chính mình không thiên lệch, thay đổi. Khi mới về nhà chồng thì đối xử với người bên nhà chồng rất tốt. Qua hai ngày thì tinh lực có hạn, không còn tốt nữa, người ta sẽ oán trách bạn. Thế nên bạn cần phải học trung dung, không quá nhiệt tình cũng không quá lạnh nhạt. Như vậy là tốt nhất, đây chính là lễ nghĩa, tức là trước sau đều giữ được mức trung dung. Chúng ta cần phải thường xuyên xét lại bản thân xem coi có ở trong đạo trung dung hay không. Ví dụ như đối với mẹ chồng lúc đầu thì mỗi ngày thăm một lần, còn bây giờ thì một tháng cũng không thăm được một lần, như thế không phải là đạo trung dung. Một tuần hoặc mười ngày đến thăm là được, trước sau cần làm theo quy luật như thế thì rất tốt.

Chương Phu Phụ là một chương rất quan trọng, nói về Nữ Đức đều nhắc đến chương này. Chúng ta cần phải học tập tới lui, thể hội nhiều lần, hy vọng chúng ta trong lúc học tập chung với nhau có thể đạt được lợi ích, gia đình hòa thuận, có thể đạt được hạnh phúc, đồng thời có thể không ngừng nâng cao chính mình, hoàn thiện phẩm cách của chính mình, sau cùng có thể thành tựu nhân sinh của chính mình, thành tựu thế hệ sau của mình.

PHẬT TỬ THẤY TỐT, CÓ ÍCH CHO NGƯỜI CHO MÌNH XIN CHIA SẺ BÀI VIẾT
NAM MÔ QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT
Ngưỡng nguyện Đức Bồ-tát Quán Thế Âm gia hộ cho kẻ mù Được thấy, kẻ Điếc Được nghe, người Đau khổ Được an vui.
--------------------------------------
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Nam Mô A Di Đà Phật
--------------------------------------

Subscribe

- Never miss a story with notifications

- Gain full access to our premium content

- Browse free from up to 5 devices at once

Bái viết mới nhất

spot_img