9.5 C
London
Thứ Năm, Tháng Mười Một 7, 2024
Trang chủNữ ĐứcNữ Đức Vi Yếu - Chương Hai: Phụ Phu (P3)

Nữ Đức Vi Yếu – Chương Hai: Phụ Phu (P3)

Date:

Bài Viết Liên Quan

spot_imgspot_img

Nữ Đức Vi Yếu – Chương Hai: Phụ Phu (P3)

Nữ Đức Vi Yếu – Chương Hai: Phụ Phu (P3): Người làm chồng nếu như không có phẩm hạnh hiền đức thì sẽ không thể quản thúc được vợ. Vợ nếu như không phải là người hiền huệ thì cũng không thể phụng sự được chồng. Nếu như chồng không thể quản giáo được vợ thì sẽ mất đi sự uy nghiêm. Vợ nếu như chẳng thể phụng sự chồng thì đạo nghĩa cũng chẳng còn. Tác dụng của hai việc này là như nhau, thiếu đi một thứ cũng không được.

PHU BẤT HIỀN TẮC VÔ DĨ NGỰ PHỤ, PHỤ BẤT HIỀN TẮC VÔ DĨ SỰ PHU. PHU BẤT NGỰ PHỤ, TẮC UY NGHI PHẾ KHUYẾT. PHỤ BẤT SỰ PHU TẮC NGHĨA LÝ ĐỌA KHUYẾT. PHƯƠNG TƯ NHỊ GIẢ, KỲ DỤNG NHẤT DÃ – CHƯƠNG PHỤ PHU

(Tạm dịch: Người làm chồng nếu như không có phẩm hạnh hiền đức thì sẽ không thể quản thúc được vợ. Vợ nếu như không phải là người hiền huệ thì cũng không thể phụng sự được chồng. Nếu như chồng không thể quản giáo được vợ thì sẽ mất đi sự uy nghiêm. Vợ nếu như chẳng thể phụng sự chồng thì đạo nghĩa cũng chẳng còn. Tác dụng của hai việc này là như nhau, thiếu đi một thứ cũng không được)

Ý nghĩa của đoạn này là nếu như người chồng không có tài đức thì không thể quản giáo được vợ. Chữ “ngự” này có nghĩa là tiết chế. Còn nếu như vợ không phải là người tài đức thì không thể phụng sự chồng mình. Nếu như người chồng không thể quản giáo, tiết chế vợ thì uy nghi của chính mình sẽ mất, không có uy nghi. Nếu như vợ không thể phụng sự chồng thì thiếu mất đi lễ nghĩa. Hai việc này thiếu mất một điều cũng không được. Phần sau chúng ta sẽ học tập chi tiết.

PHU BẤT HIỀN TẮC VÔ DĨ NGỰ PHỤ

Cái chữ “hiền” này của người chồng nghĩa là gì? Trong giáo dục của văn hóa truyền thống, giữa vợ chồng với nhau cần phải làm được “phu nghĩa phụ thính”, nên cái “hiền” của người chồng quan trọng ở chỗ hiểu nghĩa, đạo nghĩa đối với người nam rất quan trọng. “Nghĩa giả nghi dã”, người có nghĩa thì làm bất kỳ việc gì cũng hợp đạo lý, khí chất mạnh mẽ, có thể cầm được lên, có thể buông được xuống. Người đó ở bên ngoài có thể thành tựu sự nghiệp, và nhờ vào sự thành công của sự nghiệp nên ở nhà có quyền lực mà hoạch định phương kế cho vợ. Đối với sự việc nhỏ nhặt trong gia đình thì không bận tâm, chuyện tiểu tiết như dầu muối trong nhà không bàn đến, nhưng đối với hoạch định lớn lao thì nắm rất vững. Ví dụ như việc dạy con cái thành người như thế nào, phát hiện ra vợ mình có sai sót chỗ nào thì cần kịp thời dẫn dắt, đây chính là tài đức của người chồng. Trong quá trình học tập, tôi cũng không ngừng tư duy rằng người nam nhất định cần có khí chất mạnh mẽ. Nếu như người nam không có khí chất mạnh mẽ thì người phụ nữ của họ sẽ khó thành tựu khí chất nhu thuận của nàng. Như thế thì bầu trời sẽ sụp xuống, còn mặt đất cũng không thể nào gánh chở nổi, dù có đức dầy đến đâu thì cũng sẽ rất khó khăn để gánh vác bầu trời. Thế nên, người nam cần phải đứng thẳng chống đỡ một vùng trời thì người nữ mới có thể an nhiên trở thành một dải đất được.

Nữ Đức Vi Yếu – Chương Hai: Phụ Phu (P3)
Nữ Đức Vi Yếu – Chương Hai: Phụ Phu (P3)

Trong quá trình mười mấy năm chung sống với chồng, trước giờ tôi luôn cho rằng chồng tôi là người gia trưởng. Thế nhưng hiện nay tôi thấy rằng sự gia trưởng đó ngược lại có một khí chất mạnh mẽ. Việc hy hữu hơn là từ chồng tôi có thể nhìn thấy được ý nghĩa của chữ “hiền” của người nam như thế nào. Đó là có sự nghiệp, trọng nghĩa khí, hiếu thảo với cha mẹ, đối đãi khoan hậu với người nhà, không xét nét những tiểu tiết, thế nhưng đối với một vài phương diện nhỏ cần phải ngăn ngừa phòng lỗi anh ấy vẫn có thể làm được rất tốt. Lúc chúng tôi mới kết hôn, đối với những việc nhỏ anh ấy đã yêu cầu tôi làm một cách nghiêm khắc. Cho nên, Tổ tiên có một câu nói: “Dạy con từ thuở còn thơ, dạy vợ từ thuở ban sơ mới về”. Ai sẽ là người “dạy vợ từ thuở ban sơ mới về” vậy? Trước tiên, người chồng phải dạy, khi vừa bước vào cửa nhà thì phải dạy ngay, nếu như không dạy vào lúc này, bỏ qua thời cơ này thì về sau có dạy như thế nào cũng rất khó.

Lúc tôi mới về nhà chồng hai ba năm đầu, tôi đã được dạy dỗ rất nhiều. Anh ấy đã dạy tôi buông xuống dục vọng khống chế đối với tiền tài, đồng thời dạy tôi buông bỏ một số tập khí của một đại tiểu thư, phải làm việc, làm đến mức nào. Chồng tôi bảo, quan trọng là ở hai nơi: nhà bếp và nhà vệ sinh. Nhà bếp không được dính dầu, nhà vệ sinh không được có mùi hôi. Đây chính là hai tiêu chuẩn lớn của việc nhà. Phòng khách thì anh ấy không cần kiểm tra vì anh ấy nói phụ nữ đi ra ngoài lúc nào cũng tươi tắn, nhưng nhìn vào nhà thì thấy bừa bãi lộn xộn, như thế không được. Chồng tôi còn dạy tôi làm thế nào tiếp đãi khách, nói chuyện có chừng mực. Chồng tôi quả thực là một vị thầy quan trọng nhất trong cuộc đời tôi. Những việc anh ấy yêu cầu lúc mới kết hôn đã để lại một ấn tượng sâu sắc trong cả đời này của tôi. Tôi còn nhớ lúc mới kết hôn, có một lần anh ấy mời bạn bè ăn cơm. Lúc ở bàn ăn, tôi cảm thấy là tôi không nói nhiều, hình như chỉ nói có hai câu, vậy mà về nhà bị anh ấy dạy cho một bài học. Anh ấy nói: “Lúc ở bàn ăn khi có bạn bè là nam giới nhiều thì phụ nữ không cần nói nhiều lời xen vào. Em chỉ cần ăn cơm, ngồi nghe là được rồi”. Đó chính là cổ lễ. Tôi cũng đã đem những ví dụ về sự dạy dỗ của chồng tôi chia sẻ cho các nhân viên nam trong công ty thì họ đặc biệt là những người đã kết hôn nói rằng: “Cho tôi xin, giám đốc Trần à! Chúng tôi sao dám làm như thế! Chúng tôi đều nộp lương và tiền tiết kiệm cho vợ cả rồi. Sao dám ăn nói mạnh bạo như thế được! Nếu làm như vậy chắc thế nào chúng tôi cũng bị họ lấy chổi quét ra khỏi nhà”. Tôi nói: “Thế không được! Vậy nam tính mạnh mẽ của các anh để ở đâu?”. Họ nói: “Cần gì nam tính mạnh mẽ chứ! Có thể chung sống với nhau là tốt rồi”. Thế nên, thời đại ngày nay không như vậy nữa. Chúng ta nhìn thấy có một số việc không thể nào làm được. Đó là vì bản thân các anh ấy không có cách nghĩ và sự yêu cầu như thế, mà đều muốn xuôi theo, đều đồng ý về nhà làm cơm, giặt đồ, vợ ra ngoài bươn chải làm sự nghiệp, làm việc điên đảo như thế. Thế nhưng điều này trái ngược với đạo của trời đất, trái ngược đạo âm dương.

  “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên” nói: “Nam bất trung lương, nữ bất nhu thuận”. Khi giảng bài ở một số buổi luận đàn, tôi cũng không dám nói chữ “ngự” này có nghĩa là “tiết chế”, nhưng trên thực tế nó mang nghĩa “tiết chế”. Vì sao tôi không dám nói ra? Đó là vì cảm thấy nói ra nghe không dễ chịu: “Lễ giáo của phong kiến truyền thống dựa vào điều gì mà tiết chế chúng tôi chứ!”. Kỳ thực, hai từ “tiết chế” này nếu như tách ra để xét thì chữ “tiết” có nghĩa là làm bất cứ sự việc gì cũng cần có tiết độ. Vì sao người nam lại đến để giúp chúng ta làm việc gì cũng có tiết độ? Bởi vì người nam có phương thức tư duy tương đối thiên về lý tính, còn người nữ thì thường tư duy theo cảm tính. Nếu bạn không tin thì cứ ra cửa hàng mà xem.Trước những quầy hàng khuyến mãi lớn chắc chắn đều là phụ nữ, bất kể thế nào cũng mua về đã, thực tế khi mua về một đống rồi lấy ra tính lại thấy cũng chẳng khác gì với giá chưa khuyến mãi. Còn nam giới thì rất ít người bị kích động bởi những sự việc này. Thế nên, sự kết hợp vợ chồng chính là sự phối hợp tốt đẹp của nam và nữ. Đối với một số sự việc, anh ấy có thể giúp cho bạn không xử sự quá dựa trên cảm tình. Chữ “chế” có nghĩa là ngăn chặn, ngăn chặn không để bạn làm một số việc không tốt. Thiên tánh nào của phụ nữ thì nặng hơn so với nam giới? Chính là đố kỵ, ngạo mạn, hẹp hòi, thích than phiền. Rất nhiều phụ nữ như thế, xem trọng tiền bạc, không xem trọng tình bằng hữu bằng nam giới. Nam giới ở bên ngoài đối với bạn bè rất rộng rãi, có thể liều mình vì bạn, có thể buông xuống một vài thứ vì bạn, còn phụ nữ thì quan tâm đến những tình cảm nhỏ cho riêng mình. Thế nên, nam giới có thể ngăn chặn sự lan rộng của tâm đố kỵ, than phiền, tham lam của phụ nữ, phát hiện mầm mống liền kịp thời ngăn ngừa cô ấy làm việc ác. Bởi vì giữa vợ chồng với nhau dễ câu thông và lắng nghe lẫn nhau. Có lúc tôi nghĩ phải chăng chúng ta dễ nghe lời của chồng hơn lời của cha mẹ? Lúc mới kết hôn, dường như những gì chồng nói chúng ta có thể tiếp nhận, nhưng cha mẹ nói thì không dễ tiếp nhận. Thế nên, ở trong đây có một đạo lý rất sâu.

PHỤ BẤT HIỀN TẮC VÔ DĨ SỰ PHU

Trong sách “Tăng Quảng Hiền Văn” có câu: “Thê hiền phu họa thiểu, tử hiếu phụ tâm khoan”. Nghĩa là nếu vợ là người hiền thì người chồng gặp ít họa hoạn; nếu con cái là kẻ hiếu thuận thì lòng của cha mẹ sẽ thư thái, dung dung. Từ xưa đến nay quả thực là như thế, nhỏ là bá tánh bình dân, lớn là gia đình quyền quý, đa số gặp họa đều khởi nguồn từ chốn khuê môn. Những ví dụ như thế từ xưa đến nay rất nhiều. Chúng ta xem “Liệt Nữ Truyện” có riêng một chương chuyên nói về các quốc gia đã bại vong trong bàn tay của người nữ như thế nào. Thế nên, Lưu Hướng trong cuốn thứ ba của “Liệt Nữ Truyện” có nói: “Thánh Vương thuở xưa, chánh việc phi thất, phi thất chánh tất hưng, bất chánh tắc loạn. Nhà Hạ hưng thịnh do Đồ Sơn Thị, diệt vong bởi nàng Muội Hỷ. Nhà Ân hưng thịnh ở Hữu Nhung, diệt vong bởi vì Đát Kỷ. Nhà Chu hưng nhờ Thái Tự, diệt vong bởi nàng Bao Tự”. Có thể thấy quốc gia hưng vong đều có quan hệ mật thiết đến hàng nữ nhân. Chúng ta có thể không đến nỗi làm hại quốc gia, nhưng có thể khiến cho gia đình mình bị hủy hoại hay không thì chúng ta cần phản tỉnh lại xem. Nếu như chính mình không tham phấn son, quần áo, không tham nhà cao cửa rộng, không tham lái xe đẹp thì chồng sẽ không dốc hết trí xảo, thậm chí làm ra những việc tham ô, lừa đảo. Dục vọng của người nữ luôn luôn thôi thúc chồng mình. Mỗi lần chồng về nhà liền thúc một tí, đến sau cùng người chồng như uống phải thuốc độc. Mỗi ngày một chút nhưng không cảm giác, lâu ngày chầy tháng cho đến sau cùng vì tiền tài mà bất chấp thủ đoạn. Thế nên chúng ta nói người hiện nay đều là “Nhị Lang Thần”, một cái là “tài lang” (sói mê tiền tài), một cái là “sắc lang” (sói mê sắc đẹp). Tài lang và sắc lang này có phải nói về nam giới hay không? Tôi cảm thấy không phải. Nếu như phụ nữ không có hai thứ dục vọng này thì nam giới sẽ không như vậy. Nếu như bạn không hề tham tài, bản thân đối với tiền tài không hề có cảm giác gì thì người nam trong nhà bạn sẽ nghĩ: “Mình ra sức kiếm tiền để làm gì?” họ sẽ nhìn được thông.

Bản thân tôi sau khi học văn hóa truyền thống được sáu năm thì dục vọng đối với vật chất càng ngày càng nhạt. Nghĩ đến người ta đến với thế gian này với hai bàn tay trắng, lúc ra đi cũng hai bàn tay trắng. Tất cả những thứ bên thân giống như khói mây thoáng qua trước mắt. Vì sao không lợi dụng đời người tốt đẹp này mà hành thiện tích đức, nỗ lực nâng cao cảnh giới của chính mình? Dục vọng vật chất đều là gánh nặng và khối u của cuộc đời, chẳng có gì tốt đẹp cả. Thế nên, tôi thường nói với chồng rằng tiền gửi trong ngân hàng chỉ là một dãy số, cầm trên tay thì là một nắm giấy, nhưng lúc tiêu tiền phải xem bạn có trí tuệ hay không, nếu dùng tiền sai chỗ thì nguy rồi, sẽ rước lấy phiền phức vào thân. Ví dụ như dùng tiền đánh bạc, uống rượu, vui chơi, làm những việc thế này chính là rước họa vào thân. Không có tiền rất tốt, không tiền thì nhẹ người.

Chương Hai: Phụ Phu (P3)
Chương Hai: Phụ Phu (P3)

Thế nên, có một lần chồng tôi có một hạng mục cần phải đàm phán. Anh ấy về nhà nhìn có vẻ hơi u sầu, chắc là có chướng ngại. Sau đó, tôi đã nói với anh: “Anh đừng suy nghĩ nhiều như thế! Trước tiên anh đừng nghĩ cần phải kiếm được bao nhiêu tiền mà anh hãy nghĩ đến việc thành tựu sự nghiệp, nghĩ đến việc thành tựu cho các nhân viên trong công ty. Anh hãy nghĩ như thế! Anh phải đặt cái tâm mong cầu xuống. Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”. Làm được thì tốt, có thành hay không cũng không nên mong cầu quá mức, “nhân đáo vô cầu phẩm tự cao” (người không mong cầu thì phẩm hạnh tự nhiên cao”. Ngày hôm sau, anh ấy đàm phán rất thuận lợi. Anh ấy cảm thấy dường như đã buông xuống được cái tâm mong cầu, không có nhiều phiền não nữa.

Ngược lại, nếu như chúng ta nói để kiếm được tiền thì cần phải thế này thế kia. Sau đó nghĩ đến khi có tiền rồi thì chính mình sẽ hưởng thụ ra sao, nếu không kiếm được thì sẽ rất đau khổ. Cho nên, cần phải biết buông xuống, buông xuống tự tư tự lợi, buông xuống danh văn lợi dưỡng, buông xuống ngũ dục lục trần. Ví dụ như phụ nữ nếu như quá để ý đến vóc dáng, diện mạo của chính mình, mỗi ngày đều ra vào thẩm mỹ viện, lo trang điểm thì nam giới cũng sẽ như thế. Bạn chú trọng điều này họ cũng sẽ như vậy. Nếu như bên ngoài họ nhìn thấy người khác xinh đẹp hơn bạn thì phiền phức rồi, con “sắc lang” (con sói mê sắc đẹp) đó đã bị bạn dắt đến rồi. Thế nên, hai con sói này cần phải tránh xa chúng, đừng dẫn sói vào nhà. Phụ nữ trước tiên hãy tự mình làm trước. Bạn đối với chúng không có hứng thú thì sẽ không rước lấy chúng vào cửa. Chồng của bạn sẽ không gặp phải chúng.

Sáu chương đầu trong sách “Liệt Nữ Truyện” đều nói về đức hạnh của phụ nữ: Chương thứ nhất là Mẫu Nghi, chương thứ hai là Hiền Minh, chương thứ ba là Nhân Trí, chương thứ tư là Trinh Thuận, chương thứ năm là Tiết Nghĩa, chương thứ sáu là Biện Thông Truyện. Trong đó có phần chú giải của chương Hiền Minh là: “Duy nhược hiền minh, liêm chánh dĩ phương. Động tác hữu tiết, ngôn thành văn chương. Hàm hiểu sự lý, tri thế kỷ cương. Tuần pháp hưng cư, chung nhật vô ương. Phi hậu hiền yên, danh hiệu tất dương” (Chỉ có hiền minh, liêm chánh thì mới có thể giữ được chánh khí. Hành động quy củ, lời nói ý tứ. Hiểu rõ sự lý, biết kỷ cương thế đạo. Hành theo phép tắc thì không tai ương cho đến cuối đời. Nếu Hoàng Hậu và Phi tần đều là bậc hiền đức thì danh ấy ắt được tuyên dương). Ý của câu này là chỉ có hiền đức mới có thể minh lý, mới có thể thanh liêm, giữ được chánh khí. Liêm là biểu thị cho kiệm, thanh liêm chánh trực, buông xuống dục vọng đối với tiền tài. Nói một cách khác, trước tiên đối với tiền tài cần phải xem nhạt, không nên quá chú trọng vào tiền tài. “Chánh” là giữ gìn được chánh tâm, chánh niệm của mình. “Động tác hữu tiết” chính là có lễ, biết lễ độ, hiểu lễ tiết. “Ngôn thành văn chương” chính là có văn tài, câu này ý nói phụ nữ cần phải đọc sách để biết lễ, chứ không phải là con mọt sách nhưng không hiểu lễ tiết, như vậy thật phiền phức. “Hàm hiểu sự lý, tri thế kỷ cương” nghĩa là hiểu đạo lý của sự việc, đồng thời biết kỷ cương chính sách. “Tuần pháp dữ cư, chung nhật vô ương” nghĩa là sống theo pháp luật, không làm trái cương thường, luân thường đạo lý thì như vậy mỗi ngày đều không có tai nạn. “Phi hậu hiền yên, danh hiệu tất dương”, nếu người phụ nữ này có thể trở thành Hoàng Hậu của một nước thì thanh danh của bà nhất định sẽ được lưu truyền đến tận thiên thu về sau. Quả thật là như vậy, chúng ta hiện nay vẫn đang học tập và noi gương Tam Thái của nhà Chu. Danh tiếng của các bà đã siêu vượt thời gian, siêu vượt không gian.

Thời nhà Minh, sách “Nội Huấn” do Nhân Hiếu Hoàng Hậu viết cũng có sự giải thích hết sức tường tận về sự hiền đức của phụ nữ. Thế nào là sự hiền đức của phụ nữ? “Trung thành dĩ vi bổn, lễ nghĩa dĩ vi phòng, cần kiệm dĩ suất hạ, từ hòa dĩ xử chúng, tụng đọc thi thư”. “Trung thành dĩ vi bổn” mở đầu đã nói đến chữ “trinh”. Chữ “trinh” này quán thông hết toàn chương, về phương diện này phụ nữ nhất định không thể phạm sai lầm. Chữ “trinh” này không những chỉ cho thân thể. Nếu như thân thể phạm sai lầm thì quá đáng rồi, ở đây còn bao gồm cả ý niệm. Ngày nay chúng ta có Internet, có thể ở sau lưng chồng lên mạng làm ra một số việc trái với luân lý đạo đức. Nếu tích lũy nhiều ác niệm thì sẽ dễ gặp phải ác duyên mà kết thành ác quả, ngàn vạn lần chớ nên khinh suất. Có câu: “Tâm tưởng sự thành”, tâm thường nghĩ ác thì việc ác sẽ hiện tiền. Vậy sao chúng ta niệm niệm không nghĩ thiện, thành tựu thiện sự? Ví dụ hiện nay trên mạng có một số trang web chat xấu, không nên tham gia. Bởi vì chỉ cần vào rồi thì cũng giống như hút ma túy vậy, càng lún càng sâu, rất khó dừng lại. Chỉ cần bạn bước vào không gian như thế, từ trường như thế, giao lưu với loại người như thế thì sẽ giống như đặt mình bỏ vào trong đống cá ươn vậy, bản thân thì lại không cảm thấy hôi thối. Kế bên mình là một con cá ươn, thời gian lâu dần họ lại quăng thêm vào những con cá ươn nữa, đến sau cùng khi bạn không còn ngửi thấy mùi hôi thối của chính mình thì bạn đã hết thuốc chữa. Nếu như bạn tiếp xúc với người tốt, bạn nói hiện nay tìm không ra người tốt, vậy thì hãy đi xem sách tốt, đọc sách của cổ Thánh tiên Hiền. Cho dù mỗi ngày đọc một trang, nhưng trong tâm có ý niệm tìm kiếm bạn lành thì “người có thiện nguyện, ông trời ắt phù hộ cho”, ông trời nhất định sẽ đưa một người bạn tốt đến bên bạn. Như thế sẽ giống như bước vào căn phòng chứa đầy hoa lan vậy. Có thể bạn cũng không cảm thấy có gì thơm nhưng thời gian lâu dần khi bạn bước ra thì người khác sẽ ngửi được hương thơm trên thân bạn. Thế nên, chúng ta cần có cái tâm chứa đựng mùi hương, đồng thời còn có thể xông mùi hương đó đến mọi người xung quanh, chứ đừng để thân mình phát ra mùi hôi thối.

Người khác khi nhìn thấy ánh mắt của người phụ nữ như vậy, nhìn đến hành vi, cử chỉ của cô ấy, lại nghe tiếng cô ấy nói chuyện, cảm thấy cô ấy rất bộp chộp, xốc nổi thì quả thực làm xấu chính mình, xấu lây cả người nhà. Nếu bản thân vẫn không cho đó là xấu thì quả thật là một sự việc rất hổ thẹn. Câu sau nói: “Lễ nghĩa dĩ vi phòng”, cái lễ này đi cùng với nghĩa trong từ “đạo nghĩa”, có lễ thì mới có nghĩa, mang ý nghĩa phòng thủ. “Trung thành dĩ vi bổn, cần kiệm dĩ suất hạ, từ hòa dĩ xử chúng”, căn bản làm người chính là tâm trung thành, “trung” thì không nghiêng lệch, xiêu vẹo, “thành” tức tâm không hư dối. Đối với người nhà của chính mình, người phụ nữ cần lấy mình làm gương trong việc dùng cần kiệm để tề gia, cần có thái độ nhân từ, an tường, bình hòa mà đối đãi với hết thảy mọi người trong và ngoài nhà. Then chốt là cần phải học tập, cần phải đọc thơ, đọc sách. Cho nên, sự dạy dỗ từ xưa đến nay đều không nói rằng phụ nữ không được đọc sách, không được học tập, trước giờ chưa từng nói câu đó. Vì vậy, giáo dục đức hạnh phụ nữ là yêu cầu bạn cần phải học. Điều quan trọng trong việc học tập là không được kiêu ngạo tự đại, không được cảm thấy thứ mình học, thứ mình xem đều nhiều hơn chồng mình, hiểu biết hơn chồng mình. Thế nên, trước tiên dạy bạn phải khiêm hạ, dạy bạn phải buông xuống sau đó bạn mới học. Học ở đây là học đạo lý của học vấn chân thật. Phía sau lại nói “bất vong quy gián, tẩm dữ túc dạ, duy thức ái quân”, ý câu này nói đối với chồng thì không được quên khuyên can nhắc nhở. Sự hiền đức của phụ nữ không phải là một mực nhắm mắt nghe theo mà khi chồng có hành vi không phù hợp thì mình phải biết khuyên can.

Trong chương “Sự Phu” của “Nữ Luận Ngữ” cũng nói về sự hiền đức của phụ nữ. Phụ nữ không hiền đức thì như thế nào? Chính là phụ nữ ngu si, ngây ngốc, lười biếng, ngang ngược. Một người phụ nữ ngu ngốc, lười biếng, ngang ngược thì không phải là người hiền. Thế nên trong chương “Sự Phu” khuyên phụ nữ thứ nhất là “đừng học theo những phụ nữ thiếu trí tuệ, sẽ rước lấy họa vào thân”. Khi chồng làm việc xấu ác thì cần phải chân thành khuyên can. Từ xưa đến nay những ví dụ về việc khuyên can chồng như thế này rất nhiều. Chúng ta trong xã hội hiện nay có biết khuyên can hay không? Then chốt ở chỗ là chính mình cũng không nhận ra. Khi chồng vừa mới chớm có hành vi bất thiện, bản thân chúng ta lại không nhận biết được. Vì sao vậy? Bởi vì bản thân mình cũng như thế nên bạn mới nhìn không ra. Điều không đúng lại cảm thấy rất tốt. Cho nên, chỉ có tu dưỡng đức hạnh, thiện căn của chính mình, sau khi phước báo của chính mình xuất hiện thì trí huệ sẽ hiện tiền, mới phát hiện được chồng mình làm như thế này hình như không đúng, kịp thời nói cho anh ấy biết, khuyên can anh ấy. Phụ nữ lười biếng và ngang ngược thì không cần phải giảng chi tiết, việc này mọi người đều biết rõ. Lười biếng là căn bệnh phổ biến hiện nay bởi vì một khi hưởng lạc thì sẽ dễ phóng dật, hễ phóng dật thì sẽ lười biếng. Đời sống vật chất nâng cao đến một trình độ nhất định thì rất nhiều dục vọng của con người bị phóng túng, dẫn khởi lên sự đọa lạc của con người. Thế nên, khi điều kiện cuộc sống càng tốt thì chúng ta càng cần kiểm điểm, xét lại bản thân xem đây có phải là khởi nguồn của sự xa hoa dẫn đến bại hoại hay không. Cuộc sống nhất định cần phải có kiểm soát, có tiết chế, không được phóng túng thái quá. Lúc đời sống chưa được tốt thì mình còn có thể làm được, nhưng rất nhiều người khi điều kiện cuộc sống tốt lên thì dễ xuất hiện ra vấn đề.

Bản thân tôi có sự thể hội rất sâu sắc. Điều kiện gia đình của chúng tôi rất tốt. Làm thế nào trong điều kiện như thế này có thể giữ được sự tiết kiệm trong sinh hoạt, có thể yêu cầu con cái tiết kiệm theo. Chứ không phải do gia đình có điều kiện thì không thành vấn đề, một khi nghĩ như vậy thì đã mở ra một tiền đề, về sau cứ thế mà phóng túng cho đến khi lụn bại, nhất định là sẽ như thế. Thế nên, người phụ nữ hiền minh là một sự việc then chốt. Chúng ta trong cuộc sống nhất định cần chú ý đến điểm này.

PHU BẤT NGỰ PHỤ, TẮC UY NGHI PHẾ KHUYẾT.

Người làm chồng nếu như không biết tiết chế vợ mình thì bản thân sẽ chẳng có uy nghi. Làm thế nào để chính mình có đức tướng uy nghi? Trong tâm của người nam nhất định phải có đức thì biểu hiện ra bên ngoài trong lúc xử sự nhất định sẽ trong vuông mà thấy tròn. Còn phụ nữ thì ngược lại, trong tròn mà thấy vuông. Hai mặt này vừa vặn khớp với nhau. Người nam rất chánh trực, nhìn sự việc tuy không được chuẩn chỉnh nhưng vẫn cảm thấy viên dung, không quá để ý đến những thứ vặt vãnh tiểu tiết, như vậy nên họ có uy nghi, có sự độ lượng. Người nam cũng cần học tập văn hóa truyền thống, cũng cần không ngừng học tập. Nếu như nam giới không học tập thì họ sẽ không hiểu. Nếu như người chồng trong gia đình mình không học thì chính mình hãy học rồi dần dần dẫn dắt anh ấy, nuôi dưỡng thành bầu không khí học tập trong gia đình, từ từ anh ấy sẽ chịu học.

PHỤ BẤT SỰ PHU, TẮC NGHĨA LÝ ĐỌA KHUYẾT, PHƯƠNG TƯ NHỊ GIẢ, KỲ DỤNG NHẤT DÃ.

Phụ nữ nếu như không biết làm thế nào phụng sự chồng thì đạo nghĩa và đạo lý làm người của cô ấy sẽ dần dần mất đi. Thế nên câu này có hàm nghĩa rất sâu sắc. Thường ngày bạn biết cách giao tiếp chung sống với chồng thì đối với rất nhiều sự việc ở bên ngoài bạn sẽ dễ dàng hiểu thấu. Ở đây, một chính là nhiều, nhiều chính là một, không có đối lập. Nếu bạn không biết cách giao tiếp chung sống với chồng thì bạn cũng không biết cách giao tiếp với người khác. Nếu bạn biết cách giao tiếp chung sống với chồng thì bạn sẽ có thể thấu hiểu được rất nhiều đạo lý nhân sinh từ đây. Thế nên trong chốn khuê môn xác thật là có đại học vấn. Ví dụ như, sự nghiệp của chồng vô cùng khó khăn, rối rắm thì bản thân mình nhất định phải biết quán xuyến tất cả sự việc trong nhà. Nếu như bản thân chồng mình không có năng lực thành tựu sự nghiệp, là một người bình phàm, là một anh chồng bình thường trong các gia đình phổ thông hiện nay thì chúng ta cũng cần giữ tâm bình lặng, điềm nhiên mà trải qua cuộc sống của một người bình thường cũng là việc rất tốt. Đại phú đại quý vốn rất ít, không có được mấy người, nên nghèo thì an phận nghèo, giàu thì an phận giàu. Chúng ta sống cuộc đời của một người dân bình thường. Cả hai người chung sống với nhau chỉ cần cảm thấy thoải mái thì tốt rồi.

Trong quá trình học tập Nữ Đức, có một số thầy cô đến hỏi tôi có cần phải thay đổi một số phương thức sinh hoạt để hoàn toàn dựa trên Nữ Đức mà làm hay không? Tôi nói, chúng ta học tập Nữ Đức:

Thứ nhất không được chấp trước vào công phu bề mặt của văn tự, chấp trước vào tướng văn tự, bắt chước một cách máy móc cứng nhắc.

Thứ hai, không được chấp trước vào tướng danh từ. Bạn rất là chấp trước vào một từ ngẫu nhiên nào đó, rồi đào sâu vào nó một cách chấp trước thì sẽ có vấn đề, cần phải vào được và ra cũng được.

Thứ ba, không được chấp trước vào tướng ngôn thuyết. Không phải tôi nói việc đó thế nào thì nhất định phải làm thế đó, mà phải thông hiểu đạo lý, còn về mặt sự thì dùng phương tiện thiện xảo mà xử lý.

Có một lần tôi giảng bài ở bên ngoài, có một phụ nữ chung sống rất tốt với chồng của cô ấy. Khi nghe bài giảng của tôi, cô ấy nói rằng: “Gia đình tôi trước giờ chồng tôi là người nấu cơm. Bây giờ có cần thay đổi ngược lại hay không?” Tôi nói: “Không sao cả! Chỉ cần hai anh chị chung sống hòa thuận là được rồi!”. Nếu như anh ấy cam tâm tình nguyện, chị cũng cam tâm tình nguyện trải qua đời sống của người dân thông thường, có thể là không có sự nghiệp gì, nhưng cũng không bận rộn. Anh ấy đồng ý về nhà giúp chị [vì] chị có thể cũng tương đối vất vả chăm sóc con cái, chăm sóc cha mẹ chồng nên công việc có thể khá bận bịu thì việc này không có gì là không được cả. Nếu như anh ấy ở bên ngoài có sự nghiệp rất lớn, rất bận, về nhà lại còn làm cơm cho chị thì việc này không được rồi. Tôi nói với chị ấy: “Chỉ cần chung sống hài hòa là được”. Có một số người sau khi nghe tôi giảng thì về nhà phê bình chồng của mình, nói rằng chồng của cô ấy không tốt bằng chồng tôi. Sau đó, chồng của cô ấy rất ấm ức. Từng có một giám đốc gọi điện thoại cho tôi một cách đau khổ, anh nói: “Tôi để cho vợ tôi nghe chị giảng bài. Kết quả cô ấy chẳng thay đổi gì cả, ngược lại còn trách tôi không bằng chồng của chị”. Việc này như vậy là không được.

Kỳ thật, con người nào phải Thánh Hiền, ai mà không có lỗi. Quan trọng là chúng ta cần nhìn nhiều vào ưu điểm của người khác, khen ngợi sở trường của người khác. Khi nghe bất kỳ người nào giảng về Nữ Đức, trước tiên cần phản tỉnh những chỗ mà mình làm chưa được tốt, chứ đừng đem lời người giảng nói ra mà đối chiếu với những người xung quanh. Đây chính là sai lầm lớn. “Làm người đừng sợ mình mắc lỗi, chỉ sợ không nhìn ra lỗi của mình”. Cho nên, kỳ thật có lỗi cũng không sao, quan trọng là mình không nhìn ra, nhưng khi có người khác chỉ ra cho mình thì mình lại phủ nhận hoàn toàn. Như vậy thì phiền phức rồi. “Phương tư nhị giả, kỳ dụng nhất dã” nghĩa là hai phương diện này kỳ thật chỉ là một sự việc. Chữ “dụng” chỉ cho tác dụng. Tác dụng gì? Khi người nam và người nữ kết hợp lại thành một gia đình thì có tác dụng gì? Trên phương diện nhỏ là tiếp nối hương hỏa của gia tộc, trên phương diện lớn là làm cho nhân loại được tiếp nối về sau. Đây là tác dụng quan trọng nhất. Làm thế nào mới có thể thực sự làm được việc truyền thừa đời đời cho con cháu? Phần then chốt không phải là nuôi dưỡng ra một sinh mạng mà có thể biểu diễn ra được sự hiền đức của người nam và người nữ trong cuộc sống gia đình. Một người có lỗi thì người kia giúp đỡ sửa chữa để nâng cao và ngược lại. Chúng tôi kết hôn với nhau được 20 năm. Cả hai đều có sự nâng cao. Sinh ra thế hệ sau thì phải có thể “con hơn cha là nhà có phúc”, con gái giỏi hơn mẹ, con trai giỏi hơn cha. Đây là tác dụng lớn nhất. Thông qua sự kết hợp giữa hai người, đứa con được sinh ra cùng với cha mẹ là một thể, là sản phẩm cùng một thể với cha và mẹ. Tác dụng này từ đứa trẻ có thể phát sinh ra sức ảnh hưởng rất lớn, và được gìn giữ bởi từng thế hệ kế tiếp. Sự việc này là một thể không thể tách rời. Nếu như người chồng là một người thật sự tốt thì người vợ không thể không tốt. Người vợ nếu thực sự tốt thì người chồng cũng tốt. Thế nên, đôi bên cũng đừng trách người nào cả, khi kết hợp lại cả hai có thể làm được việc quy về nhất thể.

PHẬT TỬ THẤY TỐT, CÓ ÍCH CHO NGƯỜI CHO MÌNH XIN CHIA SẺ BÀI VIẾT
NAM MÔ QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT
Ngưỡng nguyện Đức Bồ-tát Quán Thế Âm gia hộ cho kẻ mù Được thấy, kẻ Điếc Được nghe, người Đau khổ Được an vui.
--------------------------------------
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Nam Mô A Di Đà Phật
--------------------------------------

Subscribe

- Never miss a story with notifications

- Gain full access to our premium content

- Browse free from up to 5 devices at once

Bái viết mới nhất

spot_img