Trang chủ Nữ Đức Nữ Đức Vi Yếu – Chương Bốn: Phụ Hạnh (P4)

Nữ Đức Vi Yếu – Chương Bốn: Phụ Hạnh (P4)

0
Chương Bốn: Phụ Hạnh (P4)

Nữ Đức Vi Yếu – Chương Bốn: Phụ Hạnh (P4)

Nữ Đức Vi Yếu – Chương Bốn: Phụ Hạnh (P4): Chuyên tâm may vá, dệt vải, không nói đùa cười cợt với người khác, chuẩn bị rượu và thức ăn ngon, tiếp đãi khách chu đáo, đây chính là phụ công.

CHUYÊN TÂM PHƯỞNG TÍCH, BẤT HIẾU HÍ TIẾU, KHIẾT TỀ TỬU THỰC, DĨ CÚNG TÂN KHÁCH, THỊ VỊ PHỤ CÔNG HỸ – CHƯƠNG PHỤ HẠNH

(Tạm dịch: Chuyên tâm may vá, dệt vải, không nói đùa cười cợt với người khác, chuẩn bị rượu và thức ăn ngon, tiếp đãi khách chu đáo, đây chính là phụ công)

Sau cùng, chúng ta cần học về phụ công. Dệt vải là công việc thường ngày của phụ nữ, cần chuyên tâm làm mà không mỏi, còn sự cười đùa cợt nhả thì phụ nữ không nên có. Phụ nữ cần giữ đoan chánh, an tĩnh. Khi khách đến thì phải chuẩn bị rượu và thức ăn đầy đủ để thết đãi. Vào thời xưa, nam giới làm nông ở bên ngoài, phụ nữ ở nhà dệt vải, may vá, sau đó làm cơm, thết đãi khách khứa. Như thế gọi là phụ công. Ý nghĩa rất đơn giản. Thế nhưng trên thực tế, ý nghĩa của nó rất sâu, khi thực hiện phụ công cần phải chuyên tâm, không được tam tâm nhị ý, không tạp, không loạn. Nhất tâm dệt vải cũng chính là nói phụ nữ đem tâm định lại trong công việc nhà. Nói một cách khác là định tâm trong sứ mạng của mình ở trong gia đình. “Dệt vải” phải chăng chỉ có nghĩa là dệt ra y phục để mặc cho ấm không? Nó là một danh từ thay thế, là danh từ để Ban Chiêu dùng để biểu pháp. Nó biểu thị pháp môn gì vậy? Biểu thị cho pháp môn về đức hạnh phụ nữ mà Ban Chiêu muốn tuyên truyền, phần quan trọng nhất của Nữ Đức đã được nói đến ngay ở phần mở đầu. Đó là cần phải hiểu bổn phận của chính mình. Bổn phận đó là gì? Đó là bạn có sứ mạng khác với sứ mạng của nam giới. Bạn ở nhà cần thực hành tốt đạo làm vợ và giáo dục con cái. Làm thế nào để dạy tốt con cái? Bắt đầu từ việc làm tốt “phụ công”. Nếu như bạn chẳng làm một việc gì, một người phụ nữ lười biếng sao có thể dạy ra con cái tốt được chứ? Nếu như có thể nhất tâm thì người đó có thể thông. “Bất hiếu hí tiếu” nghĩa là phụ nữ cần phải liêm khiết, trinh khiết, thanh tịnh, không đùa cợt, không sân nộ, không mắng chửi. Nếu như ưa thích đùa cợt thì nhất định không thể chuyên tâm được.

Nữ Đức Vi Yếu – Chương Bốn: Phụ Hạnh (P4)
Nữ Đức Vi Yếu – Chương Bốn: Phụ Hạnh (P4)

Sau cùng là nói về việc chuẩn bị rượu và thức ăn ngon để mời khách. “Khiết tề” ngoài nghĩa làm cơm canh thanh khiết, chỉnh tề ra còn chỉ cho tâm của chúng ta cần phải thanh khiết và chỉnh tề. Bất luận khách khứa và bạn bè của chồng đến nhiều hay ít người thì phụ nữ không để tâm tư vào việc đó. Nếu như nhìn thấy bạn bè của chồng đến chơi mà vui mừng phấn chấn, muốn trổ một chút tài nữ công của mình, muốn khoe tướng mạo ngoại hình của mình, trước mặt bạn của chồng nói vài câu thể hiện sự khoe khoang về tài năng thì người chồng nhìn thấy sẽ không vui, vì vợ mình nói chuyện với bạn bè của mình không ra làm sao cả, cử chỉ rất khinh suất tùy tiện, cho dù thức ăn làm có ngon đến đâu thì trong tâm của chồng cũng cảm thấy phiền muộn. Thế nên, hai chữ “khiết tề” này chỉ cho lúc làm cơm, nấu ăn cần phải giữ tâm một cách ngay ngắn, chỉnh tề, thanh khiết, chỉ tập trung vào việc làm cơm cho tốt để thết đãi khách là được, không nên có một tư tưởng bất chánh nào khác.

Trên phương diện “phụ công” như trong phần mở đầu tôi đã nói rằng “phụ công” của phụ nữ thời hiện nay không chỉ đơn thuần là ở nhà làm tốt các công việc nhà, vì hiện nay làm công việc nhà đã tương đối đơn giản hơn nhiều so với thời xưa. Hiện nay, giặt đồ đã có máy giặt, nấu cơm không cần chụm củi nhóm lửa mà dùng bếp gas nấu rất tiện lợi, chúng ta đã không còn phí sức làm việc nhà nữa. Thời nay, “phụ công” của phụ nữ được thể hiện trên cương vị công tác, làm thế nào có thể nhất tâm làm tốt công tác nghề nghiệp của mình. Ví dụ như bạn làm kế toán, một kế toán giỏi cần có đức hạnh tốt. Chẳng lẽ lãnh đạo làm sai bạn cũng làm sai theo ông ấy hay sao? Ông ta muốn trốn thuế, bạn lại giúp cho ông ta lập danh mục để trốn thuế, lậu thuế hay sao? Bạn có thể không làm việc này, nếu như bạn làm thì bạn và ông ấy là cùng một giuộc. Ví dụ bạn là luật sư, hiện nay rất nhiều luật sư khi không có vụ kiện thì kiếm vụ kiện để thụ lý, khi phụ trách công tác ghi tài liệu văn kiện, có lúc do không tự chủ mà làm ra những việc trái với luân thường đạo đức. Khi bạn đang làm một công việc gì thì phải xét xem nghề nghiệp mà mình đang theo đuổi đó nó như thế nào. Có một bác sĩ đã từng nghe qua bài giảng của tôi. Cô ấy làm việc tại bệnh viện phụ sản chuyên môn làm phẫu thuật phá thai, đã từng thực hiện vô số ca. Cô ấy hỏi tôi có nên làm hay không. Tôi lập tức nói không được làm. Cô ấy hỏi tại vì sao. Tôi kể với cô ấy về những tư liệu có liên quan mà tôi đã tra cứu chứng minh rằng sinh mạng của con người bắt đầu từ lúc thụ thai. Hiện nay, khoa học hiện đại dùng sóng siêu âm để quan sát bên trong tử cung của người mẹ đã ủng hộ cho quan điểm này. Tiến sĩ Bemard Nathanson cho biết sự phát triển của khoa học hiện đại đã khiến cho ông thay đổi quan điểm ủng hộ việc phá thai của mình một trăm tám mươi độ. Ông từng được mệnh danh là “ông vua phá thai” bởi vì ở trên phương diện này ông rất nổi tiếng. Ông đã từng chủ trì hơn 60.000 ca phá thai. Tuy nhiên, hiện nay ông lại lớn tiếng kêu gọi phản đối việc phá thai, bởi vì những phát hiện của ngành Thai Nhi Học cận đại đã không thể không thừa nhận rằng thai nhi là một con người sống động. Vậy thì công việc mỗi ngày của bạn đang làm là gì vậy? Tốt nhất là đừng làm công việc này. Vị bác sĩ này nói với tôi rằng những người đến phá thai đều là những cô gái vị thành niên 17-18 tuổi, thậm chí 14-15 tuổi. Có người đi cùng với bạn học. Có người đi một mình. Có em không chỉ phá thai một lần mà đến mấy lần. Vì vậy, nếu như việc giáo dục đạo đức cho phụ nữ có thể được triển khai trên toàn quốc, thậm chí là trên toàn thế giới thì ý thức bảo vệ chính mình của phụ nữ trước tiên sẽ được nâng cao. Các cô gái sẽ không tùy tiện làm những việc như thế. Đó chẳng khác nào việc chà đạp bản thân mình.

“Phụ công” còn thể hiện ở việc biết cách lái xe. Ngày nọ khi tôi đang lái xe đã nghĩ rằng việc này có thể cũng là “phụ công”. Khi chính mình lái xe, tôi đã có thể hội rằng nếu như chúng ta lái xe một cách ngạo mạn thì sẽ lạng lách lấn đường, lái xe với tốc độ nhanh. Lái xe không giỏi thì trong tâm sẽ so sánh mình với người không có xe. Đó cũng là sự ngạo mạn khi không tuân thủ quy tắc giao thông. Có một lần tài xế của tôi đã phải dừng xe lại đợi vì phía trước có kẹt xe (tắc đường). Chiếc xe bên cạnh tôi là do một phụ nữ lái. Cô ấy ra sức nhấn còi, sau đó đã vô cùng bất mãn hạ cửa kính của xe xuống bắt đầu chửi mắng. Tài xế lái xe của tôi là một thanh niên. Lúc đầu, anh còn nhẫn nhịn, sau đó thực quá tức giận nên anh cũng muốn cãi nhau với cô ấy. Nhưng tôi đã bảo anh ấy rằng: “Cậu không cần cãi với cô ấy. Chúng ta biết là cô ấy chưa từng học qua Nữ Đức nên mới la mắng như thế. Cậu không cần để ý đến cô ấy làm gì. Chúng ta đi thôi”. Hiện nay còn có rất nhiều công việc thuộc về “phụ công” khác nữa, nhưng trọng điểm là ở chỗ chuyên tâm, không cười đùa, la mắng, làm việc sạch sẽ, ngay ngắn, chỉnh tề.

Ý nghĩa chân thật của “phụ công” mà Ban Chiêu muốn dạy cho chúng ta là gì? Đó là chân thật làm ra được công đức, làm ra được công lao. Thời xưa định nghĩa chữ “công” như thế nào? “Dĩ lao định quốc dã”, nghĩa là công việc lao tác của bạn có thể an định được một quốc gia. Bạn nghĩ xem bạn có thể làm được hay không? Nếu như không thể làm được thì đã mất đi ý nghĩa rồi.

Trong phần “phụ công”, chúng ta thường nhắc đến hai chữ là “cần”“kiệm”. Hai chữ này xuyên suốt phần “phụ công”. Trong chương Ti nhược có nói về việc “chấp cần”, không những tay chân cần mẫn mà mắt cũng phải chuyên cần, phải linh hoạt. Nếu như mắt không linh hoạt thì bạn không thể nào “cần” nổi, cảm thấy mọi thứ đều ổn rồi, không cần đi làm. Chỉ cần cái miệng không cần mẫn là được rồi, còn tay và mắt thì phải cần mẫn linh hoạt.

Bàn về chữ “kiệm”, tôi xin trích một câu trong sách Thái Căn Đàm để chia sẻ với mọi người. “Cần kiệm là mỹ đức, tuy nhiên nếu như thái quá sẽ trở thành nhỏ mọn, bủn xỉn”. Có câu “vi phú bất nhân”, có tiền mà không nỡ dùng, ngược lại tính toán từng chút một, như vậy tuyệt đối sẽ làm hại đến chánh đạo làm người. “Khiêm nhượng cũng là một hành vi đẹp, nhưng nếu thái quá sẽ thể hiện ra sự nịnh bợ. Có ý lấy lòng người khác thể hiện ra ở việc quá cẩn thận với những điều nhỏ nhặt. Khiêm cung giả tạo thì trong lòng đang có ý mưu mô”. Bàn về cần kiệm, chúng ta cần phải hiểu rằng kiệm là đối với bản thân, không phải đối với người khác. Bản thân cần tiết kiệm đối với tất cả vật dụng. Đối với người khác thì phải khuyên bảo, dùng thân giáo mà cảm hóa. Đối với bạn bè thì rộng rãi, nhưng rộng rãi phải có nguyên tắc, không phải mình có tiền thì nói đưa là đưa, nếu như làm việc không nguyên tắc thì không những làm hại chính mình mà còn hại luôn bạn mình. Người đó có thể dùng tiền của bạn đi làm những việc không nên làm. Tôi từng nghe một ông chủ công ty kể cho tôi về một người nhân viên của ông ấy. Người nhân viên ấy thiếu tiền của các nhân viên khác lên đến mấy ngàn tệ. Sau khi ông chủ biết được đã nghĩ đến gia cảnh của anh ta quá khó khăn nên rộng lượng mang mấy ngàn tệ thay anh ta trả nợ. Anh ta cũng cảm động khóc lóc. Ông chủ này không hề hỏi kỹ là anh ta dùng số tiền đó làm những gì. Sau này anh ta cảm thấy tiền của ông chủ thật dễ lấy nên lại đến than khóc với ông chủ rằng chưa có tiền để trả một số thẻ ngân hàng. Ông chủ nhất thời xúc động suýt chút nữa lại thay anh ta thanh toán tiền thẻ, nhưng anh quản lý tài vụ đã ngăn chặn việc này và bảo với ông chủ cần phải hỏi rõ anh ta bị vấn đề gì. Kết quả, ông chủ phát hiện ra nhân viên này trên thực tế phẩm chất đạo đức có vấn đề, đã gây ra rất nhiều việc, sau cùng thì từ chức, gây ra sự việc tổn hại nghiêm trọng đến đức hạnh và lợi ích của tông ty.

Vì vậy, tiền có thể đưa ra giúp đỡ nhưng làm thế nào có thể mang lại lợi ích thật sự cho đối phương thì chúng ta cần phải hiểu rõ. Không được chứng tỏ bản thân mình rất tiết kiệm nên không cho tiền, cũng đừng vì chứng tỏ mình rất rộng rãi mà tùy tiện vung tiền ra. Tóm lại, nếu như xuất phát từ mục đích vì bản thân thì là ác, chỉ có thực sự vì người mà suy nghĩ thì đó là thiện. Cho dù người khác không hiểu cho còn nói rằng: “Con người này sao lại rắc rối thế, xin hắn một ít tiền thật là khó” thì bạn vẫn phải làm như thế vì muốn tốt cho anh ta. Thế nên, làm việc tốt thật không dễ, thường sẽ bị người khác hiểu lầm hoặc đả kích. Tuy nhiên, nếu như chúng ta giữ tâm vô tư bình thản, tôi nghĩ trời đất vốn có chánh đạo, vốn có chánh khí. Đừng nên quá câu nệ lời nói của người khác! Họ muốn nói sao cứ để họ nói. Bản thân nên làm như thế nào thì cứ y theo lời dạy của Tổ tiên, lời dạy của Thánh Hiền mà làm là được rồi.

THỬ TỨ GIẢ, NỮ NHÂN CHI ĐẠI TIẾT, NHI BẤT KHẢ PHIẾM VÔ GIẢ DÃ. NHIÊN VI CHI THẬM DỊ, DUY TẠI TỒN TÂM NHĨ. CỔ NHÂN HỮU NGÔN: NHÂN VIỄN HỒ TAI? NGÃ DỤC NHÂN, NHI NHÂN TƯ CHÍ HĨ. THỬ CHI VỊ DÃ

(Tạm dịch: Phụ đức, phụ ngôn, phụ dung, phụ công là bốn đức hạnh quan trọng của phụ nữ. Một điều cũng không thể thiếu. Làm được bốn điều này không hề khó, chỉ cần chân thật dụng tâm là có thể làm được. Người xưa nói: “Đức nhân có xa ta không? Chỉ cần khởi tâm muốn làm điều nhân thì sẽ có nhân thôi”. Đạo lý chính là như thế)

Kỳ thực, bốn thứ: đức, ngôn, dung, công là thường đạo của phụ nữ, không thể thiếu một cái, thế nhưng làm không khó, chỉ cần có tâm muốn làm hay không mà thôi. Nếu như không có tâm thì chúng ta sẽ không làm được. Khổng Phu Tử có nói: “Đức nhân có xa ta không? Chỉ cần khởi tâm muốn làm điều nhân thì sẽ có nhân thôi”. Vậy còn lo gì “tứ đức” không vẹn toàn chứ? Câu nói này là lời kết của chương “Phụ Hạnh”. Tôi cảm thấy rất quan trọng. Nó chỉ ra làm thế nào để thực hành tứ đức, là do ở cái tâm, từ trong tâm mà cầu, không phải cầu ở bên ngoài. Rất nhiều bạn học văn hóa truyền thống cầu trên mặt sự mà không biết cầu đức nhân ở ngay trong tâm của chính mình. Ví dụ như họ cần kiệm đến nỗi khiến người khác cảm thấy muốn xa rời văn hóa truyền thống. Tôi nhớ có một lần một người bạn nói với tôi rằng: “Anh ấy kéo tôi đi nghe bài giảng về văn hóa truyền thống, bắt tôi phải ngồi tàu hỏa bằng ghế cứng, không cho chọn toa giường nằm, ăn hộp cơm chỉ có 5 đồng. Quả thực khó mà chịu nổi!”. Chúng ta tin rằng người bạn học văn hóa truyền thống đó phát ra cái tâm ban đầu rất tốt. Tuy nhiên, chúng ta không nên ép người khác phải làm giống như mình. Chính mình làm là tốt rồi. Người khác đồng ý làm theo thì rất tốt, không làm theo cũng được. Bên cạnh đó, tôi cảm thấy có khi chúng ta cũng cần tùy thuận đại chúng một chút, nhất là khi bạn vẫn chưa được mọi người công nhận. Ví dụ như có một lần tôi giảng văn hóa truyền thống cho các khách hàng cao cấp của một ngân hàng tư nhân. Ba trăm vị khách đó đều có tài khoản trị giá trên 5 triệu tệ trong ngân hàng. Nếu như tôi mặc trang phục đơn giản chỉ trị giá mười mấy tệ thôi thì họ nhìn thấy sẽ cảm thấy quá xuề xòa. Vì thế, tôi đã mặc bộ y phục khác, đơn giản, thanh khiết mà sang trọng, không đánh mất lễ nghi chính là sự tôn trọng đối với họ. Chủ tịch của họ rất hoan hỷ đã xin tôi rất nhiều sách, từ chủ tịch tập đoàn cho đến giám đốc ngân hàng đều xin một số sách để đọc. Họ nói văn hóa truyền thống rất tốt, cần phải học.

Thế nên, đối với một số lễ tiết trong xã hội hiện đại này, chúng ta không được làm trái ngược. Đừng để học văn hóa truyền thống rồi chúng ta lại sống tách biệt theo kiểu của riêng mình. Như vậy sẽ làm tổn thương đến những người xung quanh. Họ sẽ nhìn bạn với ánh mắt quái dị, cảm thấy bạn dường như chẳng giống ai. Chúng ta đừng để mọi người có cảm giác kỳ quặc đối với chúng ta, cần phải tùy thuận hoàn cảnh. Mọi người như thế thì chúng ta cũng như thế, tuy chúng ta ăn mặc giống như họ nhưng cách nói chuyện và chủ tâm của chúng ta không như họ. Chúng ta hãy dùng tấm lòng và cách nói chuyện của mình mà cảm hóa họ. Chỉ cần họ từ từ bị cảm hóa thì ăn mặc như thế nào cũng không quan trọng, dần dần sẽ thay đổi cách ăn mặc, ăn cái gì cũng không quan trọng, từ từ sẽ thay đổi, tâm thay đổi được thì sẽ rất tốt, nên từ đây mà sửa đổi.

Vì vậy, tấm lòng nhân này không hề khó cầu, chỉ cần nghĩ đến mình và nghĩ đến người, từ mình suy ra người, luôn luôn phản tỉnh bản thân thì tấm lòng nhân ái sẽ đến với chúng ta thôi. Vì sao đến vậy? Vì nó là thứ mà tự tánh vốn sẵn có, không phải từ bên ngoài đến. Nếu như hướng ngoại mà cầu thì sẽ rất phiền phức, nếu như cầu xin ai đó cho chúng ta chút lòng nhân thì sẽ rất khó. Nó là cái mà bản thân chúng ta vốn có. Cho nên, Nhân – Nghĩa – Lễ – Trí – Tín là báu vật sẵn có trong tự tánh của chúng ta mà chúng ta chưa khai thác. Nếu hiện giờ được khai thác thì nó là món đồ của chính mình. Sao có thể là thứ xa vời được chứ?

“Tứ đức” của phụ nữ cũng là như thế. “Tứ đức” của phụ nữ không phải là thứ ở bên ngoài, mà là thứ vốn sẵn có trong tự tánh. Chúng ta đang học tập thứ mà chính mình vốn có, giống như một thứ đã ngủ quên trong tâm của chúng ta từ rất lâu. Chúng ta bây giờ cần dùng một cây búa nhỏ để gõ cho nó tỉnh lại, từ trạng thái ngủ mê đến khi tỉnh lại gọi là hốt nhiên tỉnh ngộ, hóa ra chính mình vốn là như thế. Như thế mới giống giáng vẻ của một phụ nữ chân chính. Phụ nữ hóa ra nên nói chuyện như thế, xử sự như thế, trang điểm như thế, tất cả đều được khôi phục trở về trạng thái tự nhiên. Thật là dễ chịu! Nếu như bạn làm trái với tự nhiên, nhất định phải làm cho hai mắt to ra như gấu trúc, xăm môi đỏ như máu, mặc y phục giống như không mặc thì đã hoàn toàn trái ngược với con người vốn có của bạn rồi.

Con người mặc quần áo ngoài mục đích che thân và chống lạnh ra, còn có công năng che đậy chỗ hổ thẹn, không để người khác nhìn thấy khởi tà niệm. Chúng ta cần có tâm hổ thẹn.

Nói chuyện cũng như vậy, người biết nói chuyện thì nói ra đều là lời nói thiện, nếu như nói ác ngôn ác ngữ thì chính là tiếng nói của cầm thú, không được nói những lời như vậy.

Làm việc cũng như thế, phải làm việc của con người, phụ nữ thì nhất định làm việc của phụ nữ. Sứ mạng của phụ nữ chúng ta rất quan trọng. Sứ mạng đó là vì tương lai của gia tộc, vì tương lai của dân tộc mà dụng tâm bồi dưỡng ra thế hệ tiếp theo, bồi dưỡng ra một thế hệ có đức hạnh, có năng lực và có trách nhiệm. Chứ đừng làm hỏng cả một thế hệ! Vì vậy, “tứ đức” của phụ nữ là lễ tiết lớn. Vì sao vậy? Vì có bốn điều này thì chúng ta mới có thể thành tựu sứ mạng, mới có năng lực dạy dỗ con cái, thành tựu sự nghiệp của chồng, truyền thừa gia nghiệp, nếu không thì không thể bồi dưỡng tốt thế hệ tiếp theo được. Tục ngữ nói: “Giàu không quá ba đời”. Vì sao vậy? Là vì không có người mẹ tốt dạy ra thế hệ tốt tiếp theo.

Chương Bốn: Phụ Hạnh (P4)

“Tứ đức” rất quan trọng, thế nhưng xã hội hiện nay giải thích “tứ đức” khiến cho nhiều người cảm thấy rất khó khăn hoặc không hiểu được, hoàn toàn tương phản với khi chúng tôi giảng về “tứ đức” đã khiến rất nhiều người hoan nghênh đón nhận. Có một lần trong một luận đàn, tôi đã giảng về hai điều trong “tứ đức” của phụ nữ vì phần mở đầu đã mất một khoảng thời gian để giảng về tầm quan trọng của Nữ Đức. Kết quả rất nhiều vị lãnh đạo đã nói sao không cho tôi hai giờ đồng hồ để giảng do họ chưa nghe đủ vì còn thiếu hai điều sau của “tứ đức”. Thế nên, chỉ cần là thứ phù hợp với tự tánh của chính mình thì mọi người sẽ vui vẻ lắng nghe. Vị lãnh đạo đó là một vị đã về hưu. Lúc trò chuyện riêng với tôi, ông nói rằng vì sao mọi người nghe giảng đến đề tài này thì ngay cả việc đi vệ sinh cũng không chịu rời khỏi để đi vậy. Bởi vì nó phù hợp với tự tánh, là bản tánh của con người. Chỉ cần là bản tánh của con người thì mỗi một người đều có, mỗi một người đều muốn như vậy, mỗi một người nghe xong đều cảm thấy hoan hỷ. Làm được rồi thì sẽ rất vui. Vậy thì sao chúng ta không chịu làm đi?

Thế nên, sau khi nghe xong đĩa giảng này, tất cả các thầy cô giáo đặc biệt là nữ giới đều muốn chính mình bắt đầu đi làm, biểu diễn “tứ đức” ra cho mọi người. Cái “lễ” trong sách Nữ Giới chính là nằm bên trong “tứ đức” này. Đây là một chương rất quan trọng. Điều tốt nhất là chân thật làm được điều trong chương này đã nói. Nếu như bạn cho rằng khó thực hành chương “Ti Nhược”, vậy bạn hãy thực hành “tứ đức” là được. Nếu như nam giới nghe được bài này thì hãy dẫn dắt vợ mình, bạn gái mình, những phụ nữ chung quanh mình, thậm chí là mẹ của mình học tập. Nam giới có nghĩa vụ dẫn dắt họ. Nam giới rất quan trọng, kỳ thực quan niệm thẩm mỹ của họ quyết định phương hướng giá trị của phụ nữ. Nếu như họ là chánh thì phụ nữ nhất định sẽ chánh. Đương nhiên, ngược lại mà nói nếu như phụ nữ chúng ta là chánh thì cũng có thể dẫn dắt nam giới về nẻo chánh. Đây là sự tác động qua lại lẫn nhau.

Phần “tứ đức” chúng ta hôm nay học tập đến đây. Sau này có thời gian chúng ta cần cố gắng tiếp tục học tập và thảo luận lại nhiều lần.

Cám ơn mọi người!

Exit mobile version