Nữ Đức Vi Yếu – Chương Bốn: Phụ Hạnh (P3)
Nữ Đức Vi Yếu – Chương Bốn: Phụ Hạnh (P3): Chữ “thời” có nghĩa là thời cơ. Thời cơ là gì? Nghĩa là khi chúng ta nói chuyện nhất định cần phải xét đến bối cảnh. Chúng ta thường nói rằng: “Khen ngợi phải công khai, phê bình cần kín đáo”.
THỜI NHIÊN HẬU NGÔN, BẤT YẾM Ư NHÂN – CHƯƠNG PHỤ HẠNH
Chữ “thời” có nghĩa là thời cơ. Thời cơ là gì? Nghĩa là khi chúng ta nói chuyện nhất định cần phải xét đến bối cảnh. Chúng ta thường nói rằng: “Khen ngợi phải công khai, phê bình cần kín đáo”. Tuy nhiên, nếu như trong một công ty mà các thành viên không chung sống hòa thuận với nhau, nếu bạn công khai khen ngợi một người nào đó thì có thể sẽ khiến anh ấy càng bị tập thể cô lập, càng tạo nên sự bất hòa trong đoàn thể. Vậy thà rằng đừng khen ngợi công khai còn tốt hơn. Nhưng khi phê bình thì nhất định phải kín đáo, chỉ một người nói chuyện với một người thôi. Đối với người lớn tuổi cũng như vậy, khi người lớn tuổi nổi giận hoặc không vui thì lời nói của bạn liệu có thể giúp họ điều giải được hay không, nếu như không điều giải được thì đừng nói. Khi họ đang tức giận thì chớ thêm dầu vào lửa.
Còn trên gấm có cần thêu thêm hoa nữa hay không? Khi bản thân tôi học tập Kinh điển thì thấy không cần như vậy, nếu như người này nhận được quá nhiều lời tán thán mà bạn còn tặng thêm lời khen cho anh ấy thì đức năng và phước báo của anh ấy sẽ không giữ được, ngược lại còn đẩy anh ấy đi về hướng ngược lại, sẽ xuất hiện một số hiện tượng khiến người khác thất vọng. Tôi có khi cảm thấy dường như những người bên cạnh đang hùa theo phụ họa, mọi người tán thán thì mình cũng tán thán, nếu như mình không tán thán thì bị hiểu lầm là đố kỵ. Tôi không cho là như vậy.Khi tôi cảm thấy người đó không trụ nổi với vô số lời khen thì tôi không thể hùa theo họ. Mọi người khen người này tốt. Tôi không nói anh ấy không tốt, nhưng tôi sẽ không nói gì cả. Nếu như họ khăng khăng muốn tôi có nhận xét đối với anh ấy thì tôi có thể nói rằng trên một phương diện nào đó anh ấy đáng để tôi học tập, còn những phương diện khác thì tôi một lời cũng chẳng nói ra.
Làm người thực sự cần phải có trí huệ, khi đi hỏi người khác cũng cần có trí huệ. Ví dụ có một trường hợp, có một ông chủ công ty, khi chúng tôi cùng ăn cơm với nhau, trên bàn ăn còn có những người khác. Ông ấy đã hỏi tôi nên làm thế nào để dẫn dắt nhân viên trong công ty học tập văn hóa truyền thống: “Nếu như tôi dẫn nhân viên ra ngoài tham gia luận đàn học tập văn hóa truyền thống, như thế có tốt không?”. Tôi đã trực tiếp trả lời với ông ấy là: “Không tốt”. Ông ấy hỏi tôi: “Tại vì sao?”. Tôi nói: “Việc này tôi đã trải qua rồi, bắt đầu từ năm ngoái tôi dẫn nhân viên của mình tham gia đủ loại luận đàn, thậm chí họ còn dắt vợ và mẹ theo. Tất cả chi phí đều do tôi lo, vẫn trả lương đầy đủ. Kết quả thế nào? Kết quả chỉ là sự thể hiện của cái tâm tự tư tự lợi của tôi, chính là thể hiện ra tôi rất nhân từ, hình như đối xử với nhân viên rất tốt. Họ có thay đổi hay không? Không hề thay đổi, mà đa số còn từ chức bỏ đi. Vì sao lại như thế? Sau cùng tôi đã “phản cầu chư kỷ” (xét lại chính mình) rằng nhân viên hiện nay không cần đi ra ngoài học, mà bản thân tôi ở nhà cần nội tu trước. Tôi học hiểu một điều thì dạy họ một điều. Thế giới phù hoa bên ngoài rất loạn. Mười người thầy thì sẽ có mười kiểu giảng khác nhau. Tôi là người vừa mới học tập. Nhân viên còn học sau tôi. Họ ở bên ngoài nghe không hiểu, nhìn không hiểu về hỏi tôi. Kỳ thực tôi cũng không hiểu rõ. Hơn nữa, sau khi ra ngoài, họ tiếp xúc với nhiều người như thế thì tâm sẽ tán loạn. Bạn xem từ xưa đến nay cổ đại đức dạy học nhất định là đóng cửa tự tu, trước tiên không phải dẫn học trò đi du sơn ngoạn thủy. Trước tiên phải làm cho tâm của họ định lại đã. Giám đốc có thể ra ngoài tham học vì định lực của giám đốc dù sao cũng cao hơn nhân viên một chút, sau đó để các nhân viên ở nhà tu định trước tiên, chọn ra một hoặc hai bộ sách để họ học tập nhiều lần, nghe đi nghe lại, thể ngộ nhiều lần trong công việc. Không cần đem tiền đi tiêu một cách vô ích như thế, không cần thiết”. Sau khi nghe tôi nói xong, ông ấy lại hỏi một nhân viên kế bên, cũng là một nhân viên quản lý cấp cao ở một công ty khác, anh ấy đã nói với ông rằng: “Ông nên dẫn nhân viên đi ra ngoài học tập, có thể thông qua học tập mà nâng cao chính mình”. Lúc đó, ông giám đốc ấy bắt đầu cảm thấy rất bối rối, rốt cuộc có nên dẫn nhân viên ra ngoài học hay không. Ông ấy đã hỏi tôi. Lúc đó, tôi không nói gì cả. Bởi vì địa vị của ông chủ và nhân viên vốn dĩ không như nhau. Bạn hỏi ông chủ thì sẽ có đáp án này. Bạn hỏi nhân viên thì nhất định có một đáp án khác. Như vậy, bạn phải biết cần nên hỏi ai. Đây cũng thuộc về nói chuyện cần phải quán thời cơ.
Không chỉ bao gồm việc phải quán sát thời cơ mà còn phải biết quán sát đối tượng. Trước mặt mẹ chồng bạn đừng nên kể tội chồng của mình, vì không có ích gì cả, hoàn toàn là kể tội vô ích, phát ngôn vô ích, hoàn toàn không có tác dụng. Bạn có thời gian mà lại làm những việc vô ích chi bằng hãy làm những việc có ích đi, đừng lãng phí thời gian của chính mình. Bạn không cần đi kể tội bất kỳ người nào cả. Nếu như bạn đi kể lể với bạn bè của mình về ông xã, nhưng bạn bè của bạn không thể giải quyết được. Nếu bạn đi kể lể với cha mẹ ruột của mình về anh ấy thì cha mẹ bạn tuy có lo lắng bực bội nhưng liệu họ có khuyên bạn ly hôn anh ấy hay không? Không bao giờ. Nếu như bạn đi kể lể với cha mẹ chồng về chồng của mình thì họ cũng không thể đi chỉ trích con trai của họ được. Cho nên, tôi cảm thấy phương thức tốt nhất đó chính là bản thân tự nội hóa để giải quyết vấn đề, sau này cũng không cần đi kể lể về ai nữa.
“Thời nhiên hậu ngôn” chúng ta cần phải biết với mỗi một lời nói thì từ việc lựa chọn lời cho đến việc quán sát thời cơ nhằm để chúng ta định lại. Trong quá trình định đó có thể sinh ra trí huệ chân thật. Sau cùng sẽ đạt được hiệu quả là khiến người không chán ghét. Từ xưa đến nay đều hết sức xem trọng “phụ ngôn”, trong tất cả các giáo học của chư vị cổ đức, giáo học về Nữ Đức đặc biệt nhấn mạnh đến “phụ ngôn”. Trong Kinh Thi phần “Đại Nhã” có câu nói rằng: “Bạch khuê chi điếm, thượng khả ma dã. Tư ngôn chi điếm, bất khả vi dã”. Câu này có nghĩa là gì? “Bạch khuê” chỉ cho bạch ngọc, dùng bạch ngọc làm con dấu, nếu như ở phía trên có chút tì vết thì có thể mài nhẵn đi một chút là được. Tuy nhiên, nếu như lời nói có vết nhơ, như nói lời ác, lời không nên nói ra thì bạn có thể nuốt vào được hay không? Không thể được, không có cơ hội để hối hận. Có một đoạn câu như thế này, tôi xin chia sẻ với mọi người phần tôi đã sao chép lại:
“Bớt nói những lời oán trách, hãy nói nhiều lời khoan dung. Oán trách mang lại hận thù, khoan dung mới là trí huệ.
Bớt nói những lời mỉa mai, hãy nói nhiều lời tôn trọng. Mỉa mai thể hiện sự xem thường, tôn trọng tăng thêm lòng thấu hiểu.
Bớt nói những lời tổn thương, hãy nói nhiều lời quan tâm. Tổn thương tạo nên đối lập, quan tâm thắt chặt tình thân.
Bớt nói những lời ra lệnh, hãy cùng bàn bạc thêm với nhau. Mệnh lệnh chỉ có thể tiếp thu, còn bàn bạc mới chính là lãnh đạo.
Bớt nói những lời phê bình, hãy nói nhiều lời cổ vũ. Phê bình tạo ra ngăn cách, cổ vũ khơi mở tiềm năng”.
Tôi rất thích năm câu nói trên, dán nó lên trên bàn đọc sách, khi không có việc gì thì có thể đọc lại nó. Bạn có đang nói những lời oán trách, mỉa mai, tổn thương, ra lệnh và phê bình hay không? Nếu như có nói thì hãy mau chóng chuyển đổi trở lại, hãy đem chúng chuyển thành những lời tốt đẹp. Giống như cánh cửa sổ vậy, bên trong cửa sổ là màn đêm u ám, tối tăm. Nếu mở cửa sổ ra thì sẽ nhìn thấy rực rỡ sáng chói, chỉ là cách nhau một bức tường, một khi thay đổi thì sẽ có thể chuyển đổi trở lại. Chúng ta cũng thường xuyên phản tỉnh chính mình. Như vậy mới tốt.
Tiếp theo, tôi xin chia sẻ với mọi người một chút về ngôn từ trong lời văn của phụ nữ thời nay trên các trang mạng và podcast nhất định cần chú ý là đừng viết những điều không tốt, không phải là lời nói thiện lương hoặc lời nói khiến tâm người đọc trở nên xấu ác thì đừng viết ra. Nếu như bạn viết ra một cuốn sách lưu truyền hậu thế có rất nhiều người đọc mà nội dung đi ngược lại với luân lý đạo đức, bạn có cần gánh trách nhiệm này hay không, có gánh lấy hậu quả hay không? Chúng ta thấy tác giả Thi Nại Am của tiểu thuyết “Thủy Hử Truyện”, trong tác phẩm của ông có một số cảnh liên quan đến sắc tình, là những thứ không tốt, nên con cháu 3 đời của ông đều bị câm. Còn tác giả Tiếu Tiếu Sinh của “Kim Bình Mai” thì con cháu năm đời bị tuyệt tự. Tác giả của cuốn sách “Nhân tình của quý cô Chatterley” là D.H.Lawrence, cuốn sách này có thể rất nhiều người đã xem qua, ông ấy viết xong hơn một năm thì qua đời ở tuổi 44. Bao gồm cả tác giả của truyện tranh “Shin-cậu bé bút chì” đã qua đời ở tuổi 51. Cuốn truyện tranh “Shin-cậu bé bút chì” chưa viết xong thì ông ấy đã chết do ngã từ trên vách núi xuống đất. Vì sao vậy? Bởi vì viết ra những câu chuyện tà ám như vậy sẽ dẫn dắt lòng người đi về hướng trái nghịch với luân thường đại đạo. Bạn phải gánh lấy nhân quả, giống như bạn xúi giục người khác giết người thì việc này sao có thể không liên quan với bạn được chứ? Có quan hệ rất lớn. Đặc biệt là những nữ tác giả có tài văn chương hãy nên suy nghĩ, hãy dùng ngòi bút của mình mà viết về những văn chương của Thánh Hiền, khuyên người hướng thiện, chớ nên xem thường mà phê bình người xưa. Khi tôi lên mạng thâu thập những tư liệu về Ban Chiêu, tôi cũng nhìn thấy rất nhiều bài viết phê bình Ban Chiêu. Tôi cảm thấy rất đau lòng vì họ chưa đọc kỹ tác phẩm của bà, vẫn chưa nghiên cứu ý nghĩa sâu bên trong, không hiểu được ý nghĩa thực sự của nó mà đã tự ý phê bình, khiến cho huệ căn, huệ mạng của nhiều người bị đoạn mất. Những người khác xem thấy lời bình như vậy sẽ không đọc tác phẩm này nữa, có thể sẽ vĩnh viễn không thể nào có được sự giáo hóa về đức hạnh phụ nữ. Đây là một sự việc rất nghiêm trọng.
Thế nên, không có tài đôi khi cũng là một điều hay. Tài năng kém thì chí ít cũng sẽ không gây ra những lỗi lầm lớn. Ngược lại, đối với những người rất có tài hoa thì đó lại là một việc nguy hiểm. Nếu như phụ nữ có đức mà vô tài thì vẫn còn được, vẫn là một món hàng an toàn. Nếu vô đức vô tài thì là món hàng kém chất lượng, nhưng cũng không gây ra ảnh hưởng xấu lớn, còn như vô đức mà có tài thì tuyệt đối sẽ là món hàng nguy hiểm. Đó là một gói thuốc nổ. Trong công ty của tôi, nếu như tôi phát hiện người này không có đức thì sẽ không bao giờ trọng dụng, bất kể người đó có tài năng đến đâu, cho dù anh ấy có đem tiền về cho công ty nhưng tôi cũng xem như không. Bởi vì liệu số tiền ấy sẽ mang lại hậu quả không tốt hay không, khách hàng có than phiền hay không, có mối họa ngầm nào bên trong hay không tôi cũng không biết rõ. Cho nên, tôi thà rằng dùng người có đức vô tài, đây là tiêu chuẩn thấp nhất, rồi giúp cho người có đức vô tài nâng cao lên thành có đức có tài, bồi dưỡng cho họ, nâng cao tư chất của họ, tăng trưởng phước báo cho họ, sau này họ sẽ có đức lẫn tài. Rất nhiều người đến cửa hàng chúng tôi đều cảm thấy kinh ngạc khi các nhân viên nữ đều rất bình thường, rất phổ thông, không có cô nào mồm mép, lanh lợi cả mà đều là những cô gái ăn nói rất bình thường, mộc mạc nhưng tâm địa thiện lương.
QUÁN HOÁN TRẦN UẾ, PHỤC SỨC TIÊN KHIẾT, MỘC DỤC DĨ THỜI, THÂN BẤT CẤU NHỤC, THỊ VỊ PHỤ DUNG
(Tạm dịch: Y phục dù cũ hay mới cũng phải giặt cho sạch sẽ, tắm gội đúng lúc, giữ thân thể thanh khiết sạch sẽ, phục sức tươi tắn chỉnh tề, đây chính là phụ dung)
“Quán hoán” có nghĩa là giặt, ý chỉ thường xuyên giặt giũ quần áo sạch sẽ, đừng để dơ bẩn. “Phục sức tiên khiết” có nghĩa là mặc y phục thanh khiết, sạch sẽ. “Mộc dục dĩ thời, thân bất cấu nhục” nghĩa là thường xuyên tắm gội, thân thể đừng để cáu bẩn, đó là phụ dung. Trên thực tế mỗi một câu mà Ban Chiêu viết đều có hàm nghĩa rất sâu. Chẳng nhẽ chỉ có nghĩa là phải mặc quần áo sạch sẽ và giữ gìn thân thể sạch sẽ thôi sao? Kỳ thực không chỉ là như vậy mà thông qua hành vi như thế để luôn luôn nhắc nhở bản thân về mặt đức hạnh, về mặt tâm hạnh của chúng ta xem coi có bị cấu uế hay không? Nếu như cũng bị ô nhiễm, cũng bị vấy bẩn thì như thế không gọi là phụ dung. Trong “Chu Dịch” có câu nói rằng: “Mạn tàng hối đạo, trị dung hối dâm”. “Hối” có nghĩa là dẫn dắt, dẫn dụ, có nghĩa là nếu như bạn thu thập, cất giữ những châu báu đẹp đẽ tức là đang dụ kẻ trộm vào nhà của bạn ăn trộm. Người thời nay không những cất giữ châu báu trong nhà mà còn phô bày ra ngoài, đi xe siêu sang, mặc quần áo hàng hiệu. Như thế chẳng khác nào dẫn dụ người khác đến cướp! Như vậy chẳng khác nào dạy người đi cướp bóc hay sao! “Trị dung hối dâm” nghĩa là phụ nữ ăn mặc rất hở hang khêu gợi, chẳng khác nào nói rằng: “Tôi là cô gái không đàng hoàng. Anh hãy đến đùa bỡn với tôi, tà dâm với tôi”, tức đang dạy cho người khác những sự việc như thế, chỉ chiêu cảm những hành vi phi lễ đến với mình. Thế nên, lời nói, hành vi của phụ nữ lúc bình thời rất quan trọng. Nếu như bạn có chánh tâm, chánh nghĩa, ăn mặc, trang điểm nghiêm chỉnh, đoan trang thì bất kỳ người nào cũng không dám thất lễ với bạn, sẽ không có những hành vi phi lễ. Nếu như chúng ta hời hợt không chú ý đến hành vi và lời nói của chính mình nhưng lại không biết rằng chúng là một loại ám thị đối với người khác, có thể trong tâm của bạn không nghĩ như thế, nhưng người khác lại nghĩ đến điều phi lễ. Chúng ta cần thường xuyên phản tỉnh xem những hành vi cử chỉ của chúng ta có khiến cho người khác khởi lên những suy nghĩ như vậy không, có dựa trên những lời dạy của cổ Thánh, tiên Hiền hay không?
Trên phương diện y phục và trang điểm, chúng ta cần chú ý nên làm thế nào thì mới có thể gọi là “tắm rửa sạch sẽ, phục sức tươi tắn”? Về mặt ngôn từ thì chúng ta cảm thấy phụ nữ thời nay đều có thể làm được. Có ai mà cả ngày không tắm đâu? Có ai ăn mặc lôi thôi, lếch thếch đâu? Không có phụ nữ như vậy mà các cô gái đều trang điểm rất tươi tắn, sáng sủa, tóc mỗi ngày đều chải chuốt, tắm rửa mỗi ngày mấy lần. Nhưng điều then chốt đó là y phục có phù hợp với bản thân hay không? “Đệ Tử Quy” đã dạy cho chúng ta về điều này, trước tiên phải ăn mặc đoan trang, không được hở hang, khêu gợi, đặc biệt là vào mùa hè. Đầu năm nay khi bắt đầu học tập Nữ Đức, có một ký giả đến phỏng vấn tôi và doanh nghiệp của tôi. Sau đó, tôi đã gợi ý với cô ấy nên tuyên truyền về văn hóa truyền thống. Cô ấy nói: “Thứ này lỗi thời rồi. Tôi không cần viết bài về đề tài này”. Sau đó tôi nói rằng: “Cô hãy ngồi xuống, để tôi rót cho cô tách trà và trò chuyện cùng cô. Tôi không nói gì khác ngoài bốn chữ”. Cô nói: “Cái đó càng cổ lỗ sĩ hơn. Ai còn học “Tam tòng tứ đức” nữa chứ!”. Tôi nói: “Tôi xin nói với cô về đề tài phụ dung”. Bởi vì lúc đó không có nhiều thời gian, sau khi tôi nói xong cô ấy có hơi kinh ngạc rồi nói: “Chị nói những điều này có vẻ như là điều cần thiết trong thời buổi hiện nay, không phải là thứ lỗi thời”. Tôi nói: “Quả đúng như vậy”. Cô ấy kể cho tôi nghe về lời nói của một cảnh sát trưởng là: “Vào mùa đông thì những vụ án cưỡng dâm rất ít, nhưng khi mùa hè đến thì các vụ án đột nhiên tăng vọt, đặc biệt là vào tháng 8 và 9 khi các cô gái ăn mặc thiếu kín đáo thì các vụ án tăng lên rất nhanh. Các cô gái cần chú ý đến việc ăn mặc trang điểm, nếu không thì sẽ rước họa vào thân”.
Thế nên, chúng ta hãy nghĩ xem nếu như tất cả phụ nữ đều học về “phụ đức”, biết cách ăn mặc phù hợp thì các vụ án hình sự sẽ không nhiều như thế, cha mẹ cũng không phải lo lắng nhiều về con cái. Việc ăn mặc của con gái từ nhỏ phải được mẹ dạy dỗ. Việc này phải xem xem người làm mẹ ăn mặc như thế nào. Nếu như người mẹ cũng ăn mặc hở hang, khêu gợi thì cũng sẽ cho con ăn mặc như thế. Việc này là điều rất bình thường. Bạn thích như vậy thì cũng thích con cái của mình ăn mặc như vậy. Có một lần tôi xem thấy tin tức nói về một diễn viên điện ảnh nổi tiếng của HongKong dẫn theo con gái du lịch Châu Âu, trên mạng đăng rất nhiều tấm hình. Con gái của cô ấy là một phiên bản y hệt như cô ấy. Nó chỉ mới 5 tuổi mà mặc áo khoác da báo, tay mang một túi xách hàng hiệu nhỏ, đội một chiếc mũ lệch, tóc uốn, mang đôi ủng cao, ngón tay đều sơn đỏ, sau đó cầm chiếc điện thoại nhỏ đi dạo phố. Tuy nhiên, quan trọng nhất chính là gì? Lúc đó là thời gian đi học, nhưng cô ấy đã xin thầy giáo cho con của cô nghỉ học để đi du lịch Châu Âu. Thầy giáo không đồng ý nhưng đó là trường học quý tộc nên dường như cũng không có cách nào không cho nghỉ. Chúng ta nghĩ xem đứa bé gái đó lớn lên sẽ như thế nào? Đương nhiên trường hợp của bé là một trường hợp cực đoan. Chúng ta hãy xem những gia đình phổ thông khác xem có giống như vậy hay không? Ngoài ra, chúng ta thấy những phụ nữ bán những y phục khêu gợi giống như những người bán sách báo và băng đĩa đồi trụy vậy. Liệu con cái của họ có ăn mặc giống như vậy không? Người nhà của họ có ăn mặc giống như thế không? Nếu như người nhà bạn không mặc những quần áo như thế này thì bạn cũng đừng bán chúng, hãy bán những y phục truyền thống, y phục đoan trang hoặc trang phục công sở cho phụ nữ.
Có một nữ doanh nhân của một chủ tiệm nhỏ nói với tôi rằng khách đến mua đều là những cô tiểu thư, chi tiền rất thoáng nên kiếm được rất nhiều tiền. Tôi nói rằng bên này chị kiếm được. Còn bên kia thì sao? Có thể sẽ để lại di hại vô cùng. Bao gồm những người bán những băng đĩa đồi trụy, liệu con cháu đời sau của họ có xem hay không? Nếu như chúng xem thì hại người đời sau cũng là hại chính mình. Điều thứ hai, chúng ta mặc y phục nhất định không được xa xỉ lãng phí, phải phù hợp với thân phận và điều kiện kinh tế của chính mình. Thậm chí, khi điều kiện của gia đình rất tốt có thể mua những quần áo hàng hiệu nhưng vẫn có thể giảm bớt nhu cầu và tiêu chuẩn của chính mình mà không mua chúng. Tiết kiệm những phước báo này dành cho con cháu đời sau của mình, để dành phước cho lúc tuổi già, khi còn trẻ chớ phung phí phước, chớ mê muội truy cầu hưởng thụ. Nếu như không có điều kiện để mua thì càng tốt, bởi vì tâm ái mộ hư vinh sẽ hại cả đời của chính mình, chỉ vì đống quần áo hàng hiệu đắt tiền hay chỉ vì một cái túi xách mà không tiếc sự hy sinh, thậm chí còn bán luôn cả chính mình. Thực tế cái được sẽ không bù nổi cái mất, được hạt mè mà mất cả quả dưa. Các bạn gái nên hiểu rõ điều này.
Việc ăn mặc không phù hợp còn bao gồm cả việc phục sức giống như nam giới. Tôi xin nêu ra một ví dụ trong sách “Liệt Nữ Truyện”. Hạ Kiệt là vị vua cuối cùng của nhà Hạ. Ông có một phi tử là nàng Muội Hỷ, nhan sắc rất xinh đẹp nhưng thiếu đức hạnh. Việc phụ nữ phục sức với trang phục của nam giới, đeo kiếm, đội mũ cao của nam giới, nhìn rất oai phong là bắt đầu từ nàng ta. Hạ Kiệt cũng không màng đến việc tu dưỡng lễ nghĩa, vô cùng hiếu sắc tham dâm, tìm kiếm mỹ nữ để đưa vào hậu cung. Ông còn tuyển vào cung những tên hề và những kẻ biểu diễn mua vui cho ở cạnh bên, chế tác và biểu diễn loại âm nhạc dâm dật, ngày đêm không ngừng. Ông cho cung nữ uống rượu, nghe theo lời của nàng Muội Hỷ nên mê loạn u tối, không giữ gìn quy củ, phóng túng xa xỉ, dâm dật vô độ. Ông còn xây một cái ao chứa rượu rộng đến nỗi có thể đi lại bằng thuyền. Một tiếng trống vang lên thì có 3000 người khom người như con trâu đi đến thủ phục xuống uống rượu. Họ bị bức đẩy xuống ao uống rượu, uống say rồi thì chết chìm luôn trong ao. Muội Hỷ xem thấy cảnh đó rất thích thú. Có một vị đại thần rất chính nghĩa tên Long Bàng đã khuyên can rằng: “Làm vua mà vô đạo thì sẽ mất nước”, nhưng vua không nghe, nên sau đó đất nước này đã bị diệt vong. Hạ Kiệt đã nói rằng: “Mặt trời có thể mất được sao? Nếu như mặt trời mất thì ta mới mất”. Vua không những không nghe lời khuyên mà còn cho rằng đây là lời yêu ngôn hoặc chúng nên đã giết chết Long Bàng. Tiếp theo, ông ta đã cho xây đền đài, cung điện bằng ngọc, vét sạch tiền tài của đất nước. Kết quả vua Thang khởi nghĩa. Lúc đó Thang là một chư hầu, khi đánh nhau với quân của Hạ Kiệt thì quân lính của Hạ Kiệt đều quy giáo đầu hàng vua Thang, sau cùng giúp Thang bắt Hạ Kiệt và Muội Hỷ lưu đày, đưa đến bờ biển, sau cùng thì chết ở trên núi Nam Sào.
Cho nên, những phụ nữ có nhan sắc nhưng vô đức thì nhất định sẽ hại người, hại gia đình, hại đất nước. Đây là một ví dụ cực đoan trong lịch sử đáng để chúng ta phản tỉnh. Chúng ta đọc lịch sử như chính mình soi gương. Vì vậy phụ nữ không nên phục sức như nam giới. Hiện nay, chúng ta nhìn thấy một số ngôi sao ca nhạc nữ nhưng thích mặc đồ như nam giới, rất nhiều fan nữ cũng theo đó mà sùng bái. Việc này có sức ảnh hưởng đến rất nhiều người. Vì sao rất nhiều ca sĩ, diễn viên đoản mạng, thậm chí qua 40 tuổi thì bắt đầu đi xuống, vận mạng đen đủi? Bởi vì họ có sức ảnh hưởng đến rất nhiều người, nhưng không dẫn dắt mọi người đi trên chánh đạo, nên vận mạng của họ nhất định sẽ suy.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần lưu ý không được sửa sắc đẹp, bởi vì thân thể của chúng ta “thân thể tóc da nhận từ cha mẹ, không dám để tổn thương”. Đây là câu nói trong “Hiếu Kinh”. Vì sao thời xưa người ta giữ gìn thân thể rất tốt? Đó là vì sợ cha mẹ nhìn thấy sẽ đau lòng. Hiện nay thậm chí có cha mẹ không hiểu biết còn chủ động đưa tiền cho con gái đi sửa sắc đẹp. Nếu làm như thế thì thân và tâm đều bị tổn hại rất lớn, thời gian lâu sau thì thân thể có thể sẽ không được bình thường. Thân thể mà Trời ban cho này là tốt nhất rồi, nếu có tiền tài thì hãy đi làm từ thiện, nếu có thời gian và tinh lực thì hãy tích lũy đức hạnh cho chính mình. Sắc đẹp rồi cũng sẽ có ngày nhạt phai, cho dù sửa sắc đẹp có tuyệt đến đâu thì qua 40 tuổi cũng sẽ già nua. Đó là quy luật của tự nhiên. Bất kỳ người nào cũng không thể chống lại quy luật tự nhiên, chi bằng chúng ta hãy thuận theo. Ông Trời cho sao thì hãy để như vậy, cho khuôn mặt tròn thì cứ để mặt tròn, cho mắt một mí thì cứ để mắt một mí, sống mũi có hơi thấp thì cứ để như vậy. Đừng đi nâng chỗ này, cắt chỗ kia! Như vậy là trái ngược với quy luật tự nhiên. Con người nếu như quá để ý đến nhan sắc ngoại hình của chính mình, đặc biệt là phụ nữ thì cô ấy nhất định chẳng để tâm vào việc học tập và nâng cao đức hạnh của mình. Quả thật là “tâm vô nhị dụng” (một tâm không thể dùng vào hai việc một lúc)!
Phụ nữ khi mang thai cũng phải chú ý đến sự đoan trang. Rất nhiều phụ nữ sau khi kết hôn thời gian lâu rồi ở nhà thì ăn mặc khá cẩu thả. Mặc quần áo ở nhà cũng cần phải chú ý giữ gìn sạch sẽ, tươm tất, chỉnh tề để chồng và con nhìn vào cảm thấy tinh thần phấn chấn. Sau khi mang thai cũng cần phải như thế, bởi vì bạn sạch sẽ thì đứa trẻ con bạn cũng sạch sẽ. Bản thân tôi có cảm nhận rất rõ ràng, đặc biệt là đối với đứa con thứ hai của mình. Khi mang thai, tôi rất chú ý giữ gìn sạch sẽ, lúc bình thường đã sạch sẽ, lúc mang thai còn sạch sẽ hơn. Đứa con trai thứ hai của tôi sau này cũng rất sạch sẽ. Nó chơi đồ chơi xong đều chủ động xếp ngăn nắp, bình thường cũng thích rửa đồ chơi của mình. Cái chén nhựa của nó đều do chính nó rửa. Quần áo nếu như bị dơ nó đều chủ động thay ra. Nó mới lên 3 tuổi nhưng hồi 2 tuổi cũng đã như vậy rồi. Đôi tất nhỏ của nó là do nó tự giặt, giặt rất sạch. Chúng ta sinh con ra bất luận là con trai hay con gái cũng đều nên siêng năng và sạch sẽ, khi chúng còn ở trong bụng mẹ là có thể bắt đầu giáo dục được rồi. Người phụ nữ trong lúc mang thai cần giữ cho mình đoan trang, thanh tịnh, sạch sẽ, tinh khiết. Đừng để một khi mang thai thì đầu tóc rối bù, quần áo thì bạ cái gì mặc cái đấy, không được để bộ dạng như vậy.
Tiếp theo, khi trong nhà xảy ra biến cố lớn, ví dụ như sự nghiệp của chồng đột nhiên gặp biến cố hoặc người thân xảy ra biến cố thì người làm vợ, bà chủ của gia đình nhất định cần giữ được điềm tĩnh, sắc mặt và dung mạo lúc đó phải an định không được rối loạn. Đừng để xảy ra bất kỳ việc gì tay chân đều cuống quýt lên, hấp tấp, nóng nảy vội vàng: “Không xong rồi! Làm sao bây giờ?”. Thực sự, khi gia đình xảy ra chuyện thì người chủ gia đình không phải là nam giới mà nhất định là phụ nữ, bởi vì tình yêu của người mẹ sâu dầy khôn sánh. Bạn sẽ khiến cho lòng của chồng lúc nào cũng vững dạ. Bất kỳ việc gì xảy ra bạn cũng đều có thể điềm tĩnh thì sẽ không có việc lớn xảy ra. Bất cứ lúc nào bạn cũng đều mang đến cho gia đình sức định tĩnh như vậy. Bạn cần có năng lực này. Tôi đã từng nói rằng phụ nữ giống như cây “định hải thần châm” (gậy thần trấn biển) trong gia đình, đừng để cây gậy thần này bị lấy đi, cho dù là biển động đến cấp độ nào thì gậy thần trấn biển này không được dao động. Anh ấy động là việc của anh ấy, còn bạn nên giải quyết thế nào thì giải quyết như thế đó. Việc lớn trong gia đình cũng không nhiều. Một năm thậm chí mấy năm mới xảy ra một lần. Nhưng bình thường chúng ta phải tu luyện định lực trong những việc nhỏ trong cuộc sống, khi việc lớn xảy ra thì chúng ta có thể làm được “lâm nguy bất loạn”.
“Mộc dục dĩ thời, thân bất cấu nhục” tức là không để cho bản thân bị bất kỳ nỗi nhục nào. Nỗi nhục này không phải do người khác mang đến cho mình, như bị người khác hủy báng, nhục mạ chúng ta, không phải vậy. Bất kỳ người nào cũng đều không thể gây ra cho bạn, chỉ có bản thân mới có thể mang nhục đến cho chính mình. Bạn đã nắm vững lời ăn tiếng nói, hành vi, cách ăn mặc trang điểm của chính mình, sau cùng là nắm vững nội tâm của chính mình thì “nước dơ” ở bên ngoài không thể bắn vào thân được, người khác hắt vào cũng không hắt được, chỉ có mình vấy bẩn chính mình mà thôi. Trong lúc học tập, chúng ta cần biết rõ sự việc nào có thể khiến chúng ta rước lấy nhục nhã, sự việc nào thì không. Chúng ta học tập lời dạy của cổ đức nhiều lần thì thấy rằng việc quan trọng hàng đầu của phụ nữ đó là trinh tiết. Đặc biệt hiện nay rất nhiều người không chú ý đến lời nói và hành vi trên phương diện này, xem đó là việc không sao cả. Cách đây 20 năm khi nói đến việc ngoại tình thì cảm thấy đỏ mặt, còn hiện nay thì nói chi đến việc ngoại tình mà việc có bao nhiêu mối tình mọi người đều không cảm thấy đó là việc hổ thẹn, ngược lại còn cảm thấy tự hào. Chúng ta gọi sự việc này là “tích phi thành thị”, có nghĩa là sự việc sai trái tích lũy quá nhiều rồi, mọi người đều cảm thấy việc này trở thành đúng. Chúng ta hiện nay cần loại bỏ cái sai, quay về nẻo chánh, đem sự việc sai trái này nói rõ với mọi người rằng làm như thế là không tốt, đem việc tốt nói với mọi người rằng hãy nên làm như vậy. Bởi vì trên thế gian này chỉ có đi trên con đường chánh đạo thì mới có được hạnh phúc thực sự. Những phụ nữ ngoại tình đều không hạnh phúc. Họ đã làm trái với thường đạo của thế gian thì làm sao hạnh phúc cho được. Thế nên mọi người cần phải hiểu rõ cái gì là thật, cái gì là giả, cái gì là vĩnh cửu, cái gì là tạm thời.
Còn một điểm nữa tôi xin nói với mọi người, cũng là nhắc nhở mọi người rằng phụ nữ không nên tích chứa nữ trang. Đây cũng là lời dạy của cổ Đại Đức. Hiện nay phụ nữ vì tích chứa trang sức vàng bạc, châu báu ngọc ngà mà không ngần ngại tiêu hao cạn kiệt gia tài. Việc này không hề có chút ích lợi gì cả. Nếu như có tiền tài như thế chi bằng hãy nên đem ra tích đức, hành thiện. Nếu đeo quá nhiều đồ trang sức sẽ dễ dàng khiến người khác khởi tư tưởng bất thiện. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chúng ta không mua bộ trang sức nào cả, có một hai bộ nữ trang là đủ rồi. Ví dụ như quà tặng hoặc tín vật mà chồng tặng cho bạn thì bạn hãy giữ lấy. Những thứ dư thừa không dùng đến thì đừng đi mua. Đây cũng là nội dung rất quan trọng trong việc “cách vật tu thân”, hãy từ đây mà bắt đầu tu, bắt đầu “cách vật”. Bởi vì phụ nữ nói chung đều thích nữ trang, nhưng trong sách “Đại Học” có câu: “Tâm còn có thứ yêu ghét tức đã không thuần chánh”.