Nữ Đức Vi Yếu – Chương Bảy: Hòa Thúc Muội (P1)
Contents
- 1 Nữ Đức Vi Yếu – Chương Bảy: Hòa Thúc Muội (P1)
- 1.1 CHƯƠNG BẢY: HÒA THÚC MUỘI
- 1.2 PHỤ NHÂN CHI ĐẮC Ý Ư PHU CHỦ, DO CỮU CÔ CHI ÁI KỶ DÃ. CỮU CÔ CHI ÁI KỶ, DO THÚC MUỘI CHI DỰ KỶ DÃ. DO THỬ NGÔN CHI, NGÃ CHI TÀNG PHỦ HỦY DỰ, NHẤT DO THÚC MUỘI. THÚC MUỘI CHI TÂM, BẤT KHẢ THẤT DÃ
- 1.3 NHÂN GIAI MẠC TRI, THÚC MUỘI CHI BẤT KHẢ THẤT, NHI BẤT NĂNG HÒA CHI DĨ CẦU THÂN, KỲ TẾ DĨ TAI
- 1.4 TỰ PHI THÁNH NHÂN, TIỂN NĂNG VÔ QUÁ. CỐ NHAN TỬ QUÝ Ư NĂNG CẢI, TRỌNG NI GIA KỲ BẤT NHỊ, NHI HUỐNG Ư PHỤ NHÂN GIẢ DÃ
- 1.5 TUY DĨ HIỀN NỮ CHI HẠNH, THÔNG TRIẾT CHI TÍNH, KỲ NĂNG BỊ HỒ?
Nữ Đức Vi Yếu – Chương Bảy: Hòa Thúc Muội (P1): Trong chương “Hòa Thúc Muội” này, Ban Chiêu đã tốn rất nhiều giấy mực giảng giải làm thế nào để thực hiện được chữ “hòa”. Chúng ta hãy xem phần “Tiên Chú” của Vương Tương. “Thúc muội là em trai và em gái của chồng, anh trai và chị gái của chồng đã thành gia lập thất. Các em trai và em gái nhỏ tuổi vẫn còn ở bên cha mẹ chồng, làm chị dâu nên làm thế nào chung sống hòa thuận với các em, khiến cho cha mẹ chồng vui lòng” .
CHƯƠNG BẢY: HÒA THÚC MUỘI
Các thầy cô giáo tôn kính! Xin chào mọi người.
Chúng ta cùng nhau học tập tiếp chương thứ bảy của sách “Nữ Giới” là “Hòa Thúc Muội”. Đây cũng là chương cuối cùng của sách. Trong chương cuối này, chúng ta có thể nhìn thấy được dụng ý của Ban Chiêu là “gia hòa thiên hạ hưng”. Những điều phần trước chúng ta đã học như kính thuận, phụ hạnh, chuyên tâm, hay khúc tòng thì chung quy lại là làm được chữ “hòa” trong gia đình. “Hòa” là tiêu điểm chính của toàn bộ Kinh văn. Trong chương “Hòa Thúc Muội” này, Ban Chiêu đã tốn rất nhiều giấy mực giảng giải làm thế nào để thực hiện được chữ “hòa”. Chúng ta hãy xem phần “Tiên Chú” của Vương Tương. “Thúc muội là em trai và em gái của chồng, anh trai và chị gái của chồng đã thành gia lập thất. Các em trai và em gái nhỏ tuổi vẫn còn ở bên cha mẹ chồng, làm chị dâu nên làm thế nào chung sống hòa thuận với các em, khiến cho cha mẹ chồng vui lòng” .Ở đây, chúng ta phải hiểu rằng Ban Chiêu không chỉ khuyên phụ nữ chúng ta chung sống hòa thuận với người thân trên dưới trong gia đình nhỏ của mình mà từ “gia hòa” có thể làm được “thiên hạ hưng”, từ gia đình an định mà làm được “thiên hạ bình”. Vậy thế nào gọi là “hòa”? Chúng ta hãy xem chữ “hòa” (和), bên phải có chữ “khẩu” (口), có nghĩa là muốn làm được “hòa” thì phải bắt đầu từ cái miệng, trong nhà không được bàn chuyện thị phi, hay dở của nhau. Có câu “tâm bình ắt khí hòa”, nếu miệng không nói nhều lời tranh chấp hơn thua thì tâm của chính mình sẽ dễ an định, tính tình sẽ dần nhu thuận. Bắt đầu từ tâm hòa, khẩu hòa rồi đến thân hòa. Khi làm được “tâm bình khí hòa” rồi thì mọi người trong gia đình sẽ dễ dàng chung sống hòa bình với nhau.
Trong xã hội hiện nay, gia đình có hòa được hay không then chốt ở chỗ có thể xem nhẹ được đồng tiền hay không. Mỗi một người có giá trị quan khác nhau, một khi không đạt được thống nhất về mặt kiến giải thì bước đầu tiên để “hòa” đã không có. Tuy nhiên, chúng ta không được yêu cầu người khác “hòa” với chúng ta, chỉ yêu cầu bản thân “hòa” với người khác. Tiến thêm bước nữa đó chính là yêu cầu tập tánh của mình “hòa” được với tự tánh của chính mình. Nếu như tập tánh của mình không tốt thì phải chỉnh sửa lại cho tương ưng với tự tánh. Tự tánh là thuần thiện thuần tịnh, tự tánh là nhân – nghĩa – lễ – trí – tín. Tự tánh là giữ tốt đạo làm dâu, đạo làm vợ, đạo làm mẹ, đạo làm con, còn đối phương có giữ được đạo làm mẹ chồng, đạo làm chồng hay không chúng ta không quan tâm, nhất là đối với bậc trưởng bối. Có một nhân viên đã nói với tôi rằng: “Người kia thu một ngàn tệ tiền hoa hồng. Tôi chỉ thu có năm trăm tệ, nếu không thu trong lòng rất khó chịu”. Tôi nói: “Chẳng lẽ người kia muốn nhảy lầu, bạn cũng muốn nhảy lầu theo sao? Anh ta nhảy từ tầng thứ mười xuống, chẳng lẽ bạn nói tôi nhảy từ tầng thứ tám xuống, kém anh ấy hai tầng, nếu không nhảy thì cảm thấy rất khó chịu sao?”. Sau đó, anh ấy nói với tôi: “Hai việc này không như nhau, đây là tiền mà”. Tôi nói: “Đồng tiền này cầm bỏng tay đấy. Đồng tiền này không những sẽ khiến bạn tổn phước, tổn đức hạnh mà tương lai lẽ ra bạn có thể kiểm được năm mươi ngàn tệ, nhưng bởi vì năm trăm tệ này mà không có được nữa. Từ xưa đến nay không phải đều có những việc như thế này hay sao? Tham chút tiện nghi sau cùng bị thiệt thòi lớn”. Bất luận cậu nhân viên đó có nghe hiểu lời tôi nói hay không không quan trọng nhưng tôi cảm thấy mình làm chủ thì cần phải làm trọn đạo “Quân – Thân – Sư”, không những quản lý cậu ấy mà còn phải làm thầy của cậu ấy. Có lẽ tư cách làm thầy của tôi còn chưa đủ nhưng tôi đã hết lòng với cậu ấy rồi, đã giải thích rõ cho cậu ấy, như vậy là được rồi. Ở trong gia đình cũng như thế, không nên so sánh hơn thua, đừng nên có suy nghĩ rằng “Các em trai, em gái của anh ấy còn trẻ khỏe mà không bỏ sức cũng không bỏ tiền ra. Vậy vì sao tôi phải làm việc đó cơ chứ?”. Nếu như bạn có cái tâm này thì tất cả thiện niệm, thiện hạnh của bạn đã bị hủy hoại mất rồi, không phải do người khác đoạn mất mà do chính mình hủy mất.
Đối với tiền bạc, chúng ta cần phải nhìn thấu. Đây chính là cửa ải thứ nhất mà chúng ta cần vượt qua khi học văn hóa truyền thống. Cửa ải này rất thực tế. Cho dù chúng ta có giảng thấu đại kinh, đại luận đến đâu nhưng khi đối mặt với hiện thực cuộc sống thì cái nào cũng dính đến tiền, trong phút chốc nhìn không thấu thì liền rơi vào đó. Vậy đây là cửa ải thứ nhất cần phải vượt qua. Cửa ải thứ hai là danh, thứ ba là sắc. Mỗi một cửa ải đều là sự khảo nghiệm trong thực tế cuộc sống, không phải là bàn việc quân trên giấy. Triệu Quát bởi vì bàn việc quân trên giấy mà bị chết. Mẹ của ông không muốn ông ra chiến trường đánh nhau, quốc vương không đồng ý. Mẹ của ông nói: “Nếu Ngài muốn nó đi cũng được, nhưng phải miễn tội cho tôi, sau này đừng truy cứu tôi”. Nhà vua nói: “Được! Không truy cứu!”. Kết quả Triệu Quát bại trận, thế nên không ai hiểu con bằng mẹ.
Chúng ta không được bàn việc quân trên giấy, học văn hóa truyền thống cần phải xông pha thực tế, vào hiện thực. Bên trái chữ “tiền” (錢) là bộ “kim” (金), bên phải là hai chữ “qua” (戈) nghĩa là cái mác, một loại vũ khí giết người. Thế nên, nếu vấn đề tiền bạc không thông thì không giết người cũng làm mình bị thương. Đối với tiền tài phải nhìn cho thấu. Người xưa xem tiền tài là thứ cần phải được lưu thông. Nếu bạn không lưu thông mà giữ chặt tiền, xem tiền còn nặng hơn tính mạng thì giống như vũng nước tù đọng cáu bẩn vậy. Người xưa có câu: “Tàng giả, đa tàng tất hậu vong” (Kẻ tích trữ nhiều về sau ắt mất mát lớn). Tiền mà bạn tích trữ nhất định sẽ có một ngày đội nón ra đi, có thể nó sẽ được dùng vào một trận bệnh nặng nào đó, chi bằng hãy đem số tiền đó ra cứu tế những người cùng khổ. Sao phải dùng nó để nộp cho bệnh viện làm gì? Trong cuộc sống hiện nay, rất ít người xem nhẹ tiền tài. Tôi đã gặp rất nhiều người có tiền, càng có nhiều tiền thì càng không buông xuống được. Nhưng có một số người khác trong quá trình buông xả tiền tài của họ lại sinh ra vấn đề. Có một vài người học văn hóa truyền thống muốn xem nhẹ tiền tài, bán hết nhà cửa rồi đem số tiền đó đi quyên tặng hết, nói rằng: “Tôi thứ gì cũng đều xả hết rồi!”. Sau đó họ đến hỏi tôi: “Cô Tịnh Du à! Cô cảm thấy tôi làm như thế có đúng không?”. Tôi cười và nói rằng: “Thật ra cái gọi là buông xả thực sự không phải là bán hết sạch đồ, trên người không có đồng nào thì có vẻ như không màng đến tiền bạc. Không phải như vậy. Bạn phải xả ở trong tâm. Đương nhiên trên mặt sự cũng phải làm, nhưng không phải làm một cách mù quáng, phải làm một cách có trí tuệ. Không phải đem tiền cho người khác muốn làm gì thì làm. Nếu như họ dùng tiền này để tạo ác nghiệp thì không tốt rồi. Vì vậy, khi chúng ta làm việc gì không được làm đến mức cực đoan, mà phải hợp thời, hợp nơi chốn, hợp hoàn cảnh mà làm.
Việc chung sống hài hòa với anh chị em chồng trong cuộc sống hiện thực đó chính là phải nhìn thấu vấn đề tiền tài, mặc dầu còn nhiều vấn đề khác cần phải nhìn thấu, nhưng đồng tiền luôn là thứ gây ra những tranh chấp trong gia đình. Thế nên, bản thân không nên tính toán, không so đo so sánh với người trong nhà, chỉ cần mình làm được là tốt rồi.
Chúng ta hãy xem phần Kinh văn cụ thể:
PHỤ NHÂN CHI ĐẮC Ý Ư PHU CHỦ, DO CỮU CÔ CHI ÁI KỶ DÃ. CỮU CÔ CHI ÁI KỶ, DO THÚC MUỘI CHI DỰ KỶ DÃ. DO THỬ NGÔN CHI, NGÃ CHI TÀNG PHỦ HỦY DỰ, NHẤT DO THÚC MUỘI. THÚC MUỘI CHI TÂM, BẤT KHẢ THẤT DÃ
(Tạm dịch: Phụ nữ có được tình yêu của chồng là do được cha mẹ chồng yêu thương. Cha mẹ chồng yêu thương là do được em trai, em gái của chồng yêu mến. Từ đó suy ra, sự vinh hay nhục của chính mình là do em trai, em gái của chồng mà nên, vì vậy không được để mất lòng em trai, em gái của chồng)
Phần “Tiên Chú” ghi rằng: “Người làm dâu không dám thất lễ đối với em trai, em gái của chồng, về sau sẽ khiến cha mẹ chồng hoan hỷ, được sự yêu thương của cha mẹ chồng, sau cùng sẽ khiến chồng hài lòng. Người làm vợ có phải là bậc hiền huệ hay không, bị hủy báng hay tán thán đều do em trai và em gái của chồng mà ra. Thế nên, không được để mất lòng họ, nếu không sẽ thất kính”. Từ đây chúng ta nhìn thấy chữ “giới” trong từ “Nữ Giới” của Ban Chiêu chính là lời dạy bảo, cũng là sự thể hội cả một đời của bà. Giống như róc vỏ măng tre từng lớp từng lớp một đến sau cùng nhìn thấy được thực chất. Lớp vỏ thứ nhất là việc kết hôn, nên đối xử với chồng như thế nào? Nếu chỉ là phu thê ân ái không thôi thì vẫn chưa gọi là rốt ráo, mà còn phải đối xử tốt với cha mẹ của chồng, phải biết làm thế nào hiếu kính, hiếu thuận cha mẹ chồng, không chỉ dừng lại ở đó mà đối với em trai và em gái của chồng cũng cần phải quan tâm. Trong xã hội hiện nay, có thể những người là con một không phải đối diện với trường hợp như vậy, nhưng bên nhà chồng vẫn còn có bà con bạn bè thân thích, không thể chỉ có một người. Đối với bà con thân thích và bạn bè tốt của chồng thì người làm vợ phải biết đừng chỉ xem bản thân là trọng. Đại ý của đoạn này là phụ nữ cần phải mở rộng tâm lượng, lòng nhân ái từng tầng từng lớp mà mở rộng ra, giống như gió thổi trên sóng nước vậy, từng đợt sóng nước lớp lớp mở rộng ra, càng mở càng rộng. Khi tâm đã rộng mở thì có thể dung nạp được nhiều việc hơn, nền tảng gia nghiệp sẽ được vững chắc.
NHÂN GIAI MẠC TRI, THÚC MUỘI CHI BẤT KHẢ THẤT, NHI BẤT NĂNG HÒA CHI DĨ CẦU THÂN, KỲ TẾ DĨ TAI
(Tạm dịch: Người thông thường không biết rằng không được để mất lòng em trai em gái của chồng, không chung sống hòa thuận với các em của chồng mà vẫn mong được lòng cha mẹ chồng. Đây là việc hồ đồ lắm vậy)
Người ta đều không biết chung sống hòa thuận với các em trai em gái của chồng nên mới đắc tội với cha mẹ chồng. Đây là một vấn đề lớn. Chữ “tế” có nghĩa là chướng ngại, che lấp. Che lấp gì vậy? Che lấp cái tâm thấu hiểu đạo lý của người làm vợ, chỉ là một đạo lý nhỏ thôi nhưng người làm vợ đã không nhìn thấu. Bạn đừng xem chồng chỉ là một cá nhân đơn lẻ. Bạn nên xem anh ấy là người đại diện cho cả một gia tộc, phía sau lưng anh ấy còn có thiên quân vạn mã theo sau. Nếu như bạn hồi đầu rõ lý thì đối với những người trong gia đình anh ấy cần phải mở lượng bao dung, nếu không thì rất nhiều vấn đề sẽ xuất hiện. Vậy tại vì sao không thể chung sống hòa thuận với các em của chồng? Câu Kinh văn phía sau sẽ giải thích rõ.
TỰ PHI THÁNH NHÂN, TIỂN NĂNG VÔ QUÁ. CỐ NHAN TỬ QUÝ Ư NĂNG CẢI, TRỌNG NI GIA KỲ BẤT NHỊ, NHI HUỐNG Ư PHỤ NHÂN GIẢ DÃ
(Tạm dịch: Người ta nào phải Thánh Hiền, khó mà không mắc lỗi phạm sai. Nhan Hồi hay ở chỗ biết lỗi liền sửa. Thế nên Khổng Tử khen ông là người không mắc lỗi hai lần. Nhan Hồi còn có lỗi thì người làm vợ sao tránh khỏi không có lỗi lầm?)
Câu này nói rằng con người không thể không mắc lỗi. Nhan Hồi là bậc đại Hiền, có lỗi lập tức liền sửa, nên Khổng Tử khen ông là “không phạm lỗi hai lần”. Huống gì là người làm vợ, vẫn có lỗi là không thể chung sống hòa thuận được với các em của chồng. Đó là do bạn không nhìn thấy lỗi của mình, không xét lại mình, mà trách móc các em trai em gái của chồng. Khi bạn có tâm trách móc thì sẽ rất khó hòa thuận thân ái được. Đây chính là điểm then chốt.
Tôi xin chia sẻ với mọi người một trường hợp trong sách “Ôn Thị Mẫu Huấn”, trong sách có nói rằng từ xưa đến nay khi cho mượn tiền bạc hay đồ vật thì thà cho người ngoài mượn chứ không muốn đưa cho người trong nhà, đặc biệt là những người bên nhà chồng. Nguyên nhân thứ nhất là do cảm thấy nếu cho người trong nhà mượn thì họ không biết cảm ân chúng ta, không biết đón nhận tình cảm, “dù sao anh có điều kiện thì anh nên cho tôi mượn”. Thứ hai, khi bạn cho họ mượn một lần thì họ sẽ mượn lần thứ hai và không biết dừng lại, sau cùng quyết định thà gia ân cho người ngoài chứ không cho người trong nhà vay mượn. Đây là một hiện tượng rất kỳ lạ. Hiện thực cuộc này nói rõ cho chúng ta điều gì? Con người chung sống với nhau, nếu khoảng cách giữa đôi bên là xa thì họ sẽ chung sống với nhau tốt đẹp. Người trong cùng một nhà thì không như vậy. Bạn mỗi ngày gặp mặt nhau, không thể tránh việc tiếp xúc với nhau được. Bạn phải nói chuyện với họ, chào hỏi nhau, cho dù bạn không muốn gặp họ nhưng cũng phải ngồi ăn chung một bàn. Vậy nên làm thế nào đây? Điều này đối với chúng ta là một sự rèn luyện. Trong “Tam Tự Kinh” có câu: “Ngọc bất trác bất thành khí” (Ngọc không được mài thì không thể trở thành vật có giá trị). Vậy ai sẽ là người “mài dũa” bạn đây? Đó chính là những cảnh duyên ở bên ngoài, bao gồm hoàn cảnh, con người, sự việc mài dũa bạn trở thành người có giá trị. Ba ngày trước bạn rõ ràng cãi nhau với họ, nếu như là bạn bè thì cả đời có thể sẽ không qua lại với nhau, nhưng đối với người thân của mình thì vẫn phải chung sống với họ và rồi trút giận sang người khác.
Ví dụ như có một lần người thân trong nhà của tôi cãi nhau với chồng của cô ấy, đúng vào lúc mừng lễ đại thọ tám mươi tuổi của mẹ chồng. Cô ấy cự tuyệt không tham gia lễ mừng thọ đó mà chuẩn bị đi du lịch cùng công ty. Lúc đó, chúng tôi cùng ăn cơm với nhau. Cô ấy rất tức giận kể cho tôi nghe việc đó. Tôi đã khuyên cô ấy rằng: “Lễ mừng thọ tám mươi tuổi của mẹ chồng chị là chuyện lớn. Em nghĩ chị hãy nên tham dự”. Phụ nữ chúng ta một khi nổi giận thì mất đi lý trí. Cô ấy đã nói với tôi rằng: “Chị không muốn đi. Anh rể của em đã làm cho chị đau lòng. Chị không đi đâu”. Tôi phải khuyên chị ấy mấy lượt mới được, tôi nói: “Hôm đó em cũng đi mà”. Tôi đi và cũng nhân dịp đó tặng cho bà cụ một bao đỏ. Chị ấy lại tức giận hơn, nói: “Em đến là được rồi, không cần tặng tiền làm gì”. Sau này, tôi phát hiện ra rằng những tình huống tương tự như vậy là do họ mất đi lý trí. Lúc đó, tôi nói với chị ấy: “Chị không nên bức xúc như vậy. Em làm thế thì bà cụ sẽ rất vui. Thật ra, chúng ta tận tâm hiếu kính là việc tốt, đừng vì sự tức giận với chồng mà trút hết lên người mẹ anh ấy. Cơn giận này của chị nếu cứ tiếp tục thì sẽ lan sang những người khác như anh chị em của anh ấy. Kết cục này sẽ không thu dọn nổi đâu”. Tôi lại khuyên tiếp rằng: “Nếu chị đang tức giận thì tốt nhất hãy đóng cửa lại, tìm một nơi để giải tỏa cơn giận, đợi sau khi tâm bình khí hòa thì dựa vào đạo lý đối nhân xử thế nên làm như thế nào thì hãy nên làm như thế đó, không nên cực đoan”.
Nếu như làm ra những việc trái với đạo lý thường tình thì nhất định sẽ bị chỉ trích, không chỉ người khác trách móc bạn mà ông Trời cũng sẽ trừng phạt bạn. Trời đại biểu cho quy luật tự nhiên. Bạn sẽ gặp phải nhiều việc không thuận lợi. Hà cớ gì lại chuốc lấy phiền phức như thế cho chính mình? Bản thân hãy suy nghĩ cho kỹ, nên quay đầu dựa theo lẽ thường tình mà xử sự, sửa lỗi thì mới tốt.
Câu này ở đây còn nói rằng chúng ta không phải là Thánh nhân: “Người ta nào phải Thánh hiền, ai mà không có lỗi”, quan trọng là bản thân không nhìn ra được lỗi của chính mình, đó là một vấn đề lớn. Làm thế nào để nhìn ra lỗi của chính mình? Chúng ta cần thường xuyên đọc sách Thánh Hiền, luôn luôn phản tỉnh bản thân. Bởi vì thông qua đọc sách Thánh Hiền, xem thấy những lời dạy của Thánh Hiền, dựa vào những đạo lý và ví dụ nêu trong sách mà đối chiếu với bản thân thì sẽ tìm ra chỗ thiếu sót của chính mình. Thế nên, con người không học thì sẽ không hiểu Đạo. Đạo chính là pháp tắc tự nhiên, quy luật tự nhiên của vạn vật trong vũ trụ. Nếu không học mà có thể hiểu Đạo, rõ lý thì không có người như thế, rất ít, cực kỳ ít.
Đặc biệt trong xã hội hiện nay có rất nhiều thứ khiến bạn không hiểu Đạo. Bạn cho rằng xem sách, đọc tạp chí thì sẽ hiểu Đạo. Bạn có biết rằng chúng là thứ rác rưởi hay không, xem những tạp chí “lá cải”, tạp chí thời trang đó không có ích lợi gì cả. Không đọc sách Thánh Hiền cũng giống như không hiểu Đạo, không được đi học. Thế nên, chúng ta nhờ vào học tập mà biết nghe lời người khác khuyên, có câu rằng: “Chịu nghe người khuyên thì ăn cơm no”. Bất kể là người nào đi chăng nữa khi phát hiện thấy bạn có lỗi đến khuyên nhủ bạn, điều này cho thấy bạn là người rất có phước báo. Chúng ta hiện nay có cảm thấy rằng người có phước càng ngày càng ít đi không? Nhìn xung quanh bốn phía có được mấy người đến khuyên bạn, nói bạn làm như thế không đúng. Họ chân thành khuyên nhủ và hy vọng bạn có thể sửa đổi, có được bao nhiêu người như vậy? Đa số đều là những người đến nịnh bợ bạn vài câu, hoặc quay mình bỏ đi, ai lo chuyện nhà nấy, không đến khuyên ngăn bạn. Chúng ta nếu như gặp phải hoàn cảnh như vậy thì trong tâm nên cảm thấy buồn. Điều này cho thấy phước báo của chính mình rất ít, xung quanh ta không có quý nhân, không có bạn tốt.
Trong “Liễu Phàm Tứ Huấn” có nói nên làm thế nào để sửa đổi. “Ở dương thế thì có bạn bè tốt đến nhắc nhở, ở cõi âm thì có quỷ thần chứng minh”. Cõi âm thì chúng ta không biết, còn ở dương thế thì chúng ta tìm không ra người bạn tốt nào như thế. Đây là một việc đau lòng. Vì vậy, muốn có bạn bè tốt thì bản thân cần có phước báo, phải biết hành thiện, biết khoan dung, bao dung người khác. Người khác vừa nói bạn không đúng một lần bạn đã nổi nóng, lập tức phản bác: “Thật ra tôi như thế này, thế nọ” thì lần sau sẽ không có người đến khuyên bạn nữa. Tôi nói với các nhân viên trong công ty nên làm việc như thế nào. Khi tôi vừa nói với một nhân viên nữ cô ấy nên làm như thế nào đó, tôi chỉ nói một việc mà cô ấy có đến một trăm lý do để phản kháng, chứng minh rằng cô ấy đúng. Sau đó, tôi đã chân thành mà nói với họ rằng: “Ngày nào mà tôi còn nói chuyện, khuyên bảo các bạn là các bạn còn có phước báo, năng lực làm việc của các bạn còn có cơ hội để phát triển. Nếu như tôi hoàn toàn không nói gì cả thì các bạn sẽ không thể nâng cao được bản thân, thế thì thôi vậy. Các bạn cứ sống kiểu “nước chảy bèo trôi” thì đi làm ở chỗ nào cũng như vậy, kiếm được tiền cũng không có gì tài giỏi. Các bạn vĩnh viễn vẫn ở tầng bậc này. Mười năm nữa các bạn hơn ba mươi tuổi cũng như vậy thôi, thêm mười năm nữa các bạn bốn mươi tuổi vẫn là y như vậy. Cả đời làm một người tầm thường, xoàng xĩnh”. Sau khi tôi nói chuyện với họ rất chân thành như vậy, họ không còn cãi lại nữa. Mỗi lần tôi nói với họ nên làm việc như thế nào họ đã nghiêm túc lắng nghe. Sau đó tôi nói với họ: “Nếu như các bạn có suy nghĩ gì thì có thể chia sẻ với tôi, khi trưởng bối đang nói chuyện thì nên khiêm tốn lắng nghe, không được nói xen vào. Cho dù trưởng bối nói xong rồi, họ nêu ra vấn đề của bạn một điều cũng không đúng, bạn cũng không cần phản kháng. Sau này hãy tìm cơ hội ngồi lại với nhau mà chia sẻ giãi bày: “Sự việc thật ra là như thế này”. Sự cung kính như vậy đối với trưởng bối cũng chính là sự thể hiện đức hạnh khiêm tốn của bản thân.
Chúng ta có thể không ngừng phản tỉnh chính mình, nhìn thấy sai lầm của bản thân thì nhất định phải sửa, không phải sửa trên mặt sự mà từ sự chân thật hiểu được lý để thay đổi tâm của chính mình. Người khác sửa đổi thế nào chúng ta không nhất định bắt chước một cách cứng nhắc như họ. Ví dụ như lúc giảng bài tôi đã chia sẻ với các bạn rằng tôi từng dắt con trai của mình đi cọ nhà vệ sinh, có một vị giám đốc rất hổ thẹn nói rằng: “Ái chà! Tôi không có dắt con mình đi cọ nhà vệ sinh”. Sau đó, tôi cũng cảm thấy hổ thẹn bởi vì thứ nhất tôi đã không suy nghĩ thấu đáo, thứ hai tôi không phải kêu gọi mọi người đi cọ nhà vệ sinh mà lúc đó tôi chỉ vắt óc suy nghĩ cách nào để trừ tập khí ngạo mạn của chính mình mà thôi. Khi nghĩ ra cách làm thô thiển này, tôi liền dắt con của tôi đi làm. Thế nhưng, tôi phát hiện ra rằng nếu như cứ tiếp tục làm thì có thể rất nhiều người sẽ cảm thấy làm như vậy có phải là rốt ráo hay không. Sau khi tôi cùng con trai đi làm mấy lần như vậy, con của tôi đã nói với tôi rằng: “Mẹ ơi! Chúng ta hiện giờ rất bận, có thể làm việc khác được hay không. Chúng ta hãy đi cọ tất cả nhà vệ sinh trong nhà mình đi”. Tất cả nhà vệ sinh trong nhà tôi đều do con trai tôi cọ. Tôi nói: “Tốt! Được con ạ!”. Thế nên, chúng ta không cần phải chấp trước như vậy, thấy người khác thay đổi như thế nào thì chúng ta cũng làm như thế đó, có khi lại thành ra câu chuyện “Đông Thi nhăn mặt”[1], người khác cười rất đẹp, còn chúng ta cười thì hình như không đẹp được như thế. Thế nên, từ sự mà chúng ta nhìn ra lý, chân thật sửa đổi tâm mình, không phải trên mặt sự phải thay đổi ra sao. Thay đổi trên mặt sự rất tốt nhưng quan trọng hơn là tâm niệm của mình phải thay đổi.
Thông qua sự phản tỉnh, Khổng Tử khen Nhan Hồi có thể làm được “không phạm lỗi hai lần”. Nhan Hồi là môn sinh đắc ý nhất của Khổng Tử. Khổng Tử khen ông cả một đời “không phạm lỗi hai lần, không giận lây người khác”. Trong quá trình chúng ta học tập, người khác có khen chúng ta là hiền đức, tốt đẹp thế nào thì bản thân mình phải thức tỉnh rõ ràng rằng chúng ta không có đức hạnh như thế. Chúng ta chưa phải là Thánh Hiền, chưa nói đến Khổng Tử mà so với Nhan Hồi chúng ta vẫn còn kém rất xa. Bản thân cần phải hết sức cẩn thận, cần học cách sửa lỗi như ông Cừ Bá Ngọc. Cừ Bá Ngọc mỗi năm đều phản tỉnh lỗi lầm của chính mình, mỗi năm đều thay đổi, mỗi ngày đều nhận ra lỗi của mình, mỗi ngày đều sửa đổi. Người khác có nói như thế nào chúng ta không cần để ý đến, hôm nay chúng ta có phạm lỗi hay không, có thể dùng một số Kinh điển để đối chiếu, như dùng “Đệ Tử Quy”, “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên” mà đối chiếu. Khi chúng ta học 113 điều trong “Đệ Tử Quy” thì từ trong 113 sự việc chúng ta phải hiểu được cái lý ở bên trong mới đúng. Nếu như chỉ đơn thuần chấp trước vào sự để làm mà không rõ lý, mơ hồ về lý thì sẽ dễ trở thành một “ngụy quân tử”. Mọi người nhìn vào sẽ cảm thấy giả tạo, bản thân cũng cảm thấy như vậy, khi làm ra rất gượng gạo, hoặc rất câu nệ hình thức. Phong thái của một người quân tử chân chính là không câu nệ chấp chặt vào những điều nhỏ nhặt, then chốt là từ sự mà có thể nhìn ra lý. Xin nêu một ví dụ trong phần “Nhập tắc hiếu”. Phần này dạy cho chúng ta đạo lý gì vậy? Đó chính là dạy một chữ “kính” và một chữ “thuận”, đó chính là chương thứ ba của sách “Nữ Giới”. Đồng thời cũng dạy cho chúng ta về đức hạnh khiêm hạ giống như trong chương Ti Nhược: “Cha mẹ gọi trả lời ngay, cha mẹ bảo chớ làm biếng, cha mẹ dạy phải kính nghe, cha mẹ trách phải thừa nhận”, đó chính là “khiêm hạ” và “kính thuận”. Chương “Xuất tắc đễ” dạy cho chúng ta điều gì? Chính là chương “Hòa Thúc Muội” của sách “Nữ Giới”: “Anh thương em, em kính anh”, trong nhà lớn nhỏ cần phải có tôn ti trật tự. Chương “Cẩn” dạy cho chúng ta “thận độc”, khi ở một mình không được phóng túng bản thân, “vào phòng trống như có người”. “Thận độc” là công phu quan trọng nhất của người quân tử, không chỉ là quân tử mà hàng nữ nhân cũng phải như vậy. Lúc ở một mình, chúng ta có phóng túng hay không, không phải nói ở trên hành vi biểu hiện mà trong tâm có ý niệm phóng túng hay không. Đó chính là suy nghĩ lung tung, loạn xạ. Nếu vậy, chúng ta vẫn chưa làm được chương “Cẩn”. Thế nên, mỗi một chương Kinh văn chúng ta cần phải nhìn cho ra được đạo lý thì học tập “Đệ Tử Quy” mới có thể nâng cao bản thân.
Bạn muốn thấy được lý, nếu chỉ có đọc “Đệ Tử Quy” không thôi thì đôi khi cũng chưa có được công phu nhìn ra được đạo lý, cần phải đọc thêm một số Kinh điển xưa. Tôi xin đề cử với mọi người chương “Dưỡng Chánh Di Quy” trong bộ sách “Ngũ Chủng Di Quy”. Chương “Dưỡng Chánh Di Quy” là giáo trình giáo dục dưỡng chánh nhi đồng, so với “Đệ Tử Quy” không hai không khác, nhưng có thể giúp các bạn hiểu rõ hơn “Đệ Tử Quy”, từ đó mà thực hành tốt hơn.
“Thái Thượng Cảm Ứng Thiên” dạy về nhân quả, khởi tâm động niệm của chính mình rơi vào cái nhân gì thì sẽ chịu cái quả gì. Có rất nhiều việc mà sách “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên” không đề cập đến, như lên mạng, hút thuốc, thủ dâm. Tuy nhiên, chúng ta phải đem khái niệm về đạo lý nhân quả này cắm sâu vào trong đầu, khi làm ra những việc như thế phải biết rõ rằng chúng ta đang tạo cái nhân gì, sẽ nhận quả báo gì. Nếu như không biết thì phải học, nếu ngộ nhận rằng việc đó là tốt thì rắc rối rồi.
Sau cùng chính là “Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh”, nằm trong ba nền tảng học tập Nho-Thích-Đạo của chúng ta. Bộ Kinh điển này nói cho chúng ta một cách rõ ràng cái nhân của mười loại ác nghiệp lớn, của mười loại thiện nghiệp lớn, tương ứng với nó chúng ta sẽ có quả báo tốt, quả báo lành, quả báo xấu, quả báo không tốt. Làm thế nào niệm niệm tăng trưởng điều thiện, niệm niệm khống chế điều ác? Phải thường tư duy thiện pháp, thường quán sát thiện pháp, mỗi ngày suy nghĩ làm như thế nào là thiện, quán sát người và việc cái nào là thiện, cái nào là ác, nếu là ác thì đừng nhìn đến. Bất kể tuổi tác của chúng ta là lớn hay nhỏ thì cũng cần đến “đồng mông dưỡng chánh Thánh công dã” (việc dưỡng chánh trẻ thơ là công lao thần thánh”). Hiện nay việc giáo dục vỡ lòng không liên quan đến tuổi tác lớn hay nhỏ. Phàm là người tâm trí chưa chín chắn, còn đang đi trên đường tà thì đều thuộc về giai đoạn cần phải được giáo dục vỡ lòng, cần phải bắt đầu được “dưỡng chánh”. Trong quá trình này, phải cắm vững ba căn gốc rồi thì mới thực hành một cách vững chãi chắc chắn được. Đó không phải là công phu về mặt hình thức bề ngoài mà là công phu đích thực. Giống như chúng ta hiện nay mỗi ngày mở sổ “Công Quá Cách” ra rồi điền vào bảng ghi Công-Tội, làm đến sau cùng vẫn quen thói cũ. Như vậy thì không cần làm, thứ nhất lãng phí giấy, thứ hai lãng phí thời gian, thứ ba hoàn toàn là công phu bề ngoài. Bạn hãy nghĩ đến phần trọng điểm, vấn đề nào là nghiêm trọng nhất, như là không buông bỏ được tiền bạc, xem trọng danh tiếng, dễ nổi nóng, hấp tấp, háo thắng, ngạo mạn, hoài nghi. Vấn đề nào là nghiêm trọng nhất? Sau khi tìm ra bệnh căn rồi thì nhắm vào bệnh đó mà điều trị. Bệnh nhân vào bệnh viện thì trước tiên phải điều trị loại bệnh nặng trước, ví dụ như hiện nay bệnh tim phát tác, chân thì hơi bị gãy nhẹ một chút. Vậy nên trị cái nào trước? Đương nhiên là điều trị bệnh tim trước rồi sẽ khám cái chân sau. Cũng như vậy, bạn phải đối trị vấn đề nghiêm trọng nhất của chính mình. Sau khi tìm ra căn nguyên gây bệnh rồi thì mỗi ngày phải điều trị. Ví dụ như người tham tài thì phải nghĩ cách xả tài, mỗi ngày làm một ít việc từ thiện như cứu cấp người lâm nguy, hoặc trợ giúp cho bạn bè bà con thân thích. Nếu là người ngạo mạn thì mỗi ngày suy nghĩ xem lời nói nào, hành động nào của mình khiến người khác cảm thấy mình ngạo mạn? Nguyên nhân nào dẫn đến tâm ngạo mạn? Là do học lực, địa vị, tiền tài, dung mạo, gia đình, con cái thì hãy phủ định hết tất cả những điều kiện này đi, nhất định cần phải dùng thứ thuốc này mà đối trị, nếu không thì cả đời sẽ không có thành tựu. Nếu bạn mỗi ngày tái phạm lỗi thì mỗi ngày viết công quá cách vẫn là vô dụng.
Có một người bạn hỏi tôi đã làm như thế nào? Tôi nói tôi không làm công quá cách, mặc dầu đây là cách mà thầy tôi đã chỉ cho tôi nhưng tôi cảm thấy một trăm mười ba điều đó vẫn chưa đối trị đúng bệnh của tôi. Tôi phải tự mình trị lấy. Thứ nhất tôi có tính nỏng nảy, thứ hai có một số việc tôi không nhìn thấu được. Tôi đã liệt kê ra những sự việc đó, nhất định bắt chính mình nhìn cho thấu. Ví dụ như khi tôi đang học tập tôi rất không thích người khác đến quấy rầy, nhưng bạn càng bực thì càng có người đến quấy, một chốc thì điện thoại reo, một chốc thì mẹ gọi tôi xuống lầu ăn cơm. Tôi nói chưa đến giờ, mới mười một giờ sao ăn cơm nổi. Một chốc nữa thì ba tôi bảo tôi xuống lầu để nói chuyện. Những việc bạn không thể buông thì càng phải buông, đến sau cùng thì bạn sẽ cảm thấy không việc gì cả, như thế nào cũng được, khi nào điện thoại reo thì nghe, khi nào cha mẹ gọi thì đi xuống, phối hợp với họ, đến sau cùng sẽ không còn cảm giác bực bội nữa. Bạn nhất định phải liệt kê những vấn đề của mình ra, nếu không nêu ra để sửa thì đó là giả, đều là biểu hiện hư dối ở bề ngoài.
Chúng ta xem đoạn kế tiếp:
TUY DĨ HIỀN NỮ CHI HẠNH, THÔNG TRIẾT CHI TÍNH, KỲ NĂNG BỊ HỒ?
(Tạm dịch: Dẫu là người phẩm hạnh hiền huệ, thông minh mẫn tiệp. Há có thể không mắc lỗi ư?)
Câu này có nghĩa là cho dù là người phụ nữ hiền minh, thông tuệ đi chăng nữa thì bản thân cũng không thể có tất cả các điều thiện được. Cho dù người trong ngoài nhà đều xưng bạn là vợ hiền mẹ tốt, nếu bản thân bạn vẫn còn có một chút cảm giác về điều này thì bạn vẫn còn một chút lỗi thuộc về ngạo mạn. Còn như bạn nói “Mọi người đều làm tốt, chỉ có tôi chưa tốt”, mỗi ngày nghĩ điều này thì bạn đã sai ở chỗ nào? Chỉ cần bạn còn một chữ “tôi” thì ý niệm này đã sai rồi vì bạn vẫn còn cái “ngã” này ở trong lòng. Con người hễ còn cái “ngã” thì sẽ rất khó loại bỏ được sự đối lập, loại bỏ được sự khống chế và thao túng của dục vọng từ trên căn bản. Chân thật buông bỏ được cái “ngã” thì có thể siêu thoát, có thể siêu vượt. Thế nên, có lúc tôi đã nói với mọi người xung quanh đừng xem trọng cái “ngã” này như vậy. Thân thể này của chúng ta giống như một quán trọ. Chúng ta tạm thời ở trọ nơi đây, khi ra đi thì không mang theo được thứ gì. Lúc đến thì hai bàn tay trắng, ra đi cũng hai bàn tay không, nếu cứ chấp trước nó thì sẽ phát sinh ra vấn đề. Nếu xem nhạt nó đi một chút thì đời sống của chính mình sẽ rất tự tại. Từ xưa đến nay đều là như vậy, chỉ cần buông xuống được cái “ngã”, cho dù cái “ngã” đó là nhân, là nghĩa, là lễ, chỉ cần còn mang một cái “ngã” thì hoàn toàn không có nhân, có nghĩa gì cả. Ngũ Thường thật sự không có “ngã”, Ngũ Luân thập nghĩa đích thực cũng không có “ngã”. Đời người là một sân khấu lớn. Cái “ngã” chỉ đến để diễn kịch mà thôi, khi diễn thì đừng chấp vào nó quá. Hôm nay tôi đã viết cho nhân viên trong công ty một lá thư rằng: “Lúc trước tôi cùng với mọi người diễn kịch trên sân khấu cuộc đời, diễn quá nhập tâm nên thường bực dọc nổi nóng với mọi người. Hiện nay tôi càng ngày càng cảm thấy mình giống như đứng ở dưới sân khấu xem kịch, không còn bực giận nữa. Các bạn diễn rất hay. Tôi ở bên dưới bình luận một chút, đôi khi lên sân khấu chỉ đạo một chút rồi mau chóng xuống liền. Cuộc đời chính là như thế, giống như một vở kịch, đừng giống như mọi người nhập vào trong vở kịch mà diễn, hãy thường xuyên ngồi ở dưới sân khấu xem kịch thì sẽ điềm tĩnh hơn, không bị kích động hoặc mất đi lý trí để xử lý một số sự việc”.