Trang chủ Nữ Đức Nữ Đức Vi Yếu – Chương Bốn: Phụ Hạnh (P2)

Nữ Đức Vi Yếu – Chương Bốn: Phụ Hạnh (P2)

0
Chương Bốn: Phụ Hạnh (P2)

Nữ Đức Vi Yếu – Chương Bốn: Phụ Hạnh (P2)

Nữ Đức Vi Yếu – Chương Bốn: Phụ Hạnh (P2): Suy nghĩ ba lần rồi mới nói, lựa lời hay mà nói, không nói lời khó nghe. Cho dù là lời tốt cũng phải chọn thời điểm thích hợp mới nói ra, sẽ không khiến người phản cảm, đây chính là phụ ngôn.

TRẠCH TỪ NHI THUYẾT, BẤT ĐẠO ÁC NGỮ, THỜI NHIÊN HẬU NGÔN, BẤT YẾM Ư NHÂN, THỊ VI PHỤ NGÔN – CHƯƠNG PHỤ HẠNH

(Tạm dịch: Suy nghĩ ba lần rồi mới nói, lựa lời hay mà nói, không nói lời khó nghe. Cho dù là lời tốt cũng phải chọn thời điểm thích hợp mới nói ra, sẽ không khiến người phản cảm, đây chính là phụ ngôn)

Chúng ta thấy tiếp ngay sau đức hạnh là “phụ ngôn”. Ban Chiêu sắp xếp thứ tự rất có ý nghĩa, không phải sắp xếp một cách tùy tiện như đem “phụ công” để lên trước tiên, không phải như vậy. Việc này cùng với thứ tự dạy học của Khổng Tử “không hẹn mà giống nhau”. Chúng ta thấy Khổng Phu Tử dạy học cũng đặt đức hạnh ở vị trí đầu tiên, tiếp theo là ngôn ngữ, rồi đến chính sự, sau cùng là văn học, không phải mới mở đầu là học văn học ngay, không phải như vậy. Vì vậy, điều thứ hai mà phụ nữ cần học đó là nói chuyện như thế nào. “Trạch từ nhi thuyết” chính là lựa chọn nội dung nói chuyện, chọn xong rồi mới nói. “Bất đạo ác ngữ” là khi nói chuyện nhất định không được nói lời ác. Lát nữa tôi sẽ giải thích kỹ hơn thế nào là ác. “Thời nhiên hậu ngôn” là nhắc nhở chúng ta nghĩ cho kỹ rồi mới nói, không được muốn gì nói đó. Sau khi nói chuyện thì “bất yếm ư nhân”, tức không để người khác sinh tâm chán ghét, chán chường. Người mà nơi nơi đều có thể khiến người khác sinh tâm hoan hỷ thì trong nhà Phật gọi họ là Bồ Tát. Bồ Tát ở nơi nào thì sẽ khiến cho hết thảy chúng sanh sinh tâm hoan hỷ.

Nữ Đức Vi Yếu – Chương Bốn: Phụ Hạnh (P2)
Nữ Đức Vi Yếu – Chương Bốn: Phụ Hạnh (P2)

Giáo học của nhà Nho cũng dạy rằng phải lựa lời mà nói. Thế nào là lựa lời? Trước khi lựa lời thì cần phải “giam khẩu nội tu”, câu này xuất phát từ chương thứ ba Thận Ngôncủa sách “Nội Huấn”, tác giả là Nhân Hiếu Hoàng Hậu. Làm thế nào để làm được “giam khẩu nội tu”? Đó là phải “ninh kỳ tâm, định kỳ chí, hòa kỳ khí, thủ chi dĩ nhân hậu, trì chi dĩ trang kính, chất chi dĩ tín nghĩa” (tâm an tĩnh, chí kiên định, khí hài hòa, giữ lòng nhân hậu, giữ gìn sự trang nghiêm cung kính, khí chất tín nghĩa), đó chính là “giam khẩu nội tu”. Nếu không thì sẽ không biết lựa lời mà nói, lựa cả buổi cảm thấy mình lựa đã tốt rồi, đến khi nói ra thì lại khiến người nghe tức muốn chết. Như vậy đã không biết lựa lời rồi. Thế nên, việc lựa lời mà nói có hàm nghĩa rất sâu. Hàm nghĩa của việc lựa chọn chính là muốn chúng ta hiểu được trước tiên phải ngậm miệng lại, phải nội tu trước đã. Về việc nội tu, người xưa nói rất rõ ràng “ninh kỳ tâm, định kỳ chí, hòa kỳ khí”, an định tâm thần lại, điều hòa khí, cần có chí hướng xa rộng. “Định kỳ chí” nghĩa là phải có chí đồng thời phải kiên định với chí hướng đó. Nếu như chúng ta không có chí lớn thì có chí hướng nhỏ cũng được, ví dụ như “gia hòa vạn sự hưng” là chí hướng nhỏ của chúng ta; vợ chồng có thể “bách niên giai lão” là chí hướng nhỏ. Có chí hướng như thế cũng rất tốt, vì cái chí hướng này chúng ta khi làm điều gì cũng đều có sự cân nhắc, suy xét. Như khi nói đến “hòa kỳ khí” (khí phải hòa), phụ nữ hay nam giới nếu như lúc nói chuyện mà có sự tức giận thì cho dù lời nói có hay có tốt đến đâu chăng nữa thì đối phương cũng không thể tiếp nhận, vì từ trường toát ra không tốt. Bởi vì sóng ý niệm phát ra từ tâm của bạn, khi mọi người tiếp nhận liền cảm thấy chói tai, nghe xong cảm thấy khó chịu. Bạn nghĩ bạn có tâm tốt nhưng lời bạn nói ra đối phương không tiếp nhận thì bạn nói cũng uổng công, nói không tác dụng thì chi bằng đừng nói, nói ra còn tổn thương hòa khí. Xét đến nguyên nhân tận cùng thì chính là câu nói: “Hành hữu bất đắc phản cầu chư kỷ”, hết thảy mọi việc đều xét lại chính mình. Nội dung lời nói không sai, xuất phát điểm của lời nói cũng rất tốt, thế nhưng do tâm của bạn có sự bực dọc mà chính mình không phát giác được. Ví dụ như: “Sao mẹ chồng của mình lại nói chuyện như vậy chứ! Mình vốn là muốn tốt cho mẹ, muốn chữa bệnh cho mẹ mà mẹ vẫn không tiếp nhận, mẹ lại sợ tốn tiền”. Nếu như bạn đứng ở một góc độ khác, hóa giải toàn bộ sự bực dọc, khi không còn chút bực dọc nào nữa, bạn lại dùng ngữ khí ôn hòa mà nói chuyện với mẹ lần nữa: “Mẹ ơi! Sức khỏe của mẹ hiện giờ cần uống một ít thuốc, có thể không cần tốn nhiều tiền đâu, đi bệnh viện công hoặc dùng bảo hiểm y tế cũng được”, dùng lời nói đầy thiện ý thì mẹ có thể sẽ vui vẻ mà tiếp nhận ý tốt của bạn. Sau đó, bạn hãy khuyên mẹ hãy xem nhẹ chuyện tiền bạc mà cần giữ gìn sức khỏe cho tốt, người lớn tuổi có sức khỏe tốt chính là phước báo của con cháu, có thể mẹ của bạn nghe câu nói này sẽ vừa tai. Bản thân chúng ta thường nói chuyện với ngữ khí bực dọc mà chúng ta không hay biết: “Người này vì sao lại như thế! Mình phải nói chuyện với anh ấy mới được”. Bạn trước tiên đã có sự đối lập thì nói sẽ không có ích gì cả. Trước hết bạn hãy buông sự đối lập trong lòng xuống, đây chính là câu nói “hòa kỳ khí”. Sau khi đã buông xuống hoàn toàn thì bạn hãy hỏi chính mình có phải đã buông xuống hết chưa, sau đó mới đi nói chuyện với anh ấy.

Ba câu phía sau, “thủ chi dĩ nhân hậu” chính là giữ tâm nhân hậu, “trì chi dĩ trang kính”, “trang” là đoan trang, “kính” là kính trọng, nghĩa là chí hướng phải đoan chánh, khiến người sinh tâm kính trọng. Tiểu nhân cũng có chí hướng: “Mình nhất định phải làm quan lớn, nhất định phải kiếm ngàn vạn tiền”, chí hướng đó không phải chí hướng khiến người kính trọng. Để “hòa kỳ khí” thì “chất chi dĩ tín nghĩa”, làm người phải có tín, có nghĩa. Tôi cảm thấy đoạn này Nhân Hiếu Hoàng Hậu nói rất hay. Trong phần sau Nhân Hiếu Hoàng Hậu còn nói rằng: “Nhất ngữ nhất mặc, tòng dung trung đạo, dĩ hợp ư càn tĩnh chi thể”, bất luận nói chuyện hay yên lặng thì cũng đều điềm tĩnh mà giữ trung đạo, giữ gìn được bản thể của Nữ Đức.

“Càn tĩnh chi thể”, chữ “càn” biểu thị cho người nữ, chúng ta hay nói là đạo Càn Khôn, “càn” đại biểu cho nữ tính, biểu thị cho tính cách “u nhàn trinh tĩnh” của người nữ. Tóm lại, “lựa lời mà nói” là trong những hoàn cảnh khác nhau chúng ta cần phải biết lựa chọn cách nói chuyện như thế nào cho thích hợp, cần lựa chọn cho thấu đáo. Trước khi mở miệng nói cần phải cân nhắc kỹ càng, có sự tu dưỡng bên trong thì lời nói ra mới không mất lễ nghĩa. Phía sau lại nói: “Không nói lời ác”, nếu như bạn không biết “ác” là gì thì bạn lựa chọn lời nói cả buổi cũng sẽ không chọn ra được. Trước tiên chúng ta cần xem thế nào gọi là lời nói thiện. Lời nói thiện nhất định phải từ trong tâm nhân hậu phát ra.

Cổ đại đức dạy rằng:

  • Trước tiên, không được nói càn nói xằng.
  • Thứ hai, không xoi mói việc đúng sai của nhà người, việc này phụ nữ dễ phạm phải.
  • Thứ ba, không hoa ngôn xảo ngữ. Có những lúc nói chuyện dường như rất dễ nghe, rất bùi tai nhưng tâm không hề chân thành. Những lời nói hư tình giả ý thì không nên nói.
  • Thứ tư, đừng nói lời làm tổn thương người khác, như lời nói mỉa mai châm chọc, lời oán trách. Những lời này không nên nói, lời thô lỗ cũng không được nói.

Chúng ta hãy phân tích từng thứ một.

Thế nào là không được nói càn? Ngày nay phụ nữ đi bán hàng rất nhiều. Có người cái gì cũng dám nói chỉ cần bán được hàng là được, lời hứa nào với khách hàng cũng đều dám hứa, làm như thế là không xét đến hậu quả nghiêm trọng về sau. Tôi đã từng gặp phải nhân viên bán hàng như thế. Vì để bán được hàng, họ đã hứa hẹn với khách đủ thứ, đáp ứng điều kiện này kia, cứ ăn nói càn, kỳ thực không có quyền lợi như thế, đến khi khách hàng sau này đòi hỏi thì người chủ sẽ gặp rắc rối.

Chương Bốn: Phụ Hạnh (P2)

Năm ngoái, tôi đã thay đổi toàn bộ nhân viên bán hàng ở lầu một. Những người nào giỏi ăn nói thì chuyển lên lầu hai làm công việc giấy tờ. Những người không nói giỏi thì xuống lầu một bán hàng. Lúc đó giám đốc phụ trách bán hàng đã kiến nghị với tôi rằng: “Giám đốc Trần à! Như thế không được! Người này cả ngày không nói chuyện như vậy thì việc kinh doanh chết mất”. Tôi cũng không nói năng gì. Lúc mới bắt đầu, tôi còn giải thích cho ông ấy, nói cả buổi mà ông ấy không chịu tiếp thu nên sau đó tôi không nói nữa. Tôi cứ làm như vậy. Sau khi làm rồi thì kết quả bán hàng lại rất tốt, hơn nữa còn tăng trưởng một cách bình ổn. Lúc mới đầu thì dao động lên xuống, ví dụ như tháng này bán được 180 vạn, tháng sau bán được 30 vạn. Nhưng từ năm ngoái trở đi thì mỗi tháng đều rất bình ổn, vào mùa cao điểm thì doanh số còn cao hơn mùa cao điểm của các năm trước. Tôi đã nói với nhân viên rằng lời nói không cốt ở nói nhiều. “Đệ Tử Quy” có câu: “Nói nhiều lời, không bằng ít”, nhất định là có đạo lý rất sâu. Thế nên chúng ta làm buôn bán cần phải hiểu rõ cái gì là “đức”, có “đức” thì mới có “tài”. Sự biểu hiện của “đức”“thận ngôn” (ăn nói thận trọng), biết cách ăn nói. Nếu như không có đức thì lời nói ra đều là lời nói càn, hoàn toàn bị lợi ích sai xử, hoàn toàn để thể hiện chính mình. Việc này rất nguy. Trong số các nhân viên bán hàng có thể nhìn thấy rõ rằng những người nào không khéo nói thì làm việc rất ưu tú, lúc bình thường không nói tiếng nào, không khoe công cũng không khoe khoang tài năng, không buôn dưa lê cũng không mỉa mai cạnh khóe, nhưng làm việc lại rất tốt. Còn những người khéo ăn, khéo nói, hay nói những chuyện trong nhà ngoài cửa thì những người đó thường làm không bền, làm hai năm là đi mất. Thế nên bạn không cần chú trọng bồi dưỡng những người như thế. Làm ông chủ cần phải biết nhìn người, “người trí biết nhìn người, người nhân biết yêu người”, hai điều này không thể thiếu.

Điều thứ hai là không được bới móc chuyện thị phi. Trước tiên, ở nhà không được ở trước mặt chồng nói lỗi của mẹ chồng, vĩnh viễn không được nói. Đó là hành vi ngu xuẩn. Bạn hãy nghĩ xem nếu như anh ấy là kẻ bất hiếu, ngay cả mẹ mình mà không có hiếu, đi nghe lời bạn thì bạn có thể chung sống với anh ấy được hay không? Không thể được! Nếu như anh ấy là một đại hiếu tử, bạn nói ra những lời này đã làm tổn thương anh ấy. Bất luận như thế nào cũng không được nói. Nếu có thể cảm hóa thì cảm hóa, nếu như không thể cảm hóa thì hãy xem như không nhìn thấy. Trước tiên hãy tu tốt đức hạnh của chính mình, khi đức hạnh đã nâng cao thì có thể bao dung mẹ chồng, yêu thương mẹ chồng. Thứ hai, vĩnh viễn không được nói đến lỗi lầm của anh chị em, chỉ nhìn ưu điểm của họ là được rồi, đừng nhìn khuyết điểm, đối với người nhà đặc biệt phải như thế. Nếu như ở trong nhà dưỡng thành thói quen rồi thì đến công ty sẽ nhất định làm được như thế. Đừng ở trước mặt ông chủ nói người này không đúng, người kia không đúng. Nếu như bạn thực lòng muốn đưa ra ý kiến để cải thiện tình hình công ty thì trước tiên hãy chân thành đi trao đổi với nhân viên đó trước. Nếu như không thể trao đổi được mà sự việc này có lợi ích rất lớn đối với công ty thì bạn hãy chân thành mà đi nói với ông chủ. Nếu như tạo chuyện thị phi, biến chuyện nhỏ thành chuyện to để gây rối loạn, trong lòng thích thú thì đó là hành vi cực ác. Phước báo của bản thân sẽ bị tổn giảm rất lớn.Điều thứ ba là không được hoa ngôn, xảo ngữ. Ở đây cũng bao gồm luôn lời nói đùa, nói giỡn. Có phụ nữ thích nói đùa, hoặc nói năng tùy tiện, thậm chí còn nói những lời dâm ô, tục tĩu. Phải biết, nếu nói những lời như thế thì nhất định sẽ nhận hậu quả, vĩnh viễn không được nói lời như thế. Có một lần tôi gặp một nhân viên nam đã tùy tiện nói với một nữ nhân viên rằng: “Nếu sau này anh tìm không được bạn gái thì anh sẽ tìm em”. Nữ nhân viên này cũng tùy tiện trả lời rằng: “Được thôi! Không thành vấn đề”. Việc này tôi vô tình biết được nên đã nghiêm khắc phê bình riêng từng người một. Tôi nói với nhân viên nam đó rằng không được nói như vậy vì hôn nhân là việc lớn của đời người, sao có thể xem như trò đùa được. Tôi nói: “Nếu như cậu thực sự thích cô ấy thì cứ đường đường chính chính mà nói với cô ấy. Chứ đừng nói những lời như vậy!”. Còn đối với nhân viên nữ thì tôi phê bình còn nghiêm khắc hơn, khiến cô ấy khóc, tôi nói: “Sao em có thể đem cuộc đời của mình ra nhận lời dễ dàng với người khác như vậy! Nếu như em thực sự muốn lấy anh ấy thì được, nếu như không muốn lấy thì sao lại nói lời như vậy?”. Sau đó, cô ấy cũng rất xấu hổ. Đối với các em nhân viên nữ vừa mới tốt nghiệp đến làm ở công ty tôi, tôi thực sự xem họ như con gái của mình, rất nghiêm khắc với họ. Lúc mới vào làm, các em còn sơn móng tay, đều bị tôi bắt tẩy đi hết, có em xót tiền mà nói rằng đã bỏ ra hơn một trăm tệ để sơn móng tay. Tôi nói: “Dù là một ngàn tệ cũng phải tẩy sạch! Chìa tay ra một cái nhìn như móng tay quỷ vậy! Ghê quá!”, để móng tay sạch sẽ có phải tốt hơn không, đừng để móng tay dài quá.

Thế nên, tuyệt đối không được nói đùa, những lời tục tĩu càng không nên nói. Chúng ta nói lời “hoa ngôn xảo ngữ” là do chúng ta có tâm nịnh bợ từ lâu mà chúng ta không phát hiện ra, thậm chí trước mặt cha mẹ cũng có cái tâm nịnh hót này. Trước mặt những khách hàng có quyền thế, có địa vị hoặc đem lợi ích đến cho mình thì mình đều dùng cái tâm này mà nói chuyện. Dùng cái tâm này nói chuyện trong một thời gian lâu thì sẽ có ngày bạn vừa buột miệng là thốt ra mà không hay không biết. Lúc ban đầu, người khác sẽ cảm thấy người này nói chuyện rất ngọt ngào, nhưng nếu tiếp xúc lâu thì cảm thấy người như vậy không thể kết giao bạn bè chân thật được, bởi vì người khác đều cảm thấy con người này miệng lưỡi ngọt lịm, chỉ có nói chứ không làm được, không có tâm chân thành, không thể khiến bất kỳ người nào cảm động. Thế nên không nên nói những lời nịnh bợ.

Loại sau cùng là lời nói khiến người khác tổn thương, lời nói thô lỗ. Thông thường chúng ta cũng ít khi gặp phải loại phụ nữ chanh chua đanh đá, nói lời thô lỗ rất khó nghe. Nhưng chúng ta có khả năng nói ra những lời oán trách, nói lời hơn thua, lời thị phi. Cái xấu của những lời nói này là gì? Sẽ khiến cho người khác nghe rồi trong tâm không vui, trong tâm không thoải mái, không tự tại. Phàm những lời nói khiến người khác không thoải mái thì chúng ta đừng nên nói. Cần phải dưỡng khí chất nhu hòa, đồng thời giữ gìn tốt mối quan hệ với đồng nghiệp, bạn bè và người ngoài. Theo lời của chồng tôi, tôi trước đây vốn là không nói thì thôi, nhưng hễ nói ra thì khiến người khác tức giận bật ngửa. Tuy tôi không biết nói những lời mắng người, nhưng lại nói những lời của một phụ nữ có học thức khiến người khác tổn thương, trong chốc lát có thể đâm người một nhát, khiến họ tức nghẹn, nói không nên lời. Tôi không nổi giận nhưng họ thì tức không chịu được. Hiện nay tôi đã hiểu rõ lời này thuộc về ác khẩu. Sau khi tôi học văn hóa truyền thống đã nỗ lực sửa đổi tật xấu này, không nói những lời khiến người khác tức giận, mà biết nén lại. Nếu như nói chuyện với người có oán thù với bạn thì oán sẽ chồng thêm oán. Bạn đã kết thành mối họa rồi, đến ngày nào đó không biết chừng bạn sẽ gặp rủi ro với họ. Cho nên cái miệng quả thật là cái cửa của họa phước.

Thế nào là lời nói thiện lành? Đó là lời khi được nói ra khiến cho tất cả mọi người đều được lợi ích. Điều này có nghĩa là lời nói ra là lời trí huệ. Lời nói trí huệ nhất định hàm chứa tấm lòng nhân từ, nếu có lời nói như vậy thì hãy nói ra, còn nếu không thì đừng nói. Chúng ta cần phải luyện tập, cần phải phản tỉnh, ít nói chuyện thì trước tiên sẽ bớt được lỗi lầm, ví dụ như hôm nay nói mười câu, trong đó có một câu là trí huệ, tỉ lệ như vậy là rất cao. Nếu như hôm nay nói một trăm câu mà chỉ có một câu có trí huệ thì tỉ lệ như vậy rất thấp.

Thế nên, năm ngoái chồng của tôi đã từng nói rằng anh ấy không mong muốn tôi ra giảng. Anh ấy nói: “Nói nhiều sai nhiều, trình độ của em còn thấp như thế mà ra ngoài giảng cho người khác cái gì”. Lúc đó tôi không biết ý của câu nói “trình độ thấp” nghĩa là thế nào nên tôi còn tranh biện với anh ấy. Năm nay, anh ấy đã nêu ra ví dụ và tôi đã hiểu. Mấy tháng trước nhân viên của anh ấy hỏi anh ấy rằng nguyên nhân để sự nghiệp thành công là gì. Anh ấy trả lời: “Chẳng có gì khác ngoài việc đừng oán trách, phải khiêm tốn”. Sau đó, anh ấy đã giải thích con người vì sao cần khiêm tốn, thế nào là khiêm tốn. Anh ấy đã nêu ra hai ví dụ mà tôi cảm thấy rất hay. Anh ấy cầm một ấm trà lên nói: “Bạn xem khi nước trà trong ấm đầy thì bạn rót ra tách trà sẽ rất dễ dàng. Ngược lại nếu như trong ấm không đầy nước thì bạn phải đưa ấm lên cao, dùng lực để rót nước ra. Người khiêm tốn thì bụng dạ đã đầy đủ, đầy đến mức tràn ra ngoài. Một câu nói tình cờ thốt ra cũng khiến người được thọ dụng. Người không khiêm tốn thì nôn nóng muốn biểu đạt, rất phí sức lực, nói cả buổi mới nói ra một câu khiến người thọ dụng”. Anh ấy lại nêu ra một ví dụ khác: “Ví dụ như con muỗi mỗi ngày kêu vo vo nhưng lại rất dễ bị người đập chết. Còn hổ, sư tử và voi bình thường không nghe thấy tiếng chúng kêu. Chúng an nhàn, thong dong tự tại mà đi. Thế nhưng hổ và sư tử là vua của bầy thú. Một khi chúng phát ra âm thanh giận dữ thì sẽ cắn người, không phải người cắn chúng. Người khiêm tốn thì có tướng vương giả, không dễ nói lời tùy tiện, nhưng khi nói chuyện thì nhất định khiến người được thọ dụng”. Tôi cảm thấy ví dụ này rất hay. Thế nên người ta hay gọi chồng minh là “tiên sinh” (thầy giáo) thật có đạo lý. Anh ấy quả thực là thầy của tôi.

Phụ nữ chúng ta khi nói chuyện cần hết sức chú ý đến âm điệu. Tôi đã từng nghe một số cô gái nói chuyện với giọng điệu quá mật ngọt, lẳng lơ. Có một lần tôi đi cùng xe với một cô gái, âm điệu lời nói của cô ấy qua điện thoại rất nhẹ nhàng, ngọt lịm, khiến người nghe cảm thấy như rót mật vào tai. Đồng thời, những cuộc nói chuyện của cô ấy qua điện thoại đều gọi cho nam giới. Tôi ở bên cạnh nghe xong cảm thấy âm điệu lời nói này không được, không trang trọng. Thế nên, phụ nữ nói chuyện thanh âm cần phải nhu hòa, là chữ “nhu” của tâm địa “ôn nhu thiện lương”, và chữ “hòa” của “tâm bình khí hòa”, tuyệt đối không phải là lời mật ngọt, lẳng lơ. Những lời mật ngọt chết ruồi đó, loại âm thâm đó là tà âm, không phải chánh âm. Chúng ta cần phân biệt “tà”, “chánh” rõ ràng thì mới không uổng công học tập Nữ Đức, làm phụ nữ phải có trí huệ.

Tổng kết lại, phụ nữ không quý ở chỗ nói nhiều mà quý ở chỗ nói lời phù hợp thích đáng. Nếu bạn biết nói chuyện thì bạn mới có thể biết làm thế nào để giúp chồng, làm thế nào để dạy con, làm thế nào để trị quốc, bình thiên hạ.

 

Exit mobile version