Đệ Tử Quy (P6): Muốn Chọn Lựa Đúng Thì Phải Chuẩn Bị Điều Gì?
Đệ Tử Quy (P6): Muốn Chọn Lựa Đúng Thì Phải Chuẩn Bị Điều Gì? Nếu như chúng ta đánh cờ mà có thể thấy trước được một trăm bước sẽ đi như thế nào, hai trăm bước sẽ hoạch định ra sao, thì cuộc đời này của ta mới được thong dong, cuộc đời của con cái chúng ta cũng sẽ đi được cao hơn, xa hơn.
6. Muốn chọn lựa đúng thì phải chuẩn bị điều gì? – Đệ Tử Quy
Vừa rồi chúng ta đã nhắc đến việc lựa chọn những thứ tự trong giáo dục. Các vị phụ huynh, lựa chọn hiện tại của quý vị không chỉ ảnh hưởng đến quý vị mà còn có thể ảnh hưởng đến người nhà của quý vị. Không chỉ có người nhà hiện nay mà con cháu nhiều đời của quý vị đều sẽ bị ảnh hưởng. Các vị bằng hữu, ai đã từng nghĩ là quyết định của chúng ta sẽ ảnh hưởng đến con cháu thì xin đưa tay lên? Xin vỗ tay khích lệ những bằng hữu này.
Cuộc đời giống như đánh một ván cờ vậy, nếu như chúng ta đều đắn đo suy nghĩ mỗi một bước phải đi làm sao, thì mỗi nước cờ của chúng ta đều không thể định được, vì cứ phải suy nghĩ đi như thế này được hay không, đi như thế kia có tốt không. Nếu như chúng ta đánh cờ mà có thể thấy trước được một trăm bước sẽ đi như thế nào, hai trăm bước sẽ hoạch định ra sao, thì cuộc đời này của ta mới được thong dong, cuộc đời của con cái chúng ta cũng sẽ đi được cao hơn, xa hơn.
Cho nên, ngay khi họ suy nghĩ rằng chọn lựa của ta sẽ ảnh hưởng đến nhiều thế hệ sau thì tôi tin tưởng họ sẽ giáo dục thế hệ này của họ rất là cẩn thận và rất dụng tâm, bởi vì họ đã suy nghĩ sâu xa đến như vậy.
Hiện nay người suy nghĩ được như vậy không nhiều. Người xưa của chúng ta có cách suy nghĩ như vậy không? Rất nhiều, nên những lời gia huấn của chúng ta là nhiều nhất trên toàn thế giới. Chúng ta đã nghe qua “Liễu Phàm Tứ Huấn”, “Chu Tử Trị Gia Cách Ngôn”, “Nhan Thị Gia Huấn”, còn có “Gia Cát Lượng”. Rất nhiều Thánh triết nhân đều có thái độ như vậy, đều đem trí tuệ của nhân sinh truyền thừa lại. Do đó, chúng ta phải biết rằng sự lựa chọn của chúng ta rất là quan trọng.

Cuộc đời này muốn đưa ra chọn lựa đúng thì cần phải chuẩn bị điều gì?
Ông nội của tôi không được đi học, một chữ cũng không biết. Ông là người đánh cá, anh em của ông đều làm nghề này. Không chỉ anh em của ông bắt cá, mà con cái của anh em ông học đến cấp hai, vẫn chưa tốt nghiệp thì đã cùng nhau đi bắt cá. Họ cảm thấy thế nào? Rất thoải mái, con của tôi đã giúp tôi bắt cá rồi, họ không cần phải mệt như trước đây nữa. Như vậy có tốt không? Ngay lúc đó thì rất tốt đúng không?
Thế nhưng ông nội tôi cảm thấy đời sống không được đi học, không có trí tuệ thì rất đáng tiếc, cho nên ông kiên trì có khổ đến thế nào cũng phải để cho con đi học. Do bởi chọn lựa và phán đoán này, nên đến đời cha tôi, năm người con thì có một Tiến sĩ, ba người tốt nghiệp đại học, một người tốt nghiệp cấp ba, đến đời này của chúng tôi toàn bộ đều là trên đại học, đã có được hai Tiến sĩ.
Đây đều là do chọn lựa của ông nội. Đến thế hệ chúng tôi thì học lực của tôi là thấp nhất, dáng người của tôi cũng thấp nhất. Cho nên làm bậc trưởng bối của người phải cẩn trọng trong sự lựa chọn và phán đoán của mình.
Chúng ta phải có năng lực phán đoán chính xác thì mới có thể chọn lựa đúng được. Một người vừa mới sinh ra có thể có năng lực phán đoán ngay không? Cần phải thông qua học tập thì người đó mới có thể hình thành năng lực phán đoán, mới có thể chọn lựa đúng. Năng lực phán đoán này còn tùy thuộc vào lý trí và trí tuệ thì mới có thể phán đoán đúng được. Nếu như không có trí tuệ, không có lý trí, thì có khả năng là sẽ làm việc theo cảm tính. Tục ngữ có câu: “Hối hận không kịp”. Hối hận đều là sự ân hận về sau vì đã đưa ra chọn lựa sai, đưa ra phán đoán sai. Vì vậy, khi nào một người cần phải có lý trí? Lý trí phải học bao lâu? “Sống đến già, học đến già”. Thế nhưng chúng ta cần phải xây dựng lý trí càng sớm càng tốt, thì cuộc đời mới có thể có những chọn lựa quan trọng đúng đắn.
·Nên xem những loại sách nào?
Xin hỏi: Từ đâu mà học được lý trí? Hiện tại có nhiều người đọc rất nhiều sách, họ có lý trí hay không? Hiện nay có một loại bệnh gọi là “chứng trầm cảm”. Rất nhiều người bệnh trầm cảm cũng xem không ít sách, nhưng càng xem thì càng thế nào? Ồ! Sao các vị đều biết hết vậy? Do đó trong thời đại này, ngay đến chọn sách cũng phải có sức phán đoán. Hiện nay tri thức bùng nổ, rất nhiều trẻ nhỏ xem sách không đúng, có đứa trẻ mới năm – sáu tuổi đã xem sách tâm lý học. Lẽ ra em nên nói với mẹ rằng: “Mẹ ơi! Con muốn có một em trai”, nhưng sau khi xem sách tâm lý xong, em lập tức nói với mẹ rằng: “Mẹ không thể sinh em trai, bởi vì nếu như mẹ sinh em rồi thì mẹ sẽ không còn thương con nữa”.
Đọc sách có tốt hay không? Hôm nay quý vị ra ngoài không thể nói: “Thầy Thái nói đọc sách là không tốt!”. Phải nói cho hết lời: Đọc đúng sách thì mới tốt, đọc không đúng sách thì là ô nhiễm. Các vị bằng hữu! Một ly nước trong, bỏ vào một giọt mực chỉ mất thời gian một giây, nhưng xin hỏi: Quý vị phải cần bao nhiêu giây thì mới có thể hồi phục được nước trở lại trạng thái trong sạch như ban đầu? Có thể gấp mười lần, trăm lần. Cũng như vậy, tư tưởng của trẻ nhỏ nếu như bị ô nhiễm, chúng ta phải tốn rất nhiều thời gian để thanh lọc nó.
Tôi thường hay nói chuyện với các đồng nghiệp, những đồng nghiệp đó nói: “Những tiết mục tổng hợp thật khiến cười vỡ bụng, cười đến nỗi lăn ra trên đất”. Tôi liền nói với họ: “Bạn thấy những người dẫn chương trình đó đang bới móc việc riêng của người khác, đem người khác ra làm trò cười, bạn cảm thấy họ làm vậy có đúng không?”. Họ nói: “Đương nhiên là không đúng”. “Vậy mà bạn lại cảm thấy rất buồn cười!”. Khi quý vị ở đó cười thì con cái ở bên cạnh cũng cười theo. Chúng có biết được là đúng hay sai không? Chúng cảm thấy cha của mình rất thích thú, làm như vậy là đúng. Cho nên trẻ nhỏ vô tình đã bị ảnh hưởng bởi những điều mắt thấy tai nghe, rồi nói lời khinh mạn với người khác, ngôn ngữ khi nói chuyện với người khác sẽ có khuynh hướng chiếm lợi, sẽ tùy tiện nói đùa. Khi quý vị phát hiện ra chúng nói chuyện không có chừng mực, muốn kéo chúng trở lại thì sẽ rất mệt.
Truyền hình là vậy, nội dung trong sách vở cũng như vậy. Gần đây có quyển sách bán rất chạy tên là “Cha Giàu Cha Nghèo”, chắc có người cũng đã xem qua. Có một phụ huynh sau khi xem xong rất vui mừng, chạy đến nói với tôi: “Thầy Thái ơi! Quyển sách này thật có hiệu quả! Nó có thể làm cho đứa con gái lười biếng của tôi trong nháy mắt biến thành đứa con gái siêng năng rồi”. Thuốc đặc trị này có hiệu quả không? Thật có hiệu quả. Cô nói với con gái cô: “Con gái ơi! Giúp mẹ lau nhà thì mẹ cho con hai đồng, giúp mẹ phơi quần áo thì mẹ cho con hai đồng, giúp mẹ rửa chén thì mẹ cho con ba đồng”. Con gái cô vốn dĩ rất lười biếng, đột nhiên biến thành người rất có tinh thần gần như không biết sợ khó khăn là gì, bắt đầu làm việc.
Vậy có hiệu quả thật hay không? Quý vị thấy thuốc đặc trị đều có hiệu quả. Quý vị bị cảm lạnh chảy nước mũi, vừa chích thuốc, uống thuốc vào thì năm đến mười phút sau liền thấy hiệu quả. Nhưng có hiệu quả thật không? Người hiện đại chúng ta đều rất thích thuốc đặc trị, cho nên có rất nhiều người bị một số kẻ giả thần, giả quỷ lừa gạt. Quan hệ vợ chồng họ không được tốt đã mười năm, hai mươi năm rồi, kết quả người này nói với họ: “Anh phải mau đốt giấy tiền vàng bạc, làm một số động tác nào đó, bảo đảm vợ chồng anh lập tức thay đổi tốt”. Ai cũng đều muốn uống thuốc đặc trị, nhưng không hề nghĩ rằng “băng đã đóng ba thước” rồi. Như vậy có lý trí không?
Vị phụ huynh này sau một – hai tuần lại đến tìm tôi, nét mặt của cô thật khó coi. Cô nói: “Thầy Thái ơi! Đã xảy ra vấn đề rồi!”. Tôi liền hỏi cô: “Vấn đề gì?”. Cô nói: “Hôm nay tôi nói với con gái tôi: Con gái ơi, hôm nay mẹ rất mệt, con giúp mẹ đem quần áo đã giặt xong đi phơi, mẹ sẽ cho con hai đồng. Con gái nói với tôi rằng: Hôm nay con cũng rất mệt, con không muốn kiếm tiền nữa!”. Cô đột nhiên liền nghĩ đến, loại thuốc đặc trị này đã lộ ra tác dụng phụ rồi.
Các vị phụ huynh, gia đình có phải là nơi để nói đến lợi ích không? Không phải! Quý vị đã đem chủ nghĩa công lợi (công danh lợi lộc) đưa vào nơi ấm áp nhất, tốt đẹp nhất, hài hòa nhất, quý vị đã bị cuốn vào chủ nghĩa công lợi. Gia đình là nơi dạy gánh vác, gia đình là nơi dạy cảm ân, gia đình là nơi dạy nhận biết bổn phận, là nơi hiểu được phải tận bổn phận, tận đạo hiếu. Cho nên chúng ta phải có lý trí phán đoán mới có thể ngăn ngừa những tri thức không chuẩn xác trong sách vở, mới có thể ngăn ngừa trẻ nhỏ bị những thứ này ô nhiễm.
Vậy chúng ta nên học những loại sách nào? Những giáo huấn nào mới có thể chân thật xây dựng lý trí? Chúng ta nên tiến thêm một bước suy nghĩ về vấn đề này.
Có một nhà tâm lý học 40 tuổi đã viết một quyển sách, 60 tuổi lại viết một quyển sách. Các vị bằng hữu! Các vị muốn xem quyển sách nào? “Cuốn sách viết năm 60 tuổi”. Tại sao vậy? “Kinh nghiệm phong phú”. Kinh nghiệm có kinh nghiệm tốt lẫn kinh nghiệm xấu, vậy kinh nghiệm xấu phong phú cũng phải học sao?
Rất nhiều vị nói rằng: “Trí tuệ về cuộc sống của họ có thể tương đối cao”. Trong câu nói này có hai chữ mà chúng ta phải suy xét là “có thể”. Có phải là càng sống lâu thì càng có trí tuệ không? Không hẳn là vậy. Xã hội là một cái lò nhuộm lớn (lò ô nhiễm lớn).
Các vị bằng hữu! Người 20 tuổi hay người 40 tuổi tương đối đơn thuần? Đơn thuần thì gần với trí tuệ hơn hay phức tạp gần với trí tuệ hơn? Rất nhiều việc quý vị tưởng đúng mà hóa ra là sai. Quý vị cần phải rõ ràng, tường tận thì mới đặt cược đúng được. Nếu đặt cược sai thì cuộc đời e rằng không thể quay trở lại. Cho nên phải hết sức cẩn trọng, phải rất cẩn thận.
Giả như quý vị tin tưởng rằng “có thể” họ nói đúng rồi, quý vị đem cuộc đời mình giao cho họ, thậm chí đem hạnh phúc về sau của con cái giao cho họ, như vậy quá nguy hiểm. Không thể nghe một người nào đó nói rồi quý vị liền tin tưởng, bởi vì lời của họ nói vẫn không thể ấn chứng là trí tuệ, vẫn không thể ấn chứng là chân lý.
Nền văn hóa của chúng ta đã trải qua sự ấn chứng của nhân loại mấy ngàn năm, những gì nói ra đích thực đều là chân lý không hư dối. Trí tuệ của Thánh Hiền là siêu việt cả thời gian và không gian. Chúng ta xem, bốn đến năm ngàn năm trước, làm người đều phải tận hiếu; bốn đến năm ngàn năm sau, có cần phải hiếu không? Rất cần. Vì vậy siêu việt thời gian.
Chúng ta cần phải hiếu, còn người nước ngoài thì sao? Xin hỏi: Người nước ngoài nghe đến giáo dục về hiếu đạo, nội tâm của họ sẽ như thế nào? “Nhân chi sơ, tính bổn thiện” (Con người sinh ra, bản tính ban đầu vốn thiện lành), họ nghe rồi sẽ rất hoan hỉ. Chúng tôi ở Úc Châu thành lập lớp “Đệ Tử Quy”. Vì chúng ta là một đất nước lễ giáo, cho nên khách mời đều ngồi ở phía trước, chúng ta ngồi ở phía sau. Trong “Đệ Tử Quy” có rất nhiều câu Kinh văn đều căn cứ vào đức hạnh của Thánh Hiền nhân. Thí dụ nói: “Sáng phải thăm, tối phải viếng”, việc này Chu Văn Vương đã làm được; còn có “đông phải ấm, hạ phải mát”, Hoàng Hương thời Đông Hán đã làm được. Vì vậy mỗi lần giảng đến các câu Kinh văn, chúng tôi đều đem những câu chuyện này tường thuật lại. Chúng tôi ngồi ở phía sau nhìn thấy những người Úc Châu bản địa gật đầu rất nhiều lần. Chúng tôi cũng rất hiếu kỳ: Lúc họ đang gật đầu thì đang nghĩ đến việc gì? Sau khi tan lớp, chúng tôi cùng nhau ngồi lại nói chuyện, những người bạn Úc Châu liền nói: “Làm người phải nên như vậy, làm người thì phải như thế!”. Cho nên, chữ “hiếu” siêu vượt thời gian, siêu vượt không gian. Chân lý này đáng để chúng ta dùng sinh mạng ngắn ngủi này cố gắng mà truy cầu, mà thâm nhập.
Hết phần 6. Xin xem tiếp phần 7