Đệ Tử Quy Chương VI: Thân Nhân – Gần Người Hiền (P2)
Contents
CHƯƠNG SÁU – ĐỆ TỬ QUY
THÂN NHÂN – GẦN NGƯỜI HIỀN
Đệ Tử Quy Chương VI: Thân Nhân – Gần Người Hiền (P2). Chúng ta tiếp tục xem chương “Gần người hiền”, thân cận người nhân đức. Bài trước chúng ta có nói đến chữ “nhân” là chữ hội ý, gồm hai chữ người. Vậy đó là hai người nào?
Có thể nghĩ đến mình và cũng có thể nghĩ đến người khác, đây chính là thái độ: “Điều mình không muốn thì đừng làm cho người khác” và “kỷ dục lập nhi lập nhân, kỷ dục đạt nhi đạt nhân” (mình muốn có thành tích thì cũng mong người khác có thành tích, mình muốn làm điều hay thì cũng mong người khác làm điều hay). Nói rõ hơn một chút là mình luôn luôn biết nghĩ cho người khác.
Muốn biết một người có nhân đức hay không, chúng ta từ một số góc độ có thể thấy được. Thứ nhất là phải có tâm nhân hậu, thứ hai là luôn luôn khiêm tốn, thứ ba là có thể lấy mình làm gương.
Đệ Tử Quy Thứ nhất, phải có tâm nhân hậu. Khi chúng tôi tổ chức diễn giảng ở Bắc Kinh, lúc đó cô giáo Dương phải đến Sơn Đông giải quyết một số việc nên phải ngồi xe thâu đêm mấy tiếng đồng hồ, đến khoảng tám, chín giờ thì cô về tới Bắc Kinh.
Khi đó chúng tôi đang tổ chức lớp bồi dưỡng năm ngày, cô giáo Dương cũng không nghỉ ngơi liền đến khách sạn nơi chúng tôi tổ chức để gặp mọi người. Lúc đó có gặp một số học viên, cô liền nói với họ rằng: “Nếu như chúng tôi giảng bài không được tốt thì quý vị nhất định phải chỉ ra khuyết điểm giúp chúng tôi”.
Điều thứ hai là cô hỏi những học viên này rằng: “Nếu quý vị ăn không được ngon, ngủ không được tốt thì nhất định phải phản ánh với chúng tôi, nhất định phải nói cho chúng tôi biết. Nếu không, chúng tôi tiếp đãi sẽ không được chu đáo”. Điều thứ ba cô nói với các học viên rằng: “Đi học thế này rất vất vả, cho nên mọi người phải nghỉ ngơi nhiều một chút”.
Đi học có vất vả hay không? Vất vả! Cho nên hôm nay quý vị cũng phải nghỉ ngơi nhiều một chút. Cô giáo Dương quả thật là luôn luôn nghĩ cho người khác!
Có một lần cô giáo Dương đến Hải Khẩu. Tôi đi bộ cùng cô trên đường thì nhìn thấy một bà cụ đẩy xe hoa quả đi bán. Cô liền dẫn tôi đến mua chuối của bà cụ. Cô chọn những quả đã bị dập, sắp hỏng để mua. Khi “tâm có nghi” thì phải hỏi, cho nên tôi đã hỏi cô rằng: “Cô giáo à! Sao cô lại mua những quả không còn ngon này vậy?”.
Cô liền nói: “Những quả này không còn ngon nữa, nếu như không có người mua thì sẽ hỏng hết. Bởi vì chúng ta mua về ăn liền nên hãy mau mua chúng”. Thực ra cô không muốn mua trái cây, nhưng khi nhìn thấy bà lão già cả như vậy thì cô đã đến mua giúp bà. Hơn nữa, cô cũng vì quý tiếc những thực phẩm này, không muốn chúng bị lãng phí. Qua đây chúng ta có thể quan sát được tấm lòng nhân hậu của cô.

Đệ Tử Quy Thứ hai là tâm khiêm tốn. Chúng ta thấy cây lúa nào càng cho nhiều hạt thì nó càng cúi xuống thấp. Trăm sông đều đổ ra biển, nhưng vị trí của biển lại thấp hơn so với trăm sông. Khổng Phu Tử cả đời giáo hóa nhiều học trò như vậy, nhưng Ngài lại nói rằng cả đời Ngài chỉ “thuật nhi bất tác” (thuật lại học thuyết của người xưa chứ không sáng tác).
Điều này thể hiện rằng Khổng Phu Tử rất khiêm tốn. Ngài thường nói: “Những đạo lý mà ta giảng giải đều là do cổ Thánh tiên Vương ngày xưa, đều là do Nghiêu Thuấn, Vũ Thang, Văn Võ Chu Công truyền lại”. Ngài vô cùng khiêm tốn! Duy chỉ có khiêm tốn mới có thể tương ưng với đạo đức. Cho nên chúng ta có thể lấy điều thứ hai là khiêm tốn để xem xét một người nhân đức.
Về điểm này, khi tôi ở Úc cũng có học được, bởi vì chú Lư ngồi bên cạnh tôi khoảng một – hai tuần nhưng lúc đó tôi vẫn chưa biết rõ chân tướng, chưa hiểu rõ về chú. Sau này, may mà tôi đã học được câu “việc chú bác, như việc cha” nên tôi mới biết chủ động cúi chào chú: “Con chào chú Lư ạ!”.
Nếu không thì tôi đã bỏ lỡ cơ hội trước mặt rồi, có thể tôi bây giờ sẽ kém cỏi hơn rất nhiều. Cũng từ việc này chúng ta mới hiểu được rằng, người chân thật có đức hạnh là người giản dị, dễ gần và vô cùng khiêm tốn. Cho nên sau này nếu như tôi có gia nhập vào tập thể mới thì tôi tuyệt đối cũng không dễ bị người khác đánh lừa.
Đại đa số những người trẻ tuổi nghe một số người nói ba hoa rằng họ quen thân với vị quan chức nào đó, nhà của họ có bao nhiêu tài sản, sự nghiệp to lớn như thế nào v.v…. thì sẽ nghĩ: “Ồ, sao mà giỏi thế!”. Rất có thể họ sẽ bị dẫn dắt vào con đường sai lầm. Như vậy, một người có nhân đức là phải khiêm nhường.
Đệ Tử Quy Thứ ba, chính mình phải làm gương. Đó là nói được thì phải làm được, thậm chí làm xong rồi mới nói ra. Làm xong mới nói thì là “Thánh nhân”, nói xong rồi làm được thì gọi là “Hiền nhân”, nói xong lại không làm thì gọi là “kẻ lừa dối”. Chúng ta phải nên làm “Thánh nhân” hoặc “Hiền nhân”, chứ không nên là “kẻ lừa dối”.
“Chớ tự chê, đừng tự bỏ. Thánh và Hiền, dần làm được”. Tất nhiên chúng ta phải luôn luôn nhắc nhở chính mình, lấy mình làm gương, đầu tiên phải bắt đầu từ tu thân. Tôi đã từng đến nhà tưởng niệm của thầy Lý Bỉnh Nam, tôi có được cảm nhận rất sâu sắc rằng Ngài chân thật luôn luôn lấy mình làm gương.
Quần áo Ngài mặc mấy chục năm cũng không thay đổi. Khi chúng tôi xem quần áo thì thấy thật sự rất sạch sẽ, giản dị. Thái độ yêu quý đối với đồ vật đã biểu hiện ra bên ngoài. Nhưng áo lót và tất (vớ) của Ngài thì có rất nhiều chỗ vá chồng chất lên nhau. Phần bên ngoài để mọi người nhìn thấy thì rất là chỉnh tề, thể hiện sự tôn trọng đối với người khác, nhưng phần bên trong không ai nhìn thấy thì Ngài đều tận tâm, tận lực khâu vá lại, thể hiện thái độ “quý trọng đồ vật”.
Học trò của thầy Lý Bỉnh Nam có nhiều hay không? Rất nhiều. Họ biếu tặng quần áo cho Thầy nhiều hay không? Cũng nhiều. Nhưng Thầy đem những thứ được biếu này tặng cho người khác, Thầy luôn luôn thấy được nhu cầu của người khác. Thầy Lý Bỉnh Nam sống đến chín mươi bảy tuổi mới vãng sinh.
Chín mươi bảy tuổi Ngài vẫn còn giảng bài. Học trò của Thầy nói với Thầy rằng: “Thưa Thầy! Thầy có rất nhiều học trò như vậy, để chúng con giúp Thầy giảng là được rồi. Thầy không cần phải vất vả như vậy nữa!”. Kết quả Ngài đã nói rằng: “Đại chúng cần tôi giảng một ngày thì chỉ cần tôi còn sống một ngày cũng phải tận hết sức để giảng một ngày”. Thái độ như vậy là chân thật lấy thân để làm gương. Thầy Lý có làm một bài thơ viết rằng:
“Vị cải tâm trường nhiệt
Toàn lân ám lộ nhân
Đãn năng quang chiếu viễn
Bất tích tự phần thân”.
Mọi lúc mọi nơi Thầy đều không quên tấm lòng giúp đỡ chúng sinh. “Toàn lân ám lộ nhân”, thầy thương xót những người còn trong con đường tối tăm, những người tìm không ra lối thoát của cuộc đời, những người không có cách nào mở mang trí tuệ.
Thầy đều có một tấm lòng thương xót như vậy. “Đãn năng quang chiếu viễn”, chỉ cần có thể giúp cho mắt họ thấy được ánh sáng trước mắt, “bất tích tự phần thân”, thì Thầy không tiếc đốt cháy chính mình để soi sáng người khác. Ngài đã thể hiện ra tinh thần hy sinh phụng hiến.
Học trò của Ngài là Hòa thượng Tịnh Không cũng là “sư chí như kỷ chí” (chí thầy như chí ta), hoàn toàn đem chí hướng của thầy làm chí hướng của chính mình. Vì vậy, thầy của tôi cũng đã hơn tám mươi tuổi nhưng Ngài vẫn vì sự hòa hợp của các tôn giáo, hòa bình của thế giới mà không ngừng bôn ba khắp các nơi trên thế giới.
Có một lần, trong lúc Ngài giảng pháp có nói rằng: “Các vị là những người trẻ tuổi thì nên phát tâm lợi ích cho đại chúng. Tôi tuổi đã cao rồi mà vẫn phải bôn ba khắp thế giới. Nếu có vị trẻ tuổi nào phát nguyện đi làm những việc này, có thể vì xã hội, vì quốc gia, vì thế giới này mà làm việc, thì một người lớn tuổi như tôi cũng bằng lòng khấu đầu cúi lạy các vị”.
Khi tôi nghe Thầy nói như vậy xong, chúng tôi làm học trò thật sự cảm thấy vô cùng hổ thẹn. Có thể gặp được người thầy tốt như vậy dạy dỗ thì chúng ta phải biết quý trọng.
“Sư chí”, phải đem chí hướng của thầy làm chí hướng của mình. Tuy là năng lực của mình không được tốt, nhưng vẫn phải cố gắng tận lực y giáo phụng hành, phải khởi niệm “nhất định mình phải giúp Thầy làm nhiều việc hơn một chút”.
Kết quả sau đó không bao lâu thì Thẩm Quyến có mời tôi đến diễn giảng. Cho nên cảnh giới của một người chân thật đều hoàn toàn do tâm của người đó chiêu cảm: “Năng cảm là chân tâm, sở cảm là cảnh giới”.
Từ tháng ba đó trở về sau, tôi bay đi bay lại khắp nơi. Thật sự là xã hội hiện tại, thế giới hiện tại này có rất nhiều việc quan trọng cần đến sự cống hiến chân thành của chúng ta. Trong gia đình, trong rất nhiều đoàn thể, ở rất nhiều quốc gia đều có những việc cần làm ngay không thể trì hoãn được nữa.
Tuy nhiên, muốn làm những công việc này được viên mãn thì chúng ta nhất định phải phát nguyện mới được. Chúng ta tin rằng “nhân hữu thiện nguyện, thiên tất tùng chi” (người có chí nguyện thiện lành thì ông Trời cũng chiều theo vậy).
Do đó, có được nhiều vị trưởng bối tốt như vậy cho tôi học tập, trong lòng tôi rất là vui sướng nhưng cũng nơm nớp lo sợ rằng mình làm không tốt sẽ phụ tấm lòng dạy dỗ của rất nhiều thầy cô và các vị trưởng bối.
Hai năm trước, tôi ở Đài Trung nửa năm. Lúc đó cô giáo Dương có dẫn tôi đi bái kiến thầy Từ Tỉnh Dân. Thầy Từ khi ấy cũng tám mươi tuổi rồi. Hôm đó đúng vào ngày ba mươi Tết cho nên đường phố rất đông người, nhất là khi đi qua những khu chợ.
Vì vậy chúng tôi đã đến chậm hai mươi phút đồng hồ. Khi chúng tôi lái xe đến đầu ngõ, còn chưa đến nhà thầy thì đã thấy thầy đứng ở đầu ngõ đợi chúng tôi từ lâu, bởi vì thầy sợ chúng tôi tìm không thấy nhà. Nhìn thấy thầy cung cung kính kính đứng đợi ở đó, tôi có ấn tượng rất sâu sắc rằng học vấn tuyệt đối không phải chỉ có nói trên miệng, mà học vấn cần phải chân thật làm ra mới được!
Vì vậy, chúng ta cần phải lấy mình làm gương. Rất nhiều lần cô giáo Dương phải bôn ba khắp nơi ở Đại Lục để giải quyết rất nhiều việc. Có một lần, cô xuống máy bay thì đã hơn mười giờ, về đến Đại Phương Quảng vẫn còn rất nhiều việc phải làm nên cô cũng không nghỉ ngơi mà lập tức làm việc, thông thường cô phải làm đến tận hai, ba giờ sáng.
Có một lần do bị cảm, cơ thể cô có một chút khó chịu, nhưng lượng công việc quá nhiều nên cô cũng không nghỉ ngơi. Kết quả là cô thức thâu đêm đến hơn bốn giờ sáng thì tự nhiên hết cảm. Điều gì đã chữa khỏi cảm cho cô vậy? Là do hạo nhiên chính khí (nguồn năng lượng tốt lành trong trời đất) đã giải độc cho cô.
Bởi vậy, ở Bắc Kinh chúng tôi lưu hành một câu nói là: “Thức đêm sẽ trị được bệnh cảm”. Nhưng điều này còn tùy theo từng người, nhất định phải là vì Thánh Hiền, vì đại chúng thì mới có hiệu quả, nếu không sẽ không có hiệu quả. Đây là tấm gương mà trưởng bối cho chúng ta thấy, chúng ta phải luôn luôn ghi nhớ trong lòng.
Tôi rất quý trọng những cơ hội có thể thân cận với người nhân đức, nhưng trong thời gian này, số lần tôi gặp chú Lư chân thật là chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Nhưng chỉ cần trở về Đài Loan là tôi liền nắm lấy cơ hội để được thân cận với chú. Thời gian chú nói chuyện chia sẻ với mọi người trong một ngày tuyệt đối cũng không ít hơn tôi.
Có lúc tôi theo chú đến tối, thấy giọng chú nói chuyện với một số người trẻ tuổi có chút khàn đi, nhưng chú vẫn không mệt không chán. Người nhân đức thật sự đều có thể lấy mình làm gương. Khi chúng ta dựa vào điều này để phán đoán thì chúng ta có thể xác định được người như vậy sẽ là tấm gương tốt cho chúng ta học tập, cũng sẽ là người bạn đạo tốt của chúng ta.