Đệ Tử Quy Chương VI: “Cùng Là Người, Khác Tộc Loại, Thô Tục Nhiều, Nhân Từ Ít”
Contents
- 1 Đệ Tử Quy Chương VI: “Cùng Là Người, Khác Tộc Loại, Thô Tục Nhiều, Nhân Từ Ít”
- 1.1 6.1 Kinh văn – Đệ Tử Quy
Đệ Tử Quy Chương VI: “Cùng Là Người, Khác Tộc Loại, Thô Tục Nhiều, Nhân Từ Ít”. Quý vị thân mến! Câu nói này bây giờ quý vị có thể cảm nhận được chưa? Thực sự là được! Nhưng “thô tục nhiều, nhân từ ít” là kết quả, chúng ta có oán trách kết quả cũng vô dụng thôi, phải tìm ra nguyên nhân mới được. Tại sao bây giờ lại là “thô tục nhiều, nhân từ ít”?
6.1 Kinh văn – Đệ Tử Quy
“Đồng thị nhân, loại bất tề, lưu tục chúng, nhân giả hi. Quả nhân giả, nhân đa úy. ngôn bất húy, sắc bất mị”.
“Cùng là người, khác tộc loại, thô tục nhiều, nhân từ ít. Đúng người nhân, người kính sợ. Nói thẳng lời, không dẻ nịnh”.
6.1.1 “Cùng là người, khác tộc loại, thô tục nhiều, nhân từ ít” – Đệ Tử Quy
Quý vị thân mến! Câu nói này bây giờ quý vị có thể cảm nhận được chưa? Thực sự là được! Nhưng “thô tục nhiều, nhân từ ít” là kết quả, chúng ta có oán trách kết quả cũng vô dụng thôi, phải tìm ra nguyên nhân mới được. Tại sao bây giờ lại là “thô tục nhiều, nhân từ ít”?
Bởi vì con người không được dạy bảo, không có Thánh Hiền chỉ dạy, không phân biệt được đúng sai, thiện ác. Do đó, cho dù thời nay là người “thô tục nhiều” nhưng thực ra họ cũng là người bị hại.
Bởi vậy mới nói: “Tiên nhân bất thiện, bất thức đạo đức, vô hữu ngữ giả, thù vô quái dã” (người xưa bất thiện, không biết đạo đức là do không có người dạy, xin đừng trách họ). Vậy thì bây giờ phải trách ai? Nếu chúng ta trách người sống trước chúng ta một đời thì người đời trước nữa sẽ nói: “Ta cũng không được học”. Chúng ta lại tìm đến đời trước nữa phải không? Có nên tìm nữa không? Không cần phải tìm nữa.
Vậy phải bắt đầu từ đâu? Bắt đầu từ đời của chúng ta! Chúng ta không thể để cho giáo huấn của Thánh Hiền bị mai một, mà phải để giáo huấn của Thánh Hiền phát triển và có thể chiếu sáng thế gian này.
Bởi vì không được giáo dục, thêm vào đó, mức độ ô nhiễm ở bên ngoài càng ngày càng nặng, cho nên mới nói là bên trong không có nền tảng, lực lượng bên ngoài lại rất mạnh, bên trong đánh ra bên ngoài đánh vào thì tất nhiên binh sĩ sẽ thua không còn một manh giáp. Vì vậy, bây giờ mọi người cũng không nên xem ai là “thô tục nhiều”.
Đầu tiên chúng ta phải để cho hai chân của chính mình đứng cho thật vững, đầu tiên phải bảo đảm chính mình không bị sóng cuốn đi. Đợi cho hai chân của chúng ta đứng vững rồi thì hai tay mới có thể kéo được người khác, có thể nâng đỡ người khác. Sau khi năng lực của mình dần dần lớn mạnh thì chúng ta có thể đem sức ảnh hưởng từ sự tu thân để tề gia, trị quốc, bình thiên hạ phát triển ra.
Chúng ta phải có niềm tin! Người mà chân thật có nền tảng vững chắc đối với học vấn của Thánh Hiền thì tuyệt đối sẽ không bị cuốn theo sóng dữ. Một mình họ tuyệt đối có thể xoay chuyển được cả gia đình, đoàn thể và thậm chí cả xã hội. Chúng ta cũng cần phải có niềm tin như vậy.
Khi chúng tôi dạy tới câu “thô tục nhiều, nhân từ ít”, chúng tôi nói với bọn trẻ rằng: “Trong xã hội hiện nay, các em không vứt rác bừa bãi nhưng có thể người khác sẽ vứt rác bừa bãi”. Chúng ta phải hướng dẫn cho các em từ nhỏ đã có được thái độ “học vi nhân sư, hành vi thế phạm”. Hơn nữa, chúng ta phải nói với các em rằng, năm cộng với hai tuyệt đối không thể bằng không.
Tại sao gọi là: “Năm cộng với hai bằng không” (5+2=0)? Đây là một bài toán rất phổ biến. Các vị có làm đúng không? Năm cộng với hai bằng không, đôi khi còn nhỏ hơn không. Đó là khi chúng đi học năm ngày ở trường, thứ Bảy và Chủ nhật về nhà xem ti vi đến nửa đêm, ngày hôm sau ngủ đến giữa trưa. Hai ngày đó trôi qua, chúng có chút tiến bộ nào không? Có thể không bị thụt lùi là đã có chút an ủi rồi. Đại đa số thì bị thụt lùi, còn nhỏ hơn cả con số không nữa.
Chúng tôi đã nói với các em như vậy. Bọn trẻ nghe xong đều cười ha ha. Đợi chúng cười xong, tôi liền nói với chúng rằng: “Các em tuyệt đối không được giống như vậy nữa! Chúng ta sau khi về nhà phải làm gương cho các bạn nhỏ khác, hơn nữa còn phải làm gương cho cha mẹ”. Cho nên những đứa trẻ này cũng rất hăng hái không chịu thua kém, khi về nhà, như thường lệ sáu giờ rưỡi sáng thức dậy, bảy giờ bắt đầu đọc “Đệ Tử Quy”.
Có một lần, người mẹ sợ con ngủ không đủ giấc nên không gọi con dậy. Khi em đi ra khỏi phòng, nhìn thấy đồng hồ ở phòng khách đã quá bảy giờ thì em chợt khóc òa lên. Thái độ này của con trẻ chính là thói quen đã trở thành tự nhiên.
Hơn nữa, đứa bé đó khóc không chỉ vì không được đọc “Đệ Tử Quy”, mà còn có một nguyên nhân quan trọng hơn nữa, đó là bé đã không nghe lời thầy giáo, bởi vì bé vô cùng kính trọng thầy giáo. Cho nên “thô tục nhiều, nhân từ ít”, chúng ta hiểu được tình huống thực tế này thì cũng nên thường xuyên khích lệ bản thân, nâng cao bản thân.
6.1.2 “Đúng người nhân, người kính sợ. Nói thẳng lời, không dẻ nịnh”
Quả đúng là người nhân nghĩa thì những người bình thường thấy họ đều có lòng kính sợ. Cho nên trong “Luận Ngữ”, học sinh hình dung Khổng Phu Tử là: “Vọng chi nghiễm nhiên”, ở đằng xa nhìn thấy Ngài rất có uy nghi, làm cho người khác nhìn thấy mà sinh lòng kính trọng; “tức chi dã ôn”, đến khi thực sự thân cận Ngài, cùng Ngài thảo luận nghiên cứu học vấn thì cảm thấy Ngài thật là thân thiết. Bởi vì Khổng Phu Tử là người nhân đức, luôn nghĩ cho người khác, những lời Ngài nói ra luôn luôn là muốn khai trí tuệ cho mọi người, nên đương nhiên chúng ta có cảm giác sâu sắc rằng Ngài biết nghĩ cho học trò, vì vậy “khi thân cận cảm thấy ấm áp”. Cho nên, “đúng người nhân, người kính sợ, nói thẳng lời, không dẻ nịnh”. Lời nói của họ tuyệt đối sẽ không húy kỵ điều gì, họ đều chính trực mà nói thẳng ra, bởi vì “không có tư dục nên mới có thể cương trực”. Chúng ta có câu châm ngôn rằng: “Bích lập thiên nhẫn, vô dục tắc cương” (vách núi sừng sững nghìn trượng, vì không mang dục vọng mới có thể giữ mình cương trực). Bởi vì người nhân đức sẽ tuyệt đối không đi cầu “danh”, cầu “lợi”, cho nên lời nói của họ đều là những lời nói thẳng thắn không húy kỵ để chỉ bảo chúng ta, giúp đỡ chúng ta.
Thế nào là “không dẻ nịnh”? Từ “dẻ nịnh” này là chỉ nịnh hót, a dua. Bởi vì họ “không có tư dục nên mới có thể cương trực”, không cầu cạnh người khác, vì vậy cũng sẽ không có thái độ lấy lòng người khác.