Đệ Tử Quy Chương VI: “Gần Người Hiền, Tốt Vô Hạn”
Đệ Tử Quy Chương VI: “Gần Người Hiền, Tốt Vô Hạn” (P1). Chữ “gần người hiền” này có phải chúng ta nên hiểu rằng một – hai tháng mới thân cận một lần hay không? Mà phải thân cận trong bao lâu? “Từng giờ từng phút”.
6.2 Kinh văn – Đệ Tử Quy
“Năng thân nhân, vô hạn hảo, đức nhật tiến, quá nhật thiểu. Bất thân nhân, vô hạn hại, tiểu nhân tiến, bá sự hoại”.
“Gần người hiền, tốt vô hạn. Đức tiến dần, lỗi ngày giảm. Không gần hiền, hại vô cùng, tiểu nhân đến, trăm việc hư”.
6.2.1 “Gần người hiền, tốt vô hạn, đức tiến dần, lỗi ngày giảm” – Đệ Tử Quy
Chữ “gần người hiền” này có phải chúng ta nên hiểu rằng một – hai tháng mới thân cận một lần hay không? Mà phải thân cận trong bao lâu? “Từng giờ từng phút”. Xin vỗ tay tán thưởng cho đáp án tiêu chuẩn!
Vậy tôi xin hỏi một chút: Như thế nào là từng giờ từng phút? Các vị không thể đang đi trên đường mà vẫn cầm lấy quyển Kinh đọc: “Phép người con, Thánh nhân dạy”. Vậy như thế nào thì mới gọi là từng giờ từng phút? Phải y giáo phụng hành, sau đó để ở trong lòng. Sau khi học thuộc lòng hết Kinh văn thì có thể ghi nhớ vào lòng.
Có một tâm pháp có thể cô đọng văn hóa ngàn năm của Tổ Tiên, đó là ba chữ chúng ta có thể luôn luôn nhắc nhở mình, kiểm điểm lại bản thân xem có phải là mình đang ở trong Thánh giáo hay không. Tâm pháp của văn hóa ngàn năm của Tổ Tiên là ba chữ “Quân, Thân, Sư”. Sự tôn quý nhất trong trời đất là Thiên, Địa, Quân, Thân, Sư. Hiện nay Từ đường ở nhiều tỉnh vẫn còn có bài vị thờ Thiên, Địa, Quân, Thân, Sư.
Thật ra, điều quan trọng nhất của “Quân – Thân – Sư” là phải đem cái đức của trời đất thực hiện vào việc tu thân, thực hiện vào việc tề gia, thực hiện vào việc cống hiến cho xã hội. Cho nên dân tộc chúng ta đối với “Quân, Thân, Sư” đặc biệt kính trọng. Ba chữ “Quân, Thân, Sư” này ngoài việc chỉ thân phận ra thì còn có ý nghĩa nội tại của nó.
Chúng ta phải thời thời khắc khắc nhắc nhở mình xem có “tác chi quân, tác chi thân, tác chi sư” hay không? Như vậy chúng ta mới có thể luôn luôn ở trong Thánh đạo.
Có rất nhiều người nói rằng: “Tôi không phải là ông chủ của một công ty thì làm sao có thể làm được tác chi quân?”. Chữ “Quân” ở đây ý nói là lấy mình làm gương, là lãnh đạo phải lấy mình làm gương cho người khác. Đó là lấy thân mình để giáo dục người khác (thân giáo).
Tiếp đến “tác chi thân”. Chữ “thân” ở đây là chỉ sự quan tâm, thương yêu, xem mọi người như người trong một nhà, nên gọi là “tác chi thân”.
Kế tới “tác chi sư”, là đại biểu cho sự giáo dục, đại biểu cho việc dạy học theo năng khiếu, trình độ. Đây là dạy học bằng lời nói (ngôn giáo), nghĩa là nắm lấy nhiều cơ hội để giáo dục.
Cho nên “Quân, Thân, Sư” nhất định có thể giải quyết được tất cả mọi vấn đề giữa người với người. Khi vấn đề giữa người với người có thể giải quyết, thì vấn đề giữa người với xã hội có thể giải quyết được không? Cả xã hội cũng chỉ là con số đông người gộp lại mà thành. Chỉ cần các vị nắm vững được thái độ đối xử với mọi người thì vấn đề giữa người với xã hội liền được giải quyết.
Như vậy thì người và tự nhiên nhất định sẽ có thể chung sống hòa thuận với nhau. Bởi vì Mạnh Phu Tử có nói với chúng ta rằng: “Thân thân nhi nhân dân”, đó là có thể thương yêu nhân dân, thương yêu mọi người; “Nhân dân nhi ái vật”, có thể phát triển tâm nhân từ này thành sự quan tâm, tôn trọng vạn vật.
Cho nên chỉ cần giải quyết tốt mối quan hệ giữa người với người thì thiên hạ sẽ thái bình. Giữa người với người, chúng ta phải luôn luôn nhắc nhở mình đã làm được “Quân, Thân, Sư” hay chưa? Có thái độ như vậy thì đạo nghiệp sẽ phát triển rất nhanh.
Thời nay chúng ta thường nghe thấy phụ huynh nói rằng con cái khó quản lý, thầy cô giáo nói học sinh khó dạy, chủ doanh nghiệp nói công nhân khó bảo. Đây là kết quả, nguyên nhân là ở đâu? Nhà Nho có một câu tâm pháp gọi là: “Hành hữu bất đắc, phản cầu chư kỷ” (làm mà không thành thì nên xét lại bản thân).
Câu này rất có ý nghĩa, điển tích của nó là lấy từ sách “Trung Dung”. Trong “Trung Dung”, Khổng Phu Tử nói đến: “Xạ hữu tự hồ quân tử”, bắn tên giống như đạo của người quân tử. Chúng ta hãy xem, khi bắn tên, người bắn phải kéo căng dây cung để chuẩn bị bắn. “Xạ hữu tự hồ quân tử”. Mũi tên được bắn đi nhưng không bắn trúng đích, đó được gọi là “thất chư chính cốc”. Ý nghĩa của “chính cốc” là chỉ mục tiêu.
Bắn mũi tên ra mà không trúng mục tiêu thì trách ai? “Phản cầu chư kỳ thân”, trách kỹ thuật của mình không tốt. Nhưng người thời nay khi bắn tên ra không trúng đích thì liền nói ngay rằng: “Cái mũi tên đó là do công ty nào sản xuất vậy? Sao lại làm kém thế! Cái cung này do công ty nào sản xuất vậy? Sao có thể tệ như vậy được chứ!”. Người ta đều không tìm thấy mấu chốt của vấn đề, cho nên bọn trẻ mới khó dạy, công nhân mới khó bảo, đều là do không “xét lại bản thân”.
Chúng ta hãy thử suy nghĩ xem tại sao thời nay phụ huynh cảm thấy con cái khó dạy? Đó là bởi vì họ chưa thực sự thực hiện “Quân, Thân, Sư”. Chúng ta hãy xem phụ huynh thời nay đã lấy mình làm gương hay chưa? Có thể là chúng ta đều dạy bảo con cái phải làm theo “Đệ Tử Quy”, phải hiếu thuận với cha mẹ, nhưng thái độ nói chuyện của bản thân đối với cha mẹ thì lại không được tốt. Như vậy bọn trẻ cũng sẽ “trên làm dưới noi theo”.
Tôi còn nhớ có một câu chuyện có thật. Ở một nơi nọ có một phong tục không tốt. Đó là khi cha mẹ già đến một độ tuổi nào đó thì con cái sẽ cõng cha mẹ lên núi rồi bỏ mặc họ ở đó, còn mình thì đi về nhà. Đứa con trai của đôi vợ chồng đó nhìn thấy vậy thì không nhẫn tâm cho nên em cứ khuyên họ mãi rằng: “Cha mẹ đừng mang ông nội bỏ lên núi!”.
Nhưng người cha của đứa bé không nghe theo. Sau đó, đứa bé đi theo người cha cõng ông nội lên núi, bỏ ông ở đó rồi chuẩn bị đi về. Kết quả là đứa bé đã chủ động lấy cái sọt đem về. Cha đứa bé liền hỏi: “Cái sọt để ở đó là được rồi, sao con còn lấy đem về làm gì?”. Đứa bé liền nói với cha rằng: “Con mang về để sau này có thể cõng cha lên núi”.
Đứa bé này có trí tuệ không? Rất có trí tuệ. Đứa bé dùng phương tiện thiện xảo này để thức tỉnh tấm lòng hiếu thảo của người cha. Người cha liền nghĩ rằng: “Nếu như mình không hiếu thảo thì con trai mình cũng sẽ học theo”. Vì vậy, nếu như phụ huynh không làm gương tốt thì “kèo sà trên không thẳng, kèo sà dưới ắt sẽ cong”.
Bởi vậy, càng tiếp xúc với nhiều người thì chúng ta càng thấu hiểu rằng: “Gia giáo chân thực không hư dối”. Do đó, chúng ta là phụ huynh thì nhất định phải suy nghĩ xem mình đã thực hiện được ba chữ “Quân, Thân, Sư” hay chưa?
Có một số phụ huynh nói là: “Tôi đã làm được thân rồi. Thân là yêu thương bảo hộ. Mỗi ngày đều tận tâm, tận lực đi kiếm tiền để cho con cái tiêu sài”. Đó có phải là yêu thương con không? Nếu như sự thương yêu này không có trí tuệ thì quá thương yêu sẽ thành ra hại con, cưng chiều quá làm hư hỏng chúng. Như vậy làm sao được!
Cho nên tiếng Phúc Kiến có câu: “Sủng trư cử táo, sủng tử bất hiếu, sủng mỗ sao náo, sủng phu bán dạ bà khởi lai khốc, sủng tra mỗ tử, nan nhập nhân gia đích gia giáo”. Chúng ta xem, lời nói địa phương quê mùa nhưng đã bao hàm trí tuệ nhân sinh rất sâu sắc. Bởi vì những điều này cũng là do Tổ tiên truyền lại, đều là tinh hoa được chắt lọc ra, nếu bỏ đi phần thô thì mỗi một câu nói đều là sự nhắc nhở rất quan trọng.
Chúng ta hãy xem câu: “Sủng trư cử táo”, cưng chiều lợn đến nỗi để nó chạy vào trong bếp, làm cho bếp rối tung cả lên. Các vị thấy câu nói này có lý không? Người thời nay nuôi chó cũng không dạy bảo chúng cẩn thận, chúng nhảy lên giường rồi vẫy đuôi.
Người chủ nói: “Đi xuống!”, nhưng nó cũng chẳng thèm để ý, bởi nó quá thấu hiểu lòng dạ của chủ nhân rồi. Chó còn biết được lòng dạ của chúng ta, vậy thì người liệu có thấu hiểu được chúng ta không? Cho nên giáo dục con cái, các vị nhất định phải rất có nguyên tắc. Nếu không nhất định sẽ bị con cái nhìn thấy hết lòng dạ của các vị. Lợn còn không được cưng chiều thì đối với người, chúng ta lại càng không được cưng chiều.
“Chiều con cái thì chúng bất hiếu”. Tôi từng nghe một người bạn kể rằng, có một cặp vợ chồng có sáu người con trai. Có vui hay không? Sáu người đều là con trai! Họ nuôi dưỡng sáu người con trai và mua cho chúng sáu căn nhà, cưới cho chúng mỗi người một người vợ, họ đều sắp xếp ổn thỏa cho chúng. Cha mẹ như vậy có vĩ đại hay không?
Nhưng kết quả lại có kết cục như thế nào? Cha mẹ không có nơi để ở. Như vậy có phải là thương yêu con cái không? Là hại chúng! Từ nhỏ tới lớn, cái gì cha mẹ cũng giúp chúng làm hết thì chúng sẽ sinh ra thái độ là: “Những gì cha mẹ làm giúp đều là đáng phải như vậy”. Bởi vậy đến cuối cùng, người con cả còn có chút lương tâm đi xây một căn nhà gỗ bên cạnh chuồng lợn cho cha mẹ ở.
Những người hàng xóm xung quanh cảm thấy tức giận thay cho họ và nói với họ rằng: “Hãy đi kiện sáu người con của các vị đi”. Có nên kiện không? “Cư gia giới tranh tụng, tụng tắc chung hung” (trong nhà chớ nên tranh kiện, tranh kiện tất kết cục chẳng lành). Dù kiện có thắng đi nữa, sáu người con sẽ chia nhau ra mỗi người nuôi cha mẹ hai tháng. Nuôi như vậy thì sẽ dẫn tới kết cục gì?
Có khi con dâu mang cơm ra vứt đó rồi nói: “Ăn nhanh lên!”. Đáng lẽ sau khi nghỉ hưu xong, cha mẹ có thể sống được mười năm, hai mươi năm, nhưng khi được sáu người con nuôi dưỡng như vậy thì họ chỉ có thể sống được ba năm, sau đó lại bị bệnh ung thư vì hàng ngày đều tức giận. Sớm biết có ngày hôm nay thì lúc đầu họ đã không làm như vậy rồi. Cho nên giáo dục con cái thì phải lấy đức làm căn bản. Như vậy mới thật sự là thương yêu chúng.