Đệ Tử Quy Chương V: “Sắp Cho Người, Trước Hỏi Mình”
Contents
Đệ Tử Quy Chương V: “Sắp Cho Người, Trước Hỏi Mình”. Chúng ta không muốn người khác phê bình mình, không muốn người khác làm nhục hoặc làm hại mình. Chúng ta đều không mong muốn người khác đối xử với mình như vậy. Giống với tâm lý này của chúng ta, người khác cũng có tâm lý như vậy.
5.9 Kinh văn – Đệ Tử Quy
“Tương gia nhân, tiên vấn kỷ. Kỷ bất dục, tức tốc kỷ”.
“Sắp cho người, trước hỏi mình. Mình không thích, phải mau ngưng”.
Chúng ta không muốn người khác phê bình mình, không muốn người khác làm nhục hoặc làm hại mình. Chúng ta đều không mong muốn người khác đối xử với mình như vậy. Giống với tâm lý này của chúng ta, người khác cũng có tâm lý như vậy. Vì vậy chúng ta cũng không được làm hại, không nên phê bình và chỉ trích người khác, mà phải dùng tấm lòng để thông cảm cho người khác.
Vua Càn Long có một câu đối đề trên ngọc bích là: “Nguyện cho cha mẹ chồng trong thiên hạ bỏ ra ba phần thương yêu con gái để thương yêu con dâu của mình” và “mong cho người làm con trai trong thế gian lấy bảy phần chiều theo ý vợ để chiều theo ý của cha mẹ mình”. Câu đối này rất có triết lý nhân sinh, khiến cho chúng ta phải suy nghĩ kiểm điểm lại bản thân.
Chúng ta xem câu thứ nhất: “Nguyện thiên hạ ông cô” (nguyện cho cha mẹ chồng). “Ông cô” là chỉ cha mẹ chồng, bởi từ nghìn xưa đến nay có một mâu thuẫn khó mà giải quyết được, đó là cuộc phân tranh giữa mẹ chồng và nàng dâu. Nguyên nhân của sự phân tranh giữa mẹ chồng và nàng dâu là do họ chưa xem câu “sắp cho người, trước hỏi mình” trong “Đệ Tử Quy”.
Bởi vì con dâu cũng là con gái của người ta, nên nếu cha mẹ chồng có thể dùng ba phần tình cảm thương yêu con gái để đối xử với con dâu thì tin rằng tuyệt đối sẽ không xảy ra xung đột với con dâu. Thật ra con người cũng thật là kỳ lạ! Ví dụ như một người mẹ rất tức giận vì chồng của cô rất lười biếng, không làm việc nhà, cũng không giúp đỡ được gì cả, nhưng cô lại nói với con trai là: “Chỉ cần con học hành chăm chỉ là được rồi, những việc khác con không cần con phải lo”.
Như vậy là cô đã nuôi dạy con trai thành một người sẽ làm cho một người phụ nữ khác phải tức giận. Có việc này không?
“Sắp cho người, trước hỏi mình”. Tại sao có rất nhiều người rất hà khắc với con dâu? Bởi vì họ cũng từng phải chịu đựng việc mẹ chồng đối xử với họ không tốt. “Điều mình không muốn thì không nên đem cho người khác”. Chúng ta đã từng nghèo khổ nên khi nhìn thấy người khác nghèo khổ thì lẽ ra phải càng thêm quan tâm mới đúng.
Chúng ta xem câu thứ hai: “Mong cho người làm con trai trong thế gian lấy bảy phần chiều theo ý vợ để chiều theo ý của cha mẹ mình”. Có một số người nam sau khi lấy vợ rồi thì lời nói của ai sẽ có trọng lượng? Thái độ này còn cần phải xét lại, bởi vì sau khi quá thân rồi thì người ta thường sẽ hành động theo cảm tính.
Đối với sự được – mất, lợi – hại trong cách làm của họ có thể sẽ nhìn không được rõ ràng. Nếu như nghe theo lời vợ mà xa lánh cha mẹ thì cái tướng suy bại đã hiện ra ngoài rồi. Bởi con cái của họ tất nhiên cũng sẽ không học được “hiếu đạo”, cho dù cả đời này họ có cố gắng đến đâu thì đến sau cùng cũng chỉ là con số không.
Vì vậy chúng ta không nên dùng cảm tính để xây dựng cuộc đời, bởi vì cảm tính thì luôn luôn có sự thiên lệch, chúng ta nên phải dùng lý trí để đối xử.
Hiện nay người ta thường nhắc đến IQ, EQ, CQ và HQ. Đây đều là sản phẩm của người nước ngoài. Nếu họ làm mọi thứ trở nên đơn giản hơn thì như thế nào? Họ không phức tạp hóa vấn đề thì sẽ không có bản quyền để mà giữ.
Thật ra rất nhiều đạo lý về bản chất cũng chỉ là một nhưng lại được nói ra thành nhiều thứ, khiến chúng ta cũng không biết phải từ phương hướng nào để đi. Cái gì được gọi là EQ? Daniel Goleman viết rằng EQ (Emotional Quotient) được gọi là chỉ số tình cảm. Còn IQ là gì? Đó là chỉ số thông minh (Intelligent Quotient). Hai cái này phân biệt như thế nào?
Biết nói lời ngon tiếng ngọt được gọi là chỉ số tình cảm, có phải không? Cái gì được gọi là chỉ số thông minh? Trí lực tốt là chỉ số thông minh. Hai cái này là hai thứ khác nhau sao? Ví dụ như có một người nam nói là: “Tôi rất có lý trí, tôi phải chăm chỉ kiếm tiền nên không có thời gian ở bên cạnh con cái. Tôi phải ngủ ở công ty” thì người này có lý trí không? Ông ấy vỗ ngực mà nói là: “Tôi vì gia đình mà phải ra sức làm việc”.
Nghe thì có vẻ rất có lý trí, nhưng điều này đâu có lý trí chứ. Có lý trí là phải có thể phát triển cuộc sống một cách toàn diện. Các vị nói tình cảm của người này rất phong phú, vô cùng thương yêu con cái, việc gì cũng không để cho con cái làm, như vậy có được gọi là chỉ số tình cảm không? Quá yêu thương con cái là làm hại chúng.
Trong tình cảm mà không có trí tuệ thì gọi là phóng túng tình cảm. Trong trí tuệ mà không có tình cảm thì được gọi là bạc tình. Rất nhiều nhà doanh nghiệp tạo dựng sự nghiệp rất lớn nhưng vợ và con cái của họ đã đi đâu? Ngay cả vợ cũng chào tạm biệt họ. Họ cũng không hiểu tại sao vợ lại bỏ họ. Có những người như vậy không? Bởi vì người vợ cảm thấy có nói với họ thì họ cũng không hiểu.
Cái gì là tình? Cái gì là trí? Người có “chân tình” thì tất có “chân trí”. Người có “chân trí” tất có “chân tình”. Tình và trí là một chẳng phải hai thì mới là chân tình, chân trí. Rõ ràng là một cái tâm chân thật mà lại nói ra thành nhiều thứ như vậy, làm cho chúng ta không biết phải đi theo hướng nào.
Bởi vậy, cho dù chú Lư có bận gì đi nữa thì chú vẫn kiên trì chủ nhật hàng tuần đều ăn cơm cùng với gia đình. Xin hỏi: Đây là chỉ số tình cảm hay là chỉ số thông minh vậy? Bởi vì có cảm tình chân thật, có lý trí chân thật đối với vợ con thì chú mới có thể loại bỏ trăm ngàn khó khăn để chăm lo cho gia đình.
Chúng ta học được những đạo lý và thái độ làm người này của Thánh Hiền thì mới được gọi là sống cuộc đời chân tình, chân nghĩa, chân trí tuệ. Quý vị bằng hữu cảm thấy chỉ số tình cảm của tôi tốt hay chỉ số thông minh của tôi tốt? Bởi vậy, chúng ta nên “y pháp bất y nhân” để học tập theo “Đệ Tử Quy”, học tập theo “Tứ Thư”. Chúng ta không nên đi sâu vào nghiên cứu những danh từ chuyên môn này nữa, bởi khi đã vào rồi thì khó mà tìm được đường ra.
Đây là “sắp cho người, trước hỏi mình. Mình không thích, phải mau ngưng”. Chúng ta có lý trí để thấu hiểu cảm nhận của người khác thì sẽ không bắt buộc người khác phải tiếp nhận những gì mà họ không muốn.