15.4 C
London
Thứ Bảy, Tháng Ba 22, 2025
Trang chủĐệ tử quyĐệ Tử Quy Chương III: "Không Sợ Khó" (P1)

Đệ Tử Quy Chương III: “Không Sợ Khó” (P1)

Date:

Bài Viết Liên Quan

spot_imgspot_img

Đệ Tử Quy Chương III: “Không Sợ Khó” (P1)

Đệ Tử Quy Chương III: “Không Sợ Khó” (P1). “Không sợ khó” chính là không sợ gian nan. Trong “Trung Dung” có một câu giáo huấn rất quan trọng: “Người ta dụng công một, ta dụng công một mà không được thì phải cố gắng gấp trăm. Người ta dụng công mười, ta dụng công mười mà không được thì phải cố gắng gấp nghìn”.

3.10  Kinh văn – Đệ Tử Quy

“Sự vật mang, mang đa thố. Vật úy nan, vật khinh lược”.

 “Chớ làm vội, vội sai nhiều. Không sợ khó, chớ qua loa”.

(Tiếp theo phần trước)

3.10.2 “Không sợ khó” – Đệ Tử Quy

“Không sợ khó” chính là không sợ gian nan. Trong “Trung Dung” có một câu giáo huấn rất quan trọng: “Người ta dụng công một, ta dụng công một mà không được thì phải cố gắng gấp trăm. Người ta dụng công mười, ta dụng công mười mà không được thì phải cố gắng gấp nghìn”. Nghĩa là người ta làm một lần thì thành công, còn chúng ta cho dù có hơi ngốc nghếch thì cứ làm một trăm lần rồi cũng sẽ làm được thôi.

Người ta làm mười lần thì được, cho dù chúng ta phải làm một nghìn lần mới được thì cũng phải có nghị lực để làm. Giả như ai cũng giữ thái độ như vậy để đối mặt với sự việc, thì “tuy ngu tất minh”, nghĩa là tuy bản chất hơi ngu độn nhưng rồi cũng sẽ được khai trí tuệ; “tuy nhu tất cường”, tuy yếu nhưng rồi sẽ được mạnh.

Khi chúng ta dùng thái độ như vậy đối mặt với sự việc, nhiều lần như vậy sẽ không còn bị chính mình đánh bại nữa, không vì sợ hãi mà thoái lui nữa.

Cô Dương Thục Phương cũng thường nói rằng cô luôn luôn cổ vũ khích lệ bản thân. Mạnh Tử nói: “Vua Thuấn là ai? Vua Vũ là ai? Họ làm được thì ta cũng làm được”. Vì vậy cô nói: “Chắc chắn tôi có thể làm được”. Bởi vì người làm bạn với quý vị lâu nhất là ai? Là chính mình. Vì vậy, phải luôn luôn tự khuyến khích, tự cổ vũ chính mình. Việc này rất quan trọng.

Trong hai năm dạy học, tôi đã nhận thức được: “Đức hạnh là nền tảng cả cuộc đời của đứa trẻ”. Vì vậy, nhân lúc còn trẻ tôi phải thâm nhập văn hóa truyền thống, nên tôi đã xin nghỉ việc. Cha tôi nói: “Giáo dục chính là kế hoạch trăm năm, làm công việc này rất khó khăn, con nên suy nghĩ cho kỹ”. Tôi nói với cha, phân tích để cho cha thấy rằng trong lịch sử, người thật sự có cống hiến tuyệt đối chẳng phải là người giàu có hay là người có quyền lực.

Chúng ta xem Khổng Lão Phu Tử có giàu có không? Khổng Lão Phu Tử có quyền thế không? Không có, Ngài chỉ dựa vào tấm lòng chân thành. Thầy của tôi là Pháp sư Tịnh Không cũng không giàu có, không có quyền lực, nhưng do có lòng chân thành, Ngài đã đem chính (chính) pháp và học vấn của Thánh Hiền hoằng dương khắp thế giới. Vì vậy, chúng ta hiểu rằng sự thành bại của công việc tuyệt đối không phải là vật ở bên ngoài, mà tâm chân thành mới là căn bản. Khi chúng ta hiểu điều này thì sẽ không dễ gì bị chùn bước.

Sau đó cha tôi nói: “Giáo dục thật sự cần phải mất thời gian rất lâu, thậm chí phải một trăm năm mới thấy được kết quả”. Tôi nói với cha tôi: “Thế hệ này của chúng ta không phải là mong nhìn thấy văn hóa truyền thống đơm hoa kết trái. Thế hệ này của chúng ta chỉ cần nhìn thấy văn hóa truyền thống không bị đứt đoạn trước mắt chúng ta, vậy là con đã được an ủi lắm rồi”.

Sau đó tôi đến Úc học tập, tôi đã khởi lên hai ý niệm. Ý niệm thứ nhất là hy vọng có được một giáo viên giỏi về văn hóa truyền thống. Ý niệm thứ hai là hy vọng có được một vị trưởng bối, một vị thầy giỏi ở bên cạnh, bởi vì bản thân tôi đức hạnh còn kém, có rất nhiều thói quen xấu.

Nếu được như vậy thì quá tốt rồi! Vì vậy tôi đến Úc, khi đi học thì cô Dương Thục Phương ngồi ở bên trên giảng về những câu chuyện “đức dục” (giáo dục đạo đức) cho chúng tôi nghe, còn chú Lư thì ngồi ở bên cạnh tôi, cả hai vị trí này đều đã có đủ rồi.

Quý vị bằng hữu, cảnh giới mà các bạn chiêu cảm được, mối quan hệ giữa người với người mà các bạn chiêu cảm được, căn bản thật sự là từ đâu? Từ trong tâm của quý vị. Vì vậy, tâm là “năng cảm”, cảnh giới là “sở cảm”. Giả như tâm của chúng ta luôn luôn đối lập, có nhiều tranh chấp, thì mối quan hệ của chúng ta với mọi người sẽ như thế nào?

Xung đột không ngừng. Khi trong tâm ta niệm niệm đều là mong muốn có thể được cống hiến, thì tự nhiên sẽ chiêu cảm được rất nhiều người giúp đỡ chúng ta. Vì vậy không nên sợ khó khăn, chỉ cần chúng ta có tâm chân thành thì rất nhiều sự trợ lực sẽ liên tiếp đến với chúng ta.

Đệ Tử Quy Chương III: "Không Sợ Khó, Chớ Qua Loa" (P1)
Đệ Tử Quy Chương III: “Không Sợ Khó” (P1)

Tháng chín năm trước, cô Dương Thục Phương đưa tôi đến Hải Khẩu. Ở được một tuần thì chúng tôi đến Khúc Phụ tỉnh Sơn Đông. Bởi vì chúng tôi hoằng dương văn hóa truyền thống nên trước tiên nhất định phải đến lễ bái Khổng Lão Phu Tử, vì Khổng Lão Phu Tử là bậc Thánh nhân cống hiến nhiều nhất cho văn hóa truyền thống.

Trong chuyến đi của chúng tôi đến Khúc Phụ – Sơn Đông, cô Dương vô cùng xúc động khi nhìn thấy rất nhiều di tích cổ tại di tích Tam Khổng (Khổng Miếu, Khổng Lâm và Khổng Phủ) bị phá hoại. Tất cả những bia mộ ca ngợi Khổng Phu Tử hầu như đều bị đập phá. Vì vậy cô Dương nói với tôi, vừa nhìn thấy là cô có sự cảm nhận sâu sắc văn hóa truyền thống đã xuống dốc trầm trọng. Vì vậy, chúng ta không thể không làm.

Cô liền quyết định ở Bắc Kinh thiết lập một trang web về văn hóa truyền thống có tính toàn cầu, là trang web “Đại Phương Quảng Văn Hóa Công Ích”. Cô Dương nói với tôi: “Em về một mình đi!”.

Khi tôi đến Hải Khẩu, cha tôi còn đặc biệt dặn dò tôi nhất định phải đi theo cô Dương cố gắng học tập. Nhưng rốt cuộc người tính không bằng trời tính, đi được một tuần lễ thì tôi đã phải một mình làm, hơn nữa một mình ở xứ người.

Vì vậy, khi cô Dương nói với tôi là “em về một mình đi”, thì trong tâm tôi bỗng nhiên khởi lên lời giáo huấn của Khổng Lão Phu Tử: “Kẻ sĩ không thể thiếu lý tưởng lớn và chí kiên cường, vì họ phải gánh vác trách nhiệm lớn lao mà đường phía trước còn xa. Gánh điều nhân chẳng phải rất nặng sao? Đến chết mới được ngừng nghỉ chẳng phải đường dài sao?”.

Thật sự rất nhiều việc chúng ta làm, không nên trước tiên nghĩ quá nhiều về những điều gây phiền não. “Làm sao có thể hoàn toàn như ý người, chỉ cầu lòng mình không hổ thẹn”. Chỉ cần đúng phương hướng thì chúng ta cứ tận tâm tận lực làm là được.

Vì vậy, sau khi tôi trở lại Hải Khẩu liền đi diễn giảng khắp nơi. Tôi hỏi cô Dương: “Em cần phải học tập như thế nào?”. Cô Dương trả lời vô cùng ngắn gọn: “Hiện giờ mục tiêu của em trước tiên là phải diễn giảng 300 lần”. Vì vậy, rất nhiều người hỏi tôi: “Thầy Thái à! Thầy sẽ diễn giảng như thế nào?”. Tôi cũng trả lời rất ngắn gọn: “Trước tiên tôi giảng 300 lần”, vì tôi đã được cô Dương huấn luyện như vậy.

Buổi diễn giảng đầu tiên ở Hải Khẩu, đối diện với hơn ba trăm thầy cô giáo, quý vị có thể nhận thấy tôi bị căng thẳng không? Có nhận ra không? Quý vị nhìn thấy tôi gầy như vậy, sao mà không căng thẳng chứ? Người gầy thì dạ dày không được tốt! Tôi còn nhớ lúc tôi thi đại học, quá căng thẳng nên không ngủ được, phải uống hai viên thuốc an thần mà vẫn không có tác dụng.

Thật sự không phải là không có tác dụng, mà sáng ngày hôm sau mới có tác dụng. Lần thi đó thật sự làm cho đầu óc tôi choáng váng. Sau này vì có thâm nhập Kinh điển nên tôi mới biết được câu “lý đắc tâm an”, rất nhiều việc không thể cưỡng cầu mà phải từ từ điều chỉnh tính cách của mình.

Vì vậy, trước ngày diễn giảng tôi tranh thủ đến trước Thánh tượng của Khổng Lão Phu Tử lạy ba lạy, xin các vị Thánh Hiền gia hộ cho con hôm nay được ngủ ngon để ngày mai có tinh thần giảng bài. Kết quả là rất có cảm ứng, tôi ngủ một giấc đến sáng. Bắt đầu từ lần diễn giảng đó thì tôi không ngừng tiến bước, chỉ cần có cơ hội thì tôi liền đi giảng. Bởi vì thật sự là ở gia đình, trong đoàn thể hay ở trong nhà trường, thiếu sót nhiều nhất là sự giáo dục về đức hạnh.

Do bản thân được tôi luyện qua nhiều lần diễn giảng nên năng lực của tôi mới có tiến bộ. Vì vậy vào giữa tháng bảy, ở Hải Khẩu tôi giảng chủ đề: “Bốn ngàn năm trăm năm trước tổ tiên chúng ta đã giáo dục con cháu như thế nào?”. Khi giảng chủ đề này, tôi đã giảng tổng cộng tám tiếng đồng hồ. Bài giảng này tôi cũng đã giảng gần mười lần, giảng đến giữa tháng mười một thì đến Hồng Kông để thu hình.

Cùng một chủ đề nhưng lần thứ nhất giảng tám tiếng đồng hồ, sau hơn ba tháng thì giảng bốn mươi tiếng đồng hồ, gấp năm lần. Con người có tiềm năng rất lớn, chỉ cần quý vị chịu rèn luyện, chịu sự tôi luyện là được.

Cách đây hai năm, lần giảng đầu tiên của tôi là vào ngày 11 tháng 10. Vào ngày 13 tháng 07 năm trước, ở Hải Khẩu tổ chức diễn giảng năm ngày. Có một số người bạn đã gần một năm không gặp tôi, trong lúc tôi giảng bài nhìn thấy họ rất quen, tôi liền mời họ phát biểu về lần diễn giảng đầu tiên của tôi so với một năm sau có khác lắm không?

Vị thầy giáo đó nói: “Khác rất nhiều!”. Thầy đó nói thật là thẳng thắn. Vì vậy, con người chúng ta thật sự có tiềm năng rất lớn. Quý vị không nên lo lắng. Khi quý vị thật sự quyết tâm, phát tâm thì rất nhiều trợ lực tự nhiên sẽ đến.

Khi ở Hải Khẩu, chúng tôi muốn tìm một nơi để làm trung tâm dạy học. Lần đầu tiên đến gia đình của một người phụ nữ ở Sơn Đầu, tôi đã nói chuyện với người phụ nữ này hai tiếng đồng hồ. Người Sơn Đầu rất chú trọng hiếu đạo, vì vậy cô ấy vừa nghe chúng tôi muốn hoằng dương văn hóa truyền thống thì trong lòng rất vui, lập tức đồng ý cho tôi sử dụng chỗ của cô để giảng miễn phí.

Tối hôm đó, trên đường trở về nhà tôi đã rơi nước mắt. Thật sự chúng ta phải tin vào chân lý: “Ông trời không thiên vị, thường giúp cho người lành”. Tôi ở đó một mình, cũng chưa từng tiếp xúc với quan chức địa phương, tất cả đều là bạn bè ở địa phương đó giúp đỡ tôi. Khi chúng ta có lòng chân thành thì có thể thức tỉnh chân tâm của mọi người. Vì vậy, chỉ trong có mấy tháng ở đó mà chúng tôi đã phát triển rất nhanh.

Vào năm trước, có một vị giáo viên ở Thẩm Quyến mời tôi đến giảng. Vì vậy chúng tôi đã đến Thẩm Quyến bắt đầu giảng vào ngày 15 tháng 03. Sau tháng ba thì một tuần tôi ở Thẩm Quyến, một tuần ở Hải Khẩu, cứ bay qua bay lại như vậy.

Cho đến giữa tháng bảy năm ngoái, bởi vì là nghỉ hè, cô Dương nói thời gian nghỉ hè giáo viên tương đối có thời gian để học tập, chúng ta nên tổ chức bốn lần diễn giảng “Nghiên cứu về công tác giảng dạy của giáo viên với quy mô lớn”, một lần giảng năm ngày. Vì vậy, chúng tôi đã tổ chức buổi đầu tiên ở Hải Khẩu vào ngày 13 tháng 07. Vào ngày 11 tháng 07, bầu trời ở Hải Khẩu xuất hiện tám ngôi sao, mà các ngôi sao đó quý vị cảm thấy giống như đang được treo trên mái nhà của mình vậy, cảm thấy rất gần.

Tôi không chính mắt nhìn thấy, nhưng ngày hôm sau giáo viên ở trung tâm đem tờ báo cho tôi xem, nói rằng tất cả các nhà thiên văn đều không tìm thấy lai lịch của tám ngôi sao đó, bởi vì vài tiếng đồng hồ sau thì các ngôi sao đó không còn xuất hiện nữa. Khi tôi xem bài báo này, trong đầu lập tức hiện ra tám chữ: “Hiếu, Đễ, Trung, Tín, Lễ, Nghĩa, Liêm, Sỉ”.

Chúng ta hãy suy nghĩ, hiện nay gia đình cũng vậy, xã hội cũng vậy, quốc gia cũng vậy, vấn đề là ở chỗ nào? Ở chỗ thiếu sự giáo dục về đức hạnh. Chỉ cần giáo dục về đức hạnh được phổ biến rộng rãi, tin rằng chúng ta có thể thiết lập lại thời đại hưng thịnh của người xưa. Vì vậy, lần diễn giảng vào giữa tháng bảy chúng tôi đã thực hiện năm ngày, tổ chức tại một nhà hàng cao cấp. Tại sao tổ chức ở một nhà hàng cao cấp như vậy?

Vào cuối tháng sáu, tôi phải trở về Đài Loan nên bạn bè ở đó mời tôi dùng cơm trước ngày tôi đi. Ông chủ nhà hàng cũng đến ngồi dùng cơm cùng chúng tôi. Ông cũng rất thích văn hóa truyền thống. Lúc đó tôi đang giảng “Chu Tử Trị Gia Cách Ngôn”, nghe xong ông rất phấn chấn, ông nói: “Lần sau thầy đến giảng nhất định phải báo để tôi đến nghe”. “Người có đức thì không lẻ loi, sẽ có bạn bè biết tôn trọng đạo đức”.

Buổi nói chuyện với ông diễn ra rất vui vẻ. Ông nói: “Tối nay tôi đưa thầy về, sáng mai tôi đưa thầy ra sân bay”. Đây là lần đầu tiên tôi gặp mặt ông.

Trên đường trở về nhà, ông chủ nhà hàng nói: “Thầy Thái à! Trước kia Khổng Lão Phu Tử dạy học chính là vì có Tử Cống, một vị đệ tử rất giàu có nên Khổng Tử mới có thể dạy học mà không phải lo lắng”. Ông chủ nhà hàng nói câu này là có ý gì?

Chúng tôi nghe xong rất cảm động. Ông nói: “Tầng trên nhà hàng của tôi có một phòng chuyên dùng cho hội nghị, có thể ngồi được hơn một trăm người, máy lạnh cũng rất tốt”. Bởi vì ở Hải Khẩu rất nóng, trung tâm của chúng tôi lại không có máy lạnh, tôi lo lắng đến khi tổ chức sợ rằng mỗi người phải dùng khăn tay lau mồ hôi.

Đột nhiên nghe ông chủ nhà hàng nói như vậy, tôi lập tức trả lời: “Vậy chúng tôi có thể mượn chỗ của ông được không?”. Ông trả lời: “Không thành vấn đề!”. Vì vậy tôi trở về Đài Loan mà trong lòng không còn lo lắng nữa.

Sau khi quay lại, từ ngày 13 đến ngày 17 tháng 7 thì tổ chức xong. Sau khi tổ chức xong, chúng tôi muốn thanh toán tiền thì nơi đó nói rằng: “Tất cả chi phí đã được trả hết rồi, không cần phải trả nữa”. Chúng tôi giật mình: “Ăn uống hết năm ngày sao mà không trả tiền chứ?”. Tìm hiểu kỹ thì mới biết bà chủ nhà hàng ngồi ở phía sau nghe giảng năm ngày. Khi nghe giảng trong lòng bà ấy rất cảm động.

Bà nói: “Con tôi đều đã mười mấy tuổi rồi, lúc học tiểu học không được học những điều này”. Bởi vì đến nghe giảng đều là các giáo viên tiểu học, bà hy vọng buổi giảng này được tổ chức tốt khiến cho càng nhiều học sinh có thể có được lợi ích, nên mỗi ngày bà đều thanh toán hết mọi chi phí.

Vì vậy, chúng ta cần phải thông qua cuộc đời của chính mình để thể nghiệm chân lý: “Thật sự chỉ cần có tấm lòng lương thiện, nhất định sẽ có rất nhiều lực lượng đến giúp đỡ chúng ta”.

Quý vị bằng hữu có niềm tin này không? Sao quý vị nói nhỏ vậy? Quý vị có niềm tin này không? “Có!”. “Niềm tin là mẹ của các công đức, nuôi dưỡng tất cả các căn lành”. Thành bại của mọi việc đều ở chữ tín. Giả như quý vị không tin con cái mình “nhân chi sơ, tính bổn thiện”, thì quý vị rất khó dạy chúng được tốt.

Giả như quý vị không tin chồng mình “nhân chi sơ, tính bổn thiện”, thì rất có thể quý vị sẽ xung đột với chồng. Giả như chúng ta không tin lời của Thánh Hiền nói “nhân chi sơ, tính bổn thiện”, chúng ta sẽ cách xa Kinh điển một khoảng. Vì vậy, niềm tin rất quan trọng.

Chúng tôi liên tục tổ chức lớp học ở Thẩm Quyến, Bắc Kinh, Thượng Hải, Hàng Châu, An Huy, Lô Giang, Sơn Đầu, Hạ Môn và ba nước Đông Nam Á. Tất cả chương trình đều được tổ chức miễn phí. Bởi vì trong quá trình giảng dạy có rất nhiều người cảm động nên đã chủ động bỏ tiền ra tổ chức chương trình, còn đưa tiền cho chúng tôi, muốn chúng tôi in sách hoằng dương rộng rãi. Vì vậy, chúng tôi vốn là định tổ chức bốn kỳ, nhưng sau khi tổ chức xong bốn kỳ thì nhiều nơi đều yêu cầu chúng tôi đến giảng. Tất cả nhân duyên đều đã được mở ra.

Vì vậy, khi quý vị có tâm muốn làm, quý vị không cần lo lắng. Chúng ta cố gắng nâng cao năng lực của mình thì nhân duyên tự nhiên từ từ sẽ được sắp xếp, sự việc sẽ được an bài. Sự việc được sắp xếp, mọi việc sẽ được thuận lợi. Ông trời rất từ bi.

Khi ông Trời biết quý vị chỉ có thể gánh được hai mươi ký thì ông sẽ để cho quý vị gánh hai mươi ký, nhưng quý vị cần phải luyện thể lực hàng ngày mới được. Đợi lúc quý vị có thể gánh được năm mươi ký thì sẽ cho quý vị gánh năm mươi ký, sẽ không ép chết quý vị đâu. Quý vị xem tôi nhỏ con như thế này cũng không bị đè chết mà.

Tôi nhìn lại thì thật sự là như vậy! Năm đầu tiên họ không để tôi làm giáo viên chủ nhiệm, bởi vì kinh nghiệm của tôi còn non nớt, chỉ làm giáo viên bộ môn khối lớp bốn. Năm thứ hai dạy lớp sáu, trình độ khó hơn một chút. Sau đó thì dạy lớp khó dạy nhất trong trường. Mức độ khó dần dần tăng lên. Sau khi dạy xong lớp đó thì được điều đi Hải Khẩu, cũng để cho tôi từ từ rèn luyện. Vì vậy quý vị chỉ cần có tâm, không nên lo lắng, ông trời sẽ tự an bài.

Xem mời xem tiếp phần sau: “Không sợ khó” (p2)

PHẬT TỬ THẤY TỐT, CÓ ÍCH CHO NGƯỜI CHO MÌNH XIN CHIA SẺ BÀI VIẾT
NAM MÔ QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT
Ngưỡng nguyện Đức Bồ-tát Quán Thế Âm gia hộ cho kẻ mù Được thấy, kẻ Điếc Được nghe, người Đau khổ Được an vui.
--------------------------------------
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Nam Mô A Di Đà Phật
--------------------------------------

Subscribe

- Never miss a story with notifications

- Gain full access to our premium content

- Browse free from up to 5 devices at once

Bái viết mới nhất

spot_img