Đệ Tử Quy Chương III: “Chớ Làm Vội, Vội Sai Nhiều”
Contents
Đệ Tử Quy Chương III: “Chớ Làm Vội, Vội Sai Nhiều”. Vội vàng sẽ gây hỗn loạn. Vì vậy, cách để đối trị sự hỗn loạn là cần phải thong thả. Thong thả có thể tránh được điều đáng tiếc, có thể tránh được điều sai lầm.
3.10 Kinh văn – Đệ Tử Quy
“Sự vật mang, mang đa thố. Vật úy nan, vật khinh lược”.
“Chớ làm vội, vội sai nhiều. Không sợ khó, chớ qua loa”.
3.10.1 “Chớ làm vội, vội sai nhiều” – Đệ Tử Quy
Vội vàng sẽ gây hỗn loạn. Vì vậy, cách để đối trị sự hỗn loạn là cần phải thong thả. Thong thả có thể tránh được điều đáng tiếc, có thể tránh được điều sai lầm. Luôn luôn sắp xếp đâu ra đó thì làm việc rất ít bị sai sót. Cho nên, phải hiểu được cách tiến thoái, lúc cần thoái thì không nên cố, để tránh rước họa vào thân.
Việc “chớ làm vội” này cần phải kết hợp với nhiều câu giáo huấn về phương diện cẩn thận thì quý vị mới có thể làm việc được tốt.
Ví dụ trước đây có nói đến “nón quần áo, để cố định, chớ để bừa, tránh dơ bẩn”, đây là thói quen lấy ở chỗ nào thì để lại chỗ đó, “động vật quy nguyên, vật hữu định vị” (để đồ vật về chỗ cũ, vật nào chỗ đó). Nếu để đồ vật ở vị trí cố định thì khi cần lấy quý vị sẽ không bị loạn. Khi đã lấy xong cũng phải để lại vị trí ban đầu.
Ví dụ chúng ta dùng vòi hoa sen để tắm thì sau khi tắm xong phải chỉnh vòi nước lại vị trí cũ (để nước chảy ra ở rô-bi-nê bên dưới). Nếu không, thì khi người khác sử dụng, họ vừa mở nước sẽ kêu thất thanh, toàn thân họ sẽ bị ướt hết. Cho nên có rất nhiều việc chúng ta phải cẩn thận, phải thận trọng.
Khi quý vị muốn rời khỏi nơi đó, quý vị cần phải kiểm tra kỹ lưỡng thì mới không gây phiền phức cho mình và cho người khác. Chúng ta phải thận trọng từ lúc ban đầu và cho đến lúc cuối cùng. Vì vậy, đồ vật dùng xong nên kiểm tra lại một lượt xem có trả về đúng vị trí cũ chưa. Như vậy thì khi bản thân mình muốn dùng hay người khác muốn dùng sẽ dễ dàng tìm thấy.
Khi chúng ta muốn ra khỏi nhà, ví dụ muốn đi một tuần lễ thì cần phải kiểm tra xem đã khóa nguồn gas, ngắt nguồn điện chưa. Nếu không, giả như chưa khóa vòi nước, thì lúc trở về không biết đã chảy mất bao nhiêu nước, đã lãng phí hết bao nhiêu nước rồi. Vì vậy, đồ đạc đã sử dụng xong cần phải trả nó về chỗ cũ thì mới không lãng phí vô nghĩa.

Tôi nhớ có một lần bị mất điện trong khi tôi đang sử dụng máy nước nóng. Bởi vì cúp điện đột ngột nên tôi tiện tay tắt công tắc điện nhưng tôi đã quên tắt máy nước nóng, không trả lại vị trí ban đầu. Sau đó tôi đi diễn giảng khoảng hơn ba tiếng đồng hồ mới trở về. Khi trở về thì đã có điện, nên nước cứ thế mà chảy. Trở về nhìn thấy cảnh tượng như vậy, trong lòng tôi rất xót.
Vì sự bất cẩn nhỏ của mình đã lãng phí của con cháu chúng ta bao nhiêu là nước. Vì vậy, cần phải cẩn thận. “Chớ làm vội, vội sai nhiều”. Khi đã mở công tắc thì cũng phải nhớ tắt đi thì mới không đến nỗi lãng phí, thậm chí mới không đến nỗi gây ra nguy cơ chập điện. Đây là “chớ làm vội, vội sai nhiều”.
Khi chúng ta thường xuyên sử dụng những công cụ nhắc nhở thì chúng cũng có thể giúp cho chúng ta không đến nỗi quên trước quên sau. Do đó, khi chúng ta đã hứa với người khác thì hãy nhanh chóng ghi vào lịch làm việc. Mỗi ngày ngủ dậy thì xem lại lịch làm việc, việc nào đã làm xong thì đánh dấu, việc nào chưa làm thì nhắc nhở mình nhanh chóng đi làm. Nếu như trẻ em ngay từ nhỏ đã có thái độ này thì chúng sẽ rất cẩn thận, cũng rất có trách nhiệm.
Có quý vị nào có con đang học lớp một không? Giả như con của quý vị đang học lớp một, hôm nay gọi điện về nói: “Mẹ ơi, con quên mang quyển bài tập ngữ văn rồi. Hôm qua con đã làm xong, tiết học sau thầy giáo sẽ kiểm tra bài, mẹ nhanh mang đến giúp con nhé!”. Quý vị bằng hữu sẽ làm gì? Người làm cha, làm mẹ khi nghe: “Mẹ ơi! Mẹ còn nghĩ ngợi gì nữa? Nhanh mang đến giúp con đi!” thì rất nhiều phụ huynh sẽ mang đến.
Tuy là việc làm rất nhỏ, nhưng là làm đúng hay sai, đối với tâm lý của các cháu có thể sẽ khác nhau một trời một vực.
Chú Lư đã từng kể với tôi, lần đầu tiên con gái chú không mang vở bài tập theo, gọi điện thoại về nhà nhờ cha mang đến, chú Lư đã trả lời với con gái: “Bản thân mình không mang vở theo là đã có lỗi rồi, con phải chịu trách nhiệm về việc làm của mình, đáng bị phạt thì phải bị phạt”. Chú liền cúp điện thoại. Quý vị bằng hữu, quý vị có cúp điện thoại được không? Giáo dục con cái phải vừa đánh vừa xoa, lúc cần phải nghiêm khắc thì nghiêm khắc, lúc cần nguyên tắc thì phải có nguyên tắc với chúng.
Buổi chiều con gái chú trở về vẻ mặt như thế nào? Rất khó coi. Khi con gái bước vào cửa, có cần tiếp tục trách mắng nữa không? Giáo huấn thêm một trận nữa thì hơi quá đáng. Cúp điện thoại là đã quá nghiêm khắc rồi, tiếp theo là phải ban ân huệ. Vì vậy chú Lư nói với con gái: “Con có bị thầy giáo trách mắng không? Có bị phạt không?”.
Cô con gái gật đầu nói: “Dạ có!”. Chú Lư liền nói : “Ba sẽ dạy cho con một phương pháp, từ nay về sau con sẽ không bị phạt vì quên không mang theo vở bài tập nữa”. Vốn vẫn còn chút hoang mang, đột nhiên nghe cha nói câu này thì cô con gái lấy lại tinh thần.
Chú Lư liền nói với con gái: “Chỉ cần con dùng sổ liên lạc xem ngày mai có tiết học gì, nên mang theo những gì rồi ghi chú lại. Trước khi đi ngủ thì soạn sách vở, cái nào đã cho vào cặp xong thì đánh dấu một cái. Tất cả đã chuẩn bị xong thì có thể ngủ được ngon giấc”.
Khi các em phạm sai lầm thì đây là cơ hội tốt để dạy chúng. Giả như quý vị chỉ có nổi giận thôi thì cơ hội này sẽ mất đi. Vì vậy, hãy để cho các em ngay từ nhỏ biết dùng sổ ghi chép để nhắc nhở mình những thứ gì cần mang theo thì chúng sẽ không bị quên cái này, quên cái kia. Đến lúc phải đi mà vẫn còn ở đó tìm đồ thì có thể sẽ làm hỏng việc.
Đương nhiên muốn cho các em “chớ làm vội, vội sai nhiều”, làm việc không vội vàng, không lộn xộn, thì trước tiên bản thân mình làm việc gì cũng phải làm ra tấm gương tốt mới được.
Tôi nhớ, khi mười mấy tuổi, tôi thường ngồi xe của ba tôi. Ba tôi có một câu nói rất quen thuộc trong lúc lái xe là: “Làm gì mà vội vàng vậy? Có gấp cũng không hơn được năm phút mà”. Câu nói này của ba tuy nhẹ nhàng nhưng có sự ảnh hưởng rất lớn đối với tôi. Sau này tôi biết lái xe rồi, khi muốn lái xe nhanh thì tôi nhớ đến câu nói của ba tôi.
Ba tôi từ trước đến giờ không bao giờ bấm còi, bởi vì ông cảm thấy không cần phải vội vàng. Vì vậy, tôi lái xe cũng không bấm còi. Đương nhiên có một số tình huống cũng cần phải bấm còi, như khi quý vị hoàn toàn không nhìn thấy được xe của đối phương ở phía trước thì phải bấm còi báo hiệu, còn bình thường có thể nhường cho người khác thì nên nhường.