Đệ Tử Quy Chương II: “Gặp Trên Đường, Nhanh Đến Chào”
Contents
- 1 Đệ Tử Quy Chương II: “Gặp Trên Đường, Nhanh Đến Chào”
- 2 5. Kinh văn – Đệ Tử Quy
Đệ Tử Quy Chương II: “Gặp Trên Đường, Nhanh Đến Chào”. Khi đi trên đường mà gặp người lớn thì chúng ta phải chủ động bước đến chào hỏi.
5. Kinh văn – Đệ Tử Quy
“Lộ ngộ trưởng, cấp xu ấp. Trưởng vô ngôn, thoái cung lập. Kỵ hạ mạ, thừa hạ xa. Quá do đãi, bách bộ dư”.
“Gặp trên đường, nhanh đến chào, người không nói kính lui đứng. Phải xuống ngựa, phải xuống xe, đợi người đi, hơn trăm bước”.
5.1 “Gặp trên đường, nhanh đến chào. Người không nói, kính lui đứng” – Đệ Tử Quy
Khi đi trên đường mà gặp người lớn thì chúng ta phải chủ động bước đến chào hỏi. Tôi cũng đã từng nghe mẹ tôi nói có một số học trò mẹ từng dạy nhưng gặp bà trên đường thì lập tức tránh né chứ không có bước đến chào. Quý vị bằng hữu, tình trạng này là do nguyên nhân gì tạo nên? Đương nhiên là có rất nhiều tình huống.
Ví dụ chúng tôi làm giáo viên nhưng chưa đủ thân với các em, nên các em đều bỏ chạy. Cũng có khả năng các em này từ nhỏ không quen hành lễ với người lớn. Khi các em không chủ động hành lễ với người lớn là do các em không hiểu cách đối nhân xử thế này. Do đó chúng ta cũng phải nói cho các em biết, gặp người lớn nhất định phải bước đến cúi đầu chào hỏi. Đây là lễ nghi khi gặp nhau.
Quý vị bằng hữu, cúi chào có dễ hay không? Bây giờ bảo quý vị cúi người chín mươi độ để chào một người thì có thể rất nhiều vị không quen. Ở Thẩm Quyến có một trường mẫu giáo huấn luyện các em cúi chào. Đã huấn luyện khoảng một – hai tháng, vẫn tiếp tục đang tập cúi chào. Phải khiến cho động tác này nội hóa thành tâm cung kính của chúng.
Có một cậu bé, mẹ của cậu có ba chị em, cha của cậu có bốn chị em nhưng chị em của mẹ cậu chưa có con, chị em của cha cậu cũng chưa có con, chỉ có một mình cậu là cháu nên có nhiều người quan tâm cậu. Quý vị bằng hữu, cậu bé này có dễ nuôi không? “Khó nuôi!”. Sao quý vị biết vậy? Ông bà ngoại, ông bà nội và rất nhiều người lớn cưng chiều cậu.
Có một lần, ông nội của cậu nói với những người lớn này: “Nhìn thấy đứa cháu nội này giống như nhìn thấy tôi vậy. Lời đứa cháu này nói ra chính là lời tôi nói. Nếu như ai đánh nó chính là đánh tôi”. Tình trạng này tiếp diễn thì đứa bé này sẽ như thế nào? Nó sẽ xem trời bằng vung. Cho nên, nếu như người lớn không biết dạy trẻ con như thế nào thì quả thật thương chúng chính là hại chúng.
Chúng ta xem, trẻ con hiện nay rất khó dạy là do nuông chiều. Cha mẹ của em nhìn thấy tình trạng này, lúc đó cũng có cơ duyên bắt đầu học “Đệ Tử Quy”, cảm thấy tình trạng không ổn, cần phải dẫn em về.
Một lần, khi cậu bé này ăn cơm, nhìn thấy thức ăn trên bàn quá ít nó lập tức dùng chân đạp bàn, lùi lại phía sau và nói: “Thức ăn ít quá, con không ăn đâu!”. Như vậy có đúng không? Không đúng! Nhưng mà rất bình thường, bởi vì họ cưng chiều em như vậy, đã nuông chiều em thành ông vua con rồi. Mà vua ăn cơm phải bao nhiêu món vậy? “Một trăm món”. Sao quý vị biết rõ như vậy?
Vì vậy, thức ăn quá ít thì em không ăn. Sau khi mẹ của em dẫn em về, vào buổi sáng đã nấu món cháo rất dinh dưỡng cho em ăn. Em nói với mẹ rằng: “Con chỉ ăn mì, con không ăn cháo!”. Mẹ của em cũng không tức giận, bởi vì “băng dày ba thước không phải do một ngày giá lạnh”, đã hình thành thói quen xấu lâu rồi, bây giờ cần nhẫn nại để điều chỉnh em trở lại. Do đó người mẹ nói: “Con không ăn? Được! Thế thì thôi”. Cuối cùng đến khoảng chín giờ, em nói với mẹ rằng mình rất đói.
Mẹ của em lại bưng bát cháo đó ra, em vẫn không chịu ăn. Hiện nay rất nhiều em nhỏ tính nết rất ương bướng. Làm thế nào đây? Không nên đối đầu với chúng, mà phải mài mòn chúng. Không ăn thì lại cất vào. Chín giờ rưỡi thì em đã đói không chịu nổi. Mẹ em bưng cháo ra thì em liền ăn ngấu nghiến ngay. Sau khi ăn xong còn nói: “Ngon ơi là ngon!”. Đúng rồi! Em không biết nỗi khổ của nhân gian.
Khi gia đình đưa em đi nhà trẻ. Người cha và mẹ này cũng rất để tâm phối hợp với thầy cô giáo, liền dạy em cúi chào. Mẹ của em dắt em đến gặp thầy giáo, bảo em phải cúi chào thầy giáo, nhưng cậu bé đó vẫn đứng yên bất động. Thế là mẹ của em bắt đầu cúi chào thầy rồi nói với em: “Con hãy chào giống như mẹ đi nào!”. Người mẹ này cúi chào khoảng hơn chục lần mà cậu bé vẫn như như bất động.
Nhưng vì đã sắp đến giờ làm, mẹ của cậu bèn vội vàng quay về. Về đến cổng khu phố thì cảm thấy không ổn, vì giáo dục phải cẩn thận ngay từ đầu. Lúc đầu không dạy tốt thì về sau muốn dạy sẽ càng khó khăn. Cô liền gọi điện thoại cho chồng của cô. Chồng cô lập tức vội vàng chạy đến, hai vợ chồng cùng nhau đến trước mặt đứa con nói: “Bây giờ cha dạy con cúi chào, hãy cúi chào thầy đi nào!”.
Sau đó cha của cậu liên tục cúi chào, cũng không biết đã cúi chào bao nhiêu lần. Cậu bé này đứng ở đó òa khóc. Tấm lòng chân thành này của người cha đã làm tan chảy tâm trơ trơ như gỗ đá của cậu. Cậu bé cũng ngay đó cúi chào thầy giáo một cái. Khi cậu có thể cúi xuống chào một lần rồi thì về sau sẽ không còn khó khăn nữa. Cho nên, dạy một đứa trẻ thì sự hợp tác giữa phụ huynh và thầy cô giáo rất quan trọng.
Người mẹ này cũng rất có độ nhạy bén về giáo dục. Bởi vì cậu bé này được nhiều người cưng chiều như vậy nên không có tâm cung kính đối với người khác, nên cô lúc nào cũng đang điều phục cái tâm kiêu ngạo của cậu, hy vọng cậu có thể cung kính. Mỗi lần họ sắp rời khỏi khu phố, bởi vì khu phố đều có nhân viên bảo vệ, nên người mẹ bảo con mình: “Nào! Con hãy chào chú đi nào! Nói con chào chú đi nào!”.
Cậu bé này cũng không chịu chào. Có một lần, mẹ của cậu đứng bên cạnh anh nhân viên bảo vệ này nói với con của mình: “Hôm nay con không cúi chào thì chúng ta không đi được”. Cậu bé vẫn cứng đầu không chịu chào. Bà liền nói với con rằng: “Từ người lãnh đạo quốc gia cho đến tất cả người làm việc, mỗi người đều có cống hiến đối với xã hội, đều đáng để chúng ta tôn kính. Các con tuổi còn nhỏ như vậy cũng cần có cha mẹ chăm sóc, và còn rất nhiều người phục vụ cho con.
Vì vậy con phải chủ động đi cảm ơn chú bảo vệ này, chào hỏi với chú”. Cô giáo dục cậu bé này ngay trước mặt những nhân viên bảo vệ. Khi các em có thể tiếp thu những đạo lý này, có thể cúi chào những người lớn, thì tin rằng thái độ cung kính này sẽ giúp ích vô cùng cho cả đời của trẻ.
Lễ nghi khi gặp mặt chúng ta có thể dùng cúi chào. Giữa người lớn với nhau hiện nay thông thường dùng phương pháp bắt tay. Thật ra, bắt tay là nghi lễ của phương Tây. Thông thường chúng ta cũng đều cúi chào một cái. Đương nhiên khi gặp người lớn thì chúng ta phải “nhanh đến chào”, phải chủ động cúi chào.
Quý vị không được từ xa nhìn thấy ông nội mà cứ từ từ bước đến một cách ung dung thong thả, như thế là không cung kính. Đứng trước người lớn chúng ta có thể hành lễ cúi chào, nếu ngang hàng thì cúi chào thật tự nhiên. Chúng ta thấy hiện nay có bộ phim truyền hình dài tập của Hàn Quốc là “Thương Trường”, khi họ gặp mặt nhau đều cúi chào như thế này, cảm thấy rất thoải mái. Ngay cả nhìn thấy người không ưa họ cũng biết kìm nén lại để hành lễ.