Đệ Tử Quy Chương I: Cha Mẹ Lỗi, Khuyên Thay Đổi (P3)
Đệ Tử Quy Chương I: Cha Mẹ Lỗi, Khuyên Thay Đổi (P3). Trong quan hệ vua tôi, chúng ta cũng phải khuyên can. Người làm bề tôi có trách nhiệm khuyên can vua của họ.
8. Kinh văn – Đệ Tử Quy
“Thân hữu quá, gián sử canh. Di ngô sắc, nhu ngô thanh. Gián bất nhập, duyệt phục gián. Hiệu khấp tùy, thát vô oán”.
“Cha mẹ lỗi, khuyên thay đổi. Mặt ta vui, lời ta dịu. Khuyên không nghe, vui can tiếp. Dùng khóc khuyên, đánh không giận”.
(Tiếp theo phần trước)
Bề tôi khuyên vua
Trong quan hệ vua tôi, chúng ta cũng phải khuyên can. Người làm bề tôi có trách nhiệm khuyên can vua của họ. Nhắc đến khuyên can, chúng ta nhất định sẽ nghĩ đến vị đại thần Ngụy Trưng đời nhà Đường. Ngụy Trưng là người mà tôi cảm thấy rất đáng yêu. Khi ông bắt đầu phò tá Đường Thái Tông, ông nói trước khi sự việc xảy ra và nói rất có nghệ thuật. Ông đã nói với Đường Thái Tông: “Thưa Hoàng Thượng! Thần không muốn làm trung thần, thần muốn làm lương thần”. Đường Thái Tông nghe xong cảm thấy rất buồn bực: “Tại sao khanh không làm trung thần mà muốn làm lương thần vậy?”. Ngụy Trưng liền nói: “Bởi vì làm trung thần đều bị chém đầu, còn làm lương thần mới không bị mất mạng”. Đường Thái Tông nghe vậy liền cười lớn. Thật ra Đường Thái Tông là vị vua thông minh, trong lúc cười lớn ông liền nghĩ: “Trung thần đều bị bạo chúa giết hại. Nếu như ta giết ông ấy, thế ta chẳng phải biến thành bạo chúa trong lịch sử sao?”. Cho nên, lời nói này của Ngụy Trưng đã khiến cho tính mạng của ông trước tiên được bảo đảm rồi.
Khi Đường Thái Tông có lỗi lầm, Ngụy Trưng đều khuyên can thẳng thừng không kiêng kỵ. Ông thường hay nhắc nhở Đường Thái Tông là: “Nước có thể đẩy thuyền, nhưng cũng có thể làm lật thuyền”. Nhân dân có thể ủng hộ Ngài, thành tựu sự nghiệp của Ngài, nhưng khi Ngài không yêu quý nhân dân thì họ cũng có thể lật đổ Ngài. Vì vậy, Đường Thái Tông cũng luôn luôn thận trọng trong việc cai trị đất nước.
Có một lần Ngụy Trưng can gián rất kịch liệt, làm Đường Thái Tông rất tức giận. Sau đó Đường Thái Tông đùng đùng nổi giận đi về tẩm cung, vừa đi vừa hét: “Tức chết đi được! Ta nhất định phải giết hắn”. Hoàng Hậu nhìn thấy vua giận dữ, trong lòng Hoàng Hậu nghĩ chỉ có Ngụy Trưng mới làm vua nổi giận như vậy. Hoàng Hậu liền lập tức đi thay đổi xiêm y vô cùng chỉnh tề, rất chuẩn mực, sau đó đến trước mặt Đường Thái Tông quỳ xuống và nói: “Chúc mừng Hoàng Thượng! Chúc mừng Hoàng Thượng!”. Đường Thái Tông vốn đang tức giận, lại thấy Hoàng Hậu có cử chỉ như vậy thì chẳng hiểu vì sao. Sau đó Hoàng Hậu nói: “Tâu Hoàng Thượng, nhất định sẽ có minh chủ xuất hiện. Minh quân thánh chủ xuất hiện thì mới có bề tôi dám nói thẳng không kiêng dè như vậy”. Cuối cùng, Đường Thái Tông vừa nghe xong liền chuyển giận thành vui: “Vậy ta là minh chủ rồi!”. Một người vợ có thể có ảnh hưởng rất lớn đối với chồng. Nếu như vào lúc này Hoàng Hậu lại nói thêm mấy câu gièm pha Ngụy Trưng thì tôi nghĩ “Trinh Quán Chi Trị” có thể sẽ phải sửa lại.

Sự hưng vượng của một gia đình, sự hưng vượng của một triều đại nhất định đều do công sức của rất nhiều người bỏ ra. Rất nhiều người tham gia thì mới có thể làm được. Chúng ta hiểu rõ được điểm này sẽ biết rằng những thành tựu trong cuộc đời nhất định là do công lao của mọi người, nhất định là có nhiều người cùng chí hướng mới có thể thành tựu. Đường Thái Tông không chỉ có Ngụy Trưng mà còn có Hoàng Hậu bên cạnh và nhiều người hiền đức khác nữa phò trợ.
Khi Ngụy Trưng mất, Đường Thái Tông vô cùng đau lòng. Ông nói: “Ta có ba tấm gương”:
- “Lấy đồng làm gương” có thể chỉnh sửa y phục, áo mão, có thể mặc y phục, áo mão chỉnh tề (ngày xưa gương đều làm bằng đồng).
- “Lấy lịch sử làm gương”, dùng lịch sử để quán chiếu việc cầm quyền trị nước của mình có thể biết hưng vong. Họ có thể từ trong lịch sử quán chiếu thấy được làm thế nào mới có thể khiến triều đại hưng thịnh, làm thế nào sẽ khiến triều đại suy bại.
- “Lấy người làm gương”, dùng vị đại thần hiền lương để khuyên can ông, “khả dĩ minh đắc thất”, có thể biết cái được, cái mất trong mọi chính sách của ông để từ đó mà điều chỉnh.
Đường Thái Tông nói ông có ba tấm gương này nhưng hiện nay đã mất đi một tấm, đó là Ngụy Trưng. Từ chỗ này chúng ta cũng có thể thấy, một vị vua hiền minh nhất định là người rất quý trọng, yêu mến nhân tài, họ mới có thể giành được sự tín nhiệm của những đại thần này.
Trị vì đất nước là như vậy, hiện nay quản lý công ty cũng như vậy. Cho nên doanh nghiệp hiện nay rất chú trọng tri thức về quản lý. Thật ra trong “Tứ Thư” của chúng ta có tri thức về quản lý hay không? Có. Hơn nữa đều là tri thức quản lý vô cùng thấu triệt, đều là mấu chốt của vấn đề.
Chín phương pháp quản lý trong “Trung Dung”
Trong “Trung Dung” có nhắc đến: “Phàm vi thiên hạ quốc gia hữu cửu kinh”, có chín phương pháp hay để quản lý thiên hạ.
Thứ nhất là tu thân.
Thứ hai là tôn trọng hiền tài.
Thứ ba là yêu thương người thân.
Cầu tri thức phải chủ động. Chúng tôi chỉ nói ba điều, còn những điều khác quý vị hãy mở sách “Trung Dung” ra xem.
“Thân dân dã, kính đại thần dã, thể quần thần dã, tử thứ dân dã, lai bách công dã, nhu viễn nhân dã, hoài chư hầu dã” (yêu thương người thân, kính trọng đại thần, thấu hiểu bề tôi, thương dân như con, vỗ về công nhân, hòa nhã với người ở xa, bảo bọc chư hầu).
Chín phương pháp này dùng vào thời hiện nay chắc chắn có thể khiến cho công ty của quý vị phát triển mạnh mẽ.
- Phương pháp thứ nhất: “Tu thân”
Mình thật sự có đức hạnh thì mới có thể có được người tốt thật sự cùng làm việc chung với mình. Chỉ cần có người thì không sợ không làm xong việc. Trong “Đại Học” cũng nhắc nhở chúng ta: “Hữu đức thử hữu nhân” (có đức thì mới có được nhân dân). Hiện nay người có tiền cũng chưa chắc tìm ra được nhân tài. Hiện nay giới nhà giàu mới nổi rất nhiều, nhưng họ muốn chiêu mộ người hiền tài có đức cũng chưa chắc có thể chiêu mộ được. Nhưng chỉ cần chúng ta có đức hạnh, gọi là “vật dĩ loại tụ, nhân dĩ quần phân” (dù là người hay vật, đều sẽ vì những tập tính chung nào đó mà quần tụ bên nhau), một cách tự nhiên đức hạnh sẽ chiêu cảm những người có chí lớn đến. Cho nên, căn bản vẫn là ở tu thân.
- Phương pháp thứ hai: “Tôn hiền”
Nghĩa là tôn trọng người hiền tài thì tự nhiên sẽ có nhiều người hiền hơn nữa đến đầu quân. Bởi vì người hiền tài đích thực thì không thể dùng tiền mà mời được họ. Phải dùng cái gì mới có thể thỉnh mời được? Có phải dùng tiền thì mời được Khổng Minh không? “Ba lần đến lều tranh” là vì sao? Tâm chân thành. Còn gì nữa? Tâm cung kính. Chúng ta cung kính đối đãi người hiền đức thì họ sẽ sẵn lòng đi theo. Ngoài tâm chân thành, tâm cung kính ra, còn một điều nữa là phải có tâm vì nhân dân phục vụ, thì mới có thể mời được những người này.
Vừa rồi có nói đến Đường Thái Tông quý trọng Ngụy Trưng như vậy, nên nhất định sẽ có nhiều người trí thức sẵn lòng đến cống hiến sức lực cho ông. Đây là “tôn hiền”.
Nếu như người làm ông chủ ngày nay không tôn trọng người hiền tài, ngược lại còn đố kỵ với những người cấp dưới rất có năng lực làm việc, thậm chí ông chủ còn rất háo sắc, thì cho dù hiện nay đang cực kỳ hưng thịnh nhưng sớm muộn gì cũng sẽ bị suy bại. Vì vậy, một người tôn trọng hiền tài thì có thể “khứ sàm viễn sắc”, bỏ qua lời gièm pha, tránh xa nữ sắc.
- Phương pháp thứ ba: “Yêu thương người thân”
Chữ “thân” này là chỉ cha mẹ của họ, người thân của họ. Làm một người lãnh đạo mà trước tiên thực hiện được hiếu đạo thì nhất định có thể dùng đức để cảm hóa nhân viên của họ, cảm hóa nhân dân của họ.
Ở Trung Quốc có một công ty vốn dĩ đã bị lỗ vốn bảy – tám trăm triệu nhân dân tệ. Rất nhiều công ty lỗ nhiều như vậy đã bị phá sản, nhưng công ty này vẫn kiên trì tiếp tục nỗ lực. Trong quá trình nỗ lực này, nền nếp công ty họ rất tốt. Mỗi khi đến ngày lễ quan trọng thì Chủ tịch Hội đồng Quản trị thường hay dắt con cháu của ông cùng nhau đi viếng thăm mẹ ông. Gia đình này có nề nếp hiếu thảo. Ông cũng rất có tâm huấn luyện cho nhân viên của mình, xem nhân viên như người thân của mình. Ông dùng “Đệ Tử Quy” để huấn luyện nhân viên. Việc dùng “Đệ Tử Quy” huấn luyện nhân viên là rất hiếm có. Thông thường các công ty xí nghiệp đều huấn luyện nhân viên làm thế nào bán được sản phẩm, nhưng ông lại dùng “Đệ Tử Quy” để huấn luyện nhân viên, chứng tỏ ông hy vọng nhân viên ở công ty ông có thể trưởng thành, có thể học được cách làm người, làm việc. Sau này cho dù họ có không tiếp tục làm việc ở công ty nữa, ông cũng cảm thấy không có lỗi với những nhân viên này. Ông có tấm lòng hiếu thảo và quan tâm, bồi dưỡng cho nhân viên dưới quyền như vậy nên hiện nay Công ty ông đã từ chỗ bị lỗ vốn bảy – tám trăm triệu nhân dân tệ trở thành công ty phát triển rất nhanh chóng và rất thành công. Quả thật là những đạo lý mà tổ tiên xưa chúng ta để lại tuyệt đối không bị thay đổi bởi thời gian và không gian. Rất nhiều công ty tại sao không thể duy trì được lâu dài? Bởi vì họ đều không quay trở về thái độ căn bản làm người. Có rất nhiều người bị vấp ngã nhưng vẫn không biết tại sao mình bị vấp ngã.
Đường Thái Tông biết tiếp thu lời can gián của bề tôi, của thần dân đối với ông, chứng tỏ ông tôn trọng người hiền tài. Chúng ta từ lời nói, cử chỉ hành vi của vị Thánh chủ có thể học được tại sao ông có thể thành công như vậy. Khi chúng ta hiểu rồi thì phải làm thế nào? Nghe xong câu chuyện Đường Thái Tông, câu chuyện của Ngụy Trưng thì phải làm sao? Cuộc đời chúng ta, vở kịch này ai là vai chính? Là chính mình. Cho nên trong quá trình chúng ta nghe kể chuyện, ai là Đường Thái Tông? Ta chính là Đường Thái Tông. Phải có thái độ học tập ưu điểm này của ông. Nếu không, sau khi nghe xong Mẫn Tử Khiên vẫn là Mẫn Tử Khiên, Tử Lộ là Tử lộ, thế chẳng phải là uổng công nghe rồi sao?
Có một vị thầy giáo có sự trưởng thành đặc biệt nhanh. Có một hôm thầy nói với một vị thầy giáo khác: “Tôi cảm thấy mỗi câu thầy Thái diễn giảng đều giống như đang mắng tôi vậy”. Xem ra tôi giảng giống như mắng người phải không? Nhưng câu nói này của thầy đã chỉ ra tại sao thầy tiến bộ đặc biệt nhanh như vậy. Bởi vì thầy nhìn thấy mặt tốt thì luôn luôn nhắc nhở mình phải noi theo, nghe thấy mặt không tốt thì lập tức: “Thấy người xấu, tự kiểm điểm”, cảm thấy mỗi câu đều giống như đang nói với ta vậy. Người này gọi là khéo học. Vì vậy, nhiều người nghe giảng cùng một bài nhưng cái học được của mỗi người là khác nhau. Khéo học tập rất quan trọng.
Vào thời Hán Vũ Đế, chính trị và quân sự tương đối hưng thịnh. Nhưng đến cuối đời Hán Vũ Đế đã xảy ra một chuyện rất bất hạnh, gọi là “Loạn Đồng Bóng”, chính là có người vu cáo Thái Tử và Hoàng Hậu. Họ đem những đồ yểm bùa chôn dưới đất để hãm hại người khác, thật ra là muốn vu oan giá họa cho Hoàng Hậu và Hoàng Tử. Cuối cùng Thái Tử cảm thấy tình trạng này không hay, liền khởi binh giết chết những người mê hoặc này, giết chết những kẻ giang hồ thuật sĩ muốn lừa dối hoàng đế này. Do hành động này mà Hán Vũ Đế cho rằng Thái Tử muốn tạo phản, nên bắt giam Thái Tử và người thân của Thái Tử, khiến cho toàn bộ gia tộc triều Hán bị một phen vô cùng hỗn loạn. Cuối cùng, Hán Vũ Đế trong cơn giận tột đỉnh liền hạ lệnh: “Bất luận kẻ nào ở trong ngục đều giết hết”. Đây là giết người thân của mình.
Có một đứa trẻ vừa mới chào đời, là cháu gọi Hán Vũ Đế bằng cụ, chính là Hán Tuyên Đế sau này. Vào lúc đó có vị đại thần tên là Bỉnh Cát phụ trách sự việc này, là thẩm phán của việc yểm bùa này, nhưng ông không muốn giao Tuyên Đế ra. Hán Vũ Đế đã phái người đến đòi người. Tuy Bỉnh Cát biết Hán Vũ Đế tức giận tột đỉnh, nhưng ông cũng vô cùng kiên cường chính trực trả lời: “Người không có tội thì chúng ta không nên giết họ, càng huống chi người này là người thân của Hoàng Thượng”. Cuối cùng có người bẩm báo lại lời này cho Hán Vũ Đế, Hán Vũ Đế chợt tỉnh ra, mới đại xá cho những người chưa bị giết này. Bỉnh Cát lấy tính mạng của mình để khuyên can. Bởi vì lúc Hoàng Đế đang nổi giận thì rất có thể sẽ bị vạ lây, ngay cả mạng sống của mình cũng không bảo đảm. Ông dám lấy cái chết để khuyên can mới có thể đánh thức được Hán Vũ Đế.
Sau khi Hán Tuyên Đế kế vị, Bỉnh Cát hoàn toàn không nhắc đến chuyện này. Người có học thức trước đây cảm thấy mình làm như vậy, ví dụ nói “hy sinh mình để thành nhân, xả thân vì nghĩa”, tuyệt đối không phải sau này tôi có được lợi ích gì không, mà là có tuân theo giáo huấn của bậc Thánh Hiền hay không, có thể lúc nào cũng vì nhân dân, vì quốc gia và không hổ thẹn với chính lương tâm của mình. Đây là lời khuyên can của bề tôi triều nhà Đường, nhà Hán đối với vua của họ.