Đệ Tử Quy Chương I: Cha Mẹ Lỗi, Khuyên Thay Đổi (P2)
Đệ Tử Quy Chương I: Cha Mẹ Lỗi, Khuyên Thay Đổi (P2). Làm thế nào có thể có được sự tin tưởng của người thân, bạn bè? Sự tin tưởng này tuyệt đối không phải tự nhiên có, mà cần phải thông qua sự quan tâm và cho đi một cách thật lòng của chúng ta mới có thể xây dựng được niềm tin.
8. Kinh văn – Đệ Tử Quy
“Thân hữu quá, gián sử canh. Di ngô sắc, nhu ngô thanh. Gián bất nhập, duyệt phục gián. Hiệu khấp tùy, thát vô oán”.
“Cha mẹ lỗi, khuyên thay đổi. Mặt ta vui, lời ta dịu. Khuyên không nghe, vui can tiếp. Dùng khóc khuyên, đánh không giận”.
(Tiếp theo phần trước)
Phần trước chúng ta đã nhắc đến, muốn khuyên can người khác phải có điều kiện tiên quyết, đó là trước tiên nhất định phải giành được sự tin tưởng của đối phương. Nếu như không đủ tin tưởng, có thể lúc bạn khuyên họ, họ sẽ hiểu lầm là bạn thấy họ chướng mắt hoặc là bạn đang phỉ báng họ. Cho nên, trước tiên phải có được sự tin tưởng.
Làm thế nào có thể có được sự tin tưởng của người thân, bạn bè? Sự tin tưởng này tuyệt đối không phải tự nhiên có, mà cần phải thông qua sự quan tâm và cho đi một cách thật lòng của chúng ta mới có thể xây dựng được niềm tin.
Cũng có một số bạn rất nhiệt tình hay thích giúp đỡ người khác, nhưng rất nhiều người nhìn thấy họ liền nhanh chóng bỏ chạy, cảm thấy họ rất phiền phức, rất lắm chuyện, còn nói với họ: “Làm ơn đi! Anh đừng quan tâm đến tôi nữa!”. Có người như vậy không? Có. Cố gắng giúp người ta mà lại khiến người ta ghét bỏ. Có người như vậy.
Đây là bởi vì sự quan tâm và cho đi của họ không nhằm vào nhu cầu của người khác. Vì vậy, trước tiên chúng ta phải khéo quan sát nhu cầu của người khác, sau đó mới bỏ công sức thì tự nhiên sẽ có được sự tin tưởng. Khi thời cơ thích hợp, tự nhiên họ sẽ có thể tiếp nhận lời nói của chúng ta.
Ví dụ trong quan hệ cha con, người cha có thể có rất nhiều con, nhưng ông đặc biệt tin tưởng lời của một người con nào đó thì có lẽ do người con này khiến ông yên tâm nhất, hiếu thảo với ông nhất, cho nên đã giành được sự tín nhiệm của ông. Bởi vì khi cha cần, người con này đều hết lòng hết sức làm tròn bổn phận người làm con.
Trong quan hệ vua tôi, cấp trên cần nhất là gì vậy? Cần nhất là chúng ta giúp họ gánh vác một số công việc. Chúng ta có thể âm thầm làm, vả lại mỗi lần làm đều có thể khiến họ yên tâm. Cho nên, nhằm vào nhu cầu của họ mà bỏ công sức thì họ sẽ rất tin tưởng chúng ta.
Trong quan hệ vợ chồng cũng vậy. Ví dụ nói, người vợ ở nhà dọn dẹp nhà cửa tươm tất, hơn nữa lại giáo dục con cái tốt khiến cho người chồng không có gì phải lo nghĩ, thì tự nhiên người chồng sẽ rất tín nhiệm vợ, lời người vợ nói ra tự nhiên sẽ có trọng lượng.
Nàng dâu về nhà chồng, khi nào mới có thể đưa ra lời khuyên can chồng và những người thân trong gia đình chồng? Có được phép ngày đầu tiên về nhà chồng là bắt đầu nói chỗ này không được, chỗ kia cũng không được không? Có được phép như vậy không?
Nếu như vừa về nhà chồng liền chỉ trỏ: “Chỗ này phải cải thiện, chỗ kia phải cải thiện”, thì sẽ xảy ra hậu quả gì? Nhất định sẽ khiến người trong nhà chồng ghét bỏ, bởi vì vừa mới về nhà chồng nên chưa xây dựng được niềm tin sâu dày. Vì vậy, chúng ta phải thuận theo tình người, phải khéo nhận biết cảm nhận của người khác.
Chú Lư đã từng nói với tôi, khi đến một hoàn cảnh mới nhất định phải quan sát thật nhiều. Quan sát gì vậy? Quan sát nhu cầu của người khác để ra sức giúp đỡ. Nghe nhiều để biết được nhu cầu của người khác. Có khi cũng có thể nghe được một số điều kiêng kỵ mà người khác không muốn nhắc đến thì chúng ta trước tiên phải tránh xa. Phải nghe thấy nhu cầu, nghe thấy điều kiêng kỵ. Phải xem nhiều, nghe nhiều, bớt nói, bớt đưa ra ý kiến.
Chúng ta đến một công ty mới có phải cũng nên xem nhiều, nghe nhiều, ít nói không? Khi chúng ta làm nhiều hơn, nói ít lại, thì người quản lý, cấp trên sẽ rất tin tưởng chúng ta, đến lúc đó họ sẽ rất xem trọng ý kiến của chúng ta. Cho nên đạo lý đều thông nhau, đều thích hợp.
Chúng ta làm dâu cũng phải quan sát lúc nào cần phải diễn vai nào. Việc lĩnh hội này tôi học được từ chính bản thân của mẹ tôi. Lúc mẹ tôi được gả về nhà chồng, cô và chú của tôi đều vẫn còn đang đi học. Khi mẹ muốn kết hôn với cha tôi thì ông ngoại tôi cực lực phản đối. Ông ngoại cũng rất lợi hại, ông bắt đầu phân tích: “Con thấy chồng con là con trai trưởng, em trai, em gái của chồng con vẫn còn đang đi học. Hơn nữa, bố chồng con lại là ngư dân nên thu nhập không ổn định, nên con về đó nhất định rất vất vả”.
Mẹ tôi nói: “Con vẫn muốn kết hôn với anh ấy”. Vì sao vậy? Bởi vì mẹ cảm thấy cha tôi rất hiếu thảo. Người hiếu thảo mới có tình nghĩa, mới có đạo nghĩa. Mẹ tôi nhìn thấy rất nhiều người có tiền của nhưng đều không muốn kết hôn với họ, chỉ muốn kết hôn với một anh chàng nghèo khổ. Cuối cùng là kết hôn với cha tôi, và quả thật mẹ tôi rất vất vả. Sau khi kết hôn, tiền lương dạy học của mẹ đều chi tiêu vào việc nhà, lại còn phải trả chi phí cho cô và chú tôi đi học.
Quý vị bằng hữu! Nếu như là con gái của mình thì quý vị có cho kết hôn không? Phải biết quan sát, phải nhìn xa, biết được người con hiếu thảo, gia đình có truyền thống đạo hiếu thì sau này nhất định sẽ hưng thịnh. Hơn nữa, người Trung Quốc có câu: “Chịu thiệt thòi là phúc”. Khi quý vị cam chịu phần thiệt thòi thì sẽ có được sự tôn trọng, khâm phục của người khác.
Gia đình mẹ tôi cũng được xem là giàu có, khi về nhà chồng lại biết dốc sức hy sinh như vậy, nên chú và cô tôi vô cùng khâm phục mẹ. Các chú của tôi đối xử với mẹ tôi cũng rất tốt. Dần dần tình trạng gia đình được cải thiện, bởi vì người có tâm hiếu thảo nhất định sẽ có trách nhiệm đối với gia đình.
Mẹ tôi về nhà nội tôi hơn hai mươi năm mới bắt đầu mở lời. Khi niềm tin đã đạt đến trình độ nào đó thì lời nói ra sẽ rất có trọng lượng. Cho nên chúng ta phải làm nhiều, nói ít, không nên quá nóng vội. Nóng vội có khi là “dục tốc bất đạt”. Hơn nữa, nếu bình thường không đóng góp ý kiến, khi góp ý liền đưa ra một lúc năm – sáu ý kiến, như vậy là không tốt.
Nên thỉnh thoảng đưa ra một ý kiến, tuy họ không làm theo, nhưng việc xảy ra sau đó đều đúng như lời chúng ta đã nói thì sự tin tưởng của họ đối với chúng ta sẽ càng ngày càng cao. Vì vậy, quan hệ cha con, quan hệ vua tôi, quan hệ vợ chồng đều cần phải xây dựng dựa trên niềm tin và sự cho đi.
Anh em cũng giống như vậy. Quý vị càng quan tâm anh em thì anh em sẽ càng tin tưởng quý vị.
Sau cùng là bạn bè. Bạn bè không có quan hệ huyết thống, chỉ là trải qua quá trình chung sống với nhau lâu năm. Cái gọi là “lâu ngày mới biết được lòng người”, mới có thể thật sự giành được sự tin tưởng của bạn bè, tiếp đó họ mới coi trọng lời khuyên của chúng ta. Trước đây có rất nhiều bậc Thánh triết đã biểu diễn rất tốt.
Quý vị bằng hữu suy nghĩ xem mình đã từng khuyên người khác mà tỉ lệ thành công hơn 50% xin đưa tay? Không nhiều. Quý vị có thấy người hiện nay rất khó khuyên không? “Cẩu bất giáo, tính nãi thiên” (con người khi còn nhỏ nếu không được dạy thì bản tính vốn thiện ấy khi lớn lên sẽ dần thay đổi theo hoàn cảnh sống). Một là do chúng ta chưa tiếp nhận giáo huấn Thánh Hiền, hơn nữa, hiện nay tâm của chúng ta đều quá nóng vội, nên chưa nắm bắt được thái độ và phương pháp khi khuyên người khác.
Con khuyên cha
Vào thời đầu triều Đường (lúc đó vẫn chưa được xem là sáng lập triều Đường, khoảng giữa thời Tùy Đường), cha của Đường Thái Tông (Lý Thế Dân) là Lý Uyên đem quân đi đánh nam dẹp bắc. Đương nhiên Lý Thế Dân cũng đi theo bên cạnh. Có một lần Lý Uyên quyết định dẫn quân đi theo một con đường. Đường Thái Tông vừa nhìn thấy con đường này liền nghĩ rất có thể sẽ gặp phải địch quân mai phục, toàn quân sẽ bị tiêu diệt, cho nên Lý Thế Dân liền nhất mực khuyên cha không nên đi theo con đường này.
Thế nhưng cha của ông không nghe. Kết quả sáng hôm đó khi vừa xuất phát, bỗng nhiên nghe bên ngoài doanh trại có tiếng người than khóc. Lý Uyên rất lấy làm lạ: “Sao lại có tiếng người đàn ông khóc ở ngoài đó?”. Lý Uyên liền bước ra, nhìn thấy Lý Thế Dân ngồi dưới đất khóc lớn. Lý Thế Dân nói: “Thưa cha! Đi như vậy chắc chắn sẽ khiến toàn quân bị tiêu diệt”. Càng nói ông càng khóc to hơn. “Đệ Tử Quy” chúng ta nói: “Dùng khóc khuyên, đánh không giận”. Đường Thái Tông đã biểu diễn được “dùng khóc khuyên” này.
Cha ông nhìn thấy như vậy cảm thấy người con này thật hiếm có, kiên trì muốn khuyên can ông. Sau đó người cha thay đổi quyết định, nên quân đội đã không gặp nguy hiểm.
Thưa quý vị bằng hữu! Lòng hiếu thảo của người con đã cứu được một đội quân. Nếu như đội quân này không được cứu, thì lịch sử Trung Quốc sẽ ra sao? Quý vị có cảm thấy đời người thật sự phải rất thận trọng, bởi vì sai một ly là đi một dặm không? Nếu không tin, quý vị hồi tưởng xem, mấy mươi năm nay, nếu như ở một bước ngoặc nào đó quý vị chọn lựa sai lầm thì hiện nay quý vị sẽ không có phúc phần ngồi ở đây nghe giáo huấn của Thánh Hiền mà không phải lo nghĩ gì về gia đình.
Cho nên làm người phải luôn luôn thận trọng, phải luôn luôn có lòng biết ơn, bởi vì trong quá trình này cũng có rất nhiều bạn bè, người thân đã cho chúng ta lời nhắc nhở, hướng dẫn, khuyên can rất quan trọng.
Đây là con cái khuyên cha.
Cha khuyên con
Đương nhiên cũng có chuyện cha khuyên con. Phần lớn cha khuyên con là khi con cái đã trưởng thành rồi nên không tiện la mắng, quát tháo. Khi con cái còn nhỏ, chúng ta có thể dùng lời lẽ nghiêm khắc dạy dỗ, nhưng khi con cái lớn rồi thì cần giữ thể diện cho chúng. Chúng ta mắng con cái trước mặt người khác thì chúng có thể không tiếp nhận mà còn oán hận ở trong lòng.
Có một cậu thiếu niên mười sáu tuổi lái xe chở cha mình đến một khu vui chơi và để cha ở đó, hẹn bốn giờ chiều sẽ quay lại đón. Sau đó cậu lái xe đến trạm xăng để đổ xăng. Trên đường đến trạm xăng, cậu cảm thấy thời gian đón cha còn đến mấy tiếng đồng hồ, vì thế cậu nghĩ: “Thôi, đến rạp chiếu phim bên cạnh để xem phim, sau đó mới đến trạm xăng rồi trở về đón cha”.
Nhưng khi xem phim thì quên mất thời gian, sực nhớ ra thì đã trễ hẹn hơn một giờ rồi. Cậu nhanh chóng chạy đến trạm xăng, sau đó lái xe về nơi đã hẹn với cha cậu. Trong lòng cậu nghĩ là cha nhất định sẽ mắng cậu, nên cậu liền nghĩ ra lý do nói với cha là xe bị hỏng nên phải đi sửa.
Chúng ta không thể trách cậu ấy, bởi vì cậu chưa có học qua “Đệ Tử Quy”. “Đệ Tử Quy” nói: “Nếu che giấu, lỗi chồng thêm”, “Lỗi vô ý, gọi là sai”. Hiện tại cậu là “lỗi cố ý” thì “gọi là tội”. Cậu cho rằng mình rất thông minh, cho nên vừa gặp cha liền nói: “Cha à! Do xe bị hỏng nên con mới đến trễ như vậy”. Cha cậu nói: “Tại sao con nói dối cha?”. Cậu vẫn cố tình chối cãi. Cậu nói: “Cha à! Con nói thật đó!”. Cha cậu nói tiếp: “Cha đã gọi điện thoại đến trạm xăng đó rồi, họ nói với cha rằng xe của con để suốt ở đó”.
Cuối cùng lời nói dối của cậu đã bị lộ tẩy, rất xấu hổ. Cha cậu liền nói tiếp: “Cha rất giận, không phải giận con mà cha giận chính bản thân cha. Cha đã dạy con mười sáu năm trời, thế mà chỉ vì sợ cha trách mắng con lại nói dối cha. Đây là do cha không biết cách dạy con, nên cha cần phải cố gắng kiểm điểm lại chính mình. Vì vậy đoạn đường này con hãy để cha tự mình đi về”.
Chỗ này cách nhà họ mười tám dặm, nhưng một giờ chỉ đi được bốn – năm dặm. Cha của cậu thật sự đã từng bước, từng bước đi bộ về nhà. Người con lái xe đi theo sau cha. Người con này nói: “Đây là quãng đường dằn vặt nhất trong cuộc đời tôi, nhưng cũng là một bài học hay nhất mà tôi học được trong đời này”.
Người con này nói là từ lúc đó đến tận bây giờ, anh ấy không bao giờ nói dối nữa. Người cha này dùng đức hạnh của mình, dùng tâm hổ thẹn của mình để đánh thức tâm hổ thẹn của người con. Đây là cha khuyên con. Chúng ta khuyên người khác, ngoài tấm lòng chân thành, tâm thiện, ý tốt ra thì cũng cần phải có phương pháp thật khéo léo.