Nữ Đức Vi Yếu: Chương Thứ Nhất: Ti Nhược (P3) – Ti nhược là một chương rất quan trọng, ngược lại với ti nhược chính là ngạo mạn. Chương ti nhược này nếu như bây giờ học cũng được, sau này học cũng được, chỉ cần có thể học thấu suốt thì sẽ được lợi ích. Đây là chủ đề mà có nói mỗi ngày cũng không có gì là quá đáng. Tôi có một giai đoạn không học tập, không phản tỉnh chính mình, tâm ngạo mạn liền dấy khởi. Thế nên, chúng ta thời thời khắc khắc phải giữ gìn cảnh giác, ngạo mạn vừa chớm khởi lên thì phải dập tắt nó, nếu không ngăn chặn, nó sẽ phát triển rất nhanh.
TI NHƯỢC HẠ NHÂN DÃ – Nữ Đức Vi Yếu
Contents
- 1 TI NHƯỢC HẠ NHÂN DÃ – Nữ Đức Vi Yếu
- 2 VÃN TẨM TẢO TÁC, BẤT ĐẠN TÚC DẠ, CHẤP VỤ TƯ SỰ, BẤT TỪ KỊCH DỊ, SỞ TÁC TẤT THÀNH, THỦ TÍCH CHỈNH LÝ, SỰ VỊ CHẤP CẦN DÃ
- 3 VÃN TẨM TẢO TÁC, BẤT ĐẠN TÚC DẠ – CHƯƠNG TI NHƯỢC
- 4 CHẤP VỤ TƯ SỰ, BẤT TỪ KỊCH DỊ – Nữ Đức Vi Yếu
- 5 SỞ TÁC TẤT THÀNH, THỦ TÍCH CHỈNH LÝ
- 6 THỊ VỊ CHẤP CẦN DÃ
- 7 CHÁNH SẮC ĐOAN THÁO, DĨ SỰ PHU CHỦ, THANH TĨNH TỰ THỦ, VÔ HÁO HÍ TIẾU, KHIẾT TRAI TỬU THỰC, DĨ CÚNG TỔ TÔNG, THỊ VỊ KẾ TẾ TỰ DÃ
- 8 CHÁNH SẮC ĐOAN THÁO, DĨ SỰ PHU CHỦ
- 9 THANH TĨNH TỰ THỦ
- 10 VÔ HÁO HÍ TIẾU – Nữ Đức Vi Yếu
- 11 KHIẾT TRAI TỬU THỰC, DĨ CÚNG TỔ TÔNG
- 12 TAM GIẢ CẨU BỊ, NHI HOẠN DANH XƯNG CHI BẤT VĂN, TRUẤT NHỤC CHI TẠI THÂN, VỊ CHI KIẾN DÃ
- 13 TAM GIẢ CẨU THẤT CHI, HÀ DANH XƯNG CHI KHẢ VĂN, TRUẤT NHỤC CHI KHẢ MIỄN TAI
Trong “Đạo Đức Kinh” của Lão Tử có một câu nói: “Không dám đứng trước thiên hạ”. Thế nào là “không dám đứng trước thiên hạ”? Ví dụ khi chúng ta đi đường thì nhường cho người đi trước, bạn đi sau cùng, không nên chen lấn. Khi người khác muốn chụp chung ảnh với một vị thầy, một vị đại đức nào đó thì bạn nên tạm lui ra sau. Hãy thường nhắc nhở trong tâm có thể đặt mình vào vị trí thấp nhất được hay không, hễ nghĩ đến câu “không dám đứng trước thiên hạ” này thì bạn liền hiểu rõ. Nếu bạn nghĩ mình không có đức hạnh gì, không có học vấn gì, không có điều gì đáng được khen ngợi, quả thực là nhỏ bé không đáng nhắc đến thì dần dần bạn sẽ buông xuống được toàn bộ.
Chúng ta trong lúc học tập “Nữ Giới” cần chú ý bảy chương trong sách “Nữ Giới” đều giảng về lý, thế nhưng chúng ta nhất định không được chấp vào lý mà phế bỏ sự. Nếu như chúng ta chấp lý bỏ sự, xem thường những việc nhỏ không làm thì sẽ rất phiền phức. Nhất định phải đem lý áp dụng vào mặt sự, khiến lý sự viên dung, không có chướng ngại. Nếu không thể thực hiện được đạo lý này vào trong thực tế cuộc sống thì lý và sự có chướng ngại rồi, bạn đã học không đúng rồi. Trước tiên, giữa đạo lý và đạo lý với nhau không có chướng ngại, như “Nữ Giới” và “Nữ Luận Ngữ” cùng tất cả Kinh điển về Nữ Đức đều tương thông về mặt lý, là cùng một đạo lý. Chúng ta làm việc cũng như vậy, việc nhà, việc công ty, thậm chí là việc lớn trong thiên hạ, những việc này đều tương thông, cũng là một sự việc. Bạn xử lý việc nhà như thế nào thì cũng xử lý việc trong công ty như vậy. Lão Tử nói: “Trị đại quốc như nấu nồi cá nhỏ”. Ở nhà làm thế nào xào rau thì cũng như thế ấy mà trị quốc, đây là cùng một đạo lý. Về mặt lý và sự phải làm cho thông. Nếu lý và sự không thông thì làm sao? Trong “Đệ Tử Quy”, chúng ta cũng có học rằng: “Không gắng làm, chỉ học văn. Chỉ bề ngoài, thành người nào. Nếu gắng làm, không học văn, theo ý mình, mù lẽ phải”. Nếu chỉ đơn thuần học văn hoặc đơn thuần thực hành thì đều sẽ có vấn đề. Những điều nói trong “Đệ Tử Quy” vô cùng tốt, bao gồm cả lý lẫn sự, chúng ta không nên chấp sự mà không rõ lý. Tôi cứ một mực làm trên sự, đã làm rất tốt. Người trong ngoài nhà đều khen tôi là một người con dâu tốt, người vợ tốt, người mẹ tốt, nhưng về mặt lý thì sao? Tôi xem thường không học. Nên đã thế nào? “Mù lẽ phải”. Nếu bạn mơ hồ về mặt lý thì trên mặt sự ắt sẽ có chướng ngại. Thế nhưng khi so sánh hai mặt với nhau thì chẳng thà chấp sự bỏ lý, chứ đừng chấp lý bỏ sự. Tức là về mặt sự không chịu đi làm nhưng đạo lý thì hiểu rất thông, như thế không được. Chúng ta hiểu đạo lý rồi thì cần phải làm trên mặt sự.
VÃN TẨM TẢO TÁC, BẤT ĐẠN TÚC DẠ, CHẤP VỤ TƯ SỰ, BẤT TỪ KỊCH DỊ, SỞ TÁC TẤT THÀNH, THỦ TÍCH CHỈNH LÝ, SỰ VỊ CHẤP CẦN DÃ
(Tạm dịch: Phụ nữ nên thức khuya dậy sớm, không vì sự vất vả ngày đêm mà có tâm sợ khó, tự tay chăm sóc lo liệu việc nhà. Dù là việc hệ trọng hay giản đơn cũng đều kiên nhẫn xử lý từ đầu đến cuối. Cẩn thận thâu vén sắp xếp mọi việc cho được chỉnh tề, gọn gàng, sạch sẽ. Nếu có thể thực hành không mỏi, tức đã tận được đạo chuyên cần rồi vậy)
Đoạn này có nghĩa là tối ngủ trễ, sáng dậy sớm, không sợ vất vả, từ sáng đến tối đều lo liệu việc nhà, mỗi ngày dù là làm những việc vặt nhỏ nhưng đều xử lý chúng thật ngăn nắp chỉnh tề, đây chính là hàm nghĩa của chữ cần lao. “Túc” có nghĩa là buổi sáng, “tư sự” là chỉ cho những công việc vặt, “kịch” chỉ cho những việc rất hệ trọng, “dị” chỉ những công việc đơn giản, những công việc trong nhà bao gồm những việc đơn giản như nấu cơm, quét nhà cho đến những công việc hệ trọng. Tôi nhớ khi vừa mới kết hôn, nhà tôi ở tầng sáu, khi đổi bình gas, vác lên lầu rất khó khăn. Chúng tôi dọn nhà ba lần, lần đầu dọn nhà cho hết đồ vào hai mươi mấy cái rương. Đến lần thứ hai, tôi suy nghĩ làm cách nào để giảm bớt số rương xuống, nhưng mỗi lần đều không thể bớt số sách được, bởi vì sách chiếm một phần rất lớn. Tôi cảm thấy dọn nhà là một việc thuộc về “kịch”, có nghĩa là nghiêm trọng. “Dị” là những việc rất đơn giản, ví dụ như chúng ta mỗi ngày đều nấu cơm, giặt đồ. Mỗi ngày bất luận là việc đơn giản hay hệ trọng trong nhà, chúng ta đều không được thoái thác, đều kiên trì làm. Những công việc như thế này đều nên hoàn thành trong ngày, việc trong ngày thì xong trong ngày. Sau khi làm xong đều phải dọn dẹp cho sạch sẽ, ngăn nắp, như vậy gọi là “chấp cần chi đạo”, cần là cần kiệm. Đoạn này chính là sự tiến thêm bước nữa trong việc thực hành sự khiêm hạ trong gia đình.
Ba phương diện này, một cái nói về thể, khiêm hạ chính là tánh thể, tâm tánh của chúng ta. Cái thứ hai nói về tướng, về mặt sự tướng cần phải làm những việc này. Cái sau cùng là dụng, là có thể kế thừa việc tế tự, cũng chính là có thể truyền thừa lại cho đời sau, không hổ thẹn với Tổ tiên. Đây là điểm quan trọng nhất. Bạn làm ra một đống việc nhưng không thể nuôi dạy ra một đứa con tốt, bận rộn làm việc nhà, cho dù bạn làm cơm có ngon đến đâu nhưng con của bạn lại là đứa chẳng chịu làm việc gì, là kẻ ham ăn nhác làm thì cũng vô dụng. Thế nên ba phương diện này đều có thứ lớp từ trong ra ngoài là: thể, tướng, dụng.
Còn chữ “cần” thì giải thích ra sao? Chúng ta có rất nhiều ví dụ về việc này, trong sách “Tiến Học Giải” của Hàn Dũ có câu: “Sự nghiệp tinh thông bởi do cần, hoang phế bởi do đùa bỡn, thành tựu do biết suy nghĩ, hủy hoại do tùy tiện”. Lại còn có câu: “Thiên đạo thù cần” (đạo trời vun bồi cho người cần kiệm).
VÃN TẨM TẢO TÁC, BẤT ĐẠN TÚC DẠ – CHƯƠNG TI NHƯỢC
Trong phần “Tảo tác” của sách “Nữ Luận Ngữ” có nói phụ nữ nhất định phải thức dậy sớm, không được ngủ đến lúc mặt trời lên cao ba ngọn tre mới thức dậy. Chúng ta thấy phụ nữ hiện nay dường như không có mấy người thức dậy sớm, đặc biệt là các cô thiếu nữ, lười biếng ngủ cho đẫy giấc, vì ban đêm thức khuya lên mạng chơi game, xem phim truyền hình, đi quán bar với bạn bè, hoàn toàn trái ngược với thiên thời, trái ngược thiên đạo. Sự vận hành của cơ thể của con người trong hai mươi bốn giờ tương ưng với bốn mùa trong năm. Bốn mùa của một năm là xuân, hạ, thu, đông, thì hai mươi bốn giờ trong một ngày cũng có giờ mùa xuân, giờ mùa hè, giờ mùa thu và giờ mùa đông:
- Giờ mùa xuân là từ ba giờ sáng cho đến chín giờ sáng. Mùa xuân vạn vật bắt đầu sinh trưởng, nếu bạn không cho chúng sinh trưởng mà nằm đó ngủ thì sẽ luống qua mùa sinh trưởng. Bạn cứ để lỡ hết lần này đến lần khác, toàn bộ đều sẽ luống uổng.
- Từ chín giờ sáng đến ba giờ chiều là mùa hạ, mùa hạ là mùa phát triển trưởng thành, bạn cần phải làm việc.
- Từ ba giờ chiều cho đến chín giờ tối là mùa thu, bắt đầu thu hoạch.
- Từ chín giờ tối đến ba giờ sáng là mùa đông, bạn cần ngủ nghỉ vì mỗi một bộ phận trong cơ thể đều tiến vào giai đoạn miễn dịch trao đổi chất, gan, phổi, thận đều theo thứ tự tiến hành thải độc. Nếu bạn không để cho chúng thải độc, không cho chúng nghỉ ngơi mà lại bắt chúng làm việc thì chúng sẽ bị rối loạn.
Ngoài ra, việc thức dậy sớm còn giúp cho phụ nữ buông xuống tâm dâm dục. “Ấm no nghĩ đến dâm dục”, ăn no rồi, mặc ấm rồi, cộng thêm ngủ dậy muộn, nuôi dưỡng mấy thứ này thì tâm dâm dục sẽ khá nặng. Phụ nữ nếu như tâm dâm dục nặng thì nhất định sẽ không nghĩ đến cần, đến kiệm. Tâm ái mộ hư vinh, kiêu ngạo, xa xỉ, dâm dục nặng thì gia đạo sẽ bại hoại. Ông Tăng Quốc Phiên đã từng nói rằng gia đạo suy bại là do xa xỉ, phóng dật, người thất bại do bởi kiêu ngạo mà ra. Mỗi câu giáo huấn của Tổ tiên đều chỉ ngay trọng điểm, đều đang nhắc nhở chúng ta, chứ không chỉ đơn giản mang ý nghĩa trên bề mặt là bảo bạn đừng ngủ dậy muộn, dậy sớm mới tốt, mà nó còn có đạo lý rất sâu xa ở bên trong. “Bất đạn túc dạ” có nghĩa là phải có tâm chuyên cần dài lâu, từ sáng đến tối cứ vậy mà làm, làm cả một đời. Chẳng phải nói lúc mới kết hôn làm rất nghiêm túc, làm được ba ngày, càng về sau càng phóng túng, không phải như vậy, mà từ đầu đến cuối đều gìn giữ được bản tính cần lao, từ sáng đến tối tâm phải niệm niệm ghi nhớ điều này. Đó chính là “hằng tâm” (tâm bền lâu). “Hằng tâm” rất quan trọng, nếu không có “hằng tâm” tức không có “thường đạo”.
CHẤP VỤ TƯ SỰ, BẤT TỪ KỊCH DỊ – Nữ Đức Vi Yếu
(Tạm dịch: không vì sự vất vả ngày đêm mà có tâm sợ khó, tự tay chăm sóc lo liệu việc nhà)
Câu này nói về tâm nhẫn nại, chịu khó. Phụ nữ nếu có tâm nhẫn nại, chịu khó thì từ việc may vá, thêu thùa cho đến những việc nặng trong gia đình, khi không có nam giới bên cạnh, bạn vẫn gánh vác được, cần có tâm nhẫn nại chịu khó này, không nên oán trách, than thở. Chúng ta xem trong “Liệt Nữ Truyện” có câu chuyện về vợ của Hoàng đế thời cổ là Đại Vũ. Đại Vũ mới kết hôn đã rời khỏi nhà, bắt đầu đi trị nạn nước lụt. Chúng ta đều biết Đại Vũ ba lần đi ngang nhà mà không vào. Con của ông là Khải hoàn toàn do vợ ông bồi dưỡng, dạy dỗ khôn lớn thành người. Câu chuyện này tôi xem đi xem lại mười mấy lần. Vợ của ông tên là Đồ Sơn Thị, không hề oán than. Những việc ăn, uống, ngủ nghỉ, việc trong ngoài nhà toàn bộ đều do chính tay Đồ Sơn Thị gánh vác. Bất kể là việc lớn, việc nhỏ, việc nặng, việc nhẹ bà đều giáo dục Khải rất tốt. Thế nên, sau khi Khải khôn lớn thành người, dân chúng đề cử Khải kế thừa sự nghiệp của Đại Vũ, bởi vì họ không tìm ra được người hiền đức hơn Khải. Từ đó về sau mới bắt đầu hình thành truyền thống cha truyền con nối trong lịch sử Trung Quốc. Càng truyền về sau thì càng không ra thể thống gì bởi vì không có người mẹ tốt bồi dưỡng ra người con Thánh Hiền như Khải.
Thế nên, người làm mẹ, làm vợ cần có cái tâm mong muốn thành tựu sự nghiệp lớn bên ngoài của chồng, cần có năng lực lo liệu hết thảy mọi việc trong ngoài gia đình. Nếu như bạn để cho chồng phải tiêu hao một phần tinh lực vào việc gia đình thì sự nghiệp của anh ấy sẽ tụt hậu một phần. Bạn càng lôi kéo anh ấy vào việc gia đình một phần thì anh ấy sẽ thụt lùi một phần. Nếu như bạn lôi kéo một nửa đôi chân của anh ấy về giúp bạn làm việc trong nhà thì sự nghiệp của anh ấy sẽ suy giảm một nửa. Nếu như bạn hoàn toàn kéo anh ấy về nhà giúp bạn thâu vén thì anh ấy sẽ chẳng có sự nghiệp gì cả. Bản lĩnh nhỏ thì chỉ có thể duy trì sinh kế, kiếm tiền nuôi đủ miệng ăn mà thôi, không thể có sự nghiệp lớn. Sự nghiệp của người nam lớn hay nhỏ đều do tâm lượng của phụ nữ định đoạt.
SỞ TÁC TẤT THÀNH, THỦ TÍCH CHỈNH LÝ
(Tạm dịch: . Dù là việc hệ trọng hay giản đơn cũng đều kiên nhẫn xử lý từ đầu đến cuối. Cẩn thận thâu vén sắp xếp mọi việc cho được chỉnh tề, gọn gàng, sạch sẽ)
Câu này có nghĩa là làm việc cần có tâm cẩn thận, tinh tế, phải có tâm kiên trì, bền bỉ, nhẫn nại, chịu khó, dụng tâm tinh tế mà làm việc. Ý nói tâm của phụ nữ vẫn có thể an định trong đời sống đơn điệu, không hâm mộ sự hào hoa, không ưa chuộng sự náo nhiệt, có thể định tâm ở nhà. Tâm không được bất định, hai ngày rồi chưa đi dạo phố thì trong tâm cảm thấy bồn chồn, ba ngày chưa cùng bạn bè đi ăn uống, trò chuyện thì cảm thấy khó chịu, mười ngày nếu như không đi ra ngoài vui chơi một chút, đi hát karaoke một chút thì sẽ cảm thấy khổ sở. Như vậy thì bạn vĩnh viễn không đạt được đạo.
Thế nên vào thời xưa rất nhiều phụ nữ mặc dầu không có học vấn tốt và kiến thức rộng như phụ nữ hiện nay nhưng đều rất đáng để chúng ta noi gương học tập. Họ đều có đức hạnh sâu rộng, được tuyên dương mãi cho đến ngàn năm sau. Đến tận ngày nay, chúng ta vẫn còn có thể nghe thấy sự tích của các vị ấy, bởi vì họ có thể an phận nơi chốn khuê môn tu dưỡng đức hạnh của chính mình. Họ có hậu đức (đức dầy). Chúng ta nhìn khắp các phụ nữ trong thiên hạ thời nay xem có được mấy người dám nói rằng 3000 năm sau vẫn còn có người đọc câu chuyện về tôi. Đối với ca sĩ, diễn viên hiện nay thì mới thoáng chốc người ta đã quên họ rồi, không có người nghe bài họ hát nữa, toàn là kiểu thức ăn nhanh cả. Vì sao vậy? Vì không có cái gốc của đức hạnh làm nền tảng, không có chỗ nâng đỡ.
THỊ VỊ CHẤP CẦN DÃ
(Tạm dịch: Nếu có thể thực hành không mỏi, tức đã tận được đạo chuyên cần rồi vậy)
Câu này nói về đạo lý rất sâu. Nếu như có thể làm được chữ “cần” thì chính là câu mà Lão Tử nói: “Đài cao chín tầng bắt đầu từ đống đất nhỏ, hành trình vạn dặm bắt đầu từ bước chân đầu tiên”, bắt đầu từ từng chút việc nhỏ trong gia đình mà làm. Trước đây, chúng ta không hiểu Nữ Đức, không học Nữ Đức. Nhưng hiện nay gặp được cơ duyên này, biết đến sách “Nữ Giới”, còn có “Nữ Tứ Thư”, còn có những bài học về Nữ Đức, chúng ta cần phải tin tưởng vào lời dạy của cổ Thánh tiên Hiền, hãy từ ngay đây mà làm, bắt đầu làm từ những việc nhỏ, “chớ chê việc thiện nhỏ mà không làm, chớ khinh điều ác nhỏ mà làm” thì nhất định có thể thành tựu. Thành tựu không phải ở thời gian dài hay ngắn, mà ở ngộ tính cao, quyết tâm lớn, nghị lực làm việc lớn. Có khi sự giác ngộ trong ba ngày của bạn còn lớn hơn việc học của tôi trong ba năm. Chương “Cẩn” trong “Đệ Tử Quy” cũng có nói về chữ “cần” này. Sách “Chu Tử Trị Gia Cách Ngôn” cũng có viết: “Sáng sớm thức dậy, quét dọn sân vườn, để trong ngoài đều sạch sẽ”. Đây là câu đầu tiên trong phần mở đầu, cũng là nói việc trị gia bắt đầu từ việc sáng sớm thức dậy, quét dọn sân vườn, để trong ngoài đều sạch sẽ mà làm. Quét đất cũng giống như quét dọn mảnh đất tâm của mình vậy, dọn dẹp hết những cỏ rác bẩn thỉu trên mặt đất. Đây chính là ý nghĩa của chữ “cần”, mang hàm nghĩa “ngay ngắn, sạch sẽ”. Ở đây, tôi hy vọng mọi người học rồi thì hãy đi làm, lập tức thực hành, chứ đừng học rồi lại để qua một bên. Chúng ta học ra sao thì làm thế đó. Như vậy mới không uổng phí thời gian, mới không hổ thẹn đối với Tổ tiên. Tôi phát hiện rất nhiều người nghe giảng đều là như vậy, lúc nghe thì rất hăm hở, rất thích thú nhưng hai ngày sau thì ném sang một bên, vẫn sống những ngày ca múa vui vẻ. Làm như thế chẳng có ý nghĩa gì cả, học uổng công mà thôi.
CHÁNH SẮC ĐOAN THÁO, DĨ SỰ PHU CHỦ, THANH TĨNH TỰ THỦ, VÔ HÁO HÍ TIẾU, KHIẾT TRAI TỬU THỰC, DĨ CÚNG TỔ TÔNG, THỊ VỊ KẾ TẾ TỰ DÃ
(Tạm dịch: Phụ nữ phải có cử chỉ đoan trang, phẩm hạnh đoan chính, phụng sự chồng mình. U nhàn trinh tịnh, giữ cho bản thân được thanh tịnh, biết tự trọng, không ăn nói lung tung, cười đùa cợt nhả. Sắm sửa rượu và thức ăn thanh khiết, cùng chồng cúng tế tổ tiên. Nếu có thể thực hành không mỏi điều trên tức đã tận đạo nghĩa kế thừa việc tế tự rồi vậy)
Đoạn này giảng về nên làm thế nào kế thừa Tổ tiên. Là phụ nữ thì dung mạo và sắc diện của chúng ta phải đoan chánh, tiết tháo và phẩm hạnh của chúng ta phải đoan chánh, dùng điều này mà phụng sự chồng, phụng sự người nhà của chúng ta. Đồng thời, tâm địa cần thanh tịnh, có thể giữ tâm không bị ngoại cảnh bên ngoài dụ hoặc, đặc biệt là không nói những lời bỡn cợt, đùa giỡn. Chuẩn bị rượu và thức ăn sạch sẽ, tươm tất chỉnh tề để dâng cúng Tổ tiên. Dùng điều này để tế tự Tổ tiên, kế thừa việc lớn tế tự.
CHÁNH SẮC ĐOAN THÁO, DĨ SỰ PHU CHỦ
Trong phần Tiên Chú có ghi: “Chánh” là “chánh kỳ nhan sắc” (nhan sắc đoan chánh), “đoan” là “đoan kỳ tháo hạnh” (phẩm hạnh đoan chánh). Phụ nữ chúng ta thời nay vì sao không đủ đoan trang? Vì tính tình rất xốc nổi, không an tĩnh, vững chãi, sở thích không bền lâu. Vì sao ngôi sao điện ảnh cứ thay đổi người mới liên tục? Bởi vì [người xem] không có sự yêu thích bền lâu, nên sau hai ba năm lại có người mới xuất hiện. Do không có sự hàm dưỡng của đức hạnh sâu dầy, nên trong khí chất lẫn việc tu thân không có cái nhìn thông suốt đối với sự việc, không hiểu rõ nghĩa lý. Hai phương diện, thứ nhất là không có đạo đức, thứ hai là không có học vấn, thì sẽ rất khó làm được chánh sắc. Bình thường dùng nét mặt và toàn bộ cử chỉ, hành vi đoan chánh để phụng sự chồng.
THANH TĨNH TỰ THỦ
“Thanh tĩnh” là chỉ u nhàn trinh tĩnh, nói cười không tùy tiện. Phụ nữ làm thế nào để làm được u nhàn trinh tĩnh? Khi dục vọng trong tâm càng ngày càng ít thì sẽ dễ được thanh tịnh. Dục vọng nhiều thì khó mà thanh tĩnh. Hôm nay muốn mua một cái túi hàng hiệu, ngày mai họ ra một cái túi khác cũng lại muốn mua. Hôm nay nhìn thấy bạn bè dọn đến ở ngôi nhà to, nhà của mình không đủ to, lại muốn tiếp tục đổi nhà. Như thế không thể nào thanh tĩnh được. Người xưa nói: “Nhân đáo vô cầu phẩm tự cao”, làm được vô dục vô cầu thì phẩm hạnh tự nhiên sẽ cao. Cái “cao” này không phải là sự thanh cao giả tạo mà người thế gian nói đến. Thực sự là nội tâm của người phụ nữ đó không có mong cầu, thanh tĩnh vô vi, còn biểu hiện ra bên ngoài thì khoan hậu, nhân ái, nhu hòa, có thể chung sống hòa hợp với đại chúng trong xã hội, có thể làm được cái gọi là “hòa quang đồng trần”. Chúng ta không được xem thường bất kỳ người nào, không phải vì họ có nhiều dục vọng mà chúng ta khinh thường họ: “Bạn xem tôi đây chẳng có dục vọng, còn bạn thì cả ngày truy cầu tài, truy cầu danh. Tầm thường quá!”. Người không có một chút nào kiểu suy nghĩ như vậy thì chân thật là người phụ nữ tốt. Họ sẽ không nói: “Chồng tôi cả ngày chỉ kiếm tiền, còn tôi học văn hóa truyền thống nên không cảm thấy hứng thú với việc đó”. Bạn xem thường chồng mình là hoàn toàn đã học sai rồi. Bạn đã đem cái gọi là thanh tĩnh của chính mình trở thành thứ để mình ngạo mạn. Về sau sự ngạo mạn này sẽ trở thành viên thuốc độc khiến bạn không được thanh tĩnh. Bạn vẫn chưa nhìn ra được điều này mà còn so sánh mình với người khác. Giống như tiên sinh Liễu Phàm nói: “Đừng đem cái giỏi của mình mà so sánh với người!”. [Bạn] hãy nên bao dung hết thảy những người xung quanh, đồng thời cần khen ngợi tất cả thiện hạnh của người khác, cái bất thiện thì không nhìn đến, vậy thì người phụ nữ đó sẽ thực sự được thanh tĩnh, chứ không phải là chính mình được thanh tĩnh rồi nên xem thường người khác. Thứ thanh tĩnh đó là giả.
Vì sao phía sau dùng từ “tự thủ”? Nghĩa là chính mình cần giữ vững, nói một cách đơn giản đó là cần phải định ra quy củ cho bản thân. Là phụ nữ nhất định cần có quy củ, không có quy củ thì không ra chuẩn mực, nếu có thể giữ được quy củ do chính mình đặt ra thì sẽ có định lực, có thể chế ngự được những dụ hoặc ở bên ngoài, cùng những thứ xấu xa khác. Tâm của bạn dần dần đạt được thanh tĩnh thật sự. Thế nên, chữ “thanh tĩnh” phía trước là chỉ kết quả, còn chữ “tự thủ” phía sau là phương pháp để đạt được.
VÔ HÁO HÍ TIẾU – Nữ Đức Vi Yếu
Chính là không thích nói đùa. Đây là nói về mặt ngôn ngữ. Chúng ta hãy xem ba phương diện phía trước. “Chánh sắc đoan tháo” chính là ấn tượng tổng thể mà người phụ nữ tạo ra đối với người khác khi cô ấy không nói chuyện. “Thanh tĩnh tự thủ” là nói về trạng thái nội tâm của họ. “Vô háo hí tiếu” là ấn tượng bên ngoài đối với người khác. Hiện nay rất nhiều phụ nữ đặc biệt thích nói đùa. Những lời bông đùa, tục tĩu, dâm ô càng không nên nói. Sự bỡn cợt đối với đồng nghiệp, bạn bè và người khác, không có tôn ti lớn nhỏ mà tùy tiện nói đùa với ông chủ là những việc làm rất tổn phước báo của chính mình. Bạn phải biết ông chủ có thể làm chủ của bạn, có thể quản lý bạn. Bạn hiện nay cần làm tròn bổn phận của vị trí và chức phận của mình, không được ở sau lưng công kích, bàn tán về ông chủ. Rất nhiều nhân viên rất thích ở sau lưng cười cợt ông chủ. Đây là việc làm vô cùng tổn phước báo. Có người thích ở sau lưng chế nhạo chồng mình hoặc cười cợt người nhà của mình, giống như nói chuyện đùa vậy, cảm thấy mình không có mắng họ, cũng không than trách họ, nhưng không biết rằng kiểu nói đùa như vậy gây phản cảm đối với Tổ tiên nhất. Thế nên trong lúc cúng tế, bạn không được cười đùa, cợt nhả. Nếu thích đùa giỡn như vậy lâu ngày thì thói quen trở thành tự nhiên, không cảm thấy đây là lời nói đùa mà sẽ tự nhiên mở miệng nói ra. Đối với người trước giờ không nói đùa với người, bạn kêu họ nói họ cũng sẽ không nói. Thế nên, thói quen là thứ rất đáng sợ, cần phải chiến đấu với thói quen xấu của chính mình.
KHIẾT TRAI TỬU THỰC, DĨ CÚNG TỔ TÔNG
Làm cơm, rượu ngon để cúng tT tiên. Mạnh Tử nói: “Đạo của Nghiêu, Thuấn, chỉ hiếu đễ mà thôi”, đối với cha mẹ thì tận hiếu, đối với anh em thì tận đễ. Việc tế tự ở đây kỳ thực mà nói cũng là đạo hiếu đễ. Vì sao vậy? Đối với Tổ tiên đã khuất mà chúng ta còn tôn trọng như vậy thì đối với cha mẹ hiện đời làm sao không hiếu kính được chứ? Chúng ta xem chữ “hiếu” này, phía trên là chữ “lão”, bên dưới là chữ “tử”. Chúng ta ở giữa, đối với bề trên thì thời thời khắc khắc không quên Tổ tiên, đối với kẻ dưới thì không quên con cháu. Người phụ nữ cần phải gánh vác trách nhiệm kết nối thế hệ lớn tuổi bên trên với thế hệ nhỏ tuổi bên dưới. Làm thế nào để kết nối? Gia đạo trước đây không hưng vượng, chúng ta kế thừa làm cho hưng vượng. Chúng ta nếu muốn kế thừa hương hỏa thì hương hỏa sẽ hưng vượng. Trước đây gia đạo hưng vượng, gia nghiệp rất tốt, chúng ta cần phải tiếp tục kế thừa, đừng để bị đứt đoạn trong tay của chúng ta. Hiện nay rất ít gia đình tế tự Tổ tiên vào dịp Tết, hoặc dẫn con cái đi bái tế Tổ tiên vào tiết Thanh Minh. Ngày thường chúng ta nên thường xuyên kể cho con cái nghe những câu chuyện về Tổ tiên thì đây mới là sự giáo dục tốt nhất, luôn luôn nhắc nhở con cái không quên Tổ tiên.
Từ sau khi học văn hóa truyền thống, tôi mới bắt đầu hỏi cha mẹ tôi cùng với tất cả những người lớn tuổi là ông bà như thế nào. Sau khi hỏi xong tôi cảm thấy rất xấu hổ và nhận được sự giáo dục rất lớn từ họ. Thế nên, tôi cũng kiến nghị với mọi người có cơ hội hãy về nhà hỏi thăm cha mẹ về Tổ tiên của mình, xem các vị đó là người như thế nào. Cổ đức có nói: “Thận chung truy viễn, dân đức quy hậu”. “Thận” nghĩa là cẩn thận, “chung” là chỉ cho thế hệ con cháu của chúng ta trong tương lai. Đối với những lời nói và hành vi hiện nay, chúng ta cần thận trọng suy nghĩ xem thế hệ sau của chúng ta sẽ học tập và truyền thừa như thế nào. “Truy viễn” chính là thường xuyên nhắc đến những lời dạy bảo của Tổ tiên, gia giáo của người xưa. Chữ “dân” trong “dân đức” là chỉ người dân thông thường, “đức” chính là đức hạnh. Có nghĩ nhớ về Tổ tiên thì đức hạnh mới càng trở nên sâu dày, bởi vì có tính trách nhiệm và tinh thần gánh vác sứ mạng. Chúng ta hiện nay không nghĩ đến người xưa, không nghĩ đến thế hệ mai sau, mà chỉ nghĩ đến thế hệ của chúng ta, chỉ biết ăn chơi, hưởng thụ cho thỏa thích. Điều này thật là đáng sợ. Một người nghĩ như vậy, nếu như cả dân tộc, cả đất nước, mỗi một gia đình đều nghĩ như thế thì thế hệ sau của đất nước, dân tộc đó sẽ đi về đâu?
TAM GIẢ CẨU BỊ, NHI HOẠN DANH XƯNG CHI BẤT VĂN, TRUẤT NHỤC CHI TẠI THÂN, VỊ CHI KIẾN DÃ
(Tạm dịch: Phụ nữ nếu như có thể làm chu toàn ba điều trên: Khiêm nhường với người, chịu thương chịu khó, kế thừa tế tự thì tiếng thơm sẽ lan tỏa khắp trong ngoài, tiếng xấu không thể đến được nơi thân)
Câu này nói nếu như phụ nữ luôn giữ được sự khiêm hạ, quán xuyến tất cả mọi việc trong gia đình, một đời chăm chỉ, quan trọng nhất là giáo dục tốt thế hệ sau của gia tộc, nếu làm đủ ba điều này thì sao còn lo rằng tiếng thơm không thể truyền xa, và bị chồng ruồng bỏ cơ chứ? Trước giờ chưa từng có việc như vậy. Phụ nữ cần có tầm nhìn xa, tâm lượng rộng lớn. Nhưng khi có tầm nhìn xa và tâm lượng lớn rồi vẫn có thể an với bổn phận trong gia đình, âm thầm thâu vén việc nhà, trưởng dưỡng đạo đức, không ngừng nỗ lực tu học, giáo dục tốt con cái thì thanh danh nhất định sẽ lan xa. Giống như danh tiếng của Mạnh Mẫu đã truyền đến mấy ngàn năm sau. Hiện nay, mọi người vẫn xem bà như một tấm gương.
TAM GIẢ CẨU THẤT CHI, HÀ DANH XƯNG CHI KHẢ VĂN, TRUẤT NHỤC CHI KHẢ MIỄN TAI
(Tạm dịch: Nếu không làm được vẹn toàn ba việc trên thì còn gì là tiếng thơm, tránh sao khỏi sự hổ thẹn bị người chê bỏ)
Nếu như cả ba điều trên đều không làm được mà còn mong danh tiếng của mình được lan xa thì đây là việc không thể. Nếu không làm được cả ba điều thì nhất định sẽ chuốc lấy nỗi nhục bị chồng bỏ. Đây là việc khó tránh khỏi. Chúng ta thử nghĩ xem, nếu một người phụ nữ kiêu mạn, không xem ai ra gì, lại còn lười nhác không làm việc nhà, không dạy con cái, ở trong nhà chỉ ham ăn, nhác làm thì có người chồng nào thích người vợ như vậy chứ? Lúc tôi đang học Nữ Đức có đưa cho nhân viên nam trong công ty giáo trình này, hy vọng vợ của họ ở nhà đều tu học tốt, nếu như có điều kiện thì hãy cố gắng ở nhà mà dạy con, đặc biệt là khi con còn nhỏ. Trong xã hội có rất nhiều người đàn ông thúc vợ mình mau chóng đi làm kiếm tiền. Không lâu sau khi vợ sinh con, con cái thì giao cho cha mẹ trông hoặc thuê người giúp việc. Tôi đã hỏi một vị thiện tri thức về vấn đề này. Vị ấy nói rằng người chồng này nếu như không phải là đại ngu thì là đại trí, đại trí nghĩa là rất có trí tuệ. Vợ của anh ta rất xuất sắc, nhất định có sự cống hiến cho xã hội, nên anh ta đã hy sinh gia đình nhỏ để thành tựu cho đại chúng, có bồi dưỡng con cái hay không không quan trọng, không cần lo. Đại ngu là quả thực ngu xuẩn đến cực điểm, chỉ nhìn thấy cái lợi nhỏ trước mắt, giống như liếm mật trên lưỡi dao vậy, mặc dù nếm được chút mật ngon trên đầu lưỡi, nào ngờ lưỡi sẽ bị cắt đứt. Vậy thì chút ít tiền đó cũng giống như một chút mật ong vậy, kiếm về được một ít tiền, mười hai năm sau thử xem con của bạn là người như thế nào. Mọi thứ đều không thể quay trở lại như trước được. Vị thiện tri thức này sau cùng lại nói rằng ông ước đoán 99,9% người như vậy thuộc về đại ngu, rất ít khả năng là đại trí. Hiện nay, rất nhiều nam giới trong xã hội đều là như vậy. Vợ phải đi kiếm tiền, con cái giao cho cha mẹ trông. Nếu không được thì tìm người giúp việc, họ có tiền, có thể thuê bảo mẫu đến làm việc nhà, chăm con cái. Vậy bạn có muốn thuê người giúp việc làm luôn cái chức phận của người vợ không? Một người vợ thực sự thì nhất định có thể đảm đương được trách nhiệm quan trọng trong gia đình. Nô bộc trong nhà của tiên sinh Tăng Quốc Phiên rất nhiều. Nhưng tất cả mọi việc trong nhà toàn bộ đều do người nhà của ông đích thân làm, không có sai người làm. Người làm chỉ làm những việc không thuộc về việc bên trong gia đình, ví dụ như làm nông trồng trọt, hoặc là làm một số việc không thể không làm. Còn người nhà của ông thì phải tự mình may vá quần áo, tự xới cơm ăn, tự dọn dẹp.
Tôi trước đây cũng có người giúp việc phục vụ. Tôi không làm việc nhà nên con cái cũng học theo không chịu làm việc nhà. Khi tôi lập chí học Nữ Đức thì rất may hai cô giúp việc có việc đều nghỉ cả. Quả thực là “người có ước nguyện lành thì ông Trời cũng phù hộ cho”. Một năm sau đó, tôi càng ngày càng hoan hỷ, phát hiện rằng công việc nhà không đáng sợ như trong trí tưởng tượng, là bạn đã tưởng tượng chúng thành đáng sợ, thực ra chúng rất đơn giản. Chỉ cần tâm của bạn không mệt thì bạn càng làm việc nhà càng cảm thấy nhẹ nhàng. Nhưng nếu như tâm của bạn mệt thì làm một chút việc thôi cũng cảm thấy mệt không chịu được. Đứa con trai lớn chín tuổi của tôi hiện giờ cùng tôi đun nước, dọn bát đũa, lau nhà. Đứa con trai nhỏ ba tuổi rưỡi của tôi cũng học theo, giành làm việc với anh. Thậm chí, sau khi ăn cơm tối xong, tôi phải phân công cho đứa lớn đi dọn đĩa lớn, đứa nhỏ đi dọn đĩa nhỏ. Mọi người đều tranh nhau làm. Thế nên công việc nhà đã có hai đứa con này giúp tôi được một phần, mà có lao động thì mới biết cảm ân. Chúng nó thường nói rằng: “Mẹ ơi! Mẹ vất vả rồi!”. Cuộc sống chính là sự giáo dục tốt nhất. Sau khi học xong, tôi mới phát hiện hóa ra Kinh Điển toàn nằm trong cuộc sống. Thế nên không có người giúp việc cũng tốt, đỡ tốn tiền mà còn có thể bồi dưỡng phước báo của chính mình, lại còn có thể dạy con cái biết cần lao. Vì vậy, phụ nữ không được lười biếng, bản thân cần cố gắng làm việc nhà.
Hôm nay, chúng ta đã học xong chương “Ti Nhược”, lần sau sẽ học tiếp đến chương “Phu Phụ”.
Cảm ơn các thầy cô giáo! Cảm ơn mọi người!