Nữ Đức Vi Yếu: Chương Thứ Nhất: Ti Nhược (P2)
Contents
- 1 Nữ Đức Vi Yếu: Chương Thứ Nhất: Ti Nhược (P2)
- 1.1 TAM GIẢ, CÁI NỮ NHÂN CHI THƯỜNG ĐẠO, LỄ PHÁP CHI ĐIỂN GIÁO HĨ, KHIÊM NHƯỢNG CUNG KÍNH, TIÊN NHÂN HẬU KỈ, HỮU THIỆN MẠC DANH, HỮU ÁC MẠC TỪ, NHẪN NHỤC HÀM CẤU, THƯỜNG NHƯỢC ÚY CỤ, TI NHƯỢC HẠ NHÂN
- 1.2 KHIÊM NHƯỢNG, CUNG KÍNH
- 1.3 TIÊN NHÂN HẬU KỶ.
- 1.4 HỮU THIỆN MẠC DANH, HỮU ÁC MẠC TỪ
- 1.5 NHẪN NHỤC HÀM CẤU
- 1.6 THƯỜNG NHƯỢC ÚY CỤ
Nữ Đức Vi Yếu: Chương Thứ Nhất: Ti Nhược (P2) – Làm phụ nữ thì phải khiêm hạ, nhẫn nhường, đối với người cung kính. Khi gặp việc tốt thì luôn nhường người lên trước, mình lui lại phía sau. Dù bản thân làm điều tốt cũng không được khoe khoang tự mãn, còn làm việc sai thì không được thoái thác trách nhiệm.
TAM GIẢ, CÁI NỮ NHÂN CHI THƯỜNG ĐẠO, LỄ PHÁP CHI ĐIỂN GIÁO HĨ, KHIÊM NHƯỢNG CUNG KÍNH, TIÊN NHÂN HẬU KỈ, HỮU THIỆN MẠC DANH, HỮU ÁC MẠC TỪ, NHẪN NHỤC HÀM CẤU, THƯỜNG NHƯỢC ÚY CỤ, TI NHƯỢC HẠ NHÂN
(Tạm dịch: Ba điều trên là thường đạo của phụ nữ, là cái gốc để lập thân của người nữ, cũng là lời dạy Kinh điển từ xưa đến nay về mặt lễ nghi phép tắc. Làm phụ nữ thì phải khiêm hạ, nhẫn nhường, đối với người cung kính. Khi gặp việc tốt thì luôn nhường người lên trước, mình lui lại phía sau. Dù bản thân làm điều tốt cũng không được khoe khoang tự mãn, còn làm việc sai thì không được thoái thác trách nhiệm.
Hàm dưỡng đức nhẫn nhục, không tranh biện với người. Thường giữ tâm kính sợ, dè dặt cẩn thận. Nếu có thể thực hành không mỏi những việc trên thì đã tận đạo nghĩa ti nhược, khiêm nhường rồi vậy)
Ba điều này là “thường đạo” của phụ nữ. Chữ “thường” này có hàm nghĩa rất sâu. “Thường” nghĩa là gì? Có thể siêu vượt thời gian, không gian, vào thời xưa và thời nay không hề thay đổi, vẫn như vậy nên mới gọi là “thường”. Nếu thời xưa là một kiểu, thời nay là một kiểu thì không gọi là “thường”. Phụ nữ thời xưa có thể sinh con, nam giới không sanh được, hiện nay cũng là như vậy, không thay đổi.
Còn bản tánh thì sao? Phụ nữ thời xưa giữ bổn phận, thời nay cũng nên như vậy, cũng không nên thay đổi. Nếu như thay đổi thì nói lên điều gì? Giáo hóa đã mất rồi, phong tục thế gian đã xuống cấp rồi, mọi người đã bắt đầu quên mất rồi. Giống như là khắp cả mọi người trên đường đều đi ăn trộm mà không cảm thấy ăn trộm là một việc xấu hổ vì mọi người đều làm như thế cả.
Hiện nay nếu như có công ty nào mà không trốn thuế, gian lận thuế thì cảm thấy đó là một việc bất khả tư nghị vì mọi người đều làm như thế cả. Nếu như mọi người trên đường đều nhai kẹo cao su mà bạn không nhai thì mọi người cảm thấy bạn rất kỳ lạ, vấn đề là ở chỗ này. Thế nên, chúng ta hiện nay nên đem “thường đạo” nói ra để mọi người đều biết cái gì là “thường đạo” của phụ nữ.
“Lễ pháp chư điển giáo hĩ”, điển giáo là chỉ lời dạy trong Kinh điển, sự giáo hóa của Kinh điển, Kinh điển vĩnh cửu bất biến với thời gian, chỉ vì người thời nay chúng ta hiểu sai, không hiểu được hàm nghĩa chân thật của Tổ tiên, rồi đem ý của chính mình thêm vào ý của Tổ tiên mà nói thì sai mất rồi. Ba điều này, điều thứ nhất là ti nhược, trong hết thảy giáo dục Nữ Đức thì khiêm hạ là căn bản của căn bản.

KHIÊM NHƯỢNG, CUNG KÍNH
Chữ “khiêm” có nghĩa “nhường” và “kính” ở trong, đồng thời còn có nghĩa không tự mãn. Chân thật khiêm nhường, cung kính là chỉ cho điều gì? Làm thế nào làm được khiêm nhường, cung kính? Từ đâu mà bắt đầu làm? Tôi xin chia sẻ với mọi người là từ hiếu đạo mà bắt đầu làm. Chúng ta nói: “Bách thiện hiếu vi tiên”, hạt nhân của văn hóa truyền thống là bốn chữ này: “Hiếu thân tôn sư”.
Đối với cha mẹ trước tiên phải hiếu kính, hiếu thuận, sau đó đối với tất cả trưởng bối, thầy giáo đều tôn trọng, cung kính có lễ phép. Nhưng trong cuộc sống thực tế, chúng ta rất khó thực hiện. Giảng đạo lý thì rất dễ, lúc giảng bài thì đều giảng rất quy củ nhưng đến khi thực hành sẽ phát hiện có rất nhiều việc không dễ làm.
Nguyên nhân không làm tốt được là do đâu? Không phải chúng ta xung đột với cha mẹ, với xã hội, hoặc xung đột với bất kỳ người nào, mà suy cho cùng là do tập tánh của chúng ta có xung đột và mâu thuẫn với tự tánh của chính mình. Học tập Thánh Hiền chính là làm cho tập tánh của chúng ta quay trở về tự tánh, không còn có xung đột, mâu thuẫn. Chúng ta trước tiên cần hỏi chính mình có thực sự muốn học tập giáo huấn của Thánh Hiền hay không.
Nếu như thực sự muốn nâng cao bản thân thì đối với hết thảy pháp đều dùng tâm cung kính mà cầu, gọi là: “Một phần thành kính được một phần lợi ích, mười phần thành kính được mười phần lợi ích”. Nếu không có tâm chân thành, cung kính sẽ không học được thứ gì, đều là cái học nông cạn, học cái văn chương ở bề mặt. Thế nào là chân thành? Tiên sinh Tăng Quốc Phiên có một câu chú giải rất hay: “Chân tức là không vọng”.
Vọng chính là tâm hư giả, “thành tức là một niệm không sanh”, không có cái tâm tạp niệm, không nghĩ cái này, cái kia. Chúng ta muốn tận hiếu với cha mẹ thì đừng nghĩ đến điều gì khác, chỉ một mực làm là được. Nếu như lại nghĩ thế này thế kia, nghĩ em trai mình thế này, chị gái mình thế kia thì chính mình sẽ không làm được. Rồi lại nghĩ tiếp xã hội này như thế nào? Tổ tiên có một câu giáo huấn rất hay: “Không thấy lỗi của người”. “Nếu chân thật là người tu đạo, không thấy lỗi của người.
Nếu nhìn thấy lỗi người thì chính mình cũng sai”. Đây là câu nói của Lục Tổ Huệ Năng. Bạn đã nhìn thấy lỗi lầm của người khác chưa? Nói thật ra nếu như không thấy trừ phi là mù mắt, hoặc là người vô tri. Người đó rõ ràng đã phạm lỗi mà bạn nói là không nhìn thấy. Mắt đã nhìn thấy nhưng trong tâm không hề động chút ý niệm. Bất luận là cha mẹ hay là người bên cạnh, đối với những lỗi lầm mà họ đã phạm, đừng để tâm của mình bị tác động, hễ động tâm thì phiền phức rồi.
Chính mình cũng không cần đi phan duyên, cứ muốn đi giúp đỡ người, kỳ thực người cần giúp nhất là chính mình. Thử hỏi chính mình xem đã thành Thánh, thành Hiền chưa? Nếu chưa thì bạn rất “nghèo” đấy. “Lúc nghèo cùng thì hãy lo hoàn thiện bản thân” là tốt rồi. Nếu người khác chạy đến trước mặt nói: “Anh nhất định phải giúp tôi!”.
Vậy được! Chúng ta tận hết bổn phận của chính mình, cũng chẳng có gì gọi là giúp, chỉ chia sẻ với họ một chút tâm đắc của chính mình. Ngay cả tôi đây cũng không phải là cô giáo của các bạn. Tôi chỉ chia sẻ tâm đắc của tôi với mọi người. Chúng ta cùng nhau học tập, cùng nhau tiến bộ. Không dám xưng hô là “lão sư”, không xưng nổi từ “lão”, cũng không dám gọi là “sư”, hai chữ này đều không dám làm.
Tự mình học tập làm sao có thể đặt lỗi lầm của người khác qua một bên, học tập cư sĩ Hứa Triết 113 tuổi của Singapore. Mọi người hỏi bà khi nhìn thấy lỗi của người khác thì làm thế nào? Bà trả lời rằng: “Thì giống như đang đi trên đường vậy, xung quanh có rất nhiều người qua lại, bạn nói tôi đã nhìn thấy, ừ thì có nhìn thấy, bạn hỏi có lưu lại ấn tượng gì không, người ấy như thế nào, đều không lưu lại thứ gì cả, không biết gì hết”.
Toàn tâm, toàn lực đặt vào chính mình, đặt vào việc trưởng dưỡng đức hạnh của chính mình. Nếu như cả ngày nhìn thấy lỗi lầm của người khác thì “chính mình đã sai rồi”, bản thân mình đã bắt đầu đọa lạc rồi. Vì vậy, tâm chân thật, cung kính, khiêm nhượng chính là từ “không thấy lỗi người” mà bắt đầu, từ “hiếu thuận cha mẹ” mà bắt đầu, từ việc không nhìn thấy lỗi của cha mẹ.
Sau đó mở rộng ra, không thấy lỗi của chồng, rồi lại dần dần mở rộng ra một chút nữa, không thấy lỗi của cha mẹ chồng, mở rộng ra nữa không nhìn thấy lỗi của anh chị em chồng, rồi lại mở rộng ra đến sau cùng bạn không còn nhìn thấy lỗi của bất kỳ người nào nữa thì bạn đã thành Thánh Hiền rồi đó. Cho nên, có thành Thánh Hiền hay không thì chính mình biết rõ nhất, nếu như vẫn nhìn thấy lỗi của người thì vẫn là phàm phu tục tử, vẫn cần phải tiếp tục tu học.
TIÊN NHÂN HẬU KỶ.
Thứ tự trước sau được nói ở đây chính là quá trình cầu đạo. Trong sách “Đại Học” có nói: “Sự có gốc ngọn, vật có trước sau, hiểu thứ tự trước sau tức gần với Đạo vậy”. Thế nào là gốc ngọn của sự, trước sau của vật? Làm người tận hiếu, giữ vẹn nhân nghĩa, đây là cái gốc, đây là điểm khởi đầu.
Cái gốc của làm việc chính là “hành hữu bất đắc phản cầu chư kỷ” (làm việc không thành thì xét lại chính mình), đây là gốc, là điểm khởi đầu của làm việc. Bất luận là làm người hay làm việc đều biết nghĩ cho người khác, đứng ở góc độ của đối phương mà cân nhắc thì mới không bị tình trạng gốc ngọn điên đảo.
Giáo dục của Thánh Hiền là gì? Chính là buông xuống bản thân, toàn tâm, toàn ý suy nghĩ cho người khác. Nhìn lại thì cũng được hết thảy những người xung quanh lo nghĩ cho mình. Họ lo nghĩ còn chu đáo hơn chính mình lo cho bản thân. Có thể lúc mới bắt đầu làm sẽ gặp một chút chướng ngại, nhưng tôi tin rằng nếu như mọi người kiên định tín niệm, kiên trì không mỏi mà làm thì nhất định có được thu hoạch.
Mỗi ngày phản tỉnh, phản tỉnh xem mình làm việc có phải là vì chính mình hay không, có khi nếu không vì cái danh của mình thì cũng vì cái lợi của bản thân. Rất nhiều giáo viên văn hóa truyền thống không vì danh, cũng chẳng vì lợi, thế nhưng cũng phải nghĩ thử xem phải chăng cũng đang vì dục vọng nào đó của mình và tập tánh nào đó của chính mình, nếu như còn có như vậy thì cũng là vì chính mình.
Cho nên, chữ “buông” này càng về sau càng khó làm được, lúc mới đầu rất dễ buông, rất dễ dàng buông những thứ thô, càng về sau những thứ càng vi tế, càng ẩn kín thì càng khó buông. Thế nên, mọi người trong lúc học tập cần phải không ngừng đề khởi chí hướng.
HỮU THIỆN MẠC DANH, HỮU ÁC MẠC TỪ
Ở đây nói về thiện ác, đối với thiện ác cần có lý niệm rõ ràng. Phía trước đã nói với mọi người thiện là gì rồi. “Khiêm nhường, cung kính, người trước mình sau” là thiện, ngược lại chính là ác. Thế nên, định nghĩa về thiện ác trong “Liễu Phàm Tứ Huấn” cũng giống với chúng ta ở đây nói. Đó chính là gì vậy? Vì người khác chính là thiện, vì chính mình chính là ác.
Đây chính là định nghĩa căn bản về thiện ác. “Hữu thiện mạc danh” ý nói làm thiện mà muốn người khác biết thì không phải chân thiện, làm ác mà sợ người biết đến là ác thật sự. Làm một chút việc tốt, rất muốn được người biết đến, điều này không thuộc về điều thiện thực sự. Bạn tạo ra một chút việc ác, sợ người khác biết đến thì thực là cái ác thật sự. Chúng ta ở nhà làm việc cũng như vậy, ví dụ chúng ta làm nội trợ, khi chồng đi làm về thì kể cho chồng biết hôm nay chúng ta đã làm bao nhiêu việc, nấu cơm ra sao.
Nếu như làm cơm mà chồng không khen ngợi, không có người biểu dương thì không còn tinh thần nấu cơm nữa, không muốn làm tiếp nữa. Phòng ốc dọn dẹp sạch sẽ mà không có người khen thì không muốn dọn dẹp nữa. Trên thực tế, điều này vẫn là tự lợi, làm vì chính mình, kỳ vọng được tán thán. Đây chính là tâm danh văn lợi dưỡng.
Thiện chân thật là như thế nào? Không nghĩ đến bất kỳ điều gì, cũng không hy vọng đạt được bất kỳ hồi báo nào, làm là làm thôi, làm xong thì quên hết, quên hết những việc đã làm, quên hết đã làm cho ai, và cũng quên luôn mình là người đã làm việc này. Từ trong ra ngoài đều buông xuống sạch sẽ, khiến trong tâm mỗi ngày đều trong suốt, giống như một hồ nước trong có thể phản chiếu rõ ràng cảnh vật bên ngoài. Đây chính là trí tuệ.
Trong lòng nếu suy nghĩ quá nhiều thì giống như mặt nước hồ bẩn, rất khó phản chiếu cảnh vật bên ngoài. Lúc hành thiện cần phải biết tri ân báo ân. Lời dạy xưa có nói: “Ân đức dù là giọt nước, cũng xin báo đáp cả suối nguồn”. Thế nhưng người hiện nay đối với sự việc đã qua thì quên ân trời biển, còn điều lỗi như giọt nước lại ghi nhớ rất rõ ràng.
Việc này cũng không có gì kỳ lạ, đó là do tập tánh của con người, vừa khởi ý niệm thì nghĩ ngay đến cái tốt của mình và cái xấu của người. Thế nên, khi xảy ra vấn đề thì: “Tôi đối với anh ta tốt như vậy, anh ấy lại đối với tôi không tốt”, những việc này nên quên đi. Thế nên, con người cần học cảm ân, thời thời khắc khắc giữ tâm cảm ân, đặc biệt là cảm ân những người đã mang lại nghịch cảnh cho bạn.
Bạn cần hiểu rằng có thể có được phước báo của ngày hôm nay, địa vị của ngày hôm nay, những phước này đều từ nghịch cảnh mang đến. Phước báo do thuận cảnh mang đến không lớn, từ nghịch cảnh mang đến mới lớn, càng cho bạn nghịch cảnh thì càng cho bạn sự khảo nghiệm, bạn càng âm thầm tiếp tục làm và nhận chịu thì càng tích lũy được phước báo. Vì vậy, bản thân vừa học vừa phản tỉnh lại chính mình.
Phước báo của mình là do những người xung quanh mang nghịch cảnh đến, đặc biệt là người thân mang đến. Bạn âm thầm làm trong mười mấy năm, hai mươi mấy năm thì con đường nhân sinh của bạn sẽ ngày càng xán lạn.
Nếu muốn hiểu rõ thiện và ác, tốt nhất nên nghiêm túc học tập “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên”. Đây chính là giáo dục cắm rễ quan trọng. Thiện ác nằm trong mỗi một việc nhỏ trong cuộc sống chứ không nhất định là những việc lớn. Tất cả thiện đều cần phải phụng hành, hết thảy điều ác cần phải tránh xa. Đây chính là Nữ Đức.
Đối với các sự việc trong gia đình, cần nghiêm túc thực hiện tứ đức của phụ nữ là: phụ đức, phụ dung, phụ ngôn, phụ công. Ví dụ như bạn trang điểm rất đoan trang, chỉnh tề, không phản cảm, không hở hang, không khêu gợi tà tư tà niệm của người khác phái thì đây chính là thiện. Nếu như bạn nói chuyện khéo léo đúng mực, không nói lỗi người, không nói chuyện hay dở của người, khiến miệng của mình xa lìa thị phi, thì đây cũng là thiện.
Thậm chí việc bạn dạy con cái của mình không được lãng phí một chút nước, một chút điện, việc nhỏ như vậy cũng là thiện. Thế nên, làm việc thiện không phải là quyên bao nhiêu tiền mà thiện và ác là ở trong từng việc nhỏ mỗi ngày, gọi là “thiện không tích thì không đủ thành danh, ác không tích thì không đủ diệt thân”, phải hiểu đạo lý này.
NHẪN NHỤC HÀM CẤU
Cái nhẫn này gồm có ba thứ lớp:
Trước tiên phải nhẫn cái miệng, việc này quan trọng nhất. Chúng ta thường hễ không cẩn thận là không nhẫn được cái miệng. Tôi cũng thường nhẫn được hồi lâu rồi cũng buột miệng nói ra, vừa hay lại có người đến dẫn dụ tôi nói ra một tràng rất sướng miệng, nhưng nói xong rồi thì thực sự cảm thấy rất hối hận. Đây là do thiện căn của chính mình không sâu dày, lực tu dưỡng không lớn, sức định không đủ, nếu đủ định lực thì dù cho có ai dụ hoặc cũng không nói. Đây là sự tu dưỡng tối căn bản trong việc làm người.
Thứ hai là nhẫn được sắc, về việc này tôi tu cũng rất kém, hễ gặp phải người tôi không muốn nhìn thấy, nghe thấy những điều tôi không muốn nghe thì mặt sẽ không nén được giận, do trong lòng còn có phân biệt tốt xấu nên trên mặt mới bị cảnh giới xoay chuyển, mặc dù miệng không nói ra nhưng trong lòng thì có. Cái nhẫn này là nhẫn nhưng không chuyển hóa được, nội tâm vẫn không chuyển hóa được nên trong thân thể thường xảy ra đau bệnh.
Sau cùng là nhẫn trong tâm, không những nhẫn trên miệng, nhẫn trên dung mạo sắc mặt mà tâm niệm cũng không động, thậm chí không có cảm giác nhẫn chịu. Căn bản đều không xem việc này là nghiêm trọng thì đây mới chân thật là cảnh giới cần tu học của chúng ta. Làm phụ nữ thì cần có công phu như thế nào?
Việc lớn hóa nhỏ, việc nhỏ hóa không, trong lòng chuyển hóa thành không. Hiện nay thì ngược lại, không có việc gì thì làm thành việc nhỏ, việc nhỏ làm thành việc lớn, việc lớn làm cho nó càng lớn hơn, sau cùng trời long đất lở dẫn đến li hôn. Thật là đáng sợ!

Hết thảy nhẫn nại là gì? Là trong tâm có độ lượng, có ba tầng độ lượng:
Thứ nhất phải biết khoan dung người khác. Thế nào là khoan dung người khác? Ít nhất cần có thể nhẫn nhịn người khác, cho dù họ hoàn toàn sai lầm, không đúng chỗ nào, không có lý gì cả, nhưng mình nhẫn nhịn được, không cần tranh luận lôi thôi với họ. Ở nhà và ở công ty bạn gặp phải rất nhiều sự việc như thế, đều cần phải có thể nhẫn nhịn.
Nếu chỉ là nhẫn nhịn không thì tuyệt đối không được. Bạn muốn nâng cao chính mình mà chỉ đơn thuần nhẫn nhịn không thôi thì sẽ khiến bản thân nhẫn nhịn thành bệnh, học Nữ Đức học thành bệnh, nén vào trong thì không được.
Thứ hai là bao dung. Bao dung là thế nào? Đó là có thể đứng ở vị trí của đối phương mà nghĩ. Bao dung chính là đổi vị trí suy nghĩ. Bạn có thể đứng ở góc độ tuổi tác của họ, kinh nghiệm làm việc của họ, đặc điểm tính cách của họ thì có thể hiểu được vì sao họ làm như thế. Bạn sẽ cảm thấy họ ăn nói và làm việc như vậy là bình thường, không cần tức giận với họ.
Tầng thứ ba cao nhất chính là không còn có gì gọi là đúng sai cả. Chính là đứng ở góc độ nhìn nhận vấn đề của họ, không cần quá xét nét người khác. Giống như một chậu nước, nhìn thấy trong nước mặt của mình là tròn. Nếu như lấy một cái ly hình bầu dục, bạn nhìn mặt của mình lần nữa thì ảnh bên trong sẽ là hình bầu dục.
Vật chứa bên ngoài không như nhau, là chậu, là ly, nhưng mặt của chúng ta không thay đổi. Cho nên, trong lúc học khiêm nhường chỉ cần chú ý đến việc tu dưỡng đức hạnh trong nội tâm của chính mình là được, không cần xét nét đến người khác.
Trong quá trình hoằng dương văn hóa truyền thống, tôi đã bị rất nhiều chê trách. Lúc ban đầu tôi không hiểu nổi, tôi rõ ràng là nghĩ như thế này, làm việc với tâm nguyện như thế này vì sao người khác lại nói tôi như vậy. Rất tủi thân, tôi đã khóc, cũng đã đau lòng. Sau đó hai lỗ tai tôi không còn nghe chuyện bên ngoài cửa sổ nữa, người khác muốn nói gì thì nói.
Bản thân mỗi ngày xét lại chính mình, âm thầm gột rửa bụi bặm trần cấu của tâm linh, thanh tịnh thân khẩu ý của chính mình. Mỗi ngày làm bạn với Thánh Hiền, đọc sách thiện, nghe thiện tri thức giảng, có duyên thì đi làm việc lợi ích cho đại chúng, lúc làm thì không nên quá để ý đến cách nhìn của người khác, nếu quá để ý đến thì có lúc sẽ không nhẫn được phiền não trong nội tâm của mình, như vậy thì không phải là làm thiện với tâm thanh tịnh. Nếu như có người nói bạn, bạn cảm thấy vẫn có thể nhẫn được.
Mười người nói, bạn vẫn chịu được. Nếu như một ngàn người chỉ trích việc làm của bạn thì có thể bạn không chịu nổi. Bởi vì bạn vẫn chưa tu luyện đến cảnh giới của Thánh Hiền nên bị ngã đổ thôi. Phương pháp tốt nhất là không nghe, không cần nhẫn, bản thân vẫn cam tâm tình nguyện làm tiếp tục.
Làm thế nào để có được hạt ngọc trai, hạt cát chui vào bên trong con trai, vốn dĩ nó là hạt cát, con trai nghĩ mình có đuổi cũng không đuổi nó đi được, chi bằng hãy bao dung nó, sau đó con trai không ngừng bao dung, cuối cùng bên trong người nó đã hình thành nên hạt ngọc trai.
Bản thân chúng ta cũng vậy, nếu như có duyên gặp phải những sự việc, hoặc những người mà cả đời không thể nào tránh né được, ví như không thể trốn tránh được cha mẹ, con cái, bạn bè người thân, vậy thì những ký ức mà họ đã mang đến cho bạn, bạn hãy nuôi dưỡng chúng trở thành những hạt ngọc trai bên trong tâm mình là được rồi.
Ở đây có câu chuyện tôi xin chia sẻ với mọi người, nói về Quý Tử, là Quý Tử trong bách gia chư Tử thời cổ đại. Có một lần môn khách của Quý Tử tiến cử cho ông một vị khách, sau khi vị khách đó rời khỏi, Quý Tử nói với môn khách rằng: “Người mà anh dẫn đến có ba điều lỗi: Nhìn thấy ta là cười biểu hiện của sự ngạo mạn. Nói chuyện với ta không xưng là “lão sư” biểu hiện của vi phạm lễ tiết. Giao hảo giữa ta và người đó chưa thân mà cách nói chuyện lại thân thiết biểu hiện của việc nói chuyện thiếu chừng mực”.
Kết quả, môn khách của ông cũng rất có tầm nhìn, đã phản bác lại rằng: “Người đó nhìn ngài mỉm cười vì đây là thói quen chung của mọi người. Nói chuyện với ngài mà không xưng ngài là “lão sư” là biểu hiện của học thức uyên bác. Mới quen mà nói chuyện thân mật là biểu hiện của người trung thành”. Bạn thấy hai người khác nhau cùng nhìn nhận một sự việc thì sẽ có hai quan điểm hoàn toàn trái ngược nhau.
Ở đây tôi muốn nói lên điều gì? Chúng ta muốn tu đức khiêm tốn, muốn tu Nữ Đức thì bản thân mình làm là được rồi, người khác có nói thế nào cũng không cần để ý. Chúng ta dùng tâm chân thành, chân thật cắm gốc từ trên đạo lý học vấn, mỗi ngày cảm nhận thể hội từ trong Kinh điển, rồi thực hành trong cuộc sống. Sự nâng cao này người khác không thể nào hiểu được, nhưng bản thân có thể đạt được học vấn chân thật.
THƯỜNG NHƯỢC ÚY CỤ
Ở đây có nghĩa là bản thân thường có tâm hổ thẹn và tâm nơm nớp lo sợ thì mới có thể chân thật gìn giữ được phước báo và phước phần của chính mình. Cổ ngữ có câu: “Người không lo xa, ắt có buồn gần”. Người xưa thường cho rằng nguy hiểm nhất là điều gì? Người ở địa vị cao mà không có đức hạnh, điều này rất nguy hiểm. Người có lộc lớn mà không có đức hạnh thì điều này cũng rất nguy hiểm.
Nếu có gia nghiệp rất lớn mà trong nhà không có đức hạnh cũng rất nguy hiểm. Dù biến đổi thế nào nhưng bản chất vẫn luôn không đổi, nên khi có danh tiếng lẫy lừng thì phải phản tỉnh trở lại đức hạnh của chính mình, mỗi ngày đều xét lại bản thân. Nếu như không có đức hạnh thì chúng ta sẽ không gánh nổi phước báo lớn, rất nhiều thứ sẽ dễ dàng bị thất thoát. Tôi xin kiến nghị mọi người hãy chân thật học tập “Liễu Phàm Tứ Huấn”.
Trong chương thứ tư của sách “Liễu Phàm Tứ Huấn” có nói đến lợi ích của đức khiêm tốn. Nói một cách khác là bạn biết được phương pháp để lập mệnh, biết làm thế nào thay đổi vận mạng, sau đó cũng biết làm thế nào để sửa lỗi tích thiện. Tuy nhiên, nếu như bạn không biết hàm dưỡng đức khiêm tốn thì tất cả nước trong sông hồ cũng không thể đổ đầy cái ly bị thủng được, sẽ bị chảy ra hết.
Thế nên, chỉ có không ngừng hàm dưỡng đức hạnh khiêm tốn của chính mình thì mới có thể giữ được công đức của việc sửa lỗi và tích thiện. Trong sách “Thượng Thư” lại nói: “Mãn chiêu tổn, khiêm thọ ích”, làm người nhất định không được kiêu ngạo, trái nghĩa của khiêm tốn là ngạo mạn. Thái độ ngạo mạn có nhiều cách biểu hiện, không hẳn là cách nói chuyện kiêu ngạo, ăn nói không kiêng nể, trong mắt không có ai, loại ngạo mạn đó là ngạo mạn dạng thô thiển bề ngoài.
Loại ngạo mạn đáng sợ nhất trong xã hội hiện nay là gì? Đó là biểu hiện vẻ ngoài rất nho nhã, người khác nhìn không thấy sự ngạo mạn, nhưng trong lòng không coi hết thảy mọi người, mọi vật ra gì, nhất là khi người đó có địa vị, học thức, phước báo nhất định nào đó.
Người khác quả thật không nhìn ra còn cảm thấy người đó thật khiêm tốn, văn nhân nho nhã. Người đó trước giờ chưa từng xét lại bản thân, tự hỏi bản thân rằng mình có phải là người ngạo mạn hay không? Loại ngạo mạn này rất dễ hại người. Thế nên ngạo mạn là tật xấu căn bản nhất của con người, rất khó trừ bỏ.
Trong quá trình học tập của mỗi người hiện nay, chúng ta mỗi ngày nên tự hỏi chính mình có ngạo mạn hay không, cách nói chuyện thế này có ngạo mạn hay không, suy nghĩ kiểu này có ngạo mạn hay không, làm việc thế này có ngạo mạn hay không. Có thể buông xuống học lực, danh vọng, địa vị gia đình, tài phú, dung mạo của bản thân mà thời thời khắc khắc dùng tâm khiêm tốn để đối người, tiếp vật hay không.
Nếu như không thể buông xuống thì dù khởi một ý niệm ngạo mạn rất nhỏ bé cũng giống như nhỏ một giọt mực vào chậu nước trong veo của cuộc đời bạn, cho dù chỉ nhỏ một giọt thôi nhưng trong chốc lát nước trong sẽ chuyển thành đen. Thế nên, sự ngạo mạn của con người giống như thức ăn trên khay, bản thân luôn cố sức làm đầy nó. Hôm nay ta cảm thấy học vấn của chính mình rất tốt, đã làm rất nhiều việc cho nhân viên, đã làm rất nhiều việc cho xã hội, địa vị của mình, danh vọng của mình đều đang góp phần làm đầy khay thức ăn đó.
Đập vào mắt là một khay thức ăn cao chót vót, đến nỗi không nhìn thấy con đường trước mắt, lời nói của người khác hoàn toàn không nghe lọt tai, đến lúc đó thì quả thực là hết thuốc chữa. Có câu: “Nghe người khuyên thì mới ăn no”, người hiện nay không nghe khuyên, khuyên càng hăng thì họ sẽ bỏ chạy. Vì vậy, đối với người ngạo mạn không cần nói với họ, làm như vậy có trí tuệ.