Nữ Đức Vi Yếu – Chương Năm: Chuyên Tâm (P3)
Nữ Đức Vi Yếu – Chương Năm: Chuyên Tâm (P3): Thế nên nói, phụ nữ không thể không được lòng chồng. Nhưng muốn được sự yêu thương và tôn trọng chân thật phát ra từ trong tâm chồng thì tuyệt đối không dùng lời xảo nịnh, đường mật bùi tai mà có được, mà phải chuyên tâm, chánh sắc.
DO TƯ NGÔN CHI, PHU BẤT KHẢ BẤT CẦU KỲ TÂM. NHIÊN SỞ CẦU GIẢ, DIỆC PHI VỊ GIAN MỴ CẨU THÂN DÃ, CỐ MẠC NHƯỢC CHUYÊN TÂM CHÁNH SẮC. LỄ NGHĨA CƯ KHIẾT, NHĨ VÔ ĐỒ THÍNH, MỤC VÔ TÀ THỊ, XUẤT VÔ TRỊ DUNG, NHẬP VÔ PHẾ SỨC, VÔ TỰU HỘI QUẦN BỐI, VÔ KHÁN THỊ MÔN HỘ, TẮC VỊ CHUYÊN TÂM CHÁNH SẮC HỸ
(Tạm dịch: Thế nên nói, phụ nữ không thể không được lòng chồng. Nhưng muốn được sự yêu thương và tôn trọng chân thật phát ra từ trong tâm chồng thì tuyệt đối không dùng lời xảo nịnh, đường mật bùi tai mà có được, mà phải chuyên tâm, chánh sắc. Giữ gìn lễ nghĩa, cử chỉ đoan trang, thanh khiết, tai không nghe những điều không nên nghe, mắt không nhìn những thứ không nên nhìn, đây gọi là chuyên tâm. Ra ngoài không điểm trang diêm dúa, ở nhà không được đầu bù tóc rối, cáu bẩn, không tụ họp bạn bè nô đùa cười giỡn, không đứng trước cửa nhìn Đông ngó Tây, đây chính là chuyên tâm, chánh sắc)
Đoạn này nói làm thế nào để có thể có được tâm ý của chồng, chủ yếu là từ việc đoan chánh phẩm hạnh, bắt đầu từ việc giữ gìn tiết tháo. Từ xưa đến nay đây được xem là một vấn đề lớn nên Ban Chiêu đã không tiếc giấy mực mà viết về phần này. Để được lòng chồng thì không phải dùng cách nịnh nọt chồng để có được tình yêu thương, việc này không phải là chuyên tâm, chánh sắc. Chuyên tâm, chánh sắc là gì? Phải đoan chánh tâm niệm của chính mình, dùng lễ mà đối xử, tuân thủ đạo nghĩa, không được khinh thường mà làm trái. “Phi lễ không nghe, phi lễ không nhìn” chính là chuyên tâm thực sự. Khi đi ra ngoài không được trang điểm diêm dúa, khêu gợi, khi về nhà cũng không được chỉ vì có một mình ta ở trong phòng mà không chú ý đến hành nghi của bản thân, khi đi ra ngoài cũng không được tùy tiện cùng với các bạn nữ tụ tập cười đùa ồn náo, cũng không được tùy tiện ở trong nhà mà nhìn trộm ra ngoài phòng. Như vậy mới thật gọi là chánh sắc.
Chúng ta nghĩ xem trong cuộc sống hiện nay làm được những điều này thật khó. Làm thế nào mới có thể đoan chánh tâm niệm của chính mình, khiến cho bản thân quay về với đạo? Chúng ta hãy cùng nhau học tập một chút. Điều mà phụ nữ mong cầu là gì? Nếu như tùy tiện dùng dung nhan hoặc lời nói ủy mỵ của chúng ta để lấy lòng chồng thì cho dù dung nhan có yêu kiều đến đâu, lời nói có mật ngọt thế nào mà dùng những thứ ở bên ngoài này để lấy lòng chồng của mình, cho dù nhất thời có được tình yêu của chồng đi chăng nữa thì cái tâm niệm mong được lòng của chồng đó đã không còn là chánh niệm rồi, cũng không phải là sự chuyên tâm chân chánh, tương lai sẽ không thể có kết quả tốt được. Tà tâm tà niệm của bản thân sẽ dẫn khởi tà tâm tà niệm của chồng. Sau cùng chồng của mình có thể sẽ làm ra một số hành vi buông thả. Việc này nên trách ai đây? Nói một cách khác, phụ nữ không nên dùng nhan sắc mà mua chuộc lòng chồng mà nên dùng đức để đối đãi với chồng, hiểu được điều này rồi thì sẽ khiến tâm của mình trụ nơi chánh niệm.
Vậy thế nào mới có thể làm được chuyên tâm, chánh sắc? Cần phải “lễ nghĩa cư khiết”, chính là dùng lễ mà cư xử, tuân thủ đạo nghĩa. Cái lễ ở đây chính là trong tâm luôn luôn giữ được sự khiêm hạ, cung kính, không dám đứng trước thiên hạ. Còn biểu hiện ở bên ngoài thì sao? Phải tuân thủ đạo nghĩa, chính là “ngũ luân thập nghĩa”, mỗi luân trong ngũ luân đều làm được. Đối với vợ chồng thì chính là câu “phu phụ hữu biệt, phu nghĩa phụ thính”, cần hiểu rõ bổn phận của chính mình, bản thân cần biết làm thế nào để thuận tòng, cần biết cái gì là tự tánh của chính mình.
Câu tiếp theo nói “nhĩ mục xuất nhập”, tức nói năm giác quan của chúng ta là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân thường ngày tiếp xúc với ngũ dục, với những cảnh giới không tốt ở bên ngoài dễ dấy khởi tà tư, tà niệm. “Nhĩ vô đồ thính, mục vô tà thị” nghĩa là hai bộ phận quan trọng là tai và mắt, tai không được nghe lung tung, mắt cũng không được nhìn lung tung, chính là “phi lễ không nghe”. Chữ “đồ thính” có hai hàm nghĩa, nghĩa thứ nhất là nghe một cách hồ đồ, nghe không rõ ràng, lời nói tốt thì nghe không hiểu, lời nói xấu thì nghe hiểu rõ ràng. Đó gọi là nghe một cách hồ đồ. Nghĩa thứ hai là ưa thích nghe những lời thị phi, lời không phù hợp, với ác ngữ cảm thấy rất thích thú, ưa thích nghe âm thanh xấu ác, đó gọi là “đồ thính”. Hiện nay trong cuộc sống chính là như vậy, nghe lời nói tốt thì tâm không hoan hỷ, càng nghe càng cảm thấy “sự thật mất lòng”. Điều này cho thấy thiện căn của chúng ta không đủ, phước báo không đủ nên mới có phản ứng như vậy.
Vì vậy có câu: “Thuốc tuy đắng miệng nhưng khỏi bệnh, lời thật trái tai giúp sửa mình”. Câu này chính là phần trọng điểm khi bàn về “phụ ngôn”. Thế nào gọi là “mục vô tà thị”? Đó là “phi lễ không nhìn”, người hiện nay không phân biệt được tà chánh, đối với những thứ tà, thứ bất thiện thì rất thích nhìn. Đây là một vấn đề rất lớn. Tôi nhớ một lần đi thang máy, bên trong thang máy có màn hình chiếu quảng cáo về phẫu thuật thẩm mỹ làm tăng kích cỡ vòng ngực. Những phụ nữ trong quảng cáo đó rất khêu gợi, hở hang. Những thứ như thế thì không được nhìn đến, nếu không thì sẽ dẫn dắt những ý niệm bất thiện của chúng ta. Có một lần khi tôi trò chuyện cùng với bạn, khi nói đến vấn đề phụ nữ cần phải giữ gìn tiết tháo của mình thì cô ấy nói: “Ồ! Vấn đề chị nói tôi từ trước đến giờ chưa từng nghĩ đến”. Tôi nói rằng không những là tai và mắt mà thân thể của chúng ta cũng không được ưa thích mặc những quần áo mượt mà mềm mại. Lúc đó tôi đã kể cho cô ấy nghe một câu chuyện từ một bộ Kinh điển nói về Phật Thích Ca Mâu Ni. Khi đức Phật còn tại thế, có một cô gái là con gái của một vị quốc vương. Cô hết sức xinh đẹp, thực là tuyệt thế vô song. Cho nên cô rất kiêu hãnh với nhan sắc của mình. Cô treo giải thưởng ngàn lạng vàng cho người nào có thể trong 30 ngày dám nói rằng cô không đẹp, chỉ ra được khuyết điểm của cô thì cô sẽ tặng vàng cho người đó. Thế nhưng, gần đến kỳ hạn rồi mà không có người nào dám nói, bởi vì không nói ra được khiếm khuyết của cô. Cô ấy thực sự có một vẻ đẹp không tì vết. Kết quả, tin tức này truyền đến tai đức Phật. Ngài đã rất nghiêm túc mà nói một câu rằng: “Cô gái ấy đã sai hoàn toàn. Cô ta không hề đẹp đẽ chút nào, không có chỗ nào là đẹp cả”. Đệ tử của Ngài là A-nan cảm thấy rất kỳ lạ, bèn hỏi Phật: “Cô gái đó quả thật rất xinh đẹp! Sao đức Phật lại nói như thế? Chúng con không hiểu”. Đức Phật đã nói: “Đôi mắt của cô gái đó thích nhìn những thứ tà sắc, nhĩ căn thích nghe những lời khen tặng bùi tai, mũi thích ngửi mùi hương nước hoa trên thân, lưỡi ưa nếm những món ăn ngon. Còn thân thì sao? Thân thích mặc những quần áo trơn mịn và láng mượt. Từ trên đến dưới, cả người của cô ấy đều bị dục vọng ngăn lấp, không hề có một chút trí huệ hiện tiền. Bên trong hình dáng bề ngoài của cô ấy là một quả tim dơ bẩn. Vậy thì sao con có thể nói cô ấy đẹp được chứ? Các con nhìn thấy đẹp, còn ta thì chỉ nhìn thấy một cô gái rất xấu được bao bọc bởi một lớp da hôi thối”. Khi ngài A-nan đem lời nói đó chuyển đến cho cô gái. Cô gái đó rất hổ thẹn, gỡ giải thưởng xuống, từ đó về sau không còn dám xuất đầu lộ diện khoe khoang nữa.
Chúng ta trong cuộc sống thường bị mê hoặc, không biết cái nào là tốt, cái nào là xấu. Đó là bởi vì không có vị thầy tốt dạy bảo chúng ta, nếu như có thì chúng ta nhất định sẽ biết rõ. Thế nên giáo dục rất quan trọng. Cổ đại đức có nói: “Giới sắc tiên giới tâm, giới tâm tiên giới nhãn”, nếu muốn trì giới sắc dục thì trước hết phải trì được giới trong tâm. Muốn làm được giới tâm thì trước tiên phải canh giữ đôi mắt, giữ mình cho chắc trước đã vì hiện nay ngoài những bộ phim không tốt ra, còn có những băng đĩa không tốt, khắp nơi đều là quảng cáo dụ hoặc không kháng cự lại nổi, đồng thời trên đường còn có các cô gái không biết hổ thẹn. Thế nên, bạn phải thực sự biết cách ngăn ngừa. Không những các cô gái cần phải chú ý mà các chàng trai cũng phải như vậy. Lần trước đi công tác, tôi ngồi xe buýt của sân bay. Sau khi lên xe buýt thì trên xe rất đông người, tiếp đó có một cô gái bước lên xe. Lúc đó trời cũng đã vào mùa đông nhưng cô gái đó ăn mặc rất thiếu kín đáo, chân chỉ mặc một đôi vớ lưới mỏng tang, quấn khăn choàng cổ bằng lông, mặc một chiếc quần bằng da rất ngắn, tóc dài đến tận đầu gối. Tôi lúc đó lấy làm kinh ngạc trước mái tóc rất dài của cô ấy, sao cô ấy để tóc dài đến như thế, trang điểm rất lòe loẹt. Sau khi cô ấy bước lên thì ôm lấy eo của một người đàn ông đứng bên cạnh. Anh ta cũng không có phản ứng gì. Cả hai người đó đứng trước mặt tôi. Lúc đó tôi nghĩ, hai người này chắc là bạn bè. Người đông như thế nên cô ấy không đứng vững được phải ôm lấy anh ấy là điều bình thường. Tôi cũng không suy nghĩ nhiều. Khi sắp đến chỗ xuống xe, cô ấy còn cười với người đàn ông kia. Anh ấy cũng chẳng nói gì. Người đàn ông ấy xuống xe buýt, đi về phía máy bay. Cô ấy cũng xuống xe đi lên máy bay. Khi lên máy bay thì người đàn ông ấy vừa khéo ngồi kế bên tôi, còn cô gái ấy thì ngồi ở phía sau cùng. Đến khi máy bay hạ cánh thì tôi quan sát thấy mỗi người đi một ngả, căn bản là họ không quen biết nhau. Việc này làm tôi hết sức kinh ngạc. Thế nên, sự dụ hoặc và thử thách trong xã hội hiện nay đối với nam giới rất nhiều, nếu thực sự có định lực thì cần phải chân thật học tập ông Liễu Hạ Huệ (ôm người nữ trong lòng mà tâm không khởi ý đồ xấu).
Thời xưa, việc “nam nữ thọ thọ bất thân” (trao cho nhau vật gì đều không chạm tay nhau) rất có đạo lý. Bạn không có ý nghĩ gì không có nghĩa là đối phương cũng không có ý nghĩ gì. Cho dù hai người các bạn đều không có ý nghĩ gì cũng không có nghĩa là người xung quanh các bạn không có suy nghĩ gì. Nếu như dẫn khởi tà tư tà niệm của người khác vậy thì bản thân bạn đang tạo nghiệp rồi. Đây là việc không tốt, sẽ làm tổn phước báo của chính bạn. Trong xã hội hiện nay, truyền hình, quảng cáo, báo chí, tạp chí, mạng Internet quả thực đã bị ma vương bao vây đặc kín, rất khó tìm được thứ gì thuộc về Thánh Hiền, mà đều dẫn dắt con người khởi phát tâm ma. Chúng ta hãy nhìn chữ “ma” (魔) này. Thực ra, thời xưa vốn không có chữ “ma” này. Chữ này do Lương Võ Đế tạo ra. Hồi xưa chỉ có chữ “ma” (磨) với bộ “thạch” (石), hình dung cho dùng đá mài vào vật gì đó, có nghĩa là giày vò khốn khổ người khác. Về sau, Lương Võ Đế phát hiện ra rằng rất nhiều dục vọng của con người trong thế gian đã dày vò, cám dỗ con người còn nghiêm trọng hơn thế nữa, cũng đáng sợ như quỷ vậy. Vì vậy, ông quyết định đổi bộ “thạch” thành bộ “quỷ”, và gọi đó là chữ “ma”. Vì sao gọi là “ma”? Phàm những thứ gì có thể dẫn dụ dục vọng của con người thì đó chính là “ma”. Bạn đối với tiền tài có dục vọng, có sự truy cầu, thứ mà có thể khiến bạn không ngừng đi về hướng dục vọng cực đoan chính là “ma”. Bạn quá để ý săm soi đến nhan sắc, dung mạo của mình. Điều này sẽ làm tăng trưởng sự truy cầu quá mức của bạn đối với những dục vọng về những chai nước hoa đắt tiền, và đủ loại mỹ phẩm, với la liệt nào là quần áo nữ trang. Đó đều là ma. Chúng không ngừng khiến cho dục vọng của bạn tăng trưởng đến cực điểm. Có danh tiếng cũng được, nhưng nếu được quá nhiều lời tán thán thì cần phải cẩn thận, có thể là ma đến khảo nghiệm bạn đó. Bạn không tốt như thế mà họ khen ngợi bạn quá lố. Việc này quá đáng sợ.
Tôi là một người ăn nói thẳng thắn. Có một lần có người khen ngợi tôi rất nhiều. Lúc đó tôi đã không khách khí mà nói rằng: “Anh đừng làm ma nữa! Tôi thực tình không tốt như anh nói đâu. Anh nói nhầm rồi”. Nói xong tôi quay người bỏ đi. Sau này, anh ấy còn nói với bạn của tôi rằng: “Cô giáo Tịnh Du sao lại nói như thế chứ?”. Tôi nói: “Tôi không thích nghe bởi vì điều đó quá khác xa với thực tế của tôi. Đức hạnh và học vấn của tôi chưa phải như thế”. Nếu như chúng ta có nhận thức như vậy thì sẽ có thể gìn giữ được phước điền thanh tịnh trong tâm của chính mình, mà không tùy tiện phung phí nó.
Thế nên, cổ đại đức nói rằng: “Mục vọng thị tắc dâm, nhĩ vọng văn tắc họa, khẩu vọng ngôn tắc loạn, tam quan giả bất khả bất thận thủ hĩ”, có nghĩa là nếu như mắt của chúng ta nhìn tùy tiện thì sẽ dễ dàng khởi niệm dâm. Chữ “dâm” ở đây mang ý nghĩa quá lố. Ví dụ như có người rất thích ngọc thạch, nhìn thấy cửa hàng bán ngọc thì chân cất bước không đành, mắt nhìn chằm chằm không chớp. Ngay lúc đó thì chữ “dâm” đã xuất hiện rồi. Nếu có phụ nữ nhìn thấy những món nữ trang châu báu mà không cất bước nổi, không mua thì trong lòng rất đau khổ. Vậy thì ngay lúc đó mắt đã vọng động rồi, tâm đã bị cảnh chuyển rồi. Nếu như vậy, bạn đừng nhìn chúng sẽ tốt hơn, sẽ không có phiền não.
“Nhĩ vọng văn tắc họa” có nghĩa là nếu như tai nghe những lời linh tinh, tạp nhạp sẽ khiến chính mình bị mê hoặc. Nghe cái này thấy có đạo lý, nghe cái kia cũng cảm thấy có đạo lý, bản thân sẽ không phân biệt được rõ ràng, mối họa sẽ theo đó xuất hiện. Vì vậy mà từ xưa đến nay cổ đại đức tu học đều phải “nhất môn thâm nhập trường kỳ huân tu”. Chữ “nhất môn” không những chỉ cho việc chúng ta xem sách hoặc Kinh điển mà còn không được học theo quá nhiều thầy. Mỗi một vị thầy lại giảng không như nhau. Ví dụ như về Nữ Đức, cũng là cuốn sách “Nữ Giới” mà tôi giảng thì thế này, nhưng người khác đến xem thì nhất định sẽ giảng một kiểu khác. Giống như một ngọn núi vậy, người đứng ở những góc độ khác nhau thì sẽ nhìn thấy dáng núi khác nhau. Cho nên nếu bạn tu học với hết người này sang người khác thì cái mà bạn nhìn thấy cũng không như nhau.
Thời xưa có một câu chuyện thế này. Có một người thanh niên tâm vô cùng thành kính, một lòng muốn cầu đạo, đặc biệt là muốn học được pháp thuật của Đạo gia để có thể thành tiên. Vì vậy, anh ta đi khắp nơi thăm hỏi: “Tôi muốn thành tiên. Có ai có đạo thuật ấy không?”. Có một người nhà giàu thấy anh thanh niên này thành thật như vậy thì nói với anh ta rằng: “Anh đừng đi hỏi khắp nơi nữa! Hãy đến học với ta đi! Ta biết thuật thành tiên đây, nhưng với một điều kiện là trước khi anh học với ta thì phải làm công cho ta trong ba năm. Nếu anh làm tốt thì ta sẽ nói cho anh biết thuật thành tiên”. Anh thanh niên đó nói: “Không thành vấn đề!”. Anh cũng không màng đến tiền công mà cần cù làm việc trong ba năm. Sau ba năm, anh ấy hỏi: “Ông có thể nói cho tôi biết được không?”. Người nhà giàu đó nói: “Anh chưa đủ thành tâm. Sau ba năm nữa, tôi mới nói cho anh biết”. Anh ta lại làm việc thêm ba năm nữa. Sau đó, anh lại hỏi: “Có thể nói cho tôi biết được chưa?”. Người nhà giàu đó nói: “Chưa được! Cần phải làm thêm ba năm nữa vì sự thành tâm của anh vẫn chưa đủ”. Anh ta lại thành tâm mà dốc sức làm việc trong ba năm nữa. Đợi đến năm thứ chín, anh lại đi hỏi người nhà giàu đó. Lúc này gã nhà giàu đó không còn lời nào để nói vì không thể lừa anh được nữa rồi, nên quyết định muốn hại chết anh. Gã nói rằng: “Được rồi! Anh hãy đi lên núi với tôi, phải lên núi thì tôi sẽ nói cho anh biết”. Hắn muốn lên núi rồi sẽ đẩy anh ấy xuống dưới vực. Sau khi dẫn anh lên đến đỉnh núi, hắn ta nói: “Anh có nhìn thấy không, ở chỗ vực núi kia có một cây tùng. Nếu anh nhảy về hướng cây tùng đó thì sẽ thành tiên”. Chúng ta đều biết rằng nếu như nhảy qua thì chắc chắn sẽ chết, thế nhưng anh thanh niên đó nói: “Thưa thầy! Con vô cùng cảm ân thầy đã dạy dỗ trong chín năm qua”. Sau khi lạy thầy ba lễ, anh ấy đã tung mình nhảy xuống. Kết quả không ngờ rằng anh thanh niên ấy đã bay lên trời mà thành tiên. Tên nhà giàu vô cùng kinh ngạc, nói rằng: “Lẽ nào ta đã chỉ hắn đúng rồi sao! Cây tùng đó quả thật là đã thành cây tiên rồi sao? Ta cũng nhảy thử xem để được thành tiên, làm người khổ quá”. Tên nhà giàu đó cũng nhảy, nào ngờ hắn nhảy xuống dưới đáy vực chết tốt. Câu chuyện này nói lên đạo lý gì vậy? Chàng thanh niên đó với một niệm thành tâm, không có hai niệm. Nhờ đó, chính mình thành tựu cho chính mình, không có người nào thành tựu cho anh ngoài anh ra. Thế nên, “Thầy đã dẫn đến cửa, tu hành là do ta”. Ngay cả bản thân thầy nếu muốn thành tựu cũng phải như vậy, cũng cần phải tu, cần phải “nhất môn thâm nhập trường kỳ huân tu”, không được học loạn.
“Khẩu vọng ngôn tắc loạn” nghĩa là miệng nói chuyện tùy tiện thì sẽ dễ gây ra họa loạn. Ba điều này chúng ta cần phải cẩn thận gìn giữ.
“Xuất vô trị dung, nhập vô phế sức”, câu này có nghĩa là khi đi ra ngoài không được trang điểm diêm dúa và ăn mặc hở hang. Nếu bạn như thế mà ra đường thì thật ra mà nói trong tâm của bạn có sự vướng mắc. Chính là bạn mong muốn nam giới nhìn ngắm đến mình, có người đến khen ngợi mình, nhãn thần sẽ không định được. Những phụ nữ mà tâm niệm bất định thì ánh mắt của cô ấy không chuyên nhất, thường hay nhìn Đông ngó Tây, rất nóng vội bộp chộp. Khi về đến nhà, cũng đừng vì lý do trong nhà chỉ có một mình mình, không có người khác nên mình muốn ăn mặc ra sao thì cứ tùy tiện. Hai câu này nói về nguyên tắc trang điểm và ăn mặc của phụ nữ khi đi ra ngoài và ở nhà, ra ngoài không được diêm dúa, ở nhà không được phóng túng. Trên thực tế, đây chính là tâm tánh của chúng ta. Khi phụ nữ bước ra khỏi nhà cần phải có uy nghi, không những nam giới có uy nghi mà phụ nữ cũng cần có uy nghi. Vì vậy nên mới có bốn chữ “mẫu nghi thiên hạ”. Bốn chữ này dùng để hình dung Hoàng hậu của một đất nước cần phải có uy nghi. Khi người làm vợ bước ra đường thì người khác nhìn vào sẽ biết đây là vợ của ai, là con dâu của nhà nào. Vậy nên từng cử chỉ, hành vi quả thực cần phải có uy nghi để người khác không dám xem thường. Cũng như vậy, khi phụ nữ trở về nhà cũng không được có tâm phóng túng, tùy tiện mà luôn luôn phải cẩn thận ý tứ, không được để mất sự trang nghiêm.
“Vô tụ hội quần bối, vô khán thị môn hộ”, câu này có nghĩa là phụ nữ ở bên ngoài không được đàn đúm với bạn bè cả ngày, cũng không đưa quá nhiều bạn bè về nhà tụ tập. Vào thời xưa còn đỡ hơn một chút nhưng trong xã hội hiện nay thì thật nghiêm trọng. Tâm của người nữ không thể định được ở một nơi mà thích đi chỗ này chỗ kia, mặc dù học tập văn hóa truyền thống nhưng tâm của chính mình cũng rất khó định được lại. Nếu muốn chân thật làm được nhất tâm thì phải nghĩ rằng mình không cần nghe nhiều quá, ví dụ như đối với những luận đàn văn hóa truyền thống, nếu như bạn chân thật dụng tâm thì nghe một lần là đủ rồi. Quan trọng là sau khi bạn về nhà bạn làm thế nào áp dụng điều bạn đã học thì mới chân thật có được thọ dụng. Phải hiểu rằng học tập chỉ là một phương thức, chỉ là một công cụ mà thôi, đừng biến công cụ thành mục tiêu. Mục tiêu của bạn là gì? Cái bạn cầu là gì? Nếu như cái bạn cầu là chân tâm của bạn, là cầu đạo thì đạo không ở bên ngoài. Đạo ở ngay trong tâm của bạn, đạo ở ngay trong nhà của bạn, trong chính cuộc sống thường ngày của bạn. Bất luận bạn học tập bao lâu, bạn học tập bao nhiêu, quen biết được bao nhiêu bậc đại đức, nếu như chúng ta vẫn còn nổi nóng, còn có tật xấu, thích làm người thế nào thì làm người như thế đó, tật xấu nổi nóng một chút cũng không hề giảm bớt, bản thân một chút cũng không tiến bộ, học vấn không hề tăng trưởng. Vậy thì việc học đó không có chút công dụng gì cả.
Vậy việc tụ tập với bạn bè ở đây tức là tâm của bạn không chịu đặt ở nơi an tĩnh, không chịu an định, thích cùng một vài người bạn tụ tập lại nói chuyện nhà người này nhà người kia rất vui vẻ. Nếu không có người cùng nói chuyện, cùng dạo chơi thì sẽ cảm thấy yên ắng, buồn bã quá. Nếu đi dạo phố mua sắm thì cũng kéo theo năm ba người bạn, uống trà cũng rủ theo năm ba người bạn. Trong xã hội hiện nay nếu như không có bạn bè thì giống như đây là điều mất mặt vậy. Quan điểm đó thật ra sai rồi. Có nhiều bạn không quan trọng mà quan trọng là những người đó có phải là bạn bè hữu ích hay không. Nếu như có bạn bè mà khi tụ hội lại thì cùng nhau ăn uống chơi bời, hoặc kết giao vì tài lợi. Sự kết giao như vậy thực tế không có ích lợi gì. Tôi trước đây có rất ít bạn, dường như tôi không chủ động kết giao bạn bè. Lúc còn đi học thì tan học xong về nhà, trong trường thành tích luôn đứng đầu bởi vì tâm của tôi chỉ chuyên nhất vào việc học. Đến khi đi làm thì hết giờ về nhà. Về đến nhà, công việc tôi yêu thích nhất là đọc sách. Nguyên nhân trước đây tôi không thích kết giao bạn bè là gì? Nói ra thật xấu hổ, là do tôi ngạo mạn, tâm cống cao ngã mạn, xem thường người khác, thường cảm thấy người này ăn nói quá thô, còn người kia thì học vấn không đủ. Nhờ thông qua việc học tập văn hóa truyền thống, tôi đã buông xuống sự ngạo mạn nhưng tôi cũng ít khi chủ động kết giao bạn bè, vì tâm tôi đã thay đổi, cảm thấy đức hạnh và sự tu dưỡng của chính mình còn quá kém.
Thời gian chính là sinh mạng, phải tranh thủ nâng cao bản thân, vượt qua chính mình, cần phải giữ tâm an tĩnh mà phản tỉnh sửa đổi, tinh tấn học tập. Nếu như dùng thời gian để giao tiếp qua lại với người này người kia thì sẽ lỡ mất thời gian học tập nâng cao chính mình, cũng rất khó có thể khiến cho tâm của chính ta được thanh tịnh. Thế nhưng thật ra mà nói, hiện nay bạn bè của tôi đã nhiều hơn so với trước đây. Tuy rằng không thường gặp mặt, nhưng mỗi khi gặp mặt thì mọi người đều nói về đề tài văn hóa truyền thống, trao đổi với nhau làm thế nào để nâng cao bản thân. Mỗi lần đàm đạo cùng bạn bè, chúng tôi đều cởi bỏ được rất nhiều khúc mắc trong lòng. Mỗi dịp nói chuyện qua điện thoại đều khiến cho chính mình buông xuống rất nhiều phiền não. Đời người vốn ngắn ngủi tạm bợ, trên đường đời có thể có được những thiện tri thức bầu bạn là hạnh phúc lớn nhất của chúng ta.
“Vô khán thị môn hộ” có nghĩa là nhất định phải canh giữ cho tốt cánh cửa của lòng mình. Cửa lòng không phải là cánh cửa nhà, cả ngày phải trông coi đừng để ăn trộm vào nhà, không phải như vậy. Vào thời xưa còn có một hàm nghĩa nữa. Thời xưa không như thời nay có tòa nhà cao ốc mà đều là nhà thấp tầng (nhà trệt), có phòng trong và gian nhà ngoài. Người xưa không muốn phụ nữ chốn khuê môn tùy tiện bước ra gian nhà ngoài trông ngóng xem có khách đến chơi hay có hàng xóm đến thăm hay không. Nếu làm như vậy thì người phụ nữ trong gia đình này không có giáo dưỡng, có tà tư tà niệm. Thế nhưng trong xã hội hiện nay, tôi cảm thấy phần nhiều có nghĩa là chúng ta phải giữ cho tốt cái cửa trong lòng mình. Nhân đây tôi cũng chia sẻ với mọi người một vài câu chuyện trong sách “Liệt Nữ Truyện” để xem phụ nữ thời xưa làm thế nào giữ gìn cánh cửa của tâm mình.
Đầu tiên là chuyện “Sở Bạch Trinh Cơ”. Sở Bạch Trinh Cơ là vợ của Bạch Công Thắng nước Sở. Sau khi Bạch Công Thắng qua đời, người vợ dựa vào nghề may vá nuôi thân mà không tái giá. Ngô Vương nghe nói nàng rất xinh đẹp đồng thời đức hạnh rất tốt, liền phái quan đại phu cầm theo một trăm lạng vàng và một đôi vòng ngọc để làm sính lễ, đem theo ba mươi cỗ xe có phủ rèm và người hầu nữ đến để hỏi cưới nàng về làm vợ. Sau khi quan đại phu đưa sính lễ thì nàng nói chỉ có Bạch Công mới là chồng của nàng: “Lúc chồng tôi còn sống tôi cảm thấy mình rất may mắn. Tôi ở nhà làm những công việc nhà cho chàng như quét dọn, giặt y phục, giày tất, trải giường chiếu, xếp chăn màn. Đây đều là những việc mà phụ nữ nên làm. Chàng đã không may qua đời. Tôi nguyện ở vậy giữ mộ tế tự cho chàng cho đến hết đời. Hiện nay nhà Vua ban cho vàng bạc, vòng tay làm sính lễ, còn ban cho tôi địa vị phu nhân. Đây đều là những thứ tôi không dám tiếp nhận. Nếu như tôi bỏ đạo nghĩa mà chạy theo dục vọng của riêng mình thì đây là việc làm rất ngu xuẩn, kẻ thấy lợi mà quên mất người đã khuất là kẻ tham lam. Một người phụ nữ tham lam và ngu xuẩn như vậy làm sao có thể xứng với Đại Vương được chứ? Tôi nghe nói trung thần không thờ hai vua, gái trinh không lấy hai chồng, không những đối với người sống cần phải như vậy mà đối với người đã khuất cũng phải như vậy. Hiện nay, tôi không thể cùng theo chàng xuống suối vàng mà còn đi lấy người khác, chẳng phải tôi là kẻ bất nhân ư?”. Thế là nàng từ chối sính lễ và không chịu tiến cung, Ngô Vương vô cùng tán thán sự thủ tiết của nàng, vì vậy mà tôn xưng nàng là “Sở Trinh Cơ”. Bậc quân tử cũng vô cùng tán thán nàng bằng câu nói: “Trách nhiệm nặng nề mà đường thì xa, hãy lấy nhân đức làm trách nhiệm”.
Ngoài ra còn có một câu chuyện khác tên là “Lương Quả Cao Hạnh”. Cao Hạnh là người nước Lương, là một quả phụ có dung mạo vô cùng xinh đẹp, làm việc rất khéo léo, nhanh nhẹn. Chồng của nàng cũng không may mất sớm, nàng không tái giá. Những người giàu sang trong nước Lương đều tranh nhau muốn lấy nàng làm vợ, nhưng không có người nào có được nàng. Vua nước Lương hay tin liền phái Thừa Tướng đến nạp sính lễ muốn lấy nàng làm vợ. Nàng nói: “Chồng tôi không may mất sớm, thọ mạng thật vô cùng ngắn ngủi. Tôi lẽ ra nên chôn cùng với chàng nhưng vì còn phải nuôi dưỡng con thơ côi cút nên không thể tuẫn tiết. Những nhà giàu sang đến cầu hôn tôi đều từ chối. Hiện nay nhà Vua lại có ý như vậy thì tôi vẫn giữ trọn chí hướng của mình, quyết không hề thay đổi khí tiết. Tôi nghe nói rằng người làm vợ nếu như quên mất người đã khuất, đi theo người khác thì là kẻ không giữ tín nghĩa, thấy sự phú quý mà quên thuở hàn vi thì người đó không đủ kiên trinh, bỏ đạo nghĩa mà chạy theo cái lợi thì không được gọi là người vậy”. Sau đó, nàng cầm cái gương và một con dao cắt đứt mũi của chính mình, cắt xong nàng nói: “Tôi đã nghiêm khắc trừng phạt chính mình. Tôi không tự sát là vì không đành lòng nhìn con thơ mất cha nay thêm mất mẹ. Nhà Vua vì nhan sắc của tôi mà muốn lấy tôi, nay tôi không còn xinh đẹp nữa, lại trở thành người tàn tật. Xin Vua hãy bỏ việc nạp sính lễ đi!”. Thừa tướng về bẩm báo với vua Lương. Vua hết lời ca ngợi đức hạnh giữ gìn tín nghĩa của nàng, không những miễn trừ lao dịch cho nàng cả năm mà còn ban tặng cho nàng danh hiệu là “cao hạnh” (đức hạnh cao quý).
Còn có một câu chuyện nữa tên là “Trần Quả Hiếu Phụ”, kể về một quả phụ tuổi còn rất trẻ ở nước Trần. Nàng mười sáu tuổi kết hôn, chưa sanh con. Chồng của nàng làm lính canh gác biên phòng. Trước khi ra đi, chồng của nàng có dặn dò nàng rằng: “Nếu như ta tác chiến ở nơi xa quá lâu, sống chết không biết ra sao. Trong nhà còn có mẹ già, không có anh em chăm sóc, nếu như ta không trở về, nàng có thể giúp ta nuôi mẫu thân được không?”. Nàng trả lời: “Không sao cả! Thiếp nhận lời với chàng”. Quả nhiên người chồng ra đi rồi tử trận. Nàng trước sau phụ dưỡng mẹ chồng không đổi, đồng thời còn rất hiếu thuận. Nàng may vá nuôi thân, không hề có ý định tái giá. Sau ba năm thủ tang, cha mẹ ruột của nàng thương nàng còn trẻ, lại không có con cái, nên muốn đưa nàng về nhà để gả cho người khác. Nàng nói rằng: “Tín nghĩa là nền tảng làm người, chánh nghĩa là chuẩn mực của hành vi. Con vâng lời cha lấy chàng làm chồng. Khi chàng ra đi đã gửi gắm mẹ già lại cho con, con đã nhận lời rồi. Đã nhận lời của người là trách nhiệm cả đời của con. Con sao có thể làm trái được ạ? Làm trái lại sự phó thác là thất tín, phản bội lại người đã khuất là phụ nghĩa. Thất tín, phụ nghĩa là điều không thể làm. Đó là sự bất hiếu đối với cha mẹ”. Mẹ của nàng nói: “Mẹ thương con tuổi còn trẻ phải chịu cảnh góa bụa”. Nàng trả lời: “Con nghe nói con người thà giữ đạo nghĩa mà chết chứ không thể tham lợi mà sống, huống chi con đã nhận lời phụng dưỡng mẹ của chàng. Nhận lời của người mà thất tín thì sao có thể đứng được ở thế gian này ạ? Phàm làm vợ người ta đều có bổn phận chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ chồng. Chồng con không may qua đời, không thể giữ tròn bổn phận của kẻ làm con. Nếu như mẹ bảo con rời khỏi nhà anh ấy, tức không giúp anh ấy chăm sóc mẹ già thì chồng của con sẽ mang danh bất hiếu. Con cũng là kẻ đại bất hiếu vậy. Nếu như làm người mà bất hiếu, bất tín, bất nghĩa thì sao có thể tiếp tục sống trên đời được ạ?”. Nàng nghĩ đến việc tự sát. Cha mẹ của nàng sợ hãi không dám bảo nàng tái giá nữa. Nàng phụng dưỡng mẹ chồng hai mươi tám năm. Mẹ chồng sống đến tám mươi bốn tuổi mới qua đời. Nàng bán hết ruộng đất, nhà cửa, an tang bà cụ xong, cả đời còn lại nàng lo công việc tế tự. Thái thú Hoài Dương bẩm báo lên kinh thành sự hiếu hạnh của nàng. Hán Hiếu Văn Hoàng đế hết lời tán thán rằng: “Nghĩa ấy cao vợi! Tín ấy đáng quý! Đẹp thay người đức hạnh”. Vua phái sứ giả tặng cho nàng bốn mươi cân hoàng kim, miễn lao dịch cả đời, còn ban tặng cho hai chữ “hiếu phụ”.
Nếu như thường xuyên đọc những câu chuyện như thế này thì chúng ta sẽ nhận được lợi ích đặc biệt. Thế nào là hiếu chân thật? Xét ở bề ngoài, nàng không nghe lời của cha mẹ là bất hiếu, thế nhưng đại hiếu chân thật của nàng thì nằm ở phía sau. Nếu như nàng nghe lời cha mẹ, bội tín phụ nghĩa thì đó mới thực sự là bất hiếu. Thế nên, đối với lời của cha mẹ thì nên nghe theo thế nào? Người xưa có sự phân minh rõ ràng giữa “tín” và “lợi”. Còn người hiện nay thì thế nào? Thấy lợi thì phụ nghĩa, quên mất ân tình, nhìn thấy cái lợi bé xíu trước mắt thì vứt bỏ tất cả đạo nghĩa, tình nghĩa, ân nghĩa. Thế nên, hôm nay chúng ta học được những ví dụ hay như thế này thật sự là sự giúp đỡ rất tốt đối với chúng ta.