Trang chủ Nữ Đức Nữ Đức Vi Yếu – Chương Năm: Chuyên Tâm (P2)

Nữ Đức Vi Yếu – Chương Năm: Chuyên Tâm (P2)

0
Nữ Đức Vi Yếu – Chương Năm: Chuyên Tâm (P2)

Nữ Đức Vi Yếu – Chương Năm: Chuyên Tâm (P2)

Nữ Đức Vi Yếu – Chương Năm: Chuyên Tâm (P2): Phụ nữ nếu như làm trái với đạo trời (luân lý đạo đức) thì ông trời sẽ giáng tai ương trừng phạt. Nếu như làm trái lễ nghĩa thì sẽ bị chồng khinh khi, bạc bẽo.

HÀNH VI THẦN KỲ, THIÊN TẮC PHẠT CHI; LỄ NGHĨA HỮU KHIÊN, PHU TẮC BẠC CHI – CHƯƠNG CHUYÊN TÂM

(Tạm dịch: Phụ nữ nếu như làm trái với đạo trời (luân lý đạo đức) thì ông trời sẽ giáng tai ương trừng phạt. Nếu như làm trái lễ nghĩa thì sẽ bị chồng khinh khi, bạc bẽo)

Đoạn này ý nói rằng nếu hành vi của con người trái nghịch với luân lý đạo đức thì sẽ khiến Thần minh tức giận, Trời ắt giáng tai ương trừng phạt người đó. Theo lễ, người phụ nữ nên thường xuyên phản tỉnh chính mình, nếu như có sai sót về mặt lễ nghĩa thì người chồng sẽ không đối xử tốt đẹp với cô ấy. Về nghĩa thô trên văn tự thì đoạn này hơi khó giảng. Thế nào gọi là “hành vi thần kỳ”? “Thần kỳ” là gì? Chính là hiện nay chúng ta gọi là “luân lý đạo đức”, không phải là thần tiên, bát quái, không phải là mê tín. Vì sao gọi luân lý đạo đức là “thần kỳ”? Bởi vì Kinh Điển của cổ Thánh, tiên Hiền dạy chúng ta rằng: “Con người cần có thiện tâm, thiện niệm, lời nói thiện, ý nguyện thiện và hành vi thiện. Như vậy sẽ được Trời và người phù hộ. Người này đi đến đâu cũng đều được thuận lợi”. “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên” có dạy: “Người hiền nói thiện, nhìn thiện, hành thiện, mỗi ngày làm ba việc thiện, ba năm sau Trời sẽ ban phước cho”.

Nữ Đức Vi Yếu – Chương Năm: Chuyên Tâm (P2)
Nữ Đức Vi Yếu – Chương Năm: Chuyên Tâm (P2)

Có một lần tôi nhận được một cuộc điện thoại của một người từ nơi khác gọi đến muốn nhờ tôi xem phong thủy. Tôi nói: “Sao anh lại tìm tôi?” Anh ấy nói: “Chẳng phải chị đang hoằng dương văn hóa truyền thống hay sao? Văn hóa truyền thống hình như có việc này mà”. Anh ấy là giám đốc của một công ty. Anh ấy nói: “Chị hãy xem giúp tôi đi! Tôi muốn đổi một văn phòng làm việc, không biết phong thủy tốt hay xấu”. Tôi cười mà nói rằng: “Anh đánh giá cao tôi quá. Tôi không hề biết chút gì về phong thủy nhưng tôi có biết một đạo lý có thể nói cho anh rằng anh không cần tìm người xem phong thủy mà cũng sẽ có phong thủy rất tốt”. Anh ấy không hiểu. Tôi nói tiếp: “Tục ngữ có câu: “Người phước ở đất phước, đất phước người phước ở”. Chỉ cần có đức thì sẽ có phước. Anh có phước thì khi anh đến bất cứ nơi đâu, nơi đó sẽ bị anh ảnh hưởng. Anh không cần đi tìm người xem phong thủy cho tốn công. Cho dù tìm được nơi phong thủy tốt mà bản thân anh không đàng hoàng thì có vào nơi đó ở, nơi đó cũng sẽ biến thành xấu. Lúc đó anh sẽ oán trách người xem phong thủy”. Quả thật là như vậy! Người có phước thì ở nơi đâu nơi đó sẽ là vùng đất phong thủy tốt lành. Con người phải biết tích phước, đặc biệt người phụ nữ, chủ của gia đình cần phải biết điều này thì gia đình của cô ấy sẽ là “nhà tích điều thiện ắt có thừa niềm vui”.

Nói về văn hóa truyền thống, kỳ thực rất đơn giản. Đó chính là: ngũ luân, ngũ thường, tứ duy, bát đức.

Ngũ luân chính là giữa người và người cần chung sống với nhau cho có nghĩa, nên gọi là “ngũ luân thập nghĩa”. Con người không ai đứng ngoài năm mối quan hệ “phụ tử hữu thân, phu phụ hữu biệt, trưởng ấu hữu tự, quân thần hữu nghĩa, bằng hữu hữu tín”.

Ngũ thường chính là làm người cần phải có năm đức hạnh căn bản đó là: Nhân – Nghĩa – Lễ – Trí – Tín.

Tứ duy là: Lễ – Nghĩa – Liêm – Sỉ.

Bát đức là: Hiếu – Đễ – Trung – Tín – Nhân Ái – Hòa – Bình.

Bạn xem, đơn giản chỉ mấy chữ này thôi đã khái quát được toàn bộ văn hóa truyền thống. Thế nên, Tổ tiên của chúng ta chân thật có trí tuệ, cho dù đã truyền hơn mấy ngàn năm qua vẫn không truyền sai.

Nếu như bạn có thể khôi phục lại tự tánh vốn có của chính mình thì sẽ “thông đạt thần minh”, chính là hiểu một cách thấu triệt về chân tướng của sự vật trong vũ trụ. Khi bạn đã hiểu được chân tướng thì hành vi của bạn sẽ không trái nghịch. Nếu không thì sẽ bị sự trừng phạt, không phải ông Trời trừng phạt bạn. Trời đây biểu thị cho quy luật tự nhiên, chính là chịu sự xử phạt của quy luật tự nhiên. Ví dụ như vào mùa đông mà bạn mặc váy của mùa hè đi ra ngoài dạo hai vòng thì xem bạn có bị cảm lạnh hay không. Bạn đã làm trái quy luật tự nhiên rồi, nhất định sẽ bị cảm. Rất nhiều sự việc bạn đừng nghĩ rằng đây có phải là quỷ thần trừng phạt mình, ông Trời trừng phạt mình hay không. Không phải! Không ai có thể trừng phạt bạn được. Tất cả những gì bạn gặp phải đều do lực tác dụng và lực phản tác dụng của chính hành vi của bạn gây ra. Việc này mọi người có thể hiểu được, ví dụ như một bao cát, bạn đấm nó một cái thì nhất định lực phản hồi của nó sẽ còn lớn hơn. Cái lực này là do ai gây ra? Là do bạn tạo ra. Thế nên, thấu triệt đạo lý này rồi thì những người, sự, vật mà hiện nay bạn đang đối mặt chính là nhân và quả. Tất cả hành vi, thậm chí tất cả ý niệm của bạn đều là đang trồng xuống cái nhân. Nếu như cái nhân ấy trái ngược với quy luật tự nhiên thì bạn sẽ gặp quả không tốt. Nếu như là thiện nhân thì nhất định sẽ có thiện quả. Khi chúng ta hiểu rõ điều này rồi thì thời thời khắc khắc cần phải nhắc nhở chính mình phải gieo nhân tốt.

“Lễ nghĩa hữu khiên, phu tắc bạc chi”, nếu như có lỗi về mặt lễ nghĩa thì chồng càng ngày đối với bạn càng bạc bẽo. Chữ “bạc” này nghĩa là như vậy. Thế nào gọi là có lỗi? Đó là bạn không hiểu lễ nghĩa, không biết giữ lễ của người làm vợ, không biết cách làm vợ. Chữ “nghĩa” này là “nghĩa” của người làm vợ, chính là “phu nghĩa phụ thính”, là nghĩa trong “ngũ luân thập nghĩa”. Người làm chồng có nghĩa thì người làm vợ chúng ta mới nghe theo. Nghe theo có nghĩa là thuận theo, chính là tùy thuận đạo nghĩa, tình nghĩa, ân nghĩa của chồng. Ngược lại, nếu như chồng là người bất nhân bất nghĩa thì sao? Ở chỗ này có một ý nghĩa rất sâu. Nếu như lời nói và hành vi của chồng không phù hợp với luân lý đạo đức, ví dụ như anh ấy có những hành vi không tốt, đối với cha mẹ anh ấy không tốt, lại còn bài bạc, uống rượu, đánh nhau. Vậy bạn làm thế nào để “nghe” anh ấy đây? Bạn phải “nghe” được rằng tự tánh của anh ấy không phải như vậy. Tự tánh của anh ấy so với tự tánh của các vị Thánh Hiền như Khổng Tử, Mạnh Tử là không hai không khác, đều là thuần tịnh thuần thiện. Hiện giờ cái hiện ra là tập tánh của anh ấy. Vì sao tập tánh lại như thế? Vì không có người dạy anh ấy. Trong Tam Tự Kinh có nói: “Tánh tương cận, tập tương viễn, cẩu bất giáo, tánh nãi thiên”. Ngày nay bạn có duyên cùng với anh ấy kết hôn. Bạn có nghĩa vụ giáo hóa anh ấy như một người mẹ. Bạn hãy đem tình yêu thương, quan tâm, nhẫn nại đối với con cái mà đối đãi với chồng mình, cảm hóa anh ấy, dẫn dắt anh ấy, hướng dẫn anh ấy, nhẫn nại kiên trì một đời này mà giáo hóa anh ấy. Nếu như bạn không hoàn thành được bài thi này, không dạy dỗ tốt, sa thải học sinh này của mình, tức ly hôn với anh ấy thì thầy giáo như vậy không phải là thầy giáo đạt tiêu chuẩn. Nếu như bạn chưa hoàn thành nhiệm vụ thì có khả năng là bạn sẽ gặp phải một bài thi tương tự như thế.

Để làm một người vợ tốt, tôi xem thấy trong Kinh Điển có dạy về năm vai trò của người làm vợ:

Thứ nhất, vợ như mẹ, dùng tình yêu thương bao dung của người mẹ mà đối đãi với chồng mình, xem chồng như con của mình. Nếu như bạn có thể làm được như vậy thì bạn sẽ không có sự tính toán với anh ấy. Có lúc tôi không chỉ xem chồng tôi mà thậm chí còn xem một vài người tuổi tác thậm chí còn lớn hơn tôi, những khi họ nổi nóng tôi đều xem họ giống như những đứa trẻ. Tôi chỉ cười rồi thôi, cảm thấy họ rất đáng yêu, chắc là tính cách ương bướng của những anh đàn ông xuất hiện ra đó mà. Anh ấy cảm thấy lòng tự tôn nam giới của anh ấy bị tổn thương nên mới biểu hiện ra một chút bất mãn đối với bạn. Có một số hành động trong lúc tức giận của anh ấy tôi cũng không để tâm làm gì. Bước thứ nhất là đặt bản thân mình vào vị trí của một người mẹ.

Thứ hai là làm “thần phụ”, xem chồng của mình như vua, còn mình là thần tử. Vua nhân từ thần trung nghĩa. Bạn phải giữ được tâm trung nghĩa. Khi làm mẹ thì có tâm nhân từ, làm thần thì có tâm trung nghĩa, giữ được “trung” thì sẽ nhất tâm, không có hai tâm. Luôn biết nghĩ cho anh ấy. Anh ấy có sự nghiệp ở bên ngoài rất bận rộn, rất vất vả. Chúng ta ở nhà cần có năng lực quán xuyến dọn dẹp nhà cửa, thấu hiểu anh ấy nhiều hơn, đừng gây chướng ngại cho anh ấy, tận hết khả năng của chính mình mà thành tựu sự nghiệp cho anh ấy.

Thứ ba là vợ như em gái, xem chồng mình như huynh trưởng, còn mình là em gái, lúc này phải làm được “trưởng ấu hữu tự, anh thương em kính”, làm em gái thì phải cung kính và lễ phép đối với chồng. Anh ấy giống như huynh trưởng chăm sóc bảo vệ chúng ta, gánh vác trọng trách của gia đình, còn chúng ta mỗi giờ mỗi khắc đều giữ tâm cung kính đối với anh ấy.

Thứ tư là vợ như tỳ nữ, ở đây không có ý xem thường mà có nghĩa là chúng ta có thể đảm trách những công việc nhỏ nhặt nhất ở trong gia đình, từ việc ăn uống hằng ngày cho đến chăm sóc chồng giống như tỳ nữ thời xưa chăm sóc chủ nhân, chăm nom anh ấy chu đáo từng chút một. Vì sao cần phải dùng cái tâm như vậy? Kỳ thực là để bồi dưỡng đức hạnh khiêm hạ của phụ nữ. Nếu như không có tâm như vậy mà chỉ nấu cho anh ấy bữa ăn ngon, hoặc lau giầy cho anh ấy xong rồi quăng ở đó: “Anh mang vào đi! Làm xong rồi đó! Anh mau ăn đi! Anh ăn cơm có ngon không?”. Nếu như anh ấy bảo là không ngon thì còn đập cả bàn. Như vậy đã hoàn toàn làm trái với đạo làm vợ rồi. Thế nên, khi làm những việc nhỏ để chăm sóc chồng thì cần phải dùng tâm khiêm hạ này.

Sau cùng thì mới đến vai trò của người làm vợ, giúp cho chồng giữ gìn tốt địa vị của anh ấy ở trong gia tộc. Ví dụ như giúp anh ấy xử lý tốt mối quan hệ với mẹ chồng, mối quan hệ với anh chị em của chồng, với các bạn bè thân thiết của anh ấy. Ngoài việc đóng những vai làm mẹ, làm thần tử, làm em gái, làm tỳ nữ của chồng ra, với vai trò làm vợ sau cùng này mọi người đều biết rõ bạn là vợ của chồng bạn, nên bạn phải làm cho tốt vai trò của một “nhân viên ngoại giao”. Anh ấy không có thời gian chăm sóc người thân, bạn bè thì bạn cần giúp anh ấy làm việc này cho tốt. Nếu như trên những phương diện này bạn đều làm rất tốt thì tôi tin rằng bất kỳ người chồng nào sẽ không bao giờ đối xử bạc bẽo với bạn mà sẽ cảm thấy rằng vợ của mình rất biết vào bếp, biết tiếp khách, trong ngoài đều đảm đang. Anh ấy sẽ công nhận bạn. Đồng thời anh ấy cũng sẽ rất tôn trọng và cung kính bạn, sẽ không trách được bạn điều gì.

Trong quá trình học tập, chúng ta cần phải thường xuyên dụng tâm thể hội, học tập nhiều lần năm vai trò này của người làm vợ. Tôi còn nhớ có lần đọc được một bài văn viết rằng người làm vợ cần nấu ăn vừa miệng của chồng mình, khiến anh ấy ăn cảm thấy rất ngon. Trước tiên phải lấy lòng anh ấy từ điều này, “có thực mới vực được đạo”, khoan chuyển bánh xe Pháp mà trước tiên hãy chuyển bánh xe ẩm thực trước đã, đây là việc thứ nhất.

Việc thứ hai là phải biết cách giao tiếp giữa vợ chồng với nhau. Như ở phần trước tôi đã nói, biết tặng quà, biết hỏi han, gửi tin nhắn, phải biết giao lưu và kết nối với chồng.

Việc thứ ba, phụ nữ cần nên có một chút kiến thức, đừng chỉ làm một bao rơm vô dụng, xinh đẹp nhưng thiếu kiến thức, bởi vì người làm chồng không phải chỉ luôn nhìn ngoại hình của bạn. Khi trình độ và sự nghiệp của chồng càng ngày càng nâng cao mà người vợ không hề nâng cao bản thân, cả ngày chỉ nói với anh ấy những chuyện vặt vãnh, nhỏ nhặt xảy ra trong gia đình thì anh ấy sẽ không thích nghe nữa bởi vì những việc đó thì người giúp việc có thể làm được. Cả hai vợ chồng càng ngày sẽ càng khác biệt xa rời nhau. Nếu như bị chồng bỏ rơi thì bạn đừng trách chồng mình, hãy nghĩ vấn đề là do ở bạn. Thế nên, những điều cần học thì bạn hãy học đi, gặp phải đúng thời cơ thì nói ra một hai câu. Chồng của bạn sẽ cảm thấy bà xã mình cũng rất có trình độ, không thể xem thường được, vẫn có thể câu thông được với nhau, sự nghiệp của mình có thể cùng bàn bạc với cô ấy. Như vậy, hai người sẽ vĩnh viễn cùng chung một con đường. Bạn sẽ không bị anh ấy bỏ lại quá xa. Đạo vợ chồng có thể giữ được dài lâu.

Chương Năm: Chuyên Tâm (P2)

Việc thứ tư sau cùng là quan trọng nhất, đó chính là cần phải hạ công phu về mặt đức hạnh, tâm lượng của phụ nữ nhất định phải nhân hậu. Có một câu nói từ rất xưa rằng: “Không gì độc hơn bụng dạ đàn bà”, nếu như phụ nữ có tâm độc ác thì sẽ rất đáng sợ. Vì vậy, phụ nữ có tâm địa thiện lương thì tốt hơn hết thảy, tâm cần phải thuần thiện. Mặc dù người có hơi lôi thôi một chút, nói chuyện còn hơi lớn tiếng, diện mạo cũng trung bình nhưng có tấm lòng nhân hậu thì một cái phước này có thể đánh bại được cả trăm mối họa. Vì vậy, tâm của phụ nữ cần phải tốt, cần phải thiện, không được phạm sai lầm về mặt lễ nghĩa. Nếu như muốn không có sai lầm thì phải nỗ lực thực hành “ngũ luân thập nghĩa”, hiểu rõ về đạo lý rồi thì khi làm sẽ tương đối dễ. Vì thế mà mỗi lần tôi giảng bài đều chia sẻ với mọi người về năm vai trò của người làm vợ. Lúc chúng ta học tập cần phải thể hội, bởi vì điều này có thể giúp chúng ta trở thành một người vợ hạnh phúc, một người vợ tốt, một phụ nữ khiến người khác rất ngưỡng mộ. Tâm thái của bạn cũng sẽ có sự thay đổi tốt.

ĐẮC Ý NHẤT NHÂN, THỊ VỊ VĨNH TẤT, THẤT Ý NHẤT NHÂN, THỊ VỊ VĨNH CẬT

(Tạm dịch: Thế nên trong “Nữ Hiến” có nói: “Người phụ nữ chỉ cần được lòng của chồng thì có chỗ nương tựa cả đời, hạnh phúc mỹ mãn. Nếu như không được lòng chồng thì một đời này hạnh phúc không được vẹn toàn”)

“Nữ Hiến” là một bộ sách rất cổ xưa dạy về Nữ Đức, nhưng đáng tiếc hiện nay đã bị thất truyền. Bộ sách này đã được Ban Chiêu dùng làm tài liệu tham khảo khi viết cuốn “Nữ Giới”. Câu nói trên xuất phát từ sách “Nữ Hiến”. Dựa trên ý nghĩa về mặt văn tự thì đó là nếu như bạn được lòng của chồng thì đời sống hôn nhân của bạn sẽ gặp những điều may mắn tốt lành. Cả hai người có thể đồng một lòng một dạ sống với nhau đến già. Nếu như để mất lòng chồng, tâm tư của anh ấy không còn để nơi bạn nữa thì cả hai người có khả năng sẽ không sống được với nhau bền lâu. Thế nên không thể không cầu được lòng của chồng. “Thị vị vĩnh tất” có nghĩa là bạn đã tốt nghiệp được khóa học về Nữ Đức. Bạn đã được chồng cho tốt nghiệp. Còn chữ “cật” có nghĩa là ly tán, hai người chia tay, không thể sống đến già.

Chúng ta hãy tiến vào xem hàm nghĩa sâu bên trong của câu nói trên. Có phải được chồng yêu thương nghĩa là được lòng chồng hay không? Hoặc hai người cùng nhau trải qua ngày tháng ân ái yêu thương, hôm nay cùng nhau đi xem phim, ngày mai đi nước ngoài du lịch. Có phải như vậy là được lòng của chồng hay không? Cứ cách hai ba ngày thì được chồng tặng quà có phải rất tốt không? Ở đây có một hàm nghĩa rất sâu. Chính là nói phụ nữ chúng ta dùng tâm tánh của chính mình mà có được đạo nghĩa của chồng, dùng lời nói và hành vi của mình để có được tình nghĩa, ân nghĩa, đạo nghĩa của chồng, chứ không phải là hư tình giả ý bề ngoài.

Chúng ta xem thấy rất nhiều cuộc hôn nhân bề ngoài rất tốt đẹp nhưng đâu ngờ trong âm thầm họ lại làm ra những việc đi ngược lại với hôn nhân, ví dụ như ngoại tình. Thế nên, làm phụ nữ nhất định cần phải hiểu bản tính của chồng mình là người như thế nào. Ví dụ: Anh ấy có phải là người con hiếu thuận trong gia đình hay không? Đối với gia đình có trách nhiệm hay không? Đối với con cái có phải là người cha tốt hay không? Trong công việc, anh ấy có làm được “đôn luân tận phận, nhàn tà tồn thành” hay không? Nếu làm việc cho cơ quan nhà nước thì anh ấy có phải là viên chức thanh liêm hay không? Nếu anh ấy làm bác sĩ thì có phải là vị lương y cứu người hay không? Nếu như làm kinh doanh thì có kinh doanh như lý như pháp hay không? Từ trên những phương diện này mà quan sát thì mới có thể hiểu chính xác đạo nghĩa của chồng. Nếu như không tìm hiểu trên những phương diện trên mà chỉ nhìn những thứ bên ngoài, như hôm nay anh ấy tặng hoa cho bạn, ngày mai tặng bánh sinh nhật cho bạn, ngày hôm sau mua hai bộ quần áo cho bạn. Những thứ đó đều là giả, nhìn vào chúng không có tác dụng. Có thể qua hai ngày sau anh ấy không tặng cho bạn nữa mà tặng cho người khác. Thế nên, chúng ta cần hiểu rõ anh ấy qua những việc trong và ngoài gia đình. Trên thực tế là xét xem anh ấy thực hành “ngũ luân thập nghĩa” như thế nào. Nếu như anh ấy đối với cha mẹ của chính mình không hiếu thuận thì bạn hãy giúp cho anh ấy làm tròn hiếu đạo. Nếu như đối với gia đình anh ấy không có trách nhiệm thì bạn cần khơi dậy tâm trách nhiệm của anh ấy. Nếu như trong cơ quan nhà nước anh ấy không phải là quan viên tốt mà tham ô nhận hối lộ, đọa lạc thì bạn cần nhắc nhở anh ấy làm thế nào để trở thành một vị quan liêm khiết. Nếu như anh ấy là bác sĩ thì bạn phải nhắc nhở anh ấy không được nhận bao đỏ. Nếu như anh ấy là giáo viên thì bạn cần nhắc nhở anh ấy về sư đạo trong việc dạy dỗ học sinh. Nếu như anh ấy là luật sư thì bạn đừng vì tiền mà xúi anh ấy kiện cáo mà nên nói với anh ấy câu nói trong “Chu Tử Trị Gia Cách Ngôn”“trong nhà đừng nên kiện tụng nhau”, nếu như xử lý việc kiện cáo thì phải làm theo chánh đạo, chánh nghĩa, đừng vì tiền mà làm những việc bất nhân bất nghĩa.

Thời nay những phụ nữ làm được như thế rất ít, nên những người vợ tốt giúp chồng thành người có nghĩa cũng rất ít. Vì sao vậy? Vì họ không hiểu được những điều này mà họ lại cho rằng người làm kinh doanh đều trốn thuế lậu thuế, đem tiền về nhà để ăn uống hưởng thụ, còn làm quan thì đều nhận của hối lộ. Rất nhiều quan chức nhà nước bại hoại là do bàn tay của ai, là do bàn tay của những người vợ và nhân tình của họ. Không tham không được vì bà xã bắt phải tham. Các bà còn đứng sau lưng để nhận quà hối lộ, hại chết chồng của mình, xô chồng vào hố lửa. Thế nên, hôn nhân giống như trường học. Người làm vợ phải không ngừng học tập mà trưởng thành. Người dạy và người học cùng tiến bộ. Lúc bạn đang dạy cũng chính là lúc bạn đang học, còn trong quá trình bạn học cũng chính là lúc bạn đang dạy. Dạy và học là một thể, mỗi ngày đều dạy, mỗi ngày đều học. Hãy dùng thân giáo mà dạy học, dùng lời nói và hành vi mà không ngừng học tập. Như vậy mới có thể khiến cho một gia đình hưng thịnh. Thế nên, cổ đại đức thường nói rằng: “Một người phụ nữ tốt sẽ đem phước đến cho cả gia đình”. Phước từ đâu mà đến vậy? Phước từ đức mà đến. Nếu không tích đức mà chỉ hưởng phước, hưởng hết phước rồi thì sẽ biến thành họa, họa phước đi đôi với nhau.

Có một người bạn kể rằng do điều kiện của cô rất tốt nên cô rất thích giúp đỡ người thân, bạn bè. Kết quả, một ngày nọ mẹ chồng của cô đã dạy cô rằng: “Con không nên giúp họ nữa. Việc giúp đỡ của con sẽ khiến họ trở nên ỷ lại”. Cô cảm thấy trong lòng không vui: “Chị xem tôi có lòng tốt như thế, lấy xe đưa rước những người bà con và bạn bè khó khăn đi nơi này nơi kia. Ba chồng tôi cũng bực mình, mẹ chồng cũng nổi giận với tôi, còn chồng tôi thì không hiểu cho tôi. Người tôi giúp đỡ đều là những người thân trong gia đình họ. Sao họ lại như thế chứ!”. Khi cô ấy kể với tôi như vậy, tôi đã nói rằng: “Kỳ thực, tôi cũng mắc lỗi y hệt như vậy. Thế nên mới nói: “Từ bi đa họa hại, phương tiện xuất hạ lưu”. Câu này dành cho những người như chúng ta. Nếu như chị không giúp họ thì chưa chắc đã xảy ra những việc như vậy. Chị có bao giờ nghĩ đến câu “khổ tận cam lai” hay chưa? Ý nói khi chịu đủ khổ cực rồi thì điều ngọt ngào sẽ đến. Nếu như chị không để họ chịu khổ, mà cứ để cho họ nếm những thứ ngọt ngào, hiện giờ họ không có năng lực, không có đức hạnh, không có phước báo thì cách làm này của chị trên thực tế chính là thỏa mãn dục vọng tâm lý của bản thân mà thôi”. Cô ấy nói: “Lời này cũng có đạo lý. Tôi cảm thấy nếu như tôi không cho họ cái gì đó thì trong tâm cảm thấy khó chịu”. Tôi nói: “Chúng ta đều như thế cả. Tôi cũng như vậy, đều làm ra những việc ngu ngốc như thế, chỉ có nhìn thấu bản ngã, buông xuống bản ngã thì mới đề khởi được trí huệ. Vì vậy, con người thường xuyên cần phản tỉnh, làm việc tốt quá thừa thì việc tốt không còn là việc tốt nữa. Đương nhiên không phải là nói bạn không làm việc tốt nữa, làm việc gì cũng phải giữ được trung đạo, phải cân đối được hai bên, nghĩ cẩn thận rồi hãy làm, nếu nghĩ chưa kỹ thì không làm cũng được. Ví dụ như khi chúng ta đi thăm người già thì đều cho họ tiền. Cho tiền có phải là một việc tốt hay không? Nếu như người già đó không thích tiền thì bạn cho họ tiền tức là tạo thêm gánh nặng cho họ, vì họ ra đi một xu tiền cũng không mang theo được, nên họ phải nghĩ cách làm thế nào để dùng số tiền đó. Lúc họ nghĩ cách phân chia số tiền đó ra thì thật là việc rắc rối nhức đầu đối với họ. Lúc đầu có 100 tệ thôi thì dễ chia. Bây giờ có đến một triệu tệ. Phân chia thế nào đây? Nếu như người già đó là người tham tiền thì khi bạn cho họ tiền, phải chăng bạn đã nuôi lớn tâm tham của họ hay không. Thế nên, không cần cho họ, đối với người tuổi tác cao thì nên để họ ăn no mặc ấm, tốt nhất đừng để họ suy nghĩ việc gì, tâm càng thanh tịnh càng tốt, buông xuống tất cả điều phiền muộn, tốt nhất là để cho họ không bị vướng mắc điều gì, thân không bệnh khổ, tự tại ra đi.

“Thất ý nhất nhân, thị vị vĩnh cật”, câu này nghĩa là nếu như bạn không thực sự thể hội và hiểu được tâm ý của chồng, tức là nói nếu bạn không tận bổn phận của mình giúp chồng thành tựu đức hạnh, nếu như bạn không làm như thế thì hai người sẽ dễ bị ly tán. “Giúp chồng dạy con là bổn phận lớn của người vợ”, cái thiên chức này thuộc về “ngũ luân thập nghĩa” trong tự tánh của chúng ta. Làm phụ nữ nhất định cần phải hiểu được tâm ý của chồng, đồng thời còn phải biết hiểu thấu tâm ý của chính mình. Rất nhiều việc khi chúng ta làm xong rồi cần phải xét lại lòng mình, tâm ý của mình đặt ở đâu, dụng ý chân thật là gì. Phải chăng là để thỏa mãn bản thân, hay là muốn cho người khác thực sự có được niềm vui. Nếu như chúng ta làm việc này mà chỉ có một người vui còn mười người không vui, còn đang phê bình và chỉ trích chúng ta thì chúng ta cần nên phản tỉnh, có thể có chỗ làm chưa thỏa đáng, làm chưa được tốt. Khi chưa hiểu rõ đạo lý thì sẽ cảm thấy rất hoang mang, làm cũng không đúng, mà không làm cũng không đúng, làm thì đau khổ mà không làm cũng đau khổ. Thế nhưng khi đã hiểu rõ đạo lý rồi, đã biết việc gì nên làm và không nên làm rồi thì bạn sẽ đưa ra quyết định rất nhanh chóng, rất nhẹ nhàng, tự tại.

Exit mobile version