Nữ Đức Vi Yếu – Chương Bốn: Phụ Hạnh (P1)
Contents
- 1 Nữ Đức Vi Yếu – Chương Bốn: Phụ Hạnh (P1)
- 1.1 CHƯƠNG BỐN: PHỤ HẠNH
- 1.2 NỮ HỮU TỨ HẠNH, NHẤT VIẾT PHỤ ĐỨC, NHỊ VIẾT PHỤ NGÔN, TAM VIẾT PHỤ DUNG, TỨ VIẾT PHỤ CÔNG
- 1.3 PHÙ VÂN PHỤ ĐỨC, BẤT TẤT TÀI MINH TUYỆT DỊ DÃ; PHỤ NGÔN, BẤT TẤT BIỆN KHẨU LỢI TỪ DÃ; PHỤ DUNG, BẤT TẤT NHAN SẮC MỸ LỆ DÃ; PHỤ CÔNG, BẤT TẤT KỸ XẢO QUÁ NHÂN DÃ.
- 1.4 U NHÀN TRINH TĨNH, THỦ TIẾT CHỈNH TỀ, HÀNH KỶ HỮU SỈ, ĐỘNG TỊNH HỮU PHÁP, THỊ VỊ PHỤ ĐỨC
Nữ Đức Vi Yếu – Chương Bốn: Phụ Hạnh (P1): Chương “Phụ Hạnh” chủ yếu nói về “tứ đức” trong “tam tòng tứ đức”. “Tam tòng” có nghĩa là khi chưa kết hôn thì theo cha, kết hôn rồi thì theo chồng, chồng qua đời rồi thì theo con trai. “Tứ đức” bao gồm: phụ đức, phụ dung, phụ ngôn, phụ công.
CHƯƠNG BỐN: PHỤ HẠNH
Xin kính chào các thầy cô giáo!
Chúng ta tiếp tục học chương bốn sách “Nữ Giới” là “Phụ Hạnh” (đức hạnh phụ nữ). Chương “Phụ Hạnh” chủ yếu nói về “tứ đức” trong “tam tòng tứ đức”. “Tam tòng” có nghĩa là khi chưa kết hôn thì theo cha, kết hôn rồi thì theo chồng, chồng qua đời rồi thì theo con trai. “Tứ đức” bao gồm: phụ đức, phụ dung, phụ ngôn, phụ công. Khái niệm “tam tòng tứ đức” trong xã hội hiện nay có khả năng đều bị giá trị quan của xã hội hiện đại và nữ quyền vùi lấp. Mọi người đều không tán đồng, cảm thấy đây là sự áp bức đối với phụ nữ. Vậy thì hôm nay chúng ta cùng nhau xem xét lại câu “tam tòng tứ đức” thông qua việc tìm hiểu sâu về tấm lòng của người xưa. Vì sao cổ nhân lại có cách nói như vậy? Đồng thời đây còn là sự đề xuất của người có đại trí huệ. Người không có trí huệ thì sẽ không nói được lời như vậy. Chúng ta hãy xem xét “tứ đức” trước.
Cái gọi là phụ đức, phụ dung, phụ ngôn và phụ công kỳ thực chính là sự thuyết minh cụ thể hay nhất cho cái mà người hiện nay gọi là Nữ Đức. Nữ Đức là gì? Nếu như bạn không thể trả lời chính xác hoặc không giải thích được thì hãy dùng “tứ đức” này mà trả lời. Nữ Đức nói về đức, dung, ngôn, công, nói một cách đầy đủ từ trong ra ngoài. Có “tứ đức” thì người phụ nữ giống như cái bàn có đủ bốn chân có thể đứng vững chãi trong gia đình và ngoài xã hội, thiếu một cái chân thì không được, sẽ không đứng vững được. Thế nên “tứ đức” rất quan trọng. Chúng ta xem phần Tiên Chú của Vương Tương có nói: “Kính thuận chủ yếu ở nơi tâm, hành vi thì nhìn ở nơi sự, có tứ hạnh tức có tứ đức” Cũng chính là nói rằng chương thứ ba “Kính Thuận” ở phần trước chủ yếu nói về cái tâm, hạ công phu từ trên tâm. Còn biểu hiện ra trên mặt sự là như thế nào? Chính là bốn việc mà chúng ta hôm nay nói đến, đó là: đức, dung, ngôn, công.
Có người đối với chữ “đức” đầu tiên không hiểu rõ lắm, nói rằng “đức” không phải cũng chỉ cho công phu trên tâm đó sao. Có phải là trùng lặp hay không? Tôi cũng suy nghĩ hồi lâu nhưng sau khi thể hội đi thể hội lại, tôi đã phát hiện không phải như vậy. Ở đây đem “phụ đức” đặt ở vị trí đầu tiên với mục đích nhằm tạo cho mọi người một ấn tượng cảm quan mang tính tổng thể. Toàn bộ khí chất ấn tượng mà người phụ nữ tạo ra cho người khác chính là sự thể hiện của “phụ đức”. Ở phần sau, tôi sẽ giải thích một cách cụ thể thì mọi người sẽ hiểu rõ. Nếu như người phụ nữ làm được “phụ đức” thì sẽ rất có dáng vẻ của Nữ Đức, sau đó mới xét đến dáng điệu và diện mạo của cô ấy, trang điểm như thế nào, nói năng ra sao, làm việc nhà thế nào. Cô ấy vừa cử động thì thể hiện ra ba phương diện: dung, ngôn, công ở phía sau. Còn như khi cô ấy không động thì chính là biểu hiện của chữ “đức” đầu tiên.
Chúng ta hãy xem cụ thể một chút.
“Phụ đức” là chỉ khí chất. Điều đầu tiên của “tứ đức” chính là khí chất. “Trong lòng có đạo thì đạo đó mới biểu hiện ra hành vi bên ngoài” chính là “phụ đức”.
“Phụ dung” chủ yếu nói về hai phương diện dung nhan tướng mạo và cách ăn mặc trang điểm.
“Phụ ngôn” bao gồm ngữ âm, ngữ điệu của lời nói, nội dung của lời nói, thời điểm nói chuyện cho đến hiệu quả của lời nói. Ngoài những phương diện này ra thì thời nay rất nhiều phụ nữ còn biết viết văn, viết blog trên mạng. Những cái này cũng thuộc về phụ ngôn.
“Phụ công” chỉ những công việc thường ngày trong nhà như giặt áo, làm cơm. Thế nhưng ngày nay “phụ công” của phụ nữ còn vượt xa những việc này, còn bao gồm cách thức làm việc của chúng ta ở công ty như công việc của kế toán, luật sư, lãnh đạo và cả lái xe, lái xe cũng phải có đạo đức. Thế nên khái niệm về “phụ công” của thời nay đã được mở rộng hơn rất nhiều, nhưng về bản chất so với lời dạy của Tổ tiên vẫn không hai không khác. Nếu như có thể hiểu rõ về mặt “lý” lời dạy của Tổ tiên thì về mặt “sự” chúng ta sẽ làm được một cách tự nhiên thông suốt. Chúng ta xem tiếp phần cụ thể bên dưới.
NỮ HỮU TỨ HẠNH, NHẤT VIẾT PHỤ ĐỨC, NHỊ VIẾT PHỤ NGÔN, TAM VIẾT PHỤ DUNG, TỨ VIẾT PHỤ CÔNG
(Tạm dịch: Trong đời sống hằng ngày, phụ nữ có bốn quy phạm hành vi cần phải có là: phụ đức, phụ ngôn, phụ dung và phụ công)
Phần Tiên Chú của Vương Tương nói bốn đức hạnh này là “thường hạnh” của phụ nữ. Thế nào gọi là “thường”? Đó chính là những đạo lý không thể nào làm trái lại và không tách rời khỏi đời sống hằng ngày. Ví dụ bạn không thể không nói chuyện, cũng không thể không mặc áo trang điểm, đều không thể rời khỏi những sự việc này. “Tâm chi sở thí, vị chi đức”, cái “đức” này chỉ cho chỉnh thể ở bên ngoài xuất phát từ cái đạo ở trong tâm. Chữ “thí” chính là từ “bố thí” trong nhà Phật, xem tâm điền (mảnh đất tâm) của bạn như thế nào, biểu hiện ra bên ngoài là cái cảm giác bạn tạo ra cho người khác nói lên đức hạnh của bạn như thế nào. “Khẩu chi sở tuyên, vị chi ngôn”, lời từ miệng thốt ra gọi là “ngôn”. “Mạo chi sở sức, vị chi dung”, tu dưỡng chăm sóc diện mạo ra sao gọi là “phụ dung”. “Thân chi sở vụ, vị chi công”, những sự việc mà thân mỗi ngày bận rộn đi làm, những việc này gọi là “phụ công”. Chúng ta xem bất luận là “thân chi sở vụ, mạo chi sở sức”, hay là “khẩu chi sở tuyên” thì chữ “chi” này là động từ, là ai đã tác động lên cái miệng, lên dung mạo, lên thân thể này vậy? Chính là tâm của chúng ta, nhưng cái tâm này không phải là trái tim máu thịt, trái tim không có tác dụng. Chúng ta hiện nay có phẫu thuật thay tim, bạn lấy trái tim này ra, thay trái tim của người khác vào thì nó cũng chỉ là trái tim máu thịt mà thôi. Nó không có tư tưởng hay ý thức gì cả. Cái “tâm” ở đây là chỉ cho tinh thần và ý thức của phụ nữ. Nói một cách khác, đó chính là linh hồn. Nếu linh hồn của bạn trong sạch thì bốn điều được thể hiện ra chính là đức hạnh trong sạch, là một phụ nữ có khí chất, có đạo đức, có học vấn, có tu dưỡng khiến người khác cung kính, ngưỡng mộ. Nếu như tâm không trong sạch thì linh hồn của chúng ta sẽ bị vấy bẩn, bị ô nhiễm. Cho dù có ăn nói khéo léo sắc sảo đến đâu, bên ngoài cho dù có trang điểm đẹp đẽ đến đâu, làm việc dù có khéo léo, tài năng đến đâu nhưng cảm giác tổng thể mà người khác cảm nhận được từ bạn vẫn là không ổn. Đó không phải là “phụ đức”. Phía sau Ban Chiêu đã giải thích rất tường tận. Chúng ta hãy tiếp tục xem.
PHÙ VÂN PHỤ ĐỨC, BẤT TẤT TÀI MINH TUYỆT DỊ DÃ; PHỤ NGÔN, BẤT TẤT BIỆN KHẨU LỢI TỪ DÃ; PHỤ DUNG, BẤT TẤT NHAN SẮC MỸ LỆ DÃ; PHỤ CÔNG, BẤT TẤT KỸ XẢO QUÁ NHÂN DÃ.
(Tạm dịch: Phụ đức không hẳn là phải tài hoa hơn người, thông minh tuyệt đỉnh. Phụ ngôn không phải là khéo nói, miệng mồm nhanh nhẩu, biện tài hơn người. Phụ dung không phải là nhan sắc mỹ lệ rung động lòng người. Phụ công không phải là kỹ xảo điêu luyện hơn người)
Đoạn này Ban Chiêu giải thích tường tận cho bốn đức hạnh kể trên. Chữ “phù” ở đầu là trợ từ ngữ khí, không có hàm nghĩa thực tế. “Vân” có nghĩa là nói. “Phụ đức” không hẳn là phải có tài hoa tuyệt nghệ phi phàm. “Phụ ngôn” nghĩa là nói chuyện không hẳn là phải khéo ăn khéo nói. “Phụ dung” không phải là có nhan sắc mỹ lệ rung động lòng người. Còn “phụ công” không phải là năng lực và kỹ xảo phải xuất sắc hơn người, không phải là những ý này. Ban Chiêu đã dùng từ “bất tất” (không hẳn là vậy) ở đây có ý nghĩa rất thâm sâu. Ở đây có hai tầng nghĩa, tầng nghĩa thứ nhất của từ “bất tất” mang ý nghĩa là điều mà phụ nữ thông thường đều có thể làm được, không phải là thứ cao siêu. Thông thường hễ nói đến phụ nữ có đức hạnh thì người ta thường cho rằng mình làm không được như “Tôi nấu ăn rất bình thường, nhan sắc cũng tầm thường, không biết cách ăn nói, rất ngốc, xem ra còn cách “tứ đức” rất xa”. Kỳ thực, không phải như vậy. Tầng nghĩa thứ hai của từ “bất tất” có nghĩa là phụ nữ không phải trên phương diện nào cũng đều cần phải kiệt xuất. Vì sao không cần vậy? Bởi vì như thế sẽ khiến tăng trưởng tâm ngạo mạn. Nếu như có tâm ngạo mạn thì sẽ cách xa sự khiêm tốn, nhã nhặn, nhu mì mà chương mở đầu đã nhắc đến. Nếu như một người phụ nữ có tài năng tuyệt vời, ăn nói khéo léo sắc sảo, nhan sắc mỹ lệ, tay nghề kỹ xảo hơn người, khoan nói bốn điều trên cô ấy đều có đủ, mà nếu chỉ có một điều thôi thì cũng đủ “vốn” để khiến cho cô ấy kiêu ngạo rồi. Cái “vốn” của sự ngạo mạn ấy có thể sẽ hại một đời của cô ấy. Có tâm ngạo mạn giống như cầm một chiếc lá che mắt của mình vậy. Lời của người khác nói không nghe vào tai, đồng thời cũng không nhìn thấy chỗ thiếu sót của chính mình, nên không có cách nào nâng cao bản thân. Đây là một sự việc rất đáng sợ.
Nói đến Ban Chiêu, bà bốn điều đều có đủ. Nếu như bà không phải là người thông minh tuyệt đỉnh thì sẽ không viết được “Hán Thư”. Tác phẩm “Hán Thư” do chính tay của bà hoàn thành. Nếu như bà không có tài ăn nói thì không thể làm Thầy dạy của Hoàng Thái Hậu. Nếu như không phải bà có nhan sắc mỹ lệ thì những cung phi trong Hoàng cung cũng sẽ không khẳng định bà. Cả nước từ trên xuống dưới sẽ không tôn sùng bà như vậy. Tôi xem trong truyện ký thấy Ban Chiêu là một phụ nữ vô cùng ôn nhu, mỹ lệ, hiền huệ. Tôi còn tải về xem tấm hình của bà Bà rất đẹp. Đó là một bức họa thời cổ. Bạn xem thấy tài văn chương của bà rất tuyệt, thế nhưng trước tiên bà lại nói “bất tất”– không cần phải như vậy. Những gì bà làm được thì mọi người đều có thể làm được. Từ điều này mà thấy nếu như thực sự muốn học Nữ Đức thì nhất định cần có tín niệm kiên định, chỉ cần mình muốn tiến đức tu nghiệp. Có cái tâm như vậy thì không cần phải hâm mộ những thứ bên ngoài, và cũng không cần phải tự ti, cứ giữ tâm bình thường mà âm thầm đi làm. Tâm bình thường đó là đạo. Thứ mà tâm bình thường làm ra chính là đức. Như vậy thì rất tốt. Chúng ta xem câu kế tiếp.
U NHÀN TRINH TĨNH, THỦ TIẾT CHỈNH TỀ, HÀNH KỶ HỮU SỈ, ĐỘNG TỊNH HỮU PHÁP, THỊ VỊ PHỤ ĐỨC
(Tạm dịch: Tao nhã, hiền thục, thanh khiết, trầm tĩnh, cung kính, cẩn thận, giữ tiết tháo, cử chỉ đoan chánh, tâm biết hổ thẹn, lời nói, việc làm đều có quy củ, phù hợp lễ nghi, đây chính là phụ đức)
Điều đầu tiên nói về phụ đức. Chữ “u” có nghĩa là thanh lương tiêu sái. Trong phần Tiên Chú, chữ “nhàn” có nghĩa là nhàn hạ, nghĩa là có thời gian nhàn hạ. Một người phụ nữ có “phụ đức” thì sẽ không bận tối mặt như một trận gió. Mỗi ngày đều bận rộn, nhìn thấy tâm của cô ấy đều đang nóng vội, khẩn trương, vội vội vàng vàng, không phải là người phụ nữ như vậy. Chữ “trinh” trong “u nhàn trinh tĩnh” có nghĩa là chánh trực, vững chãi. Phần trước chúng ta đã học rất nhiều hàm nghĩa của chữ “trinh”, nên chữ “trinh” này đã giúp cho phụ nữ chúng ta có được rất nhiều thọ dụng. Chữ “tĩnh” có nghĩa là tinh tế tỉ mỉ.
Bốn chữ “u nhàn trinh tĩnh” đặt ở phần đầu tiên của phụ đức đã đem lại cho chúng ta một ấn tượng về một người phụ nữ nho nhã, thong thả, tự tại, thanh tĩnh. Dùng câu nói trong Kinh Điển để hình dung thì chính là “ngoại nhược trì hoãn, nội độc sử cấp”. Nhìn ở bên ngoài thì cô ấy rất thanh nhàn, tự tại, làm việc gì đều nắm chắc, đều rất có định lực, bất cứ sự việc gì xảy ra trong tâm đều có chủ trương. Thế nhưng, trong tâm của cô ấy phải chăng cũng hết sức an nhàn hay không? Không phải như vậy. Trong tâm cô ấy sự yêu cầu nâng cao bản thân mỗi phút giây đều không lơi lỏng. Những phụ nữ lười biếng tham hưởng lạc, an dật thì chẳng chịu làm gì cả nên không thể thể hiện ra được sự “u nhàn trinh tĩnh”. Ngược lại, phụ nữ có tính cách cang cường, đanh đá, chua ngoa cũng không thể hiện ra được sự “u nhàn trinh tĩnh”. Người phụ nữ như thế nào mới có thể biểu hiện ra được sự “u nhàn trinh tĩnh”? Trước tiên, người đó nhất định có thể buông bỏ được sự đòi hỏi, dục vọng về vật chất trong nội tâm. Sau khi buông xuống đòi hỏi về vật dục, đối với bản thân rất mực nghiêm cẩn, rất có quy củ. Người phụ nữ như vậy sẽ khiến người khác cảm nhận được sự “u nhàn trinh tĩnh”. Nếu như không thể buông xuống nhu cầu đòi hỏi đối với vật dục thì sẽ trở thành người phụ nữ thích tranh đua, hiếu thắng trong mọi công việc, đều mong muốn mọi việc đều hoàn hảo. Như vậy không phải là một phụ nữ thật sự hiền thục. Bởi vì cô ấy không nghĩ cho mọi người mà vẫn nghĩ cho chính mình, vì để lấp đầy dục vọng của bản thân nên muốn tranh hơn với người.
Rất nhiều phụ nữ khi đi mua sắm đều lựa tới lựa lui, nếu như có khuyến mãi thì càng muốn tranh lên trước. Thậm chí lúc thắp hương ở chùa nhất định phải thắp cây hương đầu tiên mới chịu. Người phụ nữ như vậy thì bạn không thể nhìn thấy ở họ có được chữ “nhàn”, chữ “tĩnh”. Thế nên, phụ nữ “u nhàn trinh tĩnh” nhất định sẽ vô dục và vô cầu. Tuy nhiên, cô ấy không tiêu cực. Trong tâm của cô ấy đối với đức hạnh và học vấn của chính mình mỗi ngày đều không ngừng nâng cao và tinh tấn. Vì vậy, chúng ta dùng hai câu trong Kinh Điển để hình dung là “ngoại nhược trì hoãn”, bên ngoài có vẻ như chậm chạp, “nội độc sử cấp” bên trong mỗi ngày đều âm thầm gia tăng công phu, đều đang tiến đức tu nghiệp.
Câu tiếp theo là “Thủ tiết chỉnh tề”, “thủ” nghĩa là phòng thủ, không phải là phòng thủ người bên ngoài, không cần như vậy, vì không thể phòng được, mà quan trọng nhất là phòng thủ được nội tâm của chính mình. Trong giảng thuật của các cổ Đại Đức có nói rằng dục vọng trong nội tâm của chính mình mọi lúc mọi nơi đều tuôn trào ra như thác lũ. Bạn làm sao để phòng thủ, ngăn chặn nó đây? Bạn không thể dốc hết sức chặn đứng được. Nếu ra sức chặn đứng thì một khi nó bạo phát sẽ càng hung mãnh hơn, mà hãy nên khơi thông từ từ. Trong “Lễ Ký” có nói: “Chí bất khả mãn, ngạo bất khả trưởng, dục bất khả túng”, có chí nhưng chí không được quá tràn trề, quá tràn trề sẽ dễ sinh vấn đề. Nếu như chúng ta có thứ đáng để kiêu ngạo thì không được trưởng dưỡng tâm kiêu ngạo ấy, vừa khởi chút tâm ngạo mạn phải nhanh chóng trấn áp nó xuống. Con người nếu như có một chút dục vọng thì cũng không sao, ví dụ như có một số cô gái thích trang điểm ở nhà, như vậy cũng được nhưng không được quá lố. Không được phóng túng dục vọng mà phải có thể phòng ngừa nó, như thế mới có thể “chỉnh tề”. Chữ “chỉnh” và “tề” này là nói về mặt tâm tính, không phải nói bên ngoài thu vén rất chỉnh tề sạch sẽ. Đó không phải là “phụ đức”, mà là trong tâm rất sạch sẽ, chỉnh tề, ngăn nắp không hỗn loạn. Một người phụ nữ mà trong tâm có sự ngăn nắp chỉnh tề thì làm bất kỳ việc gì trước tiên sẽ biết cân nhắc mặt nặng nhẹ, nhanh chậm, biết việc nào nên làm, việc gì không nên làm, việc gì nên làm trước, việc gì nên làm sau.
Lúc tôi đọc chương “Hoài Nam Tử” trong “Quần Thư Trị Yếu” có một ấn tượng rất sâu. Sách nói rằng có một số sự việc tuy rất khó làm nhưng vẫn phải làm. Đó là việc gì vậy? Đó gọi là “thủ xả” (nên lấy hay nên bỏ). Khi trong tâm có sự “thủ xả” thì sẽ khó quyết định sự việc, “mình nên làm như thế này, hay làm như thế kia”. Bởi vì đời người có hạn, ở mỗi bước ngoặt cuộc đời đều cần phải lựa chọn. Mỗi một người trong cuộc đời đều sẽ đối mặt với việc lấy hay bỏ. Nên lựa chọn ra sao để cho tâm có được “chỉnh”, có được “tề”. Trong lúc lấy bỏ thì có thể đưa ra quyết định nhanh chóng, có thể đi làm ngay lập tức. Thứ nào cần nên buông bỏ thì hãy buông bỏ. Có khi buông xuống sẽ rất khó. Nếu như có thể buông xuống thì tâm sẽ trở nên chỉnh tề, còn như không buông xuống được thì chắc chắn là tâm bị tạp loạn, đang làm việc này mà nghĩ đến việc kia.
Rất nhiều người đều biết tôi là chủ công ty, nhưng khi tôi đang giảng bài hoặc tham dự các buổi luận đàn thì điện thoại của tôi hoặc đưa cho trợ lý của tôi giữ hoặc tắt luôn chứ không reo. Lúc đó trong lòng tôi cũng không nghĩ rằng sáng nay công việc kinh doanh có tốt hay không, doanh số bán ra bao nhiêu, kiếm được bao nhiêu tiền, đều không nghĩ đến những việc đó, bao nhiêu cũng không cần nghĩ đến chúng. Lúc mới bắt đầu, mỗi ngày tôi đều nghĩ sáng nay không biết có khách hàng quan trọng nào đến tìm mình hay không, Chủ tịch không biết có gọi điện thoại cho mình hay không. Sau đó vì sao tôi không suy nghĩ nữa? Vì nghĩ cũng chẳng ích gì, việc gì nên xảy ra thì sẽ xảy ra thôi. Ông Trời cũng sẽ sắp xếp ổn thỏa, không cần lo lắng làm gì. Tôi cho rằng việc gì cần làm thì hãy đi làm, không nên đang làm việc này lại muốn làm cả việc kia. Bên này muốn kinh doanh phát đạt. Bên kia lại muốn giảng bài thật viên mãn. Cả hai bên đều muốn nắm lấy cả. Việc này không thể được. Thế nên chỉ nắm được một trong hai là tốt rồi. Giữa hai thứ thì chọn cái nào quan trọng hơn. Việc giảng bài lúc này quan trọng hơn. Cái nào kém quan trọng hơn thì buông xuống, chỉ cần đời sống an ổn là được rồi, đời sống của nhân viên trong công ty ổn là tốt rồi. Đó chính là hàm nghĩa của “thủ tiết chỉnh tề”. Ở đây còn có một tầng nghĩa bên ngoài quan trọng đối với phụ nữ là nói về trinh tiết và tiết tháo của phụ nữ. Tiết tháo của phụ nữ đặc biệt cần phải “thủ tiết chỉnh tề”. Trong chương “Chuyên Tâm” phía sau tôi sẽ chia sẻ với mọi người vì sao quan niệm về trinh tiết và tiết tháo của phụ nữ lại quan trọng đến như thế.
Điều thứ ba là “hành kỷ hữu sỉ”, câu này là lời Khổng Tử nói. Câu “hành kỷ hữu sỉ” có nghĩa là khi chúng ta hành động thì biết khởi lên tâm hổ thẹn. Tâm hổ thẹn này nói một cách khác chính là sự phản tỉnh. Con người thời thời khắc khắc đều phản tỉnh chính mình. Vì sao tôi lại nói như vậy? Bạn hãy nhìn chữ “sỉ” (恥), bên trái chữ “sỉ” là chữ “nhĩ” (耳) là lỗ tai, bên phải là chữ “tâm” (心). Đây là lỗ tai và trái tim của ai vậy? Không phải là của người khác mà là của chính mình. Lỗ tai của mình lúc nào cũng phải lắng nghe tiếng lòng của chính mình. Nếu như có thể nghe thấy được thì người này có “sỉ”, biết hổ thẹn thì mới có thể có dũng khí để sửa đổi những điều không đúng của bản thân, mới có thể chân thật đạt được ý nghĩa đích thực của cuộc đời. Đây là hàm nghĩa của chữ “sỉ”. Ví dụ khi bạn nói chuyện với người khác thì đó có phải là lời nói thật lòng hay không? Có phải là lời a dua nịnh hót hay không? Có phải là lời châm biếm hay không? Hay là nói lời hai chiều? Nói lời hai chiều là trước mặt nói một đằng, sau lưng nói một nẻo, chia rẽ ly gián, tạo chuyện thị phi. Khi bạn nói những lời như thế, làm ra việc như thế thì bạn đã không lắng nghe kỹ tiếng lòng của mình rồi, hoàn toàn đã trái ngược với tự tánh rồi, đương nhiên là bạn không biết hổ thẹn rồi. Người như vậy rất ngu si, sẽ bị nhiều thất bại về sau, đồng thời cũng mất luôn sự “u nhàn trinh tĩnh” ở phía trước. Thế nên, trong Kinh Điển cổ Đại Đức có nói: “Con người nhất định phải có hành vi an định từ tốn”, tâm có an thì có định. “Từ” có nghĩa là chậm rãi, hãy từ tốn mà làm việc, nếu như làm việc vội vàng, hấp tấp thì chắc chắn sẽ hối hận về sau. Vì sao hối hận? Bởi vì lúc đầu đã không lắng nghe bản thân cho kỹ càng.
“Động tĩnh hữu pháp”, “động” và “tĩnh” ở đây chỉ cho điều gì? “Tĩnh” chỉ cho khi chúng ta ở một mình, hoặc lúc có nhiều người, lúc chúng ta nói chuyện, lúc chúng ta không làm việc thì làm thế nào để giữ được an tĩnh. Lúc đó cần ngăn tâm của mình không nghĩ tưởng lung tung, cũng đừng “ai nói gì cũng lắng nghe”, nghe ai đó nói chuyện thì trong tâm cũng hùa theo một câu, mà tâm phải định lại. Còn “động” là khi tai đang động, mắt đang động, mũi đang động, miệng đang động, tay đang động thì làm sao để chúng có khuôn phép.
Khổng Tử nói rất hay: “Phi lễ không nghe, phi lễ không nói, phi lễ không nhìn, phi lễ không làm”, bởi vì nếu như đã phi lễ mà bạn còn làm thì bạn không có khuôn phép. Đó chính là chuẩn mực, chuẩn tắc, là giới hạn thấp nhất về mặt đạo đức mà bạn không được vi phạm. Nếu bạn vượt qua giới hạn thấp nhất của đạo đức thì bạn sẽ vi phạm pháp luật quốc gia. Đây không những là vấn đề liên quan đến đức hạnh phụ nữ mà còn bị trực tiếp xử phạt. “Phi lễ không nhìn”, khi mắt chúng ta hoạt động, nên xem thứ gì thì tâm của chính mình phải hiểu rõ, có phải mỗi ngày đều xem Kinh Điển và lời dạy của Thánh Hiền hay không, hay mỗi ngày xem tạp chí giải trí? Hiện nay có rất nhiều tạp chí thời thượng mỗi ngày đều bày cho người cách ăn mặc, trang điểm, tiêu xài. Khi lỗ tai đang hoạt động thì phải nghĩ xem có phải mình thích nghe những lời khen ngợi bản thân, nghe những ca khúc không tốt. Phía sau tôi sẽ nói với mọi người về âm nhạc vào thời xưa là một công cụ rất quan trọng để chuyển hóa phong tục xã hội. Thời xưa vừa có “lễ”, vừa có “nhạc”. Hết thảy lễ tiết đều được giảng trong sách “Chu Lễ”, “dùng lễ để điều thân, dùng nhạc để điều tâm”. “Lễ” dùng để điều thân, khiến cho động tác của thân thể có chuẩn mực, có quy tắc. “Nhạc” là để tu dưỡng điều hòa tâm hồn, khiến cho tâm thông qua những khúc nhạc thuần tịnh, lương thiện mà dần dần quay trở về tự nhiên, dần dần trở về với trạng thái bình hòa.
Khi Khổng Tử san định “Kinh Thi” ngài có một nguyên tắc duy nhất chính là “tư vô tà” (tư tưởng không tà vạy). Những bài thơ đó đều có thể khởi được tác dụng điều hòa tình cảm, giáo hóa người đời. Còn hiện nay thì sao? Hoàn toàn tương phản, gần như không còn “lễ” nữa. “Lễ” đã bị mất rồi, nên ăn cơm ra sao, ngủ như thế nào, đi đứng như thế nào, không còn người giảng về “lễ” nữa. Trong khi “nhạc” hiện nay lại khiến cho tâm của chúng ta bị xáo động, bất an. Đến tiệm thức ăn nhanh, chúng ta nhất định sẽ nghe thấy loại âm nhạc có tiết tấu rất nhanh. Nếu như đến hộp đêm và phòng karaoke thì âm nhạc ở những nơi đó đều không phải là đức âm nhã nhạc. Rất nhiều bạn trẻ bây giờ nghe nhạc mp3 bằng tai phone, mỗi ngày đều khiến cho nhĩ căn của họ bị tiêm nhiễm bởi những ca khúc đó. Chúng ta thử nghĩ xem có được mấy ca khúc thực sự có thể khiến cho chúng ta quay về với tự nhiên, khởi lên tác dụng giáo hóa nhân tâm. Trong xã hội hiện nay, bất kể là nam hay nữ, có thể khiến cho thân tâm của mình thanh tịnh quả thật là việc rất khó. Lòng người không thanh tịnh, tâm tính lúc nào cũng nóng nảy, bộp chộp thì học thứ gì cũng không học vào được, không có tâm lâu bền.
Thế nên, tôi cảm thấy chúng ta nếu muốn học tập Nữ Đức thì quan trọng nhất phải có sự kiên trì, không được “một ngày nóng, mười ngày lạnh”. Đó không phải là đạo lý học tập. Đạo học vấn là mỗi ngày đều như thế, mỗi tháng đều như thế, mỗi năm đều như thế, lâu dài cũng vẫn như thế. Không phải hôm nay rất hăng hái đọc tụng Kinh Điển một ngày mười lần. Quả thật, tôi đã gặp một người như thế, ba tháng sau gặp lại anh ấy thì mười ngày cũng không đọc một lần nào cả. Đây là việc không tốt. Khi anh ấy hỏi tôi, tôi nói mỗi ngày anh kiên trì đọc một biến là tốt rồi, chí ít có thể làm được không thối chuyển, nếu như có thể kiên trì đến già thì rất tốt. Cái đáng quý là ở sự kiên trì bền bỉ.
“Động tĩnh hữu pháp” là phần quy kết của cả bốn câu. Chúng ta học Nữ Đức hãy thường niệm bốn câu này, ví như khi nói chuyện với người khác thì trong tâm hãy niệm thầm bốn câu “u nhàn trinh tĩnh, thủ tiết chỉnh tề, hành kỷ hữu sỉ, động tĩnh hữu pháp”, hãy thường niệm 16 chữ này thì chắc chắn miệng sẽ không nói linh tinh, hành vi sẽ không phóng túng, mọi người sẽ nhìn thấy khí chất của bạn ngày một khác đi, càng ngày càng giống dáng vẻ của người có Nữ Đức.
Các bạn nữ trong công ty chúng tôi đều như vậy. Tôi đã hướng dẫn các cô ấy làm thế nào để có định lực, để chính mình không nghĩ ngợi lung tung, hãy chọn ra một câu nói mà mình thích nhất trong sách “Nữ Giới” sau đó niệm tới niệm lui nhiều lần là được. Nếu như bạn niệm thường xuyên thì bỗng nhiên sẽ có chỗ ngộ, đột nhiên sẽ có được cảm giác “học mà thường xuyên thực hành chẳng phải là vui sao”. Bởi vì khi con người có chỗ cảm ngộ sẽ rất vui sướng. Đó gọi là: “Không thầy mà tự hiểu ra”, không có người dạy nhưng ngộ ra được một ít. Cảm giác đó rất vui. Niềm vui đó không phải do sự thỏa mãn về vật chất mang đến, ví dụ như hôm nay bạn mua một cái túi LV cảm thấy rất vui sướng, nhưng niềm vui đó không lâu dài, lâu nhất là ba ngày, không thể kéo dài ba năm. Bởi vì ba năm sau có một kiểu dáng khác xuất hiện, bạn nhìn lại cái túi này sẽ không còn vui nữa, khi nhìn thấy cái túi mới ra thì rất vui, muốn đi mua nó. Thế nên, cái mà khiến chúng ta vui sướng thật sự thì cái đó phải trường cửu, lâu dài. Những thứ không mang lại niềm vui lâu dài thì là giả, không phải thật. Bạn nói cơm rất ngon, nếu như cho bạn ăn mười bát một lúc thì sẽ không còn ngon nữa, sẽ bị đau bụng. Vì vậy, cần phải nắm chắc cái chân thật, còn đồ giả thì không cần quá lưu tâm. Ăn ngon cũng được, ăn không ngon cũng được, đừng quá bận lòng.
Bốn câu trên đây chỉ ra rằng làm phụ nữ cần có nguyên tắc, nói chuyện cần có nguyên tắc, mặc áo trang điểm cũng cần có nguyên tắc, trước khi làm một việc gì cũng đều xét bản thân một chút, hỏi nội tâm của chính mình vì sao cần làm như thế, làm như thế có ý nghĩa gì, có ảnh hưởng đến đức hạnh hay không. Nếu như ảnh hưởng đến đức hạnh tức đã tổn giảm phước báo, bởi vì đức chính là phước. Người không có đức thì sao có phước được! Nếu như không muốn phước báo bị tổn giảm thì không được làm việc đó.
Thế nên, trong sách “Đại Học” có câu: “Tri chỉ nhi hậu hữu định, định nhi hậu năng tĩnh, tĩnh nhi hậu năng an, an nhi hậu năng lự, lự nhi hậu năng đắc”. Phần đầu của câu nói này chúng ta có thể hiểu, chỉ xin giải thích về chữ “lự” với mọi người một chút. Chữ “lự” này chỉ cho trí huệ, khi tâm của bạn có thể định, có thể tĩnh, có thể an thì mới có thể có được trí huệ. Người mà có trí huệ thì cái gì cũng đều có được, không cần đi cầu xin. Thế nên, “lự nhi hậu năng đắc”, chính là nghĩa như thế. Chúng ta nói: “Tâm phải hòa, ý phải bình” là nghĩa làm sao? “Người có học vấn uyên thâm thì tâm khí sẽ bình”, khi sự học đạt đến rốt ráo, càng học càng cảm thấy mình giống như ếch ngồi đáy giếng. Đạo của học vấn giống như biển lớn, cái mà mình biết không bằng giọt nước trong biển cả thì tâm này của bạn sẽ rất hòa. Nếu như có người có kiến thức cao hơn mình, mình cũng không cần đi tranh với họ, chỉ có không ngừng nâng cao bản thân thì sẽ làm được “tâm bình khí hòa”.