Đệ Tử Quy (P11): Làm Sao Để Kiến Lập Thái Độ Và Phương Pháp Học Tập
Đệ Tử Quy (P11): Làm Sao Để Kiến Lập Thái Độ Và Phương Pháp Học Tập – Trước khi chúng ta bắt đầu giảng “Đệ Tử Quy”, chúng ta cần phải xác lập trước thái độ học tập chính xác.
11. Thái độ và phương pháp học tập – Đệ Tử Quy
Chủ đề lần này của chúng ta là giảng tỉ mỉ về “Đệ Tử Quy”. “Đệ Tử Quy” chính là từ “hiếu – đễ” mà cắm gốc, cho nên chúng ta bắt đầu học từ “nhập tắc hiếu” (ở nhà phải hiếu) và “xuất tắc đễ” (biểu hiện người em – ra ngoài phải lễ nhượng). Trước khi chúng ta bắt đầu giảng “Đệ Tử Quy”, chúng ta cần phải xác lập trước thái độ học tập chính xác. Ngay khi chúng ta có thái độ học tập chính xác thì hiệu quả học tập của chúng ta sẽ rất tốt. Tục ngữ nói: “Khởi đầu tốt là thành công được một nửa”.
11.1. Học tập quan trọng nhất ở lập chí
Học tập quan trọng nhất ở lập chí, cho nên gọi là: “Học quý lập chí”. Chúng tôi ở Hải Khẩu thành lập khóa học về giảng dạy. Tiết thứ nhất chúng tôi cùng với tất cả các giáo viên lập ra một chí hướng, gọi là “vì tiếp nối tuyệt học của Thánh giáo, vì vạn thế khai mở thái bình”. Chúng ta thường mong cầu thế giới hòa bình. Thế giới hòa bình là kết quả, trước tiên phải trồng cái nhân gì? Trước tiên mỗi một người phải trồng cái nhân là tư tưởng và quan niệm nhân ái. Mà quan niệm và tư tưởng nhân ái phải thông qua học tập, thông qua giáo dục trí tuệ của Thánh Hiền. Vì vậy, “khai thái bình” là kết quả, “kế tuyệt học” là trồng cái nhân. “Vì tiếp nối tuyệt học của Thánh giáo” mới có thể kế thừa người đi trước, nâng đỡ người đi sau. Muốn kế thừa người đi trước thì chính mình trước tiên phải học tốt.
Chúng tôi có một vị thầy giáo dạy lớp 5, thầy có sứ mạng như vậy, nên mỗi ngày ngoài việc dạy học ra, thầy còn phải sắp xếp ba giờ đồng hồ thâm nhập Kinh điển Thánh Hiền. Hơn nữa, mỗi sáng thầy đi đến trường học từ rất sớm, sau đó chính mình lật “Đệ Tử Quy” và “Hiếu Kinh” ra đọc tụng. Học trò của thầy vốn dĩ mang theo thức ăn sáng dự định đến lớp từ từ ăn, nhưng khi thấy thầy giáo đã nghiêm túc ngồi ở đó đọc Kinh, trẻ nhỏ lập tức đến chỗ ngồi của mình và đem Kinh sách ra cùng đọc theo. Thưa quý vị! Giáo dục quan trọng nhất là lấy mình làm gương. Do bởi dụng tâm của thầy, nên lớp của thầy ngoài thành tích có lễ phép ra, còn có sự trưởng thành rất lớn. Hiệu trưởng sau khi xem thấy, liền hỏi thầy: “Lớp của thầy dạy như thế nào vậy? Vì sao mà dạy được tốt đến như vậy?”. Vị thầy giáo này nói với hiệu trưởng: “Bởi vì tôi đã mời mấy trăm vị cổ Thánh tiên Hiền đến dạy cho các em”.
Trung Quốc có một bộ sách, gọi là “Đức Dục Cố Sự” (Những Câu Chuyện Giáo Dục Về Đức Hạnh). Trong đó có hơn bảy trăm câu chuyện về các vị Thánh triết, phân thành tám mục để biên tập. Tám mục này chính là “tám đức”, dựa theo tám đức “Hiếu, Đễ, Trung, Tín, Lễ, Nghĩa, Liêm, Sỉ” mà biên tập ra. Mỗi ngày thầy giảng cho học trò nghe hai, ba câu chuyện giáo dục đạo đức. Những đứa trẻ đó sau khi nghe xong thì hiểu ra, thấy người hiền thì muốn noi theo. Sau đó lại dùng “Đệ Tử Quy” làm nội quy cho lớp học. Học trò phạm quy không đợi thầy giáo nói, mà chính mình liền biết được sai ở chỗ nào. Thí dụ: Khi chạy trong phòng học, bị đụng vào bàn ghế, học trò sẽ nói “rẽ quẹo rộng, chớ đụng góc”, “chớ làm vội, vội sai nhiều”. Ngay khi trẻ nhỏ có hành vi không tốt xuất hiện, chúng sẽ nghĩ đến: “Lỗi vô ý, gọi là sai. Lỗi cố ý, gọi là tội. Biết sửa lỗi, không còn lỗi. Nếu che giấu, lỗi chồng thêm”. Vì thế, trẻ nhỏ hiểu được cần mạnh dạn nhận lỗi, mạnh dạn sửa lỗi, không hề thoái thác, không hề che giấu, cũng sẽ nghĩ đến “đức tổn thương, cha mẹ tủi”.
Thưa quý vị! Khi thế hệ sau của chúng ta gặp phải sự việc gì đều có thể đề khởi giáo huấn của “Đệ Tử Quy”, thì đời này của chúng nhất định sẽ rất đầy đủ, rất thiết thực, cũng sẽ rất có sức ảnh hưởng. Cho nên, ngoài biểu hiện tốt ở trong lớp ra, hiệu trưởng của họ còn chú trọng về sau, còn yêu cầu giáo viên của trung tâm chúng tôi cùng với giáo viên toàn trường của họ làm hai lần diễn giảng. Sau đó chúng tôi lại đem sách “Đệ Tử Quy” phát tặng đến toàn trường của họ.
Một người đã lập định chí hướng, muốn “vì tiếp nối tuyệt học của Thánh giáo”, thì sức ảnh hưởng của họ sẽ không ngừng mở rộng, yêu cầu của họ đối với bản thân sẽ rất sâu, họ liền có thể “cẩu nhật tân, nhật nhật tân, hựu nhật tân” (một ngày mới, ngày ngày mới, mỗi ngày mới). Vị thầy giáo này tiếp xúc với tôi được nửa năm thì ông liền bắt đầu theo tôi đến Trung Quốc Đại Lục diễn giảng, đem kinh nghiệm của ông không chỉ thúc đẩy ở trong trường học, mà còn cống hiến cho các thầy giáo cùng phụ huynh của khu vực khác.
Quý vị thân mến! “Vì tiếp nối tuyệt học của Thánh Hiền” tuyệt đối không phải là việc viển vông xa vời, mà quan trọng nhất là tâm niệm của chúng ta có chân thật phát ra được hay không. Do đó, khi chúng ta lập chí “tiếp nối tuyệt học”, đương nhiên chúng ta phải bắt đầu từ những người thân nhất ở bên mình mà làm ra tấm gương cho họ. Vì vậy, việc lập chí của chúng ta, trước tiên là lập chí làm tấm gương tốt cho con cái. Cái chí này của quý vị chân thật đã lập ra, bảo đảm quý vị ngay tức khắc liền biến thành một người khác, bởi vì khi quý vị nói chuyện thì sẽ rất cẩn trọng. “Lời gian xảo, từ bẩn thỉu” nếu nói ra thì không phải là tấm gương tốt cho trẻ nhỏ.
Ở gia đình thì lập chí làm cha mẹ tốt. Ở công ty lập chí làm cán bộ quản lý tốt, đồng nghiệp tốt. Ở trong xã hội lập thì lập chí làm công dân tốt.
Chúng tôi có một vị thầy khi ngồi xe công cộng, vừa thấy một vị lớn tuổi bước lên, thầy lập tức đứng dậy, mời vị trưởng bối này ngồi. Thầy vừa làm động tác này xong, kết quả là liên tiếp có bốn người nhường chỗ ngồi. Thầy thấy rồi rất cảm động, suýt chút nữa thì rơi nước mắt. Thầy cũng nhận thấy được mỗi một người đều có bản tính lương thiện. Ngay khi chúng ta có chí hướng này, hãy đi cải thiện phong khí xã hội, tôi tin tưởng cử chỉ, lời nói của chúng ta đều sẽ cẩn trọng, đều sẽ khắc chế chính mình. Cho nên đạo đức, học vấn của chúng ta cũng bởi vì cái chí đã lập mà không ngừng nâng cao. Đây là lập chí.
Chúng tôi ở Thẩm Quyến đều tiếp xúc với các trẻ nhỏ năm – sáu tuổi. Chúng tôi hỏi các em đi học để làm gì. Các vị biết đáp án của chúng là gì không? Đáp án của chúng rất chuẩn xác: Muốn làm Thánh Hiền. Chúng nói: “Không làm Thánh Hiền thì đọc sách làm gì!”. Có sáu, bảy em từ bên ngoài đi về trường mẫu giáo của mình, trên đường đi các em kẻ trước, người sau tranh nhau nhặt rác. Chúng vừa nhìn thấy rác giống như nhìn thấy báu vật vậy, cảm thấy ta có thể vì xã hội phục vụ, mọi người đều thi nhau để nhặt rác. Vừa lúc trên đường gặp một số học sinh cấp hai tan học, những học sinh cấp hai này trên tay đang cầm que kem, đang cầm thức ăn, vừa ăn vừa xả rác. Nhóm học sinh cấp hai thấy một nhóm trẻ nhỏ đang nhặt rác, vốn dĩ muốn vứt rác thì đột nhiên dừng lại giữa chừng, không thể vứt xuống. Sau đó có một học sinh cấp hai nói với các bạn học khác của em là: “Chúng ta đừng có vứt rác nữa, các em nhỏ như vậy đang nhặt rác”. Em đó dùng tiếng Quảng Đông để nói. Trong sáu, bảy em nhỏ đó chỉ có một em là người Quảng Đông. Khi trở lại trường mầm non của chúng, em nhỏ này liền dõng dạc phiên dịch ra lời của anh cấp hai kia để cho các bạn học khác cùng nghe. Em nói: “Mấy anh cấp hai kia bởi vì nhìn thấy chúng ta nhặt rác nên mấy anh ấy không vứt rác nữa”. Cảm nhận trong nội tâm của em nhỏ này là từng lời nói, hành động của mình đều có thể ảnh hưởng xã hội này. Cho nên quan điểm của đứa bé này chính là: “Học vi nhân sư, hành vi thế phạm” (học làm thầy người, hành vi làm mô phạm cho người).
Chí hướng cũng giống như mục tiêu và đích đến của một đời người, chúng ta lập chí đúng, thì cuộc đời này mới không uổng phí.
11.2. Học tập quý ở thực hành
Trong học tập, ngoài lập chí ra còn có một thái độ rất quan trọng, đó là: “Học quý ở thực hành”. Chúng ta học tập một câu Kinh giáo thì nhất định phải làm một câu, đây gọi là giải – hành tương ưng. Như vậy thì đạo đức, học vấn của chúng ta mới có thể nâng cao.
Vào thời nhà Đường, có một vị cao tăng tên Ô Sào Thiền Sư. Bạch Cư Dị là nhà thơ của triều nhà Đường, cuối đời thích học Phật. Ông hi vọng có thể đến thân cận vị Đại Đức như vậy, có thể nâng cao học vấn của chính mình. Khi ông gặp được Ô Sào Thiền Sư, ông liền thỉnh giáo với Ngài là làm thế nào học Phật.
“Phật” là tiếng Ấn Độ, từ gốc là “Phật Đà Da”. Người Trung Quốc ưa thích đơn giản nên đã trực tiếp dịch thành một chữ “Phật”, bên trái là chữ “Nhân”, bên phải là chữ “Phất”. Cách tạo chữ Trung Quốc gọi là chữ “hình thanh”, “hình” là chữ “Nhân”, “thanh” là chữ “Phất”. Chữ “Phật” này, dùng tiếng Trung Quốc để giải thích, chính là người giác ngộ, người có trí tuệ. Nếu nói rõ ràng hơn, gọi là người thông suốt, người hiểu rõ đạo lý. Cho nên học Phật chính là phải học làm người thấu suốt đạo lý. Ô Sào Thiền Sư liền nói với Bạch Cư Dị là học Phật thì phải “chớ làm các việc ác, vâng làm các việc lành”. Bạch Cư Dị nghe xong thì cười lên thật to và nói: “Trẻ nhỏ ba tuổi cũng biết”.
Quý vị thân mến! Khi các vị ba tuổi có biết hay không? Ngày trước dạy bảo thiện ác, dạy cách làm người là ở đâu dạy vậy? Không phải đến trường học, mà ở tại nhà. “Gia giáo” chính là dạy học. Cho nên đích thực Bạch Cư Dị nói không sai, trẻ nhỏ ba tuổi đều biết. Ô Sào Thiền Sư trả lời ông: “Ông lão 80 tuổi không làm được”. Như vậy, then chốt, cốt tủy của đạo đức, học vấn không phải ở học được nhiều hay ít, mà ở quý vị làm được bao nhiêu. Thái độ này chính chúng ta phải học, rồi dẫn dắt trẻ nhỏ học tập Thánh Hiền. Nhất định phải xác lập thái độ chính xác này.
Ngày 15 tháng 03 năm vừa rồi, tôi đến Thẩm Quyến. Tôi cùng với thầy cô giáo và phụ huynh nơi đó có một buổi nói chuyện. Ngày hôm sau, thầy cô giáo nơi đó mời tôi đến giảng một buổi cho mấy bé trường mầm non. Tôi liền dạy “Đệ Tử Quy”. Khi vừa bước vào lớp, tôi nói: “Xin chào các bạn nhỏ! Hôm nay chúng ta học Đệ Tử Quy”, thì những đứa bé này đều đồng loạt nói: “Thầy ơi! Chúng em đã học qua rồi. Chúng em đều đọc thuộc rồi”.
Quý vị thân mến! Việc này cho thấy rằng học “Đệ Tử Quy” đã cho những đứa bé này thái độ gì? Khiến cho các em cảm thấy “mình đã thuộc lòng điều này rồi, mình đã học qua rồi”, khiến cho chúng ngạo mạn, chứ không phải là khiêm tốn. Vì vậy, việc dẫn dắt cho trẻ nhỏ lúc ban đầu rất là quan trọng. Tôi liền viết một chữ lên bảng đen, đó là chữ “đạo” của “đạo đức”. Tôi cũng không trực tiếp phản bác các em, mà trước tiên tôi viết một chữ “đạo”. Tôi nói: “Này các bạn nhỏ! Văn hóa Thánh Hiền rộng lớn và tinh thâm. Trên toàn thế giới, chỉ có văn tự của nước ta là có thể ở ngay trong văn tự đem triết học nhân sinh, trí tuệ nhân sinh mà lưu xuất ra”. Tiếp theo đó tôi liền giải thích: “Chữ này gọi là chữ hội ý. Ngay khi các em xem thấy chữ này, các em liền có thể hiểu được đạo lý trong đó. Bên trái là bộ “xước”, bên phải là bộ “thủ”, cho nên chữ này nói với chúng ta: Người chân thật có đạo đức chính là trước tiên phải có thể làm được. Chữ “xước” là có thể làm được. Người có thể làm được, có thể thực hiện mới là người có đạo đức. Cho nên chúng ta học Đệ Tử Quy chính là phải làm người có đạo đức. Các em đã làm được câu nào trong Đệ Tử Quy rồi?”. Bọn trẻ vốn dĩ là ngẩng đầu rất cao, nhưng sau khi nghe xong, chúng đột nhiên ở đó suy nghĩ: “Cha mẹ gọi, trả lời ngay”, hôm qua vừa mới trả treo với mẹ, chúng lập tức liền xét lại mình.
Tiếp theo tôi liền đem từng câu, từng câu Kinh văn của “Đệ Tử Quy” nói với chúng làm thế nào thực hiện ngay trong đời sống gia đình. Trong lớp có một đứa trẻ, khi trở về nhà, ngay hôm đó viết nhật ký, câu đầu tiên liền viết: “Hôm nay thầy Thái đến dạy chúng em, thầy Thái nói: Đệ Tử Quy là phải làm chứ không phải chỉ để học thuộc lòng”. Đứa bé này biết viết trong nhật ký, tức là thái độ, ấn tượng của bé rất sâu sắc. Ấn tượng này rất có thể ảnh hưởng đến cả đời của chúng. Do đó, giáo dục có ba chữ chân ngôn, đó là phải “thận ư thủy” (cẩn thận từ lúc bắt đầu). Khi trẻ nhỏ vừa bắt đầu học tập học vấn liền phải chú trọng thực hành, như vậy công phu mới đắc lực, nhất định sẽ không giống với những đứa trẻ khác.

Ngoài ra, có đứa bé khi học xong rồi, trở về cũng rất nỗ lực, hôm sau đứng ở ngay trước cửa của cha mẹ đợi cha mẹ đi ra. Khi thấy cha mẹ vừa đi ra, em liền cúi chào cha mẹ và nói: “Con chào cha mẹ buổi sáng! Hôm qua cha mẹ ngủ có ngon giấc không?”. Cha mẹ của em bất chợt cảm thấy ngạc nhiên, lập tức liền gọi điện thoại cho trường mầm non hỏi: “Hôm qua đã xảy ra việc gì? Con tôi vì sao hôm nay biết chào và hỏi thăm chúng tôi?”. Thầy giáo mới nói: Hôm qua các em đã học đến “sáng phải thăm, tối phải viếng”. Kỳ thực, trẻ nhỏ có dễ dạy hay không? Rất dễ dạy. Chỉ là chúng ta không dạy.
Sơn Đầu cũng có rất nhiều thầy cô giáo tình nguyện giảng bài “Đệ Tử Quy”. Lên lớp được khoảng hai tháng, các thầy cô giáo tổ chức một hoạt động cùng giao lưu với các phụ huynh. Họ sắp xếp mỗi một em nhỏ đứng lên chia sẻ là các em có những thay đổi gì trong một – hai tháng học tập. Kết quả có một đứa bé bảy tuổi bước lên, câu thứ nhất em liền nói: “Con học Đệ Tử Quy rồi mới biết được: Làm người vốn dĩ phải hiếu thuận”. Câu nói này rất thú vị: “Vốn dĩ phải hiếu thuận”.
Người không học thì không biết đạo lý, người không học thì không biết nghĩa. Nhiều phụ huynh rất tức giận vì sao đứa trẻ này lại không hiểu chuyện: “Ngay đến việc này cũng không hiểu!”. Trẻ nhỏ thật sự ngay đến việc này cũng không hiểu, bởi vì chúng không được dạy. Cho nên chúng ta cần phải hiểu được những đạo lý nào nhất định phải mau dạy. Quý vị thấy đứa trẻ này, quý vị lập tức nói với chúng: “Sáng phải thăm, tối phải viếng”, ngày hôm sau chúng liền làm theo. Khi vị phụ huynh này biết được liền nhanh chóng gọi điện đến trường học, hành động này chứng tỏ là họ rất quan tâm đến sự trưởng thành của con cái. Họ hiểu rõ muốn dạy tốt con cái thì điều quan trọng là phải hợp tác với thầy cô. Vị phụ huynh này có độ nhạy cảm giáo dục. Nếu như họ cảm thấy rất kỳ lạ, sau đó họ xoa xoa đầu đứa con rồi nói: “Con à! Có phải hôm nay con đã bị sốt rồi không? Vì sao mà lễ phép như vậy?”. Nếu cha mẹ làm như vậy thì có thể sẽ dập tắt hiếu tâm và tâm học tập của trẻ nhỏ.
Vì thế, khi các con học “Đệ Tử Quy”, trở về giúp quý vị bưng nước rửa chân thì quý vị phải nên làm thế nào? Quý vị không nên nói là: “Không cần phiền phức đến như vậy! Con bị bỏng thì sao?”. Nói như vậy là quý vị đã cắt đứt cơ hội học tập của chúng rồi. Cho nên, chúng ta làm cha mẹ phải hiểu được cần phối hợp với thầy cô giáo, phải hiểu được việc thành toàn hiếu tâm của trẻ nhỏ, thành toàn đức hạnh của trẻ nhỏ.
Có một người mẹ nói là: “Con của tôi còn nhỏ như vậy, bưng nước bị đổ thì phải làm sao?”. Tôi liền nói với cô: “Đổ thì càng tốt!”. Cô cảm thấy khó hiểu: “Vì sao đổ thì lại càng tốt?”. Bởi vì khi chúng làm đổ, ngoài việc quý vị đã thành toàn hiếu tâm của chúng ra, quý vị còn có thể ngay lúc đó nắm bắt cơ hội này mà nói với chúng: “Con à! Tấm lòng của con khiến cho mẹ rất cảm động, còn nhỏ như vậy mà có thể tận hiếu. Hôm nay chúng ta phải suy nghĩ một chút: Tại vì sao con bưng nước lại bị đổ? Nhất định là hai tay con cầm không được chắc. Lần sau con cầm chắc thì sẽ không bị đổ nữa. Nào! Chúng ta cùng nhau lau dọn thật sạch”. Quý vị đồng thời dạy chúng làm thế nào cầm món đồ. Đồng thời còn dạy chúng làm thế nào thu dọn tình huống này, đem sự việc làm đến nơi đến chốn. Vì vậy, khi chúng ta làm phụ huynh không nên có quá nhiều lo lắng, cũng không nên có quá nhiều thứ không nỡ để chúng làm, bởi vì trẻ nhỏ làm việc nhiều thì chúng mới có thể học tập nhiều, trải nghiệm nhiều.
Chúng ta đang nói đến thái độ học tập lúc mới bắt đầu rất là quan trọng, đã nói đến “học quí lập chí”. Trước tiên phải hoạch định chí hướng thì sẽ có động lực mạnh mẽ thúc đẩy, khiến cho chúng ta không ngừng tiến bộ, trưởng thành. Việc thứ hai là “học quí thực hành”. Cho nên, hiện tại chúng ta muốn học văn hóa truyền thống, học tập học vấn của Thánh Hiền, chúng ta cũng không cần phải lo lắng là ta bây giờ mới bắt đầu học có còn kịp hay không. Thật ra, quan trọng nhất là học một câu chúng ta liền làm một câu. Có rất nhiều người nói: “Đợi tôi học tốt rồi sẽ dạy cho con cái. Đợi tôi học tốt rồi sẽ giúp người”. Đợi chúng ta học tốt rồi thì có còn kịp hay không? Không kịp. Hiện tại học một điều làm một điều, chỉ có tinh thần như vậy mới cảm động con cái và học trò của chúng ta.
Có rất nhiều thầy cô giáo của chúng ta trước đây huân tập văn hóa Thánh Hiền tương đối ít. Họ cũng giữ lấy thái độ cùng nhau học tập với học trò của mình, luôn luôn có thái độ như vậy. Trẻ nhỏ xem thấy cũng rất vui vẻ, bởi vì chúng ta đem thái độ hiếu học diễn ra cho trẻ nhỏ xem, cho học trò xem.
Có một trường mầm non dạy bảo trẻ nhỏ rằng sau khi ăn no rồi phải có lễ phép, khi đứng dậy phải nói với thầy cô giáo, bạn học cùng ngồi chung bàn là: “Xin mọi người từ từ dùng!”, sau đó mang bát đũa của mình đến nhà bếp tự tay rửa. Tất cả trẻ nhỏ đã tập thành thói quen. Thầy cô của chúng cũng làm như vậy. Mỗi một thầy cô giáo ăn xong rồi cũng cúi người nói với chúng là: “Xin mọi người từ từ dùng!”, cho nên tất cả các đứa trẻ đều mỉm cười trong lòng. Vì sao vậy? Trong lòng những đứa trẻ này liền sẽ nghĩ là: “Thầy cô giáo cũng làm giống như chúng ta nên chúng ta phải có lễ phép, phải tuân thủ những quy định này”. Khi chúng ta cùng làm với trẻ nhỏ thì sẽ có hiệu quả rất tốt.
Có một đứa bé, trong một lần ăn cơm, toàn bộ thầy cô giáo và các bạn học đều đã ăn cơm xong, chỉ còn lại một mình em. Đứa bé này sau khi ăn xong đứng dậy, cúi đầu một cách kính cẩn với cái ghế rồi nói: “Xin mọi người từ từ dùng!”. Tất cả thầy cô giáo xem thấy đều mỉm cười. Thế nhưng chúng tôi cảm thấy đứa bé này rất thành thật, nói một điều, học một điều thì làm một điều. Làm người trước tiên phải học thành thật, tiếp theo mới học linh hoạt, như vậy học vấn mới có thành tựu. Nếu như vừa bắt đầu chúng ta đã học linh hoạt, giáo huấn của thầy nói ra năm điều thì chọn ra ba điều để làm. Tốt! Đầu óc cũng rất linh hoạt, thế nhưng rất có thể học vấn sẽ không có nền tảng, đến lúc đó sẽ bị chính sự thông minh nhỏ của mình hại mình.
11.3. Học tập cần phải xem trọng thứ tự
Ngoài việc thực hành, tiếp theo chúng ta còn phải hiểu rõ rằng học tập cũng cần phải xem trọng thứ tự, trình tự. Trên “Tam Tự Kinh” có một câu: “Vi học giả, tất hữu sơ”, học tập phải có trước sau. “Tiểu học chung, chí Tứ Thư”, chính là phải học cho tốt sách “Tiểu Học”, tiếp theo đó mới học “Tứ Thư”, “Ngũ Kinh”. “Tiểu Học” là quyển sách do Chu Hy – Chu Phu Tử biên soạn để “dưỡng chính/chánh” cho trẻ nhỏ. Quyển sách này dạy trẻ nhỏ làm thế nào hiếu dưỡng cha mẹ, tôn trọng trưởng bối và lễ phép trong cách ứng xử với người trong cuộc sống thường ngày. Quyển sách này ai đã xem qua xin đưa tay lên. Ồ! Thật không ít.
Quyển sách này cách hiện tại đã gần một ngàn năm, lịch sử tương đối khá lâu, rất nhiều tình huống đời sống vào thời đó so với hiện nay đã có sự khác biệt. Vì sao cuốn “Tiểu Học” quan trọng đến như vậy? Bởi vì một đứa trẻ từ nhỏ trước tiên phải cắm vững cái gốc về cách làm người, làm việc. Nếu nền tảng này đã xây dựng tốt thì chúng đọc các Kinh sách khác, chúng sẽ không chỉ có đọc mà thôi, chúng sẽ hiểu được làm thế nào áp dụng vào việc đối nhân, xử thế trong cuộc sống. Chúng hiểu được phải áp dụng ngay vào trong cuộc sống. Vì thế, nền tảng này nhất định phải được xây dựng.
Bởi vì quyển “Tiểu Học” cách chúng ta tương đối xa, tôi đã từng xem qua, chỉ có thể xem hiểu được 60% đến 70%, có rất nhiều thuật ngữ xem không hiểu. Sau khi xem quyển “Tiểu Học”, tôi lại xem đến quyển “Đệ Tử Quy”. Đối với quyển “Đệ Tử Quy” này tôi rất là cảm động, cũng rất là tán thán. Bởi vì “Đệ Tử Quy” là sách viết ra từ thời nhà Thanh, cách chúng ta mới mấy trăm năm, rất gần. Hơn nữa, Lý Dục Tú Phu Tử của triều nhà Thanh căn cứ vào quyển “Tiểu Học” lấy ra phần cương lĩnh (nội dung quan trọng nhất), biên soạn thành một quyển “Đệ Tử Quy”. Quyển “Đệ Tử Quy” hoàn toàn tương ưng với đời sống của chúng ta, không có câu nào là không làm được, hơn nữa, còn bao hàm những trọng điểm của quyển “Tiểu Học”.
Lý Dục Tú Phu Tử biên soạn quyển sách này vẫn là y theo một câu giáo huấn rất quan trọng trong “Luận Ngữ” của Khổng Lão Phu Tử. Câu giáo huấn này được nhắc đến trong “Đệ Tử Quy: “Phép người con, Thánh nhân dạy, hiếu đễ trước, kế cẩn tín, yêu bình đẳng, gần người nhân, có dư sức thì học văn”. Lý Dục Tú Phu Tử chính là căn cứ vào câu nói này của Khổng Lão Phu Tử phân thành bảy cương mục, biên soạn thành quyển “Đệ Tử Quy” này. Cho nên chúng ta học tốt được “Đệ Tử Quy” chính là xây dựng tốt nền tảng của “Tiểu Học”. Nếu như nền tảng của “Tiểu Học” không được xây dựng tốt mà trực tiếp đọc qua “Tứ Thư”, “Ngũ Kinh” thì trẻ nhỏ đọc càng nhiều sẽ càng tách rời đời sống.
Có một vài trẻ nhỏ đọc rất nhiều Kinh thư, thế nhưng chúng sẽ lấy những câu Kinh văn trong “Luận Ngữ” để biện luận cùng với cha mẹ. Có một đứa trẻ khoảng sáu tuổi, trong một lần mẹ em đang phê bình em, em liền nói với mẹ là: “Mẹ ơi! Mẹ có ôn, lương, cung, khiêm, nhượng của Khổng Lão Phu Tử không? Nếu như mẹ làm không được thì mẹ cũng không có tư cách nói con”. Mẹ em liền bị chấn động: “Bây giờ chúng đã dùng đến ngôn ngữ của Kinh điển để phản bác lại mình. Nếu chúng tiếp tục mà học nữa thì sẽ như thế nào?”.
Có một trưởng bối dẫn theo cháu gái của bà (cháu gái gọi tôi bằng cậu) đến nhà chúng tôi. Cha mẹ tôi đều có ở nhà. Bà vừa ngồi xuống thì liền nói với cháu gái của bà là: “Nào! Chúng ta cùng đọc Anh văn để những trưởng bối này nghe nào!”. Đứa cháu gái nhỏ này cũng rất là thuần thục. Tôi tin rằng bé gái này không chỉ có biểu diễn cho chúng tôi xem mà nhất định là đã biểu diễn không ít lần trước đó rồi, cho nên bé ấy cũng rất tự nhiên. Sau đó bà của bé liền bắt đầu hỏi: “Trái táo nói thế nào?”. Bé đó liền nói: “Apple”. “Cái ô nói thế nào?”. Bé đó liền nói: “Umbrella”. Hỏi rất nhiều câu, bé đều trả lời lưu loát. Đột nhiên, bé gái này hỏi ngược lại bà của mình một câu: “Bà ơi! Quyển sách nói thế nào?”. Bà của em liền nói: “Bà làm sao mà biết được!”. Bé gái này nói: “Bà ơi! Vì sao mà bà ngốc đến như vậy?”.
Nếu như trẻ nhỏ không học cách làm người, làm việc thì tri thức học được càng nhiều, sách xem được càng nhiều thì sẽ càng ngạo mạn. Đem ngạo mạn mà cầu học vấn là một sai lầm to lớn. Chỉ cần có tâm ngạo mạn thì rất khó mà thành tựu được học vấn. Cho nên “Khúc Lễ” trong sách “Lễ Ký” có nói đến: “Ngạo bất khả trưởng” (không thể nuôi lớn tâm ngạo mạn). Đây đều là những lời nhắc nhở rất quan trọng của Thánh Hiền nhân về trước dành cho chúng ta.
Khi Tiên sinh Lâm Tắc Từ hiểu được lẽ nhân sinh, ông đã quy nạp thành mười sự việc. Mười việc này chính là: Nếu như người phạm phải mười điều sai lầm này thì đời sống không có ích lợi gì, ông gọi là: “Mười điều vô ích”:
Thứ nhất: “Bất hiếu cha mẹ, thờ thần vô ích”. Không có hiếu thuận đối với cha mẹ, mỗi ngày lạy thần, cầu thần bảo hộ thì có ích gì không? Không có ích gì.
Thứ hai: “Anh em chẳng hòa, bạn bè vô ích”. Cùng chung sống với anh em trong nhà nhưng không biết bao dung, thường hay có xung đột, con người này ra ngoài kết giao bạn bè có thể kết giao được bạn tri âm hay không? Không thể nào.
Trong mười điều vô ích này, có hai điểm chú trọng về việc cầu học vấn. Đây là một sự nhắc nhở rất quan trọng. Hai điểm đó là: “Kiêu căng ngạo mạn, học rộng vô ích” và “Hành nghi không ngay, đọc sách vô ích”. Chỉ cần chúng có tâm ngạo mạn, thì học lực càng cao sẽ càng xem thường người, càng dễ dàng tổn hại người khác. “Hành nghi không ngay”, nếu như lời nói, hành vi của chúng ta hoàn toàn trái ngược với giáo huấn của Thánh Hiền, thì không tương ưng với những sách đọc được, sẽ không được lợi ích.
Thánh triết nhân mấy ngàn năm đã lưu lại lời dạy, chúng ta phải rất trân trọng, phải cố gắng xem đây là sự nhắc nhở chính mình không thể phạm. Đương nhiên trẻ nhỏ cũng phải cố gắng không được phạm những lỗi lầm này.
Trên đây là thứ tự của việc học tập.
11.4. Phương pháp học tập: “Nhất môn thâm nhập, trường thời huân tu”.
Phương pháp học tập phải nắm lấy tám chữ: “Nhất môn thâm nhập, trường thời huân tu” (Thâm nhập một môn, huân tu lâu dài). Một môn là một môn nào? Các vị Thánh triết giáo huấn chúng ta, nếu như dùng hai chữ để nói thì chính là “đạo đức”. Hai chữ “đạo đức” đã nắm lấy toàn thể cương lĩnh giáo huấn của Thánh Hiền trong mấy ngàn năm. Nắm lấy cái giềng lưới thì mắt lưới sẽ mở thôi (nắm lấy cương lĩnh thì sẽ nắm bắt được tất cả).
Thưa quý vị, thế nào gọi là “đạo”? Thế nào gọi là “đức”? Chúng ta lật sang trang thứ hai của quyển sổ tay, phía dưới trang thứ hai có một hàng chữ. Chúng ta cùng nhau đọc qua một lần:
“Nhận thức siêu việt thời không đích đại tự nhiên vận hành pháp tắc, thử chi vị đạo” (nhận thức siêu vượt thời gian, không gian về phép tắc vận hành của đại tự nhiên được gọi là đạo vậy).
“Giáo đạo nhân loại như hà thuận tùng đại tự nhiên đích pháp tắc, bất vi việt địa tố nhân, thử chi vị đức” (có thể dạy cho nhân loại làm thế nào tuân theo phép tắc của đại tự nhiên, không làm trái tự nhiên thì gọi là đức vậy).
Cho nên “đạo” là phép tắc về quy luật vận hành của đại tự nhiên siêu vượt thời gian, không gian, tục ngữ gọi là “luân thường đại đạo”. Mối quan hệ ngũ luân chính là “đạo”. Thiên địa, vạn vật đều có quỹ đạo vận hành của nó thì mới không xảy ra xung đột. Không chỉ con người mới có đường lối chuẩn xác, mà sự chuyển động giữa hành tinh với hành tinh cũng có quỹ đạo chuyển động chuẩn xác. Nếu như hôm nay các hành tinh trong vũ trụ chuyển động như thế này, ngày mai thì chúng chuyển động ngược lại thì có được không? Không được. Nếu như chín hành tinh lớn, sao Diêm Vương nói hôm nay tôi không vận hành như vậy, ngày mai tôi phải đổi lại, khi nó vừa đổi quỹ đạo thì có thể sẽ va chạm, xung đột, ma sát với các hành tinh khác. Vạn vật như vậy và con người cũng như vậy. Do đó, nếu như có thể tuân thủ năm mối quan hệ này, thì chúng ta có thể sống chung với nhau rất hòa hợp.
Nếu chúng ta không bằng lòng tuân thủ năm mối quan hệ này, thì liền sẽ xảy ra mâu thuẫn, xảy ra xung đột. Quý vị thân mến! Hiện tại năm mối quan hệ này có xung đột hay không? Có rất nhiều xung đột. Mở báo chí ra xem thì liền biết.
Hết phần 11. Xin xem tiếp phần 12