Đệ Tử Quy Chương V: “Người Hạnh Cao, Danh Tự Cao”
Contents
- 1 Đệ Tử Quy Chương V: “Người Hạnh Cao, Danh Tự Cao”
- 1.1 5.2 Kinh văn – Đệ Tử Quy
Đệ Tử Quy Chương V: “Người Hạnh Cao, Danh Tự Cao”. Một người có đức hạnh tự nhiên tiếng tăm của họ sẽ được lan truyền đi. Có cần phải ngồi trên xe đi tuyên truyền quảng cáo không?
5.2 Kinh văn – Đệ Tử Quy
“Hạnh cao giả, danh tự cao. Nhân sở trọng, phi mạo cao. Tài đại giả, vọng tự đại. Nhân sở phục, phi ngôn đại”.
“Người hạnh cao, danh tự cao. Mọi người trọng, không bề ngoài. Người tài năng, tiếng tự cao. Được người phục, chẳng do khoe”.
5.2.1 “Người hạnh cao, danh tự cao. Mọi người trọng, không bề ngoài”
Một người có đức hạnh tự nhiên tiếng tăm của họ sẽ được lan truyền đi. Có cần phải ngồi trên xe đi tuyên truyền quảng cáo không? Tuyệt đối không phải, bởi vì gió của đức hạnh sẽ thổi đi. Vì vậy trong “Luận Ngữ”, Khổng Lão Phu Tử có nhắc đến: “Đức hạnh của quân tử như gió, đức hạnh của tiểu nhân như cỏ. Gió thổi trên cỏ, thì cỏ nhất định phải nằm rạp theo chiều gió”. Tiểu nhân ở đây là chỉ cho bá tính/tánh bình dân.
Cỏ cúi rạp thân xuống tượng trưng cho cơn gió đức hạnh vừa thổi qua thì tất cả bá tính/tánh bình dân đều nhận được sự giáo hóa, sẽ học tập, noi gương theo. Đương nhiên quan trọng nhất là người có đức hạnh nhất định phải có đạo đức học vấn thật sự thì tự nhiên sẽ đạt được hiệu quả “hữu xạ tự nhiên hương”. Vì vậy, năm xưa việc dạy học của Khổng Lão Phu Tử phát triển rất nhanh, rất nhiều người đọc sách ở các nước đều đến học tập với Khổng Lão Phu Tử.
Thưa quý vị bằng hữu! Khổng Lão Phu Tử thời thời khắc khắc đều đang suy nghĩ những việc gì? Còn chúng ta hiện giờ đang nghĩ về việc gì? Bởi vì “tướng do tâm sinh”, những gì tâm đã nghĩ thì nhất định biểu hiện ra trong việc đối nhân, xử thế trong cuộc sống hàng ngày. Khi chúng ta có thể lý giải được những gì mà các bậc Thánh Hiền nghĩ khác xa so với những điều chúng ta nghĩ thì chúng ta sẽ biết làm thế nào để theo cho kịp. “Dù còn xa, cũng dần kịp”.
Quý vị bằng hữu bình thường đều nghĩ những việc gì? Có nghĩ đến cổ phiếu sắp lên hay sắp xuống không? Hay là đang nghĩ lần này con mình thi môn toán như thế nào?
Trong “Luận Ngữ”, Phu Tử có nhắc đến mỗi ngày Ngài lo nghĩ về bốn việc: “Đức hạnh không tu dưỡng, học mà không giảng giải, nghe việc nghĩa không làm, phạm sai lầm mà không sửa đổi, đó là nỗi lo của ta”.
Mỗi ngày Phu Tử vô cùng tích cực tu dưỡng đức hạnh của bản thân mình, vì vậy Ngài lo sợ mỗi ngày trôi qua vô ích, nên không thể “đối với đức mà không tu”.
“Học mà không giảng giải”. Những đạo lý mà bản thân lĩnh hội được nhất định phải nói ra, khiến cho nhiều người được lợi ích, làm cho huệ mạng của nhiều người được trưởng dưỡng.
“Nghe việc nghĩa mà không làm”. Chỉ cần nghe thấy việc chính nghĩa, việc nhân đức thì nhất định không chờ người làm mà chính mình sẽ đi làm.
“Phạm sai lầm mà không sửa đổi”. Luôn nghĩ đến bản thân còn có những khuyết điểm gì thì phải nhanh chóng sửa đổi, không nên lười biếng.

Phu Tử có cái tâm như vậy cho nên đức hạnh của Ngài, sự cống hiến của Ngài đối với quần chúng tự nhiên càng ngày càng lớn, tự nhiên Ngài được bá tính/tánh bình dân tôn kính, quý mến. Vì vậy “người hạnh cao, danh tự cao. Mọi người trọng, không bề ngoài”. Nhất định không phải do anh ấy đẹp trai, nhất định không phải do dung mạo. Dung mạo không thể làm cho người khác kính phục.
5.2.2 “Người tài năng, tiếng tự cao. Được người phục, chẳng do khoe”
Một người thật sự có tài thì danh tiếng của họ cũng sẽ tự nhiên lan truyền đi xa. “Được người phục, chẳng do khoe”. Tài hoa của một người chắc chắn không phải do bản thân người đó tự phóng đại, tự khoe khoang, mà cái tài đó phải khiến cho mọi người khâm phục từ trong tâm. Chữ “tài” này chắc chắn được xây dựng trên nền tảng đức hạnh. Nếu như có tài mà không có đức thì không thể làm cho mọi người khâm phục.
Do đó, câu này là nói đến người đức hạnh cao, nhất định phải có đức hạnh. Do có đức hạnh nên tài hoa mà họ học được đều xuất phát từ một mục đích là có thể lợi ích cho gia đình, lợi ích cho xã hội. Cho nên tài hoa của họ nhất định sẽ làm cho người khác kính phục, làm cho người khác được lợi ích, vì vậy mọi người sẽ rất khâm phục họ. Họ tuyệt đối không dùng tài hoa đó để mưu lợi cho riêng mình. Như vậy không thể được người khác tôn trọng.
Chúng ta thường nhìn thấy nhiều người có tài, chúng ta đều sinh lòng ngưỡng mộ. Trẻ con có thể cũng như vậy! “Sao mà giỏi thế!”, “chữ này viết sao mà đẹp thế!”, “hát sao mà hay quá vậy!”. Viết được chữ rất đẹp là kết quả, nguyên nhân ở đâu?
Vì vậy chúng ta nên tiến thêm một bước là hướng dẫn các em nhỏ không nên chỉ hâm mộ người khác, mà phải biết phía sau tài năng giỏi như vậy của họ nhất định không phải trong phút chốc mà có được. Nếu muốn công phu thâm hậu thì phải “có công mài sắt, có ngày nên kim”. Tất cả tài năng tuyệt đối không phải từ trên trời rơi xuống. Nhẫn mới là cái gốc của thành công. Cần phải xây dựng cho con cái thái độ đúng đắn như vậy.
Khi chúng ta xem thấy cô giáo Dương Thục Phương viết thư pháp “Đệ Tử Quy” rất đẹp, chúng ta rất ngưỡng mộ cô. Cô Dương đã viết bao lâu rồi? Đã bốn mươi mốt năm rồi, từ lúc năm tuổi cô đã bắt đầu viết thư pháp. Cô nói: “Trước đây luyện viết thư pháp, mỗi ngày cô luyện viết cả chồng giấy”. Cô từng nét từng nét một mà luyện thành. Hôm nay cô mới có thể cầm bút lên viết tùy ý mà không ra ngoài quy củ.
Vì vậy, thật sự là phải có dụng tâm, có bỏ công sức, có sự kiên trì, cộng với tấm lòng vì người phục vụ nên tài hoa của cô mới không ngừng được nâng cao, không ngừng có sự đột phá. Hiện nay cô viết rất nhiều bảng chữ mẫu để sau này in thành sách, đưa lên mạng. Phía sau những tác phẩm của cô đều viết: “Hoan nghênh sao chép, công đức vô lượng”.
Hy vọng bản thân chúng ta cũng có gia đình tốt như vậy. Cha của cô là một nhà thư pháp. Hai mươi bảy tuổi cha của cô mới bắt đầu học thư pháp. Người cha đã làm tấm gương tốt cho cô, chỉ cần hiếu học thì sẽ không sợ quá muộn.
Sau khi nghe xong, trong quý vị có ai muốn cầm bút lên để luyện thư pháp không? Người cha làm tấm gương tốt như vậy, có gia đình tốt như vậy nên đã thành tựu tài hoa cho cô. Vì vậy, học được từ xã hội thì phải dùng cho xã hội, quyết không được uổng phí một đời.
Trên đây là “người hạnh cao, danh tự cao. Mọi người trọng, chẳng do khoe”.