Đệ Tử Quy Chương V: “Đối Người Ở, Thân Đoan Chính”
Contents
Đệ Tử Quy Chương V: “Đối Người Ở, Thân Đoan Chính”. Chữ “tì bộc” này tôi giải nghĩa rộng ra, ví dụ như gia đình các vị thuê nhân viên về giúp việc thì cũng được tính trong phạm vi này. Đương nhiên khi họ bỏ sức lao động ra thì chúng ta cũng phải tôn trọng sức lao động của họ.
5.11 Kinh văn – Đệ Tử Quy
“Đãi tì bộc, thân quý đoan. Tuy quý đoan, từ như khoan”.
“Đối người ở, thân đoan chính. Tuy đoan chính, lòng độ lượng”.
5.11.1“Đối người ở, thân đoan chính” – Đệ Tử Quy
Chữ “tì bộc” này tôi giải nghĩa rộng ra, ví dụ như gia đình các vị thuê nhân viên về giúp việc thì cũng được tính trong phạm vi này. Đương nhiên khi họ bỏ sức lao động ra thì chúng ta cũng phải tôn trọng sức lao động của họ.
Do đó, trong nhà có thuê người giúp việc thì chúng ta cũng phải giáo dục con cái xem những người giúp việc này như là trưởng bối để đối xử, không nên để chúng từ nhỏ đã đối xử phân biệt với người khác, vì như vậy trẻ nhỏ sẽ không có được tâm bình đẳng, tâm cung kính.
Chúng ta phải thật cẩn thận. Cho dù là tài xế lái xe thì bọn trẻ cũng phải gọi họ là chú, là bác, không được mất đi sự cung kính. Có thể cùng sống trong một gia đình là một duyên phận hiếm có, chúng ta cũng nên luôn luôn thông cảm, chăm sóc lẫn nhau.
Ví dụ khi năm hết Tết đến, đại đa số con trai, con dâu, cháu nội ngoại đều về nhà. Hiện nay có rất nhiều phụ nữ cũng phải làm việc như nam giới, cho nên bình thường họ cũng rất là bận rộn. Họ đã bận rộn và mệt mỏi như vậy, rất khó khăn mới có được ngày nghỉ Tết, vậy mà sau khi về nhà thì họ lại càng mệt hơn.

Thậm chí công việc nhà lại còn nhiều hơn công việc bình thường họ làm ở công ty. Cho dù chúng ta là mẹ chồng thì cũng nên thông cảm với sự vất vả của con dâu, không thể nói con dâu thì phải làm tất cả những việc đó, mà nên xem xét tình hình để quyết định. Hiện nay thuê người nấu một bữa cơm tất niên cũng rất là tiện lợi.
Nếu như con dâu thật sự đã mệt mỏi rồi thì có thể gọi đồ ăn ở bên ngoài về, như vậy thì mọi người cũng sẽ rất vui vẻ, thoải mái, con dâu cũng sẽ cảm thấy rằng mẹ chồng cũng đã nghĩ cho họ. Chúng ta yêu thương người khác thì họ cũng sẽ yêu thương lại chúng ta. Đó là “người biết yêu người thì luôn được người yêu lại, người biết kính người thì luôn được người kính lại”. Thật ra, con người sống hòa thuận với nhau thì có khó hay không?
Làm gì mà phức tạp đến vậy? Chỉ là do chúng ta hay để tâm đến những chuyện vụn vặt. Đương nhiên khi mẹ chồng làm những việc rất thông cảm với con dâu thì những người con dâu cũng phải biết nói lời khen ngợi. Khi đi ra ngoài mà đúng lúc mẹ chồng cũng ở đó thì các vị có thể nói với người thân và bạn bè rằng: “Mẹ chồng tôi rất tuyệt vời! Mẹ đã giúp đỡ tôi việc gì đó, làm cho tôi việc gì đó”.
Sau khi nghe xong, mẹ chồng sẽ rất vui vẻ. Đây gọi là “một câu nói hay ấm lòng người khác”. Mọi người nói những câu khen ngợi thì sẽ vui vẻ với nhau, giúp đỡ lẫn nhau.
Chúng ta sẽ tiếp tục bài học ở trên. Chúng ta đã học đến câu “Đối người ở, thân đoan chính. Tuy đoan chính, lòng độ lượng. Thế phục người, người không phục. Lý phục người, tâm mới phục”.
Hôm qua chúng ta cũng đã nói là phải có duyên thì người ta mới có thể gặp nhau, cùng nhau ở chung dưới một mái nhà, cùng làm việc với nhau, đều là những nhân duyên khó gặp.
Cho nên đối với những nhân viên và người giúp việc, chúng ta nên có sự quan tâm, yêu thương. Chúng ta cũng phải dạy bảo con cái cung kính đối với những nhân viên và những người giúp việc, phải gọi họ là “chú Trần, cô Trần” chẳng hạn, để các con từ nhỏ đã có thái độ kính trọng đối với tất cả những người lớn tuổi hơn mình.
Vào thời nhà Hán ngày xưa, có một học trò tên là Lưu Khoan. Chúng ta nghe tên thì có thể biết được tính cách của ông, ông là một người khoan hồng, rộng lượng. Bởi vì khi ông còn nhỏ, cha ông đã mong đợi ông như vậy cho nên tính nết của ông tương đối tốt. Người nhà của ông muốn thử xem có thật là ông không biết tức giận không, cho nên đã dặn người làm bưng trà nóng cho ông uống, nhưng lại cố ý làm đổ.
Lúc đó Lưu Khoan đang mặc triều phục, sắp vào chầu vua, kết quả là trà nóng đổ lên người của ông. Nhưng phản ứng đầu tiên của Lưu Khoan là hỏi người hầu: “Tay của anh có bị bỏng không?”. Khi một người có đức hạnh như vậy thì tôi tin là gia đình của ông sẽ vô cùng vui vẻ hòa thuận mà noi theo đức hạnh của ông. Hơn nữa, ông lại là quan lớn trong triều nên sẽ ảnh hưởng đến toàn thể triều đình, ảnh hưởng đến toàn thể nhân tâm.