Đệ Tử Quy Chương IV: Việc Không Tốt, Chớ Dễ Nhận (P2)
Đệ Tử Quy Chương IV: Việc Không Tốt, Chớ Dễ Nhận (P2). Bài giảng của chúng ta đã bước vào nội dung của chương thứ tư nói về chữ “tín”. Trong mối quan hệ ngũ luân đại đạo giữa người với người thì lời nói phải có chữ “tín”, đồng thời phải giữ tâm tín nghĩa, tâm đạo nghĩa, tâm ân nghĩa mà nâng đỡ, giúp đỡ lẫn nhau, như vậy thì mối quan hệ giữa người với người sẽ được hòa thuận, vui vẻ và viên mãn.
4.3 Kinh văn – Đệ Tử Quy
“Sự phi nghi, vật khinh nặc. Cẩu khinh nặc, tiến thoái thác”.
“Việc không tốt, chớ dễ nhận. Nếu dễ nhận, tiến lui sai”.
(tiếp theo tập trước)
Bài giảng của chúng ta đã bước vào nội dung của chương thứ tư nói về chữ “tín”. Trong mối quan hệ ngũ luân đại đạo giữa người với người thì lời nói phải có chữ “tín”, đồng thời phải giữ tâm tín nghĩa, tâm đạo nghĩa, tâm ân nghĩa mà nâng đỡ, giúp đỡ lẫn nhau, như vậy thì mối quan hệ giữa người với người sẽ được hòa thuận, vui vẻ và viên mãn.
Khi nói đến chữ “tín”, chúng ta nghĩ xem trong kinh doanh có cần giữ chữ “tín” không? Cần phải không? Tuy nhiên cũng có câu nói rằng: “Không gian xảo không thể làm kinh doanh”. Trong thời đại hiện nay, có rất nhiều quan niệm tưởng đúng mà lại sai, chúng ta nhất định phải có sự phán đoán.
Ví dụ có câu nói: “Người không vì mình thì trời tru đất diệt”. Câu này là do ai nói vậy? Không tìm ra ai đã nói. Xin hỏi vì sao người ta nói câu này? Vì quá tự tư, cũng rất có thể là người đó đang tìm lối thoát cho chính mình. Thái độ như vậy là không tốt!
Chúng ta xem, một câu nói có thể khiến cho người khác có quan niệm sai lầm. Cho nên chúng ta nhất định phải cẩn trọng ngôn ngữ và hành vi của mình. Khi chúng ta chưa xác định được lời nói của chúng ta là chính xác hay không thì không thể truyền đạt lung tung. “Biết chưa đúng, chớ tuyên truyền”.
Trong kinh doanh, chúng tôi có nghe một phụ huynh nói rằng: “Anh dạy con của mình thành tín như vậy, sau này chúng ra làm kinh doanh thì sẽ ra sao?”. Tôi đã nói với vị ấy rằng: “Như vậy con của anh nhất định sẽ làm Tổng giám đốc. Nếu như mọi người đều không giữ chữ tín, chỉ một mình con anh giữ chữ tín, vậy người ta sẽ hợp tác kinh doanh với ai? Đương nhiên sẽ hợp tác với người giữ chữ tín”.
Do đó, câu nói “không gian xảo không thể làm kinh doanh” là sai. Họ chỉ có thể lừa người được một lần, hai lần, chứ không thể tiếp tục lừa gạt mãi được.

Có câu nói là: “Ở lâu mới biết lòng người”. Hơn nữa, khi họ dùng thủ đoạn gian trá, thì cho dù có lừa gạt người khác để làm ăn, nhưng thực ra là họ đã bị hao tổn phúc/phước báo của chính mình. Có thể họ còn rất đắc ý là: “Anh xem tôi đã kiếm được nhiều tiền như vậy!”, thực ra số tiền đó là trong mạng của họ vốn có rồi, nhưng vì họ đã dùng phương thức sai lầm nên đã khiến cho phúc phần vốn có của họ bị tổn giảm. “Tiểu nhân oan uổng làm tiểu nhân”.
Vì vậy, giữa người với người cần phải giữ chữ “tín”. Trong chính phủ, trong kinh doanh, trong bất kỳ đoàn thể nào cũng phải nên giữ chữ “tín”. Đây mới là thái độ làm người đúng đắn.
“Việc không tốt, chớ dễ nhận. Nếu dễ nhận, tiến lui sai”. Chúng ta cũng đã nói, đối với những yêu cầu của con cái, yêu cầu nào hợp lý chúng ta mới nhận lời, những yêu cầu không hợp lý thì chúng ta nhất định phải giữ vững lập trường, kiên quyết từ chối. Nếu không, chúng đòi cái gì quý vị cho cái đó thì sẽ nuôi lớn tâm tham, thói quen xa xỉ, xa hoa của chúng.
Như vậy thì rất nguy hại. Bởi vậy, ở điểm này chúng ta không thể “dễ nhận lời” được. Khi chúng ta phát hiện thấy con trẻ có hiện tượng “dễ nhận lời” thì chúng ta cũng phải hướng dẫn chúng và chỉ dạy chúng.
Phần trước, tôi có nói đến việc khi trẻ nhỏ nhận lời của người khác, trước tiên phải suy nghĩ mình có đủ năng lực hay không, tiếp theo phải xem điều này có phù hợp với quy định của nhà trường không, có phù hợp với quy định của pháp luật không rồi mới nhận lời. Thái độ này cần phải xây dựng cho trẻ từ khi chúng còn nhỏ thì về sau chúng mới không “dễ nhận lời”.
Chúng ta là người đã trưởng thành cũng không được nhận lời một cách tùy tiện. Cho nên khi người khác có việc cần nhờ quý vị, ví dụ như họ có một số việc gấp nhờ đến, thì quý vị cũng phải bình tĩnh để nghe cho rõ ràng sự việc. Có khi đối phương quá gấp gáp, sự gấp gáp của họ cũng khiến cho tâm của chúng ta bị rối theo, nên rất có thể chúng ta sẽ nhận lời, đến sau cùng sự việc không giống như mình đã suy nghĩ.
Ví dụ như họ chỉ nói lời phiến diện còn chúng ta lại không bình tĩnh lắng nghe, rất có thể mình nhận lời rồi nhưng sau này không diễn ra như chúng ta đã dự tính thì sẽ rất khó xử. Cho nên việc gấp cũng phải từ từ giải quyết.
Đồng thời, khi người khác tìm quý vị để nhờ giúp đỡ, thậm chí là họ và quý vị cùng làm chung việc đó, quý vị cũng cần cân nhắc: Thứ nhất là năng lực của họ có đủ hay không? Thứ hai là năng lực của quý vị có đủ hay không? Sau đó xét đến tất cả các phương diện của công việc, xem nhân duyên của sự việc này đã đến lúc hay chưa.
Nếu như nhân duyên chưa chín muồi mà quý vị đã khinh suất nhận lời, thì đến lúc đó quý vị làm cũng không đúng, mà không làm cũng không được. Đến lúc đó sẽ rất khó xử và có thể sẽ phát sinh hiểu lầm. Quý vị vốn là có tâm tốt, nhưng đến sau cùng thì khó mà thu dọn sự việc. Cho nên, chúng ta có lòng tốt cũng cần phải dùng lý trí để phán đoán mới được. Vì vậy, “việc không tốt, chớ dễ nhận. Nếu dễ nhận, tiến lui sai”.
Xin mời xem tiếp phần sau: “Phàm nói chuyện, nói trọng điểm, chớ nói nhanh, chớ mơ hồ”.