Đệ Tử Quy Chương IV: “Lỗi Vô Ý, Gọi Là Sai. Lỗi Cố Ý, Gọi Là Tội”
Contents
Đệ Tử Quy Chương IV: “Lỗi Vô Ý, Gọi Là Sai. Lỗi Cố Ý, Gọi Là Tội”. Có câu: “Người không biết thì không có tội”. Cho nên khi người khác phạm sai lầm do vô ý, chúng ta nhất định phải bao dung, khoan thứ, nếu không thì họ cũng sẽ rất buồn lòng. Đối với chúng ta mà nói, chúng ta cũng phải luôn luôn quán chiếu chính mình xem ngôn ngữ, hành vi của chúng ta có chỗ nào không thỏa đáng hay không?
4.9 Kinh văn – Đệ Tử Quy
“Vô tâm phi, danh vi thác. Hữu tâm phi, danh vi ác. Quá năng cải, quy ư vô. Thảng yểm sức, tăng nhất cô”.
“Lỗi vô ý, gọi là sai. Lỗi cố ý, gọi là tội. Biết sửa lỗi, không còn lỗi. Nếu che giấu, lỗi chồng thêm”.
4.9.1 “Lỗi vô ý, gọi là sai”
Có câu: “Người không biết thì không có tội”. Cho nên khi người khác phạm sai lầm do vô ý, chúng ta nhất định phải bao dung, khoan thứ, nếu không thì họ cũng sẽ rất buồn lòng. Đối với chúng ta mà nói, chúng ta cũng phải luôn luôn quán chiếu chính mình xem ngôn ngữ, hành vi của chúng ta có chỗ nào không thỏa đáng hay không? Ví dụ khi đi đường, hai – ba người cùng đi hàng ngang khiến cho những người đi phía sau rất khó vượt lên trước. Bởi vì con người thường khi gặp được người bạn lâu năm thì nói chuyện đến nỗi quên cả thế giới bên ngoài. Đây gọi là “lỗi vô ý”.
Có khi chúng ta gọi điện thoại cho bạn bè đúng lúc họ phải đi công việc, nhưng chúng ta vừa gọi tới thì đã thao thao bất tuyệt không ngừng nghỉ. Họ lại không biết phải ngắt lời chúng ta như thế nào để từ chối hoặc nói cho chúng ta biết họ đang chuẩn bị đi ra ngoài, thế là họ cứ phải đứng ở đó. Lúc đó tim của họ sẽ như thế nào? Sẽ đập rất nhanh. Đây cũng là “lỗi vô ý”. Cho nên khi chúng ta gọi điện thoại cho ai, nhất định phải hỏi trước: “Xin hỏi bây giờ anh nói chuyện có tiện không?”. Chúng ta phải luôn suy nghĩ cho người khác.
Khổng Phu Tử đi đến Thái Miếu cũng là “nhập thái miếu, mỗi sự vấn” (vào Thái miếu mỗi việc đều hỏi). Gặp phải rất nhiều sự việc Phu Tử đều đi hỏi những người phụ trách trong miếu. Những người khác đều cảm thấy bối rối khó hiểu liền đến hỏi Ngài: “Phu Tử học vấn cao như vậy nhưng sao đi đến Thái miếu cái gì cũng phải hỏi?”. Phu Tử trả lời: “Mỗi một việc đều hỏi là tôn trọng đối với những sự việc đó. Hơn nữa, chúng ta đi đến một hoàn cảnh mới, có thể nơi này có quy củ riêng, chúng ta không thể thuận theo ý riêng của mình mà làm, bằng không thì có thể sẽ có chỗ thất lễ”. Cho nên chúng ta đến một môi trường hoàn cảnh mới thì chúng ta phải nên tìm hiểu rất nhiều quy củ, cách sống ở nơi đó, thậm chí là cách bày biện đồ vật, chúng ta cũng không thể tự ý dịch chuyển hay thay đổi. Có thể chúng ta có lòng tốt, nhưng một động tác như vậy có thể sẽ gây nên sự phiền phức nào đó cho những người làm việc tại đó. Việc này có thể sẽ phạm vào “lỗi vô ý gọi là sai”.
4.9.2 “Lỗi cố ý, gọi là tội”
Ý nói là rõ ràng biết đó là sai nhưng mà vẫn cứ làm, gọi là “biết sai vẫn làm”. Đây gọi là ác, là tội, không thể chấp nhận được. Hiện tượng như vậy hiện nay có nhiều không? Nhiều. Vì sao vậy? Ví dụ như rõ ràng người ta viết “cấm hút thuốc”, nhưng họ vẫn cứ hút thuốc ở nơi đó. Nguyên nhân là gì? “Không có học Đệ Tử Quy”. Đáp án chính xác! Đã thiếu đi giáo dục về đạo lý làm người làm việc, không học tập tốt đạo lý làm người, không có thầy dạy, cũng không được cha mẹ nhắc nhở. Cho nên nói: “Tiên nhân bất thiện, bất thức đạo đức”.
Chúng ta đã nói đến “lỗi vô ý, gọi là sai”. Đối với những ngôn ngữ và hành vi của chính mình, chúng ta cũng phải thường quán chiếu xem có còn chỗ nào sơ xuất không. Ví dụ như khi bạn đi xe đạp cùng bạn bè thì không nên đi song song. Thứ nhất là rất nguy hiểm. Thứ hai là có thể sẽ ảnh hưởng đến những người chạy phía sau. Tục ngữ nói: “Đắc ý thì sẽ quên hết tất cả”. Chúng ta cũng phải nên thường quán chiếu.
“Lỗi cố ý, gọi là tội”. Nếu như đã biết việc này là sai mà vẫn cứ làm, đó chính là đã làm việc ác. Chúng ta hãy xem, hiện nay có rất nhiều người đều biết có những việc không nên làm nhưng họ vẫn làm. Ví dụ như cấm hút thuốc nhưng họ vẫn hút, có biển báo “cấm câu cá” nhưng vẫn có người đến câu cá, có biển “cấm xả rác” nhưng vẫn có người vứt rác ở đó. Việc này thuộc về nếp sống của xã hội. Nếp sống xã hội này ai phải chịu trách nhiệm? Mỗi một phần tử trong xã hội đều phải có trách nhiệm. Nếu như cả xã hội đều không có sự công bằng, chính nghĩa, khi người khác phạm sai mà chúng ta cũng không chỉ ra điều sai, thì có thể đã tạo ra cơ hội để cho những người làm ác này càng ngày càng hung hăng, càn quấy. Đây gọi là: “Dung túng cái xấu”. Chúng ta nhìn thấy người khác chen ngang khi xếp hàng, chúng ta cần phải khuyên giải.
Đương nhiên khi khuyên giải cần phải chú ý: “Mặt ta vui, lời ta dịu”. Cho nên phần “cha mẹ lỗi” trong “Đệ Tử Quy” thì chữ “cha mẹ” này không những là người thân, mà là “tứ hải giai huynh đệ” (người trong bốn biển đều là anh em), cả xã hội là một thể. Mỗi một phần tử trong xã hội đều là đồng bào của chúng ta, chúng ta phải có nghĩa vụ khuyên bảo họ. Nhưng chúng ta nên chú ý là phải có thái độ thích hợp khi khuyên, nhằm tránh xảy ra xung đột.
Thật ra, vì sao có một số người biết rõ ràng là việc sai nhưng họ vẫn làm? Có lẽ trong tâm của họ đều luôn cảm thấy rằng người khác cũng như vậy. Việc này chỉ là viện cớ. Nhưng việc này cũng không phải không có đạo lý. Bởi vì người làm gương tốt quá ít, cho nên sẽ khiến cho họ cảm thấy phạm sai lầm dường như là việc rất bình thường. Do đó chúng ta phải có sứ mạng là đối với những việc làm sai trong xã hội, chúng ta cần làm ra tấm gương chỉnh sửa những lỗi đó. Ví dụ nói, con người trong xã hội không biết báo ân, chúng ta liền biểu diễn tri ân và báo ân. Người trong xã hội vô lễ thì chúng ta phải biểu diễn tấm gương hết sức nho nhã, lễ phép để cho họ sinh khởi được tâm hổ thẹn.
Hiện tại, ví dụ như có rất nhiều người dùng đồ của cơ quan, đoàn thể vào việc cá nhân. Đây cũng dần trở thành xu thế. Thật ra họ làm như vậy rất oan uổng. Lấy của công thì mắc nợ bao nhiêu người vậy? Sẽ mắc nợ cả đoàn thể, rất khó trả hết nợ. Đây là: “Tiểu nhân oan uổng làm tiểu nhân”. Vì vậy, chúng ta phải thương xót họ đã không hiểu đạo lý “vật tuy nhỏ, chớ cất riêng”. Chúng ta cũng phải biểu diễn cho họ xem, trong công ty hay trong một đoàn thể nào cũng đều phải thật liêm khiết, bất kỳ một đồ vật gì của công tuyệt đối không lấy, một xu một cắc cũng không lấy. Khi bạn có hành vi như vậy thì sẽ có hiệu quả như một sự kìm hãm, người ta một khi nhìn thấy bạn như vậy thì tự họ sẽ bớt phóng túng. Do vậy, các vị đừng nên xem thường sức ảnh hưởng của mình lúc ở nhà hay ở nơi làm việc. Chỉ cần có người biểu diễn điều đúng thì người ở bên cạnh sẽ không dám lỗ mãng, khinh suất. Cho nên chúng ta chân thật phải làm tấm gương tốt.
“Lỗi cố ý, gọi là sai”. Rất nhiều người rõ ràng biết được việc này là lỗi lầm rất lớn, nhưng do vì không khống chế được tính khí của mình nên họ vẫn cứ làm. Ví dụ như biết việc xung đột với người khác là sai, nhưng một khi tính khí nổi lên thì kìm nén không được. Do đó, chúng ta phải tìm phương pháp để đối trị với tình trạng này.
Có một đôi vợ chồng nọ, người chồng có chút vấn đề trăng hoa bên ngoài nên người vợ không vui. Cô nghĩ rằng: “Anh làm được như vậy thì tôi cũng làm cho anh xem”. Loại tâm thái này gọi là làm việc theo cảm tính, đối với chính mình không có lợi ích gì, càng làm thì sẽ càng sai.
Tôi đã từng nghe kể có người chồng kia về nhà rất muộn. Đương nhiên người vợ rất không vui, thế là cô ấy cũng ra ngoài cho đến thật muộn mới trở về. Như vậy thì người bị tổn thương lớn nhất không ai khác là con cái của họ. Cho nên người khác đúng hay sai không quan trọng, quan trọng là chúng ta tự mình có làm đúng hay không. Nhất định phải luôn nhắc nhở bản thân điều này. Khi chúng ta thật sự làm đúng thì mới có tư cách nói người khác. Hơn nữa, khi bạn thật sự làm đúng thì mức tín nhiệm trong lòng người khác đối với bạn nhất định sẽ được nâng cao. Vì vậy, muốn giải quyết sự việc một cách viên mãn thì phải dằn được tính khí của mình, phải trước tiên bắt đầu từ việc tu thân của mình, bắt đầu làm từ việc “lập thân hành đạo”.
Quý vị bằng hữu! Khi khóa trình này của chúng ta kết thúc, mọi người trở về nhà trước tiên không nên yêu cầu ai đó làm. Quan trọng nhất là bản thân mình phải bắt đầu làm trước.
Tôi cũng thường hay tiếp xúc với một số bằng hữu. Ngày đầu tiên họ đến nghe giảng, sau khi nghe xong thì họ nói: “Người bạn nào đó của tôi cần phải nghe cái này nhất”, “con của tôi cần phải nghe cái này nhất”, đều không có nói bản thân mình là người cần phải nghe cái này nhất. Con người thường chỉ nhìn thấy lỗi lầm của người khác, đều thấy người khác nên học cái gì, không quay lại chú ý chính bản thân mình. Nếu vậy thì sự tiến bộ của mình có thể sẽ bị giảm sút. Vì thế, muốn chuyển biến cả cuộc đời thì bước đầu tiên vẫn là phải từ bản thân mình bắt đầu làm.
Xin mời xem tiếp phần sau: “Biết sửa lỗi, không còn lỗi. Nếu che giấu, lỗi chồng thêm”