Đệ Tử Quy Chương IV: “Thấy Người Xấu, Tự Kiểm Điểm”
Đệ Tử Quy Chương IV: “Thấy Người Xấu, Tự Kiểm Điểm”. Nhìn thấy người khác có chỗ không tốt thì chúng ta không nên phê bình, mà trước tiên phải xét lại mình xem có phạm phải cái lỗi như vậy không.
4.6 Kinh văn – Đệ Tử Quy
“Kiến nhân ác, tức nội tỉnh. Hữu tắc cải, vô gia cảnh”.
“Thấy người xấu, tự kiểm điểm. Có thì sửa, không cảnh giác”.
Nhìn thấy người khác có chỗ không tốt thì chúng ta không nên phê bình, mà trước tiên phải xét lại mình xem có phạm phải cái lỗi như vậy không. Nếu như có thì chúng ta lập tức sửa đổi lại. Nếu như không có thì rất tốt, chúng ta tiếp tục duy trì.
Thầy Lý Bỉnh Nam có một đoạn khai thị rất hay. Thầy nói: “Thấy người có điểm tốt thì không được đố kỵ mà phải tùy hỷ. Thấy người có chỗ không tốt thì không nên phê bình mà phải khuyên can hoặc giữ im lặng. Thấy người làm sai thì không được chỉ trích mà phải giúp đỡ”.
Rất nhiều câu nói của thầy đều rất có trí tuệ cuộc sống. Chúng ta thường xuyên đem ra để quán chiếu cái tâm của mình thì tiến bộ sẽ rất nhanh. Cho nên khi thấy người khác có điểm tốt thì chúng ta phải thành toàn việc tốt cho họ mà không được đố kỵ. Thấy người có chỗ không tốt thì chúng ta không nên phê phán, bởi vì phê phán chỉ làm cho đại chúng mất đi không khí hòa thuận. Chúng ta phải khuyên can hoặc giữ im lặng. Tại sao phải giữ im lặng? Thời cơ chưa đến, sự tín nhiệm của họ đối với mình chưa đủ, có thể khi chúng ta khuyên can, họ lại cho rằng chúng ta làm khó dễ hoặc phỉ báng họ. Như vậy thì không hay. Vì vậy lúc trước chúng ta cũng có nhắc đến, trước khi khuyên người khác thì đầu tiên phải xây dựng nền tảng của sự tin tưởng. Trong “Luận Ngữ” có nói: “Người quân tử phải được lòng tin của người khác rồi sau mới khuyên can, chưa có lòng tin mà khuyên thì giống như là phỉ báng họ vậy”, có thể còn xảy ra hiểu lầm với họ. Như vậy thì thật là không hay.
Khi thấy người khác làm ra điều sai trái, những người bình thường sẽ có phản ứng: “Quý vị làm cái quái gì vậy!”. Con cái bất cẩn làm vỡ cái đĩa, quý vị lập tức nói một hồi như súng liên thanh, như vậy thì con cái sẽ càng thêm cảm thấy mặc cảm. Cho nên lúc này quý vị phải bình lặng lại, con trẻ sẽ cảm nhận được rằng cha mẹ của chúng rất có tu dưỡng. Khi chúng ta cùng với chúng thu dọn tàn cuộc thì trong lòng chúng sẽ rất cảm kích. Tiếp thêm một bước, chúng ta kiểm điểm lại một chút, tại sao ngày hôm nay lại xảy ra sự việc sai trái này. Thật ra, mỗi lỗi sai đều có thể tăng thêm năng lực làm việc của con cái, thậm chí là tăng thêm năng lực làm người. Khi chúng ta có tâm như vậy thì người với người sẽ chung sống với nhau rất hòa thuận.
Thấy người có chỗ không tốt thì tuyệt đối không để ở trong lòng. Nếu để ở trong lòng chính là đem cái tâm thuần khiết trong sạch nhất của chúng ta đựng rác của mọi người. Như vậy thì thật là ngốc nghếch!
Có một vị nói là: “Muốn không nhìn thấy điểm không tốt của người khác rất khó, rất là khó!”. Vị này đã thỉnh giáo Hòa thượng Tịnh Không. Sư phụ Ngài khuyên anh ấy một phương pháp rất hay, tôi cảm thấy hay đến nỗi không thể hay hơn được nữa. Ngài nói: “Khi quý vị nhìn thấy lỗi của người khác thì hãy nói đây đều là lỗi của mình”. Ví dụ như thấy con cái không ngoan thì quý vị sẽ nghĩ: “Đó là lỗi của mình đã không dạy dỗ con tốt”. Quý vị phải nhanh chóng mà dạy dỗ chúng. Ví dụ nhìn thấy vợ có điều không tốt, quý vị nghĩ: “Đều là lỗi của mình đã không dùng đức hạnh để cảm hóa cô ấy, cũng là mình không tốt”. Nếu như trên đường nhìn thấy người khác không có tâm công đức, quý vị nghĩ: “Cũng là mình không tốt, mình đã không làm tấm gương tốt cho anh ấy noi theo”. Khi con người ở đâu cũng nhìn thấy bổn phận của mình thì sẽ không lãng phí thời gian để trách mắng người khác. Cho nên, tôi cảm thấy phương pháp này rất tuyệt diệu và cũng rất có ích.
“Thấy người xấu, tự kiểm điểm. Có thì sửa, không cảnh giác”. Sửa chữa lỗi lầm cũng là một học vấn rất quan trọng. Cho nên trong “Liễu Phàm Tứ Huấn” cũng có nhắc đến: “Khoan bàn đến hành thiện, trước tiên cần sửa lỗi đã”. Nếu như chúng ta chưa thể sửa đổi những lỗi lầm của mình, thì những việc thiện chúng ta làm hôm nay giống như đem nước đổ vào một cái thùng bị thủng ở đáy. Chúng ta đem việc làm thiện này ví như nước và lỗi lầm mà chúng ta chưa sửa chữa được ví như cái lỗ thủng ở dưới đáy thùng. Đó là nói cho dù hôm nay các vị có làm việc thiện, các vị có liên tục đổ nước vào thùng thì cuối cùng nước cũng sẽ chảy hết ra ngoài. Cho nên đầu tiên phải hàn các lỗ thủng lại, sau đó những việc thiện này sẽ càng tích càng đầy.
Muốn sửa chữa lỗi lầm thì đầu tiên phải phát ba loại tâm: Thứ nhất là phải phát tâm hổ thẹn, thứ hai là tâm kính sợ, thứ ba là phát tâm dũng mãnh.
Thứ nhất, phải phát “tâm hổ thẹn”
Vì sao cần phải phát tâm hổ thẹn? Bởi vì mỗi người chúng ta đều có rất nhiều tiềm năng phải nên thông qua sự tu thân của chúng ta mới có thể trở thành Thánh Hiền. Cho nên Mạnh Phu Tử mới khuyến khích chúng ta là: “Vua Thuấn là ai? Vua Vũ là ai? Các Ngài làm được thì ta cũng có thể làm được”. Chúng ta khó khăn lắm mới có được thân người. Làm người có dễ không? Không dễ dàng. Đã không dễ dàng thì phải làm cho tốt, nếu không sẽ phụ lòng kỳ vọng của Tổ tiên đối với chúng ta là phải làm “thiên, địa, nhân” tam tài. Phải làm sao để làm được “thiên, địa, nhân” tam tài? Đó là phải thể hiện được cái đức của thiên, địa. Đất có công đức nuôi dưỡng vạn vật, đất không chọn lựa bất cứ vật nào mà còn thành tựu cho vạn vật. Cho nên đất có tấm lòng vô cùng rộng lớn, vô cùng bình đẳng.
Như quý vị đã thấy, chúng ta đem những thứ dơ bẩn nhất cho đất, kết quả đất lại còn chuyển hóa chúng thành những chất dinh dưỡng trả lại cho chúng ta. Giống như một người mẹ, cho dù chúng ta có đại tiểu tiện thì mẹ cũng đều thu dọn. Sự hồi đáp của mẹ là sự cống hiến vô tư. Cho nên mới có câu nói: “Đất là mẹ, trời là cha”. Chúng ta phải dùng cả cuộc đời này để thể hiện cái đức của trời và đất.
Quý vị bằng hữu! Số lượng của động vật gấp bao nhiêu lần con người vậy? Chỉ cần tính đến số lượng loài kiến sống trong rừng nguyên sinh cộng lại thì đã vượt hơn tổng số lượng con người. Quý vị có tin như vậy không? Quý vị hãy xem một tổ kiến bình thường to như vậy thì có bao nhiêu con kiến? Huống gì là cả một cánh rừng nguyên sinh. Cho nên được làm thân người thì thật là hiếm có! Chúng ta không được cô phụ cái thân người này, không thể lãng phí nó. Các Ngài có thể trở thành Thánh Hiền thì chúng ta tuyệt đối không thể cả đời này hoàn toàn không có sự cống hiến nào, thậm chí lại còn là gánh nặng cho gia đình, cho xã hội. Như vậy thì thật đáng hổ thẹn! Cho nên Mạnh Phu Tử mới nói: “Sỉ chi ư nhân đại hĩ”, tâm hổ thẹn đối với con người rất quan trọng. Có tâm hổ thẹn thì có thể thành Thánh, thành Hiền. Không có tâm hổ thẹn thì có thể cả đời sống không bằng cầm thú. Cho nên tâm hổ thẹn đối với việc tu dưỡng đạo đức, gây dựng sự nghiệp của một người là rất quan trọng.
Thứ hai là phải phát “tâm kính sợ”
Thứ hai là phát “tâm kính sợ”. Có câu rằng: “Ngẩng đầu ba thước có thần linh”. Hơn nữa, “nếu muốn người khác không biết, trừ khi chúng ta không làm”. Chúng ta thường cảm thấy mình che đậy rất khéo, thật ra đó là “lừa mình, dối người”. “Sống lâu mới biết lòng người”, khi người ta hiểu rõ được quý vị, đến lúc đó quý vị không đáng một xu. Bởi vậy, chỉ cần chúng ta chịu sửa chữa lỗi lầm thì không bao giờ là muộn. Cho nên thời xưa có người cả đời tạo nghiệp, trước khi lâm chung thành tâm sám hối những việc làm cả đời của mình, kết quả vẫn được chết trong an lành. Do đó, cho dù “tội ác tày trời cũng không thể sánh bằng một câu hối lỗi”. Biết sám hối, biết sửa chữa lỗi lầm là điều rất quan trọng. Cho nên, “những điều xấu đã làm từ trước, ngày hôm qua ví như ngày cuối cùng. Những điều ta làm về sau, hôm nay xin bắt đầu cuộc đời mới”. Chúng ta hạ quyết tâm từ nay về sau phải là học trò tốt của các bậc Thánh Hiền, tin rằng cho dù trước đây có phạm phải lỗi lầm gì đi nữa thì cũng có thể bù đắp được, cũng có thể nhận được sự tôn kính của người khác. Cho nên cần phải có tâm kính sợ.
Thực tế mà nói, “đời người vô thường”, cái thân xác thịt này của chúng ta cũng không biết giữ được bao lâu, cho nên việc sửa lỗi lầm quyết không thể chờ đợi. Đợi đến khi sinh mạng kết thúc thì dù quý vị có muốn sửa cũng không được nữa rồi. Tiếng xấu cả đời này khiến cho con cháu có thể bị xấu hổ lây. Có những người như vậy không? Có! Chúng ta đến miếu Nhạc Phi ở Hàng Châu xem thấy có đôi vợ chồng Tần Cối. Quý vị xem, vợ chồng Tần Cối quỳ ở đó để mọi người phỉ nhổ. Họ đã bị phỉ nhổ gần một nghìn năm rồi. Hơn nữa, quý vị có bao giờ nghe người ta nói: “Tôi nói cho quý vị biết, tôi là con cháu của Tần Cối” không? Ông ta có con cháu không? Có, nhưng họ không dám nhận. Bởi vậy, Tần Cối làm cho con cháu cũng xấu hổ lây. Những việc như vậy chúng ta không được làm. Vì vậy, phải phát tâm kính sợ.
Thứ ba là phải phát “tâm dũng mãnh”
Phải thật dũng cảm để đối trị với thói quen xấu của chúng ta. Tôi còn nhớ lần đầu tiên chú Lư nói chuyện với tôi, đàm luận hơn hai tiếng đồng hồ. Trong đó có một câu làm tôi rất ấn tượng. Chú nói: “Đối với bản thân mình phải đuổi cùng diệt tận, nhưng đối với người khác phải nhân hậu ba phần”. Thực ra điều này cùng với câu Thánh Hiền thường giáo huấn chúng ta là: “Nghiêm khắc với bản thân, khoan dung với người khác” là cùng một ý nghĩa, nhưng chú Lư dùng câu “đuổi cùng diệt tận” đã làm cho tôi phải khắc cốt ghi tâm. Nhưng khi đối diện với những thói quen xấu thì quý vị không được cầm dao để giải quyết. Nếu quý vị làm như vậy tôi sẽ không chịu trách nhiệm. Ở đây tôi muốn nói rằng “tuyệt đối không được lùi bước!”.
Từ câu nói này, tôi nhớ đến một câu chuyện lịch sử. Đó là vào thời kỳ đầu của Tam Quốc, khi Triệu Tử Long cứu A Đẩu. Triệu Tử Long buộc A Đẩu trước ngực và bị mấy chục vạn đại quân vây bắt. Xin hỏi: Lúc đó ông chỉ nghĩ đến điều gì vậy? Xông ra ngoài vòng vây, phải bảo vệ A Đẩu. Cho nên, bây giờ chúng ta muốn nâng cao học vấn của mình thì cũng phải có khí phách như Triệu Tử Long. Tập khí phiền não trong quá khứ có nhiều hay không? Chúng ta phải giống như mấy chục vạn đại quân với thế “dời núi lấp biển” mà xông tới. Lúc này không được có một ý niệm lùi bước nào, bởi chỉ cần quý vị lưỡng lự một chút thì đáng lẽ đã đi được năm bước, nhưng rồi lùi lại mấy chục bước. Quý vị sẽ mất hết tinh thần. Cho nên không được có ý niệm thoái lui. Tin là quý vị nhất định có thể cứu được A Đẩu.
Quý vị bằng hữu! Ai là A Đẩu? Trong một buổi diễn thuyết tôi có hỏi: “Ai là A Đẩu?”. Những người ngồi bên dưới đều nói A Đẩu là con của Lưu Bị. Đây chỉ là ví dụ. Điều tôi muốn nói ở đây là phải bảo vệ cho tốt cái “tâm vốn thiện” của chúng ta, phải chân thật phát huy. Do đó, điều này cần phải có dũng khí, không được lùi bước.
Trong “Liễu Phàm Tứ Huấn” cũng có nói là đối trị thói quen xấu giống như trị rắn độc cắn ngón tay. Khi bị rắn độc cắn vào ngón tay, lúc này quý vị có thể lưỡng lự được không? Quý vị có nói: “Liệu có cần phải chữa hay không” không? Ở đó đắn đo này nọ thì không còn kịp nữa, mạng cũng không còn, cho nên phải lập tức lấy bảo đao chặt đi. Đây chính là “đuổi cùng diệt tận”, không thể để cho thói quen xấu tồn tại nửa giây. Khi có một ý niệm xấu thì phải làm sao? Lập tức chuyển đổi nó. Dùng cách gì để chuyển đổi? Tôi biết là trong lòng quý vị đã có đáp án rồi. Có thể dùng Kinh văn để chuyển đổi, dùng Kinh văn để nhắc nhở bản thân.
Ví dụ như khi tức giận thì lập tức nghĩ đến câu “tức giận mất”, lập tức nghĩ đến câu “lời nhường nhịn, tức giận mất”. Quý vị có biết tôi dùng phương pháp gì không? Tốt rồi! Biết được là tốt rồi.
Khi chúng ta nhắc đến: “Thấy người xấu, tự kiểm điểm. Có thì sửa, không cảnh giác” thì cũng phải có dũng khí để sửa chữa lỗi lầm, có phương pháp để sửa đổi lỗi lầm. Cho nên sửa chữa lỗi lầm có ba mục: Sửa lỗi từ sự việc, sửa lỗi từ lý và sửa lỗi từ trong tâm. Cũng giống như một cây có độc, quý vị muốn sửa đổi từ trong tâm niệm thì phải chặt đứt cái rễ của nó đi, nhổ tận gốc. Đó là sửa chữa từ căn bản. Cho nên một người chân thật biết tu hành, biết tu thân thì họ luôn luôn quán chiếu khởi tâm động niệm của chính mình. Khi họ nhận thấy sự thiên lệch trong khởi tâm động niệm thì lập tức sẽ sửa chữa, tuyệt đối không thể có hành vi và ngôn ngữ sai lầm. Đây là biết sửa lỗi.
Xin mời xem tiếp phần sau: “Chỉ đức học, chỉ tài nghệ, không bằng người, phải tự gắng”