Đệ Tử Quy Chương III: “Vén Rèm Cửa, Chớ Ra Tiếng”
Đệ Tử Quy Chương III: “Vén Rèm Cửa, Chớ Ra Tiếng”. Khi chúng ta kéo rèm cửa thì phải kéo nhẹ nhàng, không nên để phát ra âm thanh quá lớn. Bởi vì mọi người đều sống tập thể, cùng làm việc với nhau, cùng sống với nhau.
3.9 Kinh văn – Đệ Tử Quy
“Hoãn yết liêm, vật hữu thanh. Khoan chuyển loan, vật xúc lăng. Chấp hư khí, như chấp doanh. Nhập hư thất, như hữu nhân”.
“Vén rèm cửa, chớ ra tiếng. Rẽ quẹo rộng, chớ đụng góc. Cầm vật rỗng, như vật đầy. Vào phòng trống, như có người”.
Đoạn Kinh văn này về nguyên tắc là giúp cho chúng ta hình thành thái độ mạnh mẽ nhưng thận trọng. Chúng ta thường nói nên mạnh mẽ nhưng phải thận trọng, vì vậy rất nhiều động tác chúng ta làm vô cùng nhẹ nhàng, cung kính, nhưng khi đối mặt với những thách thức thì không nên sợ khó khăn, cho nên “không sợ khó”. Bởi vì kỹ lưỡng thì sẽ làm việc rất cẩn thận, tự nhiên sẽ không xảy ra sự cố. Bởi vậy, thái độ mạnh mẽ nhưng thận trọng đều được bồi dưỡng từ những chi tiết nhỏ trong cuộc sống.
3.9.1 “Vén rèm cửa, chớ ra tiếng” – Đệ Tử Quy
Khi chúng ta kéo rèm cửa thì phải kéo nhẹ nhàng, không nên để phát ra âm thanh quá lớn. Bởi vì mọi người đều sống tập thể, cùng làm việc với nhau, cùng sống với nhau. Vì vậy, mọi cử chỉ động tác của chúng ta có gây khó chịu, phiền toái cho người khác hay không, việc này chúng ta phải có sự nhạy cảm để quán chiếu. Nếu như người bên cạnh đang ngủ mà quý vị kéo rèm cửa tạo thành tiếng lớn.
Không chừng hai – ba ngày nay họ không ngủ được, hôm nay rất khó mới ngủ được. Động tác này của quý vị có thể làm cho họ thức giấc và không ngủ được nữa. Hoặc lúc chúng ta ở trong thư viện, quý vị muốn đi vén rèm cửa. Thư viện là nơi để xem sách, mọi người rất yên lặng, giả như quý vị kéo rèm quá mạnh có thể sẽ có người bị quý vị làm cho giật mình. Vì vậy, “vén rèm cửa, chớ ra tiếng”.
Tuy chỉ là một động tác vén rèm cửa nhưng cũng nói với chúng ta: Mỗi hành động, lời nói của chúng ta ở mọi nơi có làm cho người khác cảm thấy bất an không? Âm thanh đó có quá lớn hay không? Khi chúng ta luôn nghĩ đến người khác thì tâm càng ngày càng nhu nhuyến, quý vị thật sự đang thực hiện tâm nhân từ trong cuộc sống.
Ngoài những hành vi trên, còn có những lúc nào mà âm thanh chúng ta quá lớn gây phiền phức cho người khác nữa? Ví dụ mấy hôm nay chúng ta cùng chung sống với nhau, nếu buổi tối bước chân đi lại lớn tiếng thì sẽ làm phiền người khác. Hơn nữa, nếu buổi tối đi vệ sinh mà mở cửa quá mạnh thì nhiều người có thể sẽ thức giấc.
Tôi nhớ lúc tôi học ở Úc, chú Lư có nói với tôi buổi tối thức dậy đi vệ sinh cần phải nhẹ nhàng. Khi xả nước bồn cầu nhất định phải đóng nắp bồn cầu lại, nếu không thì âm thanh xả nước bồn cầu quá lớn sẽ ảnh hưởng đến sự an giấc của rất nhiều người.
Một người có học vấn hay không thì nhìn từ chỗ nào? Chúng tôi nói: “Nghĩ đến người khác là học vấn bậc nhất”. Nghĩ đến người khác không phải là nói bằng miệng mà phải thực hiện từng chút một.
Ngoài tiếng bước chân, tiếng đóng cửa không nên quá lớn, thì khi ăn cơm cùng mọi người cũng không nên gây tiếng động lớn. Giả như quý vị ăn cơm âm thanh quá lớn, tất cả mọi người đang ăn sẽ cảm thấy khó chịu. Tại vì sao khi ăn cơm lại phát ra âm thanh quá lớn vậy? Vì không khép miệng lại.
Do đó, tôi cũng nhắc rất nhiều bạn khi ăn cơm phải khép miệng lại. Bởi vì chúng ta không chỉ đại diện cho bản thân mình mà chúng ta còn đại diện cho công ty, cho đoàn thể. Thậm chí quý vị đi du lịch ở nước ngoài thì quý vị đại diện cho ai? Cho đất nước. Vì vậy quý vị phải thường xuyên nhắc nhở chính mình.
Lần trước, chúng tôi cũng có nói đến Nhà thờ Đức Bà ở Paris có viết một hàng chữ bằng tiếng Trung Quốc là “Xin đừng nói chuyện lớn tiếng!”. Viết cho ai xem vậy? Người ta thì tiếng lành đồn xa, còn chúng ta sao lại có hậu quả như vậy? Ngày nay người Trung Quốc đến nơi công cộng nói chuyện lớn tiếng đã thể hiện ở trong gia đình họ cũng như vậy.
Vì vậy, sự tu dưỡng của một người hoàn toàn được bồi dưỡng từ trong gia đình, hoàn toàn ở chỗ không ai nhìn thấy mà vẫn thực hiện. Cho nên người xưa đặc biệt nhấn mạnh công phu của việc “thận độc”. Nghĩa là khi chúng ta ở một mình, lời nói và hành động của chúng ta vẫn phải nhẹ nhàng, từ tốn. Thói quen đó đã thành tự nhiên thì ở nơi công cộng tự nhiên quý vị có thể thể hiện ra hành vi, động tác tao nhã như vậy.
Khi chúng ta ở sân bay nhìn thấy trẻ em hò hét, chạy tới chạy lui, chúng ta cũng nên kịp thời ngăn cản hành vi của những đứa bé này. Quý vị đem câu chuyện ở Nhà thờ Đức Bà, Paris kể cho chúng nghe và nói với chúng rằng chúng ta không nên để mất mặt với cả thế giới. Các con thấy ở sân bay có nhiều người nước ngoài, họ thấy các con như vậy sẽ nói: “Trẻ con Đài Loan sao lại được giáo dục như thế này? Người Trung Quốc sao lại được giáo dục như thế này?”. Như vậy thì không tốt!
Khi chúng ta có sự nhạy cảm như vậy, thì từng li từng tí trong cuộc sống chúng ta sẽ bắt đầu có sự nhận thức sâu hơn đối với câu Kinh văn này. Ví dụ nửa đêm về nhà, quý vị nên mở cửa một cách nhẹ nhàng. Khi lái xe về nhà lúc nửa đêm, quý vị cũng nên nhanh chóng tắt máy xe. Sự nhạy cảm đối với âm thanh của quý vị ngày càng cao thì khả năng quán chiếu của quý vị đã hình thành.
“Vén rèm cửa”, ngoài việc không để âm thanh làm ảnh hưởng đến người khác ra thì đây cũng là cách yêu quý đồ vật. Bởi vì quý vị sử dụng đồ vật một cách nhẹ nhàng thì chúng khó bị hư hỏng. Giả như bình thường chúng ta sử dụng đồ vật rất thô bạo, rất mạnh tay, thì vật dụng này vốn là có thể dùng được năm năm, mười năm, nhưng dùng chưa đến một năm thì bị hỏng rồi. Từ quan niệm yêu quý đồ vật, chúng ta cũng nên luôn luôn nhắc nhở chính mình không nên quá thô bạo.
Ví dụ như mặc quần áo, nếu quý vị quá thô lỗ thì quần áo rất dễ bị rách. Việc này cũng nên nhắc nhở con cái yêu quý đồ vật. Khi động tác của quý vị đều nhẹ nhàng, thì trong cuộc sống sẽ không xảy ra việc làm rách đồ đạc, làm rơi hỏng đồ đạc hoặc là va chạm đồ đạc, những tình huống như vậy đều đã xảy ra.
Khi còn nhỏ, tôi cũng hay bị thương, nếu không bị trầy xước (rách da) ở chỗ này một đường thì cũng bị ngã gãy răng, nên luôn có đầy vết sẹo. Tôi vẫn nhớ có một lần chạy vào nhà bếp bị trượt ngã, gãy hết mấy cái răng.
Mãi đến khi tôi học đại học thì bắt đầu cố gắng học tập, sau đó đọc được một số Kinh điển thì những sự việc như vậy dần dần giảm đi. Bây giờ rất hiếm khi bên này bị rách một lỗ, bên kia bị cắt một đường. Thật sự con người vì sao bị thương nhiều như vậy? Nguyên nhân chủ yếu là do tâm, do tùy tiện, cẩu thả mới thể hiện ra những hành vi hấp tấp thô bạo.
Vì vậy, một người muốn tu sửa bản thân mình phải bắt đầu từ căn bản, nghĩa là phải bắt đầu điều phục tâm. Mà điều phục tâm thì phải dụng tâm từ những chi tiết nhỏ trong cuộc sống mà cố gắng học tập. Cho nên “vén rèm cửa, chớ ra tiếng. Rẽ quẹo rộng, chớ đụng góc”.