Đệ Tử Quy Chương III: “Mượn Đồ Người, Trả Đúng Hẹn” (P4)
Đệ Tử Quy Chương III: “Mượn Đồ Người, Trả Đúng Hẹn” (P4). Chúng ta bắt đầu vào chương thứ tư nói về “tín”, đã nói đến chữ “tín” trong lời nói của một người. “Phàm nói ra” phải “tín trước tiên”. “Tín” còn hàm chứa một ý nghĩa sâu sắc hơn, đó chính là tín nghĩa, là nghĩa vụ.
3.14. Kinh văn – Đệ Tử Quy
“Tá nhân vật, cập thời hoàn. Hậu hữu cấp, tá bất nan”.
“Mượn đồ người, trả đúng hẹn. Sau có cần, mượn không khó”.
(Tiếp phần trước)
Chúng ta bắt đầu vào chương thứ tư nói về “tín”, đã nói đến chữ “tín” trong lời nói của một người. “Phàm nói ra” phải “tín trước tiên”. “Tín” còn hàm chứa một ý nghĩa sâu sắc hơn, đó chính là tín nghĩa, là nghĩa vụ. Bổn phận làm người của một người không cần phải nói ra nhưng họ luôn để ở trong tâm không lúc nào quên.
Phần trước chúng tôi có nói đến mối quan hệ cha con. Rất nhiều người con hiếu cho dù xa mẹ đã năm mươi năm, trong khoảng thời gian xa cách đó họ vẫn luôn hy vọng tìm được mẹ để có thể hết lòng phụng dưỡng. Vì vậy, sau này trời cao đã không phụ lòng người.
Thời nhà Tống, Chu Thọ Xương cũng tìm được mẹ của ông một cách thuận lợi. Không chỉ đón mẹ về phụng dưỡng, mà ngay cả em trai, em gái cùng mẹ khác cha ông cũng đón về nhà chăm sóc. Người đọc sách luôn luôn đem bổn phận đặt ở trong tâm.
Khi ở Úc, mỗi lần nghe cô Dương giảng những câu chuyện về “Giáo Dục Đạo Đức”, tôi đều chảy nước mắt. Ngồi bên cạnh tôi là một người bạn người Hồng Kông, dáng vẻ khôi ngô, cao ráo. Nhìn thấy tôi nghe giảng mà cứ rơi nước mắt, anh liền đưa khăn giấy cho tôi. Anh không dám nhìn tôi, mà từ từ đẩy khăn giấy qua cho tôi. Anh ấy rất hòa nhã.
Vì sao nước mắt của tôi cứ chảy mãi vậy? Bởi vì nghe những câu chuyện của Thánh Hiền khiến tôi cảm nhận được điều gì mới là ý nghĩa thật sự của việc làm người. Tôi ngồi nghe mà trong lòng nức nở, làm người phải là như vậy mới vui vẻ, vui sướng.
Ví dụ như câu chuyện về “Tử Lộ Gánh Gạo”. Khi Tử Lộ còn nghèo khổ, ông tận tâm, tận lực phụng dưỡng cha mẹ, phải đi hơn trăm dặm để mang gạo về. Trên đường gánh gạo về, ông không những không cảm thấy nặng mà trong lòng còn cảm thấy rất an ổn, rất vui vẻ bởi vì ông đang làm tròn bổn phận của người làm con.
Sau này ông làm quan, giàu có rồi, mỗi bữa ăn đều rất thịnh soạn nhưng ngược lại ông ăn không thấy ngon. Người bên cạnh hỏi ông: “Thức ăn ngon như vậy tại sao ngài ăn không thấy ngon?”. Tử Lộ trả lời: “Cha mẹ tôi đã qua đời, không còn để cùng tôi thụ hưởng nữa. Bữa cơm này không thể sánh bằng cơm lúc tôi giúp cha mẹ gánh gạo hơn trăm dặm. Cơm đó ăn vào mới thơm, mới an vui”.
Rất nhiều bạn bè cũng thảo luận với tôi làm sao để học tập lời giáo huấn của Thánh Hiền? Điều quan trọng nhất là phải học tập tấm lòng của Thánh Hiền, phải học sự dụng tâm của Thánh Hiền. Tâm của Thánh Hiền luôn luôn không lúc nào dám quên “hiếu, đễ, trung, tín, lễ, nghĩa, liêm, sĩ”, luôn luôn nhắc nhở mình những điều này khi cư xử với người. Khi họ luôn giữ tâm đức hạnh thì những thói quen xấu của họ tự nhiên sẽ không còn nữa, sẽ từ từ mất đi.
Chúng ta học thuộc “Đệ Tử Quy” chính là luôn luôn lấy tâm hạnh của Thánh Hiền để quán chiếu bản thân, tự mình nhắc nhở mình. Tôi tin rằng sau thời gian chăm chỉ, “công phu đủ” thì “đọc liền thông”. Khi một người thật sự dùng tâm ý và hành vi của Thánh Hiền để làm việc, thì chắc chắn người đó mỗi ngày đều được pháp hỷ sung mãn. Cho nên chữ “tín” có nghĩa là nghĩa vụ, là bổn phận.
Phần trước chúng tôi cũng nói đến đạo nghĩa, ân nghĩa trong mối quan hệ vua tôi. Về phương diện làm bề tôi, chúng tôi cũng đã nói đến không nên làm việc theo cảm tính, mà nên dùng lý trí để bàn bạc, trao đổi với lãnh đạo. Thật sự giữa người với người tại vì sao có xung đột? Đa số là do khoảng cách xa, thiếu sự trao đổi. Thiếu sự trao đổi lâu ngày thì rất dễ sinh ra đối lập, rất dễ mâu thuẫn, sau đó là xung đột.
Vì vậy, làm người lãnh đạo cũng nên mở rộng cửa để bàn bạc trao đổi, phải có sự rộng lượng tiếp nhận lời khuyên can của cấp dưới. Cấp dưới cũng nên có trách nhiệm khuyên can cấp trên.
Quý vị bằng hữu có dám khuyên cấp trên của mình không? Tôi cũng có nghe một số bạn bè nói là: “Không dám!”. Thậm chí họ nói có đến hai, ba người cấp trên trong một đơn vị thì nên theo ai đây? Theo đúng người thì sau này có thể sẽ được thăng quan tiến chức.
Giả như chúng ta dùng cái tâm này để làm việc cho cấp trên, thì những ngày tháng đó không hề dễ chịu, mỗi ngày phải thăm dò ý tứ, phải nịnh hót, a dua, mệt chết đi được! Giả như chúng ta đặt cược cả vào đó mà không được thăng quan, không phải chúng ta sẽ giậm chân đấm ngực tức giận sao? Cho nên có câu là “chủ nào tớ nấy”. Khi chúng ta chỉ vì công danh của chính mình mà nịnh bợ cấp trên, như vậy thật sự là rất mệt.
Nếu như quý vị nịnh hót, a dua mà vị cấp trên đó thật sự được thăng chức, quý vị cũng được thăng chức cùng với ông ta, chẳng lẽ cuộc đời như vậy đã được tốt đẹp rồi sao? Chưa chắc! Vị cấp trên mà phải nịnh bợ, a dua, thì sự nghiệp của ông ta có thể luôn luôn được thăng tiến không? Không thể.
Bởi vì một vị cấp trên thích nịnh bợ, a dua thì trí tuệ của ông ta, cách nhìn về cuộc đời của ông ta sẽ có giới hạn. Đến lúc đó chắc chắn sẽ xuất hiện một số vấn đề, có thể ông ta sẽ bị giáng chức. Chúng ta thấy xã hội ngày nay có rất nhiều người làm quan lớn có thể chỉ hai tháng hoặc năm tháng thì bị mất chức. Tuy là quý vị đặt cược đúng chỗ nhưng đến lúc đó vẫn mất hết chẳng còn gì.
Rốt cuộc chúng ta phải đem sự nỗ lực, sự dụng tâm đặt ở chỗ nào? Đặc biệt là công chức nhà nước, chúng ta thật sự cần phải làm theo bổn phận của chúng ta, cần phải theo nhu cầu của nhân dân, như vậy quý vị mới có thể thẳng thắn khuyên can cấp trên. Do quý vị đã tận bổn phận của mình để phục vụ cho nhân dân nên năng lực của quý vị mỗi ngày cũng dần được nâng cao.
Khi quý vị có năng lực thật sự, thì một vị chủ quản tốt vừa được thăng chức sẽ dùng ai? Đương nhiên là phải dùng người thật sự có thể làm việc, người có thể tin tưởng. Đến lúc đó quý vị không cầu thì cơ hội cũng tự nhiên đến với mình. Cuộc đời mà có thể tuân theo quy luật tự nhiên, khi điều kiện chín muồi thì sự việc tự nhiên sẽ thành công, quý vị cũng không phải sống trong sự suy tính thiệt hơn. Bổn phận bề tôi nên dụng tâm không mong cầu đền đáp, nên tận hết bổn phận can gián lãnh đạo của mình.
Mười mấy năm trước, ở Đông Nam Á xuất hiện khủng hoảng kinh tế. Rất nhiều quốc gia đều đối mặt với thách thức rất lớn, hầu như rất nhiều vấn đề tài chính đều bị đổ vỡ. Lúc đó ở Hàn Quốc xuất hiện một sự kiện. Có một công ty sắp phá sản, nhân viên của công ty mang tiền của mình đến nói với lãnh đạo công ty là: “Công ty chúng ta không thể phá sản. Số tiền này của chúng tôi, ông hãy cầm lấy mà dùng!”. Đây thật sự là đạo nghĩa, tình nghĩa giữa vua và bề tôi, giữa lãnh đạo và cấp dưới.
Cảnh tượng như vậy có thể nhìn thấy ở đất nước chúng ta không? Phải có niềm tin! Ở Hàn Quốc chúng ta đã nhìn thấy được, xin hỏi người Hàn Quốc học theo ai vậy? Hiện nay người Hàn Quốc học văn hóa truyền thống thật sự vững chắc. Từ tiểu học đến đại học đều học tập xuyên suốt giáo trình văn hóa truyền thống của Nho gia.
Hơn nữa, người Hàn Quốc đều xem việc học tập văn hóa truyền thống là niềm vinh dự, niềm tự hào. Vì vậy chúng ta phải thật sự xem hiểu được báu vật của tổ tiên để lại, nếu không thì tinh hoa này của tổ tiên sẽ được nước láng giềng bên cạnh phát dương quang đại. Như vậy, phận làm con cháu như chúng ta sẽ không tròn bổn phận.