Đệ Tử Quy Chương III: “Mượn Đồ Người, Trả Đúng Hẹn” (P3)
Đệ Tử Quy Chương III: “Mượn Đồ Người, Trả Đúng Hẹn” (P3). Ngoài chữ “tín” trong lời nói ra, mối quan hệ vua tôi thời hiện nay chúng ta thì gọi là mối quan hệ của người lãnh đạo và cấp dưới, đều có nghĩa vụ, đạo nghĩa, tình nghĩa trong đó.
3.14. Kinh văn – Đệ Tử Quy
“Tá nhân vật, cập thời hoàn. Hậu hữu cấp, tá bất nan”.
“Mượn đồ người, trả đúng hẹn. Sau có cần, mượn không khó”.
(Tiếp phần trước)
Trong “Ngũ Luân”, luân thứ hai là “quân thần hữu nghĩa”. Người làm vua có câu: “Quân vô hí ngôn” (vua không nói đùa), nói thì nhất định phải giữ lời. Bề tôi nhận lời làm việc cho vua nhất định cũng phải cố gắng làm cho được. Nếu như đã nói với vua mà không giữ lời thì có thể bị chặt đầu vì đã phạm tội khi quân.
Ngoài chữ “tín” trong lời nói ra, mối quan hệ vua tôi thời hiện nay chúng ta thì gọi là mối quan hệ của người lãnh đạo và cấp dưới, đều có nghĩa vụ, đạo nghĩa, tình nghĩa trong đó.
Chúng ta hãy xem vua Nghiêu ngày xưa đối xử thần dân của ông như thế nào. Một hôm đang đi trên đường, vua Nghiêu gặp được hai người dân bị bắt vì tội trộm cắp và đang bị giải đi chịu hình phạt. Vua Nghiêu nhìn thấy vô cùng hoang mang, lập tức đi đến hỏi: “Hai ngươi đã phạm tội gì? Vì sao bị bắt vậy?”. Hai người đó nói: “Vì trời hạn hán lâu ngày không mưa, chúng tôi không có gì ăn, cũng không có gì cho người nhà ăn, nên bất đắc dĩ phải trộm đồ ăn của người ta”. Vua Nghiêu nghe xong thấy hổ thẹn, liền nói với quân lính rằng: “Hãy thả hai người này ra, hãy bắt trẫm đi”. Quân lính vô cùng ngạc nhiên: “Tại sao có thể bắt vua được chứ?”. Vua Nghiêu nói: “Bởi vì trẫm không có đức hạnh nên mới chiêu cảm hạn hán lâu ngày không mưa, đây là lỗi thứ nhất của trẫm. Lỗi thứ hai là trẫm không dạy người dân được tốt. Trẫm đã phạm hai tội lớn này, người đáng bị bắt phải là trẫm”. Vua Nghiêu nói lời này xong, lúc đó trên bầu trời mây đen liền kéo đến, không bao lâu nắng hạn gặp mưa rào.
Khi một người thương yêu người dân chí thành, thì tấm lòng của người đó nhất định có thể cảm động người dân cả nước đều noi theo gương của người đó. Nhân dân cả nước đều có tấm lòng như vậy thì tất cả tai nạn chắc chắn sẽ được hóa giải.
Tiên sinh Viên Liễu Phàm lúc làm huyện trưởng của huyện Bảo Đề cũng bị hạn hán lâu ngày không mưa. Ông cũng tự mình trai giới tắm gội để cầu mưa. Quả nhiên sau khi đọc xong sớ văn cầu nguyện thì lập tức trời đổ mưa. Quý vị bằng hữu không nên xem thường tâm chân thành của chúng ta. Lòng thành có thể cảm động đất trời. Vì sao cổ Thánh tiên Hiền có thể lưu danh vào sử xanh, có thể truyền lại cho đời sau? Đều do đạo nghĩa của họ đối với nhân dân.
Thời nhà Hạ, vị vua đầu tiên của nhà Hạ là Đại Vũ. Chúng ta nhất định biết câu chuyện Đại Vũ làm công trình thủy lợi, cũng biết rằng ông đi ngang nhà ba lần mà không vào nhà. Vì sao ba lần đi ngang nhà mà ông không vào? Bởi vì tai nạn nước rất cấp bách. Nếu như một ngày ông bất cẩn, lũ lụt có thể tràn vào thì không phải một người chịu nạn, một nhà chịu nạn mà là hàng ngàn hàng vạn người dân chịu nạn, cho nên ông lúc nào cũng nơm nớp lo sợ. Đại Vũ kết hôn được bốn ngày thì phải đi ngay. Từ ngày đó đến tám năm sau ông vẫn không về nhà, bởi vì làm thủy lợi tám năm. Sau đó ông thật sự đã dùng cách rất hay, đó là khai thông sông ngòi.
Cách làm này của Đại Vũ hiện nay chúng ta có thể dùng được không? Không phải bảo quý vị đi làm thủy lợi, mà dạy bảo con cái chúng ta cũng có thể dùng khai thông, thuận theo tình thế mà dạy bảo. Tuyệt đối không nên giống như cha của Đại Vũ luôn dùng cách ngăn chặn lại, vì nếu như vậy thì đến một lúc nào đó sẽ bị vỡ đê. Chúng ta cũng phải dạy theo năng khiếu, tùy theo tính tình khác nhau của con cái mà cố gắng dạy dỗ chúng.
Từ vua Nghiêu, Đại Vũ, chúng ta có thể nhận ra, một người lãnh đạo có đạo nghĩa với nhân dân, nhân dân đối với lãnh đạo cũng có ơn nghĩa. “Vua hiền, tôi trung”. Người lãnh đạo phải nhân từ, luôn nghĩ đến cuộc sống của người dân. Cấp dưới cũng phải luôn cảm được ân đức của người lãnh đạo đã cho chúng ta có hoàn cảnh cuộc sống tốt. Nếu như không có công việc tốt, thì gia đình chúng ta có thể sẽ lo lắng, ba bữa không đủ no. Vì vậy, là bề tôi thì nhất định phải tận tâm tận lực cống hiến cho quân vương, đặc biệt khi quân vương phạm sai lầm thì họ nhất định thẳng thắn khuyên can.
Trước đây, trong đoạn văn nói về chữ “hiếu” chúng tôi đã giải thích tỉ mỉ: “Cha mẹ lỗi, khuyên thay đổi. Mặt ta vui, lời ta dịu. Khuyên không nghe, vui can tiếp. Dùng khóc khuyên, đánh không giận”, chúng tôi có nêu lên những ví dụ về những vị trung thần như Ngụy Trưng, Bính Cát.
Chúng ta hiện nay cũng có thể xem một đất nước như là một công ty, điều hành công ty cũng giống như điều hành một nước nhỏ vậy. Ý nghĩ đầu tiên của người lãnh đạo là phải mang lại lợi ích cho nhân viên, tuyệt đối không nên chỉ vì túi tiền của riêng mình. Khi quý vị chỉ vì túi tiền của mình mà không tôn trọng, không quan tâm chăm sóc nhân viên, thì nhất định sẽ không giữ được họ.
Mạnh Phu Tử có một đoạn giáo huấn rất quan trọng nói về quan hệ quân thần, trong đó nhắc đến: “Vua xem bề tôi như thủ túc thì bề tôi xem vua như tâm phúc, vua xem bề tôi như chó ngựa thì bề tôi xem vua như người dưng, vua xem bề tôi như cỏ rác thì bề tôi xem vua như kẻ thù”.
Chữ “thù” này là chữ cổ, cũng chính là chữ “thù” của kẻ thù. Đoạn này của Mạnh Phu Tử rất thú vị. Nếu như người lãnh đạo yêu thương cấp dưới giống như tay chân, thì cấp dưới sẽ xem họ như tâm phúc. Vua xem bề tôi như chó ngựa, chó ngựa thì để làm gì? Để lợi dụng mà thôi. Lãnh đạo sử dụng nhân viên sau đó trả tiền cho nhân viên, chỉ xem nhân viên như là một công cụ, thì nhân viên sẽ xem lãnh đạo giống như một người dân bình thường, không có tình giao hảo, không có cảm tình. Vì vậy, khi họ giúp quý vị làm nhiều hơn một chút thì họ nhất định sẽ đòi tiền tăng ca, một phút một giây cũng không làm thêm cho quý vị.
Câu sau là: “Vua xem bề tôi như cỏ rác”. Quý vị xem nhân viên là những thứ không quan trọng, trong lòng còn muốn nói: “Tôi có tiền, đến đâu tôi cũng có thể tìm được người”. Nếu như chúng ta đối với cấp dưới đều ngạo mạn như vậy, thì cấp dưới đối với chúng ta sẽ nghiến răng tức giận.
Tôi đã từng nghe có một chủ quán ăn bị nhân viên (cấp dưới) của mình vào trong nhà bếp giở thủ đoạn, khiến cho khách ở đó ăn xong đều xảy ra vấn đề. Sau đó thì quán ăn này không thể hoạt động được nữa.
Vì vậy, từ câu giáo huấn này chúng ta có thể hiểu được, nếu như một công ty, một đoàn thể không tốt, thì ai phải gánh vác trách nhiệm nhiều nhất? Người lãnh đạo, gọi là “trên làm dưới noi theo”. Vì vậy, nếp sống của một công ty, một đoàn thể là tốt hay xấu, thì người lãnh đạo phải chịu hết trách nhiệm. Ngày nay chúng ta làm ông chủ, làm quản lý, tuyệt đối không nên nói: “Nhân viên của tôi sao mà tệ như vậy?”. Không nên có thái độ này, mà cần phải “làm không được thì nên quay lại phản tỉnh chính mình”. Chúng ta là người cấp dưới cũng phải nghĩ đến công ty, nghĩ đến ơn đức của người lãnh đạo.
Tôi đã từng thấy một công ty đã hoạt động được mấy mươi năm thì gặp khó khăn, rất nhiều nhân viên lập tức lấy một tấm vải trắng, họ buộc vào cái gì? Họ kháng nghị, bao vây công ty, công xưởng. Làm như vậy có tốt không? Tôi nhìn thấy vậy rất thương tâm. Trong một đời người, người Đông Bắc có câu nói: “Sông có khúc, người có lúc”, đời người khó tránh khỏi thăng trầm. Đời người như thế thì một gia đình cũng vậy, một công ty đâu thể nào cứ thuận buồm xuôi gió mãi được. Khi công ty hoạt động tốt, chúng ta đã làm việc ở đó mấy mươi năm. Mấy mươi năm này vì sao chúng ta có thể giáo dục con cái mình một cách ổn định? Vì sao gia đình có thể duy trì được bình thường? Do kinh tế ổn định. Kinh tế ổn định là công lao của ai? Nhất định là có công lao nỗ lực của quý vị, nhưng không thể quên phải có công ty, phải có ông chủ, phải có những duyên phận này. Ông chủ còn phải gánh vác rủi ro. Hàng ngày quý vị ở công ty làm xong công việc của mình, khi về nhà là nằm xuống ngủ. Lúc quý vị đang ngủ, ông chủ có thể vẫn còn đang suy nghĩ cho tiền đồ của công ty, phải nỗ lực quay vòng đồng vốn.
Cha của tôi làm việc ở ngân hàng, ông nói: “Con đừng cho rằng các doanh nhân này dường như rất oai phong, thật sự đến ba giờ rưỡi chiều họ đều bận rộn hối hả”. Chúng ta không nên chỉ nhìn thấy kinh tế của người lãnh đạo khá dồi dào, mà chúng ta cần phải thấy được sự cống hiến của họ đối với công ty chắc chắn không ít hơn chúng ta. Vì vậy, chúng ta cần phải nghĩ đến ân đức này, không nên vừa gặp việc thì hành động theo cảm tính.
Xin hỏi: Làm như vậy ai sẽ được lợi ích? Không có ai. Công ty có thể chưa đến nỗi phá sản, vẫn có thể vực dậy được, nhưng nếu nhân viên làm như vậy thì ngay cả cơ hội đứng lên cũng không có. Do đó, con người thật sự không nên hành động theo cảm tính, mà phải dùng lý trí đề xuất ý kiến với công ty, phải có sự trao đổi, đàm phán với nhau thì mới được.
Khi người Nhật Bản bất mãn với công ty thì họ sẽ không bao vây công ty. Họ chỉ quấn một miếng vải trắng ở trên đầu nhưng không nói gì mà viết từ “kháng nghị” và vẫn tiếp tục làm việc. Như vậy mới có thể khiến công ty hoạt động bình thường. Người lãnh đạo vừa nhìn thấy có nhiều người quấn vải trắng như vậy liền nhanh chóng đến thương lượng. Họ sẽ gọi những người quản lý đến để xem công ty cần sửa chữa những chỗ nào thì họ nhanh chóng điều chỉnh. Nếu như người lãnh đạo xem trọng và có thành ý sửa đổi, thì cấp dưới sẽ rất vui. Lúc này có thể “dĩ hòa vi quý”, gia hòa thì tự nhiên vạn sự hưng. Vì vậy, trong sự đối đãi giữa quân thần, chúng ta luôn phải nghĩ đến bổn phận của mình, phải luôn nghĩ đến việc chúng ta cần phải làm tròn đạo nghĩa, cần phải tận ân nghĩa, tận tình nghĩa. Làm người như vậy mới hiền hậu, mới được người khác chấp nhận, người khác mới cảm thấy an tâm.