Đệ Tử Quy Chương III: “Mượn Đồ Người, Trả Đúng Hẹn” (P2)
Contents
Đệ Tử Quy Chương III: “Mượn Đồ Người, Trả Đúng Hẹn” (P2). Từ trong lễ nghi xưa, chúng ta thấy được khi cha mẹ qua đời thì con cái phải để tang ba năm, thầy giáo qua đời thì trong tâm của học trò cũng để tang ba năm, hoàn toàn giống nhau.
3.14. Kinh văn – Đệ Tử Quy
“Tá nhân vật, cập thời hoàn. Hậu hữu cấp, tá bất nan”.
“Mượn đồ người, trả đúng hẹn. Sau có cần, mượn không khó”.
Chữ “tín” trong quan hệ thầy – trò
Thời xưa còn có một mối quan hệ có ảnh hưởng rất lớn đối với cả cuộc đời của một người, mặc dầu không có nêu trong “ngũ luân” này, đó là luân thường đạo lý giữa thầy và trò. Thật sự quan hệ thầy trò có nằm trong “ngũ luân” hay không? Ở luân nào? Câu trả lời không giống nhau. “Một ngày là thầy, cả đời là cha”.
Đây là đạo lý luân thường giữa cha và con, không hai không khác. Từ trong lễ nghi xưa, chúng ta thấy được khi cha mẹ qua đời thì con cái phải để tang ba năm, thầy giáo qua đời thì trong tâm của học trò cũng để tang ba năm, hoàn toàn giống nhau.
Chúng ta hãy nhìn xem giữa thầy và trò thời xưa giữ chữ “tín” như thế nào? Khi chúng ta dạy học trò nhất định phải “nói lời phải giữ lấy lời”, mới có thể làm cho học trò tâm phục khẩu phục. Như vậy học trò nhận lời làm việc gì cho thầy giáo cũng nhất định sẽ tận tâm, tận lực để làm.
Khổng Lão Phu Tử khi xưa dạy học có ba ngàn học trò, trong đó có bảy mươi hai hiền nhân. Khi Khổng Lão Phu Tử qua đời, những học trò này dựng lều ở bên cạnh mộ của Khổng Lão Phu Tử, kiên trì thủ hiếu ba năm. Pháp luật có quy định như vậy không? Không có. Đó là bày tỏ tấm lòng đạo nghĩa, ân nghĩa đối với thầy giáo. Trong số đó có một học trò thủ hiếu sáu năm là Tử Cống.
Bởi vì khi Khổng Lão Phu Tử qua đời thì Tử Cống đang làm ăn ở một quốc gia khác, nên ông cứ mãi ân hận là đã không tự tay mình tiễn đưa thầy. Vì vậy, sau khi để tang ba năm thì ông tự mình lại tăng thêm ba năm nữa. Đạo nghĩa thầy trò như vậy chúng ta hiện nay thật sự rất khó lĩnh hội được sâu sắc, khó mà lĩnh hội được hết tấm lòng giữa thầy và trò.
Vào thời nhà Minh, có một vị quan nổi tiếng tên là Sử Khả Pháp, thầy của ông tên là Tả Trung Nghị Công. Tả Trung Nghị Công chủ trì kỳ thi tiến sĩ – kỳ thi lớn của quốc gia. Thông thường thành phần trí thức đều có một sứ mệnh đối với đất nước, đó là vì đất nước tuyển chọn người hiền tài.
Vì vậy, thầy của ông trước ngày thi đã cải trang vi hành, bỏ quan phục, mặc quần áo cải trang đến những nơi chùa chiền để xem thử những người trí thức tham gia thi cử tư chất như thế nào. Tại sao thầy của ông không đến các tửu điếm để xem mà phải vào chùa chiền?
Bởi vì người trí thức thời xưa học hành rất khắc khổ, đều là “mười năm đèn sách không có ai hỏi han, đến khi thành danh thì thiên hạ liền biết đến”. Vì vậy, những người có tiền ở tửu điếm thì có thể thi không đậu. Vì vậy, thầy của ông mới đến một số ngôi chùa nổi tiếng để xem xét.
Khi đi vào phòng của Sử Khả Pháp, lúc đó Sử Khả Pháp vừa viết xong một bài văn nên ngủ thiếp đi. Thầy của ông thấy bài văn này của ông viết rất mạch lạc, lưu loát, câu văn biểu lộ khí tiết vì nước, vì dân, cho nên rất cảm động, liền lấy áo khoác của mình khoác lên người học trò Sử Khả Pháp.
Sau đó thi chính thức. Khi thầy của ông đang chấm bài thi, đọc đến một bài văn thì tinh thần phấn chấn, lập tức xếp đứng thứ nhất. Như vậy có phải là làm bừa không? Thời xưa họ cũng không biết bài văn đó là của ai, nhưng thầy của ông vì sao vừa xem thì xác định là của Sử Khả Pháp? Ngôn ngữ và lời văn là tiếng nói từ đáy lòng của một người, vì vậy thầy giáo cảm nhận được đó chính là bài văn của Sử Khả Pháp, liền xếp cho ông đứng thứ nhất, đậu trạng nguyên.
Thời bấy giờ, học trò thi đậu đều phải bái quan chủ khảo làm thầy, cho nên Sử Khả Pháp đã chọn ngày lành tháng tốt đến nhà của Tả Trung Nghị Công tiến hành lễ bái sư. Khi Sử Khả Pháp vào nhà, Tả Trung Nghị Công nói với phu nhân (vợ của ông) là: “Sau này người thừa kế chí nghiệp của đời ta không phải là con của ta mà là người học trò này”.
Thật sự, người chân chính học sách Thánh Hiền thời xưa không sợ mình không có con cái kế thừa, mà chỉ sợ không tuyển chọn được người hiền tài cho đất nước, không truyền thừa lại được học vấn của Thánh Hiền.
Vì sao tôi có sự cảm nhận sâu sắc như vậy? Bởi vì cô Dương và chú Lư cùng với tôi là người dưng nước lã, nhưng họ rất thương yêu tôi, đem kinh nghiệm cả đời của họ truyền hết lại cho tôi, còn sợ tôi không tiếp thu hết. Từ tấm lòng của họ, tôi sâu sắc cảm nhận được người đọc sách Thánh Hiền thời xưa thật sự luôn nghĩ cho nhân dân, luôn luôn nghĩ đến việc truyền thừa trí tuệ của Thánh Hiền.
Vì vậy sau này, Sử Khả Pháp và thầy của ông cùng làm quan trong triều. Thật không may, vào cuối đời nhà Minh, những thái giám nắm quyền nên thầy của ông bị hãm hại, bị giam vào trong ngục. Người làm học trò vô cùng lo lắng, liền tìm đủ mọi cách vào trong ngục để thăm thầy. Thầy của ông bị giam trong ngục, chịu hình phạt rất tàn nhẫn, bị họ lấy sắt nung đỏ rồi dí vào mắt, rất tàn khốc, ngay cả phần dưới đầu gối cũng bị cắt đứt.
Khả Sử Pháp vô cùng lo lắng, liền cầu xin lính gác ngục cho ông gặp mặt thầy giáo một lần. Tâm chân thành của ông đã cảm động lính gác ngục. Lính gác nói với ông: “Ông nên cải trang vào trong ngục nhặt phế phẩm, nhặt rác, phải làm cho toàn bộ thân thể mình thật dơ bẩn, như vậy mới có thể trà trộn vào được”. Sử Khả Pháp liền làm theo như vậy, từng bước đi vào trong ngục thăm thầy của ông.
Khi nhìn thấy hình dạng của thầy như vậy, ông không kìm lòng được, gào khóc thảm thiết, liền nhào đến ôm lấy chân của thầy. Mắt của thầy không mở được nữa, đột nhiên nghe được tiếng của Sử Khả Pháp thì lập tức lấy hai tay vạch mắt ra, nhìn thẳng vào Sử Khả Pháp nói: “Thân phận của con là gì? Con là trụ cột của quốc gia, làm sao có thể vào nơi cấm địa nguy hiểm như thế này? Để những kẻ xấu này hại con chết thì thà bây giờ ta đánh chết con còn hơn”.
Nói xong, thầy lập tức nhặt hòn đá dưới đất ném vào Sử Khả Pháp. Nhìn thấy thầy nổi giận đùng đùng như vậy nên Sử Khả Pháp liền nhanh chóng rời đi.
Quý vị bằng hữu, thầy của ông đã rơi vào cảnh “thập tử nhất sinh”, thấy học trò thân thiết như vậy đến thăm, ý nghĩ trước tiên của thầy là gì? Thầy có nghĩ cho bản thân mình không? Thầy chỉ nghĩ đến sự an nguy của quốc gia, nghĩ đến sự an toàn của học trò. Sau đó thầy của ông không may qua đời.
Sử Khả Pháp cũng đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng của quốc gia, lãnh đạo quân đội phòng thủ bên ngoài. Trong lúc phòng thủ, Sử Khả Pháp cùng với binh lính chia thành ba đội, đêm khuya thay phiên nhau cùng với ông lưng kề lưng nghỉ ngơi, không dám ngủ. Quân lính của ông nhìn thấy vậy thì không đành lòng, liền nói với ông: “Thưa đại nhân! Nếu như Ngài cứ tiếp tục như vậy thì chắc chắn thân thể sẽ chịu không nổi”.
Sử Khả Pháp liền trả lời với quân lính rằng: “Nếu như ta đi ngủ mà đúng lúc quân địch tấn công, đất nước sẽ bị tổn hại, vậy thì ta có lỗi với đất nước, càng có lỗi với thầy của ta”. Sử Khả Pháp thật sự luôn luôn ghi nhớ lời dạy dỗ của thầy. Vì vậy, học trò thời xưa báo ơn thầy của mình bằng cách y giáo phụng hành, thật sự phát huy học vấn của Thánh Hiền.
Mỗi lần Sử Khả Pháp trở về quê hương của ông, trước tiên không phải ông đi thăm người thân của mình mà là đi thăm vợ của thầy trước. Sử Khả Pháp đều tận tâm tận lực chăm sóc tất cả người thân của thầy mình. Đây chính là tình nghĩa thầy trò, đạo nghĩa thầy trò, không cần phải dặn dò. Chúng ta có thể thấy được “tín nghĩa” giữa thầy và trò vào thời xưa.