Đệ Tử Quy Chương III: “Đi Thong Thả, Đứng Ngay Thẳng”
Đệ Tử Quy Chương III: “Đi Thong Thả, Đứng Ngay Thẳng”. Điều chủ yếu của câu này là dạy một người đứng có tư thế của đứng, ngồi có tư thế của ngồi. Tổ tiên của chúng ta cũng có một ví dụ rất hay để nhắc nhở chúng ta đó là: “Đứng như tùng, nằm như cung, đi như gió, ngồi như chuông”.
3.8 Kinh văn – Đệ Tử Quy
“Bộ tùng dung, lập đoan chánh. Ấp thâm viên, bái cung kính. Vật tiễn vực, vật bả ỷ. Vật ky cứ, vật diêu bệ”.
“Đi thong thả, đứng ngay thẳng. Chào cúi sâu, lạy cung kính. Chớ đạp thềm, không đứng nghiêng. Chớ ngồi dang, không rung đùi”.
3.8.1 “Đi thong thả, đứng ngay thẳng” – Đệ Tử Quy
Điều chủ yếu của câu này là dạy một người đứng có tư thế của đứng, ngồi có tư thế của ngồi. Tổ tiên của chúng ta cũng có một ví dụ rất hay để nhắc nhở chúng ta đó là: “Đứng như tùng, nằm như cung, đi như gió, ngồi như chuông”. Thật sự thói quen như vậy là đạo pháp tự nhiên nhất, rất tốt cho thân thể. Bởi vì “đứng như tùng” thì xương sống của quý vị sẽ rất thẳng, không gây ra vẹo cột sống.
Hiện nay người bị gai cột sống có nhiều không? Rất nhiều! Vì sao vậy? Quý vị có cơ hội đến bến xe buýt xem thì sẽ biết. Mọi người sắp hàng để chuẩn bị lên xe, dáng đứng của mỗi người như thế nào? Đều không giống nhau, rất nhiều người đều đứng nghiêng một bên. Hiện nay chúng ta nhìn thấy rất nhiều người trẻ xương cốt giống như bị mềm nhũn vậy, nhìn thấy vật gì thì cũng đều muốn dựa vào, nên lâu ngày xương cốt bị vẹo.
Thế hệ trước chúng ta dạy con cái, nếu chúng đứng không ngay thẳng thì chúng ta sẽ trừng mắt nhìn chúng, chúng cầm đũa không ngay ngắn thì sẽ bị đánh vào tay. Những thói quen này được hình thành từ nhỏ, khi lớn lên sẽ thành tự nhiên. Từ nhỏ không hình thành những thói quen này, khi lớn lên rất vất vả.
Quý vị có nhìn thấy tôi vất vả không? Do tôi không làm được “đứng như tùng”, nên sau này quý vị nhìn thấy tôi lưng bị gù thì không nên khách sáo, hãy đem Như Lai thần chưởng của quý vị ra nhắc nhở tôi. Nên cố gắng chăm sóc tốt thân thể này, như vậy mới xứng đáng với cha mẹ, xứng đáng với những người ủng hộ chúng ta, yêu thương chúng ta.
- “Đứng như tùng”
Đứng thế nào mới đúng tiêu chuẩn vậy? Như thế nào mới tốt? Hôm nay tôi đứng làm mẫu, quý vị đừng nên để bụng nhé.
Người nam đứng thì hai chân dang rộng bằng vai, ngực phải thẳng. Khí thế như vậy gọi là: “Đầu đội trời, chân đạp đất”.
Đứng như tùng
Nếu như quý vị đứng như vậy mà đàm phán với người khác, hoặc bàn chuyện kinh doanh, người ta thấy quý vị khí phách phi thường, rất đáng tin tưởng. Nếu như hôm nay quý vị đi đàm phán mà lưng cong xuống, thì dù là thương lượng việc kinh doanh lớn họ cũng sẽ không có hứng thú. Vì vậy, oai nghi của chúng ta sẽ khiến cho người khác có thể tin tưởng. Chân rộng bằng vai, đầu không nên ngẩng cao quá sẽ không tốt cho mạch máu ở phía sau, phải nhìn thẳng về phía trước.
Trước khi đàm phán với người khác phải đứng ngay ngắn, và tưởng tượng phía trước mặt là biển lớn mênh mông, tâm của mình cũng giống như biển vậy. Đây là cách đứng của người nam.

Còn cách đứng của người nữ thì như thế nào? Người nữ đứng một chân trước một chân sau, có thể đứng hai chân khép sát vào nhau. Tay thì phải để làm sao cho người khác nhìn thấy có cảm giác muốn hỏi chuyện, hoặc có thể đứng ngang trực tiếp như thế này cũng được. Quý vị xem, khi người ta tuyển chọn người mẫu, các cô người mẫu đều đứng rất đoan trang. Điều này cũng rất quan trọng.
Cách đứng của người nữ
- “Nằm như cung”
Khi nằm chúng ta nghiêng về bên phải. Giả như quý vị nghiêng về bên trái sẽ đè lên tim và dạ dày, khiến quý vị không được thoải mái. Cho nên phải nghiêng về bên phải mới tốt nhất cho cơ thể. Đây là “nằm như cung”.
- “Đi như gió”
“Gió” ở đây ý là nói tốc độ rất nhanh, nhưng tiếng bước chân không lớn. Bình thường chúng ta cũng nên bước đi nhẹ nhàng. Vào những khi thời gian đã muộn, chúng ta nghe bước chân người hàng xóm đi lên lầu thật sự là rất lớn, nhưng chúng ta cũng nên thông cảm cho họ, bởi đời sống quá ngắn ngủi và khó nhọc.
Quý vị nên nhanh chóng đem “Đệ Tử Quy” giới thiệu với họ, thì họ mới biết được dạy dỗ con cái cũng không khó khăn. Vì vậy, chúng ta cũng phải luôn quán chiếu xem động tác và hành vi của chúng ta có gây ra gánh nặng cho người khác hay không. Đây là “đi như gió”.
Khi đi, nam giới bước đi theo hai bên của một đường thẳng, còn nữ giới thì bước đi trên một đường thẳng, như vậy sẽ thể hiện sự tao nhã. Khi nam giới bước đi không nên lắc vai qua lại vì người khác nhìn thấy sẽ bị hoa mắt.
- “Ngồi như chuông”
Chúng tôi ngồi làm mẫu thử xem nên ngồi như thế nào. Tôi xin ngồi làm mẫu trước. Người nữ ngồi như thế nào? Khi người nữ ngồi hai chân nên khép lại, tay phải đặt lên tay trái, sau đó nhẹ nhàng đặt tay lên đùi trái. Quý vị cảm thấy tôi ngồi như vậy có lấy được chồng hay không?
Có một giáo viên mở trường dạy đàn tranh. Vị thầy đó đều huấn luyện về lễ nghi cho nhân viên của mình. Khi chia sẻ với các phụ huynh (có rất nhiều phụ huynh học sinh cùng đến tham dự), giáo viên của họ ngồi một hàng đều tăm tắp. Sau buổi tọa đàm, những vị phụ huynh đều đi đến nói: “Thưa thầy Lý! Nhân viên của thầy tìm ở đâu vậy? Sao mà đoan trang như thế!”.
Trong quá trình tọa đàm, lúc mới bắt đầu có những bà mẹ ngồi rất tùy tiện, tư thế nào cũng có, việc này tôi không cần phải làm mẫu. Nhưng khi nhìn thấy tất cả cô giáo đều ngồi đoan trang như vậy, nên các vị phụ huynh này vốn là ngồi dựa ra phía sau cũng dần dần ngồi thẳng lên. Vì vậy, hoàn cảnh quả thật có sự ảnh hưởng âm thầm khó nhận ra.
Chúng ta ngồi phải ra tướng ngồi thì nếp sống của gia đình quý vị mới có thể ngồi có tướng ngồi. Nếu như người cha ngồi chân gác lên trên bàn thì con cái sẽ học tập cái xấu đó. Các vị phụ huynh lại nói: “Đem con cái giao cho các thầy cô dạy dỗ, chúng tôi rất yên tâm”. Quý vị xem, lời nói việc làm của chúng ta, dáng vẻ của chúng ta cũng tăng thêm sự tin tưởng của người khác đối với chúng ta.
Chúng ta ôn tập lại phần “Đứng ngay thẳng”. Với phái nữ, lúc đứng có thể đứng như thế này, khép hai chân lại sát nhau.
Sau đó tay phải đặt lên tay trái.
Giả như quý vị mặc váy thì có thể đặt tay thấp xuống một chút, còn mặc quần dài thì có thể để tay cao một chút.
Đây là nói về phái nữ. Có thể trực tiếp đứng thẳng như thế này, hai tay có thể buông xuống một cách tự nhiên. Chỉ cần động tác của chúng ta tao nhã, thì đứng như vầy cũng được.

Nam giới thì phải có khí khái đại trượng phu, hai chân rộng bằng vai, mắt nhìn thẳng về phía trước. Đây là tư thế đứng.
Phái nữ ngồi thì hai chân phải khép lại, tay phải đặt trên tay trái, sau đó đặt hai tay lên chân trái. Đây là cách ngồi của phái nữ.

Phần trước chúng tôi đã làm mẫu cách ngồi, cũng nhắc đến việc tổ tiên đã dạy cho chúng ta “đứng như tùng, nằm như cung, đi như gió, ngồi như chuông”.
Bây giờ chúng tôi làm mẫu cách ngồi của phái nam. Cách ngồi của phái nam là hai chân có thể dang rộng một chút, hai tay để tự nhiên ở trên đùi.

Quý vị bằng hữu, tư thế này quý vị có thấy quen thuộc không? Ba mươi năm trước, khi chụp ảnh tập thể trong gia đình, ai đã ngồi tư thế như vậy? Người cha ngồi tư thế như vậy. Thời đó ngồi như vậy rất có oai nghi.
Lúc tôi còn giảng dạy ở Sơn Đầu, tôi cũng ngồi theo kiểu này, người thợ chụp ảnh luôn kêu tôi: “Khép chân lại! Khép chân lại!”. Tôi không biết phải làm thế nào mới đúng, tôi từ từ khép lại một chút, nhưng không thể khép chân nhiều hơn. Quý vị bằng hữu, giả như nam giới ngồi như thế này (ngồi khép chân lại) thì cảm thấy như thế nào? Tính tình có vẻ hẹp hòi. Đây là tư thế ngồi. Trong tư thế ngồi chúng ta cũng nên chú ý một số chi tiết.