Đệ Tử Quy Chương II: “Hoặc Ăn Uống, Hoặc Đi Đứng” (P2)
Contents
Đệ Tử Quy Chương II: “Hoặc Ăn Uống, Hoặc Đi Đứng” (P2). Chúng ta cũng nhân cơ hội này để hướng dẫn, giáo dục các em. Đương nhiên khi các em có biểu hiện rất tốt thì chúng ta cũng cần khen ngợi.
2. Kinh văn – Đệ Tử Quy
“Hoặc ẩm thực, hoặc tọa tẩu, trưởng giả tiên, ấu giả hậu”.
“Hoặc ăn uống, hoặc đi đứng, người lớn trước, người nhỏ sau”.
(Tiếp theo tập trước)
Phần trước chúng ta đã học mục thứ hai là “xuất tắc đễ” và đã học đến: “Anh thương em, em kính anh, anh em thuận, hiếu trong đó”. Tục ngữ có câu: “Gia hòa vạn sự hưng”. Anh em đồng lòng thì đất đá cũng biến thành vàng. Quả thật không khí trong gia đình mà hòa thuận, vui vẻ thì nếp sống gia đình nhất định sẽ rất thịnh và sự nghiệp cũng hưng vượng. Rất nhiều em nghe xong những câu chuyện về cổ Thánh tiên Hiền thì muốn noi theo những tấm gương đó. Nghe xong “Khổng Dung nhường lê”, các em trở về cũng đều làm theo như vậy.
Có một cô bé rất khẳng khái, nhường trái lê cho em trai ăn trong khi em chỉ có một trái lê. Người em này cứ cắn từng miếng to để ăn. Khi em ăn đến hơn một nửa thì người chị này không nhẫn nại được nữa, liền giật trái lê lại. Người mẹ nhìn thấy cảnh tượng này liền gọi điện thoại báo cho thầy giáo. Đây là sự hợp tác rất tốt giữa phụ huynh và thầy giáo. Bởi vì mỗi một câu Kinh văn mà bọn trẻ không hiểu và không làm được thì cần phải kiên trì hướng dẫn. Hôm sau, người thầy liền kể cho các em nghe một câu chuyện.
Chuyện kể rằng vào triều Hán có hai anh em, một người tên là Triệu Hiếu, một người tên là Triệu Lễ. Triệu Hiếu là anh. Thật không may là Triệu Lễ bị giặc cướp bắt đi. Khi người anh biết được lập tức đã tìm đến sơn trại và đi thẳng vào trong đại bản doanh của bọn cướp. Người anh nhìn thấy bọn cướp đang rất đói bụng, định giết em mình để ăn thịt.
Người anh thấy vậy vô cùng lo lắng, liền chạy đến trước mặt bọn cướp và nói với bọn chúng rằng: “Em của tôi bị bệnh, người lại gầy gò. Các vị đừng có ăn nó mà hãy ăn tôi đi. Tôi to béo, người lại khỏe mạnh”. Người em thấy anh mình nói vậy cũng rất lo lắng, liền đẩy người anh ra và nói: “Tôi bị các vị bắt là số mạng của tôi, nên tôi bị các vị ăn là đúng rồi, tuyệt đối không được liên lụy đến anh của tôi”.
Hai anh em ở đó giành phần muốn được chết thay cho nhau. Bọn cướp nhìn thấy vậy rất cảm động, liền thả người em về.
Các em thân mến! Triệu Hiếu và Triệu Lễ ngay cả mạng sống cũng sẵn lòng hy sinh, thế chúng ta có nên chỉ vì một trái táo, một trái lê mà tranh cãi với anh em của mình không? Chúng ta cần phải noi theo tinh thần của những vị Thánh Hiền ngày xưa này. Hơn nữa, tinh thần không tiếc hy sinh mạng sống vì anh em của Triệu Hiếu và Triệu Lễ đã truyền đến tai của Hoàng Đế. Hoàng Đế liền cho hai anh em họ làm quan để quản lý nhân dân.
Cho nên họ có phước về sau. Tại sao Hoàng Đế muốn dùng hai anh em họ làm quan vậy? Các em thấy, anh em mà biết yêu thương nhau thì nhất định sẽ hiếu thảo với cha mẹ. Người có đức hạnh tốt như vậy làm quan thì chắc chắn sẽ yêu thương nhân dân. Bởi vì “giáo dĩ hiếu” (người được dạy đạo hiếu), họ sẽ “kính thiên hạ chi vi nhân phụ giả dã”, họ sẽ kính trọng tất cả những người làm cha mẹ trong thiên hạ.
“Giáo dĩ đễ” (người được dạy hiếu đễ), họ sẽ “kính thiên hạ chi vi nhân huynh giả dã”, sẽ kính trọng tất cả anh chị em của mọi người.

Chúng ta cũng nhân cơ hội này để hướng dẫn, giáo dục các em. Đương nhiên khi các em có biểu hiện rất tốt thì chúng ta cũng cần khen ngợi.
Ngoài ra còn có một em, dép của bạn học em bị đứt quai. Em có một đôi dép bị hỏng một chút nên em đã đổi một đôi dép mới. Nhưng đôi dép bị hỏng một chút kia em lại không nỡ vứt bỏ đi mà đem để dưới gầm giường. Có thể em đã học được câu: “Chớ ghét cũ, không thích mới”, có cảm tình với đôi dép cũ nên không vứt bỏ nó mà để dưới gầm giường.
Cuối cùng, bởi vì chiếc dép của bạn học em đã bị hỏng, không thể đi được nữa, thầy giáo liền nói với em: “Em hãy về đem đôi dép cũ đến cho bạn đi”. Đây là giúp đỡ bạn học phải không? Đúng vậy! Nếu không thì bạn học không có dép đi, mà mùa đông thì rất lạnh. Sau đó, chúng tôi bỗng nhiên phát hiện ra em học trò này đi đôi dép cũ, còn người bạn học đi đôi dép mới của em. Những người lớn chúng tôi cũng học được một bài học.
Quý vị thấy, em thật sự đã làm được câu: “Tiền của nhẹ, oán nào sinh”. Bạn học của em nhất định có thể cảm nhận được em rất quan tâm đến mình.
Chúng tôi ngay đó liền khen ngợi em học trò này: “Em đích thực là học trò tốt của Khổng Lão Phu Tử”. Tiếp theo đó, chúng tôi cũng tiến thêm một bước mong em từ nay hãy làm người anh lớn của những bạn học này, cho nên từ nay về sau nhất định phải làm tấm gương tốt.
Chúng ta khen ngợi các em cũng phải không quên khiến các em lập chí, không quên khiến các em nâng cao tầm quán sát của mình. Vì vậy, khen ngợi các em cũng là một môn học vấn. Chúng ta thường hay nghe câu nói: “Lúc nhỏ sáng dạ, nhưng lớn lên chưa chắc tốt”. Rất kỳ lạ, tại vì sao lúc nhỏ thì sáng dạ, năng lực tốt như vậy nhưng lớn lên lại chưa chắc có sự phát triển tốt? Đây là kết quả, nguyên nhân do đâu?
Chúng ta không được dừng lại ở kết quả, vì như vậy thì sẽ không rõ ràng minh bạch. Quý vị bằng hữu cảm thấy thế nào? “Không có tấm gương để noi theo à?”. Đây là nguyên nhân rất quan trọng. Chúng ta có thể suy nghĩ vấn đề này thật tỉ mỉ.
Có một người cha nói: “Lúc con trai tôi hai tuổi, tôi cảm thấy nó có thể làm người lãnh đạo quốc gia. Khi con trai tôi lên cấp hai, tôi cảm thấy nó chỉ có thể thi đỗ đại học là tốt lắm rồi. Khi con trai tôi lên cấp ba, tôi cảm thấy nó sau này ra trường có công việc là tốt rồi!”. Sao mà khác biệt nhau nhiều như vậy? Sự kỳ vọng của người cha đối với con càng ngày càng thấp thì người con có triển vọng không? Không thể nào!
Khi người lớn không có tấm gương tốt cho con cái xem, thì con cái sẽ không có chí hướng, dần dần suốt ngày buông lung phó mặc, rất vô vị. Đó là lý do tại sao chúng ta lúc bắt đầu học tập đã nhấn mạnh “học quý ở lập chí”. Hơn nữa, mục đích của học thành tài là ở chỗ nào vậy? Việc này phải cẩn thận từ đầu. Mục đích chân thật học thành tài của trẻ ở chỗ nào? Tại sao phải học thành tài vậy?
Chúng tôi vừa mở đầu đã nói: “Đọc sách chí ở Thánh Hiền”. Nhưng người hiện nay thì “đọc sách chí ở kiếm tiền”. Mục tiêu sai thì có thể có kết quả tốt được không? Cho nên, vừa bắt đầu nhất định phải có sự hướng dẫn quan niệm đúng đắn mới được.
Tại vì sao lúc nhỏ sáng dạ, có khả năng, nhưng đến cuối cùng thì lại “lớn lên chưa chắc tốt” vậy? Bởi vì rất nhiều khả năng đã đem ra khoe khoang! Tại sao “trước người lớn, chớ khoe tài”? Con cái quý vị từ nhỏ học được một ít tiếng Anh, học được một chút năng lực, người lớn dắt chúng đi biểu diễn khắp nơi.
Trong tâm hồn còn rất non nớt của chúng sẽ cảm thấy như thế nào? “Anh xem, người lớn đều vỗ tay khen ngợi tôi. Người lớn còn nói chú cũng phải học tập theo tôi. Tôi rất giỏi”. Lời khen nghe nhiều nên lời khuyên can không thể nghe vào được nữa. Do đó, khen ngợi người khác cũng phải dùng lí trí, cũng phải dùng trí huệ mới được. Việc lĩnh hội này tôi cũng nhận ra được từ ngay chính bản thân mình và ở người khác, sau đó lại mở Kinh điển ra để chứng thực.