7.8 C
London
Thứ Năm, Tháng Mười Một 14, 2024
Trang chủĐệ tử quyĐệ Tử Quy Chương I: Nhập Tắc Hiếu (Ở Nhà Phải Hiếu)

Đệ Tử Quy Chương I: Nhập Tắc Hiếu (Ở Nhà Phải Hiếu)

Date:

Bài Viết Liên Quan

spot_imgspot_img

Đệ Tử Quy Chương I: Nhập Tắc Hiếu (Ở Nhà Phải Hiếu)

Đệ Tử Quy Chương I: Nhập Tắc Hiếu (Ở Nhà Phải Hiếu) – Chúng ta cùng nhau xem, thế hệ trước lúc nào cũng nghĩ đến phải làm thế nào dạy tốt thế hệ sau. Hiện tại người làm cha mẹ có thái độ này hay không?

CHƯƠNG THỨ NHẤT – ĐỆ TỬ QUY

NHẬP TẮC HIẾU

(Ở NHÀ PHẢI HIẾU)

Chúng ta cùng xem, chữ “hiếu” này là chữ hội ý, bên trên là chữ “lão”, bên dưới là chữ “tử”. “Lão” là chỉ thế hệ trước, “tử” là chỉ thế hệ sau. Thế hệ trước và thế hệ sau hợp thành một thể, chính là chữ “hiếu” này. Chúng ta cùng nhau xem, thế hệ trước lúc nào cũng nghĩ đến phải làm thế nào dạy tốt thế hệ sau. Hiện tại người làm cha mẹ có thái độ này hay không? Trong quá trình dạy học, tôi luôn luôn nghe được các phụ huynh có trình độ không cao tâm sự rằng: “Tôi chỉ hy vọng con của tôi không trở thành gánh nặng cho xã hội. Đấy là trách nhiệm của người làm cha mẹ như tôi. Trình độ của họ không cao, thế nhưng khi họ nói câu này đã khiến tôi rất cung kính. Quý vị xem, họ hiểu được giáo dục tốt con cái là bổn phận cả một đời này của họ.

Cha mẹ mỗi giờ đều nghĩ đến phải dạy tốt con cái, thế nhưng dạy bảo con cái nhất định phải có phương pháp tốt. Trung Quốc có một thiên triết học về giáo dục rất quan trọng, đó là “Học Ký” trong sách “Lễ Ký”, bên trong có nói đến thế nào là giáo dục: “Giáo dã giả, trưởng thiện nhi cứu kỳ thất” (mục tiêu của giáo dục là bồi dưỡng điều thiện và uốn nắn sai lầm). Câu nói này đã nắm lấy được hai cái trục lớn của giáo dục. Ngày nay chúng ta muốn dạy tốt được trẻ nhỏ, nhất định hiểu rõ cần phải trưởng dưỡng cái thiện của chúng. Sau đó chúng ta phải phòng ngừa, thậm chí phải dạy bảo chúng cái gì là sai lầm. Bởi vì “cẩu bất giáo, tính nãi thiên” (nếu không dạy thì cái tính ấy thay đổi), nên rất nhiều trẻ nhỏ có những thói quen không đúng, chúng ta phải mau giúp chúng sửa đổi trở lại. Lúc nào thì giúp chúng? Ngay lập tức, không thể chậm một giây, bởi vì việc học cũng như chèo thuyền ngược nước, không tiến ắt lùi.

Chúng ta cùng suy xét một chút xem, trẻ nhỏ thời nay có những thói quen gì có những hành vi gì nhất định phải mau tu sửa? Quý vị thân mến! Xin hãy nói ra thử xem, các vị phải có kinh nghiệm hơn so với tôi.

  • Cãi lại cha mẹ”. Nghe nói người thời xưa là “nhất ngôn cửu đỉnh”, trẻ nhỏ hiện tại cũng là “nhất ngôn cửu đỉnh”, nhưng cái chữ “đỉnh” này không giống nhau. Trẻ nhỏ hiện tại là “đỉnh” của “đỉnh quay đầu”, rất biết cách cãi lại. Tiếp theo còn gì nữa không?
  • “Lười nhác, phản nghịch”. Còn gì nữa không?
  • “Tự tư”. Còn gì nữa không? Vì sao đều là người nữ trả lời không vậy? Chúng ta làm cha lại không hề phát hiện ra ư? Như vậy thì không được rồi, phải rất quan tâm đến con cái của chính mình. Còn nữa hay không vậy?
  • Qua loa. Chính là không có lòng trách nhiệm phải không? Chúng ta nên thêm một điều nữa đi cho đủ sáu điều, còn thói quen xấu nào nữa?
  • “Đời sống không có phép tắc”, đời sống không có qui luật.

Sáu điều này là được rồi. Có lúc rất nhiều quý vị học quá cao hứng, sẽ liệt kê luôn mười loại tội trạng lớn.

Chúng tôi ở Hải Khẩu thành lập Trung tâm Quốc Học Nhập Môn (còn gọi là Trung Tâm Quốc Học Vỡ Lòng). Có rất nhiều phụ huynh đến thảo luận với chúng tôi về vấn đề của trẻ nhỏ. Cũng may là diện tích của trung tâm đặc biệt rộng lớn, bởi vì dùng để cho các em lên lớp, nên từ cửa lớn đến văn phòng làm việc đại khái cũng phải đi hết 30 giây. Tôi đi cùng với họ. Họ vừa thấy tôi thì liền thao thao bất tuyệt: “Con của tôi tự tư, rất thích cãi lại, lại rất lười biếng”. Họ không cần chuẩn bị mà nói luôn một mạch. Kết quả, tôi sợ họ quá khát nước nên vội vàng nói: “Xin mời ngồi! Để tôi rót nước mời anh uống”. Đợi anh ấy uống nước xong rồi, tôi liền bắt đầu hỏi anh ấy: “Trẻ nhỏ tự tư là kết quả, nguyên nhân này do đâu?”. Quý vị thấy có trẻ nhỏ nào khi vừa sinh ra, ở trên trán có viết hai chữ “tự tư” hay không? Trẻ nhỏ lười biếng là kết quả, nguyên nhân này do đâu? Quý vị có thấy qua trẻ nhỏ một – hai tuổi mà không động đậy nổi hay không? Một hai – tuổi đều là hoạt bát, năng động, tại vì sao sau đó lại biến ra lười nhác đến như vậy?

Chúng ta lại xem tiếp, trẻ nhỏ phản nghịch là kết quả, nguyên nhân này do đâu? Chúng ta cùng nhau suy nghĩ xem. Nghe nói phản nghịch được coi là bình thường. Có cách nói này hay không? Có à? Nghe ai nói vậy? Phải tìm ra cho bằng được. Đây là dạy sai rồi. Xin hỏi: 50 năm trước, quý vị có nghe nói qua hai chữ “phản nghịch” này hay không? Trong lịch sử mấy ngàn năm, quý vị có xem thấy hai chữ “phản nghịch” này hay không? Quý vị đều không thấy. Lịch sử nước ta hơn 4.000 năm đều không phản nghịch. Chúng ta chỉ trong thời gian hai – ba mươi năm liền sản sinh ra phản nghịch. Quý vị xem, có lợi hại hay không? Tại vì sao hơn 4.000 năm trước không hề sinh ra thế hệ sau phản nghịch? Vì sao chỉ trong mấy mươi năm đã nhanh chóng sinh ra những đứa trẻ phản nghịch? Không phải là ngẫu nhiên. Bởi vì trẻ nhỏ hiện tại không được tiếp nhận giáo huấn Thánh Hiền, không được tiếp nhận sự dạy bảo về “hiếu – đễ”. Chúng không có hiếu tâm, không có tâm cung kính, đương nhiên hành vi, ngôn ngữ đối với cha mẹ liền sẽ có mạo phạm.

Đệ Tử Quy Chương I: Nhập Tắc Hiếu (Ở Nhà Phải Hiếu)
Đệ Tử Quy Chương I: Nhập Tắc Hiếu (Ở Nhà Phải Hiếu)

Tôi còn nhớ tôi đã rất thận trọng đi hỏi mẹ của tôi là: “Mẹ ơi! Con có phản nghịch hay không?”. Câu hỏi của tôi khiến cho mẹ tôi nghĩ đến nửa ngày. Không hề có! Thái độ của chúng ta đối với phụ thân như thế nào? Vừa kính, vừa sợ, vừa rất tôn kính, lại rất sợ sệt. Người làm cha đều rất có uy nghiêm. Khi chúng ta đối với cha rất kính sợ, thì căn bản không thể nào dám phản nghịch. Người làm cha tại vì sao có thể khiến cho chúng ta sinh ra lòng kính sợ đối với ông vậy? Quan trọng nhất là lời nói và việc làm của cha đều phải thống nhất. Cha rất hiếu thuận, ông làm ra tấm gương tốt để cho chúng ta xem. Cho nên ngay từ nhỏ thái độ đối với phụ thân là tôn kính, không thể nào có phản nghịch. Vì vậy, nếu trẻ nhỏ hiện tại có thể phản nghịch, chúng ta làm phụ huynh phải suy xét lại tại vì sao con cái đối với chúng ta không có tâm cung kính. Có khả năng chúng ta nói một đường lại làm một nẻo. Nếu như người mẹ ở đó đánh bạc nhưng lại nói với đứa con là: “Con đi học bài cho mẹ. Mẹ đếm đến ba đấy”. Trẻ nhỏ vẫn không muốn rời khỏi, từ từ rời khỏi màn hình ti vi, nhưng vẫn còn đứng ôm lấy vách tường nơi đó rất lâu không muốn rời khỏi. Người mẹ liền rất tức giận: “Mẹ nói câu cuối cùng. Nếu không nghe mẹ sẽ mang roi ra đấy!”. Lúc đó trẻ nhỏ vẫn không cam tâm tình nguyện mà đi lên trên lầu. Khi chúng ngồi xuống ghế, xin hỏi: Thân của chúng ngồi ngay trước bàn học, nhưng tâm của chúng để ở đâu? Tâm của chúng để ở trong tiết mục truyền hình: “Không biết là nam diễn viên chính như thế nào rồi? Vai nữ chính như thế nào rồi?”. Cho nên khi cha mẹ không làm ra tấm gương để cho chúng xem, trong lòng chúng có phục hay không? Không phục. Quý vị nói với con là: “Khi nói chuyện với cha mẹ, con phải lễ phép”. Vậy khi quý vị nói chuyện với ông bà có lễ phép hay không?

Khi những việc không phục này dần dần tích lũy, đến khi nào nó sẽ bộc phát vậy? Đến khi thân của chúng cao bằng thân của quý vị, nắm tay cũng lớn như nắm tay của quý vị, chúng có còn nghe lời của quý vị nữa hay không? Chúng sẽ không nghe lời quý vị nữa. Vì vậy, phản nghịch là kết quả, căn nguyên là trẻ nhỏ từ bé không sanh khởi tâm hiếu thảo, tâm cung kính đối với cha mẹ. Đó là nguyên nhân căn bản. Nguyên nhân này cộng với hoàn cảnh bên ngoài rất nhiều ô nhiễm, chúng lại đi bắt chước những bạn học không tốt, bạn bè không tốt. Đến sau cùng hiện tượng phản nghịch sẽ càng ngày càng nhiều. Do đó, nếu muốn hiện tượng phản nghịch tiêu trừ, quan trọng nhất là phải duy trì giáo dục Thánh Hiền. Sau đó phụ huynh phải hiểu được lấy mình làm gương, làm tấm gương tốt cho trẻ nhỏ.

Chúng ta tiếp tục xem tự tư làm sao mà hình thành? Bắt đầu từ hôm nay, khi quý vị thường hay gặp những sự việc ngoài ý muốn, quý vị hãy nghĩ: “Ngày hôm nay đồng nghiệp mắng mình là kết quả, nguyên nhân ở chỗ nào? Hôm nay con cái của người khác dạy được tốt là kết quả, nguyên nhân là do đâu? Hôm nay vợ chồng người ta chung sống hòa vui là kết quả, nguyên nhân là do đâu?”. Mỗi giờ, mỗi lúc quý vị hiểu được phải đi tìm nguyên nhân, thì mỗi ngày quý vị đều đang tăng trưởng trí tuệ. Khi quý vị tìm ra nguyên nhân thì liền có thể tùy bệnh mà cho thuốc, có thể nhanh chóng đem rất nhiều tình huống chuyển biến phát triển thành hướng tốt đẹp.

Chúng ta hồi tưởng lại một chút: Hôm nay vợ chồng quý vị và con cái cùng nhau ăn cơm, ông bà nội cũng có mặt. Người mẹ gắp một đũa thức ăn đầu tiên cho ai ăn vậy? “Cho đứa con ăn”. Đáp án tiêu chuẩn, xin vỗ tay tán thưởng! Tiêu chuẩn này là hiện tượng phổ biến. Thế nhưng khi gắp đũa thức ăn này sẽ sinh ra hậu quả gì? “Tiểu Minh à! Đây là mẹ đặc biệt nấu để cho con ăn đó! Ăn nhiều một chút nhé!”. Ông bà nội xem thấy rồi cũng không để thua kém: “Cháu nội à! Món ăn này cũng rất ngon”. Ông bà nội cũng giúp cháu gắp thức ăn. Thức ăn của ai sẽ đầy ắp vậy? Của cháu nội! Vì vậy trong gia đình, ai là lớn nhất? Cháu nội là lớn nhất. Như vậy có điên đảo hay không? Người lớn đã điên đảo rồi thì trẻ nhỏ cũng liền điên đảo theo. Như vậy thì có hợp lý hay không? Cho nên, nếu hết thảy mọi người đều phục vụ trẻ nhỏ thì chúng liền trở thành Hoàng Đế nhỏ, Công Chúa nhỏ.

Xin hỏi: Đặc điểm của Hoàng Đế nhỏ cùng Công Chúa nhỏ là gì? Tự tư. Bởi vì tất cả mọi người đều phục vụ chúng, nên chúng chỉ nghĩ đến chính mình. Tục ngữ có câu: “Làm bạn với vua như làm bạn với hổ”. Vì vậy trẻ nhỏ hiện tại tính tình đều rất nóng nảy. Khi quý vị hết mực nuông chiều chúng, mười việc thì vừa lòng chúng đến chín, việc thứ mười không chiều chúng thì chúng sẽ khóc la ầm ĩ. Quý vị lại không có nguyên tắc, chúng vừa tức giận thì quý vị lại nói: “Được rồi! Được rồi! Mẹ sẽ mua cho con”. Vậy thì chúng liền thắng thế, quý vị sẽ từng bước nhượng bộ.

Do vậy, dạy trẻ nhỏ phải bắt đầu từ đâu? Từ chỗ gắp thức ăn mà bắt đầu. Học vấn lớn lao nằm ở việc nhỏ này. Mỗi một động tác làm ra đều là tấm gương cho trẻ nhỏ học tập. Hôm nay khi quý vị gắp thức ăn, lập tức gắp cho cha mẹ mình: “Cha ơi! Ăn nhiều một chút”. Trẻ nhỏ xem thấy rồi thì không thể nói là: “Cha ơi! Vì sao cha không nghĩ đến con?”. Không thể nào! Chúng xem thấy cha của chính mình đang hành hiếu đạo, trong lòng chúng sẽ rất cảm động, bởi vì mỗi một người đều có tâm vốn thiện. Trong sách “Đại Học” nói: “Tri sở tiên hậu, tắc cận đạo hĩ” (Biết được trước sau thì gần với đạo vậy). Làm bất cứ việc gì theo đúng thứ tự trước sau thì quý vị mới xây dựng được chữ “đạo”. Vì vậy quý vị gắp thức ăn đúng thì đã dạy cho trẻ nhỏ đạo làm con một cách chuẩn xác.

Khi chúng ta mở tủ lạnh lấy trái cây ra thì đưa cho ai ăn trước? Cha của tôi lấy trái cây rất đúng. Nếu như khi tôi còn nhỏ, cha của tôi lấy trái cây sai phương pháp, thì hiện tại tôi không thể đứng được ở chỗ này giảng bài cho mọi người. Lệch một li thì sai đi ngàn dặm. Quý vị nói: “Thầy Thái ơi! Có nghiêm trọng đến như vậy hay không? Lấy trái cây thôi mà có thể ảnh hưởng lớn đến như vậy à?”. Có ảnh hưởng hay không? Thật có ảnh hưởng. Từ nhỏ chúng ta xem thấy cha mẹ lấy đồ từ trong tủ lạnh ra, đưa cho ông bà nội ăn trước, tự nhiên chúng ta sẽ bắt chước, sẽ học theo.

Thật ra, tôi rất có khả năng biến thành bại gia chi tử. Các vị có thấy ra hay không? Bởi vì tôi là con trai một, lại là trưởng tôn, là cháu đích tôn, bởi vì ông nội của tôi cũng là con trai trưởng. Tôi nhớ lại lúc tôi còn nhỏ hai – ba tuổi, đi tảo mộ cho bà cố nội tôi. Khi quỳ xuống đầu ngẩng lên, đột nhiên tôi nhìn thấy hai chữ thì cặp mắt sáng lên. Tôi nhìn thấy tên của chính mình khắc ở hàng thứ nhất trên bia mộ. Đột nhiên tôi ngẩng đầu thẳng người, cảm thấy có trách nhiệm, về sau vì sự hưng suy của gia tộc này mà chính mình phải tận tâm, tận lực. Cho nên chúng ta xem trọng trưởng tử, xem trọng trưởng tôn không phải không có đạo lý. Bởi vì con cháu đời này của mỗi một người phải có người làm tấm gương tốt dẫn dắt chúng, như vậy gia tộc mới có thể hưng vượng. Nếu như cha tôi yêu chiều tôi, ông nội, bà nội cũng yêu chiều tôi, thì ngày nay tôi không thể nào học tập đạo Thánh Hiền được, có thể không biết sớm đã lưu lạc đến nơi nào rồi. Vì vậy, giáo dục trẻ nhỏ rất quan trọng.

Phụ huynh hiện tại lấy trái cây ra, không biết là có đưa cho ông bà nội ăn trước hay không? Tôi còn nghe nói có một số bà mẹ mua một số trái cây đặc biệt đắt tiền, sau đó cất giấu đi. Vì sao có một số người mỉm cười vậy? Có phải trong lòng quý vị cũng có điều này chăng? Người mẹ đem cất trái cây đi. Khi ông nội, bà nội đi ngủ thì liền lấy ra và nói: “Con ơi, mau đến đây! Đây là mẹ đặc biệt mua cho con ăn đó”. Cậu con trai ăn rất là vui sướng, nó cũng học được rất là triệt để. Người tính không bằng trời tính. Về sau chúng có tiền thì sẽ mua trái cây cho ai ăn? Mua cho con của chúng ăn. Có một số người lập tức trả lời là mua cho vợ chúng ăn. Quý vị dùng sự yêu ghét thì con của quý vị liền sẽ học lấy cái yêu ghét, mà không phải học được tình nghĩa, ân nghĩa. Do vậy, chúng ta vẫn phải làm theo đạo trời, phải biểu diễn ra hiếu đạo, phát khởi cái tâm vốn thiện của trẻ nhỏ.

Như vậy, cái “tự tư” này hiện tại đã tìm được căn nguyên của vấn đề, vẫn là từ “hiếu đạo”, vẫn là từ “nơi nơi vì người mà lo nghĩ”. Chúng ta là cha mẹ thì phải làm gương. Thưa quý vị, nếu như trẻ nhỏ đã hơn mười tuổi rồi thì còn kịp nữa hay không? Quý vị phải tin tưởng câu thứ nhất trong “Tam Tự Kinh” là “Nhân chi sơ, tính bổn thiện”. Kỳ thật không phải là người khác không thể thay đổi mà đều là chính mình làm mình thất bại, bản thân mình không tin tưởng. Ngay khi quý vị không có lòng tin, rất nhiều việc quý vị nhất định sẽ làm không được.

Chúng ta có rất nhiều khóa học ở Trung Quốc Đại Lục, người tham dự đến từ các tầng lớp trong xã hội với tuổi tác khác nhau. Tôi nhớ là có rất nhiều học sinh trung học cũng đến học. Có một học sinh trung học đến lớp học năm ngày liền, mỗi ngày đi về đều có tiến bộ rất lớn. Dì của em cảm thấy rất khó hiểu, tại vì sao trẻ nhỏ đã hơn mười mấy tuổi nghe giảng năm ngày thì có được thay đổi lớn đến như vậy? Kết quả là đến ngày thứ năm, dì của em liền chạy đến chỗ chúng tôi lên lớp để tìm chúng tôi, nhưng lúc đó chúng tôi đã rời khỏi lớp rồi. Cô lại đến khách sạn hỏi được số điện thoại của chúng tôi. Sau đó cô liền gọi điện cho chúng tôi. Cô nói: “Cháu gái của tôi mỗi ngày đến lớp học về đều có tiến bộ rất lớn, cho dù là đối với cha mẹ hoặc là đối với người trong nhà, thái độ đều rất tốt”. Cô cảm nhận được văn hóa ngàn năm mà Thánh Hiền để lại đích thực là có sức mạnh rất lớn. Cho nên cô hỏi: “Con của tôi, một đứa hai tuổi, một đứa bốn tuổi, có thể giao cho các vị dạy hay không?”. Quý vị xem, phụ huynh hiện tại khi vừa gặp được điều gì tốt lập tức không nghĩ chính mình phải làm trước, mà đẩy ngay cho thầy cô dạy. Chúng tôi liền nói với cô ấy, những thầy cô giáo này của chúng tôi đều từ Hải Khẩu, từ Thẩm Quyến, những nơi quá xa. Kết quả là vị phụ huynh này nói: “Không hề gì, tôi từ Bắc Kinh sẽ đưa chúng đến Thẩm Quyến”. Đích thực là trẻ nhỏ hơn mười tuổi cũng có thể đạt được huân tu rất tốt.

Còn có một vị nam sĩ 40 tuổi, khi tôi giảng ở núi Thiên Mục – Hàng Châu, anh được đơn vị chủ quản sắp xếp đến làm vệ sĩ cho tôi. Bởi vì trên núi có đến bốn – năm trăm người nên anh giúp tôi xử lý một ít chướng ngại, ví dụ như những lúc tôi cần phải nghỉ ngơi thì anh ấy nói: “Thầy giáo cần phải nghỉ ngơi, hiện tại không tiện nói chuyện”. Anh ấy giúp tôi xử lý những việc này. Hơn nữa, anh ấy đã học võ thuật và đã làm vệ sĩ hơn mười năm. Khi anh nghe giảng xong ngày thứ ba, anh mời chúng tôi đi ăn cơm. Trên đường đi anh liền nói: “Quá tốt rồi! Quá tốt rồi! Chân thật quá tốt!”. Quả thực là chúng tôi cũng không biết anh đang nói cái gì, thế nhưng chỉ cảm thấy nội tâm của anh rất vui vẻ. Khi đến nhà ăn, anh liền nói: “Thầy Thái ơi! Tâm tình hiện tại của tôi chỉ có thể dùng lời nói của trẻ nhỏ ba tuổi để biểu đạt, thật là quá tốt!”. Tiếp theo anh nói: “Tôi đã sống qua 40 năm rồi, cuối cùng tôi đã biết cuộc đời của tôi sai ở chỗ nào”. Thật ra, chúng tôi nghe câu nói này của anh ấy, trong lòng cảm thấy rất là chua xót. Một nam tử hán 40 tuổi, không phải anh ấy không bằng lòng học mà là không có người dạy. Quý vị thấy thái độ của anh tốt như vậy, mới vừa học xong anh liền như một đứa trẻ vậy, rất vui vẻ. Anh nói rằng cuối cùng anh đã biết vợ anh vì sao đã ly hôn với anh, tại sao con anh không thể giao tiếp được với anh, đồng nghiệp giữ khoảng cách với anh, đều rất sợ anh. Cuối cùng anh đã tìm ra được vấn đề. Anh nói với tôi rằng, khi anh quay về, việc thứ nhất là phải tìm người vợ trước của anh nói chuyện đàng hoàng. “Con người nào phải Thánh Hiền, ai chẳng lầm lỗi? Có lỗi mà biết sửa, còn gì tốt hơn!”.

Đến ngày thứ tư, buổi sáng ăn cơm, anh nói: “Thầy Thái ơi! Thầy hãy ngồi đây một chút, tôi nói chuyện với thầy một chút”. Tôi liền cảm thấy bầu không khí là lạ, ngồi xuống mà giống như ngồi trên đống lửa.

Anh lập tức đến trước mặt tôi, nói: “Cả đời này tôi chỉ lạy cha mẹ, chỉ lạy thầy”. Tôi thấy có gì đó bất ổn, lập tức đứng bật dậy. Xác xác thực thực là do giáo huấn của Thánh Hiền đã khiến anh rất cảm động, chúng tôi không có công lao gì, vì vậy không thể nhận được. Người đàn ông bốn mươi tuổi nắm một cái đã giữ chặt đôi tay mảnh khảnh của tôi. Tôi không biết làm sao. Tôi thấy anh thành tâm vậy, nên trong lòng cũng thấy yên tâm, đành thành toàn cái tâm cung kính này của anh. Chúng tôi cũng cảm nhận được trách nhiệm trên vai chúng tôi rất nặng. Hi vọng thông qua những khóa trình này của chúng tôi có thể thật sự khiến cho càng nhiều người hiểu được, chân thật cổ Thánh tiên Hiền của chúng ta thật là vĩ đại. Cổ Thánh tiên Hiền nhất định có thể khiến chúng ta thông qua những giáo huấn của họ làm cho gia đình thế kỷ 21 sau này hòa thuận vui vẻ, xã hội an định.

Các vị bằng hữu, cho dù các vị hiện tại đã bốn – năm mươi tuổi, cho dù con cái các vị đã hơn hai mươi tuổi rồi cũng không nên lo, lòng thành sẽ cảm động đến đất trời. Chỉ tự hỏi đạo đức học vấn của mình đủ hay không, tuyệt đối không nên lo lắng người khác không thể thay đổi.

Tại sao con trẻ lại lười biếng, căn nguyên ở đâu? Các vị bằng hữu, tôi thấy các vị bây giờ cũng rất giỏi phân tích. Trẻ em lười biếng không thể nào do lớn lên rồi mới hình thành thói quen lười biếng, mà gọi là “thói quen hình thành từ bé, quen rồi thành tự nhiên”. Tại sao cần phải dạy con càng sớm càng tốt? Là vì một khi thói quen đã được hình thành rồi thì rất khó mà sửa được.

Tôi còn nhớ, khi còn nhỏ, đứa cháu trai của tôi nhìn thấy mẹ của mình đang lau bàn được một nửa thì có việc khác phải làm trước, nó liền chạy đến cầm khăn lên bắt chước lau theo. Một lúc sau thì chị tôi quay trở lại.

Các vị bằng hữu, nếu là các vị thì sẽ xử lý thế nào? Chị của tôi liền nói với con của mình rằng: “Vỹ Vỹ à! Con còn rất nhỏ mà đã biết hiếu thảo với cha mẹ rồi, còn biết giúp đỡ mẹ lau bàn. Con ngoan quá!”. Cháu vốn chỉ lau qua như vậy, nhưng sau đó càng lau càng hăng say. Vì vậy, trẻ em rất cần sự khích lệ của chúng ta. Có được sự công nhận và cổ vũ thì sẽ kích thích tiềm năng của chúng phát triển. Sau khi cháu lau xong, mẹ của cháu lại nói: “Tiểu Vỹ à, nếu như bốn cái cạnh và góc bàn cũng được lau sạch một cách tỉ mỉ, thì cái bàn này con đã lau sạch hoàn hảo rồi”. Một là khẳng định tâm hiếu của cháu, hai là dạy cháu phương pháp làm việc. Vì thế mà đứa cháu này của tôi rất thích sạch sẽ, mới ba, bốn tuổi đã tự mình xếp chăn mền. Xem ra thì cũng sạch sẽ, gọn gàng lắm! Cho nên, dạy cho chúng thái độ đúng đắn ngay từ nhỏ là rất quan trọng.

Lúc đó, giả sử người mẹ này chạy đến rồi nổi giận đùng đùng: “Trời ơi! Con làm gì vậy? Tránh ra mau! Đừng có phá phách như vậy nữa!”. Tay của các vị đẩy chúng ra hai, ba lần như vậy, sau này chúng còn làm nữa hay không vậy? Sẽ không làm nữa. Vì vậy, cha mẹ phải nắm bắt lấy thời cơ để dạy dỗ chúng, nếu không thì sẽ lỡ mất rất nhiều cơ hội tốt. Đến khi chúng không biết giúp đỡ việc nhà, các vị nổi giận thì cũng không ích gì.

Rất nhiều phụ huynh đã nói: “Con chỉ cần học hành cho tốt là được rồi, những việc khác đều không cần phải làm”, như vậy có được hay không? Các vị xem, chúng chỉ biết học hành, những việc khác đều không làm, như vậy chúng có tin tưởng vào khả năng làm việc của mình hay không? Không tin tưởng. Chúng càng không tin tưởng thì chúng sẽ càng không dám gánh vác công việc. Càng không gánh vác thì có tinh thần trách nhiệm hay không? Sẽ không có. Đây đều có mối quan hệ chặt chẽ. Chúng ta phải suy nghĩ thấu đáo.

Con trẻ lao động nhiều thì sẽ rất có ích đối với gân cốt của chúng. Trong những lúc lao động, trẻ con cũng sẽ cảm nhận được: “Thì ra mẹ chăm lo cho gia đình thật không dễ dàng”; “Mình mới lau cái phòng khách thì đã mệt rồi, mẹ vừa phải đi làm, trở về lại nấu cơm và làm bao nhiêu là việc”. Trẻ vừa lau, vừa cảm ân trong lòng. Vì vậy tục ngữ nói: “Tập lao” (tạo thành thói quen lao động). Chúng chân thật ra sức, chân thật lao động mới biết cảm ân, mới cảm nhận được sự vất vả. Thế nên không thể để trẻ em không lao động, tuyệt đối không thể để chúng tập thành thói quen lười biếng.

Chúng ta lại xem quy luật cuộc sống. Tại vì sao trẻ em sống không có quy luật?

Tôi đã từng hỏi học sinh của tôi: “Hôm nay ai đã ăn sáng thì giơ tay?”. Có khoảng gần một nửa số học sinh không ăn sáng. Tôi liền hỏi tiếp: “Vậy mẹ các em không nấu bữa sáng à?”. Chúng nói: “Mẹ của em còn đang nằm ngủ”. Bữa sáng của chúng chính là tiền để sẵn ở trên bàn, trên đó có viết hai chữ: “Bữa sáng”. Phụ huynh cho tiền. Xin hỏi những phụ huynh cho tiền đã từng thật sự đi tìm hiểu chưa? Những đồng tiền đó có chuyển thành bữa sáng không? Không có. Các vị làm sao biết vậy? Tiền đó chuyển thành gì vậy? Chuyển thành đồ chơi điện tử, chuyển thành một số đồ ăn vặt nhiều phẩm màu. Trẻ con nếu như ăn những thứ này liên tục từ nửa năm đến một năm, thì nhất định sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Rất nhiều đứa trẻ lấy tiền ăn sáng để chơi trò chơi điện tử, không ăn gì.

Tại vì sao tôi biết vậy? Bởi vì chúng tôi làm giáo viên nên phải quan tâm bọn trẻ, quan tâm học trò. Tôi phát hiện ra điều này, bởi vì tôi dạy học sinh lớp sáu, ở độ tuổi đang dậy thì nên rất nhanh bị đói, đến khoảng hơn mười giờ thì bụng đã sôi ùng ục rồi. Cho nên, trong hộc bàn của tôi lúc nào cũng có bánh quy. Những người bạn nhỏ này đều rất thích bánh của tôi. Rất nhiều em khoảng hơn chín giờ đến mười giờ, ngồi trong lớp học mà sắc mặt đều xanh xao vì bụng đói rồi. Tìm hiểu thì tôi biết được mấy đồng tiền đó không có mua bữa sáng mà đem xài hết rồi. Vì vậy, những người làm cha mẹ chúng ta phải làm gương cho con cái trong quy tắc đời sống hằng ngày, phải để cho chúng có được ba bữa ăn bình thường. Nên bỏ công sức nhiều một chút, vì nó sẽ ảnh hưởng đến cả một đời con cái chúng ta. Cho dù là vì sức khỏe của chúng hay là để làm gương cho chúng, đối với chúng đều rất quan trọng.

Các vị bằng hữu, những thói quen xấu nói trên tin là chỉ cần sinh một chữ “thiện” thì toàn bộ sẽ được giải quyết. Là chữ “thiện” nào vậy? “Bách thiện hiếu vi tiên”. Câu nói này sẽ theo các vị thâm nhập giáo huấn Thánh Hiền, sự thể hội của các vị sẽ càng ngày càng sâu.

– Ý nghĩa thứ nhất, hiếu đứng đầu trăm điều thiện.

– Ý nghĩa thứ hai, tâm hiếu khai mở, thì trăm thiện tự nhiên sẽ khai mở.

Chúng ta hãy xem, một người có tâm hiếu thì có tính tự tư không? Không có. Một người có tâm hiếu thì có hay tranh cãi không? “Cha mẹ gọi, trả lời ngay. Cha mẹ bảo, chớ làm biếng”. Các vị bằng hữu, đừng nên xem thường “Đệ Tử Quy”, “Nhập tắc hiếu” (ở nhà phải hiếu) đã giải quyết hết vấn đề của con cái các vị. Khi chúng biết được: “Thân bị thương, cha mẹ lo”, chúng có còn đảo lộn cuộc sống không? Không. Chúng có sống vô trách nhiệm không? “Đức tổn thương, cha mẹ tủi”. Chúng sẽ rất cần cù, bởi vì “cha mẹ thích, dốc lòng làm”, hi vọng khiến cho cha mẹ vui lòng, khiến cha mẹ an ủi.

Vì thế, tâm hiếu mà mở thì ngoài việc hiếu kính cha mẹ, sẽ hòa ái với anh em. Bởi vì nếu anh em xảy ra xung đột thì ai sẽ buồn nhất? Là cha mẹ. Cho nên, “anh thương em, em kính anh. Anh em thuận, hiếu trong đó”.

Chúng ta cũng thể hội được, một người thật có lòng hiếu thì đối với cha mẹ của người khác họ cũng sẽ có cái tâm cung kính. Mở rộng ra, họ cũng sẽ hiếu kính đối với tất cả trưởng bối. Vậy họ có thể ức hiếp con cái của người khác không? Không có. Bởi vì họ biết làm cho con cái người khác bị tổn thương thì cha mẹ của họ sẽ rất đau lòng. Tâm thấu hiểu này của họ cứ thế tự nhiên mở rộng, vươn xa hơn. Cho nên, tấm lòng nhân từ của một người bắt nguồn từ điểm này, từ hiếu đạo này, từ “tình cảm cha mẹ với con cái” mở rộng ra. Do vậy, học “nhập tắc hiếu” (ở nhà phải hiếu) rất quan trọng.

Dạy con trẻ hiếu, điều đầu tiên cần nói với chúng là tại vì sao phải “hiếu”? “Biết ân mới biết báo ân”. Vì vậy, chúng ta phải chỉ dẫn con cái nhớ nghĩ ân đức của cha mẹ. Khi bắt đầu nói về điều này, chúng tôi thường kể câu chuyện về Phật Đà như sau: Hai – ba nghìn năm trước, có vị Thánh gọi là Phật Đà. Có một hôm, Ngài dẫn theo các học trò của mình ra vùng ngoại thành. Trên đường đi thì nhìn thấy một đống xương khô. Đức Phật đem xương này phân chia thành hai đống. Một đống có màu tương đối trắng, một đống có màu tương đối đen thâm. Học trò cũng rất hiếu học, học trò biết rằng: “Tâm có nghi, thì chép lại. Học hỏi người, mong chính xác”, thế nên hiểu được việc học hỏi là phải biết nêu câu hỏi. Tiếp đến, Đức Phật liền nói với các học trò: “Tại sao hai đống xương khô này, một đống thì màu trắng, một đống thì màu thâm đen?”. Đống xương có màu thâm đen này là xương của người nữ. Xương của người nữ vì sao lại có màu thâm đen hơn? Bởi vì làm mẹ phải mang thai mười tháng. Trong thời gian mười tháng mang thai, tất cả dinh dưỡng của đứa trẻ là từ trong máu huyết của người mẹ chuyển qua cho con. Nếu chất canxi của đứa trẻ không đủ thì phải lấy từ trong xương của người mẹ truyền qua. Vì vậy, mang thai mười tháng rất vất vả.

Chúng tôi đã từng cho bọn trẻ chơi trò chơi, đó là bảo chúng lấy một quả trứng gà mang theo bên mình, gọi là “trò chơi một ngày chăm sóc trứng”. Chúng tôi nói với các em: “Các em hôm nay thử cảm nhận một chút cảm giác giữ gìn một quả trứng, chỉ cần giữ trứng một ngày xem các em có thể chăm giữ được không”. Kết quả bọn trẻ lúc đầu hết sức cẩn thận, sau khoảng một đến hai giờ đồng hồ thì gần như đã quên mất, vì vậy mà nghe thấy rất nhiều tiếng: “Á!”. Đến tiết học cuối cùng ngày hôm đó, số trứng không bị vỡ còn lại rất ít.

Thầy giáo liền dạy cho các em: “Các em xem, các em mới giữ có một ngày mà không được. Nếu như mẹ cũng giống các em, ngày ngày đều chạy nhảy hiếu động như vậy, thì khi sinh các em ra không bầm xanh chỗ này thì cũng bầm tím chỗ kia. Các em xem, mẹ trong mười tháng trời đều phải giữ gìn các em thật cẩn thận. Hơn nữa, thể trọng của các em mỗi ngày một nặng hơn. Trong thời gian mẹ đang mang thai sẽ có phản ứng sinh lý bị buồn nôn, ăn cơm không được, nhưng cũng tự mình gắng gượng, nhất định phải tiếp tục ăn. Này các bạn nhỏ, tại sao mẹ không còn thèm ăn gì nhưng lại phải ăn? Vì mẹ muốn có đủ dinh dưỡng để truyền cho đứa con. Vì vậy, dù cho mẹ rất khó chịu cũng cố gắng ép mình ăn uống cho bằng được. Các em nhỏ, các em có kén ăn được không? Hãy xem, mẹ đã vì các em mà sẵn lòng ăn mọi thứ thức ăn, các em cũng nên học theo mẹ, không nên kén ăn. Đồ nên ăn, đồ dinh dưỡng thì phải ăn để thân thể khỏe mạnh, khiến cho mẹ vui lòng”.  Chúng ta dạy bảo như vậy, con trẻ sẽ hiểu mà cảm động.

Thời gian mười tháng mang thai, cơ thể người mẹ rất nặng nề, đi lại đều không dễ dàng. Chúng tôi cũng đã từng lấy quả bóng cho bọn trẻ bỏ vào trong người, để cho chúng cảm nhận, bởi vì rất nhiều em cần phải cảm nhận mới biết được cảm giác này.

Tiếp đến tôi dạy cho học trò nói: “Thầy đã từng quan sát, hai bên giường sản phụ người ta làm hai cái thanh sắt rất to, nhưng sau một thời gian, chúng cũng bị cong lại. Sức mạnh gì đã khiến thanh sắt ấy bị cong vậy?”. Chúng nói: “Là sức mạnh của sự đau đớn”. Tại vì lúc mẹ sinh rất đau, vì vậy đã nắm lấy cái thanh này. Năm này qua tháng nọ, hai thanh sắt này bị những sức mạnh này làm cong đi. Đau đớn của người mẹ khi chuyển dạ sinh con còn đau hơn cái đau của bệnh ung thư. Rất nhiều người bị bệnh ung thư vì sao lại tự tử? Vì không chịu nổi cái đau. Thế mà người mẹ lại có thể chịu đựng sự đau đớn hơn sự đau đớn của bị ung thư. Khi người mẹ sinh đứa con ra, suy nghĩ đầu tiên là gì? Là con mình có khỏe mạnh hay không? Tình thương của mẹ với các em đã làm cho mẹ có thể hoàn toàn bỏ sang một bên sự đau đớn như vậy. Ân đức này cả một đời này chúng ta phải ghi nhớ trong lòng.

Tiếp đến, nuôi dưỡng dạy dỗ các con lại càng vất vả hơn. Có một cô bạn trẻ nói rằng: “Trước khi chưa sinh em bé thì thường muốn nhanh nhanh sinh nó ra, nhưng sau khi sinh ra cảm thấy rất muốn bỏ nó trở lại vào trong bụng”. Cho nên công lao của dưỡng dục hơn cả sinh ra, bởi vì bao nhiêu là đêm dài đều phải thao thức hao gầy với đứa trẻ. Nếu như buổi tối con không ngủ thì mọi người ở trong nhà phải luân phiên thay nhau như là thi tiếp sức. Tôi cũng từng như vậy. Khi đứa cháu không chịu ngủ, tôi cũng phải chia ca, nhưng mà tôi bế nó chỉ khoảng chừng hai mươi phút thì đã không chịu nổi, tay mỏi đến rụng rời. Tôi bế đứa cháu nhỏ và nói với nó: “Sau này con mà không hiếu thảo với mẹ, thì cậu là người đầu tiên sẽ trách phạt con đấy!”. Bởi vì đã bao nhiêu ngày đêm mẹ phải vất vả để con được ngủ, canh chừng con cả đêm. Bao nhiêu lần con bị bệnh, cho dù là nửa đêm cha mẹ cũng đều đưa con đi bác sĩ khám, bao nhiêu là ngày lo lắng bữa ăn kế tiếp của con mình phải làm sao. Những áp lực cuộc sống này, trọng trách của việc dạy dỗ lúc nào cũng đặt trên vai của cha mẹ. Nên Đức Phật đã nói với các học trò: “Ân đức của cha mẹ, một đời này của chúng ta không thể báo đáp được”. Chúng ta phải tận tâm tận lực để làm một người con có hiếu đạo. Chúng tôi đã nói với bọn trẻ hết những vất vả của cha mẹ trong quá trình giảng giải, có một số em đã cảm động rơi nước mắt.

Chúng tôi tiếp tục nói với các học trò: “Chúng ta cảm động vì sự vất vả của cha mẹ, vậy sau khi rơi nước mắt rồi phải làm sao?”. Các em chân thật cảm nhận được ân đức của cha mẹ, thì phải bắt đầu bằng những hành động hiếu thuận. Khi các em có thể làm được một điều trong quyển “Đệ Tử Quy”, các em đã tận được một phần tâm hiếu. Khi các em làm được tất cả điều trong “Đệ Tử Quy”, thì hiếu các em đã làm được viên mãn. Khi trẻ con khởi lên cái tâm biết ơn, thì chúng ta tiếp theo sẽ dạy chúng phải báo ơn. Nỗ lực thực hiện hiếu đạo từ đâu? Chúng ta cùng xem “Đệ Tử Quy”. Trong đoạn Kinh văn này, chúng ta cùng nhau đọc qua một lần.

PHẬT TỬ THẤY TỐT, CÓ ÍCH CHO NGƯỜI CHO MÌNH XIN CHIA SẺ BÀI VIẾT
NAM MÔ QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT
Ngưỡng nguyện Đức Bồ-tát Quán Thế Âm gia hộ cho kẻ mù Được thấy, kẻ Điếc Được nghe, người Đau khổ Được an vui.
--------------------------------------
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Nam Mô A Di Đà Phật
--------------------------------------

Subscribe

- Never miss a story with notifications

- Gain full access to our premium content

- Browse free from up to 5 devices at once

Bái viết mới nhất

spot_img