Đệ Tử Quy Chương I: Cha Mẹ Thương, Hiếu Đâu Khó – Cha Mẹ Ghét, Hiếu Mới Tốt
Contents
Đệ Tử Quy Chương I: Cha Mẹ Thương, Hiếu Đâu Khó – Cha Mẹ Ghét, Hiếu Mới Tốt. Cha mẹ đối xử chúng ta rất tốt, chúng ta cũng hết lòng phụng dưỡng cha mẹ. Đương nhiên cha mẹ cũng có thể có những lúc tính tình chưa được tốt lắm, lúc đó chúng ta cũng nên bao dung, nên rộng lượng, bởi vì tâm trạng của mỗi người thì có lúc này lúc khác.
7. Kinh văn – Đệ Tử Quy
“Thân ái ngã, hiếu hà nan. Thân tăng ngã, hiếu phương hiền”.
“Cha mẹ thương, hiếu đâu khó. Cha mẹ ghét, hiếu mới tốt”.
Cha mẹ đối xử chúng ta rất tốt, chúng ta cũng hết lòng phụng dưỡng cha mẹ. Đương nhiên cha mẹ cũng có thể có những lúc tính tình chưa được tốt lắm, lúc đó chúng ta cũng nên bao dung, nên rộng lượng, bởi vì tâm trạng của mỗi người thì có lúc này lúc khác. Cư xử giữa người với người chúng ta nên nhớ kỹ một nguyên tắc, đó là “cho dù người khác đúng hay không, bản thân mình nhất định phải làm cho đúng”.
Giả sử hôm nay cha mẹ đối xử với chúng ta trong tâm trạng không được tốt, chúng ta không nên dùng tâm trạng không tốt đối xử lại cha mẹ, vì như vậy thì cha mẹ đã sai mà chúng ta lại càng sai hơn.
Giả như chúng ta đã sai thì có tư cách đi phê bình người khác sai hay không? Không thể được. Dù là cha mẹ hay bạn bè, người thân xung quanh chúng ta cũng vậy, cho dù họ dùng thái độ không đúng đối với ta, chúng ta cũng phải dùng thái độ đúng để đối diện với họ. Nếu không thì chúng ta cũng giống như họ, căn bản là không có tư cách để nói người khác sai. Đây là một thái độ lý trí.
Cho dù người khác đúng hay sai, bản thân trước tiên nhất định phải làm đúng. Bởi vì có thái độ nhân sinh như vậy, nên chúng ta có rất nhiều Thánh nhân đều ở trong tình huống “cha mẹ ghét” mà vẫn giữ được tâm vô cùng hiếu thảo. Cũng nhờ vào tâm vô cùng hiếu thảo này mà họ có thể thay đổi không khí, làm cho gia đình hòa thuận yên vui.
Câu chuyện về lòng hiếu thảo của Mẫn Tử Khiên – Đệ Tử Quy
Vào cuối đời nhà Chu, có một người con hiếu tên là Mẫn Tử Khiên. Mẹ của ông mất sớm, cha cưới thêm mẹ kế. Mẹ kế đối xử với ông không được tốt. Mẹ kế sinh được hai em trai. Vào mùa đông, mẹ kế dùng bông gòn may quần áo cho hai người em, nhưng lại dùng bông lau may quần áo cho ông. Quần áo may xong thật sự rất lớn, rộng thùng thình, nhưng bông lau không giữ được ấm.
Khi phụ thân kêu ông đi kéo xe, bởi vì gió thổi mạnh nên Mẫn Tử Khiên vừa kéo xe vừa run cầm cập. Phụ thân nhìn thấy ông mặc quần dày như vậy mà còn run cầm cập nên nghĩ: “Hành vi này của con rất có thể làm cho danh tiết của mẹ kế bị tổn hại. Người ta thấy sẽ cho rằng mẹ kế ngược đãi con chồng”, vì vậy rất giận dữ, cầm roi đánh Mẫn Tử Khiêm. Roi vừa đánh thì quần áo bị rách, bông lau bay ra. Người cha nhìn thấy rất giận dữ: “Tại sao vợ kế ngược đãi con của mình như vậy?”.
Vừa về nhà, ông giận đùng đùng muốn đuổi người mẹ kế đi. Trong tình hình khẩn cấp như vậy, Mẫn Tử Khiên liền quỳ xuống cầu khẩn với phụ thân. Ông nói: “Xin cha đừng đuổi mẹ đi. Bởi vì mẹ ở nhà chỉ có một mình con bị lạnh, nếu như mẹ ra đi thì con và hai em đều phải chịu đói chịu lạnh”. Mẫn Tử Khiên nói như vậy, phụ thân của ông nghe xong rất cảm động, cũng hạ cơn giận xuống.
Mẹ kế của ông càng cảm thấy xấu hổ: “Một đứa nhỏ như vậy luôn nghĩ đến con của mình, cũng lo nghĩ cho mình. Một người lớn như mình sao lại đi so đo tính toán với một đứa trẻ”. Do đó, tấm lòng và đức hạnh của Mẫn Tử Khiên đã cảm hóa được người mẹ kế. Từ đó gia đình họ sống hòa thuận, vui vẻ.
Quý vị bằng hữu, nếu như Mẫn Tử Khiên không dùng sự khoan dung tha thứ như vậy, không dùng tâm hiếu chí thành để đối xử với mẹ kế, thì gia đình này sau đó sẽ ra sao? Sẽ tan cửa nát nhà. Do vậy, con người đối diện với sự việc tuyệt đối không nên hành động theo cảm tính. Nếu như lấy oán báo oán, kết quả tuyệt đối sẽ không viên mãn. Chúng ta phải tin: “Thành tâm thành ý thì đá vàng cũng tan”. Dùng tâm chân thành, lòng hiếu thảo mới có thể diễn được vở kịch hay cho cuộc đời.
Câu chuyện về lòng hiếu thảo của Vương Tường.
Ngoài ra còn có một người con hiếu tên là Vương Tường. Ông đã để lại một câu chuyện rất nổi tiếng trong lịch sử tên là “Vương Tường rạch băng”. Vào mùa đông trời lạnh giá, mẹ kế bảo ông đi bắt cá cho bà ăn. Trong lúc tuyết phủ đầy trời, có cá để bắt không? Không có. Nếu như Vương Tường không đi bắt cá thì có thể sẽ bị mẹ kế đánh, thậm chí không cho ông vào nhà. Mẹ kế ông đối xử như vậy nhưng ông vẫn không có lời oán hận, vẫn đi đến nơi tuyết phủ đầy trời ngồi khóc một mình.
Do thành tâm như vậy nên đã cảm động trời đất, băng liền nứt ra và nhảy ra hai con cá. Ông đem hai con cá về nhà phụng dưỡng mẹ kế. Đương nhiên những yêu cầu vô lý như vậy nhất định không chỉ có một chuyện này. Rất nhiều chuyện gây khó dễ, nhưng Vương Tường hoàn toàn không vì thế mà lùi bước. Có một lần bên ngoài sắp có mưa, mẹ kế nói với ông: “Hiện giờ bên ngoài trời đang mưa gió, nếu như trái trên cây mà rơi xuống thì mẹ sẽ phạt con”.
Vương Tường liền chạy ra bên ngoài ôm mấy cây đó mà khóc, cầu nguyện cho trái đừng rơi xuống. Tấm lòng chân thành này cũng đã cảm động được cây. Chúng ta biết thực vật, khoáng vật đều sẽ vì lòng người mà có cảm ứng, thật sự trái cây rơi xuống rất ít. Vì vậy, rất nhiều tình huống đều do lòng hiếu thảo của Vương Tường mà từ dữ hóa lành.
Xin hỏi mọi người, muốn cảm động một người có dễ hay không? Không dễ, phải có tâm nhẫn nại. Vương Tường cảm động mẹ kế của ông không phải khi ông còn nhỏ mà khi ông đã lớn, lấy vợ rồi, ngay cả vợ ông cũng bị ngược đãi. Nhưng đức hạnh của ông đã cảm động được người em trai là Vương Lãm. Vương Lãm là em trai ông, là con của người mẹ kế.
Vì đức hạnh của ông nên người em trai rất tôn kính ông. Mỗi lần mẹ kế ngược đãi Vương Tường và vợ của ông thì Vương Lãm dẫn vợ của mình đến giúp đỡ. Sau này đức hạnh của Vương Tường càng ngày càng tốt, danh tiếng lan truyền đi xa. Mẹ kế sinh lòng đố kỵ, không được vui, đem rượu độc cho Vương Tường uống. Rốt cuộc người em trai đã biết trước, trong tình thế nguy cấp liền giật lấy ly rượu uống thay anh trai.
Chư vị bằng hữu! Em trai của ông đã dùng cái chết để khuyên người mẹ. Lúc đó mẹ của ông liền đổ ly rượu độc, bản thân cũng cảm thấy xấu hổ. Con trai của mình có thể dùng cái chết để bảo vệ người anh, sao mình lại chẳng có một chút tình người vậy? Hành động này cũng thức tỉnh lương tri mẹ kế của ông. Sự chí thành của hai anh em cũng làm cho gia đình chuyển hóa trở lại.
Đúng lúc đó, trong triều đình có một vị đại thần tên là Lữ Kiền. Lữ Kiền có một thanh bảo kiếm, ông liền tặng cho Vương Tường. Ông nói: “Người có thanh bảo kiếm này có thể che chở cho con cháu đời sau, cũng sẽ rất thành tựu”. Vương Tường có được thanh bảo kiếm này, suy nghĩ đầu tiên là gì? Không giữ cho riêng mình, lập tức tặng cho em trai của ông, cũng chúc phúc cho con cháu người em trai sau này được hưng vượng.
Thật sự có người anh đức hạnh như vậy, thế hệ sau của họ nhất định sẽ có được sự dạy dỗ rất tốt. “Kinh Dịch” nói: “Nhà tích điều thiện ắt sẽ có thừa niềm vui”, thế hệ sau của Vương Tường, Vương Lãm có đến chín đời làm công khanh, đều làm quan lớn trong triều đình phục vụ cho xã hội, cho quốc gia.
Do đó, chúng ta thật sự phải dùng tâm chân thành để chuyển hóa những điều không viên mãn trong gia đình. Đây mới là “cha mẹ ghét, hiếu mới tốt”.