11.6 C
London
Thứ Bảy, Tháng Mười Một 2, 2024
Trang chủNữ ĐứcLời Mở Đầu: Tề Gia Trị Quốc, Nữ Đức Vi Yếu

Lời Mở Đầu: Tề Gia Trị Quốc, Nữ Đức Vi Yếu

Date:

Bài Viết Liên Quan

spot_imgspot_img

Lời Mở Đầu: Tề Gia Trị Quốc, Nữ Đức Vi Yếu

Lời Mở Đầu: Tề Gia Trị Quốc, Nữ Đức Vi Yếu: Bốn bộ sách chủ yếu của giáo dục Nữ Đức được gọi là “Nữ Tứ Thư”, đó là “Nữ Giới”, “Nữ Luận Ngữ”, “Nội Huấn” và “Nữ Phạm Tiệp Lục”, cũng có người gọi bốn bộ này là “Nữ Hiếu Kinh”.

LỜI MỞ ĐẦU

Kính chào các thầy cô giáo!

Chúng ta tiếp tục học tập Nữ Đức. Chúng ta hiện nay có được phúc báo và chí hướng muốn nâng cao đức hạnh của chính mình, muốn học tập phương pháp tu thân dưỡng tánh. Vậy chúng ta từ đâu mà bắt đầu? Cổ Thánh tiên Hiền đã để lại một lượng lớn tài liệu dạy học Nữ Đức, chúng ta có thể y theo giáo trình thời xưa mà học tập. Bốn bộ sách chủ yếu của giáo dục Nữ Đức được gọi là Nữ Tứ Thư”, đó là “Nữ Giới”, “Nữ Luận Ngữ”, “Nội Huấn” “Nữ Phạm Tiệp Lục”, cũng có người gọi bốn bộ này là “Nữ Hiếu Kinh”. Bốn bộ Kinh điển này kỳ thực đều được lưu truyền ra nước ngoài, truyền đến Nhật Bản, Hàn Quốc, cũng được nước ngoài xem trọng. Nước ta từ sau cuộc vận động Ngũ Tứ, những cuốn sách như thế này về cơ bản đều tuyệt tích. Năm ngoái tôi gặp được một cơ hội rất ngẫu nhiên là lần đầu tiên gặp được cuốn sách nhỏ Nữ Giới, bìa sách màu hồng, không phải là bản chính quy do nhà sách xuất bản. Tôi nhìn thấy thì rất vui thích. Lúc đó, tôi chỉ xem qua một ít nội dung của sách, tổng cộng có bảy chương, gồm ti nhược, phu phụ, kính thuận, phụ hạnh, khúc tòng, hòa thúc muội và chuyên tâm.

Bảy chương này giảng về tâm pháp tu hành của người nữ, là pháp môn dựa trên tâm niệm. Bản thân tôi cũng rất vui mừng, thế nhưng thành thực mà nói, tôi xem không hiểu lắm. Sau đó, tôi lấy đem về nhà đưa cho toàn thể các nữ nhân viên của công ty chúng tôi đọc “Nữ Giới”, bởi vì nhân viên nữ của công ty tôi rất nhiều. Sau đó, nhân viên đều lại nói với tôi là đọc không hiểu, kỳ thực bản thân tôi cũng không hiểu rõ lắm, thế nhưng tôi đã nói với mọi người: “Đọc sách ngàn lần, nghĩa kia tự hiểu”. Đây cũng là một cơ duyên rất ngẫu nhiên khiến tôi phát tâm giảng cuốn sách này, nghiêm túc nỗ lực bắt đầu từ từng con chữ, nghĩa lý cho đến thực tế mà bắt đầu từ từ thâm nhập liễu giải, sau đó càng ngày càng hoan hỷ. Khi đã hiểu thông bộ sách “Nữ Giới”, sau này khi tôi giảng sách “Nữ Luận Ngữ”, “Nữ Nhi Kinh”, bao gồm việc làm “Quần Thư Trị Yếu”, xem chương “Hoài Nam Tử” đều cảm thấy giống như đang giảng Nữ Đức. Lời dạy xưa có câu: “Một kinh thông, tất cả kinh thông”, mặc dù chính mình vẫn chưa hoàn toàn thông, nhưng sau khi giảng đi giảng lại sáu, bảy lần “Nữ Giới” thì thật sự có cảm giác “Học tập rồi thực hành chẳng vui lắm sao”.

Tiếp theo đây, chúng ta chính thức học tập “Nữ Giới”, trước tiên xin xem lời mở đầu sách. Tôi xin đọc cho mọi người:

“TÀO THÁI CÔ, TÍNH BAN THỊ, DANH CHIÊU, HẬU HÁN BÌNH DƯƠNG TÀO THẾ THÚC THÊ, , BAN BƯU CHI NỮ DÔ

(Tạm dịch: Tác giả là Tào Đại Gia (âm là Thái Cô), họ Ban, tên Chiêu, là hiền thê của Tào Thế Thúc thời nhà Hán, là con gái của Ban Bưu)

Tào Đại Gia, tên gọi Ban Chiêu, là vợ của Tào Thế Thúc nhà Hậu Hán, cũng là tác giả của bộ sách “Nữ Giới”. Vì sao gọi bà là Tào Đại Gia? Bởi vì bà lấy Tào Thế Thúc, nên lấy họ của chồng. Còn chữ “Đại Gia” thì sao? Hai chữ “Đại Gia” này không đọc là “Đại Gia”, trước đây tôi cũng thường đọc là “Tào Đại Gia”. Tôi nói tại sao lại đặt tên này. Sau khi nghiên cứu kỹ thì mới phát hiện chữ “đại” này đọc là “thái”, giống chữ “thái” trong “thái thái”. Còn chữ “gia”“cô”, là chữ “cô” trong từ “cô thúc”, nên phải đọc “Tào Đại Gia” thành “Tào Thái Cô”. Đây là cách xưng hô tôn trọng đối với người có học thức vô cùng uyên bác vào thời xưa, là cách xưng hô cổ điển. Thế nên, rất nhiều văn tự thời cổ so với thời nay khác biệt rất lớn. Nếu như chúng ta dùng cách nhìn của hiện nay mà xem thì đôi khi sẽ không hiểu nó có ý nghĩa gì. Vì vậy, mọi người xin chớ để mắc cái lỗi này. Bà là “Phù Phong Ban Bưu chi nữ dã”, Phù Phong là địa danh, hiện nay là nơi thuộc miền đông bắc Hàm Dương-Thiểm Tây. Ngày nay vẫn có cách nói thế này, sau khi một người nào đó trở nên nổi tiếng thì quê hương của họ cũng theo đó mà bắt đầu được biết đến, thế nên đã đem địa danh quê hương đọc ra theo. Bà là con gái của Ban Bưu.

THẾ THÚC TẢO TUẤT, CHIÊU THỦ CHÍ, GIÁO TỬ TÀO CỐC THÀNH NHÂN. TRƯỞNG HUYNH BAN CỐ, TÁC TIỀN “HÁN THƯ”, VỊ TẤT NHI TUẤT, CHIÊU TỤC THÀNH CHI. THỨ HUYNH BAN SIÊU, CỬU TRẤN TÂY VỰC, VỊ MÔNG CHIÊU HOÀN. CHIÊU PHỤC KHUYẾT THƯỢNG THƯ, KHẤT THỨ HUYNH QUY LÃO

(Tạm dịch: Thế Thúc qua đời sớm, Tào Đại Gia ở vậy thủ tiết, dạy con là Tào Cốc thành người. Anh trai lớn của bà là Ban Cố viết tác phẩm Tiền Hán Thư, chưa hoàn thành xong thì đã qua đời. Vua Hán Hòa Đế biết bà là người có tài nghệ, học vấn nên đã bảo bà hoàn thành tiếp bộ sách này. Người anh thứ hai của bà là Ban Siêu, từng trấn thủ nhiều năm ở Tây Vực, muốn cáo lão về nhà, nhưng Hán Đế không cho phép. Ban Chiêu đã viết một bản tấu chương, khẩn cầu Hán Đế cho anh của bà được trở về nhà)

Lời Mở Đầu: Tề Gia Trị Quốc, Nữ Đức Vi Yếu
Lời Mở Đầu: Tề Gia Trị Quốc, Nữ Đức Vi Yếu

Chồng của bà là Tào Thế Thúc qua đời từ rất sớm. Ban Chiêu giữ chí hướng của mình, không lấy người khác, đức hạnh của bà vô cùng tốt, đồng thời dạy dỗ con trai là Tào Cốc (danh là Tào Thành, tự Trực Cốc) khôn lớn thành người. Ban Chiêu có một người anh trai tên Ban Cố rất nổi tiếng, là tác giả của bộ “Hán Thư”. “Hán Thư” là bộ sách viết về lịch sử theo thể Kỷ Truyện (lịch sử được trình bày theo tiểu sử nhân vật) đầu tiên trong lịch sử cổ đại Trung Quốc. Trong lịch sử, nó cùng với sách “Sử Ký” nổi tiếng như nhau, viết rất hay. Thế nhưng, Ban Cố chưa viết xong thì qua đời, phần tiếp theo là do em gái của ông là Ban Chiêu giúp ông hoàn thành. Từ đây có thể thấy, tài văn chương của Ban Chiêu không phải tầm thường.

Tương truyền năm xưa khi bà ở trong cung viết phần tiếp theo của bộ “Hán Thư” thì đại học giả đương thời là Mã Dung đã quỳ ở bên ngoài Tàng Thư Các mà cung kính lắng nghe lời giáo huấn của bà. Bà vừa viết vừa giảng bài cho mọi người, vị đại Nho một thời là Mã Dung cũng đến quỳ nghe bài giảng. Bà còn có một người anh là Ban Siêu, thường xuyên ở Tây Vực trấn thủ biên cương. Hoàng Đế không cho phép trở về. Ông trước giờ cũng chưa về nhà, nhưng tuổi tác của ông đã cao, rất nhớ quê nhà, luôn mong được về nhà. Vì vậy, Ban Chiêu đã tự mình dâng lên Hoàng Đế một bức thư, khẩn cầu ân chuẩn cho anh của mình được cáo lão hồi hương. Ở đây cũng có một đoạn bối cảnh lịch sử. Tôi đã lên mạng tra cứu. Lúc đó, Hoàng Đế và anh của bà cùng một số đảng phái bất đồng, giữa họ phát sinh mâu thuẫn. Vì vậy, Hoàng Đế đối với anh của bà có chỗ không hài lòng, không muốn cho ông trở về. Ban Chiêu nghĩ đến tình cốt nhục và lòng nhớ mong quê hương của anh trai. Bà không sợ cơn thịnh nộ của Hoàng Đế có thể giáng tội cho mình mà đã đem hết tài viết văn để viết một bài văn vô cùng cảm động khiến người rơi lệ. Sau khi viết xong, Ban Chiêu vô cùng mềm mỏng uyển chuyển khuyên can Hoàng Đế. Hoàng Đế xem xong thì hồi tâm chuyển ý, đồng ý cho anh của bà trở về quê. Nhưng vì anh trai tuổi tác đã cao nên sau khi về đến nhà được hai tháng thì qua đời, cũng may là mất tại quê nhà.

HÒA HI ĐẶNG THÁI HẬU, GIA KỲ CHÍ TIẾT, TRIỆU NHẬP CUNG, DĨ VI NỮ SƯ, THÍCH HIỆU ĐẠI GIA. HOÀNG HẬU CẬP CHƯ QUÝ NHÂN, GIAI SƯ SỰ CHI, TRƯỚC “NỮ GIỚI” THẤT THIÊN

(Tạm dịch: Đặng Thái Hậu của triều Hán rất coi trọng bà, ra ý chỉ mời bà vào cung làm vị Nữ Sư, ban tặng cho bà danh xưng là Đại Gia. Hoàng hậu và các quý nhân của triều Hán đều xem bà là thầy mà phụng sự. Tác phẩm “Nữ Giới” gồm có 7 chương là do bà viết)

Lúc đó Đặng Thái Hậu vô cùng khen ngợi đức hạnh và chí hướng cao xa, rộng lớn của Ban Chiêu, đồng thời ngưỡng mộ học thức uyên thâm của bà nên đã triệu bà vào cung làm thầy, làm vị nữ sư. Thái hậu học tập với bà, sau đó ban cho bà hiệu là “Đại Gia” (đọc là Thái Cô). Sau đó, Hoàng Hậu và tất cả tì thiếp cùng quý nhân trong hậu cung đều dùng lễ đối với thầy mà đối đãi với Ban Chiêu, học tập theo bà. Chúng ta từ đây xem thấy Ban Chiêu chắc chắn không phải là một phụ nữ tầm thường, mà xác thực có thể làm được “học vi nhân sư, hành vi thế phạm”, đồng thời xác thực làm được tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Bà tu tốt tâm hạnh của chính mình, dạy dỗ con cái thành người, giúp đỡ Hoàng Thái Hậu và các tì thiếp trong hậu cung, dẫn dắt họ, trưởng dưỡng học thức và đức hạnh của họ, làm ra tấm gương “bình thiên hạ”. Thế nên, Ban Chiêu thực sự là tấm gương và niềm tự hào của phụ nữ chúng ta. Đây là phần giới thiệu mở đầu đơn giản, do người đời sau viết.

Chúng ta tiếp tục học phần tiếp theo của “Nữ Giới”.

“BỈ NHÂN NGU ÁM, THỤ TÁNH BẤT MẪN. MÔNG TIÊN QUÂN CHI DƯ SỦNG, LẠI MẪU SƯ CHI ĐIỂN HUẤN, NIÊN THẬP HỮU TỨ, CHẤP KI QUY Ư TÀO THỊ, Ư KIM TỨ THẬP DƯ TẢI HĨ. CHIẾN CHIẾN CĂNG CĂNG, THƯỜNG CỤ TRUẤT NHỤC, DĨ TĂNG PHỤ MẪU CHI TU, DĨ ÍCH TRUNG NGOẠI CHI LỤY. THỊ DĨ TÚC DẠ CÙ TÂM, CẦN BẤT CÁO LAO, NHI KIM NHI HẬU, NÃI CHÍ MIỄN NHĨ. NGÔ TÍNH SƠ NGU, GIÁO ĐẠO VÔ TỐ, HẰNG KHỦNG TỬ CỐC, PHỤ NHỤC THANH TRIỀU, THÁNH ÂN HOÀNH GIA, ỔI TỨ KIM TỬ, THỰC PHI BỈ NHÂN THỨ KỈ SỞ VỌNG DÃ. NAM NĂNG TỰ MƯU HĨ, NGÔ BẤT PHỤC DĨ VI ƯU, ĐÃN THƯƠNG CHƯ NỮ, CỤ THẤT DUNG THA MÔN, THỦ NHỤC TÔNG TỘC. NGÔ KIM TẬT TẠI TRẦM TRỆ, TÍNH MỆNH VÔ THƯỜNG, NIỆM NHỮ TÀO NHƯ THỬ, MỖI DỤNG TRÙ TRƯỚNG. NHÂN TÁC “NỮ GIỚI” THẤT THIÊN, NGUYỆN CHƯ NỮ CÁC TẢ NHẤT THÔNG, THỨ HỮU BỔ NGHI, TỈ TRỢ NHỮ THÂN. KHỨ HĨ, KÌ ÚC MIỄN CHI”

(Tạm dịch: Tại hạ Ban Chiêu kém hèn, chẳng tường sự lý, bẩm sinh lại không thông minh cũng chẳng có tài cán. Nhờ ân đức của tiên phụ che chở, được nhậm chức Nữ Sư dạy học. Năm 14 tuổi được gả vào nhà họ Tào, đến nay đã hơn 40 năm. Trong 40 năm qua, tôi thường nơm nớp lo lâu, hết lòng cẩn thận, sợ mình đức hạnh kém khuyết, bị đuổi ra khỏi Tào gia, làm mất thể diện của cha mẹ, liên lụy tới cả họ hàng. Thế nên tôi từ sáng đến tối, không giờ khắc nào mà không cần mẫn, lao tâm lao lực, tuy làm việc vất vả nhưng không dám oán than. Hiện giờ, tôi tuổi tác đã cao, con cái cũng đã trưởng thành, nỗi vất vả lo toan đã vơi đi bớt.

Tính tôi xao nhãng, đối với việc bảo ban con cái chẳng giữ được hằng tâm, thường sợ Tào Cốc (con trai của Ban Chiêu) không biết đạo lý làm quan, cô phụ sự thanh minh thịnh trị của triều đình. Nào ngờ được Thánh đế gia ân, phong cho chức quan, vinh dự được thắt dây đai màu tía. Ân sủng này tôi quả thật không dám nghĩ tới. Giờ đây con trai đã trưởng thành, có thể tận trung trong chức vụ với triều đình, tâm tôi không còn lo lắng vì nó nữa. Nhưng đối với các nữ nhân nhà họ Tào tôi không thể không lo âu. Các cô đều đã đến tuổi gả chồng, nếu như không từ từ mà bảo ban, các cô sẽ không biết lễ nghi bổn phận của người làm vợ, sợ rằng khi gả qua nhà chồng sẽ bị mất thể diện, lại còn liên lụy đến tông tộc họ hàng, phải mang tiếng xấu. Bệnh của tôi hiện nay đã nặng, việc sống chết chưa biết khi nào. Nghĩ đến những nữ nhân họ Tào chưa hiểu rành về lễ, tôi thật sự chưa thể yên tâm. Những lúc nhàn rỗi, tôi có viết bộ sách “Nữ Giới” gồm 7 chương, mỗi người nữ nhà họ Tào hãy sao chép ra một lần, sẽ có ích cho việc bồi dưỡng đức hạnh của các cô vậy. Khi các cô được gả đi rồi, hãy nhớ luôn khích lệ lẫn nhau, y theo sách “Nữ Giới” này mà làm)

Chương này là lời mở đầu của phần kinh văn do Ban Chiêu viết cho người đời sau biết lý do vì sao bà viết cuốn “Nữ Giới”. Chúng ta từ lời mở đầu đơn giản này mà cảm thấy được Ban Chiêu thân là thầy của Thái hậu mà có thể khiêm tốn như thế, thực khiến chúng ta lấy làm hổ thẹn. Lần đầu tiên khi tôi đọc lời mở đầu cảm thấy không thể hiểu được tại sao lại viết một cách khiêm hạ như vậy. Chúng ta cho dù muốn tỏ ra khiêm tốn cũng không viết được như vậy, bởi vì tâm chúng ta chưa đạt được như thế. Chúng tôi y cứ và chú giải của Vương Tương thời nhà Minh, chia ra từng phần, từng đoạn mà học tập. Mẹ của Vương Tương cũng rất nổi tiếng, là Lưu Thị, chính là tác giả của cuốn sách thứ tư “Nữ Phạm Tiệp Lục” trong bộ “Nữ Tứ Thư”.

“BỈ NHÂN NGU ÁM, THỤ TÁNH BẤT MẪN. MÔNG TIÊN QUÂN CHI DƯ SỦNG”

Đoạn này Ban Chiêu nói về bản thân mình ngu độn, bẩm sinh không thông minh mẫn tiệp, đều nhờ vào âm đức của phụ thân che chở. “Bỉ nhân” là Ban Chiêu dùng chỉ cho chính mình, “ngu ám” nghĩa là ngu xuẩn, ngu độn. Trên thực tế, đều là những lời khiêm tốn của Ban Chiêu. Giống như các đồng học chúng ta học tập văn hóa truyền thống đều nói: “Mạt học bất tài”, “mạt học” nghĩa là trong số các đồng học mình xếp ở vị trí sau cùng, không có tài hoa, không có tài năng, trên thực tế thì không hẳn là như vậy, chỉ là lời nói khiêm hạ. “Thụ tính bất mẫn”  chỉ cho thiên tánh không thông tuệ. “Mông tiên quân chi dư sủng”, “tiên quân” chỉ cho Ban Bưu, phụ thân của Ban Chiêu. Bởi vì Ban Bưu làm quan thời Quang Vũ Đế, làm trưởng huyện Vọng Đô (nay là thành phố Bảo Định, tỉnh Hà Bắc), vào lúc đó cũng nổi tiếng một thời, rất có danh vọng. Ở đây có nghĩa là Ban Chiêu chỉ thừa hưởng danh tiếng này của cha chứ bản thân không có đức hạnh.

“LẠI MẪU SƯ CHI ĐIỂN HUẤN, NIÊN THẬP HỮU TỨ, CHẤP KI QUY Ư TÀO THỊ”

Đoạn này có nghĩa là nhờ vào sự dạy dỗ của mẫu thân, năm mười bốn tuổi Ban Chiêu được gả vào nhà họ Tào. “Lại mẫu sư chi điển huấn” ở đây chỉ cho việc bà không quên lời dạy của mẫu thân, không quên ơn của mẹ. “Ki quy” là cái mà chúng ta hay gọi là cái chổi quét nhà, là công cụ dùng để quét trừ những thứ ô uế. Ở đây Ban Chiêu tỉ dụ cho bản thân thời thời quét sạch sự ô nhiễm trong tâm, hoàn thiện đức hạnh của chính mình. Đây cũng là cách nói khiêm hạ của bà, thường cảm thấy đức hạnh và học vấn của mình không đủ, khi được gả vào nhà họ Tào để phụng sự chồng, bà sợ không đảm đương được.

“Ư KIM TỨ THẬP DƯ TẢI HĨ. CHIẾN CHIẾN CĂNG CĂNG, THƯỜNG CỤ TRUẤT NHỤC”

Đoạn này nói bà được gả vào nhà họ Tào hơn bốn mươi năm, bản thân trước giờ đều sống với tâm thái nơm nớp lo sợ, đều là sợ hổ thẹn nếu bị đuổi khỏi Tào gia, cũng chính là nói bà sợ đức hạnh của mình không đủ, khiến cho cha mẹ chồng và người nhà xấu hổ. “Chiến căng” chỉ cho diện mạo sợ sệt bất an, “truất” có nghĩa là bị chồng đuổi, bởi vì vào thời xưa chưa có tòa án, không có kiện cáo, người chồng nếu như phát hiện vợ mình có sự không phù hợp với gia quy, gia đạo thì có quyền đuổi cô ấy trở về nhà.

“DĨ TĂNG PHỤ MẪU CHI TU, DĨ ÍCH TRUNG NGOẠI CHI LỤY”

Đoạn này nói bà lo lắng đạo làm vợ của mình tu không được tốt, khiến cha mẹ hổ thẹn, họ hàng thân quyến bên gia đình chồng và nhà cha mẹ ruột cũng bị liên lụy. “Trung” là chỉ cho quyến thuộc thân thích bên nhà mẹ đẻ.

“THỊ DĨ TÚC DẠ CÙ TÂM, CẦN BẤT CÁO LAO, NHI KIM NHI HẬU, NÃI CHÍ MIỄN NHĨ”

Đoạn này nói bà cả ngày lẫn đêm đều rất vất vả, lao tâm lao lực, thế nhưng trước giờ không dám khen ngợi chính mình, luôn khiêm tốn. Hiện nay tuổi tác đã cao, con cháu đều thành gia lập nghiệp, có thể tạm thời buông xuống cái tâm ưu lo ấy. “Túc” có nghĩa là buổi sớm, “cù” có nghĩa là vô cùng vất vả, lao nhọc, “cáo” có nghĩa là khoa trương khen ngợi, tự khen chính mình. “Miễn” trong câu “nãi chí miễn nhĩ” nghĩa là buông xuống.

“NGÔ TÍNH SƠ NGU, GIÁO ĐẠO VÔ TỐ, HẰNG KHỦNG TỬ CỐC, PHỤ NHỤC THANH TRIỀU”

Đoạn này nói tài học của bản thân còn thấp kém, ngu độn không thông minh, dạy dỗ con cái không có hằng tâm (tâm bền lâu), cho nên vô cùng lo sợ con trai là Tào Cốc cô phụ trách nhiệm quan trọng, ảnh hưởng xấu đến sự thanh minh thịnh trị của triều đình đương thời. “Sơ” nghĩa là sơ sài, ý nói bà đều rất hậu đậu, sơ sài ở rất nhiều phương diện. Trong việc dạy dỗ, “vô tố” có nghĩa là không có tâm dài lâu, “tố” nghĩa là thường hằng, nghĩa là lúc thì dạy dỗ, lúc thì lơ là. “Thanh” không phải chỉ cho triều nhà Thanh, “thanh” có nghĩa là triều đại thanh minh thịnh trị, nhằm khen ngợi việc trị nước trong sáng của đất nước thời đó, bà sợ mình dạy dỗ con không tốt, có lỗi đối với trọng trách mà triều đình đã giao cho con.

Lời Mở Đầu: Nữ Đức Vi Yếu
Lời Mở Đầu: Nữ Đức Vi Yếu

Từ phần mở đầu đến lúc này có thể thấy rằng, ở ngoài thì bà khen ngợi cha mẹ của mình, gia đình chồng của mình, bao gồm luôn cả triều đình. Bên trong thì ba đặt mình ở vị trí thấp nhất. Đây là lý do chương đầu tiên khai tông minh nghĩa của sách “Nữ Giới” gọi là “Ti nhược”. Từ chỗ này có thể thấy Ban Chiêu thực sự đã làm được hai chữ này, nên mới có thể viết ra được thiên văn chương này.

“THÁNH ÂN HOÀNH GIA, ỔI TỨ KIM TỬ, THỰC PHI BỈ NHÂN THỨ KỈ SỞ VỌNG DÔ

Nói về việc con trai của bà đột nhiên được sự ân sủng của Hoàng thượng. Với đức hạnh thấp kém mà tiếp nhận địa vị cao mà Thánh thượng ban cho, thực sự đây là điều mà chính bà không dám kỳ vọng. Từ đây, chúng ta thấy Ban Chiêu là người phụ nữ như thế nào? Bà là thầy của Thái hậu, con của bà cũng có địa vị cao như thế, có được phước báo to như thế, bà đã “khiêm tốn mà nhận phước”. Từ toàn bộ chương mở đầu chúng ta có thể nhìn thấy bà là người khiêm tốn, chí thành. “Hoành gia” có nghĩa là vô duyên, vô cớ mà có được. “Kim tử” là chỉ cho chức quan, y phục của thời xưa biểu thị cho các chức vị khác nhau, đai lưng của y phục có màu sắc khác nhau biểu thị cho đẳng cấp khác nhau. Được đeo đai lưng màu vàng tía tức địa vị này khá cao.

“NAM NĂNG TỰ MƯU HĨ, NGÔ BẤT PHỤC DĨ VI ƯU, ĐÃN THƯƠNG CHƯ NỮ, CỤ THẤT DUNG THA MÔN, THỦ NHỤC TÔNG TỘC”

Ý nói con trai của bà ở triều đình làm quan, có thể “tự thiện kỳ thân” (làm tròn chức vụ). Những người con gái thì sao? “Thời đương xuất giá” có nghĩa là đến tuổi xuất giá, gả vào nhà người nhưng vẫn chưa được dạy dỗ tốt, không được giáo huấn dần dần, sợ khi gả vào nhà người không biết hổ thẹn, khiến cho gia đình mẹ ruột mất mặt.

“NGÔ KIM TẬT TẠI TRẦM TRỆ, TÍNH MỆNH VÔ THƯỜNG, NIỆM NHỮ TÀO NHƯ THỬ, MỖI DỤNG TRÙ TRƯỚNG”

Đoạn này nói bản thân bà hiện giờ mắc bệnh đã lâu, sợ rằng có thế ra đi vào bất kỳ lúc nào, nghĩ đến các thiếu nữ trong nhà như thế, bà đều lo lắng, ưu tư cho từng người.

Lúc Ban Chiêu viết sách “Nữ Giới” đã là bà lão mấy chục tuổi rồi, sức khỏe cũng không được tốt lắm, thực sự là mang bệnh nặng. Trong tình cảnh như vậy bà vẫn một lòng một dạ lo nước lo dân nên mới viết ra sách “Nữ Giới” này. Với tuổi tác của Ban Chiêu, chúng ta nghĩ đến tuổi con gái của bà không thể là 17-18 tuổi sắp gả về nhà người được. Trên thực tế con gái của bà đã đi lấy chồng rồi. Vậy sao bà lại nói: “Đến tuổi cập kê mà không được dạy dỗ”? Ở đây có hàm nghĩa rất sâu. Trên thực tế, bà thông qua thiên văn chương viết cho các cô gái trong gia đình mình là để dẫn dắt người trong thiên hạ xem trọng Nữ Đức. Đối với tình hình phụ nữ chuyên quyền, Nữ Đức suy vi bà vô cùng lo lắng, bà có lòng muốn đề xướng Nữ Đức, nhưng không tiện nói ra. Vì vậy, bà thông qua việc dạy dỗ các nữ nhân trong nhà mà viết ra bảy chương sách “Nữ Giới”. Viết xong không bao lâu thì sách được truyền đến các gia tộc Hoàng thất. Lúc đầu, mọi người dùng phương thức chép tay để sao chép lại. Mỗi một gia tộc đều lấy đây làm tài liệu dạy đạo đức cho phụ nữ. Vì vậy, chúng ta có thể thấy được sự dụng tâm này của Ban Chiêu. Với địa vị này của bà, bà có thể viết một bài kiến nghị gửi lên triều đình nói phải xem trọng Nữ Đức, phải từ Trịnh Thái hậu mà làm. Thế nhưng, bà đã cân nhắc đến rất nhiều phương diện nên không tiện viết như thế. Vì vậy, bà đã viết ra sách dành riêng cho gia đình mình. Việc này cho thấy bà đã khéo nghĩ cho người, có trí tuệ, nghĩ sâu xa, cân nhắc kỹ. Cho nên, bà có thể ở triều đình hầu hạ bốn vị Hoàng hậu kế nhiệm không suy, có thể ở tại triều đình mấy chục năm an nhiên vô sự. Sau khi bà qua đời, Hoàng thái hậu mặc áo tang, dùng nghi lễ quốc tang, dùng nghi thức lễ tang đối với thầy đề tiễn đưa bà. Từ đây có thể thấy, Ban Chiêu đã làm người rất chuẩn mực.

“NHÂN TÁC “NỮ GIỚI” THẤT THIÊN, NGUYỆN CHƯ NỮ CÁC TẢ NHẤT THÔNG, THỨ HỮU BỔ NGHI, TỈ TRỢ NHỮ THÂN. KHỨ HĨ, KÌ ÚC MIỄN CHI”

Cuối cùng bà nói, tôi viết sách “Nữ Giới” này với hy vọng có thể cảnh tỉnh chị em phụ nữ trong nhà, mong rằng mọi người có thể theo đây mà phụng hành để không đánh mất cái gốc của người phụ nữ. Thông qua học tập cũng có thể giúp cho mọi người nâng cao đức hạnh của bản thân. Tôi dù có ra đi (ý nói sau khi bà qua đời), thì gia tộc của chúng ta cũng có thể duy trì được về sau, không ngừng đốc thúc khuyên răn nhau. Đây là lời mở đầu sách. Chúng ta mỗi lần đọc đi đọc lại đều có thể thể hội sâu sắc hơn. Ban Chiêu là một người phụ nữ xác thực là quân tử trong giới quần thoa, là mô phạm trong bậc nữ lưu. Chúng ta vô cùng cảm ân vị Tổ tiên này.

Trong sách Hậu Hán Thưcó truyện ký của Ban Chiêu, tôi đọc truyện ký của bà. Bà và phu quân Tào Thế Thúc thật là phu thê hòa mục. Tính cách của Tào Thế Thúc rất hướng ngoại, Ban Chiêu rất hướng nội, là người phụ nữ hiền hậu, nhu hòa. Việc bà lấy Tào Thế Thúc cũng có một bối cảnh lịch sử, không phải là bà thích Tào Thế Thúc mà lấy làm chồng, không phải như vậy. Anh trai của bà, lúc đó vì để viết bộ “Hán Thư” do triều đình ra lệnh cho ông viết bộ “Hán Thư”, ông đảm nhận việc quốc gia đại sự nên đã triệu tập một lớp học. Lớp học này bao gồm những đệ tử rất có học thức để cùng giúp ông hoàn thành bộ sách “Hán Thư”. Anh của bà nói với bà là muốn bà lấy một trong những vị đệ tử viết bộ “Hán Thư” ưu tú nhất, đó chính là Tào Thế Thúc. Anh của bà cũng nghĩ đến việc chẳng may ông không còn nữa thì vị đệ tử này có thể giúp ông hoàn thành sự nghiệp. Không ngờ rằng Tào Thế Thúc cũng sớm qua đời, chính em gái của ông đã giúp ông hoàn thành vậy.

PHẬT TỬ THẤY TỐT, CÓ ÍCH CHO NGƯỜI CHO MÌNH XIN CHIA SẺ BÀI VIẾT
NAM MÔ QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT
Ngưỡng nguyện Đức Bồ-tát Quán Thế Âm gia hộ cho kẻ mù Được thấy, kẻ Điếc Được nghe, người Đau khổ Được an vui.
--------------------------------------
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Nam Mô A Di Đà Phật
--------------------------------------

Subscribe

- Never miss a story with notifications

- Gain full access to our premium content

- Browse free from up to 5 devices at once

Bái viết mới nhất

spot_img