Đệ Tử Quy (P16): Dạy Trẻ Nhỏ Phải Có Cương, Có Nhu
Đệ Tử Quy (P16): Dạy Trẻ Nhỏ Phải Có Cương, Có Nhu – Quy tắc, quy định không thể bởi vì bất cứ tình huống nào mà thay đổi, nếu không thì trẻ nhỏ nhất định sẽ lười nhác, nhất định sẽ đi đến chiều hướng ham chơi mà không tuân thủ quy tắc.
16. Dạy trẻ nhỏ phải có cương, có nhu – Đệ Tử Quy
Có cương, có nhu, nói dễ hiểu một chút chính là có người diễn vai phản diện, có người diễn vai chính diện. Có cương – có nhu, có cứng – có mềm, cho nên chúng ta nói trung dung là đạo, không thể thái quá, cũng không thể bất cập. Nếu như hôm nay chỉ có “ân”, đối tốt với trẻ nhỏ tốt không gì bằng, thì chúng sẽ không sợ cha mẹ, sẽ cưỡi lên đầu cha mẹ. Nếu như chỉ có “uy”, rất hung dữ đối với con trẻ thì con trẻ sẽ có khoảng cách đối với chúng ta. Vì thế, cương – nhu phải sử dụng cho tốt.
Tôi có đứa cháu là con của chị. Sau khi chị tôi sinh xong, nó đến ở trong nhà chúng tôi. Anh rể tôi làm việc tương đối bận rộn. Khi ở nhà chúng tôi, tôi cũng có trách nhiệm gánh vác việc dạy bảo đứa cháu này. Các vị nghĩ xem, tôi thích hợp diễn vai chính diện hay phản diện? Các vị cảm thấy thế nào? Phản diện à? Làm sao vừa nhìn mà biết ngay vậy?
Tôi nhớ lại năm đầu tiên tôi đi dạy học, có một lần học trò không giữ quy củ, tôi mắng cho chúng một trận. Từ lầu hai đi xuống lầu một thì đi ngang qua văn phòng, giáo viên toàn trường đều nhìn vào tôi: “Thầy cũng biết tức giận nữa sao?”. Họ đều rất kinh ngạc. Kỳ thật, đáng khởi tức giận mà không giận thì không thể nào dạy tốt được học trò. Chúng ta khởi tức giận là để cho học trò cảnh giác, về sau không được tái phạm cái lỗi này nữa. Cho nên nhân sinh như diễn kịch, đáng diễn như thế nào thì nên diễn như thế đó.
Đối với đứa cháu này của tôi, tôi diễn phản diện, mẹ của cháu là chính diện. Phản diện và chính diện nhất định phải phối hợp cho tốt. Tôi nhớ lại mấy năm về trước, hôm đó là đêm đón giao thừa. Khi ăn cơm ở nhà chúng tôi, đứa nhỏ này vừa cầm đũa lên liền cầm sát ở đầu đũa để gắp thức ăn. Tôi liền nói với cháu: “Vĩ Vĩ à! Cầm như vậy có vi khuẩn, con cầm đũa thì nhất định phải cầm ở bên trên”. Nó nhìn tôi, lại đưa tay cầm xuống phía dưới. Tôi rất có lòng nhẫn nại, tôi lại nói: “Cầm như vậy sẽ có vi khuẩn, con phải cầm lên phía trên”. Nó lại nhìn tôi, tuy là nó không nói lời nào, quý vị biết được là ý gì hay không? Ý nó muốn nói: “Để xem ông có mức nhẫn nại đến cỡ nào!”. Rất nhiều trẻ nhỏ muốn xem mức nhẫn nại của cha mẹ. Khi chúng vượt qua được sự nhẫn nại của quý vị, thì chúng liền có thể muốn gì được nấy, quý vị liền sẽ từng bước nhượng bộ, chúng có thể dùng tình cảm để uy hiếp quý vị. Tôi thấy ba lần khuyên nó không có ích gì, tôi lập tức bế nó lên, đi về phía phòng của tôi. Tại vì sao phải đi vào phòng của tôi? Phải cắt đứt hết tất cả viện binh của nó thì nó mới biết là sắp có việc không lành rồi. Khi tôi bế nó đi, mẹ tôi lập tức nói: “Sắp đón giao thừa rồi, đừng có đánh mà!”. Có nên đánh hay không? Lẽ nào sắp đón giao thừa thì phạm sai lầm sẽ không cần xử phạt? Như vậy thì trẻ nhỏ căn bản sẽ không biết quy củ ở chỗ nào.
Hiện tại có rất nhiều phụ huynh, vào ngày thứ bảy, ngày chủ nhật thì có thể ngủ đến giữa trưa. Có tình huống này hay không? Năm ngày thì họ bình thường, thứ bảy và chủ nhật thì không bình thường, đời sống của họ liền lộn xộn lên, không có quy củ. Cho nên hiện tại khi thứ hai đi học, biểu hiện của học trò rất lười nhác. Do đó quy tắc, quy định không thể bởi vì bất cứ tình huống nào mà thay đổi, nếu không thì trẻ nhỏ nhất định sẽ lười nhác, nhất định sẽ đi đến chiều hướng ham chơi mà không tuân thủ quy tắc.
Tôi giao ước với chị tôi, cho dù chị dẫn cháu đi leo núi, đi ra ngoài chơi vài ngày, mỗi ngày nhất định phải cố định đem những Kinh điển cháu cần phải học thuộc lòng ra học thuộc! Như vậy thì trong lòng trẻ nhỏ sẽ hiểu rõ, cho dù ở trong nhà hay ở bên ngoài, bài tập về nhà của chính mình đều phải làm cho tốt. Ngay khi nguyên tắc của quý vị càng rõ ràng, chúng càng cảm thấy đó là bổn phận của chúng, chúng sẽ không có tâm cầu may. Chúng sẽ không ở đó mà nói những lời như: “Mẹ ơi! Hôm nay thôi đi mà!”, rồi nói những lời ngon ngọt cho quý vị nghe. Nguyên lý, nguyên tắc này nhất định phải nắm lấy.
Ngay khi tôi bế nó đi vào phòng, kỳ thật vào lúc đó quan trọng nhất là phải để cho nó biết chính mình đã sai rồi. Có phải chúng ta thích trừng phạt trẻ nhỏ hay không? Không phải vậy! Tôi nói với nó: “Con có khóc cũng không hề gì, con khóc càng lớn tiếng, cậu sẽ trừng phạt con càng nặng”. Kết quả khi tôi vừa nói như vậy thì nó khóc càng lớn tiếng, tôi liền đánh nó một cái. Kỳ thật lúc đó nó còn mang tã lót, cơ bản là sẽ không đau, chỉ là khí thế này của tôi làm cho nó nín ngay. Sau đó tôi nói với nó: “Con có làm mình, làm mẩy thế nào cũng không thể đạt được mục đích của con, hôm nay con có khóc thế nào cũng không ích gì đâu”. Ngay khi quý vị rất kiên định, chúng vừa nghe thì hiểu là phương pháp của chúng như vậy tuyệt đối không thể nào đạt được mục đích. Chúng liền sẽ không khóc.
Ngay khi nó không khóc nữa, tôi liền đem đạo lý giảng rõ ràng cho nó nghe: “Cậu dạy con như vậy là muốn tốt cho con, con phải nên tiếp nhận lời dạy dỗ của người lớn”. Lúc đầu rất hung dữ nhưng bây giờ biến thành rất từ ái. Sau khi giảng cho nó nghe xong, tôi liền đi ra, vai phản diện đã diễn xong rồi. Ai sẽ diễn tiếp? Chính diện phải lên diễn tiếp, cho nên chị tôi liền đi đến. Khi chị tôi vừa đi đến, nó liền chạy đến trước mặt chị, ôm lấy chị khóc tức tưởi. Chị tôi lập tức giữ nó lại: “Con vừa phạm phải lỗi gì? Con tự mình nói ra cho mẹ nghe xem”. Nó không nói, lại tiếp tục ôm lấy chị tôi. Chị vẫn rất kiên trì, lại hỏi con trai là: “Con vừa phạm phải lỗi gì? Con mau tự mình nói ra đi”. Phải để trong ký ức của trẻ nhỏ không nhớ việc bị cậu trừng phạt, mà phải nhớ việc chính mình phạm phải những lỗi lầm gì. Sau khi nói xong, chị của tôi liền nói với con của mình: “Con phải đi xin lỗi cậu ngay!”. Mẹ cháu còn muốn cháu phải đến xin lỗi tôi. Đây chính là tìm cơ hội để giáo dục, tạo thành một kết thúc rất đẹp. Rất nhiều bậc làm cha mẹ dạy con chỉ trừng phạt là xong, trút hết tức giận thì thôi, đều không hề làm động tác kết thúc. Cho nên ngay trong ký ức của trẻ nhỏ, chúng chỉ cảm giác tính khí của cha rất không tốt, tính khí của mẹ rất không tốt. Do vậy, ân đức và uy nghiêm phải đồng nhau, sự phối hợp giữa hai vai phản diện và chính diện phải cẩn thận.
Hiện tại có người diễn vai phản diện hay không? Người cha hiện nay có chịu diễn vai phản diện hay không? Không chịu làm. Tại vì sao người cha hiện nay không chịu diễn phản diện? Bởi vì họ làm việc rất bận rộn, cảm thấy đối với con rất thiếu sót, khó có dịp ở bên con nên họ đều muốn nhìn thấy trẻ nhỏ nở nụ cười. Không chỉ không diễn phản diện, mà họ đều là diễn chính diện. Vì vậy mỗi lần họ quay về nhà thì mang về quà tặng, đồ chơi. Sau đó trẻ nhỏ chạy đến: “Cha thật là tốt!”, vội vàng cầm lấy đồ chơi rồi đi. Một lần, hai lần, rồi ba lần, đều là như vậy, quý vị chỉ mang quà về cho trẻ nhỏ. Trải qua hai – ba tháng, con của quý vị chạy đến: “A! Cha ơi!”, chúng không phải nhìn vào quý vị mà chúng nhìn vào món quà, ôm lấy quà rồi bỏ đi. Đột nhiên có một hôm quý vị trở về mà không có quà, chúng sẽ nói: “Vì sao cha về lại về không như vậy?”. Cho nên không thể dùng vật chất để xây dựng quan hệ cha con, như vậy thì thật không tốt. Phải nên dùng sự quan tâm, thương yêu của quý vị để xây dựng quan hệ cha con.
Người cha không diễn phản diện thì ai diễn? Người mẹ diễn à? Thiên tính của người nữ là tương đối nặng tình cảm, đều rất là quan tâm đối với trẻ nhỏ, nên các cô diễn chính diện là tự nhiên nhất. Nhưng hiện tại người mẹ không chỉ diễn chính diện mà còn phải diễn cả phản diện nữa. Có rất nhiều cô sau khi đóng xong phản diện với trẻ nhỏ, trong lòng chính mình lại cảm thấy rất là đau xót. Lúc đầu là diễn phản diện, có thể chốc lát lại phải biến thành chính diện. Có dễ diễn không? Thật khó diễn, vừa trút xong cơn giận, lại phải rất từ ái đối với trẻ nhỏ. Vì thế, người nữ hiện tại, bệnh nghiêm trọng nhất là bệnh gì? Rối loạn nội tiết. Có phải vậy không? Thường hay phải diễn phản diện, bỗng chốc lại phải chuyển thành chính diện nên tạo thành áp lực rất lớn đối với thân tâm của các cô. Do đó, vẫn là người chồng diễn phản diện, bởi vì người nam thuộc cương, người nữ thuộc nhu. Người chồng nên đóng vai phản diện thì trẻ nhỏ mới không dễ dàng gây rối.
Chúng tôi nhớ lại lúc còn nhỏ, chỉ cần ánh mắt của cha trừng vào chúng tôi một cái, chúng tôi lập tức biết được phải đàng hoàng lại. Bởi vì những người cha thời nay làm việc tương đối bận rộn nên tôi kiến nghị với họ là không nhất định phải dành nhiều thời gian dạy trẻ nhỏ. Không phải dành nhiều thời gian thì trẻ nhỏ mới cảm nhận được là quý vị rất quan tâm đến chúng. Quan trọng nhất là quý vị có cái tâm này hay không. Nếu như mỗi ngày quý vị bỏ ra mười phút. Trong mười phút này, điện thoại phải tắt đi, khoảng thời gian này chính là thời gian quý vị ở chung với con của quý vị, quý vị phải đem sách Thánh Hiền ra, đem “Những Câu Chuyện Giáo Dục Đạo Đức” ra giảng cho chúng nghe hai điều mỗi ngày. Quý vị liên tục không ngừng làm như vậy, trẻ nhỏ sẽ cảm thấy quý vị rất quan tâm đến chúng. Sau khi chúng nghe xong chuyện xưa rồi, đến trường học chúng sẽ kể với các bạn: “Cha của mình mỗi ngày đều kể cho mình nghe hai câu chuyện”. Các bạn học sẽ có nhìn chúng ngưỡng mộ. Sau đó chúng sẽ nói: “Nào! Mình sẽ kể cho các bạn nghe hai câu chuyện này”. Đồng thời quý vị huấn luyện chúng làm thế nào đem những câu chuyện về Thánh Hiền cùng chia sẻ với mọi người. Cho nên quan trọng nhất là quý vị phải có cái tâm này. Việc này có thể dạy con được tốt.
Tiểu kết
Vừa rồi chúng ta có nói đến quan hệ ngũ luân, trong đó quan hệ vợ chồng là quan trọng nhất. Vợ chồng chính/chánh thì ngũ luân chính/chánh. Phương pháp học tập là “một môn thâm nhập”. Một môn này đã nắm được cương lĩnh của đạo đức rồi, mà nắm được “Đệ Tử Quy” thì nắm được cương lĩnh của đạo đức. Cho nên chúng ta học tập trước tiên từ một môn “Đệ Tử Quy” này mà thâm nhập. Làm thế nào thâm nhập? Thâm nhập phải làm đến “giải – hành tương ưng”, sau khi lý giải rồi, nhất định phải thực hành. Việc quý vị thực hành sẽ giúp quý vị càng hiểu rõ đạo lý Thánh Hiền. Hiểu được càng sâu thì lý giải sẽ được càng sâu. Lý giải được càng sâu thì quý vị thực hành được càng thiết thực. Lý giải giúp cho thực hành, thực hành lại giúp cho lý giải. Vì vậy, chúng ta học một câu nhất định phải hiểu được phải mau đi thực hành, phải “trường thời huân tu” (huân tu lâu dài). Lâu dài là chỉ mỗi giờ, mỗi phút. Tôi thường hay nói với rất nhiều bạn bè là: “Chỉ cần các bạn liên tục không ngừng nghỉ, mỗi ngày sớm tối đem Đệ Tử Quy đọc qua một lần, bảo đảm sau ba tháng, các bạn sẽ cảm thấy đạo đức học vấn có tiến bộ rất lớn”. Cái thang thuốc này trước mắt người uống vào, hiệu quả đều rất tốt. Các vị có muốn uống thử không?
Khi tôi ở Hải Khẩu, có một vị thầy giáo chân thật đã làm được. Vị thầy giáo này khi lần đầu tiên lên lớp, tôi có ấn tượng rất sâu. Vào tiết Nguyên Tiêu năm vừa rồi, khi ông nghe giảng, mắt không hề dao động. Tôi giảng rất nhiều câu chuyện của Thánh triết, ông đều cố gắng ghi chép lại. Ông học được hơn ba tháng thì đi đến trước mặt tôi nói: “Thầy Thái ơi! Giáo dục Thánh Hiền tốt đến như vậy, không thể chỉ có gia đình tôi được lợi ích, tôi mong muốn quay về quê hương của tôi để dạy Đệ Tử Quy”. Bởi vì ông có lập chí, bởi vì ông có thời gian dài không gián đoạn sáng tối đọc qua một lần, cho nên tiến bộ đặc biệt nhanh. Khi đọc vào buổi sáng là nhắc nhở chính mình rằng hôm nay phải làm được những giáo huấn trong “Đệ Tử Quy”. Khi đọc vào buổi tối, chúng ta phản tỉnh rằng: Ngày hôm nay mình đã làm được điều gì, khích lệ cho mình một chút; những điều nào chưa làm được phải càng thêm cảnh giác, sau không làm nữa, sau không tái phạm. Như vậy mới có thể thu được kết quả tốt, có thể “trường thời huân tu”. Chữ “tu” là tu sửa cách nghĩ, cách làm, cách nói, mỗi giờ nhắc nhở chính mình tu sửa. Tu sửa luôn luôn phải là tu sửa lúc đối diện với người, qua lại với người, chứ không phải khi mắc sai lầm rồi mới tu sửa.
Có một người bạn, anh ấy chia sẻ với tôi là anh khó sửa nhất chính là việc “người có lỗi, chớ vạch trần”, bởi vì mấy mươi năm nay nói lỗi của người khác quen rồi. Anh cũng là rất dụng công, sớm tối đều đọc qua “Đệ Tử Quy” một lần. Kết quả mỗi lần anh muốn nói lỗi của người, đột nhiên câu Kinh văn trong “Đệ Tử Quy” liền xuất hiện, câu “người có lỗi, chớ vạch trần” liền hiện lên trong đầu của anh, miệng của anh liền lập tức đóng lại. Đây gọi là trải sự luyện tâm. Trải qua những sự việc này, anh không ngừng tu sửa cách nghĩ, cách nhìn, tu sửa ngay trong cách nói, cách làm.
Chúng ta đã đề cập đến toàn bộ thái độ học tập, bao gồm:
- Thứ nhất, phải lập chí;
- Thứ hai, phải thực hành;
- Thứ ba, thứ tự học tập rất quan trọng. Trước tiên nhất định phải xây dựng nền tảng đạo đức, sau đó mới đọc các Kinh điển khác;
- Thứ tư, phương pháp học tập phải có thể: “Một môn thâm nhập, trường thời huân tu” (thâm nhập một môn, huân tu lâu dài).
Nếu chúng ta có thái độ chuẩn xác rồi, tiếp theo chúng ta mới bước vào học tập “Đệ Tử Quy”.
Học “Đệ Tử Quy”, thông thường người ta nghe đến “Đệ Tử”, chúng ta thường có nhận thức sai lầm là cái này dành cho trẻ nhỏ học. Thật ra, “Đệ Tử” không phải là chỉ trẻ nhỏ, “Đệ Tử” là chỉ học trò của Thánh Hiền nhân. Chữ “Quy” cũng là chữ hội ý, bên trái là chữ “Phu”, bên phải là chữ “Kiến”, nên gọi là kiến giải của đại trượng phu. Kiến giải của đại trượng phu nhất định là tùy thuận giáo huấn của Thánh Hiền, cũng chính là chân lý của nhân sinh về việc đối nhân, xử thế. Chúng ta học “Đệ Tử Quy” mới có thể dạy tốt được trẻ nhỏ. “Giáo nhi giáo nữ tiên giáo kỷ” (muốn dạy con cái thì trước tiên phải dạy chính mình). Muốn dạy tốt con trai, con gái, trước tiên phải nâng cao chính mình. Chính mình phải học tốt trước, như vậy mới có thể làm tốt được công tác thân giáo.
Hết phần 16. Xin xem tiếp phần 17