Đệ Tử Quy Chương V: Phiếm Ái Chúng (P1)
Contents
Đệ Tử Quy Chương V: Phiếm Ái Chúng (P1). Lúc trước chúng ta cũng từng nói đến thế nào thì gọi là “ái”. Ở giữa chữ “ái” có chữ “tâm”, bao bên ngoài là chữ “thụ”, nghĩa là dùng tâm để cảm nhận nhu cầu của người khác, chứ không phải khống chế người khác phải đi theo phương hướng mình muốn.
CHƯƠNG THỨ NĂM
PHIẾM ÁI CHÚNG
Chữ “phiếm” ở đây là chỉ sự rộng khắp, yêu thương rộng khắp chúng sinh, vạn vật.
Chữ “chúng” ở đây nghĩa rộng là tất cả người, sự và vật, chúng ta đều phải yêu thương.
Lúc trước chúng ta cũng từng nói đến thế nào thì gọi là “ái”. Ở giữa chữ “ái” có chữ “tâm”, bao bên ngoài là chữ “thụ”, nghĩa là dùng tâm để cảm nhận nhu cầu của người khác, chứ không phải khống chế người khác phải đi theo phương hướng mình muốn. Việc này chúng ta nhất định phải hiểu rõ ràng.
Nếu như chúng ta ép bức đối phương phải nghe lời của mình, thì đã biến thành khống chế. Đó gọi là dục vọng chứ không gọi là yêu thương. Vì vậy chúng ta phải biết đặt mình vào hoàn cảnh người khác, đồng cảm sâu sắc với hoàn cảnh của người khác.
Vậy chúng ta muốn dạy dỗ con cái phải có tâm nhân ái thì đầu tiên phải dạy chúng yêu thương ai trước? Đương nhiên trước tiên phải yêu thương người thân thiết với mình nhất là cha mẹ. Khi chúng biết yêu thương cha mẹ, thì chúng mới có thể tiếp tục dùng cái tâm đó mở rộng ra yêu thương tất cả mọi người.
Mạnh Tử có một đoạn giáo huấn rất quan trọng: “Thân thân nhi nhân dân, nhân dân nhi ái vật” (biết yêu thương cha mẹ mới yêu thương người dân, biết yêu thương người dân mới yêu thương vạn vật). Nhất định phải bắt đầu từ yêu thương cha mẹ của chính mình trước, tiếp đến mở rộng yêu thương cha mẹ của người khác, con cái của người khác. Đây chính là nhân ái với nhân dân.
Tiếp tục, từ tâm yêu thương nhân ái với nhân dân mà mở rộng yêu thương tất cả vạn vật, bao gồm động vật, thực vật và khoáng vật. Đây chính là “ái vật”. Chỉ cần thuận theo trình tự như vậy thì tâm yêu thương của trẻ sẽ không ngừng mở rộng.
Làm thế nào dạy bảo trẻ hiếu thuận? Làm thế nào dạy bảo trẻ yêu thương cha mẹ? – Đệ Tử Quy
Từ “Nhập tắc hiếu” mà dạy. Cha mẹ và thầy cô phải phối hợp, hợp tác để dạy. Việc này rất quan trọng.
Bởi vì trung tâm của chúng tôi cũng đã tiếp xúc với rất nhiều trẻ, mỗi lần chúng lên lớp đều có không khí “tương quan nhi thiện”. “Tương quan nhi thiện” chính là phương pháp quan sát và học hỏi lẫn nhau. Câu đầy đủ là “Tương quan nhi thiện chi vị ma”. Chữ “ma” ở đây chính là phương pháp quan sát và học hỏi mà hiện nay nói. Phương pháp quan sát và học hỏi đã được dạy trong “Lễ Ký” cách nay mấy nghìn năm rồi.
Khi chúng tôi đi học ở Trường Sư phạm, rất nhiều lý luận giáo dục chúng tôi đều tưởng rằng do một nhà giáo dục nào đó thời cận đại một – hai trăm năm nay nói. Sau đó tôi xem Kinh điển thì mới biết là người xưa từ mấy nghìn năm trước đã nói rồi. Nhưng Lão tổ tông của chúng ta sau khi nói xong có viết dòng chữ “sở hữu bản quyền, nghiêm cấm sao chép dưới mọi hình thức” hay không? Không có!
Bởi vì đây là chân lý của trời đất, mà chân lý thì thuộc về mọi người. Hơn nữa, họ viết ra chân lý này mục đích là muốn có thể lợi ích cho mọi người, lợi ích người đời sau, tuyệt đối không phải vì muốn khoe khoang mình rất lợi hại. Cho nên chúng ta có thể cảm nhận được văn chương mà những Thánh nhân ngày xưa viết ra đích thực xuất phát điểm là vì muốn lợi ích cho đời sau.
Chúng tôi mời những đứa trẻ đến lớp học đó lên giảng đài cũng là để luyện tập “đi thong thả, đứng ngay thẳng”, còn phải luyện tập nói chuyện “chớ nói nhanh, chớ mơ hồ” và kể ra những việc nào chúng đã hiếu thuận với cha mẹ trong tuần này. Sau khi các em chia sẻ xong, đúng lúc có một em mới lần đầu đến, nghe được rất nhiều hiếu hạnh của các anh chị lớn khiến cho trong tâm của em ấy cũng khởi lên ý nghĩ: “Về nhà nhất định phải làm một việc gì đó hiếu thảo với cha mẹ”.
Thế là sau khi em về đến nhà liền đi vào trong phòng tắm, bởi vì em nghe được có anh chị trong lớp đã giúp mẹ bưng nước rửa chân. Mọi người xem, em đã có định liệu từ trước, nhanh chóng đi bưng nước (có thể lúc đó cũng không phải buổi tối). Em rất chủ động và tích cực làm. Mẹ và con thì tâm liền tâm, người mẹ nhìn thấy động tác của con thì đã nghĩ đến việc con nhất định muốn đi lấy nước.
Cho nên người mẹ liền đi đến trước, lấy cái chậu giấu đi không cho con lấy. Vì sao vậy? Bởi vì con còn rất nhỏ, mới hơn ba tuổi nên sợ con làm đổ.
Người mẹ đã kể chuyện này với tôi. Tôi nói: “Làm đổ mới tốt chứ!”. Cô ấy liền mở to đôi mắt: “Làm sao mà làm đổ mới tốt kia chứ?”. Tôi nói: “Nếu làm đổ, thứ nhất là chị không có ngăn cản việc làm của con, như vậy mới có thể thành toàn hạnh hiếu, tâm hiếu của con. Chị không để cho con làm thì làm sao con có thể trưởng dưỡng được tâm hiếu. Hơn nữa, nếu đổ rồi thì con mới biết làm thế nào để bưng nước cho tốt.
Đó không phải là cơ hội để chị giáo dục con hay sao? Nếu không thì năng lực làm việc của con đến bao giờ mới được huấn luyện? Chị rốt cuộc muốn yêu thương, che chở con đến lúc nào đây? Che chở con đến lúc con lấy vợ sao? Hay là che chở con đến lúc chúng sinh con rồi chị cũng giúp chăm sóc con cái của chúng?”. Khi tôi vừa nói như vậy thì cô liền tiếp nhận.
Sau đó, con của cô bưng nước rửa chân thì cô vẫn để cho con làm. Từ ngày đầu tiên, người mẹ rất vui để cho đứa trẻ bưng nước, sau đó cũng khen ngợi tâm hiếu này của con. Đứa con cũng có cảm giác làm việc đó một cách trọn vẹn. Sau một tuần, cô đến nói với tôi: “Tôi đã ngâm châm trong nước lạnh gần cả tuần”. Tôi hỏi: “Vì sao vậy?”. “Bởi vì tôi sợ con bị phỏng, cho nên đã điều chỉnh nhiệt độ xuống rất thấp”.
Sau đó, khi nhìn thấy khả năng của con càng ngày càng thuần thục thì cô mới điều chỉnh nhiệt độ cao lên. Đây là phương tiện thiện xảo, rất có trí tuệ. Thứ nhất là thành toàn cho con, thứ hai là đảm bảo cho con không bị nguy hiểm. Việc này gọi là cha mẹ và thầy cô phải phối hợp. Thầy cô ở trường dạy, phụ huynh ở nhà nhất định phải khiến cho con cái có thể áp dụng thực hành. Tuyệt đối không nên đem trách nhiệm giáo dục giao hết cho thầy cô, vì như vậy là không thỏa đáng.
Dạy hiếu còn có phương pháp nào nữa không? Các vị xem, tôi rất thích đặt câu hỏi. Thói quen xấu phải không? Bên dưới có một vị nói là “lấy thân làm gương”, “vợ chồng phối hợp”. Người vợ phải nói về sự cống hiến của người chồng, chồng phải nhắc về nỗi vất vả của người vợ , thì con cái mới có thể luôn lĩnh hội được sự vất vả của cha mẹ.
Khi chúng đã biết hiếu thảo rồi thì tiến thêm một bước chúng ta nói với chúng: “Việc chú bác, như việc cha. Việc anh họ, như anh ruột”, chúng cũng sẽ biết tôn kính tất cả những người lớn.
Tiếp theo chúng ta nói với chúng: “Tất cả người lớn trong gia đình tuyệt đối không muốn con cháu của họ bị thương. Ví dụ như con bị thương thì cha mẹ cũng sẽ rất đau lòng. Những bạn khác bị thương thì cha mẹ của các bạn đó cũng sẽ rất đau lòng. Cho nên chúng ta không nên bắt nạt các bạn khác”. Nói như vậy thì chúng sẽ biết suy nghĩ cho người khác.
Tiến thêm một bước, chúng ta lại dạy bảo chúng, đối với tất cả các bậc trưởng bối các ngành các nghề đều phải nên tôn kính. Người trong xã hội quốc gia là một thể, phải hỗ trợ nhau. Quan niệm này tương đối quan trọng, bởi vì trong xã hội với chủ nghĩa chỉ biết công danh lợi lộc, dùng tiền để đo giá trị thì nhân tâm con người có thể sẽ bị lệch lạc. Phải dùng sự phụng sự, phục vụ để đo giá trị.
Bởi vậy, phải dạy trẻ từ lúc nhỏ biết tôn trọng sự phục vụ của các ngành, các nghề. Nghề nghiệp thì không có quý tiện, không nên có sự phân biệt nghề nghiệp.
Khi tôi còn đi dạy, buổi sáng hơn sáu giờ là tôi lái xe ra khỏi nhà. Khi lái xe ra khỏi nhà thì nhìn thấy con đường phía trước đều ngắn nắp, sạch sẽ. Lạ thật! Những lá cây đã đi đâu hết rồi? Đều do những nhân viên vệ sinh môi trường không biết từ lúc bốn hay năm giờ sáng đã bắt đầu quét dọn.
Cho nên tôi đã nói với các em học sinh: “Chúng ta hôm nay có được một môi trường sạch sẽ như vậy khiến cho tâm tình chúng ta rất thoải mái để làm việc, để lao động, để học tập đều là do rất nhiều người đã bỏ công sức ra. Vì vậy, khi chúng ta đối diện với người ở các ngành các nghề khác nhau đều phải giữ thái độ cảm ân”. Nếu như con cái có thể lĩnh hội được như vậy, thì dù chúng đi đến cửa hàng hay đi đến bưu điện, khi nhìn thấy những nhân viên ở đây chúng cũng sẽ chào hỏi và cảm ơn mọi người.
Một hôm, có một em học lớp bốn đi đến và nói với thầy: “Thưa thầy! Chú này mỗi ngày đều đổi nước cho chúng ta”. Bởi vì người chú đó mỗi ngày đều đi đến lớp học của chúng để thay bình nước mới, lấy bình cũ về, ngày nào cũng đều như vậy.
Đó là công việc lao động. Trên gương mặt của chú này thường xuyên mồ hôi nhễ nhại, nhưng nét mặt của chú ấy thì không có biểu lộ cảm xúc gì cả, cũng giống như người máy vậy, lặp đi lặp lại như thế. Đứa trẻ này liền nói với thầy của em: “Thưa thầy! Chú ấy rất vất vả. Chúng ta có phải nên nói lời cảm ơn chú ấy không?”.
Khi học trò nêu ra một vấn đề như vậy thì thầy cô cũng rất hoan hỷ, cũng thấy được đứa trẻ này có tâm chu đáo, tỉ mỉ, có tâm cung kính. Cho nên cả lớp đều rất hoan hỷ đồng ý là ngày hôm sau khi chú đến thì nhất định phải hỏi thăm và nói cảm ơn với chú. Ngày hôm sau chú đổi nước đến, khi chú cầm thùng nước lên thì cả lớp đều hô vang: “Chúng con chào chú!”. Chú này đột nhiên lộ rõ nét mặt kinh ngạc.
Học trò lại nói: “Xin cảm ơn chú! Chú vất vả rồi!”. Người chú này từ nét mặt kinh ngạc chuyển thành cười rạng rỡ. Từ đó về sau, khi người chú này bước vào lớp học thì nét biểu cảm như thế nào? Rất hoan hỷ, rất phấn khởi. Đích thực là: “Kính người thường được người kính lại”. Tất cả mọi người giống như tấm gương phản chiếu của chúng ta. Khi chúng ta mỉm cười với họ, tất nhiên họ cũng sẽ mỉm cười lại với chúng ta.
Cho nên khi chúng ta tôn kính sự cống hiến của các ngành, các nghề thì có thể hòa thuận, vui vẻ với nhau. Vì vậy, đối với các ngành các nghề đều phải yêu quý.
Tiếp theo, đối với những người tương đối không được quan tâm thì chúng ta hãy giúp đỡ họ nhiều hơn. Những người nào thì tương đối thiếu sự quan tâm và cần chúng ta yêu quý nhiều hơn vậy? Những người lang thang, cô nhi. Họ đều là những người tương đối kém thế và ít có năng lực.
Cho nên Khổng Lão Phu Tử ở trong quyển “ Lễ Ký”, “Lễ Vận Đại Đồng Thiên” có nhắc đến: “Thi hành đạo lớn, cả thiên hạ là của chung”. Tấm lòng của Ngài vô cùng tốt. “Người ta không chỉ lo cho người thân của mình, không chỉ lo cho con cái của mình”.
Không phải chỉ có yêu thương người thân của mình mà còn biết đặt mình vào hoàn cảnh của người khác để mà yêu thương người thân của người khác, yêu thương con cái đời sau của họ. “Người lớn tuổi có cuộc sống yên lành về già và người khỏe mạnh có chỗ dùng tới. Kính trọng và nuôi dưỡng người cô quả bơ vơ, bệnh tật”. Những người neo đơn, cô nhi quả phụ, tàn tật, v.v… chính là những người tương đối yếu thế.
Những người góa vợ, những người góa chồng, trẻ nhỏ không có cha mẹ, những người không có con cái, những người tàn tật, những người bệnh tật đều nhận được sự quan tâm của toàn thể xã hội. Chúng ta hiện tại có rất nhiều đoàn thể từ thiện xã hội cũng rất cố gắng chăm sóc những nhóm người này. Vì thế, nếu như chúng ta có thời gian rảnh rỗi cũng có thể đi làm thiện nguyện để giúp đỡ những người này. Nếu như không có thời gian, chúng ta có tiền thì quyên góp tiền, có sức thì ra sức.
Xem tiếp phần sau: Đệ Tử Quy Chương V: Phiếm Ái Chúng (P2)