9.7 C
London
Thứ Sáu, Tháng Mười Một 8, 2024
Trang chủĐệ tử quyĐệ Tử Quy Chương IV: "Lời Gian Xảo, Từ Bẩn Thỉu, Thói...

Đệ Tử Quy Chương IV: “Lời Gian Xảo, Từ Bẩn Thỉu, Thói Tầm Thường, Phải Trừ Bỏ” (P2)

Date:

Bài Viết Liên Quan

spot_imgspot_img

Đệ Tử Quy Chương IV: “Lời Gian Xảo, Từ Bẩn Thỉu, Thói Tầm Thường, Phải Trừ Bỏ” (P2)

Đệ Tử Quy Chương IV: “Lời Gian Xảo, Từ Bẩn Thỉu, Thói Tầm Thường, Phải Trừ Bỏ” (P2). Rất nhiều trẻ con thể hiện sự khôn vặt mà người lớn còn cười hớn hở, như vậy có đúng hay không? Không đúng! Vì vậy, khi con cái nói dối thì có mấy khả năng xảy ra, chúng ta cần phải quan sát. Khi chúng lần đầu vi phạm, chúng ta cần phải  rất cẩn thận.

4.1 Kinh văn – Đệ Tử Quy

“Phàm xuất ngôn, tín vi tiên. Trá dữ vọng, hề khả yên. Thoại thuyết đa, bất như thiểu. Duy kỳ thị, vật nịch xảo. Gian xảo ngữ, uế ô từ. Thị tỉnh khí, thiết giới chi”.

“Phàm nói ra, tín trước tiên. Lời dối trá, sao nói được. Nói nhiều lời, không bằng ít. Phải nói thật, chớ xảo nịnh. Lời gian xảo, từ bẩn thỉu, thói tầm thường, phải trừ bỏ”.

(Tiếp phần trước)

Rất nhiều trẻ con thể hiện sự khôn vặt mà người lớn còn cười hớn hở, như vậy có đúng hay không? Không đúng! Vì vậy, khi con cái nói dối thì có mấy khả năng xảy ra, chúng ta cần phải quan sát. Khi chúng lần đầu vi phạm, chúng ta cần phải  rất cẩn thận.

Vì Sao Trẻ Con Nói Dối?

  • Thứ nhất, vì ham muốn lợi ích mà nói dối

Con cái có thể chỉ vì ham muốn lợi ích mà nói dối.

Có một đứa bé về nhà xin cha hai đồng Nhân Dân Tệ, người cha thuận tay rút ra tờ tiền hai đồng đưa cho nó. Đứa con nói: “Cha à! Con không muốn một tờ hai đồng, con muốn hai tờ một đồng”. Người cha cảm thấy khó hiểu: “Đây là tờ hai đồng, sao phải chia ra như vậy?”. Đứa con liền nói với người cha: “Cha à! Chỉ cần một lần mang tiền đến nộp cho văn phòng, con có thể được mười điểm. Cha cho con một tờ hai đồng, con chỉ được có mười điểm. Nhưng nếu cha cho con hai tờ một đồng, con đem nộp hai lần cho văn phòng và nói là con nhặt được, vậy thì con có thể có được hai mươi điểm”. Người cha nghe đứa con nói xong thì khen: “Con trai của cha thông minh quá!”. Sau đó người cha đem chuyện này kể lại cho một vị viên chức trong ngành giáo dục nghe. Vị viên chức này nghe xong toàn thân nổi da gà. Người cha này không có sự nhạy cảm trong việc giáo dục, còn cảm thấy con mình rất thông minh. Con cái đã ngang nhiên nói dối, phụ huynh thì cảm thấy con cái biết nói dối là có bản lĩnh, vậy thì rất phiền phức rồi. Đây là một tình huống.

Hiện nay nhà trường thường có hoạt động quyên góp. Chúng ta cũng phải hướng dẫn con cái có quan niệm đúng đắn. Có một lần, nhà trường triển khai việc cứu trợ cho người nghèo. Có một bé trai muốn đóng góp. Mẹ của em hỏi em muốn đóng góp bao nhiêu? Bé trai suy nghĩ một chút rồi nói: “Bảy đồng hai hào” [Nhân Dân Tệ]. Có nhiều không? Không nhiều! Nhưng đó là toàn bộ tiền để dành của em, em muốn đem số tiền đó đóng góp, tự bản thân em đóng góp. Những bạn học khác đều do ba mẹ đóng góp và đều góp ba trăm, năm trăm, như vậy thì trong lòng của đứa bé đó sẽ như thế nào? Mình chỉ quyên góp bảy đồng hai hào. Không ai nhìn thấy được tâm chân thành của em. Cuối cùng, những người đóng góp năm trăm đồng thì được đeo một đóa hoa hồng nhỏ, một ngàn đồng thì được thắp một cây nến. Vì vậy, rất có thể chúng ta vốn là muốn làm việc thiện, nhưng trong quá trình làm như vậy có thể khiến cho con cái tăng trưởng tâm hư vinh. Hơn nữa, số tiền đó không phải là tiền của các em, mà là lấy tiền của phụ huynh. Để làm gì? Không chỉ là con cái cần sĩ diện, mà có thể là cha mẹ cũng cần sĩ diện nữa.

Có một phụ huynh đóng góp mấy ngàn đồng, nhà trường liền đeo cho cô một hoa hồng nhỏ nhưng cô không chịu: “Thiện tâm là do tôi tự nguyện làm, không phải tôi muốn khoe khoang hay được khen ngợi, hay được trao giải thưởng”. Người mẹ này rất nhạy cảm. Giả như cô ấy vênh váo tự đắc khi được gắn một hoa hồng, thì cô ấy làm sao có thể dạy con cái làm thiện không cần cho mọi người biết được. Làm việc thiện là bổn phận của mỗi người chúng ta. Cho nên muốn giáo dục có hiệu quả thì bậc làm cha mẹ, làm thầy cô cần phải cân nhắc kỹ càng, nếu không thì sẽ bị nhiễm loại hư danh này. Như vậy sẽ không tốt!

  • Thứ hai, vì chúng cảm thấy thú vị

Trẻ con nói dối rất có thể vì chúng cảm thấy thú vị.

Khi con cái mới bắt đầu nói dối một chút mà quý vị chỉ cười, chúng cũng cười, vậy chúng sẽ cảm thấy như thế nào? Rất thú vị. Quý vị xem, rất nhiều tiết mục nghệ thuật giải trí trêu đùa người khác, mọi người cười to, cho nên trẻ con cảm thấy lừa gạt được người khác thì rất vui. Đây là hướng dẫn sai lầm.

Đệ Tử Quy Chương IV: "Lời Gian Xảo, Từ Bẩn Thỉu, Thói Tầm Thường, Phải Trừ Bỏ" (P2)
Đệ Tử Quy Chương IV: “Lời Gian Xảo, Từ Bẩn Thỉu, Thói Tầm Thường, Phải Trừ Bỏ” (P2)

Chúng ta cũng đã quen thuộc với câu chuyện “Chó Sói Đến”. Câu chuyện này quý vị kể cho các cháu học mẫu giáo nghe thì rất có hiệu quả. Quý vị kể với chúng là có một đứa bé chăn một bầy cừu, vì cảm thấy rất nhàm chán nên đứa bè này liền la lớn: “Chó sói đến! Chó sói đến!”. Người dân nơi đó rất thật thà chất phác, cũng muốn giúp đỡ người khác, cho nên mọi người đều đến giúp đứa bé đuổi chó sói đi, nhưng kết quả là chẳng thấy chó sói đâu. Đứa bé nhìn thấy mọi người vội vàng đến như vậy thì đứng đó cười. Cuối cùng dân làng đều bỏ về. Lần thứ hai đứa bé lại giở trò đùa, lại gạt mọi người. Lần này mọi người đến không nhiều như lần trước, nhưng cũng không ít người đến. Lại thấy đứa bé giở trò đùa, cho nên dân làng lại ra về. Lần thứ ba thì chó sói thật sự đến. Lúc đó đứa bé la lớn: “Chó sói đến! Chó sói đến!”, nhưng có ai đến không? Không có ai đến. Này các bạn nhỏ, không có ai đến thì bầy cừu sẽ như thế nào? Đứa bé sẽ như thế nào? Phần bị ăn thịt chúng ta không cần phải kể, hãy để cho bọn trẻ tự suy nghĩ. Khi các em cảm nhận được hậu quả quá kinh khủng, chúng sẽ nhớ rất sâu. Nếu như trẻ con vì đùa giỡn mà nói dối thì chúng ta nhất định phải ngăn cản kịp thời, không để tái phạm.

  • Thứ ba, vì muốn khoe khoang tài năng mà nói dối

Trẻ con có thể vì muốn khoe khoang tài năng nên nói dối. Chúng ta cần phải theo dõi kịp thời.

Bởi vì chúng muốn khoe khoang nên lời nói rất là phô trương. Nếu quý vị chú ý lắng nghe thì sẽ thấy có những đứa trẻ tám tuổi, chín tuổi, mười tuổi cũng biết so sánh: Nhà tôi có máy tính, có máy ảnh kỹ thuật số, v.v… càng nói thì càng khoe khoang. Chúng ta làm giáo viên phải cẩn thận, phải kịp thời ngăn chặn.

Thời nhà Tống có một vị quan nổi tiếng là Tư Mã Quang. Có một lần ông cùng với chị gái thi nhau tách vỏ hạt óc chó nhưng ông tách rất chậm. Người giúp việc liền nói với ông: “Cậu ngâm qua nước nóng thì rất dễ tách”. Tư Mã Quang liền đi lấy nước nóng để ngâm. Lúc đó thì người chị đi ra ngoài, một lúc sau quay lại, nhìn thấy em mình tách vỏ rất dễ dàng liền hỏi: “Em à! Sao em tách vỏ giỏi quá vậy? Ai chỉ cho em vậy?”. Tư Mã Quang nói: “Là tự em biết”. Đúng lúc đó, cha của ông đi ngang qua.

Nếu như quý vị là cha thì quý vị sẽ như thế nào? Có nhiều lúc chúng ta không để ý nên quên chuyện này đi. Đứa trẻ đã nói dối được một lần thì sau này sẽ như thế nào? Nói dối một lần thì sẽ có lần thứ hai. Bởi vì đứa trẻ đã bộc lộ khả năng [nói dối của mình] mà không bị phát hiện, đứa trẻ sẽ cho rằng bản thân mình rất tài giỏi. Như vậy thì phiền phức rồi. Cho nên cha của ông liền nói với ông: “Có khả năng như thế nào thì nói như thế đấy, không phải chính mình biết cách tách vỏ thì tuyệt đối không nên khoe khoang”. Lần đầu phạm lỗi đã bị cha nghiêm khắc quở trách. Đây là cách dạy dỗ đúng đắn. Suốt cuộc đời của Tư Mã Quang sau này vô cùng thẳng thắn, vô tư. Ông cũng đã từng nói là: “Bình sinh sở vi chi sự, vô hữu bất khả ngữ nhân giả” (những việc đã làm trong cuộc đời này, không có việc nào mà không thể không để cho người khác biết). Đây là kết quả. Chúng ta cũng phải xem lại nguyên nhân là do cha mẹ dạy dỗ đúng đắn, kịp thời, nhất định không phải là ngẫu nhiên. Đây là tình huống muốn thể hiện khả năng.

Có thể vì muốn che dấu lỗi lầm nên nói dối.

Rất nhiều trẻ em khi phạm sai lầm thì rất lo lắng, sợ bị người lớn phát hiện. Có một lần, một học trò làm hỏng cái giá quần áo. Thật ra cái giá quần áo đó bị hỏng có dễ sửa không? Sửa một chút là xong liền. Nhưng em đó không biết nên rất lo lắng, sợ bị phạt. Vì vậy em nói với bạn học ở bên cạnh: “Bạn đừng kể chuyện này cho cô giáo nghe nhé!”. Đúng lúc đó cô giáo đang ở bên cạnh nên cô liền đi đến. Em đó giật thót cả người. Đứa trẻ vẫn còn nhỏ, chỉ cần quý vị dạy chúng đúng lúc thì chúng sẽ lập tức thay đổi quan niệm. Cô giáo nói với em: “Lỗi vô ý, gọi là sai; lỗi cố ý, gọi là tội. Em làm hỏng cái giá quần áo không nghiêm trọng, nhưng không thưa lại với cô giáo mới là nghiêm trọng, sau này cô sẽ không tin tưởng em nữa. Vì vậy, em làm sai thì phải thừa nhận. Biết sửa lỗi, không còn lỗi”. Sau đó cô giáo nói tiếp: “Em phạm sai lầm thì hãy sửa sai, đồng thời có thể học cách làm thế nào để sửa lại cho tốt”. Cô giáo cũng rất kiên nhẫn cùng với em đó sửa lại cái giá quần áo. Cơ hội giáo dục này chúng ta phải nắm lấy, thì trẻ em có thể từ đó hình thành được thái độ đúng đắn. Cho nên khi trẻ em che giấu lỗi lầm, chúng ta cần phải quan sát kỹ càng, không nên để chúng hình thành những thói quen xấu.

  • Cuối cùng là do ảnh hưởng từ cha mẹ

Có một bộ phim tên là “Điện thoại di động”. Trong phim “Điện thoại di động” có thống kê một số liệu: Một người đã trưởng thành một ngày trung bình nói dối hai mươi lăm lần. Mỗi ngày người lớn nói dối nhiều lần như vậy thì trẻ em cũng ngầm bị ảnh hưởng theo. Ví dụ khi người mẹ nhận điện thoại, đứa con và người cha đang ở đó, nhưng người mẹ nhấc điện thoại lên nói: “Chồng tôi không có ở nhà”. Đứa con sẽ nghĩ: “Cha có ở nhà sao mẹ lại nói không có ở nhà?”. Đứa con nghe mà cảm thấy khó hiểu. Vì vậy, ở những nơi có trẻ em thì người lớn tuyệt đối không nên nói dối. Ở nơi không có trẻ em, người lớn cũng không nên nói dối.

Trước đây, chúng tôi có nói đến một quan niệm là phải học cách từ chối. Quý vị nếu không học được cách từ chối, người khác sẽ không biết tiêu chuẩn làm người và nguyên tắc sống của quý vị như thế nào. Chỉ cần từ chối những điều đáng từ chối thì bạn bè của quý vị cũng sẽ thuận theo nguyên tắc sống của quý vị. Cần gì phải che giấu? Che giấu vừa mệt mà sau đó còn bị người ta hiểu lầm nói: “Tại sao anh không giữ chữ tín vậy?”, hoặc là: “Tại sao anh lại trốn tôi?”. Như vậy làm cho sự việc vốn đơn thuần trở thành quá phức tạp.

Chúng ta cần phải chú ý những tình huống nói dối của con cái.

Nếu trong lời nói, việc làm có thể giữ được chữ “tín”, thì con trẻ chắc chắn sẽ có sự phát triển rất tốt khi ra ngoài xã hội sau này. Tôi có một người bạn. Lúc nhỏ, người bạn này nhìn thấy người khác ăn kem, không nhịn được sự hấp dẫn liền đi trộm một ít tiền của cha để mua kem ăn. Cặp mắt của người cha bạn này cũng rất tinh tường. Khi nhìn thấy, người cha liền đi theo đứa con xem kết quả thế nào. Anh ấy mua xong, chuẩn bị ăn cho thỏa thích, ngẩng mặt lên thì nhìn thấy cha của mình. Thế là anh run lẩy bẩy. Người cha không nói lời nào, dẫn anh ta về nhà treo lên, dạy dỗ một trận nhớ đời. Chúng ta chú ý, anh ấy bị cha “cho một trận” này, sau này anh ta còn dám như vậy nữa không? Không còn. Lần đầu tiên đã làm cho anh ta ghi nhớ thì suốt đời anh ấy sẽ không quên. Người cha đánh đến nỗi, khi đi ngang qua chỗ để tiền thì anh ấy run lẩy bẩy, không dám hành động thiếu suy nghĩ nữa.

Sau này anh ấy lớn lên, đi làm việc ở nơi khác, cách nhà một đoạn. Anh ấy ở trọ nhà của ông chủ. Khi ở trọ, buổi sáng thức dậy anh ấy cũng phụ giúp công việc quét dọn. Trong khi quét dọn, chợt anh ấy phát hiện dưới đất có 100 đồng Nhân Dân Tệ, 200 đồng Nhân Dân Tệ, anh ấy liền nhặt lên đưa cho bà chủ. Sau một thời gian, thật kỳ lạ là lại có 300 đồng Nhân Dân Tệ, 500 đồng Nhân Dân Tệ bị đánh rơi. Anh lại nhặt lên rồi đưa cho bà chủ. Anh nói đã từng nhặt được nhiều nhất là hơn một ngàn đồng Nhân Dân Tệ.

Anh làm việc ở công ty này, tuy học lực của anh không cao, nhưng ông chủ đều phá lệ tạo cơ hội cho anh tham gia các khóa bồi dưỡng. Đa số đều là sinh viên đại học mới được tham gia các khóa bồi dưỡng, nhưng ông chủ đều cho anh tham gia. Anh ấy phục vụ ở công ty này rất nhiều năm, biểu hiện cũng rất tốt.

Sau này anh ấy muốn ra mở tiệm riêng nên đến chào từ biệt ông chủ. Ông chủ liền mời anh ăn cơm, đãi tiệc chia tay anh. Ăn cơm xong, anh nói với ông chủ: “Tôi có một chuyện xin được hỏi ông: Vì sao ở nhà ông tôi luôn nhặt được tiền vậy?”. Ông chủ liền cười nói: “Anh là người ngoài đến nhà tôi ở. Tôi làm sao biết được phẩm hạnh của anh như thế nào. Số tiền đó là do tôi cố ý đánh rơi”. Nếu như một người có đức hạnh không tốt, thì rất có thể trong một thời điểm nào đó sẽ đánh mất đi cơ hội tốt. Vì vậy, chữ “tín” quan trọng giống như tính mạng của một người vậy. Cho nên “lời gian xảo, từ bẩn thỉu, thói tầm thường, phải trừ bỏ”.

Xin mời xem tiếp phần sau: “Thấy chưa thật, chớ nói bừa”

 

PHẬT TỬ THẤY TỐT, CÓ ÍCH CHO NGƯỜI CHO MÌNH XIN CHIA SẺ BÀI VIẾT
NAM MÔ QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT
Ngưỡng nguyện Đức Bồ-tát Quán Thế Âm gia hộ cho kẻ mù Được thấy, kẻ Điếc Được nghe, người Đau khổ Được an vui.
--------------------------------------
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Nam Mô A Di Đà Phật
--------------------------------------

Subscribe

- Never miss a story with notifications

- Gain full access to our premium content

- Browse free from up to 5 devices at once

Bái viết mới nhất

spot_img