Đệ Tử Quy Chương III: “Mũ Phải Ngay, Nút Phải Gài”
Contents
Đệ Tử Quy Chương III: “Mũ Phải Ngay, Nút Phải Gài”. Chúng ta phải luôn kiểm tra mũ đội có bị lệch không, quần áo đã cài cẩn thận chưa. Nếu không, khi bị tuột xuống thì rất phiền phức. Sau đó giày cũng phải buộc chặt, không được lỏng lẻo vì khi đi sẽ phát ra âm thanh, người ta thấy sẽ xem thường quý vị.
3.3 Kinh văn – Đệ Tử Quy
“Quan tất chính, nữu tất kết. Miệt dữ lý, câu khẩn thiết”.
“Mũ phải ngay, nút phải gài. Vớ và giày, mang chỉnh tề”.
Điều này là nói đến dung mạo của một người cần phải đoan trang. Nếu như hôm nay tôi đứng giảng ở đây, phía trước có hai nút không gài, quý vị sẽ thấy như thế nào? Có thể rất nhiều người sẽ bỏ đi và nói: “Đến cả việc mặc quần áo cũng không biết thì giảng cái gì chứ”. Vì vậy, người xưa rất chú trọng dung mạo, họ luôn nhắc nhở bản thân mình phải “tam chánh/chính”:
- Thứ nhất, đội mũ phải ngay ngắn.
- Thứ hai, mặc quần áo phải ngay ngắn.
- Thứ ba, đi giày dép phải ngay ngắn.
Chúng ta phải luôn kiểm tra mũ đội có bị lệch không, quần áo đã cài cẩn thận chưa. Nếu không, khi bị tuột xuống thì rất phiền phức. Sau đó giày cũng phải buộc chặt, không được lỏng lẻo vì khi đi sẽ phát ra âm thanh, người ta thấy sẽ xem thường quý vị.
Có một lần tôi đi dạy nhưng thời gian tương đối gấp. Ở Hải Khẩu có một phương tiện giao thông gọi là xe ôm, quý vị có nghe qua chưa ạ? Xe ôm có nghĩa là motorcycle, giống như xe taxi vậy, người lái xe mô tô chở theo một người khách ngồi phía sau. Tôi lập tức gọi một chiếc xe ôm đi nhanh đến hội trường để giảng bài.
Sau khi đến nơi tôi liền vào dạy cho kịp giờ. Dạy xong tôi liền đi vào nhà vệ sinh. Vừa nhìn vào gương thì thấy tóc của tôi đều dựng đứng lên, bởi vì lúc ngồi xe gió thổi liên tục. Tôi ở đó giảng bài hai tiếng đồng hồ mà không có ai nói với tôi. Tôi liền nói với các giáo viên ở trung tâm đó: “Sao quý vị không nhắc tôi vậy, hại tôi bị thất lễ suốt hai giờ đồng hồ”. Cho nên, chúng ta phải luôn luôn cẩn thận dung mạo thì mới không có việc thất lễ như vậy.
Vào thời đại Xuân Thu, có một vị đại thần nước Tấn tên là Triệu Tuyên Tử. Lúc đó Tấn Linh Công giữ ngôi vua. Tấn Linh Công tuổi còn nhỏ, không chịu nghe lời, không biết thương yêu nhân dân. Triệu Tuyên Tử rất trung thành, luôn luôn thẳng thắn khuyên bảo nhà vua.
Cuối cùng Tấn Linh Công có ý niệm xấu, phái sát thủ Tư Nghê – một người rất khỏe mạnh đi ám sát Triệu Tuyên Tử. Thời gian họp triều thường vào lúc sáng sớm, cho nên trước thời gian họp triều buổi sáng, Tư Nghê liền đến nhà của Triệu Tuyên Tử. Bởi vì Triệu Tuyên Tử dậy từ rất sớm, ông đã mặc triều phục rất chỉnh tề, ngồi nghiêm chỉnh và đang nhắm mắt dưỡng thần.
Dung mạo, oai nghi của ông làm cho Tư Nghê vừa thấy đã vô cùng cảm động. Tư Nghê nghĩ: “Triệu Tuyên Tử này ở nơi không ai thấy mà đã cung kính như vậy thì chắc chắn khi có người nhất định vô cùng nghiêm túc giải quyết chuyện quốc gia, đối với người khác sẽ vô cùng khiêm tốn, cung kính. Người như vậy chắc chắn là trụ cột của quốc gia, là chủ nhân của nhân dân, ta không thể giết ông ấy. Nếu giết ông ấy, ta là người bất trung”.
Nhưng vì giết Triệu Tuyên Tử là nhiệm vụ do vua giao, nếu như ông không làm thì ông không giữ chữ tín, vì vậy Tư Nghê đập đầu vào gốc cây Hòe tự sát ngay tại chỗ. Từ câu chuyện này chúng ta có thể nhận thức được, khi một người dáng vẻ đoan chính thì có thể có được sự tôn kính của người khác đối với họ. Thái độ cung kính như vậy đã cứu được mạng sống của Triệu Tuyên Tử. Vì vậy, chúng ta phải nên cẩn thận đối với những chi tiết trong cuộc sống.
Dung mạo đoan chính của một người là điều vô cùng quan trọng. Khi quý vị xem trọng dung mạo của mình, thì mọi người sẽ tôn trọng quý vị hơn. Khi chúng ta ăn mặc quá kì quái, lập dị thì không chỉ làm cho người khác xem thường chúng ta, mà có thể tạo nên nếp sống không tốt cho xã hội.
Cho nên, việc ăn mặc của những nhân vật công chúng vô cùng quan trọng. Nếu như họ ăn mặc quá hở hang thì có thể dẫn đến nếp sống không tốt của toàn xã hội. Do đó, nhân vật của công chúng phải nên suy nghĩ cẩn thận đến sự ảnh hưởng của mình đối với xã hội, nên phải cẩn thận hơn về hành vi của mình mới đúng.
Bậc làm cha mẹ ăn mặc cũng làm tấm gương để cho con cái học theo. Nếu như người mẹ ăn mặc quá hở hang, con cái từ nhỏ đã nhìn quen mắt, sau này chúng cũng sẽ ăn mặc hở hang. Như vậy đối với chúng sẽ không tốt, sẽ làm cho rất nhiều người khinh thường chúng, thậm chí còn gây nguy hiểm cho chúng. Bởi vậy, ăn mặc không thể không thận trọng.
Cách ăn mặc của một người thật sự sẽ ảnh hưởng đến trạng thái nội tâm của người đó. Ví dụ như ở nước ngoài, thậm chí một số nơi quan trọng có quy định rằng phải ăn mặc trang trọng thì mới có thể vào những nơi mang tính quốc tế như vậy. Một số chương trình biểu diễn quan trọng cũng quy định như vậy.
Ví dụ khi chúng ta đi đến Trung Tâm Văn Hóa, nếu ăn mặc đoan trang thì khi xem chương trình, chúng ta cũng sẽ rất chăm chú. Nếu như quý vị đi dép lê, mặc quần đùi đi xem thì không thích hợp. Khi chúng ta ăn mặc chỉnh tề thì trong tâm cũng sẽ cung kính. Nhưng nếu chúng ta đi leo núi thì có thể mặc giống như tôi đang mặc hiện giờ không? Giống như tôi thì lại không thích hợp, bởi vì khi leo núi thì phải thoải mái, lúc này cần phải ăn mặc cho phù hợp.
Trong giới kinh doanh, có ông Joe Girad kinh doanh xe rất tốt. Có một lần đang ngủ ở nhà, ông đột nhiên giật mình tỉnh giấc chạy nhanh đến trước gương và bắt đầu mặc đồ vest, đeo cà vạt. Sau khi mặc xong thì ông cung kính cầm điện thoại lên gọi cho khách hàng. Khi nói chuyện với khách xong, đặt điện thoại xuống, tháo cà vạt, cởi đồ vest ra và lại chui vào trong chăn ngủ. Vợ ông thấy vậy liền nói: “Anh bị làm sao vậy?”.
Ông Girard liền nói với vợ: “Tuy khách hàng không nhìn thấy anh mặc như vậy, nhưng giả như anh ăn mặc tùy tiện thì trong lời nói của anh cũng sẽ tùy tiện, họ có thể cảm nhận được. Giả như anh vô cùng thận trọng, mặc đồ vest ngay ngắn thì thái độ này sẽ từ trong lời nói truyền đạt đến họ”.
Cho nên, thật sự việc ăn mặc cũng sẽ ảnh hưởng đến trạng thái tâm lý của một người. Đương nhiên khi ông ấy đã hình thành thói quen này rồi, mỗi khi ông đối diện với khách hàng nhất định sẽ rất cung kính, bởi vì ngay cả khi khách hàng không nhìn thấy mà ông cũng cung kính như vậy. Đây là lời nói đi đôi với việc làm.
Rất nhiều sinh viên đại học đi phỏng vấn thường đều không được tuyển dụng. Cô Dương cũng đã gặp được rất nhiều sinh viên đại học, thậm chí là nghiên cứu sinh ưu tú, học lực rất tốt, nhưng đều không tìm được việc làm. Sau đó cô Dương hướng dẫn cho họ cách ăn mặc và họ đã tìm được việc làm. Vì vậy, cho dù có tài giỏi mà khi đi phỏng vấn xin việc ăn mặc không phù hợp thì có thể bị mất cơ hội này.